5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Bạn Trẻ

Chương 15 NGÔN NGỮ YÊU THƯƠNG TRONG GIA ĐÌNH CÓ CON RIÊNG

Chương 15

NGÔN NGỮ YÊU THƯƠNG TRONG GIA ĐÌNH CÓ CON RIÊNG

Cách đây vài năm, tôi làm tư vấn viên tại một trại hè của trẻ vị thành niên ở vùng núi Blue Ridge xinh đẹp thuộc North Carolina. Michael đã xin tôi một cái hẹn và tôi mời cậu đi dạo cùng tôi đến tháp canh. (Tôi nhận ra trẻ vị thành niên thường nói chuyện thoải mái hơn trong lúc đi bộ). Sau 15 phút tản bộ, câu chuyện của chúng tôi chuyển sang đề tài về gia đình cậu bé, và cậu nói: “Đó là chuyện cháu muốn nhờ chú tư vấn. Cháu không thích có cha kế”.

“Trước khi mẹ cháu cưới chú Rod, mọi chuyện thật tuyệt!” - Michael tiếp tục. - “Hai mẹ con cháu rất hợp nhau. Cháu cảm thấy mẹ rất tôn trọng và thương yêu cháu. Nhưng dạo gần đây thì không còn như thế nữa. Cháu lại cảm thấy mình trở thành một đứa trẻ như trước đây. Mẹ và chú Rod đề ra rất nhiều nguyên tắc ngớ ngẩn cho cháu. Cháu biết đây là ý của chú Rod vì mẹ không bao giờ quá nghiêm khắc như vậy. Giờ đây, mẹ cháu đã đứng về phe chú Rod và họ đang khiến cuộc đời cháu trở nên khốn khổ. Cháu ước gì mình có thể đến sống với cha”.

Tâm sự của Michael cũng chính là nỗi niềm của nhiều trẻ vị thành niên mà tôi được tiếp xúc. Hầu hết trẻ đều cảm thấy khó khăn khi sống trong một gia đình có “người lạ”. Sáu năm trước, Michael đã cùng mẹ và em gái học cách đương đầu với cuộc sống lạ lẫm khi cha cậu bỏ đi. Cậu phải trải cảm giác bị ruồng bỏ và suốt nhiều tháng liền, cậu đã có rất nhiều cuộc trò chuyện với mẹ. Michael hiểu sự hy sinh của mẹ và vai trò của bà trong cuộc sống mới. “Mẹ tin tưởng giao cho cháu việc trông nom em gái sau giờ học buổi chiều đến khi mẹ về”. - Cậu nói, giọng đầy tự hào. - “Cháu còn giúp mẹ giặt giũ và bà cũng bảo là cháu rửa xe rất sạch. Mẹ đối xử với cháu như một người lớn vậy”.

Thế rồi một năm trước, Rod trở thành thành viên của gia đình và mọi thứ bắt đầu thay đổi. Rod rửa xe với Michael và nói với cậu bé những điều cậu đã thừa biết như phải rửa xe như thế nào cho đúng cách. “Có phải ông ta nghĩ cháu ngốc không?” - Cậu bực dọc.

Khi lắng nghe Michael kể chuyện, tôi tin rằng cha dượng của cậu bé rất chân thành và đang cố gắng gần gũi cậu bằng cách cùng làm với cậu một số việc. Nhưng tôi cũng biết nếu người cha dượng không chấp nhận thực tế rằng Michael đã là một trẻ vị thành niên thì chắc chắn cuối cùng, ông cũng tự nhận ra mình đã thất bại. Trong hoàn cảnh này, nếu người mẹ đứng về phía Michael thì chắc chắn xung đột giữa bà và Rod chỉ là vấn đề thời gian. Kết quả nhiều nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng ly hôn ở những cuộc tái hôn là do những xung đột xung quanh cách nuôi dạy con trẻ. Một điều đáng nói nữa là tỷ lệ ly hôn trong những cuộc tái hôn cao hơn đáng kể so với những cuộc hôn nhân đầu tiên.

