Ác Quỷ Nam Kinh

Chương 24

Nam Kinh, ngày 14 tháng Mười hai năm 1937

Sự thật được truyền đi từ đài phát thanh. Không phải tin tốt. Hôm qua, sau vụ nổ ở cổng thành Trung Sơn, quân đội Thiên hoàng Nhật Bản tràn vào thành phố qua hai lỗ hổng trên tường thành. Tôi đã may mắn chạy trốn đúng lúc. Suốt buổi chiều, họ tiến vào thành cùng với xe tăng, súng bắn đạn trái phá và súng phun lửa. Đến đêm thì họ đã chiếm giữ được tất cả các tòa nhà chính phủ ở Nam Kinh.

Khi nghe tin này, cả tôi và Thu Kim đều im lặng một lúc lâu. Cuối cùng tôi đứng dậy tắt đài và đặt tay lên vai cô ấy.

“Đừng lo. Mọi chuyện sẽ nhanh chóng kết thúc trước khi con...” Tôi lưỡng lự, cúi nhìn mái tóc đen dày và đường ngôi mảnh mai màu trắng trên đầu cô ấy. “Mọi chuyện sẽ kết thúc trước khi mặt trăng nhỏ của chúng ta chào đời. Chúng ta có đủ thức ăn và nước cho hơn nửa tháng và bên cạnh đó...” tôi lấy hơi, cố gắng để giọng nói có vẻ tự tin và bình tĩnh, “người Nhật là những người văn minh. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ lại có thể an toàn ra phố.”

“Tương lai của chúng ta chính là quá khứ của chúng ta và quá khứ của chúng ta là tương lai của chúng ta,” cô ấy thì thầm. “Chúng ta biết rõ cái gì sẽ xảy ra...”

Chúng tôi biết rõ cái gì sẽ xảy ra ư?

Có thể cô ấy đúng. Có thể chân lý đã có ở bên trong chúng ta từ khi chào đời. Có thể trong nhiều năm, chúng ta cứ bơi xa dần khỏi những thứ mà chúng ta đã biết rõ và chỉ có tuổi già và cái chết mới cho phép chúng ta quay trở lại, trở lại với những gì thuần khiết, những gì không thay đổi bởi quy luật sinh tồn. Nếu cô ấy đúng thì sao? Nếu đúng là mọi chuyện đều đã được định sẵn, số phận của chúng ta, tình yêu của chúng ta và con cái của chúng ta nữa? Nếu đúng là tất cả đã ở bên trong chúng ta ngay từ ngày đầu tiên? Nếu đúng vậy thì tôi cũng đã biết cái gì sẽ xảy ra ở Nam Kinh. Tôi chỉ cần chạm vào câu trả lời...

Nam Kinh, nửa đêm ngày 15 tháng Mười hai năm 1937 (ngày mười ba tháng Mười một âm lịch)

Ha! Nhìn hai chúng tôi lúc này xem. Chỉ một ngày ngắn ngủi mà tất cả sự tự tin của tôi đã tan như bong bóng xà phòng. Thu Kim, thầy chiêm tinh của tôi đã không nhìn thấy trước được điều này. Thức ăn đã biến mất. Khoảng một giờ sáng nay chúng tôi nghe thấy tiếng động ở phía sân trước. Khi tôi lò dò ra cửa xem thì thấy hai cậu bé quần áo rách rưới đang kéo các tải kê và tảng thịt khô qua tường.

Chúng ném một sợi dây thừng qua tường và đang trèo lên. Tôi hét lên và chạy xuống dưới nhà, tóm lấy một thanh sắt và gầm lên giận dữ, nhưng đến khi tôi mở được chốt cửa và lao ra ngoài phố thì chúng đã biến mất tăm.

“Chuyện gì vậy?” Thu Kim xuất hiện trên ngưỡng cửa với chiếc váy ngủ dài, tóc xõa xuống vai và tay cầm một ngọn đèn dầu. “Trùng Minh, có chuyện gì thế?”

“Suỵt, đưa cho tôi cái áo khoác rồi đi vào trong và khóa cửa lại. Đừng mở ra cho đến khi tôi quay lại.”

