Hôm sau ngày xảy ra những biến cố ấy, Athos vẫn không thấy có mặt, ông De Treville đã được D’ Artagnan và Porthos báo cho biết về việc chàng mất tăm.
Còn Aramis thì đã xin nghỉ năm ngày về Ruăng, nghe nói có việc gia đình.
Ông De Treville là người cha của quân lính ông. Phàm đã mang bộ đồng phục ngự lâm quân trên người thì dù nổi tiếng hoặc vô danh nhất cũng chắc chắn được ông giúp đỡ, phù trợ như thể chính em ông.
Vậy nên ông đi ngay đến viên trợ úy hình sự. Viên sĩ quan chỉ huy đồn Hồng thập tự được gọi đến và những tin tức kế tiếp nhau cho biết Athos lúc này đang ở đồn Pho-lêvếch.
Athos đã trải qua tất cả những thử thách mà Bonacieux phải chịu.
Chúng ta đã dự cảnh đối chất giữa hai người bị giam. Cho tới lúc đó Athos vẫn không nói gì vì sợ D’ Artagnan chưa đủ thì giờ cần có, và bấy giờ Athos mới khai mình là Athos không phải D’ Artagnan.
Chàng nói thêm chàng không quen biết cả ông lẫn bà Bonacieux, chẳng bao giờ nói chuyện với họ. Lúc mười giờ chàng đến là để thăm D’ Artagnan, bạn chàng, nhưng trước lúc đó, chàng vẫn ở nhà ông Treville và ăn trưa ở đấy, chàng nói thêm, hai mươi nhân chứng có thể xác nhận điều ấy, và kể ra tên tuổi nhiều nhà quý tộc nổi tiếng, trong số họ có Công tước De la Trênui.
Viên đồn trưởng thứ hai cũng ngơ ngác như viên thứ nhất trước lời khai đơn giản và quả quyết của người ngự lâm quân này. Vì hắn vẫn có ý định dựa vào người ngự lâm này để nhân đó mở trận phục thù mà phái quan tòa mong thắng bọn quân nhân biết mấy. Nhưng cái tên ông De Treville và Công tước De La Trênui đáng để y suy nghĩ.
Athos cũng được chuyển đến chỗ Giáo chủ, nhưng rủi thay, Giáo chủ lại ở chỗ Nhà Vua tại điện Louvre.
Cũng chính lúc đó, ông De Treville ra khỏi chỗ viên trợ úy hình sự và viên đội trưởng của Pholêvếch, mà vẫn không thấy Athos, liền đi tới chỗ Hoàng thượng.
Ai cũng biết những việc phòng bị của Nhà Vua chống lại Hoàng hậu, nhưng việc phòng bị được Giáo chủ khéo léo điều hành, mà về mặt cơ mưu, lại phòng ngừa đàn bà hơn đàn ông nhiều. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của sự đề phòng này là tình bạn giữa Anne d’ Autriche với bà De Chevreuse. Hai người đàn bà này khiến Đức ông lo lắng hơn cả những cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha, những việc xích mích với Anh quốc và những bê bối về tài chính. Trong con mắt và trong thâm tâm ông, bà De Chevreuse phục vụ Hoàng hậu không những trong những âm mưu chính trị mà còn cả trong những âm mưu tình ái, điều làm ông còn quay cuồng điên đảo hơn nhiều.
Mới nghe Giáo chủ tâu lại, bà De Chevreuse bị lưu đày ở thành Tours và tưởng bà vẫn ở đó, nhưng bà đã đến Paris, đánh lạc hướng cảnh sát, lưu lại đây năm ngày, nhà Vua đã đùng đùng nổi giận. Tính khí thất thường, không chung thủy, Nhà Vua lại muốn được gọi là Louis chí công và Louis trong trắng. Hậu thế khó hiểu nổi tính cách ấy, mà sử sách lại chỉ giải thích bằng các sự kiện chứ không bao giờ bằng lý giải.
Nhưng khi Giáo chủ thêm rằng không những bà De Chevreuse đã đến Paris, mà Hoàng hậu còn nối lại với bà ta một mối quan hệ bí mật mà thời kỳ đó người ta gọi là bè đảng, và khi ông khẳng định chính ông, Giáo chủ, sắp gỡ ra nước manh mối đen tối nhất của âm mưu đó, lúc đang bắt quả tang, mật sứ của Hoàng hậu bên cạnh người đàn bà bị lưu đày, với đầy đủ chứng cứ thì một tên ngự lâm quân đã dám bạo hành chặn đứng việc thi hành công lý, vung gươm nhẩy bổ vào những con người trung thực của luật pháp được ủy nhiệm cứu xét vô tư toàn bộ vụ việc này để tâu lên đức Vua. Louis XIII nghe vậy không kiềm chế được nữa, ông bước một bước về phía phòng của Hoàng hậu, mặt tái đi vì phẫn nộ, không nói ra được thành lời mà khi nó bùng nổ sẽ dẫn Nhà Vua đến một sự tàn bạo lạnh lùng nhất.
