Viên chưởng ấn Xécghiê tìm mấy lần vẫn không thấy chuông ở đâu để rung lên, như ngày trước vẫn quen làm
– Không thể nghĩ nổi việc mấy câu nói kia đã tác động lên nét mặt của vua Louis XIII thế nào. Mặt nhà Vua hết đỏ lên rồi lại tái đi và Giáo chủ thấy ngay mình chỉ bằng một đòn đã chiếm lại được địa bàn đã mất.
Nhà Vua hét lên:
– Ông Buckingham ở Paris. Và hắn đến để làm gì?
– Chắc hẳn là để âm mưu với lũ kẻ thù của Hoàng thượng, bọn giáo phái Canvanh và bọn Tây Ban Nha…
– Không, chó chết, không? Âm mưu chống lại danh dự của ta, cùng với lũ bà De Chevreuse, bà Lônggơvin và bọn Côngđê(1) ư?
– Ồ tâu Hoàng thượng, Ngài nghĩ gì vậy? Hoàng hậu quá khôn ngoan và nhất là quá yêu Hoàng thượng.
– Giống đàn bà họ mềm yếu, ngài Giáo chủ ơi, còn về việc quá yêu ta, ta cũng có ý kiến riêng của ta về mối tình đó rồi.
Giáo chủ nói:
– Thần cũng không đến mức cho rằng Huân tước De Buckingham đã đến Paris vì một dự định hoàn toàn chính trị.
– Còn ta, ta đoán chắc hắn đến vì một chuyện khác, Giáo chủ ạ. Nhưng nếu Hoàng hậu phạm tội, bà ấy hãy liệu hồn.
– Thật ra – Giáo chủ nói – Dù thấy ghê tởm khiến thần phải dừng ngay không dám nghĩ đến sự phản bội như vậy, nhưng Hoàng thượng làm thần vẫn phải nghĩ tới nó. Bà De Lanoa mà theo lệnh của Hoàng thượng thần đã hỏi nhiều lần, đã nói với thần sáng nay rằng đêm qua Hoàng hậu đã khóc rất nhiều và bà viết suốt ngày.
– Chính thế đó – nhà Vua nói – hẳn là viết cho hắn. Giáo chủ, ta muốn có những giấy tở của Hoàng hậu.
– Tâu, nhưng làm thế nào lấy được? Hình như không những chỉ thần mà cả Hoàng thượng cũng không thể đảm nhiệm một việc như thế
– Thế người ta đã làm thế nào với bà Thống chế De Ăngcrơ?
Nhà Vua hét lên giận dữ đến tột cùng:
– Người ta lục soát hòm tư của bà ta, cuối cùng lục soát cả chính người bà ta đấy thôi.
– Bà Thống chế De Ăngcrơ chỉ là bà Thống chế De Ăngcrơ, một mụ Florăng(2) phiêu bạt, có thế thôi, tâu Hoàng thượng. Còn như phu nhân tôn kính của Hoàng thượng, là Anne d’ Autriche, Hoàng hậu của nước Pháp, nghĩa là một trong những bà Hoàng hậu bậc nhất của thế giới.
– Bà ta chỉ tổ nặng tội thêm, Giáo chủ ạ! Càng quên địa vị cao sang mình được đặt lên bao nhiêu, bà ta càng bị hạ bệ tồi tệ bấy nhiêu. Vả lại, từ lâu ta đã quyết định thanh toán tất cả những âm mưu nhỏ nhen về chính trị và ái tình ấy. Bà ta cũng có một kẻ đồng lõa La Porte nào đó…
Giáo chủ nói:
– Thần thú thật, thần tin rằng hắn là kẻ chủ chốt trong mọi việc.
Nhà Vua hỏi:
– Vậy cũng như ta, ông nghĩ bà ta lừa dối ta chứ?
– Thần tin, và thần xin nhắc lại với Hoàng thượng rằng Hoàng hậu âm mưu chống lại quyền lực của nhà Vua, nhưng thần không nói chống lại danh dự của Hoàng thượng.
– Còn ta, ta nói với ông rằng chống lại cả hai. Ta đã nói với ông rằng Hoàng hậu không yêu ta, ta nói với ông bà ta yêu một kẻ khác, ta nói với ông bà ta yêu cái tên Buckingham bỉ ổi đó?
