An Nam Chí Lược

Các quan Thứ-Sử, Thái-Thú

Các quan Thứ-Sử, Thái-Thú

ở các quận Giao-Châu, Cửu-Chân và Nhật-Nam,

phụ-biên các quan Thứ-Sử, Thái-Thú đời Tam-Quốc

 

Đặng-Huân

Người Nam-Dương, ông nội của Tây-Hoa-Hầu Đặng-Thần, đời Hậu-Hán làm chức Châu-Mục ở Giao-Châu.

Ích-Cư-Xương

Con của Cư-Ông, trong năm Ngũ-Phụng thứ 5 (1), làm Thứ-sử quận Giao-Châu.

Đặng-Nhượng

Thân-thế thế nào chưa rõ, nhưng theo sách sử-ký của đời vua Quang-Võ trong Hậu-Hán-Thư, thời trong thời Vương-Mãng, các quận Giao-Chỉ, đều đóng cửa tự giữ lấy, có Sầm-Bành ngày thường có tình thân-mật với Đặng-Nhượng làm quan Mục ở đất Giao-Chỉ, đưa thư cho Nhượng, Nhượng bèn suất cả các Thái-Thú ở các quận, sai sứ đem lễ-vật về cống-hiến, sau đó đều được phong tước hầu.

Tích-Quang

Người Hán-Trung, trong thời vua Bình-Đế, làm Thái-Thú đất Giao-Chỉ, lấy lễ-nghĩa dạy dân.

Nhậm-Diên

Tự là Trường-Tồn, mới 12 tuổi đã thông hiểu Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Xuân-Thu, nổi tiếng trong trường Thái-Học, người ta gọi là Nhâm-Thánh Đồng, nghĩa là Ông thánh con nít họ Nhâm. Đầu niên hiệu Kiến-Võ (25 sau Công-Nguyên), làm Thái-Thú quận Cửu-Chân. Theo phong-tục tập-quán thì dân Cửu- Chân chỉ làm nghề đánh cá và săn thú, chứ không biết cày cấy. Nhâm-Diên dạy dân vỡ đất hoang, trồng lúa, đất mỗi năm mỗi mở rộng thêm, dân được no đủ giàu có. Còn hạng dân nghèo không có tiền cưới vợ, thì Nhâm-Diên bắt từ quan Trưởng-Sử trở xuống phải chịu bới lương bổng để giúp kẻ nghèo. Vì vậy, số người cưới vợ trong một lúc tới 2.000 người. Năm ấy, mưa gió thuận hoà, các giống lúa đều được mùa. Nhà nào sinh được con cũng đặt tên Nhâm. Cai-trị được bốn năm, Nhâm-Diên trở về Trung-Quốc, người quận Cửu-Chân lập nhà sinh-từ để thờ.

Tô-Định

Đầu năm Kiến-Võ, làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ, tính tham lam mà hung dữ, nên Trưng-Trắc giết Tô-Định làm phản. Sau đó, nhà Hán sai Mã-Viện qua dẹp yên cuộc loạn ấy.

Lý-Thiện

Tự là Thứ-Tôn, người đất Nam-Dương, làm chức Thái-Tử Xá-Nhân của nhà Hán. Trong thời vua Hiển-Tông, làm Thái-Thú quận Nhật-Nam, làm việc hay dùng ân-huệ, bác-ái đối với dân, nên dân ở các xứ khác cũng phục tùng, đổi làm chức Thái-Thú quận Cửu-Chân.

Trương-Khôi

Trong triều vua Hiển-Tông, làm Thái-Thú Giao-Chỉ, vì ăn hối-lộ bị tội, của bị tịch thu vào kho. Vua nhà Hán ra lời chiếu lấy của ấy ban cho các quan.

Hồ-Cống

Cha của Hồ-Quảng, làm chức Đô-Uý quận Giao-Chỉ.

Phàn-Diễn

Trong năm Vĩnh-Hoà thứ 2 (137) của Thuận-Đế, làm chức Thứ-Sử quận Giao-Chỉ. Giặc mọi Khu-Liên huyện Tượng-Lâm, quận Nhật-Nam làm phản, Diễn phát quân ra đánh bị thua.

Trương-Kiều

Trong năm Vĩnh-Hoà thứ 3 (138), làm chức Thứ-Sử quận Giao-Châu, sai sứ-thần đi ủy-dụ bọn giặc mọi ở huyện Tượng-Lâm; bọn giặc đều hàng phục.

