GÕ 10 NGÓN
BÀI HỌC: THÓI QUEN CŨ KHÔNG CẦN PHẢI CHẾT THẢM
Bất cứ việc nào đáng làm ban đầu cũng có vẻ không đáng làm.
−RAY CONGDON
▪ ▪ ▪
T
ính tới thời điểm này, tôi đã học được nhiều kỹ năng mới ở những lĩnh vực mà tôi ít có kinh nghiệm từ trước. Lúc đầu, thiếu kinh nghiệm chắc chắn là một rào cản, nhưng ít nhất não bộ của tôi cũng không chủ động can thiệp vào quá trình học.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn luyện tập một thứ gì đó hoàn toàn mới và cùng với đó, bộ não của bạn còn phản kháng nữa?
Tốc độ của công nghệ hiện đại khiến cho việc học lại trở nên rất phổ biến: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chương trình phần mềm bạn sử dụng để thực hiện công việc thay đổi, hay một chương trình mới trở thành cách hiệu quả nhất để hoàn thành một nhiệm vụ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn nhận được một công việc mới đòi hỏi bạn phải làm việc với những công cụ mới? Học lại kỹ năng một cách nhanh chóng cũng quan trọng không kém việc học một thứ mới.
Tôi tò mò không biết cảm giác mình học lại một thứ gì đó thực sự quan trọng sẽ như thế nào?
Tôi bắt đầu liệt kê những việc mà tôi đã biết cách làm, sau đó đào xới danh sách để tìm những kỹ năng mà (1) tôi đã giỏi, và (2) có một số phương pháp để thu được kết quả như nhau. Không tốn quá nhiều thời gian để tôi tìm ra một ứng viên đầy hứa hẹn.
Kỹ năng nào ư? Gõ 10 ngón.
Cuộc sống phía sau bàn phím
Theo David Allen, tác giả của cuốn sách Để hoàn thành công việc (Getting Things Done) (2002), nếu công việc của bạn đòi hỏi phải sử dụng bất cứ loại máy tính nào, thì việc học cách gõ bàn phím bằng 10 ngón là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để cải thiện năng suất của mình.
Tốc độ gõ thông thường là khoảng 70 từ trên một phút. Nếu bạn không thể gõ được ít nhất 60 từ trên một phút với tỉ lệ gõ sai thấp, có nghĩa là bạn đã hạn chế khả năng làm việc hiệu quả của chính bản thân. Nỗ lực bạn dành cho việc gõ phím càng ít, thì thời gian và năng lượng bạn có để thực hiện những nhiệm vụ có giá trị cao hơn càng nhiều.
Tôi đã gõ 10 ngón được khoảng 17 năm, có lẽ còn lâu hơn. Khi còn đi học, học sinh nào cũng được yêu cầu tham gia một khóa học gõ 10 ngón, và tôi nhớ là mình đã cảm thấy rất buồn chán. Tôi đã biết cách gõ nhanh, vì thế tôi hoàn thành các bài tập chỉ trong vài phút, sau đó dành thời gian còn lại trên lớp để xác định làm cách nào máy xử lý văn bản nhả ra những ký tự trông có vẻ là lạ, kiểu như ký hiệu (¶), đánh dấu phần (§) và dấu chấm than (!).
Tôi học cách gõ nhanh 10 ngón chủ yếu là nhờ dành rất nhiều thời gian làm việc với máy tính vào thời gian rảnh rỗi. Việc luyện gõ nhanh của tôi bắt nguồn từ yếu tố khách quan chứ không phải do tôi chủ tâm học: Tôi hoàn toàn không có ý định cải thiện tốc độ hay độ chính xác. Chỉ là tôi hay sử dụng máy tính, và trong quá trình đó, tôi đã học cách đánh máy.
Điều đó không có nghĩa là tôi nói rằng mình đã giỏi. Các ngón tay của tôi lướt khắp bàn phím thay vì dành hầu hết thời gian ở hàng phím cơ sở, những phím ở giữa bàn phím. Phương pháp của tôi không phải là gõ chính xác, mà hoàn thành công việc mới là tất cả những gì tôi quan tâm.
Dù rằng kiểu gõ của tôi không phải tuyệt vời, nhưng nó lại thiết thực. Trong công việc, tôi sử dụng máy tính rất nhiều, và tốc độ cũng như độ chính xác khi đánh máy của tôi giúp tôi hoàn thành công việc.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng, tôi lại vô tình đọc được một bài báo về các cách bố trí bàn phím thay thế: Sắp xếp các phím khác so với QWERTY – cách bố trí mặc định phổ biến của phần lớn bàn phím ngôn ngữ tiếng Anh được sản xuất mỗi năm.