– Tại sao ông không cho bắt giữ hắn lúc hắn ở Paris?
– Bắt ông Công tước! Bắt giữ Thủ tướng của Nhà Vua Charles đệ nhất? Hoàng thượng có nghĩ đến điều đó không? To chuyện biết mấy! Và nếu như những ngờ vực của Hoàng thượng cái điều mà thần vẫn chưa tin đâu, lại có cơ sở nào đấy, thì thật tai tiếng khủng khiếp! Một sự bê bối thật đáng xấu hổ!
– Nhưng một khi hắn bất cần đời như một kẻ lang thang và một thằng ăn cắp, thì phải…
Louis XIII tự dừng lại, sợ ngay cả điều mình sắp nói ra, còn Richelieu thì ngỏng cổ ra ngóng đợi cái điều bị ngưng lại trên đôi môi của nhà Vua.
– Thì phải sao ạ?
– Chẳng sao cả – Nhà Vua nói – Nhưng trong suốt thời gian hắn ở Paris, ông không rời mắt khỏi hắn chứ?
– Không ạ.
– Hắn cư trú ở đâu?
– Số nhà 75 phố Đàn Thụ cầm.
– Phố ấy ở chỗ nào nhỉ?
– Cạnh vườn Luxembourg.
– Và ông chắc Hoàng hậu và hắn không gặp nhau?
– Thần nghĩ Hoàng hậu quá gắn bó với nghĩa vụ của mình.
– Nhưng họ đã liên lạc với nhau, Hoàng hậu viết suốt ngày chính là cho hắn, ông Quận công ạ, ta phải có được những bức thư đó?
– Tâu Bệ hạ, thế nhưng…
– Ông Quận công, ta muốn có những thư đó với bất cứ giá nào.
– Tuy nhiên thần xin lưu ý Bệ hạ…
– Ông cũng phản ta ư, ông Giáo chủ, mà cứ luôn chống lại những ý nguyện của ta thế? Ông cũng tán đồng với bọn Tây Ban Nha, bọn Anh, với bà De Chevreuse, với Hoàng hậu ư?
Giáo chủ thở dài:
– Tâu Bệ hạ, thần tin không đáng bị nghi ngờ như thế.
– Ông Giáo chủ, ông nghe ta nói rồi đấy, ta muốn những bức thư đó.
– Có lẽ chỉ có một cách.
– Cách nào?
– Sẽ trao nhiệm vụ ấy cho viên chưởng ấn Xécghiê. Việc ấy sẽ được hoàn toàn đặt trong chức trách của ông ta.
– Cho tìm ngay ông ta đi!
– Ông ta chắc đang ở chỗ thần, thần đã sai người yêu cầu ông ấy đến và khi thần đi đến điện Louvre, đã dặn lại, nếu ông ta đến thì cứ chờ ở đó.
– Đi tìm ông ấy đến ngay đi!
– Lệnh của Hoàng thượng sẽ được thi hành, nhưng…
– Nhưng sao?
– Nhưng có thể Hoàng hậu sẽ không chịu tuân…
– Lệnh của ta ư?
– Vâng, nếu bà không biết lệnh ấy là của Nhà Vua.
– Thôi được, để bà ấy khỏi nghi ngờ, chính ta đến báo cho bà ấy biết.
– Hoàng thượng sẽ không quên rằng thần đã làm tất cả những gì mà thần có thể làm để ngăn ngừa một sự tan vỡ.
– Phải, Quận công ạ, ta biết ông rất độ lượng với Hoàng hậu, có lẽ quá độ lượng đấy. Và ta báo cho ông biết, sau này chúng ta sẽ có chuyện để nói về việc ấy đấy.
– Khi nào việc ấy làm vui lòng Hoàng thượng. Nhưng thần sẽ luôn sung sướng và tự hào được xả thân vì sự thuận hòa mà thần ao ước được duy trì giữa Hoàng thượng và Hoàng hậu nước Pháp.
– Tốt, Giáo chủ, tốt, nhưng trong khi chờ đợi, hãy cho đi tìm chưởng ấn đến đây, còn ta, ta đến chỗ Hoàng hậu.
Và Louis XIII mở cửa bên đi vào hành lang thông từ chỗ Ngài đến phòng Anne d’ Autriche.