Gia đình có con riêng được hình thành theo cách khác biệt với những gia đình bình thường. Như ta biết, với một gia đình bình thường, hai vợ chồng có quãng thời gian riêng tư bên nhau trước khi đứa con ra đời. Khi đứa con chào đời, họ phải học các kỹ năng làm cha mẹ mỗi ngày. Ngược lại, trong gia đình có con riêng, hai vợ chồng ít khi có khoảng thời gian riêng tư cho nhau. Ngoài ra, con cái trong kiểu gia đình này thường ở vào độ tuổi vị thành niên, đang phát triển tính tự lập cũng như bộc lộ ý thức cá nhân. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi những trẻ vị thành niên này phản ứng rất dữ dội để được nhìn nhận như là một phần của gia đình mới.

Nhận thức của trẻ vị thành niên và những mối lo sợ của các bậc phụ huynh

Thông thường, trẻ vị thành niên nghĩ rằng hạnh phúc của cha mẹ đang cản trở quá trình phát triển của chúng. Nếu nhận thức này không được giải tỏa, nó sẽ sớm trở thành cảm giác đau khổ và sẽ dẫn tới sự nổi loạn. Trong khi đó, những bậc cha mẹ quyết định tái hôn thường có ba nỗi sợ hãi: sợ mất đi tình yêu thương của con, sợ sự nổi loạn của con và sợ mình sẽ hủy hoại cuộc sống của con. Một người mẹ tâm sự với tôi: “Tôi đã phá hỏng cuộc sống của con gái mình, đầu tiên là vì ly dị và sau đó là tái hôn. Làm sao mà tôi lại có thể hành động như vậy được chứ?”. Những nỗi sợ này khiến cha mẹ ruột quên đi các khái niệm cơ bản của kỷ luật và sự kiềm chế nóng giận mà chúng ta đã nói đến. Họ sẽ chọn giải pháp xoa dịu con mình và dần xa lánh người bạn đời mới.

Còn rất nhiều thử thách khác mà gia đình có con riêng phải đối mặt: sự gây gổ giữa những đứa con riêng, sự lạm dụng tình dục giữa những đứa con riêng vị thành niên hay giữa chúng và người bạn đời mới, những xung đột giữa cha mẹ ruột và cha mẹ kế về vấn đề nuôi dạy trẻ… Mục đích của tôi không phải vẽ ra bức tranh ảm đạm về cuộc sống gia đình có con riêng mà chỉ muốn bạn nhìn nhận thực tế của nó để có những giải pháp thiết thực. Tôi tin rằng việc thấu hiểu năm ngôn ngữ yêu thương và áp dụng chúng vào cuộc sống gia đình có con riêng sẽ hữu ích đối với nhiều bậc phụ huynh. Trong bầu không khí tràn ngập tình yêu thương, mọi mâu thuẫn đều có thể được hòa giải. Khi đó, trẻ vị thành niên sẽ tiếp tục phát triển lành mạnh để tiến đến sự độc lập và cha mẹ chúng có thể có được một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Ngược lại, khi nhu cầu tình cảm không được thỏa mãn, các thành viên gia đình thường có thái độ chống đối và thù địch lẫn nhau.

Tôi mong muốn bạn hãy nắm bắt thật nghiêm túc những khái niệm mà chúng ta đã cùng chia sẻ trong cuốn sách này. Hãy xác định ngôn ngữ yêu thương của trẻ cũng như của chính bạn và thực hành cùng nhau. Hãy đọc những quyển sácH viết về mối quan hệ tình cảm trong gia đình có con riêng. Bên cạnh đó, bạn nên thừa nhận việc rằng không phải lúc nào trẻ vị thành niên cũng sẵn sàng đón nhận tình thương yêu và sự quan tâm của bạn. Đừng xem đó là sự xúc phạm. Hãy rút kinh nghiệm từ chính thất bại này và thử tiếp cận theo cách khác vào lần sau.

