Phần kết
Có hai ngọn gió đang thổi qua con đường trưởng thành của trẻ vị thành niên ngày nay. Một ngọn gió mang theo những tiếng gọi chân thành của hàng ngàn bạn trẻ đang mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, được hướng dẫn và sống có mục đích. Ngọn gió thứ hai chính là ngọn gió xoáy, và nó có khả năng đe dọa ngọn gió đầu tiên.
Một số trẻ vị thành niên ngày nay cảm thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì. Bị cuốn vào cơn lốc xoáy của tư tưởng tiêu cực, nhiều bạn trẻ đã sống trong sự phiền muộn và thậm chí còn tự hủy hoại bản thân và lôi kéo người khác cùng chìm với mình.
Tôi cho rằng yếu tố ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tâm trạng và sự lựa chọn của trẻ chính là tình yêu thương của cha mẹ. Nếu không cảm nhận được tình yêu này, trẻ vị thành niên sẽ dễ bị cuốn vào cơn gió xoáy độc hại kia. Dù cơn gió ấy thổi nhanh hay chậm thì nó cũng không bao giờ hướng tới sự tốt đẹp, cho cả bản thân trẻ lẫn cộng đồng xã hội. Ngược lại, khi cảm thấy được cha mẹ yêu thương, trẻ sẽ có nhiều khả năng biết tôn trọng những quy tắc, phản ứng tích cực với những sự chỉ dẫn cũng như tìm ra được mục đích và ý nghĩa của đời mình.
Mục đích của tôi trong việc viết quyển sách này chính là mang đến cho các bậc phụ huynh những hướng dẫn thực tế để họ biết cách nuôi dạy trẻ vị thành niên tốt hơn. Sau ba mươi năm làm công việc tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình, tôi biết rằng hầu hết các bậc cha mẹ đều rất yêu thương con cái của mình, nhưng không phải lúc nào trẻ cũng cảm nhận được tình cảm đó. Sự chân thành chưa đủ để tạo nên sự khác biệt. Muốn làm được điều đó, bạn cần hiểu được ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ và sử dụng nó một cách thường xuyên.
Chắc chắn việc thực hành những điều tôi đề cập đến trong quyển sách này là không hề dễ dàng, nhất là đối với trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên. Lúc này, trẻ có rất nhiều mối bận tâm mà tâm trạng của trẻ cũng rất thất thường. Quá trình học cách yêu thương trẻ vị thành niên cũng gặp nhiều khó khăn bởi mong muốn độc lập và định hình tính cách ở trẻ. Nhưng tôi tin rằng, với tình yêu thương vô bờ dành cho con trong độ tuổi sắp sửa trưởng thành, các bậc cha mẹ sẽ có đủ sức mạnh, sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm để giáo dục trẻ nên người, trở thành nguồn hạnh phúc và tự hào cho cha mẹ trong tương lai rất gần.
Dù cuốn sách này chủ yếu được viết cho những người làm cha làm mẹ, nhưng tôi mong rằng tất cả những người lớn khác cũng nên đọc và áp dụng những quy tắc mà tôi đã đề cập. Trẻ không chỉ cần tình yêu thương nơi cha mẹ mà còn rất cần tình cảm từ những người trưởng thành có ý nghĩa đối với chúng.
Hãy áp dụng những nguyên tắc này mỗi ngày. Hãy học ngôn ngữ yêu thương căn bản của con em mình và thường xuyên sử dụng nó. Tôi biết là việc này không hề dễ dàng, nhưng nó rất đáng để bạn nỗ lực!
Phụ lục
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÊN GỌI TEENAGER (TRẺ VỊ THÀNH NIÊN) Ở MỸ
Tất nhiên, trước khi tên gọi “trẻ vị thành niên” ra đời, chắc chắn những đứa trẻ vị thành niên đã xuất hiện. Mãi cho đến thập niên 40 của thế kỷ XX, trẻ thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn được biết đến như những đứa trẻ đang lớn. Nhưng sau Thế chiến thứ hai, những biến chuyển về mặt công nghiệp và xã hội đã thay đổi tất cả. Cụm từ “trẻ vị thành niên” xuất hiện dẫn đến sự ra đời của một nền văn hóa đặc trưng cho một nhóm tuổi đặc biệt - không còn là những bé con, nhưng cũng chưa phải là những chàng trai cô gái.