Hoàng hậu đang ở giữa đám phu nhân tùy tùng, bà De Ghitô, bà De Xablê, bà De Môngtazông và bà De Ghêmơnê.
Trong một góc là thị nữ hầu phòng Tây Ban Nha Đônha Stéphanie, đi theo Hoàng hậu từ Madris. Bà De Ghêmơnê đọc sách và mọi người đang chăm chú lắng nghe, chỉ trừ có Hoàng hậu, người đã bày vẽ ra việc đọc sách này cốt để có thể, trái lại vừa giả vờ lắng nghe vừa thả theo những suy nghĩ riêng của mình.
Những ý nghĩ ấy hết thảy đều nạm vàng bởi một ánh hồi quang tình ái, vẫn không kém phần sầu não. Anne d’ Autriche không được chồng tin cậy, bị lòng hận thù của Giáo chủ đeo đuổi, người không thể tha thứ cho nàng vì đã không thèm có một tình cảm, dịu dàng hơn, trước mắt nàng là tấm gương của thái hậu mà mối hằn thù đó đã làm thái hậu, Marie de Médicis(3) điên đảo suốt đời, cho dù thái hậu, nếu như tin vào những hồi ký thời đó, lúc đầu đã ban cho Giáo chủ thứ tình cảm mà Anne d’ Autriche rốt cuộc vẫn từ chối ông ta. Anne d’ Autriche đã nhìn thấy rơi rụng quanh mình những bầy tôi trung thành nhất, những người tri kỷ tâm đắc nhất, những người sủng ái thân quý nhất của mình. Giống như những kẻ khốn khổ ấy được phú cho một thiên tư bi thảm, nàng chỉ đem bất hạnh đến cho tất cả những gì nàng tiếp xúc. Tình bạn bè của nàng là một dấu hiệu định mệnh dẫn đến sự ngược đãi. Bà De Chevreuse và bà De Vécnê bị lưu đày. Cuối cùng ông La Porte cũng không giấu nữ chủ nhân của mình ông vẫn đợi trước sau gì cũng bị bắt. Chính lúc nàng đang đắm chìm trong những ý nghĩ sâu xa nhất và u ám nhất ấy thì cửa phòng mở và Nhà Vua đi vào.
Người đọc sách im ngay tức khắc, tất cả các bà đều đứng dậy, căn phòng im phăng phắc.
Còn Nhà vua, ông không hề có một biểu hiện lịch sự nào, mà chỉ dừng lại trước Hoàng hậu và lạc giọng nói:
– Thưa bà, bà sắp được ông chánh án tối cao(4) đến thăm, ông ta sẽ thông báo với bà một số công việc mà tôi đã ủy nhiệm cho ông đó.
Bà Hoàng hậu khốn khổ, mà người ta không ngừng đe dọa ly dị, lưu đầy và cả xét xử, tái mặt đi dưới lớp phấn hồng và không ngàn nổi nói ra:
– Nhưng tại sao lại có cuộc thăm viếng đó, tâu Hoàng thượng? Ông chánh án tối cao sẽ nói với tôi điều gì mà Hoàng thượng không thể tự mình nói với tôi được?
Nhà Vua quay gót không trả lời, và hầu như cùng lúc đó, đại úy quân cận vệ, ông De Ghitô thông báo cuộc viếng thăm của ông chánh án tối cao.
Khi ông ta hiện ra thì Nhà Vua đã ra khỏi bằng một cửa khác.
Viên chánh án đi vào, nửa tươi cười nửa ngượng ngùng. Vì có thể chúng ta sẽ lại thấy ông trong câu chuyện này, không có gì đáng ngại để ngay từ bây giờ làm quen với ông ta.
Viên chánh án là một con người kỳ dị. Chính ông De Rốtsơ Lơ Malơ, giáo chức ở nhà thờ Đức Bà, trước kia từng là hầu phòng cho Giáo chủ, đã tiến cử ông ta với Đức ông như một con người hết mực trung thành. Giáo chủ tin cậy ngay và thấy rất hài lòng.