Chúc-Lương

Tự là Thiệu-Khanh, người Lâm-Tương. Trong năm Vĩnh-Hoà (136-141), làm Thái-Thú quận Cửu-Chân. Bọn mọi Khu-Liên nổi làm phản; lúc Lương đến, chỉ đi một chiếc xe vào nơi giặc hiểu dụ, lấy oai tín mà thuyết-phục, người tới đầu hàng có vài vạn, cõi đất Lãnh-Ngoại đều yên cả.

Châu-Xưởng

Tự là Tử-Kính, người đất Ngô. Trong năm Vĩnh-Hoà thứ 6 (141), làm Thái-Thú Giao-Chỉ. Xưởng dâng thư tâu rằng: "Đất Giao-Chỉ ở xa, ngoài cả chín Châu, trông về Kinh-đô như xem ngôi sao Vân-Hán, thì nên đặt ra một chức Phương-Bá để làm một hàng rào phía nam cho quốc-gia". Nhà Hán bèn phong Xưởng làm chức Thứ-Sử Giao-Châu.

Hạ-Phương

Làm Thứ-Sử Giao-Châu đời Thuận-Đế, (126-144), dân Giao-Chỉ làm phản, phiến động đến Quận Cửu-Chân, kết bè đảng với nha. Phương lấy ấn-tín khuyến dụ, nên bọn giặc đầu hàng; nhân công đó, được thăng lên chức Thái-Thú quận Quế-Dương. Năm Diên-Hy thứ 3 (160), dư đảng bọn giặc quận Cửu-Chân lại nổi lên mãnh-liệt, nên triều-đình lại sai Phương làm Thứ-Sử ở Giao-Châu; Phương cai-trị có ân có oai, nên quân giặc kéo nhau tới xin hàng cả.

Dương-Phò

Người Cối-Kê, cháu của Dương-Mậu. Dương Mậu theo vua Hán Quang-Võ chinh phạt có công, nay cho Phò làm Thứ-Sử quận Giao-Châu.

Nghê-Thức

Trong năm Vĩnh-Thọ (Hoàn-đế), làm Thái-Thú quận Cửu-Chân. Lúc bấy giờ, quan lệnh huyện Cư-Phong tham lam hung bạo, nên người trong huyện là Châu-Đạt giết quan lệnh và suất quân chúng đánh cả quận Cửu-Chân. Thức tử trận. Vua Hán hạ chiếu ban thưởng 60 vạn quan tiền, lại cho hai người con làm quan Lang-Trung.

Ngụy-Lãng

Tự là Thiếu-Anh, người Cối-Kê, làm quan lệnh huyện Bành-Thành, thăng lên chức Đô-Úy quận Cửu-Chân. Trong năm Vĩnh-Thọ thứ 3 (157), bọn mọi làm phản, Nghê-Thức tử trận, Lãng tới, trị việc binh ngũ rất nghiêm, dẹp yên được giặc.

Chúc-Điềm

Tự là Bá-Hưu, người Trung-Sơn, Sách Nam-Việt-Chí chép rằng: "Điềm làm chức Tư-Đồ, vì nói thẳng xúc phạm đến vua, bị giáng làm Thứ-Sử quận Giao-Châu. Ông làm việc thanh-liêm, lại có ân-huệ với dân, cho nên được lòng dân lắm".

Xét lại trong năm Diên-Hy thứ 2 (159) của Hoàn-đế, Điềm giữ chức Quang-Lộc Đại-phu, thăng lên chức Tư-Đồ, năm thứ 3 (160) thì mất. Như vậy, thì có lẽ sách Nam-Việt-Chí không đủ làm bằng cứ.

Cất-Kỳ

Năm Diên-Hy thứ 6 (163), đi đánh giặc Giao-Châu, bị giặc bắt sống giữ lại.

Đinh-Cung (2)

Đời vua Hoàn-đế (147-167), làm chức Thứ-Sử Giao-Châu, được mời về nhậm chức Tư-Đồ.

Trương-Bàn

Tự là Tử-Thạch, người Đan-Dương. Trong năm Diên-Hy (158-166), làm Thứ-Sử Giao-Châu.

Ngu-Thiều

Cha của Ngu-Phiên. Trong đời Hậu-Hán làm Thái-Thú quận Nhật-Nam, có ân-huệ với dân, đến khi chết, đưa quan-tài về làng, có bầy chim nhạn bay theo đến Cối-Kê, đậu trên phần mộ, chôn xong mới bay đi.

