Angiêlic và tình yêu

Chương 16

Trên boong tàu, đám đàn bà Tin lành đang giặt giũ. Nhìn những chiếc mũ chụp trắng của họ, như những con chim hải âu tụ tập trên một khoảng bãi biển hẹp. Khi đến gần họ, Rescator bắt đầu phân phát hào phóng những cái ngả mũ chào dành cho bà Manigôn, bà Mecxơlô, bà Ana, cô gái già-nhà toán học mà ông coi là có học thức uyên bác, cô gái hiền dịu Abighen mặt đang đỏ dừ lên, cho cả các cô gái không dám nhìn mình, và tỏ vẻ thân mật với tất cả những người khách trọ.

Sau đó ông ta đứng im lại chỗ, đối mặt với cây cột buồm lớn và bắt đầu thao tác trên cung lục phân.

Rất nhanh ông đoán nàng đang ở phía sau mình.

Ông quay lại.

Angiêlic tái người đi dưới cái sức mạnh mà nàng đang phải chịu đựng.

-Chiều hôm qua tôi đã nói ông những câu kinh khủng – nàng nói- Tôi lo sợ cho con gái tôi quá nên dã không còn tự chủ được. Tôi muốn ông tha lỗi cho tôi.

Ông trả lời sau một cái nghiêng mình.

-Tôi cảm ơn bà về cái cử chỉ lịch sự không cần thiết đó. Đạo lý buộc bà phải làm thế, cho dù không xóa đi được những lời bà đã nói, thì vẫn không thể nghi ngờ một chút nào về sự thành thực của nó. Bà hãy tin là tôi hiểu điều đó.

Nàng ném về phía ông ta một cái nhìn khó hiểu pha trộn đau khổ và tức giận.

-Ông chẳng hiểu một chút gì về tất cả những cái đó – nàng nói khẽ

Rồi nàng cụp mi xuống có vẻ như buồn chán vô cùng.

“ Nàng không còn giữ mình như ngày xưa – ông nghĩ- Nàng nhìn ra xung quanh một cách nhớn nhác, như thể đang sợ hãi. Vì sao nàng phải chơi cái trò sụp mi ấy? Đạo đức giả, đang xúc động và phải thú nhận là thế, hay tính khiêm nhường của người phụ nữ Tin lành?...Ít ra cũng có một điều ta thấy được ở nàng, ấy là cái sức sống mãnh liệt là sự khỏe khoắn chiếu rọi ra từ nàng như ánh mặt trời mùa hạ. Và quả thật, rõ ràng nàng có đôi cánh tay rất đẹp”.

Dưới cái nhìn gay gắt của ông Angiêlic cảm thấy vô cùng đau khổ.

Nàng muốn phản bác những lời ông nói, nhưng không phải lúc, không phải nơi để nói. Các bà đang giặt giũ nhìn họ, những người trong đám thủy thủ cũng không rời mắt khỏi ông chủ, mỗi khi ông có mặt trên boong.

Sáng nay đã có lúc nàng muốn đến gần để nói với ông. Nàng vẫn chưa thoát ra khỏi một tình cảm vừa ngạo mạn vừa sợ hãi. Chính là cái sợ hãi đã làm nàng đứng đực ra trước mặt ông và xoa vuốt một cách ngượng nghịu đôi cánh tay đỏ bừng lên dưới ánh mặt trời.

-Con gái bà khỏe mạnh rồi chứ? – Ông hỏi thêm.

Nàng gật đầu xác nhận và quyết định quay về với chậu quần áo đang giặt dở.

Cuộc đời là thế đấy! Phải giặt quần áo. Và kệ thây nó nếu như việc đó làm ngài đờ Perắc khiếp sợ. Angiêlic tự nhủ với vẻ uất ức. Nhìn thấy thế chắc ông sẽ hiểu rằng nàng vẫn thường bị buộc vào các công việc nặng nhọc chứ không phải ăn rồi lo nhảy nhót trong cung Vua, rằng nếu muốn bảo toàn nguyên vẹn và hoàn chỉnh một người đàn bà trước mọi thủ đoạn, cám dỗ thì chỉ còn một cách là người đàn bà đó tự trang bị cho mình chút tật xấu để làm cái mộc bảo vệ.

Ông làm cho nàng hiểu rằng hai người đã trở nên xa lạ đối với nhau. Thậm chí có thể đến một ngày nào đó họ trở thành thù địch. Nàng bắt đầu thấy ghét thái độ ban ơn một cách lạnh lùng và ý muốn của ông hạ cố đến nàng. Nếu họ gặp nhau trên đất liền nàng đã không ngần ngại tạo ra một khoảng cách lớn giữa hai người, để chứng tỏ với ông ta rằng nàng không phải là người đàn bà cứ bám nhằng nhẵng khi người ta đã đẩy đi.

May mắn thay – nàng vừa tự nhủ vừa cầm bàn chải chà xát một cách dữ dội lên quần áo – hai người cùng ở trên một chiếc tàu và không thể thoát khỏi nhau được.

Tình thế của nàng lúc này là hoàn toàn hạnh phúc và hoàn toàn đau khổ bởi vì, dù sao thì chàng cũng ở đó, bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Và được nhìn chàng, nói chuyện với chàng đã là một thần kỳ rồi. Và rồi những thần kỳ khác sẽ đến.

Nàng ngẩng đầu lên và nhìn thấy lưng chàng, đôi vai rộng của chàng dưới lần áo chẽn nhung, thân mình chàng được chiếc thắt lưng da bó chặt, cái bao khẩu súng ngắn có tay cầm bằng bạc đeo bên sườn.

