史Nam Kinh, ngày 12 tháng Mười một năm 1937 (ngày mùng mười tháng Mười âm lịch)
Thượng Hải thất thủ hồi tuần trước. Chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng với tin này. Đội quân tinh nhuệ nhất của tổng thống đang lãnh trách nhiệm phòng phủ thành phố của chúng tôi đông gấp mười lần quân Nhật thế mà không hiểu tại sao vẫn để Thượng Hải rơi vào tay người Nhật. Đường phố hoang vắng, tiêu điều, chỉ còn lại những bình xịt hơi cay rỗng của quân đội Nhật vứt chỏng chơ ngoài các rãnh nước và những con vật chết thối trong sở thú. Tin báo cho biết quân Nhật hiện đang tràn qua đồng bằng và một cuộc tấn công vào Nam Kinh là không thể tránh khỏi. Mười sư đoàn đang tiến về phía chúng tôi, cả bộ binh lẫn môtô và xe bọc thép. Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh họ đang hành quân, trèo đèo, lội suối với niềm tin không hề lay chuyển rằng chỉ cần chiếm được thủ đô Nam Kinh là sẽ nắm trong tay trái tim của người khổng lồ.
Nhưng đương nhiên chuyện đó sẽ không xảy ra. Tổng thống của chúng tôi sẽ không cho phép thành phố này bị tổn thương. Đúng là có cái gì đó đang thay đổi trong lòng các công dân của thành phố, một làn sóng niềm tin mới đang trỗi dậy. Khi tôi trên đường về nhà sau buổi lên lớp sáng nay (cả lớp học chỉ có bốn sinh viên), đám sương mù bấy lâu che phủ thành phố bỗng dưng tan biến, trời nắng trong như thể Thượng đế bỗng rủ lòng thương đối với Nam Kinh. Nhưng không thấy ai phơi quần áo như thường lệ mỗi khi nắng lên. Rồi tôi nhận thấy những phu quét đường mấy hôm nay không làm việc. Khắp nơi mọi người dọn nhà dọn cửa khuân vác đồ đạc để chất lên xe. Mất một lúc sau tôi mới hiểu chuyện gì đang xảy ra và tim tôi như chùng xuống. Mọi người đang di tản. Thành phố này đang ngừng thở. Tôi cảm thấy xấu hổ khi thấy ngay cả một số giảng viên đại học cũng có ý định bỏ thành phố. Hãy tưởng tượng mà xem! Hãy tưởng tượng đến sự thất tín đối với tổng thống, ngài sẽ nghĩ gì khi ngay cả những công dân như chúng tôi cũng tính đến chuyện chạy trốn.
Thu Kim thì lại có vẻ hân hoan trước tin Thượng Hải thất thủ. Nó chỉ chứng minh những gì cô ấy khẳng định từ trước đến nay về Quốc dân Đảng là hoàn toàn chính xác. Cô ấy cũng đang chuẩn bị sơ tán khỏi Nam Kinh. Khi tôi về tới nhà thì cô ấy đang chất đồ đạc vào một cái rương. “Mình đây rồi,” cô ấy nói. “Em chờ mình mãi. Bây giờ thì mình ra sân chuẩn bị xe kéo cho em.”
“Xe kéo?”
“Đúng, chúng ta đi thôi. Trở về Phồn Dương.” Cô ấy gấp một mảnh tã màu trắng lấy từ gói cui sheng của bà ngoại và đặt vào trong rương. Tôi thấy cô ấy dành nhiều chỗ nhất cho cái hộp đựng tiền làm bằng mai rùa mẹ tôi để lại, tôi nhớ rất rõ rằng bên trong hộp đựng những bức huyết thư ghi lại một số đoạn trích trong Kinh Dịch được gói trong một tấm vải. Mẹ tôi đã đặt hết lòng tin vào những chữ này nhưng nó cũng không cứu được bà. “Đừng lo, em đã kiểm tra lịch rồi, hôm nay là ngày rất tốt cho việc xuất hành.” Thu Kim nói.
“Xem này, không việc gì phải vội vàng thế...” Tôi lên tiếng.
“Không ư? Em nghĩ là có đấy. Đi theo em nào,” cô ấy ngồi dậy, ra hiệu cho tôi tới bên cửa sổ và chỉ lên núi Tử Kim về phía lăng Trung Sơn. “Đằng kia kìa. Phía Tử Kim ấy.” Lúc này trời bắt đầu tối, trăng đã lên vàng ửng phía sau núi.
“Thì làm sao?”
“Trùng Minh, mình hãy nghe em,” Thu Kim hạ thấp giọng, vẻ rất nghiêm trọng. “Đêm qua em mơ thấy Tử Kim bốc cháy.”