Những khó khăn của người cha/mẹ kế

Thông thường, trẻ vị thành niên sẽ thận trọng trong việc đáp lại tình thương của cha mẹ kế. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Nguyên nhân đầu tiên là tâm lý lo sợ bị cha mẹ kế hắt hủi của trẻ. Trong vai trò cha/mẹ kế, bạn có thể gặp khó khăn trong việc tìm hiểu tại sao trẻ vị thành niên lại tỏ ra xa cách đến vậy. Vì thế, khi quyết định yêu thương chúng, bạn nên chứng tỏ sự chân thành và kiên định biểu lộ tình cảm của mình theo thời gian. Bạn cần biết rằng trẻ vị thành niên đã trải qua sự tổn thương khi chứng kiến cha mẹ chúng ly dị. Có thể chuyện này xảy ra khi chúng còn nhỏ, nhưng sự tổn thương tâm lý ấy đã trở thành một ký ức đau thương với trẻ và chúng sẽ không muốn lặp lại điều đó. Chúng không muốn phải chịu đựng thêm những vết thương mới.

Thứ hai, có thể trẻ vị thành niên đang ghen tỵ mối quan hệ tình cảm giữa bạn và cha/mẹ ruột của chúng. Chúng xem bạn là mối đe dọa đến tình cảm và sự quan tâm của cha/mẹ ruột. Chúng cũng sẽ ghen tỵ với tình thương yêu mà bạn dành cho con ruột của bạn. Ngoài ra, còn một cảm xúc sâu xa ở những đứa trẻ này, đó là chúng cảm thấy như mình phản bội lại cha/mẹ ruột nếu chúng đáp lại tình cảm của cha/mẹ kế.

Một lý do nữa khiến trẻ vị thành niên không thể dễ dàng đáp lại tình yêu thương của cha/mẹ kế là do chúng cho rằng cha/mẹ kế chính là mối đe dọa đến sự tự lập của chúng. Đây chính là điều mà Michael, cậu bé chúng ta đã gặp đầu chương này, cảm nhận về người cha kế Rod của cậu.

Cha/mẹ kế nên xử sự như thế nào?

Chú ý lắng nghe, tiếp nhận và tỏ lòng trắc ẩn

Đầu tiên, bạn hãy cho trẻ quyền tự do thể hiện bản thân chúng. Những cảm xúc và sự sợ hãi của trẻ vị thành niên là điều có thật, ngay cả khi chúng không bộc lộ. Tuy vậy, đừng bắt trẻ phải nói ra suy nghĩ và cảm nhận của chúng. Nếu trẻ vị thành niên muốn trò chuyện, hãy chú ý lắng nghe và tiếp nhận những cảm nghĩ của chúng.

Cũng như các bạn cùng độ tuổi với mình, trẻ vị thành niên lớn lên trong gia đình có con riêng sẽ bộc lộ sự nổi loạn để định hình bản thân và tính độc lập. Trong trường hợp này, sự tổn thương, buồn chán thường nhiều hơn và do đó càng dễ dẫn đến những cách cư xử mang tính chống đối ở trẻ. Nếu không chú ý lắng nghe để thấu hiểu và yêu thương trẻ, bạn sẽ khó có thể suy xét cẩn thận và dễ dàng đánh giá sai trẻ.

Tôn trọng cha/mẹ ruột của trẻ

Bước thứ hai là bạn đừng cố gắng thay thế vai trò của cha/mẹ ruột của trẻ. Hãy khuyến khích trẻ vị thành niên yêu thương và liên hệ với cha/mẹ ruột chúng mỗi khi có thể. Và một điều quan trọng nữa là bạn không được phản đối cha/mẹ ruột của trẻ vị thành niên trước mặt chúng.

Giải quyết những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình

Một điều quan trọng là bạn hãy thành thật với chính mình về suy nghĩ và cảm nhận của bản thân. Nếu cuộc hôn nhân của bạn không vững chắc, có thể bạn sẽ lo sợ về một cuộc ly hôn khác. Bạn không muốn gần gũi với trẻ vị thành niên vì không muốn làm chúng tổn thương một lần nữa. Trong trường hợp bạn là cha/mẹ ruột, có thể bạn cảm thấy có lỗi khi không thể gần gũi với chính đứa con của mình. Còn khi là cha/mẹ kế, có thể bạn cảm thấy thật bất công khi xây dựng mối quan hệ thân thiết với con riêng của bạn đời trong khi giữa bạn và con ruột của mình còn có quá nhiều khoảng cách. Và cũng có thể bạn cảm thấy ghen tỵ trước sự quan tâm mà người bạn đời dành cho đứa con riêng của người ấy, v.v.