Một thập kỷ trước Thế chiến thứ hai, hầu hết trẻ em từ mười ba đến mười chín tuổi đều làm việc trong các nông trang, nhà máy, hay tại nhà để giúp cha mẹ nuôi nấng các em. Họ không có nhiều lựa chọn và phải làm những việc mà người khác mong đợi cho đến khi họ đủ tuổi kết hôn. Không có một khái niệm nào về giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn.
Cuộc đại suy thoái vào đầu những năm 30 đã thay đổi tất cả. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo theo nhiều biến động. Số lượng việc làm trở nên ít ỏi và tình trạng thanh thiếu niên thất nghiệp ngày càng phổ biến. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, nhiều người đã đến các thành phố lớn để tìm việc. Không tìm được việc, họ ngủ trong những công viên hay trên các vỉa hè hoặc đi xin ăn. Thực trạng này đã làm dấy lên một vấn đề rất đáng lo ngại cho toàn xã hội. Nhà xã hội học Grace Palladino nhận định: “Việc thanh thiếu niên bỏ nhà ra đi đã buộc xã hội phải tập trung vào những vấn đề của họ”.
Trước tình trạng này, Tổng thống Franklin Roosevelt phải thành lập Tổ chức thanh niên quốc gia (NYA) để chăm lo cho những thanh thiếu niên đang vỡ mộng trên toàn nước Mỹ. Đến lượt mình, tổ chức này đã tác động trở lại và làm thay đổi nhận thức của người dân Mỹ về việc học hành. Trước thời điểm ấy, việc học phổ thông không phải là một lựa chọn của thanh thiếu niên Mỹ. Chẳng hạn, vào những năm 1900, chỉ có 6% thanh thiếu niên 17 tuổi có được bằng phổ thông. Thế nhưng đến năm 1939, gần 75% thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12-17 đang học phổ thông. Ý tưởng được đặt ra ở đây là trường phổ thông sẽ mang đến một chương trình đào tạo hướng nghiệp trong môi trường kỷ luật và thống nhất. Trong môi trường này, thanh thiếu niên sẽ khám phá ra năng lực thật sự của mình, phát triển mục tiêu, xây dựng những thói quen tích cực và sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội sau khi tốt nghiệp.
Sự chuyển biến của những người trẻ tuổi từ lực lượng lao động (hay đang thất nghiệp) vào những trường phổ thông công lập đã tạo ra môi trường thuận lợi cho việc hình thành một nền “văn hóa vị thành niên” riêng biệt. Palladino đã cho biết: “Trong khi những nhà giáo dục và tổ chức NYA đang tập trung vào tương lai của trẻ vị thành niên thì bản thân họ lại đang khám phá ra một thế giới mới và thú vị hơn rất nhiều - thế giới của âm nhạc trên radio, khiêu vũ và những trò vui. Khi nền kinh tế được phục hồi vào cuối thập niên 30, các học sinh phổ thông đã hình thành được quan điểm xã hội cho riêng mình là không quan tâm đến cuộc sống gia đình hay những trách nhiệm của người lớn”.
Đây là thế hệ trẻ vị thành niên đầu tiên được biết đến dưới tên gọi “teenager” và đa số họ đều đi học phổ thông. Khái niệm thế hệ trẻ vị thành niên bắt đầu được định hình. Những học sinh phổ thông đã tìm ra một nhịp điệu và một thứ ngôn ngữ của riêng họ.
Những học sinh phổ thông nước Mỹ từng được biết đến vào thập niên 30 với tên gọi “bobby soxer” - khiêu vũ theo những giai điệu sôi động của các ban nhạc nổi tiếng - đã hình thành nên một khuôn mẫu mà sau đó được thể hiện bằng cụm từ “teenager”. Họ đã hình thành một lối sống văn hóa mới, bao gồm những phong cách thời trang, âm nhạc, khiêu vũ và các sở thích khác biệt. Họ làm cho các bậc cha mẹ phát cáu bằng thứ ngôn ngữ mà chỉ có bạn bè của họ mới hiểu được.