“Thu Kim, thật vớ vẩn...”
“Không,” cô ấy nói một cách dữ dội. “Không vớ vẩn chút nào. Thật đấy! Trong mơ em thấy núi Tử Kim bốc cháy và khi em nhìn thấy thế em đã biết. Em biết ngay lập tức rằng Nam Kinh sắp gặp thảm họa.”
“Thu Kim, làm ơn...”
“Một thảm họa chưa từng có, còn hơn cả đợt nổi loạn của những người Thiên Chúa giáo.”
“Thật ư, có phải mình định nói mình cũng thông thái như mấy ông thầy bói mù ngoài chợ không, mấy kẻ khoác lác, chuyên dùng dịch gì đó ở mắt chó để bôi vào mí mắt ấy nhỉ, tôi không nhớ nữa. Mình định làm thầy bói ư? Thôi chấm dứt chuyện vớ vẩn này đi, mình không thể tiên đoán tương lai.”
Nhưng cô ấy không hề lay chuyển. Cô ấy đứng cạnh tôi mắt vẫn không rời núi Tử Kim. “Có đấy, mình có thể,” cô ấy thì thầm. “Mình có thể tiên đoán được tương lai. Tương lai là một cái cửa sổ đang mở.” Cô ấy đặt hờ tay lên cánh cửa chớp. “Như cái cửa sổ này chẳng hạn. Đoán tương lai thật dễ, vì tương lai chính là quá khứ. Tất cả mọi thứ trên đời này đều luân hồi và em đã nhìn thấy chính xác những gì sẽ xảy ra.” Cô ấy dừng lại quay sang nhìn tôi với đôi mắt màu vàng như thể cô ấy đang nhìn thấu ruột gan tôi. “Nếu ở lại Nam Kinh, chúng ta sẽ chết. Mình cũng biết thế. Em có thể đọc được điều đó trong mắt mình - mình biết rõ điều đó. Mình cũng biết ông tổng thống quý báu của mình không đủ mạnh để cứu chúng ta. Trong tay ông ta, Nam Kinh không có một cơ hội sống sót nào.”
“Tôi sẽ không nghe thêm một lời nào nữa,” tôi cương quyết nói. “Tôi không muốn mình nói như thế về vị tổng tư lệnh. Tôi cấm mình đấy. Cấm tiệt. Tưởng Giới Thạch sẽ cứu thành phố này.”
“Cái con chó cảnh của bọn ngoại quốc ấy,” cô ấy khịt mũi vẻ khinh bỉ. “Đầu tiên thì các tướng lĩnh của ông ta phải ép mãi ông ta mới chịu tuyên chiến, còn bây giờ thì chính quân Nhật, cái quân đội đào tạo ông ta, ông ta cũng không biết đường mà chiến thắng.”
“Thôi đủ rồi đấy, tôi đã nghe đủ rồi.” Tôi giận điên người. “Tưởng Giới Thạch sẽ bảo vệ Nam Kinh và chúng ta, đúng thế đấy, tôi và mình, chúng ta sẽ ở đây để chứng kiến giây phút đó.” Tôi tóm lấy cổ tay cô ấy và lôi về phía chiếc rương. “Tôi là chồng mình và mình cần phải tin tưởng vào sự phán đoán của tôi. Bây giờ thì dỡ đồ ra. Chúng ta sẽ không đi đâu cả, chắc chắn sẽ không quay lại Phồn Dương. Phồn Dương đã giết chết mẹ tôi và lần này hãy để tôi quyết định. Tôi là chồng mình, mình phải đặt niềm tin vào Tưởng Giới Thạch, người quyết định tối cao, một con người vĩ đại hơn tất cả những tín ngưỡng của mình gộp lại.”
史Nam Kinh, ngày 16 tháng Mười một năm 1937
Giờ tôi mới thấy hối hận xiết bao về những lời mình đã nói khi đó. Giờ thì tôi ở đây, một mình trong thư phòng, cánh cửa khóa trái, tai dán vào đài phát thanh, hối hận biết bao vì sự kiêu ngạo của mình. Tôi không dám để Thu Kim nghe bản tin vì biết rằng cô ấy sẽ tỏ ra hài lòng khi nhận được cái tin khủng khiếp đó, khủng khiếp tới mức tôi phải run rẩy viết những dòng này bằng chữ nhỏ li ti nhằm giảm bớt nỗi đau do nó gây ra: Tưởng Giới Thạch và chính phủ Quốc dân Đảng đã chạy khỏi Nam Kinh, giao lại Nam Kinh cho tướng Đường Sinh Trí.
