80 Lời Mẹ Gửi Con Gái

Bức Thư Thứ 79: Tràn Đầy Lòng Nhân Ái

Minh Anh thân mến:

Các nhà nghiên cứu tâm lí trẻ em cho biết: Lương thiện và đồng cảm là bản năng của trẻ con. Trẻ sơ sinh dưới một tuổi đã có phản ứng trước tình cảm của người khác, nếu bên cạnh nó có đứa bé đang khóc, nó cũng sẽ khóc theo. Khi được một, hai tuổi, nhìn thấy người khác khóc, trẻ sẽ mang đồ chơi mà mình thích ra an ủi người đó. Điều đó cho thấy, bé đã có thể phân biệt rõ ràng nỗi đau khổ của mình và của người khác, đồng thời có bản năng muốn xoa dịu nỗi đau của người khác, chỉ có điều vẫn chưa biết phải làm thế nào mà thôi. Đến khi bé được năm, sáu tuổi, bé bắt đầu bước vào giai đoạn phản ứng có nhận thức. Bé biết khi nào nên an ủi bạn đang khóc, khi nào nên để cho bạn ấy ngồi một mình. Đây đều là biểu hiện lòng nhân ái tự nhiên của trẻ. Nhưng tại sao, rất nhiều người lớn lại thiếu đi lòng nhân ái?

Chúng ta không thể không thừa nhận, sự phát triển của xã hội, nhịp sống quá nhanh, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đã mang đến những ảnh hưởng tiêu cực cho con người, đó là sự đồng cảm giữa người với người ngày càng ít đi, khoảng cách ngày càng xa hơn và tình cảm càng lúc càng nhạt nhòa.

Nhà sinh vật học nổi tiếng Wilson có một phát hiện thú vị như thế này:

Khi một con bồ câu rừng trống trưởng thành nhìn thấy một con sói hoặc các động vật săn mồi khác tiếp cận con của nó, nó sẽ giả bộ bị thương, "cà nhắc" trốn ra khỏi tổ, như thể đôi cánh của nó đã bị gãy vậy. Lúc này kẻ săn mồi sẽ từ bỏ ý định tấn công lũ chim non mà chuyển hướng tấn công vào con chim trưởng thành, hi vọng có thể tóm được con mồi “bị thương” này. Khi đã dụ được kẻ săn mồi đến một nơi cách xa cái tổ của mình, chim bồ câu sẽ vỗ cánh bay lên. "Mưu mẹo" này thường giành được thành công, nhưng đương nhiên cũng có lúc gặp phải những tình huống bất ngờ không lường trước được.

Chim bồ câu rừng đã dùng hành động yêu thương này để bảo vệ con non của mình, giữ cho chúng có thể sống sót và trưởng thành, tiếp tục duy trì nòi giống. Khi chim bồ câu non đã quen với cách làm của chim bồ câu trưởng thành, nó cũng sẽ mô phỏng hành vi ấy. Từ đó có thể thấy, lòng nhân ái là hành vi được bồi đắp dần dần, là một hành vi có thể truyền từ người này sang người kia, từ đời này sang đời khác.

Có nhà tâm lí học đã tổng kết vài biểu hiện của sự thiếu lòng nhân ái:

– Không biết thế nào là lòng nhân ái

– Không biết làm thế nào để biểu đạt tình yêu, thậm chí thẳng thừng từ chối thể hiện tình yêu;

– Không biết yêu thương cha mẹ, bề trên, trong mắt chỉ có bản thân;

– Không yêu thương người khác, luôn giữ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với những người xung quanh;

– Không hiểu rằng phải biết trân trọng mọi sự sống, chưa nói đến yêu cuộc sống;

– Không yêu xã hội và người xung quanh, luôn có tâm lí thù địch và trả thù;

– Không biết cho đi, chỉ biết nhận từ người khác;

– Không suy nghĩ và thấu hiểu những nhu cầu của người khác, chỉ biết coi trọng nhu cầu của bản thân;

– Không biết ơn cuộc đời, không biết ơn những người đã chăm bẵm, dạy dỗ mình;

– Không biết nên làm gì cho người khác, chỉ cảm thấy người khác đối xử với mình không tốt;

– Không biết giúp đỡ, tán thưởng người khác, không biết thể hiện tình cảm của mình với người khác.

Từ xưa đến nay, lòng nhân ái được coi là đạo đức cơ bản của con người và là linh hồn của xã hội. Nếu mỗi người đều hi vọng mình được sống trong một thế giới tốt đẹp, vậy thì nên bắt đầu từ chính mình, hãy dùng lòng nhân ái để bảo vệ mỗi người xung quanh và thế giới này.

Mẹ biết con là một đứa trẻ có lòng nhân ái. Hãy đối chiếu với những nội dung ở trên, tự tìm hiểu xem bản thân mình còn thiếu điều gì chưa làm được hoặc làm chưa tốt nhé, mẹ hi vọng có thể mãi mãi nhìn thấy lòng nhân ái ở trong tim con gái của mẹ!

Mẹ