Châu-Tuấn

Tự là Công-Vỹ, người Cối-Kê. Năm Quang-Hoà thứ 4 của Linh-Đế (181), Lương-Long ở quận Giao-Châu cùng với Thái-Thú quận Nam-Hải là Khổng-Chỉ làm phản, vua Hán sai Tuấn làm Thứ-Sử quận Giao-Châu. Khi đi qua quận nhà, Tuấn chiêu mộ người nhà hợp với 5.000 quân chia hai đạo tiến vào. Trước tiên đã cho người tới quận để do thám tình hình hư thiệt của giặc và tuyên truyền oai đức để chấn-động nhân-tâm của bọn giặc, liền đó kéo các đạo quân ở bảy quận (3) áp tới đánh chém Lương-Long, rồi quân giặc đầu hàng, ước mấy vạn người. Nhân công đó, được phong tước Đô-Đình-Hầu.

Lý-Tiến

Tự là Đăng-Cao, trong thời vua Linh-đế (168-189), làm Thứ-Sử quận Giao-Châu.

Giả-Tông

Tự là Mạnh-Kiên, người Liêu-Thành, đậu khoa hiếu-liêm, bổ làm Kinh-Triệu-Doãn. Đương thời ấy ở đất Giao-Châu có nhiều của báu, các quan Thứ-Sử bổ tới, lớp trước cũng như lớp sau, không ai giữ được nết trong sạch, nên lại-thuộc và nhân-dân đều oán mà làm phản. Năm đầu hiệu Trung-Bình (184), triều-đình cử Giả-Tông làm Thứ-Sử quận Giao-Châu. Sau khi đến Quận, Tông đưa giấy hiểu thị, khiến nhân-dân đều yên nghiệp làm ăn, chiêu-mộ những người hoang-tán, tha xâu-thuế, giết những cường hào bóc-lột, chọn những người hiền lành làm quan, trăm họ đều yên, dân trong quận làm lời ca rằng: "Giả phụ lai vân, sử giã tiên phản, kim kiến thanh-bình, bất cảm phục bạn", nghĩa là: ông cha họ Giả tới muộn, khiến chúng ta trước kia làm phản, nay thấy quan trường thanh-liêm và công-bình, không dám bội bạn nữa".

Chu-Thặng

Làm chức Ngự-Sử, vì nói thẳng trái ý vua, nên bị cho ra làm Thứ-Sử Giao-Châu. Khi tới quận nhậm chức xong, dâng thơ cho vua nói rằng: "Giao-Châu là nơi tuyệt-vực, tập tục tham ô, các họ hào cường thì gian-dối, các chức trưởng-sử thì bạo-ngược, hà hiếp bóc lột muôn dân. Tôi được ơn trên cho tới giữ chức trọng yếu, làm nanh vút cho triều-đình. Tôi muốn vì thánh-triều nghiêm-trị một địa phương cho trong sạch". Lúc đó, các thuộc quan quận Giao-Châu từ chức bỏ đi nơi khác hơn 30 người.

(Thẩm thuyên-Kỳ có câu thơ rằng: "Chu Thặng an Giao-Chỉ", nghĩa là Ông Chu-Thặng làm đất Giao-Chỉ được yên).

Kiển-Lan

Làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ trong thời nhà Hán.

Lại-Tiên

Làm Thái-Thú quận Giáo-Chỉ. (Năm Chí-Nguyên thứ 22 (1285), có quan An-Vũ-Sứ nội-phụ triều Nguyên tên là Lại-Ích-Quy là cháu xa đời của Lại-Tiên).

Hoàng-Cái

Làm Thái-Thú quận Nhật-Nam, về triều nhà Ngô, vì tham-lam, giả dối, bị đuổi.

Đam-Manh

Làm Thái-Thú quận Cửu-Chân, vì sự hiềm oán riêng mà giết quan Công-Tào tên là Phan-Hâm, rồi người em của Hâm lại giết Manh.

Chu-Phù

Trong năm Kiến-An thứ 5 của Hiến-Đế (200), làm Thứ-Sử quận Giao-Chỉ, chính-sách bóc lột và ngoan ngược, bị giặc đánh đuổi, giết chết.

Trương-Tân

Tự là Tử-Vân, người Nam-Dương. Trong năm Kiến-An thứ 6 (201), làm Thứ-Sử Giao-Châu. Nhân có sự hiềm-khích với Lưu-Biểu, năm nào cũng dấy binh đánh, sau bị bộ-tướng là Khu-Cảnh giết chết.