Người ta kể về ông ta nhiều chuyện trong đó có những chuyện sau: Sau một thời trai trẻ phong ba, ông ta rút lui vào một tu viện để ăn năn hối lỗi, ít nhất trong một khoảng thời gian nào đó, về những thói điên rồ của tuổi thanh xuân. Nhưng vào nơi đất thánh, kẻ sám hối không thể đóng lại thật nhanh cánh cửa, khiến những đam mê mà ông ta chạy trốn lại vào cùng với ông. Ông bị chúng ám ảnh mãi không thôi, và vị bề trên được ông thổ lộ điều bất hạnh đó, rất mong bảo vệ ông tránh khỏi những đam mê đó đã khuyên ông để tống khứ được con quỷ cám dỗ, hãy cầu cứu cái dây thừng kéo chuông, và khua lên cho hết cỡ. Nghe tiếng chuông tố giác, các thày tu sẽ được báo trước sự cám dỗ đang bao vây một đạo hữu, và tất cả giáo đoàn sẽ lên tiếng cầu nguyện.
Lời khuyên có vẻ tốt đối với tương lai ông chánh án tối cao. Ông ta giải trừ tâm tính ma quái dựa vào sự hỗ trợ lớn lao của những lời nguyện của các thày tu. Nhưng con quỷ không dễ để bị tước mất cái vị trí mà nó đã dồn trú. Dần dần người ta tăng gấp đôi những lễ trừ tà, con quỷ cũng tăng gấp đôi cám dỗ, đến nỗi ngày đêm chuông cứ réo lên hết cỡ, thông báo nỗi khát khao cực điểm được hành xác mà kẻ ăn năn đang thể nghiệm.
Các thầy tu không còn nổi một phút nghỉ ngơi. Ban ngày, họ chỉ còn việc lên lên xuống xuống chiếc cầu thang dẫn đến tiểu giáo đường. Ban đêm, ngoài những lề lối và lễ sớm, họ còn buộc phải nhảy từ trên giường xuống hai chục lần quỳ xuống gạch lát nền phòng tăng để cầu nguyện.
Người ta không biết liệu con quỷ đã buông tha hay các thày tu đã mệt mỏi, nhưng khoảng ba tháng sau, kẻ ăn năn lại tái hiện trong thế tục, mang theo những tiếng tăm khủng khiếp nhất, chưa từng thấy bao giờ.
Ra khỏi tu viện, ông ta vào ngành tòa án, trở thành chánh tòa án thế chân ông chú, ôm chân đảng phái của Giáo chủ, điều đó không chứng tỏ ông ít sáng suốt, rồi trở thành chánh án tối cao nhiệt tình phục vụ Đức ông trong mối căm hận chống lại Thái hậu Marie de Médicis và mối thù chống lại Anne d’ Autriche, kích động các thẩm phán chống lại Hầu tước de Salê(5) nhà sản xuất túi dết lớn của nước Pháp, rồi cuối cùng chiếm được sự tin tưởng hoàn toàn của giáo chủ, nên đã đạt đến việc được nhận một nhiệm vụ kỳ quặc và ông đang có mặt ở chỗ Hoàng hậu để thực hiện nhiệm vụ đó.
Khi ông ta vào Hoàng hậu còn đang đứng, nhưng vừa thấy ông ta, nàng liền ngồi xuống chiếc ghếbành của mình và ra hiệu cho các bà cũng ngồi xuống những tấm nệm và ghế đẩu của họ, rồi bằng một giọng tối kiêu kỳ hỏi ông ta:
– Ông muốn gì và ông có mặt ở đây với mục đích gì?
– Thưa Hoàng hậu, để làm việc nhân danh Đức Vua, xin thất kính với lệnh bà, là lục soát kỹ các giấy tờ của lệnh bà.
– Sao! Ông nói lục soát các giấy tờ của ta… Với ta ư? Nhưng đó là một điều bỉ ổi!
– Mong lệnh bà thứ lỗi, nhưng trong trường hợp này, tôi chỉ là một công cụ Đức Vua sử dụng thôi. Hoàng thượng chẳng vừa ra khỏi đây sao và chẳng phải chính Ngài đã dặn lệnh bà chuẩn bị cho cuộc thăm viếng này sao?
– Vậy ông lục soát đi! Xem ra ta là một phạm nhân mất rồi! Stéphanie, đưa chùm chìa khóa bàn và tủ sách của ta ra đây.
Viên chánh án xem xét các đồ gỗ một cách chiếu lệ, nhưng ông ta biết thừa không phải trong hòm tủ, Hoàng hậu đã khóa giữ bức thư quan trọng mà nàng đã viết ngày hôm ấy.
