Tư Đồ Nhã xưa nay cơm áo vô lo, nhưng trong lòng cũng biết hai trăm vạn lượng bạc chắc chắn không phải ít – Một năm chi tiêu của Cửu Như Thần Giáo cùng lắm chỉ khoảng trên dưới mười vạn lượng bạc. Giá bán ám vệ Cửu tương đương với thù lao hai mươi năm của gần một nghìn giáo chúng Cửu Như Thần Giáo. Rõ ràng là giá trên trời, y lại không thể trả tiền luôn và ngay, nghìn vàng khó mua lòng người, nhưng y muốn ám vệ Cửu thấy rõ quyết tâm của y, nên tức khắc nhận lời không do dự.
Rời khỏi võ đường, ám vệ Cửu nói, “Thuộc hạ không đáng giá như thế.” Hắn sợ Tư Đồ Nhã chỉ bồng bột nhất thời, chấp nhận điều kiện khó như lên trời rồi kết quả là không làm được, sau đó mất hết thể diện. Nhưng hắn cũng không nghĩ ra cách nào đứng đắn để thu thập chừng ấy ngân lượng trong vòng nửa năm.
Tư Đồ Nhã thấy hắn nhăn mày nhíu mặt, đuôi mắt cong lên như cười mà lại có vẻ chẳng biết làm sao, hẳn là đang vắt óc suy nghĩ ghê lắm. Tự nhiên y thấy rất vui, mỉm cười nói, “Không sai, vô giới bảo dịch cầu, hữu tâm lang nan đắc (báu vật vô giá thì dễ tìm, đức lang quân tốt mới khó kiếm). Sao có thế dùng vàng bạc hạ thấp ngươi. Tạm thời cứ xem như tâm ý của ta trị giá hai mươi vạn lượng vàng đi.”
Ám vệ Cửu nghe mà khó chịu, hắn chỉ muốn được ở bên cạnh Tư Đồ Nhã, bảo vệ Tư Đồ Nhã, ai ngờ nguyện vọng này lại chuốc lấy phiền toái cho Tư Đồ Nhã, nhất thời xấu hổ vô cùng. Hắn chắng có gì để báo đáp, buồn vui lẫn lộn, trăm mối lo toan, lại càng không biết phải đối diện với Tư Đồ Nhã như thế nào, cuống quít xin cáo lui, định đến doanh trại ám vệ báo cáo với quản lý Hồ Bất Tư về việc đổi người đến Thục Bắc tìm Tư Đồ Phong.
“Đi đi.” Tư Đồ Nhã săn sóc, “Thực ra ám vệ của Tam đệ vẫn là ám vệ Nhất. Ngươi và hắn làm bạn đã lâu, cũng nên mở tiệc tiễn chân hắn, thay ta mời hắn một chén rượu tại đình nghỉ* mười dặm bên ngoài thành, xem như cám ơn những ngày vừa qua hắn giúp đỡ ta và ngươi.”
Đình nghỉ chân ở ven đường thời xưa:
Ám vệ Cửu bình tĩnh tuân lệnh, không nhanh không chậm băng qua hành lang uốn khúc. Tới sân ngoài khuất mắt Tư Đồ Nhã, hắn chịu hết nổi, co chân chạy một mạch như bỏ trốn, sương phòng, cửa sổ, đường đi vù vù lướt qua mắt hắn, mờ ảo như màn sương. Thoáng chốc lại ngơ ngơ ngác ngác bám lấy hành lang để giữ thăng bằng, ngón tay siết chặt run run rẩy rẩy, hắn đập đầu vào cột, cố gắng từ bỏ vẻ sung sướng, chuyển về khuôn mặt nghiêm trang nặng nề.
“…” Nha hoàn bưng trà đi ngang ngớ người nhìn ám vệ Cửu vèo một cái xuất hiện, đập đầu vào cột, lại vèo một cái biến mất. Từ khi các ám vệ thâm trầm đáng sợ vào phủ tới nay, đây chính xác là lần đầu tiên nàng nhìn thấy một ám vệ phấn chấn bồng bột.