Chính là chàng! Ôi mới đau khổ làm sao khi cảm thấy chàng vừa gần lại vừa xa.

“ Ấy thế mà chính trên trái tim ấy ta đã gục đầu nằm ngủ, chính trong đôi cánh tay ấy ta đã trở thành người đàn bà. Ở Candi, khi nhận ra ta, chàng đã ôm vai ta, nói với ta bằng thứ giọng dịu dàng đến mê hồn. Nhưng ở Canđi ta hãy còn là kẻ khác. Ta đã có thể gây ra điều gì tồi tệ cho cuộc đời ta? Đức vua đã làm gì ta? Cái ông Vua mà chàng buộc tội ta là nhân tình nhân ngãi, lấy cớ để ghét bỏ ta, ruồng rẫy ta. Và trong lúc ta chiến đấu chống lại nhà Vua thì chàng ôm những người đàn bà khác trong tay chàng. Ta đã từng biết tiếng tăm của chàng ở Địa trung hải, ta không là gì trong quá khứ của chàng. Bây giờ ta cản trở chàng. Chàng cũng muốn thà ta chết đi, chết trong sa mạc, chết vì rắn độc cắn. Nhưng ta không muốn chết! Ta cũng không muốn chết như chàng. Vì ta và chàng giống nhau. Ta và chàng đã là vợ chồng. Đã gắn bó với nhau dù sung sướng hay hoạn nạn, kể cả những khi xa cách nhau. Không thể có chuyện điều đó biến mất được. Và không thể có chuyện tình yêu của chúng ta phải chết khi cả hai đều sống”.

Đôi mắt nàng cháy rực nhìn ông chằm chằm, mỗi một cử chỉ của ông đều khêu gợi nhục cảm đến mức làm nàng run lên.

---------------

Bà xát đến nổi cả bọt lên kìa- bà Macxen Care ngồi giặt bên cạnh nói lầm bầm- Cứ như là giặt bằng xà phòng ấy!...

Angiêlic chẳng hề nghe thấy gì cả.

Nàng thấy ông giơ cái cung lục phân lên, quay khuôn mặt nhìn nghiêng đeo mặt nạ hướng về phía chân trời, nói gì đó với người thủy thủ trưởng. Rồi ông quay lại, đi về phía mấy người đàn bà và chào họ, cũng với vẻ duyên dáng xưa kia vẫn dành cho các phu nhân trong Triều định, quét xuống đất những chiếc lông chim gài trên mũ. Ông trò chuyện với Abighen. Vì quá xa nên Angiêlic không thể chộp được những lời họ trao qua đổi lại với nhau theo gió bay tới.

Ông nhìn thẳng vào mắt cô gái lúc đó đang ánh lên dưới cái nhìn chăm chú của người đàn ông, điều đó ít có đối với cô.

“Nếu chàng động vào cô bé ta sẽ rú lên” Angiêlic nghĩ. Rescator cầm tay Abighen và Angiêlic rùng mình, như thể nàng đang cảm thấy da thịt mình tiếp xúc với ngón tay ông.

Ông kéo Abighen về phía đầu con tàu và chỉ cho cô ta một vật gì đó ở xa, một ngọn sóng lừng lững trắng lóa lên trong ánh sáng mặt trời, những tảng băng mà không ai nghĩ là còn có ở vùng này khi thời tiết đang đột ngột ấm lên.

Rồi đứng chống nạnh với vẻ ngang tàng, một nụ cười nở trên đôi môi hãy còn săn chắc và hấp dẫn lộ ra ở rìa phía dưới mặt nạ, ông chăm chú lắng nghe người đối thoại với mình trò chuyện.

Angiêlic có thể đoán được là Abighen đã dần dần cảm thấy yên tâm như thế nào. Trước hết vì sợ hãi trước những ưu thế nổi bật của con người đáng ngại ấy, cô ta đã để lộ vẻ đẹp của tâm hồn mình. Được an ủi, khơi gợi, khích lệ đánh trúng những gì tốt đẹp nhất của bản thân, cô ta sẽ sống động hẳn lên, và cái duyên dáng của sự thông minh được che giấu bởi một nền giáo dục khắc nghiệt sẽ hiện ra trên khuôn mặt hiền dịu của cô ta. Cô ta sẽ nói tới những gì hay ho, tuyệt diệu và sẽ thấy ánh phản chiếu của những điều đó hiện lên trong đôi mắt thích thú đang nhìn thẳng vào mắt mình.

Chỉ một lần tiếp xúc đơn giản như vậy với ông, cô ta sẽ còn giữ mãi kỷ niệm được sống một khoảnh khắc trong thứ ánh sáng hoàn toàn khác so với các bạn đồng hành.

Cứ như thế, kẻ chinh phục chắc chắn sẽ tìm được con đường đi tới trái tim người đàn bà.

“ Chàng định kiếm chác gì trong việc tấn công vào Abighen ngay trước mặt ta? Làm ta nổi ghen lên? Chứng tỏ với ta rằng chàng đã ngãng ra? Ngầm nói với ta rằng ai có tự do của người nấy? Còn với Abighen thì sao?...A! Chàng phải biết rằng chàng vượt lên mọi luật lệ của con người và của thánh thần, và đặc biệt là lề luật của hôn nhân. Này, chàng phải biết rằng các lề luật ấy vẫn tồn tại. Ta là vợ chàng và ta vẫn cứ là vợ chàng. Ta sẽ đeo đuổi chàng đến cùng…”.

Rescator chào từ biệt Abighen. Ông rời sàn tàu theo cầu thang bên phải.

Bà Care huých cùi tay vào Angiêlic và ngoảnh về phía nàng thầm thì.