Và tuy vậy, trong mọi chuyện đó, Giáo chủ còn chưa động một lời về Công tước De Buckingham.
Đang lúc đó thì ông De Treville đi vào, lạnh lùng, lễ phép, quần áo chỉnh tề.
Sự hiện diện của Giáo chủ, và nét mặt thất sắc của Nhà Vua, cảnh báo điều gì vừa mới xảy ra, Nhưng ông De Treville tự cảm thấy vững tâm như Xăm xơn trước bọn Philistin(2).
Louis XIII đã đặt tay lên núm cửa, nghe thấy tiếng ông De Treville đi vào, lại quay lại. Nhà Vua không biết che giấu những xúc cảm giận dữ khi nó đã dâng lên tới mức nào đó, liền nói ngay:
– Ông đến thật đúng lúc, ông Treville ạ, ta vừa được biết khối chuyện hay ho về lũ ngự lâm quân của ông.
– Và thần – Ông De Treville lạnh lùng đáp lại – thần cũng có khối chuyện hay ho để tâu lên Hoàng thượng về bọn quan tòa của Hoàng thượng.
– Ông nói cái gì vậy? – Nhà Vua ngạo nghễ nói.
Ông De Treville tiếp tục vẫn bằng giọng lạnh lùng:
– Thần có vinh dự được tâu với Hoàng thượng là cả bè đảng công tố viên, đồn trưởng và nhân viên cảnh sát, toàn những người đáng kính nhưng hình như lại rất gay gắt đối với giới quân nhân, tự cho phép mình vào nhà bắt bớ, điệu đi công khai trên đường phố rồi tống vào đồn Pholêvếch một ngự lâm quân của thần, đúng hơn là của Hoàng thượng, một ngự lâm quân đạo đức miễn chê, danh tiếng vang lừng, theo một lệnh bắt mà họ từ chối không cho thần biết, người bị bắt đó chính là Athos, người mà Hoàng thượng đã từng ưu ái.
– Athos ư? – Nhà Vua nói như thể một cái máy – Ừ, thật ra, ta có quen biết cái tên đó.
– Xin Hoàng thượng nhớ cho – Ông De Treville nói – Athos là người ngự lâm quân trong trận đấu kiếm bất đắc dĩ mà Ngài đã biết đấy, chẳng may đã làm ông De Cahuxắc bị trọng thương.
Ông De Treville chuyển sang nói với Giáo chủ:
– Thưa Đức ông, nhân tiện, xin Đức ông cho biết ông Cahuxắc đã hoàn toàn bình phục, phải không ạ?
– Cám ơn! – Giáo chủ mím môi giận dữ nói.
Ông De Treville nói tiếp:
– Hôm ấy, ông Athos đến thăm một người bạn lúc đó lại không có nhà, đó là một chàng trai người Bearn, đang là lính tập sự cận vệ của Hoàng thượng, trong đại đội ông des Essarts, nhưng ông Athos vừa mới đặt chân vào nhà bạn, vớ lấy cuốn sách chờ bạn, thì một đám những sai nha, cảnh sát lẫn lộn cùng nhau kéo đến vây nhà, phá tung cửa giả…
Giáo chủ ra hiệu cho Nhà Vua ý nói: “Chính là để làm cái công việc mà thần đã nói với Hoàng thượng”.
– Chúng ta đã biết cả rồi – Nhà Vua đáp – bởi tất cả những việc đó được làm để phục vụ chúng ta.
– Thế là, – ông Treville nói – Thế là để phục vụ Hoàng thượng, người ta đã giữ mất của thần một ngự lâm quân vô tội, người ta kè kè hai bên hai tên gác như đối với một tên gian phi, và điệu đi giữa đám dân đen hỗn láo con người hào hoa phong nhã đã mười lần đổ máu đề phục vụ Hoàng thượng, và sẵn sàng đổ máu nữa.
– Chà! – Nhà Vua nao núng nói – mọi việc lại đến thế kia ư?