Có người cho rằng QWERTY được thiết kế cực kỳ không hiệu quả và là một thiết kế kinh khủng. Có nhiều cách khác để sắp xếp các phím trên bàn phím sao cho chúng có thể hỗ trợ người sử dụng gõ nhanh hơn, chính xác hơn và ít tốn công sức hơn.
Nỗ lực tích lũy là một vấn đề lớn: chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại (RSI) và hội chứng ống cổ tay là những rối loạn ở tay và cổ tay phổ biến, có thể do hoặc có thể bị nặng thêm vì đánh máy. Dù tôi chưa gặp phải những triệu chứng đó, nhưng tôi có vài người bạn thân đã bị, và điều đó chẳng thú vị chút nào. Tôi muốn tránh những rối loạn đó nếu có thể.
Tôi dự định sẽ viết và lập trình nhiều năm sau này nữa, và trừ khi nhận dạng giọng nói suy nghĩ-thành-văn bản trở thành phương pháp chính được máy tính sử dụng, nếu không tôi vẫn còn đánh máy trong tương lai. Có lẽ quan tâm lớn nhất của tôi là học đánh máy theo cách hiệu quả nhất có thể, ngay cả khi điều đó gắn liền với sự bối rối và không thoải mái trong một thời gian ngắn.
Tạm biệt QWERTY, tôi chuẩn bị học lại cách gõ 10 ngón đây.
Cách bố trí bàn phím kiểu QWERTY trở thành tiêu chuẩn “toàn cầu” như thế nào
Ngược với những hiểu biết thông thường, định dạng bàn phím kiểu QWERTY không phải được thiết kế để làm giảm tốc độ của người đánh máy, mà là một giải pháp cho vấn đề kỹ thuật cơ khí.
C. L. Sholes, người được tin là đã phát minh ra cách bố trí bàn phím kiểu QWERTY cho máy đánh chữ, đã tạo ra mẫu dùng thử vào năm 1868. Sholes không phải là người đầu tiên tạo ra máy chữ, vì có ít nhất 51 nhà sáng chế khác đã từng thử trước ông, và Sholes đã nghiên cứu các công trình của họ, tích hợp nhiều tính năng trong thiết kế của họ vào thiết kế của ông.
Các phím trong bản mẫu đầu tiên của Sholes được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Thời điểm đó, không ai tưởng tượng rằng người ta sẽ (hoặc có thể) học cách đánh nhanh bằng 10 ngón tay. Xếp các phím theo thứ tự bảng chữ cái giúp những người sử dụng chưa qua đào tạo có thể tìm thấy chữ cái thích hợp khi “mổ cò” bằng hai ngón tay trỏ.
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn với bản mẫu này, đó là: Cần gõ chữ sẽ bị dính lại với nhau khi các chữ cái liền kề được gõ quá nhanh. Những chữ cái thường được sử dụng nhiều nhất trong tiếng Anh là các nguyên âm AOEUI và các phụ âm DHTNS. Trên bàn phím, chữ S và chữ T nằm ngay cạnh nhau. Nếu một cần gõ chữ đi lên, còn một cần gõ chữ lại đi xuống thì máy sẽ bị kẹt, buộc người đánh máy phải dừng lại và gỡ cần gõ chữ bằng tay.
Để xử lý vấn đề khó chịu lặp đi lặp lại này, Sholes đã nhờ tới sự giúp đỡ của một thầy giáo có tên là Amos Densmore. Densmore đã tiến hành nghiên cứu nhanh các chữ cái hay được sử dụng trong tiếng Anh, sau đó, Sholes đã sử dụng nghiên cứu này để đặt các cặp chữ cái hay đi với nhau, kiểu như TH, sang hai phía của cần gõ chữ để tránh trường hợp bị va chạm.
Chiến lược này không giải quyết được vấn đề triệt để, nhưng nó đã cải thiện được đáng kể (vấn đề), tới mức Sholes đã đăng ký bản quyền cho thiết kế của mình năm 1872. E. Remington & Sons, một công ty nổi tiếng với việc sản xuất vũ khí khi đó đã mua lại bản quyền của Sholes năm 1873.