Tư Đồ Nhã nhìn theo ám vệ Cửu vững vàng bước đi, quay về tìm quản gia Thường Phúc xin một thỏi bạc, nhờ lão chuyển cho ám vệ Cửu để chiêu đãi ám vệ Nhất. Thường Phúc kinh ngạc, Tư Đồ Nhã nói, “Thường bá bá, từ nay về sau không cần cho ta tiền tiêu hàng tháng nữa.”
Thường Phúc không rõ tình hình, vội vàng kêu, “Nhị công tử định đi đâu thế?”
“Dạo này dưỡng thương ngột ngạt quá, định đi dạo phố một lát.” Tư Đồ Nhã buồn bã đứng lặng, hoang mang thở dài, “Nhưng ngoài đường toàn người giang hồ cả, nay ta mất hết võ công, đúng là nửa bước cũng khó đi. Một phế nhân như ta thì làm gì còn mặt mũi ra ngoài?”
Thường Phúc không đành lòng, phái hai nô bộc biết võ đồng hành với y, dặn đi dặn lại là phải dỗ Nhị công tử vui vẻ. Nô bộc đều biết Nhị công tử dễ đối phó nên cũng thích trốn việc đi chơi với y, nhưng hôm nay không có phiên chợ, Ích Châu vắng vẻ vô cùng.
Tư Đồ Nhã và nô bộc ăn điểm tâm tại một quán ăn ven đường*, dạo một lượt trong hiệu sách Tống Tiên Kiều, khi thì lật cuốn này, lúc lại mở cuốn khác, hỏi ông chủ, “Có ‘La Chức Kinh**’ không?” Ông chủ tức thì mắt sáng trưng, gấp ống tay áo đáp, “Xin lỗi công tử, tiểu điếm không dám có, mà có cũng không dám bán!”
*Nguyên gốc là Nhị huân phô: Là quán ăn nhỏ ven đường, thông thường có bếp dựng ngay cửa, chỗ ngồi ở trong, quán chỉ có 1-2 đầu bếp, phụ bếp và 1-2 người bưng bê vì khách khứa cũng không đông. Nhị huân phô giá rẻ, chuyên bán các món thịt đơn giản và các món chay như rau xào, đậu chiên vv, rất ít cửa hàng có cá và tôm. Nhị huân phô không có thực đơn, vì các món đơn giản nên phục vụ chỉ hỏi khách muốn ăn gì thì quán sẽ làm.
**’La Chức Kinh’ là cuốn sách chuyên nói về cách thêu dệt tội danh, hãm hại người khác do ác quan La Tuấn Thần thời nhà Đường biên soạn. Võ Tắc Thiên xem xong cuốn sách này cũng phải thở dài cảm thán “Xảo trá”, Tể tướng Địch Nhân Kiệt xem xong cuốn sách này cũng phải toát mồ hôi lạnh, không dám kêu oan.
Tư Đồ Nhã không hỏi nữa, chọn mấy cuốn sách giải trí đưa cho nô bộc cầm, vô công rồi nghề đi dạo mấy canh giờ, cưỡi ngựa xem hoa vài chục cửa hàng, khi ngắm nghía bình sứ, khi nghịch nghịch quạt giấy, khi vuốt ve nghiên mực, chẳng biết gì nghĩ gì. Nô bộc đi mỏi cả chân, không ngừng kêu khổ, cuối cùng nhịn hết nổi mới khuyên y nghỉ chân một lát. Tư Đồ Nhã chưa thỏa mãn, nói là đi may một bộ y phục rồi về, ba người bèn đến tiệm lụa Lục Khởi cách đó không xa.
