Angiêlic và tình yêu

Chương 9

Bá tước Giôphrây đờ Perac, tức Rescator, lần vào cửa boong và tụt nhanh theo một chiếc thang thẳng đứng dẫn xuống lòng tàu. Đi theo sau tấm áo choàng trắng của gã người Mo tay cầm đèn, ông tiến sâu vào cái mê cung chật chội của các hành lang.

Dưới bước chân nhịp lắc lư của con tàu khẳng định với ông một cảm giác bình yên: nguy hiểm đã qua rồi. Mặc dù phải đi trong sương mù lạnh giá rất đáng lo ngại, trên hầu khắp các trục kéo buồm và mặt boong vẫn còn đọng lại một lớp băng mỏng, ông biết rằng mọi việc đều yên ổn. Tàu Gunxboro vẫn đang lướt nhanh với sự thoải mái của một con tàu không hề cảm thấy bị đe dọa.

Ông Rescator, ông biết mọi rung lắc mọi tiếng nứt rạn khác nhau từ vỏ tàu đến các cột buồm, đến tất cả các chi tiết tạo nên tầm vóc đồ sộ của con tàu, được thai nghén từ các biển vùng cực, do chính ông thiết kế và đặt đóng tại Boxton, xưởng đóng tàu chính của Bắc Mỹ.

Vừa đi về phía trước, ông vừa đưa tay quờ quạng lần sờ các thanh gỗ ẩm ướt. Đối với ông, làm thế không chỉ cốt tìm chỗ vịn để bước đi, mà còn để tiếp xúc với bộ sườn vô địch của con tàu dũng cảm.

Ông thở hít mùi thơm của nó, mùi thơm của gỗ Cù tùng lấy từ núi Klamat trong vùng Origon xa xôi, gỗ thông trắng từ đỉnh Kennobec và từ núi Katangdanh ở vùng Men- vùng Men “của ông”- thứ mùi thơm mà đến cả muối mặn thấm vào cũng không thể làm mất đi được.

Không một cánh rừng nào của châu Âu đẹp bằng các cánh rừng Tân thế giới. Tầm cao, sức sống mạnh mẽ của cây cối, vẻ đẹp rực rỡ bóng loáng của những tàu lá, đối với ông là một sự thần khải mỗi khi ông đang cảm thấy đôi chút chán chường.

“ Thế giới còn là vô tận để con người khám phá- ông tiếp tục suy nghĩ – Cứ mỗi ngày qua, ta lạI nhận ra rằng ta chẳng biết gì cả… Ta có thể luôn luôn lại bắt đầu tất cả… Thiên nhiên và các yếu tố tự nhiên có đấy là để trợ giúp ta, thúc đẩy ta tiến về phía trước”

Có điều là cuộc vận lộn ghê gớm kéo dài suốt đêm qua để chống chọi với cơn thịnh nộ của biển khơi và băng giá đã không để lại trong trái tim ông sự mãn nguyện vẫn thường có, không chỉ là mãn nguyện vì thắng lợi, mà mỗi lần như thế, kho tang nội tâm của ông còn giàu có thêm lên, cái thú không ai có thể cướp đoạt của ông được.

Chính từ lúc đó ông phải chống đỡ với một cơn bão khác, cho dù đã cố tự bảo vệ, cơn bão ấy vẫn tạo ra trong con người ông ta những tàn phá. Liệu có thể coi đó là một trò đùa cợt bỉ ổi hoặc vô vị không? Ông vẫn chưa muốn dùng chữ “thảm kịch”.

Ông luôn luôn cố tạo cho mỗi sự kiện một tầm vóc đích thực của nó. Chuyện đàn bà nói chung thuộc về hài hơn là bi. Ngay cả chuyện bà vợ ông, một ngườ đàn bà chắc chắn là nội trội hơn nhiều người đàn bà khác – quả là một thua thiệt lớn cho ông, - ông vẫn không thể nhịn nổi sự thích thú được cười nhạo báng mỗi khi nhớ lại các dữ kiện của vở hài kịch: một người vợ đã quên đi từ mười lăm năm nay rồi, bỗng lại xuất hiện để xin cho được đáp tàu mà không nhận ra ông, và, hài hước nhất, là lại nhờ chính ông làm phép cười cho để kết hôn với một người tình mới.