Tôi ngồi nhìn chằm chằm vào dòng chữ đó, không biết phải làm gì, máu chảy rần rật trong đầu. Phải làm gì bây giờ? Tôi chẳng thể ngồi yên, chẳng thể đứng lên, cũng chẳng thể nghĩ về bất cứ điều gì. Tổng trưởng Tưởng đã đi mất rồi sao? Có phải tướng Đường đã thay vào vị trí của ông? Liệu chúng tôi có thể đặt niềm tin vào ông ta hay không? Hay tôi nên thú thực với Thu Kim là tôi đã sai rồi? Để cô ấy nhìn thấy tôi trở nên lung lay với chính kiến của mình? Tôi không thể. Tôi không thể lùi bước. Tôi đã bị mắc kẹt giữa đám mạng nhện do chính mình giăng ra, nhưng tôi phải đứng vững trên lập trường của mình cho dù nó có làm tôi điêu đứng tới mức nào. Tôi sẽ dựng hàng rào quanh nhà và đợi quân Nhật xuất hiện. Ngay cả khi điều không tưởng đó xảy ra, khi quân đội của chúng tôi bị thua thì tôi tin là người Nhật cũng sẽ đối xử tử tế với chúng tôi. Khi còn là sinh viên tôi đã từng tới Tokyo và tôi nói khá sõi tiếng Nhật. Họ sẽ xử sự một cách đàng hoàng và tế nhị. Ai đã từng nghiên cứu hành vi của người Nhật trong chiến tranh với Nga đều biết rằng họ là những người hết sức văn minh. Thu Kim sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng thậm chí họ cũng có thứ để dạy cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ chuẩn bị một biểu ngữ bằng tiếng Nhật với hai chữ “chào mừng” và chúng tôi sẽ được an toàn. Hôm nay tôi cũng thấy nhiều gia đình trong ngõ Hán Trung đang chuẩn bị những biểu ngữ như thế.
Nhưng khi tôi viết những dòng này, khi trời bắt đầu tối, thành phố chìm dần vào im lặng, chỉ còn tiếng rì rầm của xe tăng quân đội Quốc dân vang lên từ phía đường Trung Sơn thì tim tôi như hóa đá. Tất cả những gì tôi có thể làm lúc này là xuống nhà và thú thực với Thu Kim mọi nỗi sợ hãi.
Thu Kim trở nên lạnh lùng và xa cách kể từ sau khi tôi từ chối trở lại Phồn Dương. Ngày nào tôi cũng đưa ra một loạt lý do biện minh cho quyết định ở lại của mình, giả vờ không biết chúng có vẻ nhạt nhẽo đến mức nào, như nếu về quê thì sẽ không có bệnh viện và các phương tiện đỡ đẻ hiện đại. Tôi cố gắng dựng lên một bức tranh xám xịt rằng nếu có chuyện gì xảy ra chúng tôi biết làm thế nào khi chỉ biết trông cậy duy nhất vào một bà già nhà quê đỡ đẻ. Nhưng mỗi lần tôi nhắc đến chuyện này, Thu Kim lại ném cho tôi một cái nhìn giận dữ: “Một bà già nhà quê? Một bà già nhà quê? Bà ấy còn tốt hơn gấp vạn lần cái ông bác sĩ tây của mình ấy! Những kẻ Thiên Chúa giáo.”
Hay có lẽ tôi đã làm cô ấy kiệt sức vì cô ấy bắt đầu trở nên lặng lẽ. Cô ấy dành phần lớn thời gian ngồi bất động trên ghế, tay đặt lên trên bụng. Tôi không thể nào không nghĩ về đôi bàn tay ấy, nó mới nhỏ bé và trắng làm sao. Suốt cả ngày, tôi không thể ngăn mình nhìn chúng chằm chằm. Có lẽ cô ấy vô tình để tay như thế mà không biết là mình đang xoa bụng. Vì cô ấy chắc chắn không muốn vuốt ve bụng mình, sợ rằng em bé sinh ra sẽ hư và khó tính vì mẹ tôi vẫn bảo tôi: “Chắc hẳn mẹ đã xoa bụng nhiều quá nên mới sinh ra một đứa kiêu ngạo và cứng đầu như thế này.”
Khi nghĩ rằng con chúng tôi sau này có thể là một đứa cứng đầu, kiêu ngạo, ích kỷ hay bất kỳ tính cách khó chịu nào khác, tôi chỉ muốn khóc. Kiêu ngạo, cứng đầu cứng cổ, khó tính hay hư hỏng thì cũng đều phụ thuộc vào một vấn đề: con của chúng tôi có cơ hội chào đời hay không? Tất cả đều phụ thuộc vào việc Thu Kim có thể sống sót sau cuộc tấn công Nam Kinh không thể tránh đó hay không?