Khi ông ta đã mở ra khóa vào đến hai chục lần các ngăn kéo của tủ sách thì dù có cảm thấy do dự đến mấy cũng cứ phải đi đến đoạn kết của công việc nghĩa là khám người chính Hoàng hậu. Thế rồi viên chánh án tiến lại chỗ Anne d’ Autriche và bằng một giọng rất đỗi băn khoăn và với vẻ cực kỳ lúng túng, ông ta nói:
– Và bây giờ, còn lại cuộc lục soát chính yếu.
– Cuộc lục soát nào? – Hoàng hậu hỏi, như thể không hiểu hoặc đúng hơn là không muốn hiểu.
– Hoàng thượng đinh ninh có một bức thư mà lệnh bà đã viết ngày hôm nay. Ngài biết bức thư đó chưa được gửi tới địa chỉ của nó. Bức thư đó không có trong bàn, cũng không có trong tủ sách, thế thì nó phải ở đâu đó.
– Ông dám đặt tay lên Hoàng hậu của ông ư? – Anne d’ Autriche đứng thẳng người lên, nhìn xoáy vào viên chánh án, bằng đôi mắt có vẻ gần như hăm dọa, hỏi ông ta.
– Thưa lệnh bà, tôi là thần tử trung thành của Hoàng thượng, và tất cả những gì Hoàng thượng ra lệnh, tôi sẽ làm.
– Thế thì đúng rồi! – Anne d’ Autriche nói – Và những tên gián điệp của ông Giáo chủ đã phục vụ ông ta đắc lực. Hôm nay ta đã viết một bức thư, bức thư ấy chưa hề gửi đi. Nó ở đây này.
– Và Hoàng hậu đưa bàn tay kiều diễm của mình lên chỗ nịt ngực.
– Vậy xin lệnh bà đưa cho tôi bức thư đó – viên chánh án nói.
– Ta sẽ chỉ đưa nó cho Nhà Vua – Anne nói.
– Thưa lệnh bà, nếu Đức Vua muốn bức thư đó được trao lại cho chính Người thì Ngài đã thân chinh đòi hỏi. Nhưng tôi xin nhắc lại, chính tôi đã được Đức Vua ủy thác đòi hỏi lệnh bà thư đó, và nếu lệnh bà không trao nó cho tôi…
– Thì sao?
– Cũng chính tôi, nhà Vua trao việc đoạt lấy bức thư ấy ở lệnh bà.
– Sao, ông muốn nói thế nào?
– Thưa lệnh bà, là lệnh ban cho tôi phải đi xa hơn, là tôi sẽ được phép tìm mảnh giấy khả nghi đó ngay trên thân thể của lệnh bà.
– Kinh tởm chưa? – Hoàng hậu kêu lên.
– Vậy mong lệnh bà hành động dễ dàng hơn.
– Lối xử sự này là lối bạo lực bỉ ổi, ông biết thế chứ?
– Xin lệnh bà thứ lỗi cho tôi, đây là Đức Vua chỉ dụ.
– Ta sẽ không chịu điều đó đâu, không, không, thà chết còn hơn! – Hoàng hậu thét lên, dòng máu hoàng đế Tây Ban Nha và của nước Áo nổi dậy trong người này.
Viên chánh án nghiêng mình rất kính cẩn, nhưng vẫn rành rành có ý không lùi nữa bước trong việc hoàn thành sứ mệnh ông ta được trao, và có thể làm như một tên hầu của đao phủ trong phòng xét hỏi, hắn xấn lại gần Anne d’ Autriche. Ngay lúc ấy, người ta thấy những giọt nước mắt ứa ra trong đôi mắt sôi lên điên giận.
Như đã nói, Hoàng hậu có một sắc đẹp tuyệt trần. Cái sứ mệnh này có thể diễn ra một cách tế nhị nhưng vì quá ghen với Buckingham, nhà Vua đi đến mức không thiết ghen với ai nữa.
Không còn nghi ngờ gì nữa, viên chánh án Xécghiê lúc đó đưa mắt tìm chiếc dây thừng của quả chuông trứ danh, nhưng không thấy nên đành quả quyết đưa tay tới chỗ mà Hoàng hậu đã thú nhận bức thư đang ở đó.