Đã đành là chuyện tình cờ, ai mà không biết thế. Nhưng ở đây có cái gì vượt quá giới hạn. Dù thế nào đi nữa cũng cứ làm phép cười cho lão ta ư? Tống cổ lão ta đi? Tin ở sự tình cờ hài hước ấy rồi mang vẻ mặt nhăn nhở, đi đánh ghen như một người tình trai trẻ ư?

Cả ông và nàng đều không ai mong muốn quay nhìn lại phía sau. Vậy thì tại sao sáng nay ông đã nói như vậy, Vì nàng không nhận ra ông, đơn giản nhất là để cho nàng đi theo cái Tin lành thân thiết của nàng sao?

Ông bước lên khoang boong. Ánh sáng bên ngoài làm ông lóa mắt. Và ngay lúc ấy, một ý nghĩ quá rõ ràng, cũng giống như một tia nắng chói chang bừng lóe trong đầu làm ông đau nhói.

“ Thật ngu xuẩn!

Hãy thú nhận rằng mày không thể làm như vậy, bởi vì mày không thể nào chịu đựng bởi điều đó.”

Do ảnh hưởng của cơn giận, ông đưa mắt nhìn quanh bằng một cái nhìn u tối. Một vài người đang ngủ trên võng hoặc trên những chỗ nằm sơ sài được thu xếp tạm bợ dưới các giàn che pháo, nhưng người ta đã mở cửa sổ thành tàu, vì giàn pháo thứ hai này ở vào chỗ khoang boong chật chội, không được thoáng khí. Trong chuyến đi này, Giophray đờ Perac đã bắt buộc phải để ở đây một boojphaanj của đoàn thủy thủ, nhường khoang boong trước của đuôi tàu cho những người khách.

Thỉnh thoảng nước biển bắn vọt lên boong làm một trong những nguới đang ngủ càu nhàu.

Ở đây người ta cảm thấy rất gần nước, nghe rõ tiếng sóng rì rào vỗ vào thành tàu. Có thể đưa bàn tay vuốt ve chúng như ve vuốt những con vật to lớn đã được thuần dưỡng.

“Không, ta sẽ không chịu đựng nổi một tình thế như vậy, ông lại một lần nữa tự nhủ. Thà nàng trở nên lạnh nhạt hoàn toàn… Đằng này nàng lại không hề lạnh nhạt với ta…”

Tự thú nhận như thế cũng sẽ chẳng giúp gì để làm đơn giản hơn những điều sắp xẩy ra. Luôn luôn thấy rõ là không đi tới một giải pháp dễ dàng.Có lẽ phải tự nhủ một khi đã sang dến mái dốc bên kia của cuộc đời, con người ta mới biết coi thường những dằng xé nội tâm với một sự thanh thản nào đó. Những nẻo đường của hận thù vô vọng, của ham muốn, đối với ông chả có gì là hấp dẫn để mà dẫn sâu vào. Ông đã không hề ghen tuông ngay cả cái hôm nhận được lá thư báo tin rằng “bà quả phụ” Pe rắc đã tái giá với vị Hầu tước rất đẹp trai và rất phóng đãng Piexic-Belie. Ông thậm chí còn vượt qua trạng thái bị vỡ mộng một cách đến là mau lẹ. Ít ra thì ông cũng nghĩ thế.

Những vết thương đó ta tưởng là xoàng vì mau mau kín miệng, thực ra lại là những vết thương sâu, vì bên trong thịt bị hủy hoại hoạc teo đi. Người bạn thầy thuốc Ả rập đã cắt nghĩa điều đó khi ông lão chữa cho ông cái chân thọt bằng cách bắt buộc cái vết thương phải đẻ ngỏ cho đến khi tất cả các dây thần kinh, các bắp thịt, các đường gân hồi phục theo sự hài hòa cần thiết của tự nhiên.

Dầu thế nào đi nữa, ông vẫn đau khổ vì một người vợ đã mất và không thể hồi sinh.

Đến đó, ông vừa nghĩ vừa nhìn mặt biển bằng đôi mắt xanh thăm thẳm, và đưa tay đập vào cánh cửa gỗ một cách giận dữ.

Gã người Mo Apđula vẫn đang chờ sau lưng ông đang định tắt đèn.

_Không đi, chúng ta còn xuống sâu nữa-ông ta nói với Apđula.

Và ông theo sau gã A rập, chui vào một cái giếng tối om, miệng mở ra ngay trên sàn khoang pháo. Những hoạt động ấy đã trở nên quen thuộc với ông, mỗi khi cần phải lãng quên.

