An Nam Chí Lược

Các quan Đô-Đốc, Đô-Hộ,

Các quan Đô-Đốc, Đô-Hộ, Kinh-Lược-Sứ An-nam -

- Các quan Thứ- Sử ba quận Giao, Ái, Hoan -

đời nhà Đường

Lý-Đại-Lượng

Đầu niên hiệu Trinh-Quán (627), Đường Thái-Tông, làm Đô-Đốc Giao-Châu.

Lý-Thọ

Tôn-Thất nhà Đường, làm Đô-Đốc Giao-Châu, vì tham-lam bị tội.

Lư-Tổ-Thượng

Tự là Quý-Lương, người Quang-Châu. Đầu niên hiệu Trinh-Quán (627), Lý-Thọ bị tội, Thái-Tông muốn tìm một vị Châu-Mục xứng đáng, triều đình đều khen Tổ-Thượng tài gồm văn võ, tính người liêm bình công trực. Vua vời đến bảo rằng: "Giao-Châu là một phiên-trấn lớn, cần có kẻ hiền trông coi, lâu nay các quan Đô-Đốc đều không xứng chức, khanh có tài yên vỗ biên-thuỳ, khá vì ta ra đó trấn nhậm, chớ vì đường sá xa xuôi mà từ chối". Tổ-Thượng tạ ơn, nhưng sau lại hối hận, lấy cớ bệnh-tật từ chối.

Vua khiến Đổ-Như-Hối khuyên dỗ, Tổ-Thượng cố từ; vua lại khiến anh vợ ông là Châu, Phạm qua dụ rằng: "Kẻ thất-phu hứa với nhau cũng còn giữ tín, khanh đã hứa trước mặt trẩm, há được ăn-năn, nên hãy sớm đi qua, ba năm ắt có chiếu triệu về, khanh chớ thối thác, trẩm quyết chẳng nuốt lời". Thượng tâu rằng: "Lĩnh-Nam nhiều chướng khí, đã đi không thể trở về". Thái-Tông nổi giận phán rằng: "Ta khiến người không chịu đi, làm sao làm việc nước cho được?". Bèn khiến chém ngay ở trước triều đường. Sau vua hối hận, cho phục lại quan-tước, con cháu được tập ấm.

Lý-Đạo-Hưng

Tôn-thất nhà Đường, được phong Quảng-Ninh Quận-Vương, sau vì có lỗi bị giáng phong Huyện Công. Năm Trinh-Quán thứ 9 (635), làm Đô-Đốc Giao-Châu, vì ở phương nam khí hậu độc địa, sinh lo, chết trong lúc đương làm quan.

Lý-Đạo-Ngạn

Trong thời Trinh-Quán (627-649), làm Thứ-Sử Giao-Châu, Rợ Lèo (sơn liêu) làm phản, Đạo-Ngạn dẹp yên.

Lý-Giám

Con của Ba-Vương Thần-Phù, làm Thứ-Sử Giao-Châu.

Liễu-Sở-Hiền

Người Bồ-Châu, thời Trinh-Quán, (627-649), làm Đô-Đốc Giao-Châu và Quế-Châu.

Đỗ-Chính-Luân

Người châu Tương. Vua Thái-Tông biết tiếng, cho làm chức Trung-Thư Thị-Lang, Thái-Tử Tả-Thứ-Tử. Vì Thái-Tử Thừa-Kiền bị truất, biếm Chánh-Luân làm Đô-Đốc Giao-Châu.

Đậu-Đức-Minh

Làm Thứ-Sử Ái-Châu đời Đường.

Nịnh-Đạt

Thời Tắc-Thiên (Vũ-Hậu), (685-705), làm Thứ-Sử Ái-Châu.

Chử-Toại-Lương

Tự là Đăng-Thiện, người Tiền-đường, con của Chử-Lượng, làm chức Trung-Thư-Lệnh, cuối thời Trinh-Quán (649), đổi làm Đô-Đốc Đàm-Châu và Quế-Châu Sau đó, Hứa-Kính-Tông và Lý-Nghĩa-Phủ vu tấu Toại-Lương làm phản. Vũ-Hậu giận, biếm làm Thứ-Sử Ái-Châu, được hơn một năm thì mất. Hai người con là Ngạn-Phủ và Ngạn-Hàm-Thông thứ 5 (864), Cao-Biền bình định An-nam, mới tấu xin đưa di-hài về Dương-Địch.

Sài-Triết-Uy

Triều Cao-Tông (650-683), bị liên luỵ vì em là Lệnh-Vũ theo Phòng-Di-Ái làm phản, phải đày ra Thiệu-Châu. Sau lại được tha, cho làm Đô-Đốc Giao-Châu.

Lang-Dư-Khánh

Làm quan thanh liêm, nhưng tính khắc bạc, dần-dần thăng lên chức Ngự-Sử Trung-Thừa, sau vì bị lỗi, giáng làm Thứ-Sử Giao-Châu.