Anne d’ Autriche lùi lại một bước, tái nhợt đi như thể sắp chết và phải chống tay trái lên cái bàn ở phía sau để khỏi ngã rồi dùng bàn tay phải rút tờ giấy ra khỏi ngực mình và chìa ra cho viên chánh án, rồi bằng một giọng đứt hơi run rẩy, nói với y:
– Đây! Thư ấy đây, cầm lấy, và hãy giải thoát cho ta bộ mặt bỉ ổi của ông!
Viên chánh án, về phía mình, dễ nhận thấy y cũng đang run rẩy xúc động, cầm lấy bức thư, cúi rạp đất chào và rút lui.
Cánh cửa vừa khép lại đằng sau viên chánh án, hoàng hậu liền quỵ ngã, nửa mê nửa tỉnh trong tay đám phu nhân tùy tùng.
Viên chánh án đem thẳng bức thư đến cho nhà Vua, không hề đọc một chữ. Nhà Vua, tay run rẩy cầm bức thư, tìm địa chỉ không thấy ghi, tái nhợt đi, chậm rãi mở ra, rồi qua mấy chữ đầu, thấy ngay là gừi cho quốc vương Tây Ban Nha liền đọc rất nhanh, là cả một kế hoạch tấn công Giáo chủ. Hoàng hậu yêu cầu anh mình và Hoàng đế nước Áo, những người từng vì cái chính sách của Richelieu luôn luôn nhằm hạ uy thế hoàng tộc Áo, làm tổn thương, giả bộ tuyên chiến với nưôc Pháp và đặt điều kiện hòa bình là tống khứ Giáo chủ. Còn tình yêu, không hề có một chữ trong toàn bộ bức thư.
Nhà Vua, rất đỗi vui mừng, hỏi xem liệu Giáo chủ có còn ở điện Louvre không và được cho biết Đức ông vẫn đang chờ lệnh của nhà Vua trong phòng làm việc.
Nhà Vua trở về ngay chỗ Giáo chủ, nói với ông ta.
– Này, Quận công, ông có lý, chính ta đã nhầm. Toàn bộ âm mưu này là chính trị, không hề có vấn đề tình yêu trong bức thư, đây này. Đổi lại, vấn đề lại mạnh về ông.
Giáo chủ cầm bức thư và đọc hết sức chăm chú. Đọc xong, ông ta lại đọc lại lần nữa, rồi nói:
– Đấy nhé, tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng thấy lũ kẻ thù của thần đi đến đâu rồi đó. Họ hăm dọa Hoàng thượng bằng hai cuộc chiến tranh nếu không tống khứ thần. Ở địa vị Hoàng thượng, thật tình, thần sẽ nhượng bộ những yêu sách mạnh mẽ đến như thế, và về phía mình, thần sẽ thật sự vui sướng được rút khỏi những công việc mình đảm nhiệm.
– Ông nói gì vậy, Quận công?
– Tâu Bệ hạ, thần nói rằng sức khỏe của thần đã suy sụp trong những cuộc đấu tranh quá căng thẳng và những công việc liên miên. Thần nói rằng, nếu có thể, thần sẽ không kham nổi những mệt mỏi trong cuộc bao vây La Rochelle, và tốt hơn hết là Bệ hạ chỉ định hoặc ông De Côngđê, hoặc ông De Bassompirre, nếu không thì một con người dũng mãnh nào đó thạo nghề chỉ đạo chiến tranh, chứ không phải thần, vốn chỉ là một kẻ tu hành không ngừng bị lái chệch ra ngoài thiên hướng của mình để đưa vào những việc mà thần không đủ sức. Như vậy, đối nội Bệ hạ sẽ được sung sướng hơn, và đối ngoại, thần tin chắc, Bệ hạ sẽ vĩ đại hơn.
– Ông Quận công – Nhà Vua nói – ta hiểu, ông hãy bình tĩnh, tất cả những kẻ được nêu trong bức thư sẽ bị trừng phạt cho xứng đáng và cả chính Hoàng hậu nữa.