Toàn bộ ý chí của ông đang được huy động, để có thể ngay trong buổi sáng hôm nay, thoát ra khỏi ám ảnh về Angielic. Việc ông đang đi xuống hầm tàu, cũng một phần vì mục đích ấy.

Giận giữ thù oán, hoang mang, ông cũng chẳng biết cái gì đang ngự trị trong con người mìn nữa. Than ôi, chỉ có điều chắc chắn là không phải lạnh lùng. Những tình cảm được khơi gợi bởi một người đàn bà đã mười lăm năm nay không còn là vợ mình, và nay đang tìm mọi cách để chống lại mình còn chưa đủ phức tạp hay sao mà còn thêm vào đó nỗi thèm muốn!

Tại sao nàng có những cử chỉ khác thường đến thế?

Tại sao nàng lại cởi trật áo lót ra để cho ông thấy dấu hoa huệ bị đóng trên vai? Cái dấu ô nhục ấy thật ra ngay lúc đó chả làm ông xúc động bao nhiêu so với vẻ đẹp tấm lưng ngà ngọc của nàng. Ông vốn là con người say mê sắc đẹp một cách cầu kỳ, quen nhìn ngắm chi li vẻ đẹp đàn bà, lúc đó vẫn choáng mắt vì tấm lưng ấy.

Ngày xưa, nàng chưa có một tấm lưng hoàn hảo như vậy, bởi vì lúc đó nàng chỉ mới thoát ra khỏi hình hài mảnh dẻ của tuổi thiếu niên. Khi lấy ông, nàng mới có mười bảy tuổi. Ông còn nhớ lúc bấy giờ, trong khi vuốt ve tấm thân còn non tơ hoàn toàn trong trắng ông vẫn thỉnh thoảng hình dung tới vẻ đẹp của Angielic khi mà cuộc đời nàng, khả năng làm mẹ của nàng, và vinh quang của nàng cùng đến độ bừng nở.

Và bỗng thật lạ lùng đối với ông khi nàng đã bừng nở hoàn toàn. Vào lúc ít ai ngờ nhất, Angielic hiện ra đúng như hình ảnh ông đã tưởng tượng. Trút bỏ bộ quần áo bạc phếch và may vụng, nửa mình phía trên của nàng lồ lộ, gợi nhớ những bức tượng các nữ thần trông coi việc sinh con đẻ cái được dựng trên các đảo ở Địa trung hải. Đã bao nhiêu lần ông ngắm nhìn các bức tượng và tự nhủ rằng than ôi, làm sao còn tìm được trong thế giới đàn bà những hình mẫu như thế này nữa.

Nhưng trong ánh sáng nhập nhoạng hôm nay, ông thậm chí còn choáng váng hơn hồi ở Canđi. Làn da trắng ngần của nàng óng ánh như sữa ngời lên trong ánh sáng nhợt nhạt của buổi bình minh phương bắc, đôi vai…, hai cánh tay…, một vết hõm điểm nhẹ trên cái gáy lộ ra sau làn tóc, gợi một cái gì hồn hậu, ngây thơ. Tất cả đều quyến rũ ông, hút ông đến gần, ông cảm thấy kinh ngạc về nàng thậm chí còn đẹp hơn cả ngày xưa.

Nàng kháng cự mới ghê gớm làm sao! Chắc nàng sẽ hết sức kinh ngạc nếu ông thử đi xa hơn nữa. Vậy thì có cái gì ở ông làm nàng kinh sợ đến thế? Chiếc mặt nạ? Nhân cách còn che giấu của ông? Hay nỗi nghi ngờ về một đôi điều khó chịu mà ông không làm cho nàng hiểu sớm hơn?

Ít ra, có thể nói là nàng không bị ông cuốn hút. Nỗi ham muốn của nàng rõ đã thuộc về một người khác.

_Đi, đi – Ông giục giã người Mo với vẻ sốt ruột – Ta đã bảo anh rồi, xuống đến tận đáy, đến khoang nhốt tù.