Lưu-Diên-Hựu

Trong năm Thùy-Củng thứ 3 (687), làm An-nam Đô-Đốc. Lệ cũ, dân quê hằng năm nạp nữa thuế, Diên-Hựu bắt nạp toàn phần, chúng oán và mưu phản. Diên-Hựu giết người cầm đầu là Lý-Tự-Tiên; dư đảng là Đinh-Kiến giết Diên-Hựu, chiếm cứ Giao-Châu. Tư-Mã Quế-Châu là Tào-Huyền-Tĩnh đánh chém được Đinh-Kiến.

Lưu-Hựu

Đời nhà Đường, làm An-nam đô-hộ, nhà giàu có lớn, mỗi lần nuôi gà lợn, có chết con nào, bắt đày tớ bồi thường gấp đôi và chẳng bao giờ ăn một món gì ngon.

Nguyên-Sở-Khách (1)

Người Giang-Lăng, đầu niên hiệu Khai-Nguyên (713), đổi ra làm An-nam đô-hộ, cùng Dương-Tư-Húc dẹp yên loạn Mai-Thúc-Loan.

Tống-Chi-Đế

Em của Tống-Chi-Vấn, người cao tám thước. Trong khoảng niên-hiệu Khai-Nguyên (713-741), đã từng làm Kiếm-Nam Tiết-Độ-Sứ và Thái-Nguyên-Doãn, bị tội đày ra quận Chu-Diên. Lúc ấy có giặc Mán đánh hãm Hoan-Châu, Chi-Đễ được bổ chức Giao-Châu Tổng-Quản, dẹp yên quân Mán.

Đỗ-Minh-Cử

Người Dương (?), cuối đời Cảnh-Long nhà Đường (709), làm quan Uý quận Tế-Nguyên, nằm chiêm bao thấy đi vào một phủ-đường, gặp một người mặc áo xanh, vái chào rất cung kính và nói rằng: "Ông sẽ làm An-nam đô-hộ, tôi là dân An-nam, nên đến đây chào mừng trước, xin ông hãy giữ gìn quí thể". Sau quả nhiên, Minh-Cử làm An-nam đô-hộ.

Hà-Lý-Quang

Người Quế-Châu, năm Thiên-Bữu thứ 10 (751) làm An-nam đô-hộ, đem quân đánh Vân-Nam, thâu phục thành An-Ninh, dựng lại trụ đồng của Mã-Viện để định cương giới.

Trương-Bá-Nghi

Làm An-nam Kinh-Lược-Sử đời nhà Đường, bắt đầu đắp thành Đại-La.

Khang-Khiêm

Lái buôn ở phương Bắc, làm An-nam đô-hộ.

Triều-Hoành

Người Nhật-Bản, trong khoảng niên hiệu Khai-Nguyên (713-741) đem hóa-phẩm đến triều-kiến, hâm-mộ phong-hóa Trung-Hoa, nhơn lưu ở lại, đổi tên là Triều-Hoành, nhiều lần sang sứ Trung-Quốc. Năm Vĩnh-Thái thứ 2 (2), Triều-Hoành làm An-nam đô-hộ. Thời ấy có quân Mán xâm phạm cảnh giới hai châu Đức-Hoá và Long-Vũ, vua xuống chiếu khiến Triều-Hoành qua dẹp yên.

Phụ-Lương-Giao

Năm Kiến-Trung thứ 3 (782), đời Đường Đức-Tông, làm An-nam đô-hộ. Lúc ấy, Tư-Mã Diễn-Châu là Lý-Mạnh-Thu và Thứ-Sử Phong-Châu là Lý-Bỉ-Ngạn làm phản, tự xưng An-nam Tiết-độ Sứ, đều bị Lương-Giao bắt chém.

Cao-Chính-Bình

Làm An-nam Kinh-Lược.

Trương-Ứng

Đời nhà Đường, làm An-nam Kinh-Lược, chết đương lúc tại chức. Kẻ tá-nhị là Lý-Nguyên-Độ,dùng binh lực uy hiếp châu Huyện làm phản. Tướng nhà Đường là Lý-Phục dụ bắt được Nguyên-Độ, cõi Nam trở lại yên lặng.

Triệu-Xương

Tự là Hồng-Tộ, làm Thứ-Sử Kiền-Châu. Gặp lúc tù-trưởng An-nam là Đỗ-Anh-Hàn làm phản, vua cho Triệu-Xương làm đô-hộ, mán rợ đều hoà theo. Xương ở An-nam mười năm, chân đau xin về. Vua phái Binh-Bộ Lang-Trung Bùi-Thái qua thay thế. Chưa bao lâu, châu-tướng Vương-Quý-Nguyên đánh đuổi Bùi-Thái. Đức-Tông đòi Xương đến hỏi thăm tình-hình, Xương tuổi hơn 70, tấu đối sáng suốt, vua lấy làm lạ, lại cho làm An-nam đô-hộ. Xương đến, người đều mừng rỡ, quân làm phản tức thì dẹp yên.