-Từ năm lên mười sáu tuổi tôi đã mơ ước được một tay cướp như lão kia chinh phục tôi và mang tôi qua biển đến một hòn đảo kỳ lạ.

-Bà ấy à? – Angiêlic hỏi, vẻ sửng sốt.

Bà vợ ông luật sư nháy mắt một cách vui vẻ. Trông bà ta như một con kiến đen vô duyên. Đầu óc búi cao theo kiểu người tỉnh Angumoa, lúc nào cũng vống lên tận đỉnh đầu nom cứng đờ đờ. Hình như chính chiều cao của cái búi tóc ấy làm thân mình bà ta càng lép kẹp, tuy không phải vì thế mà không đẻ nổi những mười một đứa con. Nhấp nháy đôi mắt sau cặp mắt kính tròn, bà ta xác nhận.

-Đúng, tôi chứ còn ai nữa. Tôi lúc nào cũng mơ tưởng. Tôi còn nghĩ đến tên cướp ấy nhiều lần trong những giấc mơ. Khi gặp một tên cướp ở đây, chỉ cách mình có mấy bước chân, tôi cảm thấy người tôi cứ thế nào ấy. Nhìn cách ăn mặc sang trọng của lão, rồi cả cái mặt nạ nữa, tôi phát rùng mình lên.

-Này các bà xinh đẹp cuả tôi ơi, tôi sẽ nói cho các bà biết lão ấy ở đâu- Bà Manigôn nói bằng thứ giọng mới mẻ chứa đựng một cái gì quan trọng- Bà Angiêlic đừng phật lòng nhé, tôi đang tự hỏi không chừng tôi còn biết lão ấy trước bà cơ đấy.

-Kể cũng ngạc nhiên – Angiêlic nói như rít qua kẽ răng.

-Thế hả, thế bà biết những gì nào? – Một số bà khác xúm đến hỏi: Lão người Tây ban nha à? Ý à? Hay Thổ Nhĩ Kỳ?...

-Hoàn toàn không phải thế. Lão ta cùng quê xứ với chúng mình thôi. – Người đàn bà lắm mồm buông ra một câu đầy vẻ đắc thắng.

-Với chúng mình? Ở La Rôsen ấy à?

-Làm gì có chuyện ở La Rôsen? – Bà Manigôn vừa nói vừa nhún đôi vai nần nẫn – tôi nói với chúng ta tức là với tôi ấy.

-Ở Angulêm à? Mấy bà La Rôsen cùng một lúc kêu lên với vẻ phẫn nộ và hoài nghi.

-Không hoàn toàn như vậy, xa hơn một chút về phía nam Tác bơ…hay Tuludơ gì đó, có lẽ là Tuludơ thì đúng hơn- bà ta miễn cưỡng nói thêm, nhưng dù sao lão cũng là một lãnh chúa của xứ Akiten, một tay Gaxcônhơ –bà ta thầm thì vẻ hãnh diện lấp lánh trong đôi mắt đen thụt sâu vào giữa hai lớp mỡ dày.

Angiêlic cảm thấy cổ họng mình thắt nghẹn lại. Phải chăng chỉ nàng có thể ôm hôn người đàn bà to béo ấy. Nàng tự mắng mình vô lí, bỗng dưng nhậy cảm với những điều chẳng đáng gì. Mà quả thật có đáng gì những phút giây chợt nhớ trên vùng giáp ranh của biển sương mù vào những buổi chiều giá lạnh, khi ta trông thấy lóe lên ánh sáng giống hệt ánh sáng rạng đông lấp lánh xà cừ. Nhưng chẳng qua cũng như những bông hoa đã héo được áp đầu rễ vào một chút đất bụi quê hương.

-Tôi đã thấy như thế nào à? – bà vợ ông chủ tàu tiếp tục nói- một hôm gặp tôi trên boong, lão ta nói: Thưa bà Manigôn, bà có giọng nói của người Angulêm”. Từ đó, mới dẫn đến chuyện quê hương.

Bà Mecxơlô, vợ ông chủ xưởng giầy vốn hiếu kỳ không muốn tỏ vẻ quá thích thú.

-Bà bạn ơi, vẫn còn có những chuyện bà chưa nói là tại sao lão ta mang mặt nạ. tại sao lão ta không thích các cuộc gặp gỡ, tại sao lão ta đi lang thang xa xứ suốt bao nhiêu năm rồi.

-Mọi người đều không thể sống ở quê hương.Đầu óc thích phiêu lưu thổi lão ta đến nơi nào lão ta muốn.

-Đầu óc kẻ cướp mà, tất nhiên phải thế.

Họ nhìn Angiêlic qua khóe mắt. Người đàn bà bướng bỉnh không chịu cho họ biết những chỉ dẫn đầy đủ về con tàu Gunxbôrô và ông chủ của nó, ngày càng tỏ ra đáng ngờ hơn. Bị đẩy lên một chiếc tàu không treo cờ, không biết đi đâu họ nghĩ rằng họ có quyền được giải thích.

Angiêlic vẫn tỏ vẻ kín bưng, như thể nàng không nghe gì cả.

Các bà bỏ đi để phơi một lô dây quần áo vừa giặt xong. Họ phải lợi dụng những giờ phút cuối cùng còn có nắng, nếu không chỉ lát nữa là cái lạnh của đêm phương Bắc sẽ bién chiếc áo sơ mi ướt thành tấm áo giáp sắt.

-Ôi ngóng qua!- Cô Bécti Mecxơlô vừa kêu to, vừa cởi áo chẽn ra.

Và vì chiếc mũ chụp đã bị lệch sang một bên cô ta cũng cất đi nốt, làm xõa tung cả một mái tóc vàng.