Sau khi thêm vào một số cải tiến cơ khí, như thêm phím Shift để người đánh máy có thể chuyển giữa viết hoa và viết thường các chữ cái, Remington bắt đầu sản xuất hàng loạt máy đánh chữ với bàn phím được bố trí kiểu QWERTY, với ý định bán ra thị trường kinh doanh vào năm 1874.
Remington không phải là công ty duy nhất bán máy đánh chữ. Những công ty khác, như Hammond và Blickensderfer, chào bán các thiết bị cạnh tranh, mỗi công ty lại có một cách bố trí bàn phím riêng của họ.
Thời điểm đó, các công ty phụ thuộc chủ yếu vào các bản ghi chép và thư từ dạng văn bản. Máy đánh chữ có thể tiết kiệm rất nhiều sức lực, nhưng chỉ khi người vận hành biết cách sử dụng máy. Để bán được hàng, các công ty phải giải quyết được nhu cầu đào tạo người đánh máy sao cho họ có thể sử dụng được cái máy “kỳ cục” đó.
Điều đó dẫn tới một động lực thị trường thú vị: Các công ty sản xuất máy đánh chữ tự tuyển và đào tạo người đánh máy, vận hành hiệu quả các trung tâm sắp xếp việc làm. Nếu chủ doanh nghiệp muốn thuê một người có thể đánh máy, họ sẽ gọi cho Remington – công ty có thể cung cấp cả máy đánh chữ và người có thể sử dụng thiết bị đó.
Các công ty cần người đánh máy và máy đánh chữ, còn Remington có thể cung cấp cả hai. Và khi một công ty nào đó cần một máy đánh chữ mới, hay một người đánh máy mới, cách hiệu quả nhất là mua một máy đánh chữ QWERTY mới và thuê một người đánh máy biết sử dụng QWERTY. Sau khoảng 60 năm, QWERTY đã trở thành tiêu chuẩn được công nhận trên thực tế, và các cách bố trí cạnh tranh với cách bố trí QWERTY đã dần biến mất. Sau nhiều thập kỷ, QWERTY đã thống lĩnh toàn thế giới.
Cạnh tranh xuất hiện: Dvorak
Năm 1932, August Dvorak, giáo sư trường Đại học Washington đã nhận được phần thưởng 130.000 đô la từ Hội đồng Giáo dục Carnegie cho việc nghiên cứu thiết kế bàn phím. Một trong những nhân tố thú vị của nghiên cứu này là nhận ra: QWERTY được thiết kế để giải quyết một vấn đề kỹ thuật cơ khí đã không còn tồn tại nữa. Có còn cách nào tốt hơn để thiết kế bàn phím không?
Bốn năm sau, Dvorak đăng ký bản quyền cho sản phẩm Bàn phím đơn giản hóa Dvorak mà ông tuyên bố là siêu việt hơn những cách bố trí khác. Cơ sở của lời khẳng định này rất đơn giản: Cách bố trí của Dvorak là đặt những ký tự thường được sử dụng nhiều nhất ngay dưới các ngón tay của người sử dụng ở hàng phím cơ sở.
Dvorak cũng khẳng định cách bố trí này dễ học hơn, và tiếp tục các nghiên cứu với các tổ chức, đào tạo một lượng lớn những người đánh máy, mà chủ yếu là các tổ chức trong quân đội Mỹ. Kết quả thu được là: vì Dvorak tự mình thực hiện các nghiên cứu, nên rất nhiều phần trong kết quả bị nghi ngờ.
Một nghiên cứu được tiến hành độc lập của Cơ quan quản lý dịch vụ công Hoa Kỳ, cơ quan chịu trách nhiệm đào tạo người đánh máy cho chính phủ Hoa Kỳ, đã phát hiện ra rằng, những người đánh máy bằng bàn phím kiểu QWERTY đã qua đào tạo phải mất hơn 100 giờ để đạt được tốc độ đánh máy trước đó họ đã có, nếu họ được đào tạo lại với bàn phím Dvorak. Thế là quá lâu. Do đó, nghiên cứu đề xuất những người đánh máy cho chính quyền nên sử dụng bàn phím QWERTY. Các nhà máy và công ty sản xuất máy đánh chữ cũng theo đó mà làm.
Dvorak tiếp tục tồn tại như một lựa chọn phụ, nhưng ở góc độ tiêu chuẩn, nó hoàn toàn thất bại. Dù có rất nhiều lời khẳng định tích cực cho rằng nó hiệu quả hơn cách bố trí bàn phím kiểu QWERTY, nhưng nó vẫn không thể thay thế được vị trí của bàn phím kiểu QWERTY. Dvorak đã phai nhạt theo thời gian, và còn xa mới đứng được ở vị trí thứ hai.