Bùi-Thái

Đã nói trên.

Trương-Châu

Nguyên trước làm An-nam kinh-lược phán-quan, đến đời vua Hiến-Tông, năm Nguyên-Hoà thứ 3 (808), đổi làm chức Đô-hộ Kinh-lược sứ. Quan Kinh-Lược trước là Trương-Bá-Nghi đắp thành Đại-La, thành chỉ cao hai trượng hai thước, mở ba cửa, cửa đều có lầu; đông tây mỗi phía đều có ba cửa, phía nam 5 cửa, trên cửa đặt trống còi, trong thành, hai bên tả hữu, đều cất 10 dinh. Thời Bùi-Thái, hai thành Hoan, Ái, bị Hoàn-Vương (tức vua Chiêm Thành) đánh phá tan tành, Trương-Châu cho sửa đắp lại. Lúc đầu trong quân đội, khí giới chỉ có 8.000 món, 3 năm lại đây tăng lên hơn 300.000 món. Châu khiến bộ-thuộc cất 30 gian lầu để chứa. Trước kia có chiến-thuyền vài mươi chiếc rất chậm chạp, Châu khiến đóng thành kiểu thuyền đồng-mông (3), 32 chiếc, mỗi chiếc chở thuỷ-thủ 25 người, trạo-phu 23 người, 2 cây nỏ bắn xe, thuyền chèo tới lui, mau như gió. Các nước Chiêm-Thành, Chân-Lạp đều lo tiến-cống. Châu chết, Liễu-Tử-Hậu làm văn tế.

Mã-Tổng

Tự là Nguyên-Hội. Trong năm Nguyên-Hoà, Đường Hiến-Tông (806-820), đương làm Thứ-sử Kiền-Châu đổi qua làm An-nam đô-hộ, thanh liêm chẳng nhiễu dân, dùng nho thuật giáo hóa, dân mọi được yên. Mã-Tổng dựng cột đồng ghi công đức nhà Đường để tỏ rằng Tổng là giòng dõi của Phục-Ba. (Hàn-Dũ làm bài thơ đưa chân có câu: "Hồng kỳ chiếu hải áp Nam-Hoang", nghĩa là cờ đỏ rực rỡ trên biển, đàn áp cõi Nam).

Lý-Tượng-Cổ

Tôn-thất nhà Đường, làm An-nam đô-hộ, tham lam chẳng giữ phép, gặp lúc Hoàng-Gia-Động làm phản, Tượng-Cổ giao cho Thứ-Sử Hoan-Châu là Dương-Thanh 3.000 binh để trợ chiến, Dương-Thanh trở lại tập kích giết Tượng-Cổ.

Quế-Trọng-Vũ

Làm Đô-Hộ đời Đường, dẹp yên loạn Dương-Thanh.

Bùi-Hành-Lập

Làm An-nam Kinh-Lược-Sứ, đời nhà Đường. Thời ấy có người phản thần của Hoàn-Vương (tức Chiêm-Thành) là Lý-Lạc-Sơn toan mưu cướp ngôi, đến xin quân viện. Hành-Lập bắt chém Lạc-Sơn trả thây lại cho Hoàn-Vương; người Chiêm-Thành vui lòng phục-tùng. Bộ-tướng Đỗ-Anh-Sách và Phạm-Đình-Chi là những tay hào hùng ở Khê-Động, lệ thuộc trong quân-đội. Các Kinh-Lược-Sứ trước hay dung túng làm lơ, nên chúng quen tính dữ tợn, buông lung khó trị. Hành-Lập mỗi khi bắt tội, trừng-phạt rồi để cho cố gắng lập công mà chuộc tội, bởi thế, Anh-Sách thường gắng sức lập công, còn Đình-Chi thường hay đi tắm gội, lâu chẳng về; Hành-Lập triệu về giao hẹn rằng: "phép quân đi quá ngày thì chém". Lần khác lại cứ thế, bèn đánh chết đem thây trả cho họ Phạm và chọn con em hiền lành thay thế. Từ ấy oai phong thịnh hành, thăng chức Quế-Quản Quan-Sát-Sứ. Hoàng-Gia-Động làm phản, Hành-Lập dẹp yên, bèn thay thế Quế-Trọng-Vũ làm An-nam đô-hộ.

Lý-Nguyên-Thiện

Làm An-nam đô-hộ, đầu niên hiệu Bữu-Lịch (825) tâu xin dời phủ-lị qua bờ sông phía Bắc.

Hàn-Ước

Làm An-nam đô-hộ. Năm Thái-Hoà thứ 2 (928), đời Văn-Tông, Thứ-Sử Phong-Châu là Vương-Thăng-Triều làm phản. Ước dẹp yên, sau bị loạn quân đuổi chạy.