Lại-Cung

Người Linh-Lăng, được Lưu-Biểu sai làm Thứ-Sử quận Giao-Châu, tính người nhân-từ, cẩn-thận, không thạo việc đời, bị Thái-Thú quận Thương-Ngô là Ngô-Cự đuổi đi. Lưu-Tiên-Chúa (Lưu-Bị) dùng làm chức Thái-Thường.

Ky-Vô-Hạp

Người Cối-Kê, được Lưu-Biểu sai làm Thứ-Sử quận Giao-Châu.

Chu-Trị

Tự là Quân-Lý, người Đan-Dương. Trong năm Kiến-An thứ 7 (202), Tôn-Quyền dâng biểu cử Trị làm Phò-Nghĩa Tướng-Quân, giữ chức Thái-Thú quận Cửu-Chân, đánh yên quân mọi và Việt.

Sĩ-Nhiếp

Tự là Ngạn-Oai, nguyên trước tổ-tiên là người Vấn-Thượng, nước Lỗ, gặp thời Vương-Mãng làm loạn, lánh nạn qua ở Giao-Chỉ được 6 đời. Trong thời Hoàn-đế, (147-167) thân sinh của Nhiếp là Sĩ-Tử làm Thái-Thú quận Nhật-Nam. Nhiếp lúc còn nhỏ, theo học với Lưu-Tử-Kỳ ở Dĩnh-Xuyên, học sách Xuân-Thu, Tả-Truyện, làm lời chú-giải, sau đậu khoa hiếu-liêm, được bổ làm chức Thượng-Thư-Lang. Nhân vì việc công, phải cách-chức, sau lại đậu khoa Mậu-Tài, làm chức Thái-Thú quận Giao-Chỉ. Trong thời loạn Đổng-Trác, Chu-Phù làm Thứ-Sử Giao-Chỉ bị quân giặc giết. Nhiếp tới quận nhận chức, thái-độ rộng rãi, trung-hậu, lại hay khiêm-nhượng thành kính trong lúc đối đãi với các sĩ-phu, cho nên người trong nước thêm phần kính trọng. Các bậc nhân-sĩ Trung-Quốc lánh nạn qua ở đất Việt, đến nương nhờ Sĩ-Nhiếp.

Em của Nhiếp là Sĩ-Nhất làm Thái-Thú Hợp-Phố, còn anh em khác, mỗi người cai-trị một quận. Sĩ-Nhiếp hùng cứ một phương, khi đi ra đi vào, thì có hiệu-lệnh chuông khánh, trống kèn, xe ngựa chật đường, quân lính theo hầu hai bên xe, xông trầm hương, có vài mươi người. Vợ hầu đều đi xe có che màn, con em cỡi ngựa, có lính đi theo hộ vệ, đương lúc đó, quí trọng không ai bằng, trăm giống mọi thảy đều khiếp phục, so với Triệu-Đà ngày trước cũng không hơn được. Khi trước Chu-Phù và Trương-Tân đều bị giết, châu, quận nổi loạn, vua nhà Hán ban chiếu thư nói: "Đất Giao-Châu là xứ xa ngút, phía Nam lại cách trở nhiều sông, biển, ơn trên không thấm xuống dân, tình dân không thấu đến triều-đình, ta biết nghịch-tặc là Lưu-Biểu sai tên Lại-Cung qua cướp lấy Nam-thổ. Nay ta cho Sĩ-Nhiếp làm chức Tuy-Nam Tướng-Quân, coi cả bảy quận mà lãnh Thái-Thú Giao-Chỉ như cũ". Nhiếp sai người lại-thuộc là Trương-Dục qua Kinh-Sư nạp lễ cống. Lúc bấy giờ, thiên-hạ loạn lạc, đường sá đứt đoạn, mà Nhiếp không khi nào bỏ hở việc cống-hiến, nên vua Hán ra lời chiếu phong Nhiếp làm An-Viễn Tướng- Quân, Long-Độ-Đình-Hầu. Cuối niên hiệu Kiến-An (220), Tôn-Quyền sai Bộ-Chất, làm Thứ-Sử quận Giao- Châu. Chất đến, anh em Nhiếp tuân theo tiết-chế của nhà Ngô. Quyền cho Nhiếp làm Tả-Tướng-Quân, Nhiếp sai người con là Khâm, qua Trung-Quốc dâng lễ cống-hiến. Quyền lại thăng Nhiếp làm Võ-Vệ Tướng-Quân, Long-Biên-Hầu. Mỗi lần sai sứ-thần qua chầu Tôn-Quyền, thì dâng lên các hương-liệu, châu, ngọc, san-hô, hổ-phách, chim công, sừng-tê, ngà voi, đồ

lạ, của quí và các thứ quả ngon ngọt như chuối, long-nhãn, không thiếu thức gì và không năm nào không đưa qua.