Tôi luồn lách giữa những ngôi nhà bỏ hoang và những khu đất trống trước khi tới khu phố nhà ông Lưu. Trong căn hẻm ông đang sống, gia đình ông là gia đình duy nhất trụ lại, và khi rẽ vào đó thì tôi nhìn thấy cả ba người nhà ông đang quanh quẩn dưới ánh trăng. Vợ ông Lưu đang khóc còn cậu con trai thì đứng ở đầu hẻm nhìn trân trân ra ngoài phố, người run lên vì tức giận. Cậu ta đang cầm một chiếc càng xe bằng gỗ như thể sẵn sàng tấn công ai đó. Tôi biết ngay là họ cũng vừa lâm vào cảnh ngộ như mình.

Họ mời tôi vào nhà. Ông Lưu và tôi châm một ống tẩu và ngồi bên cạnh lò than đang cháy để giữ ấm, cánh cửa ra ngõ lúc này để mở vì cậu con trai vẫn khăng khăng đòi ngồi canh cách đó vài bước trong một tư thế hết sức thoải mái, đầu gối gần chạm vai như thể cậu vừa mọc ra hai cái cánh. Cái càng xe nằm dưới chân cậu trong tư thế sẵn sàng nghênh chiến. Mắt cậu căng ra, giận dữ như mắt cọp, quan sát đường phố.

“Chúng ta nên rời thành phố từ lâu mới phải.” Bà Lưu nói một cách cay đắng rồi bỏ đi chỗ khác. “Ở đây chúng ta sẽ chết hết mất thôi.”

Tôi nhìn bà ấy bỏ đi và một lúc sau thì nghe thấy tiếng khóc thổn thức ở phòng trong. Tôi nhìn ông Lưu một cách ngượng ngùng nhưng ông vẫn ngồi, không hề có biểu hiện gì, chỉ nhìn ra cửa về phía đằng xa, lên phía trên các mái nhà, nơi một cột khói xám đang bốc lên trời và che khuất các vì sao.

“Ông nghĩ gì?” Cuối cùng ông nói mà vẫn không quay sang nhìn tôi. “Chúng tôi chỉ có đủ thức ăn cho hai ngày, sau đó chúng tôi sẽ chết đói. Ông có cho là chúng ta nên ra ngoài xem sao không?”

Tôi lắc đầu. “Không nên,” tôi nói khẽ, nhìn ánh đỏ rực lên dưới đám khói đang cuồn cuộn. “Thành phố đã thất thủ. Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ có thể an toàn ra khỏi nhà, có thể hai ngày hoặc sớm hơn. Họ sẽ sớm thông báo là chúng ta có thể an toàn ra ngoài.”

“Vậy chúng ta nên đợi tới lúc đó chăng?”

“Đúng, tôi nghĩ là chúng ta nên đợi. Sẽ không lâu đâu.”

Nam Kinh ngày 17 tháng Mười hai năm 1937

Đã hai ngày chúng tôi không ăn gì. Tôi lo lắng không hiểu Thu Kim có thể chịu đựng như thế trong bao lâu. Các bản tin trên đài có nhắc đến những nỗ lực nhằm thiết lập một Ủy ban Tự quản của thành phố, thông báo chẳng bao lâu nữa chúng tôi có thể đi lại một cách tự do và hội Chữ Thập Đỏ sẽ phân phát gạo cứu đói trên đường Thượng Hải. Thế nhưng trên thực tế vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào. Chúng tôi quét dồn chỗ gạo rơi vãi trong vụ trộm rồi nấu cùng với số dưa góp còn lại trong bếp mà Thu Kim đã tình cờ tích trữ, nhưng cũng chỉ đủ ăn trong hai bữa. Vợ ông Lưu lo lắng cho Thu Kim nên đã san sẻ cho chúng tôi một ít thức ăn mà họ còn. Nhưng bây giờ mọi thứ đều đã hết nhẵn. Thu Kim không than vãn nửa lời nhưng tôi rất lo lắng cho đứa bé trong bụng cô ấy. Thỉnh thoảng, khi đêm gần tàn, tôi chợt có những cảm giác kỳ lạ như có cái gì đó ở bên trong Thu Kim, cái gì đó không rõ ràng, giống như một linh hồn, đang vươn ra và tôi không thể không nghĩ đến mặt trăng nhỏ bé của chúng tôi đang muốn vươn ra ngoài trong cơn đói.

Tôi để những việc lặt vặt lại cho đến khi trời tối, bỏ chiếc nồi đất ra ngoài, và nhặt củi vào để đốt. Tôi giữ rịt chút dầu còn lại cho chiếc đèn dầu của mình. Trời lạnh buốt, thậm chí ban ngày chúng tôi cũng phải mặc áo khoác và quấn chăn. Tôi bắt đầu quên rằng thế giới này còn có những thứ đẹp đẽ như sách, niềm tin và sương khói trên sông Dương Tử. Sáng nay tôi tìm thấy sáu quả trứng luộc bọc trong một chiếc áo sườn xám nhét trong cái rương ở chân giường. Sáu quả trứng được nhuộm màu đỏ.