Mã-Thực

Tự Tôn-Chi, đầu niên hiệu Khai-Thành (836), đời vua Văn-Tông, làm An-nam đô-hộ, lấy văn-nhã trau-dồi, làm việc quan thanh tịnh chẳng phiền, dân được yên ổn, các tù trưởng đều nạp lễ qui thuận.

Vũ-Hơn

Làm An-nam Kinh-Lược, năm Hội-Xương thứ 3 (843), bị loạn quân đuổi đi.

Điền-Tảo

Con của Điền-Hồng-Chính, trong khoảng niên-hiệu Thái-Hoà (826-830) làm An-nam đô-hộ.

Vương-Thức

Con của tể-tướng Vương-Khởi, thời Tuyên-Tông (847-859) làm An-nam đô-hộ. Nguyên Điền-Tảo dựng hàng rào gỗ, làm hàng năm tốn tiền, chưa hoàn-thành, lại có giặc cướp đến rất cấp bách. Thức đến, trồng hàng rào cây, đào hào sâu, chung quanh trồng tre gai, giặc cướp không dám phạm đến. Sau có quân Mán vào cướp Cẩm-Điền-Bộ, Thức khiến người thông-ngôn chiêu dụ, ban đêm quân Mán bỏ đi và xin lỗi rằng: "chúng tôi đến bắt trói người Mán làm phản, chứ không phải vào ăn cướp". Trước kia La-Hành-Cung làm chức Đô-Hiệu, chuyên quyền chính trong phủ đã lâu, bị Thức đánh đòn cách chức.

Thôi-Cảnh

Năm Đại-Trung thứ 6 (852) của Chử-Toại-Lương

Điền-Tại-Hựu

Con của Điền-Bố, làm đô-hộ, có công dẹp yên biên-thuỳ.

Lý-Trác

Trong thời Đại-Trung (847-859) làm chức đô-hộ. Trác có tính tham dữ, lấy một đẩu muối đổi một con ngựa, bởi thế, Mán, Mường ta oán làm phản, liên kết với rợ Nam-Chiếu là Đoàn-Tù-Thiên, hiệu "Bạch-Y Một-Mệnh-Quân" (quân cảm-tử áo trắng) đánh An-nam phủ. Khởi-Cư-Lang Trương-Vân dâng sớ nói rằng: "Lệnh Hồ-Đào dùng Lý-Trác trấn giữ An-nam, đầu tiên gây ra mối loạn, giặc cướp đầy thiên-hạ, luôn năm chinh-chiến, tổn binh hao lương". (Bì-Nhật-Hưu làm thơ chế Lý-Trác. Thơ chép ở quyển thứ 16).

Lý-Vu

Làm đô-hộ, đóng đồn ở Vũ-Châu, đầu niên hiệu Hàm-Thông (860), đời vua Ý-Tông nhà Đường, quân Mán đến đánh, Vu chạy trốn, bị vua Ý-Tông đuổi.

Vương-Khoan

Thay Lý-Vu làm Kinh-Lược-Chiêu-Thảo-Sứ. Lý-Trác tâu xin bãi đạo binh phòng thủ mùa đông, 6.000 người, viện lẽ rằng: "giao một mình thủ-lĩnh động bảy-quán ở Đào-Lâm Tây-Nguyên là Lý-Do-Độc cũng đủ sức chống ngăn quân mọi. Sau mãn tù gã con gái cho con Do-Độc, Do-Độc bèn đem quân phụ-thuộc quân Mán, Vương-Khoan chế ngự không nổi.

Thái-Tập

Năm Hàm-Thông thứ 3 (862), thay Vương-Khoan làm An-nam Kinh-Lược. Tháng 11, rợ Nam-Chiếu vây Giao-Chỉ, Tập đóng cửa thành cố giữ, đợi binh cứu viện chẳng đến. Tháng giêng năm Hàm-Thông thứ 4 (863), quân Mán đánh gấp, thành bị hãm, gia-nhơn 70 người đều tử-nghĩa. Tập cùng mấy người thủ-hạ, đi chân không, ra sức cố đánh, muốn chạy ra thuyền giám quân, nhưng thuyền đã lìa bến, Tập bị chết chìm. Tướng sĩ Kinh-nam 400 người chạy đến bờ sông phía đông thành, Ngu-Hầu Nguyên-Duy-Đức bảo chúng rằng: "Chúng ta không có thuyền, xuống nước thì chết, chi bằng trở lại quyết chiến với quân mọi", bèn quay về thành, đánh giết quân mọi hơn 2.000 người rồi chịu chết. Chỉ có mạc-phủ là Phàn-Xước mang ấn của Tập chạy trước qua sông được khỏi chết. Nam-Chiếu hai lần hãm thành Giao- Chỉ, cướp bắt chừng 10 vạn người, để lại 12 vạn binh, khiến tướng Dương-Tư-Tân chiếm cứ An-nam.