Tiệm lụa này có tên Cổ Cầm Lục Khởi (đàn cổ Lục Khởi). Lục Khởi là cây đàn của Tư Mã Tương Như, tương truyền Tư Mã Tương Như từng gẩy khúc ‘Phượng Cầu Hoàng’ bằng cây đàn này để tỏ lòng mến mộ Trác Văn Quân, sau đó đưa Trác Văn Quân ngao du tới Ích Châu. Tiệm lụa này chính là nơi Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân từng sống. Nô bộc không quan tâm đến câu chuyện sâu xa của nơi này nên chỉ nêu yêu cầu. Lát sau có chủ tiệm béo tròn ân cần ra đón tiếp, đưa Tư Đồ Nhã và nô bộc vào sảnh bên trong, dâng trà và đồ ăn nhẹ.
Chủ tiệm tủm tỉm hỏi, “Tư Đồ công tử đã lâu chưa ghé, không biết hôm nay muốn may áo theo hình thức nào?”
Tư Đồ Nhã áy náy nói, “Nói ra thì xấu hổ, mấy bộ xiêm y ngài may cho kẻ hèn khi trước vốn là rất ưng ý, nhưng sống trong giang hồ khó tránh khỏi đánh đánh giết giết, xiêm y của kẻ hèn chẳng còn giữ được bộ nào. Đành phải làm phiền ông chủ may lại như cũ.”
Chủ tiệm cười to, “Người khác đánh đánh giết giết, không giữ được tính mạng, Tư Đồ công tử lại lo lắng không giữ được xiêm y, thú vị thật.”
Tư Đồ Nhã nói, “Chê cười rồi.” Nô bộc nghe hai người khách sáo dông dài chỉ thấy mệt mỏi dào dạt, cực kỳ nhạt nhẽo. Dùng xong trà bánh, chủ tiệm đưa Tư Đồ Nhã đi may đo. Hai nô bộc chờ ở sảnh trong, uống thêm trà, ngáp lên ngáp xuống, bất giác gục xuống bàn say sưa ngủ.
Tư Đồ Nhã đi theo chủ tiệm, xuyên qua khoảnh sân yên tĩnh chăng đầy lụa hoa và thùng nhuộm, vào một gian phòng. Chủ tiệm giơ tay sờ lên tường, rút ra mấy hòn gạch, đổi chỗ cho nhau. Khoang lò hừng hực lửa tức khắc lùi sang bên, hé lộ con đường tối om và thềm đá.
Hai người bước vào, chủ tiệm lại rút đá trên cơ quan để khoang lò trở về vị trí cũ. Theo thềm đá đi xuống vài chục bước là tới phân đường của Cửu Như Thần Giáo, xung quanh sáng sủa rộng rãi, ấm áp như Xuân. Một chiếc bàn dài kê trên thảm nhung trải trước ghế chủ tọa, trên bàn đặt một cây đàn cổ nằm ngang màu xanh sẫm. Hàng ghế hai bên có ba bốn người ngồi, trông thấy Tư Đồ Nhã thì đồng loạt đứng dậy, chắp tay cúi chào, “Giáo chủ!”
Tư Đồ Nhã đảo mắt nhìn từng người, không ngờ có cả tổng quản Cứ Dưỡng Hoa và Hữu sứ Tạ Tất An. Y nhớ lại tiếng sói tru trong khe núi, nếu không bị hai tên đần phá đám, y sớm bắt được ám vệ Cửu thì đâu đến nổi này. Ngoài mặt y tươi cười như gió Xuân, “Sao tổng quản và Tả sứ cũng đến?”
Tổng quản Cứ Dưỡng Hoa không cam lòng, “Giáo chủ, vốn là thuộc hạ không muốn đến. Tại Hữu sứ khăng khăng đòi đến nên Tả sứ không thể không đến. Tả sứ không thể không đến, tất nhiên phải lôi thuộc hạ theo để chết thay. Thuộc hạ tuy hết sức lo sợ nhưng vẫn không màng sinh tử, quyết tâm đến đây dốc lòng vì Giáo chủ.”