– Bệ hạ nói gì vậy? Cầu Chúa giữ cho Hoàng hậu bớt xung khắc tới thần. Hoàng hậu vẫn luôn tin thần cho là kẻ thủ của bà cho dù Bệ hạ có thể chứng giám cho thần luôn nhiệt tình đứng về phía bà, ngay cả khi phải chống lại Bệ hạ. Ôi! Nếu như Hoàng hậu phản bội Bệ hạ, đúng nơi danh dự của Bệ hạ, lại là chuyện khác, và thần sẽ là người đầu tiên lên tiếng: “Không dung thứ, tâu Bệ hạ, không dung thứ đối với người đàn bà phạm tội”. May sao, lại không hề có chuyện ấy, và Bệ hạ vừa thu được một bằng chứng mới như vậy.
– Đúng vậy, Giáo chủ ạ – nhà Vua nói – và ông luôn luôn có lý. Nhưng không vì thế mà Hoàng hậu không làm ta tức giận kém đi hơn đâu.
– Chính Ngài, tâu Bệ hạ, mới đáng để Hoàng hậu tức giận, và thật ra khi Hoàng hậu hờn dỗi nặng nề Bệ hạ, thì thần hiểu được điều đó, đó là vì Bệ hạ đã đối xử với bà có chiều khắc nghiệt!
– Ta luôn luôn sẽ đối xử với kẻ thù của ta và kẻ thù của ông như thế, Quận công ạ, cho dù chúng có cao sang đến đâu và cho dù hiểm nguy đến mấy ta phải chịu khi hành xử khắc nghiệt với chúng!
– Hoàng hậu là kẻ thù của thần, nhưng không phải của Bệ hạ. Trái lại bà là một người vợ chung thủy, nhu mì và không thể chê trách. Vậy Bệ hạ cho phép thần xin giùm Hoàng hậu, tâu Bệ hạ.
– Thì bà ấy cứ tự hạ mình đi và phải làm lành với ta trước.
– Trái lại, tâu Bệ hạ, Bệ hạ hãy làm gương. Bệ hạ là người phạm lỗi trước vì chính Bệ hạ đã nghi ngờ Hoàng hậu.
Nhà Vua nói:
– Ta làm lành trước ư! Không bao giờ?
– Tâu Bệ hạ, thần van xin Bệ hạ đấy.
– Hơn nữa, ta làm lành trước như thế nào đây?
– Làm một điều gì đó mà Bệ hạ biết sẽ làm Hoàng hậu hài lòng.
– Việc gì?
– Ban cho một buổi khiêu vũ. Bệ hạ biết Hoàng hậu thích khiêu vũ biết mấy. Thần cam đoan, sự hờn giận của bà sẽ không trụ nổi trước một sự quan tâm như vậy.
– Ông Giáo chủ, ông cũng biết ta không thích mọi vui thú thời lưu.
– Hoàng hậu sẽ lại càng biết ơn Bệ hạ hơn một khi bà biết Bệ hạ mất thiện cảm đối với thú vui ấy. Hơn nữa, đó sẽ là một dịp để Hoàng hậu đeo những hạt kim cương rất đẹp mà Bệ hạ ban cho Hoàng hậu nhân ngày lễ của bà và bà còn chưa có dịp đem dùng.
Nhà Vua, đang mừng thấy Hoàng hậu phạm một tội mà ông không quan tâm mấy, và vô tội đối với một lỗi lầm mà ông rất ghê sợ, đang sẵn sàng hòa giải với bà. Ngài nói:
– Để xem đã, ông Giáo chủ, để xem sao đã, nhưng ta lấy danh dự ra mà nói nhé, ông quá độ lượng đấy.
Giáo chủ nói:
– Tâu Bệ hạ, xin hãy để sự khắc nghiệt ấy cho các thượng thư. Sự khoan dung là đức tính đế vương. Xin hãy tỏ ra như vậy, Bệ hạ sẽ thấy dễ chịu.
Tới đây, nghe đồng hồ điểm mười một giờ, Giáo chủ van nài xin nhà Vua hòa giải với Hoàng hậu rồi eúi rạp mình xin phép được cáo lui.
Anne d’ Autriche, sau khi bị lấy mất bức thư, đang đợi sự khiển trách nào đó, bỗng hết sức ngạc nhiên thấy nhà Vua hôm sau lân la muốn đến gần nàng. Lúc đầu, nàng tỏ vẻ ghê tởm, sự kiêu ngạo của đàn bà, và phẩm giá Hoàng hậu, cả hai đều bị xúc phạm quá ư tàn nhẫn khiến nàng không thể bình tâm trở lại ngay được, nhưng rồi bị các phu nhân tùy tùng thuyết phục, cuối cùng nàng cũng có vẻ bắt đầu khuây đi. Nhà Vua lợi dụng ngay cái khoảnh khắc đầu tiên của sự bình tâm trở lại ấy để nói với nàng rằng Ngài đang tính tổ chức một dạ hội.