Tống-Nhung

Năm Hàm-Thông thứ 4 làm Đô-Hộ, cùng các đạo binh qua cứu viện An-nam, đồn trú ở Lĩnh-Nam, không chịu tiến, hao tổn lương-thực. Trần-Bàn-Thạch xin tạo thuyền lớn chở nổi 1.000 hộc, chở gạo từ Phúc-Kiến đến cấp cho Nam quân. Nhung nghe theo, từ ấy quân lương được đầy đủ.

Cao-Biền

Tự là Thiên-Lý. Nguyên trước mọi Nam-Chiếu công hãm An-nam, Tuyên-Tông xuống chiếu lập Hành-châu ở Hải-Môn, cho thêm binh hai vạn, khiến Dung-Quảng Kinh-Lược là Trương-Nhân thâu phục An-nam. Nhân dùng dằng không tiến, bèn giao binh cho Biền, phong làm chức đô-hộ. Biền chọn 5.000 quân tiến trước, giao ước giám-quân Lý-Duy-Châu kế tục tiến sau. Duy-Châu đóng quân ở Hải-Môn, Biền tiến đóng Phong-Châu, phá quân Mán ở huyện Nam-Định, chém bọn Trương-Thuyên, hàng phục được muôn người, thâu được của để cung cấp quân-dụng. Tin tâu thắng trận về đến Hải-Môn, Duy-Châu giấu đi và tâu dối rằng Cao-Biền giỡn với quân giặc, chẳng chịu tiến. Vua giận, sai Hữu-Vũ-Vệ-Tướng-quân Vương-Án-Quyền thay thế. Lúc ấy, Biền lại đánh phá quân giặc, tiến vây thành Giao-Châu hơn mười ngày, thế giặc rất nguy khốn. Vừa tiếp được điệp-văn của Án-Quyền, Biền giao việc quân cho Giám-Quân Vi-Trọng-Tể trông coi, cùng quân dưới cờ hơn 100 người trở về. Trước đó, Biền khiến Tăng-Cổn về Kinh báo tiệp, Cổn đi đến giữa bể, trông thấy cờ-xí tiến sang phía đông, nói ấy là thuyền đội của quan Kinh Lược Sử mới và quan Giám-Quân. Cổn ngờ Duy-Châu tất cướp lấy biểu-văn, bèn nấp nơi cửa đảo, chờ cho Duy-Châu đi qua rồi liền ruổi đến Kinh-Sư. Vua tiếp được tấu-văn cả mừng, gia-phong Biền chức Công-Bộ Thượng-Thư, khiến trở lại trấn An-nam. Biền đi đến Hải-Môn, trở về nhiệm lại chức cũ.

Trong lúc Án-Quyền ngu hèn, Duy-Châu tham dữ, các tướng chẳng chịu phục tùng, quân Mán nghe Biền trở lại, bỏ trốn quá nửa. Biền lại khích-lệ tướng sĩ, đánh được thành, giết man-soái Đoàn-Tù-Thiên và quân Mán hơn 3 vạn người. Thổ-nhơn ngày trước đầu hàng quân Mán, nay đem chúng trở về hàng-phục. Vua xuống chiếu đặt Tịnh-Hải-Quân ở An-nam, phong Biền làm Tiết-độ-sứ.

Phụ chép bài văn bia Thiên-Oai-Kỉnh, đường kênh mới đào

Tịnh-hải-tiết-độ, chưởng thơ-ký, triều-nghị-lang, thị-ngự-sử nội-cung-phụng,

tứ phỉ-ngư-đại (được đeo dãi thêu hình con cá), Bùi-Hình soạn.

(Thấy chép ở sách Ung-Chí)

Biển lớn không bờ, xa tít tận chân trời mờ-mịtt, cuồng phong cuồn cuộn, sóng lớn nổi dậy, như gò cát trôi, như núi tuyết dựng, nháy mắt trắng xóa muôn dặm, dầu oai-linh của thuỷ-thần cũng không ngăn cản nổi. Cá voi to sợ sức dày vò, con trạnh lớn mắc vòng vây khốn, loài thuỷ-tộc lớn lao như thế, còn chẳng được yên; huống thuyền bè qua ngang, làm sao đi được. Bởi thế, đã có nhiều thuyền chìm đắm không thể cứu vớt. Có cứu vớt đặng chăng là nhờ Thiên-Oai-Kỉnh ngày nay vậy.

Từ Đông-Hán Mã-Phục-Ba muốn đánh hai chị em họ Trưng để thâu phục Giao-Chỉ, vì đường sá chuyển-vận khó-khăn, phải vượt qua bể cả, bèn đục đá đào núi, để tránh đường biển, nhưng lúc làm công việc, nhân-công chết hàng vạn người cũng không làm nổi; nhiều khi sét đánh làm cho đá lớn trên núi lăn xuống ngáng đường; Phục-Ba chẳng làm sao được, bèn phải đình chỉ công việc.