Thách thức mới xuất hiện: Colemak
QWERTY và Dvorak không phải là hai kiểu bố trí bàn phím tiếng Anh duy nhất tồn tại. Dù phần lớn những người đánh máy đều học QWERTY, nhưng các nhà sáng chế và người yêu thích vẫn tiếp tục công cuộc sáng tạo thiết kế bàn phím hàng thập kỷ qua. Hầu hết những cách bố trí này đều chưa bao giờ được công bố rộng rãi, nhưng năm 2006, nhờ internet, có một cách bố trí bàn phím hoàn toàn mới đã bắt đầu thu hút được sự chú ý của những người đánh máy ưa mạo hiểm.
Chuyện là thế này. Shai Coleman, một lập trình viên máy tính, đã quyết định thử bắt tay vào thiết kế bàn phím. Mục đích của anh rất đơn giản, chỉ là tạo ra một cách bố trí bàn phím hiệu quả tương đương với cách bố trí bàn phím của Dvorak, nhưng dễ học hơn.
Một trong những vấn đề chính của Dvorak là nó thay đổi mọi thứ: mỗi phím chữ cái trong Dvorak lại khác hoàn toàn so với bàn phím QWERTY. Nếu lúc đầu bạn học cách đánh máy trên QWERTY, thì mức độ thay đổi khiến cho việc học Dvorak thực sự trở thành một cơn ác mộng.
Tệ hơn nữa hiện nay máy tính là công cụ đánh máy cơ bản, nên việc sử dụng các phím tắt để thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại (như lưu một tập tin, cắt và dán văn bản,…) ngày càng trở nên phổ biến. Nếu bạn đã quen làm việc với một số cách kết hợp bàn phím nhất định, thì Dvorak thực sự khó chịu: không chỉ tất cả các chữ cái đều thay đổi vị trí, mà tất cả các phím tắt cũng khác.
Chiến lược của Coleman là kết hợp những phân tích của máy tính về bộ dữ liệu lớn liên quan tới các tài liệu tiếng Anh, với ý tưởng bảo tồn càng nhiều phím càng tốt để duy trì được các phím tắt như cũ. Phần bên trái của bàn phím cũng như hầu hết hàng dưới cùng gần như được giữ nguyên. Chỉ những phím quan trọng mới được thay đổi. Thuật toán của Coleman đề xuất hầu hết các thay đổi, chỉ để lại một số phím mơ hồ cần phải đánh giá.
Cuối cùng, cách bố trí mới của Coleman (được anh gọi là Colemak) đã thay đổi 17 phím so với cách bố trí tiêu chuẩn QWERTY. Dựa trên các con số, nó hiệu quả hơn hẳn so với QWERTY và hiệu quả hơn Dvorak một chút. Hơn nữa, vì Colemak chỉ đổi một số phím, nên có vẻ như những người sử dụng QWERTY sẽ dễ dàng học được hơn.
Coleman đã tạo ra một trang web (colemak.com), trong đó có các chi tiết về cách bố trí bàn phím mới này, cũng như có hướng dẫn về cách cài đặt và sử dụng bàn phím đó. So với nỗ lực tốn kém của Dvorak để phổ biến cách bố trí bàn phím của ông trong những cuộc họp với các tổ chức lớn, thì internet đã giúp cho việc quảng bá sự tồn tại của bàn phím Colemak trực tiếp và rẻ hơn.
Kết quả là Colemak giờ đã là cách bố trí bàn phím tiếng Anh phổ biến thứ ba, chỉ đứng sau QWERTY và Dvorak. Cách bố trí này giờ đã được cài đặt vào hầu hết các hệ điều hành của máy tính mới, và đã có hàng nghìn người sử dụng trên khắp thế giới. Hoàn toàn không tệ đối với một bàn phím được phát triển bởi một người say mê.
Colemak trông như thế nào?
Dưới đây là sơ đồ bố trí bàn phím Colemak:
Ngoài việc thay đổi vị trí của một số phím ký tự được sử dụng thường xuyên nhất, Colemak còn biến phím Caps Lock thành phím Delete thứ hai. Thay đổi này là một trong những cải tiến lớn nhất của Colemak. Không có ai (ngoài những kẻ phá hoại mạng internet) sử dụng phím Caps Lock một cách thường xuyên, nhưng phím này lại chiếm một vị trí “đắc địa”: Ở vị trí thuận tiện để ngón út của bàn tay trái có thể dễ dàng chạm tới, và ở ngay cạnh phím A trên hàng phím cơ sở.