Chắc chắn mỗi chúng ta đều có một chút ích kỷ cố hữu. Thật khó để không nghĩ đến những nhu cầu, ao ước và mong muốn của bản thân. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì bạn cũng cần nhớ rằng, tính vị kỷ sẽ chỉ tàn phá các mối quan hệ của chúng ta.

Người hạnh phúc nhất chính là những người biết cho đi, chứ không phải chỉ biết nhận.

Yêu thương cả con ruột lẫn con riêng của bạn đời

Hãy nhớ rằng tình thương yêu như một dòng sông và nó luôn đủ cho tất cả mọi người. Trên thực tế, bạn không thể yêu người bạn đời của mình mà quên đi con của cô ấy/anh ấy. Hãy nhớ rằng, bạn luôn gặt được những gì mình đã gieo. Hãy yêu thương, và bạn sẽ nhận lại được tình yêu. Thành công trong những gia đình có con riêng không phải ở việc “tống khứ những đứa trẻ” mà chính là việc bạn có thể yêu thương con trẻ cho đến mãi về sau.

Kiên nhẫn là đức tính rất cần thiết cho những bậc cha mẹ kế. Trẻ vị thành niên không giống những đứa trẻ nhỏ chỉ biết chờ đợi tình yêu thương của bạn. Chúng có những suy nghĩ, trải nghiệm và cách xử sự của riêng chúng. Nghiên cứu cho thấy thường phải mất ít nhất từ 18 tháng trở lên để trẻ vị thành niên và cha mẹ kế có được một mối quan hệ tình cảm thương yêu thật sự.

Vậy làm thế nào để bạn biết được trẻ vị thành niên đang gắn bó với mình? Những dấu hiệu sau đây sẽ giúp bạn nhận ra được điều đó: Trẻ vị thành niên sẽ bắt đầu thể hiện sự yêu mến tự nguyện và sẵn sàng đón nhận tình yêu thương của bạn; sẽ bắt đầu nói chuyện và tham gia các hoạt động cùng bạn; sẽ quan tâm đến những nhu cầu của bạn và hỏi ý kiến bạn khi cần một lời khuyên nào đó. Khi những điều này xảy ra, nghĩa là bạn đang gặt hái được quả ngọt của tình thương yêu vô điều kiện.

Xây dựng một mối quan hệ yêu thương bền vững với đứa con riêng của người bạn đời là một trong những điều tốt đẹp nhất mà bạn có thể làm cho cuộc hôn nhân của mình. Mọi cha mẹ đều yêu thương con đẻ của mình. Vì thế, khi người bạn đời của bạn thấy bạn nỗ lực gắn kết với con họ một cách tích cực thì tình yêu họ dành cho bạn càng sâu sắc.

Kỷ luật trong gia đình có con riêng

“Kỷ luật” là một phần không thể thiếu trong những gia đình có con riêng. Hầu hết các bậc cha mẹ thường không thống nhất với nhau trong việc nuôi dạy con cái. Trong gia đình có con riêng, những bất đồng này càng có khả năng trở nên trầm trọng.

Mục đích của kỷ luật là giúp con cái chúng ta trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn. Ở những gia đình có con riêng, quá trình này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những gia đình bình thường, nhưng điều đó không có nghĩa là hoàn toàn không thể. Hãy đọc lại Chương 12 về tình yêu và trách nhiệm, bạn sẽ có khái niệm cơ bản về kỷ luật trong gia đình.