Từ ngày Hoàng-Đường ta lập cuộc đô-hộ, nghe kể chuyện cũ, nổi giận, muốn kế-tục làm nốt công việc, bèn khiến khởi công làm lại, nhưng hao người tốn của, mà công việc làm cũng không nên, dân phu đi làm, chết chóc bỏ xương đầy đường. Sau đó không ai dám bàn đến việc ấy nữa.

Từ ngày Kỵ-Xạ Bột-Hải-Công ra đánh Mán rợ, vượt bể cả, dẹp yên Giao-Chỉ, thâu phục quận thành, ruổi ngựa mài gươm, lập đồn đóng trại, nhưng chuyển vận lương hướng còn phải xông pha sóng gió; bàn luận mưu chước, chưa được đồng ý về một kế-hoạch nào hay. Bột-Hải-Công nói rằng: "Chúng ta chinh-phục phương Nam, mở rộng oai-phong hoàng-gia, họp binh để an dân, phải chịu tốn kém, mới tiện cho công việc", bèn khiến bọn Trưởng-Sử Lâm-Phúng và Hồ-Nam tướng-quân Dư-Tồn-Cổ lĩnh bản bộ tướng-sĩ và lấy thêm dân phu hơn một nghìn người, đem đi khai phá Thiên-Uy-Kỉnh. Bột-Hải-Công dụ rằng: "Đạo trời giúp thuận, sức thần phò trì; nay chúng ta đào giòng biển để cứu sinh-linh, nếu làm việc ngay thẳng thì chẳng có gì khó. Các quan đô-hộ trước lại khao quân, mà chẳng đi đến nơi, giữ phép không nghiêm, nhân việc công để thu lợi riêng, bởi thế, người đều biếng trể. Nay ta thì chẳng thế, cốt làm cho được việc nhà vua mà thôi". Bọn Lâm-Phúng vâng lời ra đi.

Bắt đầu từ ngày mồng 5 tháng 4 năm Hàm-Thông thứ 9 (868) mọi người tay cầm cuốc xuổng, dự bị tiền lương, gặp núi đá đào phăng, chẳng sợ gì cứng rắn, gặp những tảng đá lớn và dày, thì đông người hợp sức giúp tay, đập phá cạy xeo, chỉ trong vòng hơn một tháng, đường gần mở xong. Nhưng chặng giữa có hai đoạn, gặp đá lớn chơm chởm, dăng quanh mấy trượng, cứng rắn như sắt, không thể đào thông, đục tra xuống thì mũi cong, búa đập vào thì cán gãy, dân phu ngó nhau ngã lòng, tay chân bải hoãi, chẳng làm thế nào được. Ngày 16 tháng 5, giữa lúc ban ngày, thình lình mây kéo đen đặc, gió thổi ào ào, rừng núi tối mờ, ngữa bàn tay không thấy, bỗng chốc sấm vang chớp nhoáng, ở sở làm có vài trăm tiếng sét đánh dồn, dân phu khiếp đảm, run rẩy, bưng tai bịt mắt, một lát sau, trời quang mây tạnh, chúng chạy ra xem, thì đống đá gan lì bỗng dưng tan nát, có những hòn lớn cồng-kềnh, sức người không sao xeo nổi, đều bị rồng cuốn vứt ra hai bên lèn. Lại ở phía tây có những tảng đá rắn chắc, đến ngày 11 tháng 6, sấm sét lại đánh dữ dội như ở phía đông, chúng chạy đến xem, thấy đá tiêu tan đâu mất, những hòn đá quanh co ở hai bên bị phá vỡ chừng mười trượng. Đi lên phía tây lại gặp phải đá lớn, người chịu bó tay, chỉ vái trời giúp đỡ, thì sấm chớp lại nổi lên, đá bị dđánh tan, suối nước tuôn ra mùi như rượu ngọt. Ấy là càn không giúp sức, thần lực phò-trì, lối hiểm đường nguy, một giây san phẳng, đều nhờ Bột-Hải-Công lòng không riêng vạy, tinh-thần cảm thấu trời xanh, hoàn thành việc lớn, thần diệu vô cùng, được sức mặc-tướng âm-phò, từ xưa không ai sánh kịp. Từ nay một mạch lưu thông, hai hồ liên tiếp, không còn một chút trở ngại; quan quân kinh quá, biển nước chẳng sợ gian nguy, lương hướng chở chuyên, thuyền bè không lo chìm đắm. Từ trước đường đi Giao-Chỉ có ba nơi nguy hiểm:

1.- Mũi Hoa-Chùy ở bãi Tống-Động, có sóng to cuồn-cuộn;

2.- Rặng Thạch-Giốc ở vũng Nữ-Ân có cá mập vẩy vùng;

3.- Sóng thần Đại-Gia dữ-dộ, ai đi qua đó thảy đều rởn óc lạnh mình.

