Người này ngồi bệt xuống sàn, bên cạnh một chiếc đèn cung cấp cho ông ta cùng lúc cả ánh sáng lờ mờ lẫn hơi nóng chẳng lấy gì làm ấm áp. Đôi tay đeo xiềng của ông ta đặt trên đầu gối, và vẻ mặt nom có vẻ lo lắng. Giôphray đờ Pecrac chẳng có gì đáng tự hào trong chuyện này. Ông đã gặp quá nhiều loại người nên không biết đánh giá một con người ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không hiểu được vì sao Angielic ngày xưa tinh tế đến như vậy, lại có thể đi yêu cái gã Tin lành cục mịch, tẻ lạnh ấy, khiến ông bị đẩy vào một cơn giận đen tối.
Những người Tin lành, chắc chắn ông đã nhìn thấy họ hầu ở khắp mọi miền thế giới. Không dễ gì nắm được họ, rất khó giao du, nhưng là những người đàn ông, đàn bà có nghị lực. Ông khâm phục sự liêm khiết trong nghề buôn bán của họ, khả năng bảo đảm hội đoàn của họ, họ học rộng, thông thạo nhiều ngôn ngữ, trong lúc đó thì có nhiều kẻ đồng cấp, đồng đạo ngày trước của ông ta, thuộc giới thượng lưu của nước Pháp lại dốt nát đến thảm hại và thậm chí không thể hình dung được rằng có những con người có thể tồn tại ở ngoài phạm vi nhỏ hẹp của họ.
Điều ông thấy rõ hơn hết là sức mạnh đoàn kết được tạo ra trong cái tôn giáo nghiêm khắc và còn đang bị đe dọa ấy. Những người thuộc phe thiểu số bị hành hạ, bị coi là “ muối của đất”. Nhưng ma xui quỷ dắt làm sao mà một người đàn bà dòng dõi cao sang như Angielic lại đến với bọn lái buôn khắc khổ và buồn tể ấy. Sau khi thoát khỏi hiểm nguy một cách thần kỳ ở vùng hồi giáo – mà chỉ có trời mới biết tại sao nàng bị quẳng vào đó, nàng không tiếp tục giành lại những lợi thế của mình ở triều đình ư? Khi nghĩ tới nàng, ông ta luôn luôn thấy nàng hiện ra với vẻ vương giả trong ánh sáng rực rỡ của điện Vecxay, và ông thường tự nhủ: nàng sinh ra là để sống như vậy. Cho đến một lúc nào đó, cô bé có nhiều tham vọng mới bắt đầu ý thức được quyền lợi của mình. Nàng chả tính toán để làm nổi bật mình ngay tại ngai vàng của Đức vua, vào cái hôm ông đưa nàng đến dự lễ cưới của vua Luy thứ XIV ở Xanh-giăng-đờ-Luy đấy thôi? Lúc đó nàng đã là người đàn bà đẹp nhất, trang điểm giỏi nhất, nhưng liệu ông có thể khoe khoang rằng mình đã vĩnh viễn chiếm được trái tim non trẻ ấy không?
Ai mà biết hết những ao ước muôn màu của người dàn bà đối với hạnh phúc của họ?... Với người này đỉnh cao hạnh phúc sẽ là chuỗi hạt kim cương, với người nọ là cái nhìn của Đức vua, với người kia là tình yêu chung thủy, với người kia nữa là những món được nấu nướng ngon lành…
Thế còn Angielic?... Ông chưa bao giờ biết rõ điều gì ẩn giấu dưới vầng trán mịn màng của người đàn bà – trẻ thơ, nằm ngủ bên cạnh mình, mệt mỏi, thỏa mãn sau các cuộc tình hoạn lạc đầu tiên.
Mãi sau này, rất lâu về sau này, ông đã biết rằng nàng đã đạt được mục đích của mình, ở điện Vecxay, và ông tự nhủ: “ Đúng thôi. Thực chất, nàng sinh ra là để sống như vậy”. Chả thế mà ngay lập tức nàng được gọi là người tù đẹp nhất Địa trung hải?