Giáo chủ với vẻ mặt tỉnh bơ nói:
– Ông De Treville lại không nói rằng gã ngự lâm quân vô tội ấy, rằng con người hào hoa ấy, một giờ trước đó đã vung gươm đánh bốn điều tra viên do tôi phái đến để điều tra một việc tối quan trọng.
Ông De Treville la lên với tính ngay thẳng hết sức Gátxcông và sự thô bạo rất lính tráng của mình:
– Đức ông có dám chứng minh điều đó không, bởi một giờ trước đó, ông Athos, người mà tôi sẽ tiến cử lên Hoàng thượng, là một người có phẩm chất cao quý, sau khi dùng bữa trưa tại nhà tôi, đã cho tôi vinh dự trò chuyện với Công tước De la Trênui và Bá tước De Saluy cũng có mặt ở đấy.
Nhà Vua nhìn Giáo chủ. Đáp lại câu hỏi ngầm của Hoàng thượng, Giáo chủ lớn tiếng nói:
– Có biên bản hẳn hoi đây, và những người bị ngược đãi đã lập tờ biên bản sau đây mà thần có vinh dự tâu lên Hoàng thượng.
Ông De Treville kiêu hãnh đáp lại:
– Biên bản của phái quan tòa có giá trị bằng lời thề danh dự của giới quân nhân không?
– Thôi nào, thôi nào, Treville, ông im đi – Nhà Vua nói.
– Nếu Đức ông có chút nghi ngờ nào chống lại một trong số ngự lâm quân của tôi – Ông Treville nói – công lý của Giáo chủ đã quá quen thuộc khiến chính tôi, tôi yêu cầu mở một cuộc điều tra.
Giáo chủ vẫn trơ ra tiếp tục:
– Trong ngôi nhà mà công lý đã bị tấn công, ở đó tôi tin có một người Bearn, bạn của tay ngự lâm kia thuê.
– Đức ông muốn nói về ông D’ Artagnan?
– Tôi muốn nói đến một chàng trai trẻ được ông che chở, ông De Treville ạ.
– Vâng, thưa Đức ông, vẫn là con người ấy.
– Thế ông không ngờ con người trẻ tuổi ấy đã có những lời khuyên láo lếu…
– Khuyên ông Athos, một người gấp đôi tuổi anh ta ư? – Ông De Treville ngắt lời – Không, thưa Đức ông. Vả lại, ông D’ Artagnan đã ở nhà tôi tối hôm đó.
– Thế kia ư? – Giáo chủ nói – Vậy ra tất cả mọi người tối ấy đều ở nhà ông?
Ông Treville giận tím mặt nói:
– Đức ông nghi ngờ lời nói của tôi ư?
– Không, lạy Chúa chứng giám? – Giáo chủ nói – nhưng chỉ hỏi ông anh ta ở nhà ông lúc mấy giờ?
– Ồ, chuyện đó, tôi có thể nói thẳng thừng ra với Đức ông, bởi khi anh ta vào, tôi nhìn đồng hồ và lúc đó là chín giờ rưỡi, mặc dầu tôi tưởng là muộn hơn thế.
– Và vào lúc mấy giờ anh ta ra khỏi nhà ông?
– Mười giờ rưỡi, một tiếng đồng hồ sau biến cố đó.
Không một chút nghi ngờ lòng trung thực của ông De Treville, Giáo chủ cảm thấy chiến thắng đã tuột khỏi tay mình, ông nói:
– Nhưng rốt cuộc, Athos đã bị giữ trong ngôi nhà ở phố Phu đào huyệt.
– Thế một người bạn bị cấm đến thăm bạn mình sao? Cấm một ngự lâm quân của tôi kết bạn với một lính cận vệ ở đại đội ông des Essarts ư?
– Có đấy! Khi một ngôi nhà mà anh ta tới kết bạn với người bạn kia bị tình nghi.
– Chính vì ngôi nhà đó bị tình nghi, Treville ạ! – Nhà Vua nói – có thể ông không biết chăng?
– Quả nhiên, tâu Bệ hạ, thần không biết. Thôi thì nó có thể bị tình nghi ở chỗ nào cũng được, nhưng lại bị tình nghi ở cái phần ông D’ Artagnan ở thì thần không công nhận bởi vì thần có thể khẳng định với Bệ hạ rằng, nếu như thần tin ở điều ông ta nói thì không có ai tận trung với Bệ hạ bằng ông ta, không có ai ngưỡng mộ Giáo chủ sâu sắc hơn ông ta.
Nhà Vua liếc nhìn Giáo chủ đang đỏ mặt lên, tức tối rồi hỏi:
– Có phải cái gã Đáctanháng một hôm đã đâm bị thương Jussac trong cuộc chạm trán khốn khổ ở gần Tu viện Cácmơ tháo giầy không?