Thêm vào đó, họ còn dành thời gian và tiền bạc để lập ra những câu lạc bộ người hâm mộ và xếp hàng trên đường nhiều giờ liền mỗi khi có một ban nhạc nổi tiếng biểu diễn, chỉ với mục đích là được nhìn thấy thần tượng âm nhạc của mình.
Những nhà quảng cáo bắt đầu nhận ra tiềm năng lợi nhuận từ số đông học sinh phổ thông vô lo này. Họ thử nghiệm nhiều tên gọi như “teener”, sau đó là “teenster” và vào năm 1941 là “teenager”. Cũng như tên gọi “bobby soxer”, “teenager” được hiểu là thế giới của những học sinh phổ thông, bao gồm việc hẹn hò, lái xe, khiêu vũ và những trò vui vẻ.
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ GARY CHAPMAN
Không chỉ là một chuyên gia tâm lý, Giáo sư Gary Chapman còn là Giám đốc Tập đoàn Tư Vấn Hôn Nhân & Đời Sống Gia Đình (Marriage and Family Life Consultants, Inc.) có trụ sở tại Mỹ. Ông từng nhiều lần tham gia thuyết trình tại các cuộc hội thảo trên toàn thế giới và trò chuyện trực tuyến trên các chương trình của hơn 100 đài phát thanh.
Gary Chapman tốt nghiệp Học viện Kinh Thánh Moody (Moody Bible Institute), rồi lấy bằng cử nhân Đại học Wheaton và bằng thạc sĩ ngành nhân loại học tại Đại học Wake Forest. Ông còn nhận bằng thạc sĩ ngành Giáo dục Tôn giáo (M.R.E) và bằng tiến sĩ triết học (Ph.D) tại Southwestern Baptist Theological Seminary. Trong ngành tâm lý, Gary Chapman là một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực tư vấn cải thiện và vun đắp các mối quan hệ. Trong ngành xuất bản, ông là một tác giả best- seller với bộ sách nổi tiếng Năm Ngôn ngữ Tình yêu đã phát hành hàng chục triệu bản và được dịch sang 38 ngôn ngữ trên thế giới.
Kể từ năm 1979, ngoài bộ sách Năm Ngôn ngữ Tình yêu, Gary Chapman đã viết hơn 20 quyển sách khác, trong đó có: Cẩm nang hướng dẫn dễ thực hiện nhất thế giới về các mối quan hệ gia đình (The World’s Easiest Guide to Family Relationships), Mặt khác của Tình yêu (The Other Side of Love), Năm dấu hiệu của một gia đình yêu thương (Five Signs of a Loving Family), Hướng đến cuộc hôn nhân phát triển bền vững (Toward a Growing Marriage), và Hy vọng cho những người ly thân (Hope for the Separated).
Với hơn 45 năm kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân hạnh phúc bền vững với người vợ là Karolyn, cũng như hơn 30 năm thực hiện sứ mệnh của một mục sư, một nhà tư vấn hôn nhân, Tiến sĩ Gary Chapman luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp cải thiện và hàn gắn những mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái, giúp cho cuộc sống gia đình của hàng triệu người trở nên tốt đẹp hơn. Có thể nói không quá rằng, ông chính là “ông tơ, bà nguyệt” thời hiện đại, giúp đan dệt và củng cố những sợi dây tình cảm giữa các thành viên gia đình với nhau và giữa người với người. Hàng triệu độc giả, khán thính giả đã thừa nhận và khen ngợi rằng những quyển sách của ông đã thật sự cứu vãn gia đình họ, chỉ ra cho họ những cách đơn giản mà thực tế để truyền đạt tình yêu với “nửa kia” của mình, giúp họ giải quyết những mâu thuẫn tưởng như không thể cứu vãn trong hôn nhân cũng như trong việc nuôi dạy con.
Sau khi nuôi dạy trưởng thành hai người con - một trai, một gái, Gary và Karolyn hiện vẫn sống hạnh phúc bên nhau ở Winston-Salem, South Carolina.
Năm Ngôn ngữ Yêu thương
Dành cho Bạn trẻ
Lời khen ngợi
Cử chỉ âu yếm
Thời gian chia sẻ
Sự tận tụy
Quà tặng