“ Chúng nó đóng dấu hoa huệ lên vai nàng – Ông nghĩ – Vì tội gì? Nàng đã đồi bại đến mức nào? Ở đâu? Tại sao?... Biến cố nào đã đẩy nàng rơi vào vòng ảnh hưởng của gã Tin lành kỳ cục ấy? Phải chăng nàng là một kẻ có tội đã hối cải? Đúng có vẻ là như vậy. Ý chí đàn bà xưa nay vẫn yếu đuối mà…”

Đã không thể trả lời một cách dễ dàng các câu hỏi ấy, ông còn cảm thấy đau khổ hơn vì những hình ảnh cho các câu hỏi ấy gợi lên.

“ Đóng dấu hoa huệ… Ta đã từng biết hang ổ của tên đao phủ, cái lạnh lẽo khủng khiếp ở những nơi người ta tạo ra sự đau đớn và ly tiện..., Nỗi sợ hãi có thể gây nên bởi một lò than đang nung đỏ các dụng cụ lạ lùng. Đối với một người đàn bà, quả là một thử thách ghê gớm… Nàng đã đương đầu với sợ hãi ra làm sao? Tai sao? Vậy là Đức vua, người tình của nàng, không còn che chở nàng nữa hay sao?”

Hai người đi xuống đến tận đáy tàu. Ở đây, trong bóng tối, không còn nghe tiếng động của biển. Chỉ còn cảm thấy một cái gì nặng nề, dày bình bịch ở phía sau lớp vỏ gỗ. Không khí ẩm khiến Giôphray đờ Pecrac nhớ đến các vòm trần ướt rượt trong các phòng tra tấn của nhà ngục Baxti và nhà ngục Satole. Những nơi chốn thê thảm ấy, thế mà chưa bao giờ ám ảnh giấc mơ của ông trong suốt những năm tiếp theo sau khi ông bị bắt và đưa ra xử án. Cuối cùng ông đã ra khỏi những nơi ấy, dù thân tàn ma dại, chỉ nghĩ đến đó là đã thấy yên tâm rồi. Nhưng đối với một người đàn bà thì sao? Đặc biệt với Angielic! Ông không thể hình dung được nàng như thế nào trong cái nơi khủng khiếp đó.

Chúng nó bắt nàng quỳ gối không? Có lột áo nàng ra không? Chắc nàng kêu to lắm? Nàng phải thét lên vì đau đớn chứ? Ông dừng lại và đứng dựa vào một thanh xà dính ướt. Gã Ả rập ngỡ là ông muốn xem xét các thứ chứa trong khoang, vội vàng mở một cánh cửa ở hành lang và giơ đèn lên.

Trong ánh sáng lờ mờ hiện lên những chiếc hộp vứt ngổn ngang chiếc nào cũng đánh đai sắt và đóng đinh, còn có cả những chồng hàng lấp lánh được xếp đặt cản thận, thoạt nìn chưa phân biệt rõ hìn thù.

Nhưng thật vô cùng kinh ngạc khi nhìn kỹ các nét chạm trổ, các hình cuốn: ghế bành, bàn, bình, đồ dùng đủ loại, tất cả đều bằng vàng khối, thỉnh thoảng có một vài thứ bằng “ bạc nhỏ”, tức là bạch kim, ngọn lửa đèn nhảy múa làm ánh lên vẻ rực rỡ của kim loại quý mà dù nước, dù muối đều không làm mờ đi được.

_ Ngài ngắm kho báu của ngài à, thưa ông chủ? – gã người Mo hỏi bằng thứ giọng phát ra từ cổ họng.

_ Ừ - ông trả lời, nhưng thật ra chả nhìn thấy gì cả.

Ông lại đi tiếp, và đột nhiên đụng phải một cánh cửa bằng đồng nặng nề, ông túm lấy một cách giận dữ.

_ Bỏ lỡ cả một đống vàng.

Đám bạn hàng người Tây ban nha sẽ uổng công chờ đợi. Do có chuyện mấy người La Rosen, ông buộc phải quay lại, không thể hoàn thành được chuyến đi, đáng lẽ ra đó là chuyến vàng cuối cùng để rồi sau đó sẽ tiến hành thương lượng ký kết những hợp đồng buôn bán mới. Tất cả chỉ vì một người đàn bà, một người đàn bà mà ông thậm chí cũng không nắm được. Thế mà từ trước đến nay, chưa có ai bắt ông phải chịu một thiệt thòi lớn như vậy trong buôn bán. Nhưng rồi những người Tin lành sẽ phải trả. Họ sẽ trả cũng với giá thật đắt như vậy. Và tất cả sẽ kết thúc tốt đẹp.