Tả sứ Tạ Tất An nói, “Ngày mai là mùng một tháng Giêng, Minh chủ tổ chức đại hội võ lâm. Hữu sứ cho rằng có lẽ Giáo chủ sẽ cần dùng tới chúng thuộc hạ.”
Hóa ra không ít hiệu sách và tiệm lụa tại Ích Châu được dựng lên để Cửu Như Thần Giáo giám sát phủ đệ của Võ Lâm Minh chủ. Chỉ cần tới hiệu sách, cầm lên đặt xuống vài cuốn sách theo thứ tự, hỏi có ‘La Chức Kinh’ hay không, trong vòng hai canh giờ, giáo chúng lân cận sẽ tề tựu tại tiệm lụa Lục Khởi.
Lúc này Tư Đồ Nhã hẹn gặp giáo chúng không chỉ vì đại hội võ lâm. Khỏi cần nói, chủ yếu là vì hai mươi vạn lượng vàng. Nghĩ thế, y thâm tình sâu lắng nhìn tổng quản Cứ Dưỡng Hoa. Tới khi Cứ Dưỡng Hoa bị y nhìn đến sởn tóc gáy, y mới đảo mắt nhìn sang Hữu sứ.
Hữu sứ tên thật là Phạm Vô Cứu, chính là người giả mạo Ân Vô Hận giao chiến với ám vệ Cửu, rồi bế Tư Đồ Nhã tới ném xuống vách núi Đan Sơn trấn đêm đó.
Toàn bộ Cửu Như Thần Giáo chỉ có vị Hữu sứ tên Phạm Vô Cứu này quanh năm mặc đồ đen, lấy giết người làm nghề nghiệp. Giáo chúng bình thường gọi hắn là Hữu sứ phạt ác, sau lưng lại gọi hắn là Hắc Vô Thường. Cách gọi này không có gì vô lễ, lý do chỉ bởi hai cái tên Phạm Vô Cứu và Tạ Tất An vốn là của Hắc Bạch Vô Thường nơi Âm tào Địa phủ. Phạm Vô Cứu phạt ác, Tạ Tất An thưởng thiện. Các thế hệ Tả Hữu sứ của Cửu Như Thần Giáo đều dùng hai cái tên này.
Hữu sứ Phạm Vô Cứu thấy Tư Đồ Nhã nhìn mình thì quỳ một gối xuống, “Giáo chủ, thuộc hạ có chuyện cần bẩm.”
Tư Đồ Nhã đỡ hắn dậy theo đúng nghi thức xã giao, “Mời Hữu sứ nói.”
Phạm Vô Cứu nghiêm trang nói, “Gần đây, để thăm dò nội tình của Huyết Y Giáo, đường chủ Kim Bất Hoán (vàng không đổi) của Đại Phong Đường giả làm một tên phục vụ…”
Tư Đồ Nhã nói, “Ngàn đổi vạn đổi vàng không đổi, với trình độ dịch dung của hắn, chắc hẳn không tới mức để lộ dấu vết.”
“Vâng. Kim đường chủ điều tra được rằng Huyết Y Giáo đã cài một gián điệp tại phủ Tư Đồ. Chẳng biết gián điệp này phát hiện cái gì mà khiến Huyết Nghê Thường rút ra kết luận, Tư Đồ Nhị công tử chính là Giáo chủ Ngọc Tiêu Dao của Cửu Như Thần Giáo chúng ta.” Phạm Vô Cứu thận trọng đáp, vẻ như còn chưa nói hết.
Tư Đồ Nhã trêu ghẹo, “Ngươi có phải tiểu nha đầu Điểm Giáng Phái đâu, xấu hổ cái gì?”
“… Thuộc hạ suy đoán, rất có khả năng gián điệp của Huyết Y Giáo này đang ở bên cạnh Giáo chủ, bởi vậy mới nhận ra Giáo chủ không tầm thường.” Phạm Vô Cứu hạ quyết tâm, nói thẳng nói thật, “Thuộc hạ cho rằng tên gián điệp này chính là một trong các ám vệ của phủ Tư Đồ.”