– Và ngày hôm sau, Bécnaju nữa. Vâng, tâu Bệ hạ, đúng thế ạ, Bệ hạ nhớ tốt lắm ạ.
– Vậy bây giờ giải quyết thế nào nào? – Nhà Vua hỏi.
– Việc đó liên quan đến Bệ hạ hơn là đến thần. – Giáo chủ nói – Thần sẽ khẳng định là phạm tội.
– Còn tôi, tôi phủ nhận – Treville nói – Mà Hoàng thượng có các thẩm phán, và các thẩm phán của người sẽ quyết định.
– Phải đấy – Nhà Vua nói – hãy di lý sang các thẩm phán. Công việc của họ là xét xử và họ sẽ xét xử.
– Có điều Treville lắp lại – thật rất đáng buồn trong cái thời buổi khốn khổ mà chúng ta đang sống này, một cuộc sống trong sạch nhất, một đức hạnh không thể chối cãi được nhất vẫn không tránh được cho một con người khỏi bị nhục mạ và bị ngược đãi. Vì vậy, quân đội sẽ không mấy hài lòng khi cứ phải đương đầu với những đối xử nghiệt ngã vì những công việc của cảnh sát.
Câu nói có vẻ không thận trọng, nhưng ông De Treville đã tung ra có chủ định. Ông muốn nổ tung bởi chỉ có thế thuốc nổ mới bén lửa và lửa sẽ làm sáng tỏ mọi việc.
– Những việc của cảnh sát ư? – Nhà Vua hét lên, nêu lại lời của ông De Treville – Những việc của cảnh sát? Ông biết gì về chuyện này? Những việc của cảnh sát! Hãy lo chuyện bọn ngự lâm quân của ông ấy, và đừng làm ta đau đầu nữa. Nghe ông nói thì hình như nếu không may người ta bắt giữ một ngự lâm quân, nước Pháp sẽ lâm nguy. Hừm, om sòm lên vì một lính ngự lâm. Ta sẽ cho bắt mười tên, một trăm, mẹ kiếp, tất cả đại đội! Vì ta chẳng muốn ai hé miệng nửa lời.
– Trong lúc họ bị Hoàng thượng tình nghi – Ông Treville – ngự lâm quân đều phạm tội hết, như vậy xin Hoàng thượng xem xét cho thần xin trao lại thanh gươm, bởi vì sau khi đã cáo buộc binh lính của thần, thần tin chắc, Giáo chủ cuối cùng sẽ buộc tội cả thần nữa. Như thế, thà rằng thần xin nộp mình như là một tù nhân cùng với ông Athos đã bị bắt rồi, và ông D’ Artagnan chắc chắn cũng sắp bị bắt.
– Cái đồ Gátxcông cứng đầu, có thôi đi không? – Nhà Vua nói.
– Tâu – Treville không hạ giọng trả lời – xin Hoàng thượng trả lại người ngự lâm quân của thần cho thần, hoặc ông ta phải được xét xử?
– Người ta sẽ xét xử hắn – Giáo chủ nói.
– Thế thì càng tốt! Vì trong trường hợp ấy thần xin Hoàng thượng cho phép bào chữa cho ông ta.
Nhà Vua sợ chuyện vỡ ra, nên bảo Giáo chủ.
– Nếu Đức ông không có những động cơ cá nhân…
Giáo chủ thấy nhà Vua có ý muốn giải quyết thế nào, liền đi đến trước mặt nhà Vua. Ông nói:
– Xin Hoàng thượng tha lỗi, nhưng lúc nào Hoàng thượng thấy ở thần một phán quan thiên kiến, thì thần xin rút lui.
– Thôi được – Nhà Vua nói – Treville, ông thề với ta, trước cha ta rằng Athos đã ở nhà ông trong lúc xảy ra sự cố, và không hề dính dáng gì vào đấy chứ?
– Trước tiên đế vinh quang và trước Hoàng thượng là những người thần yêu và sùng kính nhất trên đời, thần xin thề như vậy!
– Tâu Hoàng thượng, xin Ngài hãy suy nghĩ – Giáo chủ nói – Nếu chúng ta thả tên tù nhân ra như thế, sẽ không thể biết được sự thật nữa.
Ông De Treville nói:
– Ông Athos vẫn luôn ở đó, sẵn sàng trả lời để làm đẹp lòng các vị phán quan thẩm vấn ông ta. Ông ta sẽ không đào tẩu đâu, thưa Giáo chủ, xin ông cứ yên tâm, tôi, chính tôi xin bảo lãnh cho ông ấy.