-Tại vì chúng ta đang ở đầu múi trái đất, quá gần mặt trời nên mới nóng ghê thế. Nó sắp sửa quay chính chúng ta mất!

Cô ta cười ré lên. Đôi vú xinh xắn cao và nhọn, cùng với hai bờ vai hãy còn mảnh khảnh nhưng tròn và rắn chắc hiện lên sau chiếc áo sơ mi ngắn tay.

Angiêlic ngồi gần đó hãy còn đắm chìm trong suy nghĩ liền ngẩng lên nhìn cô gái.

“ Năm ta mười bảy tuổi chắc cũng giống con bé” – nàng nghĩ.

Một trong những cô bạn của Bécti liền bắt chước ngay. Cô này cũng cởi áo chẽn và cởi luôn cả chiếc áo nịt bằng len mặc trong. Tuy không đẹp bằng con gái nhà Mecxơlô nhưng cô này mũm mĩm và nom đã ra dáng đàn bà. Chiếc áo sơ mi mở cổ quá rộng để hở cả bộ ngực.

-Tớ lạnh – Cô bé reo lên- Ồ thế này thì vừa bị châm,vừa được mặt trời ve vuốt. Thật là tuyệt!

Một vài người lớn gượng cười để che đậy sự ngượng ngùng cũng như sự thích thú của họ.

Angiêlic bắt gặp cái nhìn bối rối của Xêvêrin. Còn bé hơn những đứa khác, cô gái nhà Béc nơ đang cảm thấy bị choáng trước cung cách quá đáng của mấy cô kia. Nó biểu lộ sự phản kháng bằng cách xiết chặt quanh vai tấm khăn quàng đen.

Qua cử chỉ ấy, Angiêlic biết rằng cô bé đang cảm thấy không bình thường. Angiêlic quay lại và nhận ra gã người Mo.

Apdula đứng tựa vào cây súng khảm bạc, nhìn các cô gái trẻ với vẻ mặt rõ ràng đã báo trước một điều gì. Chưa bao giờ gã để mình bị thu hút bởi một quang cảnh thú vị đến thế.

Đám thủy thủ có nước da bánh mật và nét mặt bặm trơn bắt đầu đi theo dọc các dây néo và tiến đến gần với một vẻ lãnh đạm giả vờ.

Một tiếng còi của gã gù rít lên đưa họ trở về vị trí. Anh ta ném cho đám đàn bà con gái một cái nhìn hằn học rồi bỏ đi sau khi đã khạc nhổ về phía họ.

Apdula là người đàn ông duy nhất vẫn ở tại chỗ. Khuôn mặt như tượng thần châu Phi đầy vẻ độc đoán của gã quay về với trái quả dục vọng, cô gái đồng trinh tóc vàng mà gã thèm khát từ mấy hôm nay, nỗi thèm khát đã bị mất đi từ lâu bởi cuộc sống gò bó trên biển.

Hiểu rằng ngoài mình ra không còn ai là người lớn giữa cái đám mái choai khờ khạo này nữa, Angiêlic đành phải ra tay.

-Cháu hãy mặc áo vào Bécti- nàng nói một cách khô khan, và cả cháu nữa, Rasen, các cháu điên cả rồi hay sao mà dám cởi áo ra trên boong như thế.

-Nhưng mà trời nóng lắm- Bécti kêu lên và mở to cặp mắt mênh mông đầy vẻ ngây thơ- Chúng cháu chịu lạnh mãi rồi, tội gì mà không tận dụng cơ hội này hả cô.

-Chuyện đâu phải là thế. Các cháu khêu gợi sự chú ý của đàn ông và như thế là nguy hiểm đấy.

-Đàn ông à? Nhưng đàn ông nào mới được cơ chứ?- Cô bé phản kháng ngay lập tức khi vừa nghe câu nói khẩn cấp đó. Ồ, anh ta à- Cô ta nói như thể chỉ nhìn thấy có mỗi mình Apđula - Ồ, không phải anh ta!

Cô ta cười phá lên, những tiếng cười lảnh lót nối tiếp nhau như một tiếng chuông nhỏ.

-Cháu biết anh ta thích cháu mà. Chiều nào anh ta cũng tới khi mọi người tụ tập trên boong, và lần nào có thể được là anh ta đến gần cháu. Anh ta cho cháu những thứ quà tặng nho nhỏ: chiếc vòng cổ bằng hạt cườm, một đồng tiền nhỏ bằng bạc. Cháu nghĩ rằng anh ta coi cháu là nữ thần, cháu thích thế.

-Cháu, cháu nhầm rồi. Anh ta coi cháu là đàn bà, có nghĩa là…

Nàng ngưng lại để khỏi làm Xêvêrin và các cô gái còn trẻ hơn lo ngại. Những đứa trẻ hết sức hồn nhiên cho đến lúc đó vẫn được nuôi dưỡng bằng kinh Thánh và được bảo vệ bởi các bức tường dày của những tổ ấm Tin lành.

-Mặc áo vào đi, Bécti- nàng vẫn nằn nì- Hãy tin cô, khi nào cháu từng trải hơn cháu sẽ hiểu ý nghĩa của sự thích thú ấy, và cháu sẽ đỏ mặt lên vì hạnh kiểm của mình.

Béc ti không cần đợi đến lúc từng trải hơn mới đỏ bừng đến tận chân tóc. Bị chạm nọc khuôn mặt duyên dáng của cô ta biến dạng đi. Cô ta nói cùng với một cái bĩu môi độc ác.