Nhiếp ở quận Giao-Chỉ 40 năm, thọ 90 tuổi.

Sĩ-Vỹ

Em của Sĩ-Nhiếp, lãnh chức Thái-Thú quận Cửu-Chân.

Sĩ-Huy

Con của Sĩ-Nhiếp. Sau khi Sĩ-Nhếp mất, Huy tự lãnh chức Thái-Thú quận Giao-Chỉ, sau bị Lữ-Đại chém.

Trần-Thời

Thay Sĩ-Nhiếp tới làm Thái-Thú, bị con của Nhiếp là Huy cự tuyệt.

Đái-Lương

Làm Thứ-Sử Giao-Châu đời Ngô. Năm Hoàng Võ thứ 5 (226), nhân vì đất Giao-Chỉ ở xa, nên chia từ quận Hợp Phố trở về Bắc làm Quảng-Châu, từ quận Giao-Chỉ trở về Nam làm Giao-Châu. Vua Ngô cho Lương làm Thứ-Sử, Lương cùng Trần-Thời vào đất Giao-Châu đều bị Sĩ-Huy chống cự.

Bộ-Chất

Tự là Tử-Sơn, người Hoài-âm, tỵ loạn qua Giang-Đông làm chức Trung-Lang-Tướng cho nước Ngô, kiêm chức Chính-Nam Tướng-Quân. Nguyên trước Lưu-Biểu có đặt Ngô-Cự làm Thái-Thú quận Thương-Ngô, nhưng Cự bề ngoài phục tùng, mà bề trong thì trái lệnh. Chất dụ Cự đem chém. Tôn-Quyền thăng Chất làm Thứ-Sử Giao-Châu, Chất đến Quận, oai thanh lừng lẫy, Nam-Thổ bình yên. Sơ niên Diên-Khang Quyền sai Lữ-Đại đến thay Chất. Chất suất bọn nghĩa-sĩ ở Giao-Châu đến một vạn người ra Trường Sa, vừa gặp Lưu-Bị tiến quân sang phương Đông, bèn cùng đánh nhau tại Ích-Dương. Lưu-Bị thua chạy, nhưng các quận ở châu Linh, châu Quế, đương còn ở trong tình trạng kinh-khủng. Chất đều dẹp yên.

Lữ-Đại

Tự là Định-Công; người Quảng-Lăng. Trong năm Hoàng-Võ thứ 5 (226) nhà Ngô, làm Thứ-Sử Giao-Châu. Khi trước Sĩ-Huy ở Giao-Chỉ nghịch mệnh, Đại đốc quân vượt biển qua đánh, Huy sợ, suất cả 5, 6 anh em, giơ cánh tay trần tới hàng. Đại đem chém hết; lại khiến người đi phủ-dụ các nước ở ngoài biên giới, cho nên Phò-Nam, Lâm-Ấp đều tới cống hiến. Nhân công đó, Đại được thăng lên chức Trấn-Nam Tướng-Quân và tước là Phiên-Ngu-Hầu. Tôn Lượng lại phong cho chức Đại-Tư-Mã.Đại người thanh-liêm, chăm lo công việc, đi đến đâu cũng có tiếng hay. Mấy năm ông ở quận Giao-Châu, không gửi gì về nuôi gia-đình, vợ con đói khát, túng thiếu. Tôn-Quyền được tin, bèn cho tiền bạc, vải lụa để tiêu dùng. Đại thọ đến 96 tuổi mới mất.

(Tôn-Thịnh nói rằng: "yên vỗ người xa, săn sóc kẻ gần, không chi bằng lòng tin. Đại giết người đầu hàng, để kể làm công; người quân-tử xem đó thì biết rằng họ Lữ không được lâu dài).

Tiết-Tông

Tự là Tử-Kỉnh, người quận Bái, lúc nhỏ, nhờ người trong họ giúp đỡ, đi lánh nạn ở đất Giao-Chỉ đem học với Lưu-Hy, Tôn-Quyền dùng làm Thái-Thú Hiệp-Phố và Giao-Chỉ, cùng với Thứ-Sử Lữ-Đại, dẹp yên cuộc loạn Sỹ-Huy.