Ngay cả khi trần truồng, nàng vẫn giữ được vẻ lộng lẫy. Thế nhưng, khi gặp lại nàng đường đột, trong bộ quần áo đứa ở, gắn bó với một gã thương gia chuyên buôn rượu và muối, kẻ suốt ngày ngốn kinh Thánh, xem ra có một cái gì thật gàn dở. Mãi mãi ông sẽ không quên cái cảnh nàng ướt sũng và hốt hoảng, đầy vẻ thất vọng vì không gợi được ở ông sự thương hại.
Gã thủy thủ người đảo Mantogac dưới hầm, bước đến gần với chùm chìa khóa trong tay.
Người chủ tàu ra hiệu cho ông ta mở tấm cửa bọc đồng. Rescator bước vào phòng giam. Gabrien Becno ngước nhìn ông. Tuy vẻ mặt xanh xao, ông ta vẫn giữ được cái nhìn trong sáng.
Họ im lặng nhìn nhau. Con người xứ La rosen không vội vã đòi hỏi được cắt nghĩa về cách đối xử bất nhân mà người ta đang bắt ông ta phải chịu. Sự việc không ở đó. Nếu con người đen đủi đeo mặt nạ kia đích thân đến thăm ông ta, điều làm ông ta nghi ngờ, thì không phải chỉ đơn giản để nói với ông ta những lời trách cứ hoặc đe dọa. Có một cái khác đanh được dựng lên giữa hai người: một người đàn bà.
Gabrien Béc nơ quan sát tỉ mẩn cách ăn mặc của kẻ đang giam giữ mình. Ông ta có thể ước tính được giá tiền của những thứ ấy. Tất cả đều được lựa chọn công phu: da, nhung, dạ hảo hạng. Đôi ủng bằng và thắt lưng bằng dạ Coocdu có lẽ được thửa tại chỗ. Vải may chiếc áo chẽn kia là nhung Metxin của Italia, ông ta dám chắc thế. Ở Pháp, cho dầu ngài Côn be đã cố gắng hết sức người ta vẫn chưa thể làm ra được loại nhung đẹp đến thế.. Ngay cả chiếc mặt nạ cũng là một tác phẩm nghệ thuật thủ công: vừa cứng, vừa mỏng mảnh. Ở bộ mặt bị che lấp dưới lớp mặt nạ, ở những quần áo sang trọng và thanh nhã, trong phong thái đường bệ của con người này đều có một cái gì đấy làm say đắm đàn bà. “Nàng nhẹ dạ cả tin quá”, ông Bécnơ nghĩ một cách chua chát.
Đêm qua đã có điều gì xảy ra giữa tên cướp khéo mồm, vẫn quen phô trương với đàn bà các đồ nữ trang và quần áo đẹp, với bà Angielic, kẻ lưu vong khốn khổ mình trần thân trụi?
Chỉ nguyên với ý nghĩ ấy thôi đã đủ để ông Béc nơ xiết chặt nắm tay và một sắc hồng hiện rõ trên gương mặt tái nhợt của ông ta.
Rescator cúi xuống, đặt bàn tay lên tấm áo khoác thấm máu cứng quèo của nhà thương gia và nói:
-Này ông Béc nơ, các vết thương của ông lại bật máu ra đấy, và ông thì đang ở trong hầm tàu. Đêm qua lẽ ra ông phải có một chút khôn ngoan sơ đẳng nhất là tự bảo mình hãy tuân thủ các quy luật của tàu. Khi con tàu đang trong vòng nguy khốn, nghĩa vụ tất yếu của hành khách là đừng có gây thêm bất cứ một sự cố nào, đừng làm vướng víu việc vận hành để có thể đẩy sinh mạng của tất cả chúng ta vào thảm họa.
Con người của xứ La Rosen không hề tỏ vẻ sợ hãi.