-Cô nói thế bởi vì cô ghen chứ gì…Bởi vì anh ta nhìn tôi mà không nhìn cô…ít ra thì cũng có một lần cô không phải là người đẹp nhất. Cô Angiêlic ạ, sắp đến lúc tôi sẽ là người đẹp nhất, ngay cả đối với con mắt của những người đàn ông khác hôm nay đang bái phục cô…Đấy, cô hãy nhìn xem tôi đã làm gì đối với những lời răn dạy của cô.

Cô ta quay ngoắt về phía Apđula và tặng gã một nụ cười với hai hàm răng lấp lánh, đẹp như ngọc.

Gã người Mo run hết cả người. Cặp mắt gã sáng lóe lên, trong khi đôi môi mấp máy một cách khó hiểu như để đáp lại nụ cười ấy.

-Ôi con bé thật ngu ngốc! – Angiêlic kêu lên một cách giận dữ- Thôi ngay cái trò lếu láo ấy đi, nếu không cô sẽ mách bố cháu.

Lời đe dọa tỏ ra có hiệu quả. Ông Mecxơlô không đùa bỡn với chuyện gia phong và thường hay bắt bẻ cô con gái rượu nhà mình. Vì thế cô gái đành phải miễn cưỡng cầm lấy chiếc áo chẽn. Rasen nhanh nhẩu hơn đã mặc ngay áo vào khi nghe những lời nhắc nhở đầu tiên của Angiêlic. Cũng như tất cả các cô gái trong cái cộng đồng nhỏ bé này, cô gái có một niềm tin sâu sắc ở người đầy tớ gái nhà ông Béc nơ. Sự hỗn láo đường đột của Bécti cứ như Rasen nghĩ- là một hành động phạm thượng, có hại đối với lũ trẻ.

Nhưng Bécti chưa hết cơn ghen, vẫn không muốn thú nhận thất bại

-A! Tôi biết vì sao cô cay độc như vậy rồi- cô ta đay lại – Ông chủ tàu không thèm thí cho cô một cái nhìn chứ gì…Ấy thế mà mọi người đều biết rằng cô ngủ cả đêm trong buồng ông ta đấy…Nhưng hôm nay ông ta lại thích tán tỉnh Abighen cơ.

Cô ta cười phá lên như điên.

-Ông ta không thích! …Mẹ gái già khô đét! Ông ta tìm được cái quái gì ở mẹ ấy?

Hai hoặc ba cô bạn của Bécti phì cười theo một cách đê tiện.

Angiêlic thở dài với vẻ nhẫn nhục.

-Thật tội nghiệp, sự dại dột ở lứa tuổi các cháu quả là không tưởng tượng nổi. Các cháu không hiểu một chút gì về những cái xảy ra xung quanh mình và các cháu lẫn lộn lung tung trong những lời nói dông dài. Nếu không đủ khả năng tự phán xét mình, ít ra cũng nên học ở Abighen, một cô gái vừa đẹp vừa hấp dẫn. Các cháu có biết rằng khi Abighen cởi mũ, mái tóc cô ta xõa xuống đến tận sườn không? Các cháu, không bao giờ có một mái tóc đẹp như thế, kể cả cháu, Bécti ạ. Và còn hơn thế nữa, Abighen có một tâm hồn và trái tim cao cả. Trong lúc đó thì sự ngu ngốc của các cháu có nguy cơ làm chán ngán những người tình bị cuốn hút bởi sự trẻ trung của các cháu.

Cảm thấy nhục nhã mấy cô gái lắm mồm đành đứng im thin thít. Họ chưa hẳn đã tin nhưng lúc đó không còn lí lẽ Bécti vừa uể oải mặc áo, vừa nhìn gã người Mo vẫn đứng nguyên tại chỗ nom như một pho tượng u ám trong chiếc áo choàng trắng đang phấp phới bay theo chiều gió.

Angiêlic liền ném về phía gã một câu nói như ra lệnh bằng tiếng Ả rập.

-Anh làm gì đó hả? Đi đi, chỗ của anh là bên cạnh ông chủ của anh cơ mà.

Gã giật mình như vừa tỉnh giấc mộng, đôi mắt kinh ngạc nhìn người đàn bà đang nói bằng tiếng của mình. Sau đó dưới cái nhìn bởi đôi mắt xanh của Angiêlic nỗi sợ hãi lộ ra trên mặt gã, va gã trả lời như một đứa bé biết mình có lỗi.

-Ông chủ tôi còn ở đây. Tôi chờ để đi theo khi ông ấy đi xa.

Ngay lúc đó Angiêlic thấy Rescator bị Lơ Gan và ba người bạn của ông chặn lại ở chân cầu thang. Họ đang đứng đó nói chuyện với nhau.

-Tốt. Này anh bạn, chúng tôi đi đây- nàng nói. Ta đi thôi các cháu.

Nàng bỏ đi và kéo theo các cô gái.

-Cái lão da đến ấy- Xêvêrin thì thầm với vẻ sợ hãi- Cô Angiêlic ạ, cô có để ý không? Lão ta nhìn Bécti như muốn nuốt tươi chị ấy cô ạ.

Bốn người trong đám Tin lành tiến đến chỗ Rescator ngay khi ông vừa xuống hết cầu thang boong mũi. Một sự kiện hiếm có. Kể từ ngày xuất phát ở Larôsen, chưa một người Tin lành nào tìm cách đến gần và trò chuyện với ông.

Kẻ hải hồ, không gốc rễ không tổ quốc, ngoài vòng cương tỏa ông làm sao có thể gây được mối thiện cảm ở những người tử tế ấy.