Những thay đổi có thể xảy ra trong những quy tắc và kỷ luật trong gia đình

Trẻ vị thành niên nhận thức được rằng khi có cha/mẹ kế, mọi chuyện trong gia đình sẽ thay đổi và chắc chắn sẽ có những nguyên tắc mới. Trẻ cần được đóng góp ý kiến trong quá trình hình thành quy tắc và hậu quả của chúng. Có thể bạn và người bạn đời sẽ có những bất đồng nhất định về nội dung những quy định và hậu quả đó. Lời khuyên của tôi trong trường hợp này là cha mẹ kế nên làm theo những mong muốn của cha mẹ ruột trong giai đoạn đầu của gia đình có con riêng. Dù vậy, những bất đồng này sẽ còn tái diễn nếu cha mẹ kế cảm thấy những nguyên tắc này chưa được thỏa đáng, ngay cả khi tình cảm giữa đôi bên đã được cải thiện.

Sự ép buộc và tính kiên định

Suốt năm đầu, khi trẻ vi phạm một quy định nào đó, hãy để cha/mẹ ruột của trẻ thi hành những quyết định trừng phạt. Nhưng khi mối quan hệ giữa cha/mẹ kế và trẻ vị thành niên trở nên thân thiết hơn thì họ có thể tham gia vào việc kỷ luật trẻ. Hãy nói với trẻ vị thành niên trước và sau khi thi hành hình phạt bằng những ngôn ngữ của tình yêu thương để giúp trẻ đánh giá đúng hình phạt mà mình phải nhận.

Tính kiên định trong việc thi hành hình phạt là tối quan trọng, nhất là trong gia đình có con riêng. Chẳng hạn, gia đình Scott và Marcia quy định phải mang xe đạp vào nhà xe trước 8 giờ tối. Và vào mùa hè, khi ngày dài hơn, nguyên tắc về thời gian sẽ được nới rộng đến 9 giờ. Hình phạt cho việc vi phạm này là mất đi quyền đi xe đạp vào ngày hôm sau. Mọi người trong gia đình đều đã đồng ý với quy định đó và coi đó là một quy định công bằng. Ba tuần sau khi quy định này được đề ra, Erica, cô con gái 13 tuổi của Marcia, bỏ quên xe đạp ở sân nhà hàng xóm. Lúc 9 giờ 10 phút tối, cậu con trai nhà hàng xóm gõ cửa nhà Marcia và mang theo chiếc xe đạp của Erica.

Marcia đã cảm ơn cậu bé, mang xe đạp vào nhà xe và bình tĩnh thuật lại mọi chuyện cho Erica nghe. Marcia cũng không quên nhắc nhở Erica rằng cô bé sẽ không được đi xe đạp vào ngày hôm sau.

Chiều hôm sau, Erica đến gặp mẹ với nụ cười dễ thương nhất và nói: “Con biết con đã để xe đạp bên ngoài tối qua, nhưng chiều nay tụi bạn con sẽ đạp xe quanh công viên chơi. Mẹ ơi! Nếu mẹ cho con đi chơi chiều nay, con sẽ không đi xe đạp trong hai ngày tới. Thay vì chịu phạt một ngày, con sẽ chịu hai ngày. Như vậy là công bằng phải không mẹ?”.

Đề nghị của Erica có vẻ hợp lý và Marcia rất muốn đồng ý. Nhưng Marcia hiểu rằng nếu chiều theo ý con, chị sẽ tạo ra tiền lệ không hay. Vì vậy chị nói: “Mẹ rất tiếc, Erica! Nhưng con biết quy định cũng như hình phạt rồi đấy. Con sẽ không được đi xe đạp vào ngày hôm sau, khi con đã để xe bên ngoài”.

Thấy đề nghị của mình không mang lại hiệu quả, Erica đã chuyển sang van nài: “Thôi mà mẹ, hai ngày thay cho một ngày. Nó công bằng mà mẹ…”.

“Mẹ rất tiếc.” - Marcia nói. - “Nhưng con biết quy định rồi đấy.”

Erica liền chuyển sang gây sức ép: “Làm sao mà mẹ có thể đối xử với con như vậy chứ? Con không thích những quy định mới này. Trước khi chú Scott đến, mọi chuyện đâu có như thế này. Trước đây mẹ rất thương yêu và cảm thông với con. Nhưng bây giờ thì mẹ lại bắt buộc con phải tuân theo tất cả những quy định này. Thật không công bằng. Con không muốn sống ở cái nhà này nữa”.