-Ông biết tại sao tôi lại hành động thế rồi. Ông bắt giữ trái phép một trong những người đàn bà của chúng tôi mà ông đã cho gọi một cách hỗn láo như …như là nô lệ vậy. Ông có quyền gì?
-Tôi có thể trả lời ông: quyền của một ông Vua.
Và Rescator nở một nụ cười cay độc:
-..Quyền của ông chủ đối với chiến lợi phẩm.
-Nhưng chúng tôi tin cậy vào ông – ông Bécnơ nói,- và….
-Không!
Người đeo mặt nạ đen kéo chiếc ghế đẩu và ngồi xuống cạnh người tù. Ánh sáng hồng mờ nhạt của ngọn đèn làm nổi bật lên sự khác nhau giữa hai người. Một người thô kệch, vóc dáng cứng đờ, một người bí hiểm được che chở bởi tấm áo giáp mỉa mai của chính mình. Khi Rescator ngồi, Bécnơ để ý thấy ông ta có cái động tác hất áo về phía sau, cũng như vẻ duyên dáng tự nhiên khi ông ta tình cờ đặt bàn tay lên cái cán bằng bạc của khẩu sung lục nòng dài.
“ Một kẻ quý tộc- ông ta tự nhủ - một tên cướp, nhưng là một con người thuộc tầng lớp thượng lưu, không còn nghi ngờ gì nữa, mình là cái thá gì trước mặt ông ta?”
-Không! Rescator lặp lại- Các ông chẳng hề tin cậy ở tôi. Các ông không hề biết tôi, các ông không hề ký với tôi bất kỳ một giao kèo nào cả. Các ông chạy đến tàu tôi để cứu mạng của mình, và tôi, tôi cho các ông lên tàu, tất cả chỉ có thế. Ông đừng nghĩ rằng vì thế mà tôi tỏ ra không hiếu khách. Các ông được ăn, ở tốt hơn đoàn thủy thủ của tôi, và không một người đàn bà nào, một cô gái nào của các ông bị hành hạ hoặc là chỉ bị quấy rầy.
-Thế còn bà Angielic?
-Bà Angielic đâu phải là người theo đạo tin lành. Tôi biết rõ về bà ấy từ lâu rồi, tôi không coi bà ấy như một người đàn bà của các ông.
-Nhưng bà ta chẳng mấy chốc sẽ thuộc về tôi. Và với tư cách ấy tôi phải bảo vệ bà ta. Tối hôm qua tôi đã hứa với bà ấy sẽ kéo bà ấy ra khỏi nanh vuốt của ông, nếu sau một tiếng đồng hồ bà ta không quay lại.- ông ta chồm về phía trước và động tác ấy khiến cho xích cả ở chân và tay ông ta kêu leng keng.
-Tại sao cánh cửa khoang boong lại cài chặt?
-Để cho ông hưởng cái thú vui được phá cửa bằng những cú húc bằng vai đấy ông Béc nơ ạ.
Ông Bécnơ bắt đầu hết kiên nhẫn, các vết thương làm cho ông ta đau đớn, nhưng nỗi đau trong tâm hồn, trong trái tim xem ra còn tệ hại hơn. Trong những giờ phút cuối cùng này, ông ta đang sống trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Như một tia chớp, ông ta như thấy lại mình đang ở trong các cửa hàng ở La Rosen, ngọn bút lông ngỗng cầm tay trước quyển sổ kế toán. Ông ta không còn có thể nghĩ đến một cuộc sống cho đến tận lúc đó vẫn thẳng băng và khuôn theo mọi ý muốn của mình. Tất cả bắt đầu lên chiếc tàu tồi tệ này với vết bỏng của một mối hờn ghen làm méo mó hết mọi ý nghĩ. Một tình cảm mà ông ta không thể gọi tên, vì trước đó chưa bao giờ thể nghiệm. Ông ta chỉ muốn vứt nó đi như vứt chiếc áo tẩm thuốc độc. Ông ta đau nhói như khi bị một nhát dao đâm khi người đối thoại lưu ý mình rằng Angielic không thuộc về mình. Vì đấy chính là sự thực. Thoát khỏi cuộc nổi loạn và các trận chiến đấu của mình, nàng đã đến sống giữa những người Tin lành, nàng cứu sinh mạng của họ, nhưng nàng không thuộc về họ, vì bản chất của nàng khác họ.