Ngoài cuộc nói chuyện với ông Gabrien Bécnơ ông chưa hề có cuộc trao đổi nào với họ. Vì không được giải bầy, sự căng thẳng cứ ngày một tăng lên đối với những con người xa lạ đa nghi và hay dòm dỏ, họ dần dần trở thành thù nghịch đối với ông.

Chính vì thế khi Lơ Gan và các bạn của ông này đến gần, Rescator đứng yên giữ thế thủ.

Họ đứng trước mặt ông, mũ úp vào bụng đầu cắt ngắn và được chăm chút cẩn thận. Tất cả những khốn khổ vừa trải qua với chiếc sơ mi duy nhất khoác trên người cũng không đẩy được họ đi tới chỗ thích nghi với dáng vẻ tả tơi, rách nát vốn rất quen thuộc trong đám thủy thủ. Với những người này, dù có tặng họ một cặp kéo và một chiếc dao cạo cực sắc đi nữa, râu ria đầu tóc của họ vẫn cứ bù xù. Bởi vì họ phần đông là dân Địa trung hải và theo đạo Thiên chúa.

Những ý nghĩ ấy làm Rescator mỉm cười trong khi mấy người kia vẫn giữ vẻ mặt lạnh tanh.

-Thưa Đức ông- cuối cùng Lơ gan nói - thời gian thì gấp gáp trong khi chúng tôi lại ngồi không. Chúng tôi đến để xin ngài làm ơn nhận chúng tôi vào đoàn thủy thủ: Ngài đã biết nghề nghiệp của tôi là hoa tiêu rồi đấy, qua việc chúng ta đưa tàu qua eo biển hẹp. Trước đó tôi đã làm nghề hàng hải mười năm, là một thủy thủ có tay nghề. Tôi và những người bạn này sẽ có ích cho ngài, vì chúng tôi biết trong đoàn thủy thủ của ngài có hai người bị thương ở La rôsen và họ chưa thể trở lại làm việc được. Chúng tôi sẽ thay họ, các bạn tôi đây, và tôi.

Ông này giới thiệu các bạn mình: Brêa, thợ mộc đóng tàu, Sarông, người cộng tác với ông ta trong họat động đánh cá ở La rôsen, đồng thời cũng là một thủy thủ, Marenguanh, con rể ông ta câm như một con chuột chũi nhưng không điếc, đã có thời gian chạy việc vặt trên tàu buôn trước khi làm nghề đánh cá và tôm rồng.

-Chúng tôi biết biển và chân tay chúng tôi ngứa ngáy muốn làm việc.

Lơ Gan có một cái nhìn thẳng. Giôphrây đờ Perắc vẫn còn nhớ như in khi ông ta đưa tàu qua luồng lạch khó khăn của eo biển Brơtông. Nếu một mối liên hệ giữa con tàu và những người Tin lành có thể được tạo lập thì chính Lơ gan đã đề ra.

Thế nhưng ông ta vẫn ngần ngại trước khi gọi người thủy thủ trưởng để yêu cầu anh ta nhận thêm người mới.

Nhưng lão gù dị dạng, còn lâu mới chia sẻ nỗi nghi ngờ với ông chủ, đã tỏ ra hết sức vui lòng. Một cái nhăn mặt giống như một nụ cười làm cái miệng bị chém hoác ra để lộ mấy chiếc răng sâu. Gã biết rõ là gã thiếu người. Sau khi có mấy người phải lên bờ ở Tây ban nha, số còn lại là vừa khẳm. Năm người bị thương ở La rôsen làm tình thế thật rắc rối. Có thể nói họ đang điều hành con tàu chỉ với một nửa số người cần phải có.

-Các vị tình nguyện thế là tốt lắm – Rescator nói với bốn người La Rôsen- Các vị biết tiếng Anh chứ?

Họ biết vừa đủ để hiểu các mệnh lệnh của gã gù. Ông ta giao mấy người cho gã rồi trở lại cầu thang đi lên lầu sau.

----------------

Đứng tựa lan can bằng gỗ thiếp vàng, ông cũng chẳng quay đi để tránh những vệt sáng rọi tới từ khoang boong, nơi trú đỗ của những người Tin lành vừa đột ngột chìm vào đêm tối.

Angiêlic ở đấy, giữa những con người mà ông cảm thấy thù nghịch. Phải chăng nàng đang cùng với họ chống lại ông? Hoặc ngược lại nàng cũng như ông, đơn độc giữa hai thế giới? Không ở bên này, không ở kia. Bóng tối thình lình bao phủ con tàu. Người ta đã đốt đuốc đốt đèn lên, Apđula quỳ mọp cạnh chiếc bình đất nung, đang thổi hồng rực các hòn than, với sự thận trọng của người nguyên thủy thức canh ngọn lửa vĩnh cửu.

Nỗi buồn phương Bắc và những lo âu giữa các ranh giới phân cách địa cầu đang đè nặng lên trái tim kẻ giang hồ bốn biển, cũng như tất cả mọi người đi biển trên thế giới này, những kẻ táo tợn đang đi theo sự dẫn đường của những ngôi sao bất động và mò mẫm trên mặt biển lúc này đã trở nên mù mịt.

Không còn sợ băng giá, không một dấu hiệu bào báo trước sẽ có bão. Nhưng tâm trí Giôphrây đờ Perắc vẫn chìm trong lo âu và phiền muộn. Lần đầu tiên trong cuộc đời đi biển của ông, con tàu không còn thuộc về ông nữa. Một ranh giới chia cách làm đôi. Các thuộc hạ của ông không được thoải mái, bởi họ cảm thấy ông chủ của họ đang lo lắng. Ông không còn khả năng để làm họ yên lòng.

Trọng lượng của tất cả những con người ấy mà ông phải gánh là quá nặng và ông đang cảm thấy chán ngán.