“Gián điệp nọ là ai, bổn giáo chủ đã có suy đoán. Cùng lắm chỉ là dụ rắn rời hang, Hữu sứ đừng quá lo.” Tư Đồ Nhã nhớ tới gã quân tử leo xà* lục lọi đêm qua, lơ đãng nói, “Còn về đại hội võ lâm…” Mấy người thích thú xúm lại, bàn bạc về đại hội võ lâm. (*Triều Hán, một đêm ở nhà Trần Thực có tên ăn trộm nấp trên xà nhà, Trần Thực gọi hắn là ‘quân tử leo xà’, ví với kẻ gian đầu trộm đuôi cướp)
Kết thúc hội nghị, Tư Đồ Nhã hỏi tình hình của Tư Đồ Phong, biết được hành trình của Tư Đồ Phong tại Thục Bắc cũng không như ý, dọc đường vênh mặt hất hàm, thiếu lễ độ với thiếu chủ Đường Môn Đường Thiết Dung, cay nghiệt oán hận với Thiếu tiêu đầu Quý Tiện Vân hiền lành, còn chưa tới nơi vật ủy thác bị cướp thì đã suýt giải tán. Nhưng rồi chẳng biết sao tình cảm của ba người lại khăng khít hơn hẳn. Giáo chúng Cửu Như Thần Giáo làm theo đúng kế hoạch, hướng dẫn ba người đi tìm bình Cửu Long giả, mọi việc thuận lợi.
Vất vả bàn xong chính sự. Tư Đồ Nhã vuốt ve đàn cổ Lục Khởi bày ngang, thử gảy một cái, uyển chuyển nói, “Dạo này bổn giáo chủ có một chuyện phiền lòng, muốn nhờ tổng quản và Tả Hữu sứ ngả nghiêng đất biển, tát nước sông Phan*, nghiên cứu giùm một chút.” (*Nguyên văn: Khuynh lục hải, sái Phan giang – Trích trong bài thơ Đằng Vương các tự của Vương Bột, mang ý nghĩa ca ngợi hiền tài)
Cứ Dưỡng Hoa biết trước là không có gì hay, “Tát nước sông Phan và ngả nghiêng đất biển thì không làm được, bản lĩnh nhãi nhép của thuộc hạ chỉ tát được nước trong chậu để nghiên cứu thôi.”
Tư Đồ Nhã mỉm cười nói, “Vậy phiền tổng quản nghiên cứu xem, làm cách nào để có hai mươi vạn lượng vàng?”
Cứ Dưỡng Hoa và Tả Hữu sứ đồng loạt biến sắc, lại phấn khởi trăm miệng một lời, “Giáo chủ định khởi binh tạo phản à?!”
Tư Đồ Nhã tỉnh bơ, “Hai mươi vạn lượng vàng này là sính lễ cho Giáo chủ phu nhân.”
Cứ Dưỡng Hoa nghe mà hít hà, bám vào vai Tạ Tất An, vẻ như đứng không vững — Các môn phái giang hồ mưu sinh dựa vào việc hỗ trợ triều đình hoặc là buôn bán. Tỉ như Thiếu Lâm dựa vào triều đình, tiêu cục dựa vào áp tải hàng, Cái Bang dựa vào ăn xin, Đường Môn dựa vào kinh doanh dược liệu ám khí, Võ Lâm Minh chủ dựa vào giải quyết ân oán giang hồ.