“Đây là cái gì vậy?” Tôi mang xuống dưới nhà hỏi Thu Kim.

Cô ấy không nhìn lên. “Đặt nó vào chỗ cũ đi.”

“Mình định làm gì với chúng?”

“Mình biết rồi còn hỏi.”

“Dành cho lễ chào đời của mặt trăng bé bỏng của chúng ta đúng không?”

Cô ấy không trả lời.

Tôi nhìn mấy quả trứng trong tay. Thật ngạc nhiên khi thấy con người ta có thể thay đổi đến nhường nào chỉ sau hai ngày không có thức ăn. Đầu tôi nhẹ bẫng khi nghĩ đến việc đập trứng ra ăn. Tôi vội vàng đặt chúng lên bàn trước mặt cô ấy, rồi đứng lùi lại một bước. “Ăn đi,” tôi nói và chỉ tay vào mấy quả trứng. “Nhanh lên. Ăn luôn bây giờ đi.”

Cô ấy ngồi nhìn chúng chằm chằm, chiếc áo khoác quấn chặt quanh người, vẻ mặt xa xăm, trống rỗng.

“Tôi nói ăn đi. Ăn ngay bây giờ.”

“Sẽ là điềm gở đối với linh hồn của mặt trăng của chúng ta.”

“Điềm gở? Đừng có nói với tôi về điềm gở. Thế mình tưởng tôi không hiểu thế nào là điềm gở hay sao?” Tôi bắt đầu nổi giận. “ĂN ĐI!”

Nhưng cô ấy vẫn ngồi trơ ra một cách bướng bỉnh, khuôn mặt kín như bưng, trong khi tôi đi đi lại lại trong phòng, cơn thịnh nộ chỉ chực bùng ra ngoài. Sao cô ấy có thể ngốc nghếch thế cơ chứ, mạo hiểm với sức khỏe của con chúng tôi. Cuối cùng, sau một hồi đấu trí căng thẳng, tôi quay lưng lại với mớ trứng, đóng sập cửa và bước lên thư phòng của mình, ngồi lại bên trong suốt từ lúc đó đến giờ mà không tập trung nổi vào bất cứ việc gì khác.

Nam Kinh, chiều ngày 17 tháng Mười hai năm 1937

Khi tôi đang viết những dòng cuối cùng này thì có chuyện gì đó đã xảy ra. Tôi phải dừng tay đặt bút xuống và ngẩng đầu lên nghe ngóng. Có mùi gì đó len lỏi vào trong nhà qua chiếc cửa sổ đóng kín mít. Một mùi vừa thơm vừa khó chịu. Mùi thịt nướng. Ai đó đang nấu nướng quanh đây. Cái mùi đó khiến tôi bật dậy, lại gần cửa sổ, run rẩy đứng đó, gí mũi vào tấm lá chắn, hít lấy hít để. Tôi tưởng tượng ra một gia đình, có khi ở ngay hẻm bên cạnh thôi, đang ngồi xung quanh bàn bầy đầy cơm dẻo, bánh ngô và thịt lợn ngon lành. Hay có thể đó chính là bọn trộm đang nấu những thứ cướp được của chúng tôi. Nếu đúng vậy thì hẳn chúng đã quên mất huyền thoại về con gà của những người ăn xin, quên mất điều mà mọi kẻ trộm ở Giang Tô cần phải biết đó là chỉ nấu những thứ cướp được ở dưới hầm, một cách lén lút chứ không nấu ở ngoài trời, giữa thanh thiên bạch nhật vì mùi thơm của thức ăn sẽ bay tới mũi tất cả mọi người.

Tôi phải ngăn mình nhổm dậy khỏi chiếc bàn do bị mùi thơm đó mê hoặc. Nó cứ sực lên và mới ngọt ngào làm sao. Nó khiến tôi thay đổi quyết định. Nếu người ta cảm thấy đủ an toàn khi nấu nướng một cách công khai, để mùi thức ăn bay đi khắp phố phường như vậy thì chỉ có nghĩa là hòa bình sắp tới rồi. Chắc hẳn bên ngoài không có gì nguy hiểm. Bây giờ tôi sẽ ra ngoài. Tôi sẽ đi kiếm thức ăn cho Thu Kim.