Marcia rất muốn đáp trả lại và yêu cầu Erica đừng lôi Scott vào chuyện này, rằng chuyện đó không liên quan gì đến Scott. Nhưng thật sáng suốt khi chị quyết định giữ những suy nghĩ đó lại cho mình và chỉ nói với Erica: “Mẹ biết là con muốn đi chơi với các bạn. Mẹ cũng muốn đồng ý với con, nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng được như con mong muốn. Khi chúng ta làm sai, chúng ta phải gánh chịu trách nhiệm và đôi khi,trách nhiệm đó rất lớn. Mẹ hiểu cảm giác của con lúc này. Mẹ cũng hiểu rằng đôi khi con ước rằng chú Scott không xuất hiện ở đây, và mẹ sẽ chiều theo ý muốn của con. Nhưng điều đó là không đúng, con biết mà. Mẹ yêu con trước khi yêu chú Scott và bây giờ mẹ vẫn yêu con. Mẹ bắt buộc con tuân theo những quy định này bởi vì mẹ biết là nó tốt nhất cho con”.

“Mẹ đừng nói những điều tốt nhất cho con nữa đi.” - Erica càu nhàu khi bước ra khỏi phòng. Marcia thở dài nhẹ nhõm và tin rằng mình đã làm đúng, dù chị vẫn còn rất lo lắng. Erica hờn dỗi ở lỳ trong phòng suốt ngày hôm đó và lặng lẽ đến trường vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, khi đi học về, cô bé đã vui vẻ trở lại và không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.

Một số xung đột khác

Thái độ và cách xử sự của bậc cha/mẹ còn lại

Một thách thức thường thấy đối với gia đình có con riêng là việc liên hệ với người cha/mẹ ruột còn lại của trẻ. Thường thì các bậc cha mẹ chưa dứt hoàn toàn những tình cảm dành cho cuộc hôn nhân trước. Một hoặc cả hai người có thể vẫn còn che giấu sự đau khổ, oán giận hoặc căm ghét đối với người vợ/chồng cũ. Và điều này gây không ít phiền toái cho người vợ/chồng mới.

Thêm vào đó, những bậc cha mẹ ruột có thể đổ lỗi cho nhau vì cách ứng xử hay biểu lộ cảm xúc bất thường của trẻ. Đôi khi, cha/mẹ ruột của trẻ có thể có những bình luận hay đánh giá tiêu cực về bạn cũng như vợ/chồng mới của bạn. Những đánh giá tiêu cực này sẽ được trẻ lặp lại với bạn, nhất là khi chúng nóng giận.

Những giá trị khác nhau

Đôi khi, những giá trị của gia đình người vợ/chồng cũ sẽ rất khác so với những giá trị trong gia đình mới của bạn. Thông thường, mâu thuẫn này sẽ liên quan đến vấn đề đạo đức. Việc sử dụng rượu bia, thuốc lá sẽ không tồn tại ở nhà bạn nhưng lại xuất hiện khi trẻ vị thành niên đến thăm cha mẹ không giám hộ chúng. Vì thế, việc tích cực yêu thương và giáo dục trẻ là rất quan trọng. Nếu trẻ vị thành niên học được rằng mọi lựa chọn đều có hậu quả của nó cũng như nếu bạn cho chúng quyền được chọn lựa và sẵn sàng chấp nhận hậu quả khi lựa chọn sai lầm thì có thể chúng sẽ ghi nhớ chân lý này trong cuộc sống của chúng. Có thể trẻ phải tiếp nhận suy nghĩ và cách cư xử mà bạn không mong muốn nhưng chúng sẽ có những lựa chọn thông minh hơn trước tình yêu và thái độ kiên định mà bạn đã thể hiện.