Sự bí ẩn vừa gần gũi vừa xa vời vợi của nàng làm tăng thêm phần hấp dẫn.
-Tôi sẽ cưới bà ấy- ông ta nói một cách quả quyết- cho dù bà ấy không cùng tín ngưỡng cùng tôi. Chúng tôi đâu phải là những kẻ cố chấp như các ông, những người theo đạo thiên chúa. Tôi biết bà ấy đáng kính trọng, bà ấy tận tụy, kiên cường…Tôi không biết, thưa Đức ông, bà ấy có quan hệ gì với ông, ông quen biết bà ấy trong trường hợp nào, nhưng còn tôi, tôi biết những gì bà ấy làm trong nhà tôi, cho gia đình tôi và với tôi, thế là đủ.
Trong tâm trí ông ta tràn ngập nỗi tiếc nuối não nề những năm tháng đã qua với sự có mặt của người đầy tớ gái kín đáo và nhanh nhẹn, dần dần, tuy không ý thức được đã chiếu sáng cuộc đời mình.
Ông ta cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng mình đã đánh thức trong con người đối thoại với mình nỗi đau khổ cũng tương tự như nỗi đau khổ của mình: “ghen tuông, nuối tiếc”. Ấy thế, nhà thương gia còn biết nàng giấu kín trong lòng một dáng vẻ mà người đối thoại với mình không biết, có tên gọi là Giôphây đờ perắc. Sự có mặt của tên cướp này gợi cho ông ta nhớ lại rằng nàng còn sống vì một người khác, và người đó đã chết từ nhiều năm trước.
-Ông biết bà ta đã lâu rồi ư? Rescator hỏi
-Không, thật ra chưa quá một năm.
Về điều này Giôphây đờ perắc cho rằng Angielic đã nói dối, nhằm mục đích gì?
-Vì sao ông quen biết bà ấy, vì sao bà ấy đến làm đầy tớ trong nhà ông?
-Đấy là việc của tôi – Ông Béc nơ trả lời cáu kỉnh, và điều đó không liên quan gì đến ông cả- ông ta nói thêm cảm thấy câu trả lời của mình đánh trúng con người đeo mặt nạ.
-Ông yêu bà ấy?
Người tín đồ Tin lành im lặng. Câu hỏi đặt ông vào cái thế đối mặt với một lĩnh vực bị cấm đoán. Ông ta cảm thấy bị xúc phạm như một sự lăng nhục. Nụ cười nhạo báng trên đôi môi đối thủ càng làm ông ta thêm khó chịu.
-Ồ, thật cứng họng đối với một tín đồ Tin Lành khi phải nói đến từ yêu. Nó làm sầy da môi của ông rồi à?
-Thưa ông, chúng tôi chỉ được quyền yêu có mỗi mình Chúa mà thôi. Đấy là lí do tại sao tôi từ chối không nói lên tiếng ấy. Những gắn bó thế gian của chúng tôi không xứng đáng. Chúa là tình yêu duy nhất trong trái tim chúng tôi.
-Nhưng đàn bà ở trong ruột chúng ta – Giôphây đờ perắc nói một cách thô bạo- Tất cả chúng ta đều đeo đàn bà ở ngang thắt lưng này này.Và chúng ta chẳng làm được gì để chống lại được, ông cũng không, tôi cũng không ông Bécnơ ạ…Tin lành hay không tin gì cũng thế cả thôi.
Ông ta đứng dậy, đẩy chiếc ghế đẩu một cách thô bạo và chồm về phía người Tin lành nói với vẻ giận dữ:
-Không, ông chẳng yêu bà ấy đâu. Loại đàn ông như ông không yêu đàn bà. Họ chỉ tha thứ cho đàn bà thôi. Họ thờ phụng đàn bà và họ thèm muốn đàn bà, hai điều ấy khác nhau. Ông thèm muốn người đàn bà ấy vì thế ông muốn cưới bà ta làm vợ để cho lương tâm ông không bị áy náy.