Ngày nay, dòng êm đường phẳng, chẳng phải đi qua những nơi nguy hiểm ấy nữa. Than ôi! Công cán của Bột-Hải-Công có thể ngang với người đào Hứa-Cừ và mở Quế-Lĩnh để giúp người đời. Bọn Lâm-Phúng và Tồn-Cổ siêng lo việc nước, mẫn cán tinh-chuyên, ngoài công việc chỉ- huy, còn biết xem xét địa-thế, xẻ núi đốn cây, sửa công quán, lập thương-đình, suối đào cho nước thông, cầu bắt ngang như mống dựng, miếu thần chùa phạt, đền thờ Thiên-Lôi và nhà thờ Lão-Tử đều

xây cất đầy đủ, để lưu truyền đời đời. Ngày 15 tháng 9 năm nay hoàn thành, bọn Lâm-Phúng và Tồn-Cổ nài xin dựng bia ghi công, để đời sau được biết. Bột-Hải-Công nhân khiến người chưởng-thư chép rõ công việc. Tôi là Bùi-Hình chẳng dám khiêm nhường từ chối, cầm bút làm bài minh rằng:

Trời đất mênh-mông, sức người hèn yếu,

Đường nguy chở gạo, biển cả vượt thuyền,

Chẳng mấy lúc yên, đắm nghiêng thường bị,

Ông tôi quyết kế, đào núi xẻ ngàn;

Công-tác gian-nam, sấm chớp vang dậy,

Biển thông lối chảy, thuyền dễ qua ngang,

Sông nước phẳng bằng, thuận đường vận-tải,

Đạo trời khai thái, oai thần phò-trì.

Ngày 13 tháng giêng năm Hàm-Thông thứ 11, (870) dựng bia.

"Nền cũ ở phía nam Giao-Chỉ, thời Hàm-Thông (860-873), Bột-Hải-Công Cao-Biền, đi đánh phương Nam, mở đường vận-tải lương-thực, có sét đánh trời giúp, bèn dựng đá lớn ghi công. Lối đi đặt tên là Thiên-Oai. Đến đời Chiêu-Hy (Chiêu-Tông) (889-903), Hy-Tông (874-888), Trung-Nguyên loạn lạc, bỏ ra ngoài bờ cõi, không ngó đến, nhà Tống ta nhân theo, cũng chẳng sửa chữa đường đi ngoại bang. Thái-Thú Ung-Châu là Hoắc-Trung-Cẩn tình cờ tìm thấy bản khắc cũ, sợ ở chỗ xa xuôi, lâu ngày vùi lấp thất truyền, bèn khiến thợ khắc đá, dựng ở bên hữu sảnh-đường, ý muốn tỏ cho người xa biết được thánh đức của nhà vua, hằng năm phải lo việc tiến công, không nên trễ nải vậy.

Ngày 21 tháng 1 năm Thiệu-Thánh thứ 5 (4)

Cao-Tầm

Theo Cao-Biền thâu phục Giao-Chỉ có công; vua khiến thay Biền làm chức Tiết-Độ-Sứ.

Tăng-Cổn

Tỳ-tướng của Cao-Biền, thường vì Cao-Biền đi báo tin thắng trận tại An-nam. Trong năm Càn-Phù thứ 4 (877), được bổ-nhiệm chức An-nam đô-hộ. Thời ấy vua Nam-Chiếu là Tù-Long mất, con là Pháp nối ngôi, xưng hiệu Đại-Phong-Nhân, cử quân xâm phạm An-nam, Cổn chạy qua Ung-Châu, đạo binh đồn trú tan rã. Gặp lúc vua Hy-Tông chạy ra đất Thục, Trần-Kỉnh-Huyên đề-nghị hoà với Nam-Chiếu, Lư-Huệ-Đậu và Lư-Trác bèn nói dối với vua rằng: "Từ cuối đời Hàm-Thông (860-873), quân Mán làm phản, xâm nhập bốn Châu: An-nam, Ung, Quản, và Kiềm, thiên-hạ tao loạn đã mười lăm năm nay; quá nửa tô-thuế không nạp về Kinh-Sư, kho-tàng trống rỗng, quân lính bị chết vì lam chướng, đốt xương gửi tro về; người chẳng nghĩ đến nhà, chỉ lo vong mạng làm trộm cướp, thực đáng đau lòng, huống chi quân đồn-thú An-nam ít ỏi, nạn cướp mùa đông rất đáng lo ngại. Nay ta khiến sứ-giả đi báo hoà hão, tuy họ chưa xưng thần, nhưng ta cũng có thể dùng mưu lung lạc bọn họ bắt phải phục tùng, như thế trong nước sẽ được nghĩ ngơi vậy". Vua cho lời tâu là phải. Nhưng vừa lúc giặc Hoàng-Sào (5) đã yên, nên không khiến đi nghị hoà.