Nhà Vua nói:
– Thật ra, hắn sẽ không đào tẩu mất đâu, lúc nào chả tìm được ra hắn, như ông Treville nói đấy.
Rồi hạ giọng, nhìn Giáo chủ, bằng giọng cầu khẩn, nhà Vua nói tiếp:
– Ta cho họ được an toàn, thế mới là chính trị.
Thứ chính trị ấy của nhà Vua khiến Giáo chủ mỉm cười, ông ta nói:
– Xin Hoàng thượng cứ ra lệnh. Hoàng thượng có quyền ân xá mà!
Ông De Treville vẫn còn chưa chịu:
– Quyền ân xá chỉ áp dụng với những kẻ phạm tội. Còn người lính ngự lâm của thần vô tội. Vậy đây không phải là Hoàng thượng sắp làm việc ân xá mà là lập lại công bằng.
– Thế ông ta vẫn ở Pholêvếch à? – Nhà Vua hỏi.
– Vâng, tâu Hoàng thượng, mà lại bí mật, trong hầm tối như một kẻ phạm trọng tội.
– Quỷ thật! Quỷ thật? – Nhà Vua lẩm bẩm – Phải làm thế nào đây?
Giáo chủ nói:
– Ký lệnh thả tự do. Thế là xong chuyện. Thần cũng tin, như Hoàng thượng, việc ông De Treville xin bảo lãnh thế là quá đủ.
Treville kính cẩn nghiêng mình đáo lễ với một niềm vui không phải không pha lẫn lo sợ. Ông thích Giáo chủ khăng khăng chống lại hơn là sự dễ dãi bất ngờ ấy.
Nhà Vua ký lệnh phóng thích. Ông Treville mang đi không chút chậm trễ.
Đúng lúc ông sắp đi ra, Giáo chủ mỉm cười thân ái với ông và bảo Nhà Vua:
– Một sự hài hòa tuyệt vời được duy trì giữa các chỉ huy và binh lính, trong ngự lâm quân của Hoàng thượng. Thật là thuận lợi cho công việc và rất vinh dự cho tất cả.
Ông De Treville tự nhủ: “Lão ta sẽ chơi lại trò đểu ngay thôi. Chẳng bao giờ biết được cái gì sẽ xảy ra với con người như thế. Nhưng thôi mau lên, bởi nhà Vua có thể đổi ý ngay đấy, và xét cho cùng tống giam lại một con người vào ngục Bastille hay Pholêvếch khó hơn cứ giữ nguyên không thả”.
Ông De Treville bước vào đồn Pholêvếch một cách đắc thắng giải thoát người lính ngự lâm vẫn còn nguyên vẻ thờ ơ bình thản.
Rồi, lần đầu tiên gặp lại D’ Artagnan, ông nói với chàng:
– Anh trốn cừ thật đấy? Đây là trả giá nhát gươm anh đâm Jussac đấy. Vẫn còn một nhát với Bécnaju.
Rốt cuộc, ông De Treville có lý khi không tin Giáo chủ và khi nghĩ mọi chuyện còn chưa kết thúc, bởi vì đại úy ngự lâm quân vừa khép cửa đi ra, Đức ông đã nói với Nhà Vua:
– Bây giờ thì chỉ có hai người chúng ta, chúng ta sẽ nói chuyện nghiêm túc, nếu Hoàng thượng vui lòng. Tâu Hoàng thượng, ông De Buckingham đã ở Paris được năm ngày nay và tận sáng nay mới đi.
Chú thích:
(1) Gens de robe et gens d’épée – Bản tiếng Anh dịch là: Civilians and soldiers: nghĩa là phái dân sự và phái quân nhân. Trong tiếng Pháp: Noblesse de robe: Quý tộc cung đình. Noblesse dépée: quý tộc kiếm cung – De robe có nghĩa làm nghề pháp lý, nên chúng tôi tạm dịch Gens de robe = pháp quan.
(2) Xăm xơn, thẩm phán của dân Hêbrơ, có thể dùng chùy đập chết một lúc hàng nghìn bọn Philistin, sức khỏe nằm ngay trong bộ tóc, yêu Đalila, bị cô gái điếm này phản bội cắt mất bộ tóc ấy và trao nộp Xăm Xơn cho bọn Philistin. Trong một cuộc lễ tôn giáo ở Đền thờ Đagông, tại chỗ người Philistin. Ông đã lật đổ những cột đền và tự chôn vùi mình.