Lục-Duệ

Tự là Cung-Tông, em của Lục-Khải. Trong năm Xích-Ô thứ 11 (248), nhà Ngô, hai quận Giao-Chỉ và Cửu-Chân nổi giặc công hãm thành ấp, vua Ngô bèn dùng Duệ làm chức Thứ-Sử quận Giao-Châu. Khi tới nơi, Duệ dụ dỗ bằng những điều ân-nghĩa, tín thật, cho tiền của, lụa là, bọn giặc và dân chúng đều cúi đầu phục mệnh, toàn cảnh Giao-Châu yên lặng vui vẻ. Duệ bèn được thăng chức An-nam tướngquân.

Đầu năm Vĩnh-An (258) được phong tước Đô-Đình-Hầu.

Tôn-Tư

Trong năm hiệu Vĩnh-An (258-264), làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ, có tính tham bạo. Lúc ấy, vua Ngô sai sứ-thần qua Giao-Chỉ; Tư lại tự tiện trưng-cầu 30 con Khổng-tước, bắt dân đem tới Kiến-Nghiệp. Dân sợ đi xa làm việc mệt nhọc, bèn khởi loạn, tên lại-thuộc trong quận là Lữ-Hưng giết Tư rồi qua hàng phục với nhà Tấn, cả hai quận Cửu-Chân và Nhật-Nam đều hưởng ứng theo Hưng.

Trần-Tập

Người Lâm-Hoài. Trong năm Vĩnh-An thứ 7 (264), làm quan Mục ở Giao-Châu. Lúc đó, sau khi chính sách hà khắc của Tôn-Tư, nhà Ngô lại chia bốn quận phía đông bờ biển làm Quảng-Châu, dùng Hùng-Mục làm Thứ-Sử, ba quận phía Nam bờ biển làm Giao-Châu, dùng Trần-Tập làm Thứ-Sử, đời quận lỵ qua Long-Biên.

Ngu-Phiếm

Tự là Thế-Hồng, con của Ngu-Phiên. Trong năm đầu hiệu Kiến-Hoành (269), đời vua Ngô là Hạo, Phiếm giữ chức Giám-Quân Sứ-Giả, cùng các tướng là Tiết-Hủ, Đào-Hàng, Lý-Miễn và Từ-Tồn, đánh Giao-Chỉ, bắt giết các tướng do nhà Tấn phái sang, nhân đó, quận Cửu-Chân, quận Nhật-Nam lại thuộc về Ngô. Nhân thành-công đó Phiếm được thăng chức Thứ-Sử Giao-Châu, được phong tước là Dư-Diêu-Hầu.

Cốc-Lãng

Tự là Phụng-Tiên, người Quế-Dương, theo nhà Ngô, làm quan Thái-Thú quận Cửu-Chân.

Ky-Vô-Hậu

Làm quan Thứ-Sử quận Giao-Châu, nhà Ngô.

Tu-Tắc

Cha của Tu-Trạm, làm Đô-Đốc Giao-Châu, nhà Ngô, bị quan Mục quận Giao-Chỉ của nhà Tấn là Dương-Tắc chém

Lưu-Tuấn

Làm Thứ-Sử Giao-Châu của nhà Ngô, bị Mao-Quýnh (4) giết.

Hấn-Tông

Nhà Thục sai coi việc quận Giao-Châu, có sách chép Tống làm Thứ-Sử Giao-Châu nhà Tấn.

Mao-Quýnh

Làm Thái-Thú Giao-Chỉ nhà Thục, có sách chép Quýnh là tướng-quân nhà Tấn.

An-Nam Chí-Lược Quyển Đệ Thất Chung

___________________________________________________

Chú Thích:

  1. Xét Ngũ-Phụng: là niên-hiệu của Hán Tuyên-đế, không có năm thứ 5, chỉ từ năm đầu đến năm thứ 4 (57-54 trước Công-Nguyên). Có lẽ sách chép sai.

  2. Tịnh-bản và Anh-bản chép là: Đinh-Phú.

  3. Bảy quận là: Nam-Hải, Thương-Ngô, Uất-Lâm, Hiệp-Phố, Giao-Chỉ, Nhật-Nam và Cửu-Chân đều thuộc về Giao-Châu.

  4. Theo Đường-Vận "Cổ quýnh thiết. ''