Ông đã biết những ngã ba của cuộc đời những giờ phút đi xong một chặng đường và đến đó phải chọn một hướng mới, bắt đầu lại từ đầu tất cả. Với ông, trong sự làm lại từ đầu, chỉ có tiếp tục, trên một con đường đã vạch và các viễn cảnh tự nó hiện ra từ từ trước mặt ông. Nhưng một đôi lúc, ông buộc phải dứt bỏ những hình hài của một cuộc sống cũ giống như con rắn lột bỏ lớp da cũ, vứt lại những mảnh vụn đầy lưu luyến những bạn bè thân thiết.

Lần này, ông sẽ phải trả Apđula về với sa mạc, bởi vì gã không chịu nổi các cánh rừng phương Bắc. Vậy là Giađông sẽ đưa gã trở lại với những chân trời vàng rực của Địa trung hải, và cả vị đạo sĩ già Apden Mecrat nữa. Apđula người hầu cận luôn luôn cảnh giác, đã cứu mạng ông biết bao nhiêu lần. Đối với cái thói quen của ông chủ, gã tôn trọng không kém gì các nghi lễ thiêng liêng. “ Liệu ta có tìm được một người Môhicân để pha cà phê cho ta không nhỉ? Không, chắc chắn là không. Dầu sao ta cũng cứ phải để anh đi anh bạn ạ, để anh trở thành một ông già Ả rập”. Còn Apđen Mecrát, nghĩ đến ông lão, ông nhớ tới căn phòng được thửa riêng cho ông lão ngay dưới lầu sau, với đầy đủ mọi tiện nghi có thể có được.

Thân hình gầy gò của ông lão, suy mòn vì sống khắc khổ, lọt thỏm vào giữa đống lông thú, ở đấy ông lão viết suốt ngày không biết mệt.

Vào tuổi bảy mươi, nỗi khao khát hiểu biết của ông lão vẫn còn luôn luôn sắc nhọn như hồi nào, ông lão gần như van vỉ ông bạn Perắc để được đi theo nhằm tìm hiểu Tân lục địa, khi ông rời Địa trung hải. Vị đạo sĩ thông thái rất thích thú với việc làm một chuyến đi vòng quanh địa cầu để đổi mới các suy ngẫm. Mở rộng trí óc là việc tương đối hiếm ở một người theo đạo Hồi. Apđen mecrát hoàn toàn xứng đáng với sự khâm phục cuồng nhiệt của một người như Mulai Ismail, vị chúa tể của ông lão.

Trong lâu đài tráng lệ nguy nga của mình lúc bấy giờ, Apđen Mecrát được coi là nhà thông thái hàng đầu, là vị thánh được tất cả mọi người ở Feđờ hết lòng ngưỡng mộ. Từ Salê, Giôphrây đờ Perắc đến đấy bằng kiệu. Ông lại về nằm dưới chân người bạn Ả rập của mình, không thể tưởng tượng nổi là mình còn sống sót sau cuộc hành trình hiểm nghèo và thấy mình một tín đồ Cơ đốc giáo kẻ bất trung bị phỉ nhổ lại ở giữa kinh thành Magrep bí ẩn. Nằm liệt giường, đầu óc ngán ngẩm vì nỗi đau thân xác phải chịu đựng, và mệt mỏi vì cuộc hành trình ông chỉ còn trông cậy vào sự nâng giấc và khuyên nhủ của những người xung quanh mà chính anh chàng da đen trung thành Cuxi Ba cũng đang sợ hãi vì thấy mình ở cùng với họ. “ Những người kia, bọn dã man hết” anh ta vừa nói vừa đảo cặp mắt trắng dã.

Tuy nhiên, Apđen Mecrát, bạn ông, đúng là một người tốt. Ông đã gặp ông lão ở Grơnát, Tây Ban Nha. Ông nhớ lại bóng dáng gày gò của vị học sĩ Ả rập, được ủ trong chiếc áo dài màu tuyết và vầng trán hói trên cặp kính gọng sắt, tạo cho ông lão dáng vẻ của một con cú làm trò.

-Tôi không thể tưởng tượng nổi là tôi lại ở trước mặt ngài và ở Feđờ - Giôphrây đờ Perắc nói thì thầm. Mặc dù cố hết sức ông cũng không thể phát lên được một âm thanh nào- Tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể gặp nhau ngoài bờ biển, gặp bí mật thôi. Vương triều Môrôcô đã mất thanh danh bất khả xâm phạm rồi hay quyền lực của các ngài đã sang tay các vị quốc vương không còn coi tín đồ thiên chúa giáo lọt vào đây chỉ có thể làm nô lệ hoặc chết? Những vinh dự mà mọi người dành cho tôi cho phép tôi tin rằng tôi sẽ không phải là nô lệ, mà cũng không phải chết. Ảo tưởng ấy liêu có còn kéo dài được hay không?

-Chúng ta hãy cứ hy vọng thế, ông bạn thân mến của tôi ạ. Quả thật trường hợp của ông là ngoại lệ, vì ông có sự bảo hộ huyền bí mà tôi đã thu được trong canh bạc giữ ông lại vì mục đích khoa học. Nhưng để không làm mất đi niềm hi vọng mà người ta đặt vào ông, trước hết ông phải nhanh chóng trở thành người khỏe mạnh. Tôi đảm đương việc chữa chạy cho ông. Tôi cần phải nói thêm rằng đây là vấn đề sống hoặc chết đối với ông cũng như đối với tôi, bởi vì, có thể phải trả giá cho sự thất bại bằng chính cái đầu của mình.