Cửu Như Thần Giáo cũng không ngoại lệ, dựa vào việc kinh doanh tơ lụa. Ẩn sâu trong núi tuyết Cống Ca có một loài cây tên là Minh Linh Chá (cây chá giống cây dâu, lá nuôi tằm, gỗ vàng, mịn, là loại gỗ quý), trên thân chá có một loài băng tằm thuần Âm kịch độc ký sinh. Tơ của băng tằm đan thành dây đàn, tiếng đàn trong vắt như âm thanh thiên nhiên, mà tơ dệt thành y phục thì cản được cả đao thương. Cửu Như Thần Giáo nuôi dưỡng loài băng tằm này, kết hợp với nuôi dưỡng loài tằm bình thường cũng thuận buồm xuôi gió, kiếm sống bằng nghề kinh doanh tơ lụa.
Nhưng mà Cứ Dưỡng Hoa dốc hết tâm huyết, buôn bán làm ăn với tiệm lụa và tiệm gấm các nơi, một năm cùng lắm cũng chỉ thu về một vạn lượng vàng, tiền vui chơi giải trí cho giáo chúng còn chẳng có. Thế mà bây giờ Giáo chủ phá sản này lại tham lam đòi hắn xì ra hai mươi vạn lượng vàng để tặng người ta!
Tạ Tất An vỗ lưng cho Cứ Dưỡng Hoa, dò hỏi, “Giáo chủ định kết hôn với thần thánh phương nào thế?”
“Đêm sói tru, tổng quản và Tả sứ thấy rồi còn gì.”
Cứ Dưỡng Hoa và Tạ Tất An tức khắc nhăn nhó.
Cứ Dưỡng Hoa kiên trì quỳ xuống, “Thuộc hạ chịu phạt là được. Nhưng mà Giáo chủ đổi biện pháp trừng trị được không? Nuốt Kỳ Lân cổ thuộc hạ cũng chịu! Chứ hai mươi vạn lượng vàng chắc chắn không thể được, chớ nói lượng vàng, tiền không nên tiêu thì một xu thuộc hạ cũng không có!”
Tạ Tất An quỳ theo, “Nhờ phương pháp điều hành của Giáo chủ mà Cửu Như Thần Giáo mới có ngày hôm nay, chúng ta đồng tâm hiệp lực thật sự không dễ dàng. Vị giáo chủ phu nhân này chưa bước vào cửa mà đã kiêu căng vòi vĩnh, đòi hai mươi vạn lượng vàng mới xuất giá thì vào cửa rồi sẽ còn ra sao? Xin Giáo chủ cân nhắc.”
Phạm Vô Cứu thấy hai bọn hắn quỳ thì cũng khẳng khái quỳ xuống, “Giáo chủ, người ngoài không đáng tin. Luận nam sắc, trong giáo chúng ta đâu có thiếu gì. Giáo chủ thích kiểu nào, thuộc hạ lập tức dâng lên tận giường cho Giáo chủ, mỗi ngày đổi một tên, nếu Giáo chủ vẫn chưa hài lòng thì thuộc hạ cũng tự dâng mình lên được…!”
Cứ Dưỡng Hoa và Tạ Tất An đồng loạt nhìn Phạm Vô Cứu, tiện đà đánh mắt ra hiệu, vội vàng ném Phạm Vô Cứu phá hỏng không khí ra khỏi phân đường, sau đó quay về tiếp tục tận tình khuyên bảo. Đối với họ mà nói, thực ra Giáo chủ không thể cưới vợ, không chỉ là vấn đề tiền, mà xưa nay Cửu Như Thần Giáo có một cấm địa. Giáo chủ đời đầu Ngọc Liên Hoàn để lại một quy định, mỗi Giáo chủ mới sau khi cưới vợ, bắt buộc phải cùng vợ xông vào cấm địa để chứng minh sự hòa hợp vợ chồng. Nhưng các Giáo chủ làm theo quy định này đều một đi không trở lại, thậm chí còn chưa vào được cửa đã rơi xuống hỉ nộ vô thường. Giáo chủ lần này rất được lòng người, toàn bộ giáo chúng từ trên xuống dưới đều hi vọng Giáo chủ bình an, cô độc sống hết quãng đời còn lại.