Yêu thương con cái một cách vô điều kiện cũng là một cách ngăn chặn những hành động sai trái của chúng. Trẻ vị thành niên thường có xu hướng gần gũi cha mẹ hay bất kỳ ai mang đến cho chúng tình yêu thương và sự chân thật. Nếu cảm nhận được tình thương yêu của bạn, trẻ sẽ biết kiềm chế tốt hơn những hành vi tiêu cực vì trẻ không muốn làm bạn tổn thương.

Để loại bỏ những xung đột với gia đình người vợ/chồng cũ, đừng tìm cách trả thù người bạn đời cũ bằng cách “ăn miếng trả miếng” hay “gậy ông đập lưng ông”. Hãy đáp lại những cách cư xử đó bằng thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết. Mục tiêu ở đây không phải là đánh bại người vợ/chồng cũ của bạn mà là giữ cho cuộc hôn nhân mới của bạn được bền vững và nuôi dạy trẻ thành người có trách nhiệm. Hãy thoải mái trò chuyện cùng người vợ/chồng mới cũng như con của bạn về những khó khăn trong cuộc sống và cùng nhau bàn bạc những giải pháp để giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực nhất.

“Công thức” đem lại sự bền vững cho một gia đình có con riêng

Tóm lại, có bốn yếu tố cơ bản có thể xem như “công thức” giúp một gia đình có con riêng chung sống hạnh phúc.

Yếu tố đầu tiên chính là tình yêu thương vô điều kiện. Đó là tình yêu thương của vợ chồng với nhau và tình yêu của cha mẹ đối với tất cả những đứa con trong gia đình. Hãy chuyển đến các con bạn thông điệp “dù thế nào thì cha mẹ vẫn yêu thương con”. Đừng nói ra hay thể hiện bằng hành động những ý như: “Cha mẹ sẽ yêu thương con nếu các con biết đối xử tốt với nhau”, “Cha mẹ yêu thương con nếu các con biết nghe lời”, “Cha mẹ yêu con nếu con cũng biết yêu cha mẹ”. Tình yêu thương cần điều kiện không phải là tình yêu thương thật sự. Đôi khi, yêu thương chính là việc chọn lựa và khám phá ra những sở thích của người khác để tìm cách làm cho họ vui. Khi trẻ vị thành niên biết rằng chúng luôn được quan tâm, tin tưởng, chúng sẽ nỗ lực để sống tốt hơn, không chỉ cho riêng bản thân chúng mà còn cho người chúng thương yêu.

Yếu tố thứ hai chính là sự công bằng. Tuy vậy, hãy nhớ rằng công bằng không phải là giống hệt như nhau. Mỗi đứa trẻ có một tính cách, ngay cả khi chúng đều là con ruột của bạn. Đôi khi, vì muốn đạt đến sự công bằng nên các bậc cha mẹ đã đối xử với con cái theo cách “cào bằng”. Thực tế, điều này là không hợp lý và thiếu công bằng. Công bằng có nghĩa là khả năng đáp ứng phù hợp cả về mức độ và tính chất cho nhu cầu của mỗi người.

Yếu tố thứ ba là sự quan tâm. Hãy thể hiện quan tâm của bạn đối với tâm tư, nguyện vọng, mong ước của trẻ, cũng như dành thời gian tham gia những hoạt động chung với trẻ. Hãy đi sâu vào thế giới của trẻ và hòa mình vào đó.

Yếu tố thứ tư là kỷ luật. Trẻ vị thành niên luôn cần đến những giới hạn của cuộc sống. Khi bạn nói với trẻ rằng: “Con đã lớn rồi. Con muốn làm gì thì làm!” sẽ chỉ khiến trẻ rơi vào con đường lầm lạc. Nếu không có những giới hạn, cuộc sống sẽ trở thành vô nghĩa. Các bậc cha mẹ có trách nhiệm sẽ thiết lập nên những giới hạn nhằm bảo vệ trẻ khỏi những mối hiểm nguy trong cuộc sống cũng như hướng chúng trở thành người biết tự chủ và sống có trách nhiệm.

Khi các bậc cha mẹ trong gia đình có con riêng quyết tâm thực hiện đúng những nền tảng này, họ sẽ dẹp yên mọi mối bất hòa và xây dựng được một gia đình như mong muốn.