Con trai của bố:
Hôm qua, vì chuyện nghỉ hè năm nay con sẽ tham gia trại hè nào mà con và mẹ đã có tranh cãi. Nếu như không có sự xuất hiện kịp thời của bố, thì chắc đã có một trận “bão” ở nhà mình rồi đấy nhỉ.
Sau khi mọi chuyện xong xuôi, con nói với bố, con vốn đang do dự nhưng khi mẹ lên tiếng thay con quyết định thì con lại muốn tự quyết định và nguyện vọng được tự quyết định ấy đột nhiên dâng cao mãnh liệt khiến con nhất quyết phải chọn phương án khác mẹ. Hơn nữa, mẹ càng kiên quyết thì thái độ của con cũng càng kiên cường, càng bướng bỉnh. Bây giờ nghĩ lại, để mẹ phải giận dữ như vậy, trong lòng con cũng cảm thấy rất buồn - con đang tự hỏi tại sao lại không thể ngồi xuống bình tĩnh cùng mẹ bàn bạc được chứ?
Tạm thời chúng ta không nói đến lựa chọn cuối cùng của con, con biết ân hận vì thái độ của con với mẹ, điều đó khiến bố rất vui. Bố nghĩ nếu mẹ biết vậy chắc chắn mẹ cũng sẽ mừng lắm đấy. Hơn nữa nguyện vọng muốn được tự quyết của con, bố mẹ (tất nhiên là khi bình tĩnh) đều có thể hiểu, bởi vì khát vọng độc lập, nhu cầu được làm chủ chính là một đặc điểm tâm lý vô cùng quan trọng của thanh thiếu niên trong tuổi dậy thì.
Bước vào tuổi dậy thì, cơ thể biến đổi rất nhiều và ý thức về bản thân cũng được nâng cao mạnh mẽ, điều đó khiến con cảm thấy mình đã lớn, đã trưởng thành thêm vào đó là một khát vọng nhận được sự nhìn nhận của người khác, hy vọng có thể bảo vệ được hình tượng của mình và đương nhiên bên cạnh đó là khát vọng độc lập và tự tôn. Vì thế, các con luôn thích tham gia ý kiến vào mọi chuyện và hy vọng người khác có thể chấp nhận và tiếp thu quan điểm của mình. Nhưng khi có người phản đối quyết định của các con, thì tâm lý đối kháng trong các con thức dậy khiến các con đột nhiên “muốn chống lại”! Do đó, tuổi dậy thì cũng được mệnh danh là thời kỳ phản kháng thứ hai đấy con trai.
Tuy nhiên do còn thiếu hiểu biết về nhiều mặt của xã hội, thiếu kinh nghiệm trong nhiều phương diện nên nhiều khi ý tưởng của các con không phù hợp với thực tế khách quan, không khả thi. Thực tế là thế nhưng khi bị người lớn bác bỏ ý kiến, các con thường không tự nhìn nhận lại ý kiến của mình mà mặc nhiên suy nghĩ tiêu cực, cho rằng bố mẹ, thầy cô cố tình quản giáo mình và các con chống đối bằng cách người lớn càng không cho càng quyết làm.
Đương nhiên bố không cho người lớn luôn đúng. Nhưng bố vẫn cần phải nhắc nhở con một chút, hy vọng sau này khi có chuyện gì con sẽ biết bình tĩnh bàn bạc cùng bố mẹ. Bố mẹ sẽ nghiêm túc lắng nghe ý kiến của con.
Bố của con.