Grabien Béc nơ đỏ bừng mặt. Ông ta cố đứng thẳng dậy nhưng chỉ đứng được lom khom.
-Những người đàn ông thuộc loại tôi không phải sinh ra để tiếp nhận lời dạy bảo từ loại của ông, lời dạy bảo của một tên cướp, một tên vô lại, một tên kẻ cắp thân tàn ma dại.
-Ông biết được gì nào? Tôi đúng là một tên cướp. Những lời khuyên của tôi có thể không đúng với một người đàn ông sắp cưới một người đàn bà mà rồi các ông Vua sẽ phát ghen lên với ông ta. Nào, liệu ông có thể thấy rõ điều đó không hở ông Bécnơ?
Câu nói cuối cùng có tác dụng làm ông ta ngã quỵ, ông ta phải dựa vào một tấm vách ngăn. Rồi ông ta quay lại, hướng về phía Perắc, cặp mắt bừng lên một ánh sáng man dại…Tâm trí ông ta đâm ra vơ vẩn.
-Tôi cố quên- ông ta nói –quên cái buổi đầu tiên ấy, lúc tôi thấy bà ấy trong cầu thang, cả một mái tóc buông xõa trên vai…Tôi không muốn xúc phạm bà ấy trong nhà tôi, tôi ép xác, tôi cầu nguyện…Nhưng tôi vẫn bị đánh thức dậy, bị xô đẩy vào vòng cám dỗ, và tôi biết chừng nào bà ấy còn ở dưới mái nhà tôi thì đến cả việc tôi được nghỉ ngơi yên ổn cũng chẳng còn có nữa.
Ông ta thở hổn hển, cúi gập người xuống, do hậu quả của nỗi đau thân xác thì ít mà nỗi nhục nhã vì những lời thú nhận của mình thì nhiều. Perắc nhìn ông ta sửng sốt.
“ Này nhà thương gia ơi, ông cũng chẳng khác tôi gì nhiều lắm đâu- ông nghĩ. Tôi cũng bị đánh thức dậy vào cái thời con hoẵng hoang dã ấy bắt tôi phải chờ đợi và cấm cửa tôi. Có điều chắc chắn là tôi không ép xác, không cầu nguyện, nhưng tôi đã đưa đôi mắt buồn bã nhìn khuôn mặt không mấy duyên dáng của mình trong gương và tự mắng mình là đồ mất dạy".
-Đúng, thật khó mà làm dịu đi được- Rescator lẩm nhẩm như đang nói với chính mình. Tự phát hiện ra mình lẻ loi và yếu đuối trong khi đối mặt với những yếu tố hàng đầu: biển cả, cô độc, đàn bà…Khi đến phút giây phải đương đầu với những thứ đó, người ta chẳng biết phải làm gì…Nhưng khước từ cuộc chiến đấu ư? Không thể được.
Ông Béc nơ buông mình xuống ổ rơm. Ông ta vẫn thở hổn hển và mồ hôi chảy ròng ròng trên thái dương. Những lời Perắc vừa nói nghe hoàn toàn mới lạ, khiến ông ta nghi ngờ, chẳng biết cái cảnh đang diễn ra có phải là thực hay không? Trong hầm tàu hôi hám và nhầy nhụa này, Rescator đi đi lại lại trong ánh sáng nhập nhoạng của ngọn đèn, ám ảnh ông ta như một vị ác thần. Ông ta cần phải biết tự vệ.
-Ông nói về những điều ấy nghe thật báng bổ.- ông ta vừa nói vừa lấy lại hơi thở- cứ như đàn bà là một yếu tố, một thực thể vậy.