Dạ hội là một điều hiếm thấy đối với nàng Anne d’ Autriche tội nghiệp. Đúng như Giáo chủ đã nghĩ trước, nghe thông báo như vậy, dấu vết cuối cùng của những nỗi oán hờn biến mất nếu không ở trong lòng, ít ra cũng trên nét mặt. Nàng hỏi, dạ hội định tổ chức vào ngày nào, nhưng nhà Vua lại trả lời về điểm này nhà Vua cần phải thỏa thuận với Giáo chủ đã.
Quả vậy, ngày nào nhà Vua cũng hỏi Giáo chủ xem nên tổ chức dạ hội vào lúc nào, và ngày nào, Giáo chủ cũng vin vào một cớ gì đó lần khần ấn định.
Mười ngày như thế trôi đi.
Ngày thứ tám sau cái cảnh chúng tôi đã kể, Giáo chủ nhận được một bức thư dán tem London, bên trong chỉ có mấy dòng:
“Tôi đã có những vật đó. Nhưng tôi không thể rời London bởi vì thiếu tiền. Gửi cho tôi năm trăm đồng vàng. Và bốn hoặc năm ngày sau khi nhận được tiền, tôi sẽ ở Paris”.
Vẫn hôm Giáo chủ nhận được thư đó, nhà Vua lại hỏi ông câu hỏi thường lệ.
Richelieu bấm đốt ngón tay và khẽ nói với mình: “Cô ta nói, bốn năm ngày sau khi nhận được tiền, cô ta sẽ đến nơi. Tiền đi phải mất bốn năm ngày, bốn năm ngày nữa để cô ta trở về, vị chi mất mười ngày. Bây giờ phải tính cả phần ngược gió, những rủi ro bất ngờ, những yếu đuối của đàn bà… cứ cho tất cả là mười hai ngày”.
– Thế nào? Ông Quận công – nhà Vua nói – Ông tính toán xong rồi chứ?
– Vâng, tâu Bệ hạ, hôm nay là 20 tháng chín, các thẩm phán của thành phố tổ chức một ngày hội ngày 3 tháng mười. Như thể sẽ càng tốt, bởi Bệ hạ sẽ không phải tỏ ra làm lành với Hoàng hậu.
Rồi Giáo chủ nói thêm:
– Nhân thể, tâu Bệ hạ, xin đừng quên nói với lệnh bà đêm trước hôm dạ hội Bệ hạ muốn thấy chuỗi kim cương có hợp với lệnh bà không.
Chú thích:
(1) Bọn Công đê: thuộc dòng họ Bourbon, một số là thủ lĩnh và chiến đấu trong hàng ngũ giáo phái Canvanh.
(2) Florăng: thủ phủ cũ của vùng Tốtxcan, Italia
(3) Marie de Médicis, vợ vua Henri IV, mẹ Louis XIII, khi chổng chết được nghị viện cử làm nhiếp chính, bà đã đuổi nhưng bộ trưởng thời Henri IV, tin dùng Côngcini, cưới Anne d’ Autriche cho Louis XIII, chiếm hết quyền lực cho đến khi thống chế De Ăngcrơ bị ám sát. Tiến hành chiến tranh với con trai từ nãm 1617 đến 1620, cuối cùng thỏa thuận với vua Louis XIII cho vị giáo sĩ tư tế của mình là Richelieu làm thủ tướng (1624). Bị đi đày và chết ở Côlônhơ năm 1642
(4) Từ đây tác giả dùng từ Chancelier có nghĩa là chánh án tối cao cho nhân vật Xécghiê, chứ không dùng từ garde dessceaux người giữ các con dấu, gọi là chưởng ấn nữa, tuy Chancelier cũng có nghĩa là giữ các con dấu nhưng ở địa vị thấp hơn
(5) Hầu tước de Salê, tức Henri De Talâyrăng – Sủng thần của Louis XIII, bị buộc tội chống lại Giáo chủ Richelieu – bị bắt ở Năngtơ và bị chặt đầu năm 1626.