Mặc dù Perắc rất muốn biết rõ hơn lí do dẫn đến sự lo sợ đó, ông vẫn phải đợi đến cho đến lúc gần như đã lành hẳn mới có quyền được giải thích thêm.

Còn lúc này, trách nhiệm của ông, Perắc là chữa lành bệnh, và ông đã dấn thân vào việc đó với một nghị lực bền bỉ, vốn là nền tảng tính cách của ông.

Ông dũng cảm chịu đựng tất cả mọi săn sóc, chữa trị và tập luyện mà người bạn nhiệt tình đòi hỏi. Thích thú vì được lấy mình ra làm vật thí nghiệm khoa học, ông thêm bền gan mỗi khi có nguy cơ bị nỗi đau khổ và bấn loạn làm chán nản.

Thọat đầu Apđen Mecrát cúi nhìn xuống vết thương với bộ mặt u ám, dần dần nó sáng lên trước cảnh tượng có ít nhiều hứa hẹn.

-Lạy thánh Ala phù hộ - ông lão kêu lên- Vết thương ở chân trái của ông, cái vết thương nặng nhất ấy đã mở miệng ra rồi.

-Nó mở từ mấy tháng nay rồi.

-Vậy là thánh Ala phù hộ đấy- ông lão lặp lại- không những ngay từ bây giờ tôi có thể đảm bảo chữa lành mà tôi còn thấy trước rằng nhờ thế ông sẽ thoát khỏi cảnh tàn tật đã gây trở ngại cho cả một thời trai trẻ của ông…Ông không còn nhớ là hồi ở Grơnát, sau khi khám chân cho ông tôi đã nói răng giá mà tôi được săn sóc ông từ lúc ông hãy còn nhỏ, ông sẽ không bao giờ bị thọt sao?...

Và ông lão đã cắt nghĩa cho ông hiểu rằng các thầy thuốc châu Âu chỉ tấn công vào mỗi một lớp vỏ ngoài của vết thương, rằng họ nhìn vết thương một cách hấp tấp, tức là chỉ thấy hiện tượng liền da rất nhanh ở mặt ngoài. Quan trọng gì đâu nếu sau lớp màng mỏng manh ấy mà thiên nhiên tự nó đã tìm cách dệt nên càng nhanh càng totó ấy, vẫn còn lại các hang hốc, thịt rách nát, thối rữa, nguyên nhân của sự teo đi và biến dạng không thể nào chữa khỏi. Các thầy thuốc A rập với sự trợ giúp của khoa học cổ đại do các pháp sư truyền lại, những người chữa bệnh của châu Phi, những người ướp xác Ai cập tính toán từng yếu tố một cho cái nhịp độ riêng của sự liền da. Vết thương càng sâu, càng phải biết cách hãm nó lại và chớ có vội vàng làm cho nó khỏi.

Hoàn toàn vừa ý với những kết quả ban đầu Apđen mecrát còn cho ông biết rằng vì không gặp các nhà giải phẫu ông đã được lợi. Các dây chằng bị đứt gẫy, rách nát tự nó đã liền lại một cách hoàn hảo. Nhờ trời, ông đã tránh được tai biến khủng khiếp của chứng họai thư – tai biến duy nhất thực sự nguy hiểm đối với những cuộc điều trị kéo dài như thế. Mecrát chỉ hoàn thành nốt cái công trình khá hấp dẫn của ngài Ôbanh- tên đao phủ của nhà Vua nước Pháp tạo ra, và may thay còn được tiếp tục bởi muôn ngàn khổ nhục trong cuộc chạy trốn.

Apđen mecrát làm tỉ mỉ công việc của mình như một người thợ kim hoàn ả rập. Ông lão nói: “Chẳng mấy chốc mà dáng đi của ông bắt các ông hoàng ngạo nghễ nhất của Tây ban nha phải kính nể…”.

Quá mệt mỏi Giôphrây đờ Perắc không hỏi gì nhiều. Cũng may nhà thông thái Ả rập có một bộ óc hết sức tinh tế, đã hiểu được người bệnh của mình cho dầu có những hàng rào của hai nền văn minh ngăn cách họ. Cả hai đều cố gắng xích lại gần nhau. Vị đạo sĩ nói thông thạo tiếng Pháp và Tây ban nha. Còn vị bá tước Tuludơ có sẵn những kiến thức cần thiết về thế giới Ả rập mà ông hoàn thiện rất nhanh.

Bao nhiêu thời gian đã lặng lẽ trôi đi như thế trong tòa lâu đài ở Magrep? Cho đến tận bây giờ ông cũng không biết. Nhiều tuần lễ? Nhiều tháng? Một năm?...Ông không tính nữa. Thời gian phụ thuộc vào bước đi của ông.

Không một tiếng động nhỏ lọt đựoc vào tòa lâu đài đóng kín, nơi chỉ có những người giúp việc được dạy dỗ cẩn thận lướt đi một cách lặng lẽ. Thế giới xung quanh dường như không còn nữa. Dĩ vãng vừa qua với bóng tối và lạnh lẽo của ngục thất, mùi hôi thối của Pari hay nhà tù khổ sai mờ nhạt đi trong tâm khảm nhà quý tộc nước Pháp, đến nỗi nó chỉ còn xuất hiện dưới dạng một cái gì thô bỉ huyễn hoặc sinh ra từ những cơn ác mộng của người ốm.

Hiện thực rõ ràng nhất là khoảng trời màu xanh đen, hương thơm của hoa hồng ngaò ngạt trong ánh sáng ban ngày, dịu dàng lúc hoàng hôn, hòa quyện với hương thơm của hoa trúc đào, và thỉnh thoảng của hoa nhài nữa.

Ông vẫn đang sống!