-Đúng là một thực thể. Coi thường khả năng của họ là không tốt nhưng cũng không nên thỏa hiệp với họ. Biển cũng đẹp đấy chứ. Nhưng ông có thể gặp nguy hiểm đắm tàu nếu ông coi thường sức mạnh của biển. Và đối với đàn bà ông cũng có thể bị chìm đắm như vậy nếu như ông không thuần hóa được họ. Một người đàn bà, như ông biết đấy ông Béc nơ ạ, tôi bao giờ cũng bắt đầu bằng việc nghiêng mình trước họ, bất kể họ trẻ hay già, đẹp hay xấu.
-Ông nhạo báng tôi đấy ư?
-Tôi thổ lộ với ông những bí mật của tôi về sự quyến rũ, ông sẽ có làm như thế không thưa ngài tín đồ Tin lành?
-Ông lợi dụng đẳng cấp của ông để hạ cố đến tôi và như thế là xúc phạm tôi – ông Béc nơ thét lên, thở hổn hển vì cảm thấy nhục nhã, ông coi khinh tôi bởi vì ông là một vị lãnh chúa thuộc tầng lớp cao sang, hoặc giả là gần như thế trong khi tôi chỉ thuộc tầng lớp thị dân tầm thường.
-Ông không nhầm đấy chứ. Nếu ông chịu suy nghĩ một chút trước khi căm ghét tôi, ông sẽ thấy rằng tôi nói với ông là lời nói giữa hai người đàn ông với nhau hoàn toàn bình đẳng. Từ lâu tôi đã học được cách coi trọng con người chỉ ở một điều duy nhất là giá trị nhân bản. Giữa ông và tôi có một chỗ khác nhau: tôi có lợi thế hơn ông là đã biết thế nào là bị mất miếng ăn, là mất hết chỉ còn lại của cái duy nhất là một chút hơi tàn để sống. Còn ông, ông chưa biết cái đó, ông hãy tin là rồi ông sẽ biết. Còn về chuyện xúc phạm, ông chả làm điều đó đối với tôi là gì, tên cướp biển, tên kẻ cắp thân tàn ma dại…
-Tốt thôi, tôi công nhận- Ông Béc nơ vừa nói vừa thở mạnh – Nhưng lúc này chính ông mới là người có thế lực và tôi phụ thuộc vào quyền lực của ông. Ông sắp làm gì tôi?
-Ông không phải là một đối thủ dễ dãi, ông Béc nơ ạ. Nếu tôi tự nghe mình tôi sẽ thẳng thừng hất ông ra khỏi con đường tôi đang đi. Tôi sẽ bỏ mặc để cho ông chết rũ ở đây, hoặc giả… Ông biết các thủ đoạn của bọn cướp mà ông đã gộp tôi vào trong đó rồi chứ? Nhưng trong các nguyên tắc của tôi có một điều là tôi không bao giờ dành hết may mắn cho mỗi phía mình. Tôi thích sự sòng phẳng. Tôi là tay chơi mà. Tôi biết điều đó đôi khi bắt tôi phải trả bằng cái giá quá đắt. Tuy thế một lần nữa hãy xỉa bài ra. Chúng ta còn phải lênh đênh trên con tàu này hàng mấy tuần lễ nữa. Hãy thỏa thuận với nhau là khi đến đích, tôi và ông sẽ yêu cầu bà Angielic chọn lựa giữa hai chúng ta. Nếu bà ấy đi về phía ông, tôi đành bỏ cuộc…Tại sao lại bĩu môi tỏ vẻ hoài nghi? Hình như ông có vẻ như không mấy tin chắc vào thắng lợi của mình?
-Từ thuở bà Eva, đàn bà luôn luôn bỏ mặc cho cái xấu lôi cuốn.
-Hình như ông đánh giá thấp cái con người mà ông định lấy làm vợ đấy. Ông có còn tin vào sự cần thiết của các thứ vũ khí mà ông định dùng để chinh phục bà ấy không?...Ngay ở miền đất lạ mà chúng ta đang đi tới, sự kính trọng vẫn có giá… Bà Angielic cảm nhận được điều đó.