Kính-Ngạn-Tông

Làm Thứ-Sử Ái-Châu đời nhà Đường.

Thôi-Lập-Tín

Làm An-nam đô-hộ, rễ là Bùi-Duy-Nhạc quyền nhiếp chức Thứ-Sử Hoan-Châu, tham dữ quá độ.

Tống Giao-Châu Chuyển-Vận-Sứ, An-Vũ-Sứ

Hầu-Nhơn-Bữu

Con của Thái-Sư Hầu-Ích, được tể-tướng Triệu-Phổ gã em gái và cho bổ nhiệm công-vụ ở Tây-Lạc luôn mười năm, không thay đổi. Lư-Đa-Tốn có hiềm khích với Triệu-Phổ, gặp lúc Phổ phải ra nhiệm ngoại-trấn, Đa-Tốn làm Tham-Tri chính-sự, bèn đổi Nhân-Bữu qua coi việc Ung-Châu, mười năm không được thay thế. Nhân-Bữu tự nghĩ chắc phải chết già ở cõi ngoài, nhơn dâng kế-sách bình định Giao-Châu, nói hiệu nay chủ-súy Giao-Châu đã bị hại, trong nước đương loạn, có thể đem một đạo quân nhỏ thừa thời đánh chiếm, và cầu xin về triều tấu việc. Sở vào, vua Thái-Tông cả mừng, khiến ngựa trạm ra triệu về. Đa-Tôn tâu rằng: "Giao-Chỉ có nội loạn, ấy là thời trời làm mất nước ấy, triều-đình phát binh thừa lúc bất ý, ví như sét đánh chẳng kịp bưng tai vậy. Nay triệu Nhân-Bữu về, mưu của ta đã lậu, họ sẽ biết mà ngừa trước, dựa vào thế núi rừng hiểm trở, không thể đánh được nữa. Bây giờ, nên cho Nhân-Bữu làm Chuyển-Vận-Sứ, theo đường tắt qua nhận chức, rồi khiến phát quân Kinh, Hồ 3 vạn người, ruổi thẳng đánh vào, thế ắt vạn toàn, dễ như đập lá khô và bẻ củi mục vậy". Vua cho lời tâu là phải, bèn phong cho Nhân-Bữu làm Giao-Châu thủy-lục chuyển-vận-sứ. Nhân-Bữu tiến binh, gặp quân địch rất mạnh; viện binh không đến, nên Nhân-Bữu bị giết chết giữa sông. Thái-Tôn nghe tin rất lấy làm thương xót, truy tặng chức Công-Bộ Thị-Lang và cho hai người con là Diên-Linh và Diên-Thế đều làm Trai-Lang; Diên-Linh làm đến chức Điện-Trung-Thừa và Diên-Thế đến chức Thái-Tử Trung-Xá.

Thiệu-Diệp

Năm Cảnh-Đức thứ 2 (1005), làm chức Quang-Lộc-Khanh, Giao-Châu An-Vũ-Quốc-Tín-Sử. Năm thứ 3 (1006), Giao-Soái Lê-Hoàn mất, trong nước đương loạn, vua xuống chiếu khiến Diệp cùng với Lăng-Sách Quảng-Châu đồng đi Kinh-lược, xem tiện-nghi tâu về cho vua nghe. Tháng 8, Diệp dâng bảnđồ đường thuỷ và đường bộ từ Ung-Châu tới Giao-Chỉ. Chân-Tông đưa cho cận-thần xem và nói rằng: "Giao-Châu là nơi độc-địa, nếu đem binh qua đánh thì tử-thương ắt nhiều; vả lại tổ-tôn mở mang cương thổ rộng lớn nhường ấy, chúng ta chỉ nên giữ gìn cẩn-thận mà thôi", bèn khiến Diệp làm Binh-Bộ Viên-Ngoại-Lang, vỗ yên Giao-Chỉ, việc xong được thưởng công.

An-Nam Chí-Lược Quyển Đệ Cửu Chung

___________________________________________________

Chú Thích:

  1. Việt-sử Thông-giám chép: Quang-Sở-Khách.
  2. Vĩnh-Thái là niên hiệu của Đại-Tông nhà Đường, chỉ có một năm đầu là năm 765 sau công-nguyên.
  3. Đồng-mông là một loại chiến-thuyền, hẹp mà dài, dùng để xông vào đánh thuyền địch.
  4. Niên hiệu Thiệu-Thánh chỉ có bốn năm 1094-1097.
  5. Hoàng-Sào đời Ý-Tông nhà Đường, thi tiến-sĩ hỏng, làm phản vào đời Hy-Tông, bắt đầu từ năm Càn-Phù thứ 2 (875) đến năm Trung-Hoà thứ 4 (884) mới bị dẹp yên.