Minh Anh thân yêu:
Ở phần trước, chúng ta đã bàn về lòng nhân ái, hôm nay mẹ muốn nói với con về vấn đề yêu bản thân.
Yêu thương người khác là một phẩm chất tốt, điều này đều được mọi người công nhận. Còn nói đến yêu thương bản thân, nhiều người sẽ nghĩ như vậy là ích kỉ. Thực ra không phải vậy. Yêu thương người khác và yêu thương bản thân không hề đối lập nhau, mà là một cặp "anh em song sinh" tương trợ lẫn nhau. Bởi vì, nếu không yêu bản thân, chính mình còn sứt đầu mẻ trán, quýnh quáng chân tay thì làm sao mà yêu thương người khác được?
Yêu thương bản thân không đơn thuần là bảo vệ cơ thể (về điểm này, chúng ta đã nói đến rất nhiều ở các phần trước), mà còn phải cổ vũ bản thân về mặt tinh thần, điều chỉnh tốt tâm trạng của mình (trong khi đề cập đến bảy phẩm chất tốt ở các lá thư trước, có rất nhiều lần mẹ đã nói về vấn đề này rồi). Khi con có trạng thái tinh thần tốt, thoải mái học tập hoặc làm việc, sống vui tươi thì con mới có thể yêu thương người khác, mới có năng lực đem đến sự ấm áp và giúp đỡ người khác, đúng không nào?
Liên quan đến việc yêu bản thân như thế nào, mẹ phải đặc biệt nhấn mạnh một điểm: Con hãy học cách nói “Không”. Có thể con sẽ nói: “Ớ, như thế chẳng phải trái với sự lễ phép, lòng nhân ái và khoan dung mà mẹ đã dạy con trước đấy sao?”. Ha ha, không phải cái “Không” nào cũng giống cái "Không" nào nhé!
Giáo dục truyền thống thường nhấn mạnh sự khiêm nhường, lo lắng cho người khác mà coi nhẹ ý nguyện và quyền lợi của bản thân. Có đôi khi yêu cầu của người khác rất vô lí, thậm chí là gây trở ngại và ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, chúng ta cũng lễ phép, khiêm nhường, chấp nhận kiềm chế nguyện vọng của mình vì thể diện và mối quan hệ. Hành động như vậy, bề ngoài có vẻ là tôn trọng người khác, giúp đỡ người khác nhưng trên thực tế lại là sự thiếu tôn trọng với bản thân, còn khiến cho con cảm thấy đạo lí về lễ phép, lòng nhân ái và giúp đỡ nếu như vậy thì không chân thực, không hợp lí, không bình đẳng; từ đó không còn sự lễ phép, lòng nhân ái và giúp đỡ thật lòng. Sau đó, chúng ta thường tìm cách tránh xa những con người và sự việc như thế, thậm chí mối quan hệ thân thiết trước đó cũng có thể trở thành xa lạ, bạn bè, đồng nghiệp trở nên xa cách nhau; trong khi đo,ù bản thân mình vì chuyện bất đắc dĩ, không cam tâm này mà hối hận trong suốt thời gian dài. Xét từ một phương diện khác, thường xuyên từ bỏ ý muốn và lợi ích của bản thân còn ảnh hưởng đến khả năng phân biệt và phán đoán chính xác của con người, khiến con người trở nên chỉ biết nghe theo yêu cầu của người khác, khó tránh khỏi vì người khác mà gây ra những điều không hay.
Do đó, lễ phép, khiêm nhường, nhân ái, giúp đỡ người khác không có nghĩa là từ bỏ nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mình một cách không có nguyên tắc. Khi con thực sự bất lực, không thể làm được một việc hoặc việc ấy đi trái với nguyện vọng, nguyên tắc của mình, con nên học cách nói “Không” với người khác.
1. Trong nguyên tắc ứng xử, chúng ta cần biết lễ phép, thấu hiểu và khoan dung độ lượng, nhưng mỗi người đều có quyền bảo vệ lợi ích chính đáng của bản thân, đều có quyền từ chối những việc bản thân không muốn làm.
2. Khi yêu cầu của người khác mâu thuẫn với khả năng, nguyện vọng và lợi ích của bản thân, cần dũng cảm dùng phương pháp thích hợp, lời lẽ khéo léo để biểu đạt suy nghĩ và cảm nhận của bản thân. Khi nói “Không” với đối phương cần phải nói rõ suy nghĩ của mình. Đương nhiên, nếu có thể tìm được hoặc thỏa thuận được với đối phương một giải pháp nào đó vừa phù hợp với khả năng của mình lại có thể khiến cho đối phương chấp nhận thì càng tốt.
Vì vậy, phẩm chất thứ tám mà con gái cần có chính là yêu thương bản thân, con nhé!
Mẹ
Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com