Người chủ tàu nói bằng thứ giọng nhạo báng. Ông Béc nơ cảm thấy thật cơ cực. Những lời nói sâu cay của Rescator buộc ông ta phải tự thăm dò chính mình. Và ông ta cảm thấy sợ hãi khi phát hiện ra sự nghi ngờ chính mình, nghi ngờ Angielic, nghi ngờ giá trị của những phẩm chất mà ông ta sẽ đưa ra để đối chọi với cái thế lực đáng sợ của con người đang thách thức ông ta.
-Ông có giữ lại tất cả những cái đó để thêm chút sức nặng trong cuộc chinh phục một người đàn bà không?
-Có thể…nhưng ông cũng chẳng đến nỗi không may mắn như ông nghĩ đâu, ông Béc nơ ạ, bởi vì ông có những thứ vũ khí khác…
-Những vũ khí khác nào? – Người tù hỏi với vẻ lo lắng đến nỗi làm Rescator thấy mủi lòng. Rescator quan sát người tù. Ông ta lại một lần nữa nghĩ là ông Béc nơ đang phạm phải sự khinh suất, vô cớ làm phức tạp thêm ván bài đã dẫn sâu vào tính toán quá nhiều cho riêng mình. Nhưng ông ta đã bao giờ biết cái gì là đích thực của Angielic, cái gì nàng nghĩ, cái gì nàng muốn, nếu như đối thủ của ông ta không giữ quyền tự do sử dụng những cơ may mà hắn ta có?
Ông ta vừa cúi xuống vừa mỉm cười.
-Này ông Béc nơ, ông cần biết rằng một người đàn ông đã bị thương mà còn tìm được cách húc vào cửa để kéo người yêu của mình ra khỏi sự cám dỗ ô nhục, một người đàn ông đã bị xiềng xích mà còn giữ được đủ…phải công nhận là đủ khí lực để kháng cự ngang với sức kháng cự của một con bò mộng, là một người đàn ông, theo ý tôi, có đủ mọi ưu thế để giữ chặt thói đỏng đảnh của đàn bà. Dấu ấn cơ bắp, đó là khả năng chủ yếu trong quyền lực của chúng ta đối với một người đàn bà… bất cứ loại đàn bà nào… Ông là một người đàn ông, ông Béc nơ ạ, một người đàn ông chính cống, một con đực tốt, vì thế nên tôi không chịu thua ông, tôi thú thật như vậy, tôi vui lòng chơi tiếp ván bài của ông.
-Ông im mồm đi – nhà thương gia xứ La Rosen đột ngột hét lên trái với ý muốn của mình, và nhờ ảnh hưởng của cơn giận, ông ta đứng thẳng lên được. Ông ta kéo căng sợi dây xích tưởng đâu có thể giật đứt – Ông không biết rằng người ta đã viết: “ Thịt giống như cỏ và sự rực rỡ của nó giống như hoa đồng nội. Cỏ khô, hoa rụng khi ngọn gió Vĩnh cửu thổi qua…”
-Có thể như vậy… Nhưng ông phải thừa nhận rằng chừng nào gió Vĩnh cửu chưa thổi qua, hoa vẫn còn khêu gợi sự ham muốn.
-Nếu tôi là người theo đạo Thiên chúa – ông Béc nơ nói không e dè, tôi sẽ làm dấu thánh, bởi vì ông đã thuộc về ma quỷ rồi.
Cánh cửa nặng nề đã đóng lại. Ông ta nghe bước chân con người đã quấy rầy mình xa dần, và âm vang giọng nói bằng tiếng Ả rập tắt hẳn. Một lúc sau, ông ta lết tới và ngã vật xuống ổ rơm. Suốt mấy ngày liền, ông ta dường như đang phải vượt qua một chặng đường gần giống với chặng đường đi tới cái chết. Ông ta đang bước vào một cuộc sống khác mà mọi giá trị xưa kia đều không còn chỗ đứng. Lúc bấy giờ ông ta còn lại cái gì?