Việc đổi phím Caps Lock thành Delete giúp những người sử dụng bàn phím Colemak có thể sửa lỗi sai, mà không phải di chuyển bàn tay phải ra khỏi hàng phím cơ sở, để nhấn vào phím Delete ở tận trên cùng bên phải của bàn phím. Điều này giúp tiết kiệm được rất nhiều công sức. Chỉ một thay đổi nhỏ đó thôi đã giúp giảm được từ 15 đến 20% khoảng cách di chuyển tay so với QWERTY. Càng nhiều lỗi sai được bạn sửa bằng ngón tay út của tay trái thì Colemak càng trở nên hiệu quả.
Thay đổi máy tính của tôi
May mắn là thật dễ dàng để chỉnh bàn phím Apple và sắp xếp lại chúng mà không làm ảnh hưởng tới máy. Vì Apple sử dụng bàn phím kiểu “Chiclet(1)” có kích thước giống nhau, nên việc chuyển bàn phím sang định dạng Colemak chỉ mất khoảng năm phút.
Bằng cách sử dụng một chiếc tuốc-nơ-vít có rãnh nhỏ, tôi đã nhẹ nhàng bẩy mặt trên cùng bên phải của mỗi phím lên, luồn đầu của tuốc-nơ-vít vào, sau đó di chuyển nó dọc theo mép bên phải của phím. Khi tuốc-nơ-vít đã vào được đến phần giữa của phím, phím sẽ hủy cơ chế “kéo” được tích hợp sẵn trong bàn phím, khiến cho phím nảy ra ngoài khi được nhấn.
Khi bạn đã hiểu rõ, sẽ rất dễ để sắp xếp các phím cần phải thay đổi. Sau đó, tôi đã sử dụng sơ đồ bố trí bàn phím Colemak để xếp lại các phím vào bàn phím theo đúng vị trí. Tất cả những gì cần làm chỉ là ấn nhẹ nhàng, và các phím sẽ gắn chặt vào chỗ của chúng.
Đó chỉ là một quá trình đơn giản, nhưng cần phải lưu ý rằng việc này rất có thể sẽ làm máy tính bị mất quyền được bảo hành. Vì lý do an toàn, tôi đã làm thử với một bàn phím Apple không dây dự phòng trước, sau đó mới thay đổi các phím trên chiếc MacBook Air của mình, khi đã thấy tự tin với quá trình đó.
Giờ thì tôi đã có bàn phím Colemak trên máy tính xách tay. Thật tuyệt, đúng không?
Tôi đánh máy nhanh cỡ nào?
Lúc này bàn phím của tôi đã sẵn sàng, tôi đã tiến gần tới việc tạo ra một thay đổi lớn. Tuy nhiên, trước khi tiếp tục, tôi muốn biết hiện tại tôi đánh máy nhanh cỡ nào. Điều này sẽ giúp tôi xác định được mức độ thành thạo mục tiêu.
Trong trường hợp này, mức độ thành thạo mục tiêu của tôi rất đơn giản: Tôi muốn đạt được tốc độ đánh máy bằng Colemak nhanh như bằng QWERTY càng sớm càng tốt. Tôi cũng không kỳ vọng là sẽ vượt qua được tốc độ đó, vì tốc độ đánh máy không phải là một yếu tố hạn chế trong công việc của tôi. Tôi chỉ muốn có thể đánh nhanh giống như trước đây mà không phải tốn nhiều công sức.
Thông tin duy nhất mà tôi thực sự cần trước khi thay đổi là thông tin về tốc độ đánh máy của tôi, vì thế tôi đã tìm bài kiểm tra đánh giá tốc độ đánh máy cơ bản trên mạng.
Bài kiểm tra này rất đơn giản: Khi bạn nhấn nút Bắt đầu (Start), chương trình sẽ đưa ra 100 từ ngẫu nhiên từ một cuốn sách cũ nào đó. Nhiệm vụ của bạn là phải đánh máy đoạn văn bản đó nhanh nhất có thể, với càng ít lỗi càng tốt. Khi hoàn thành, bạn chỉ cần nhấn nút Dừng (Stop), và chương trình sẽ cho bạn biết tốc độ đánh máy và tỉ lệ đánh sai của bạn.
Khi đánh xong, tôi nhấn nút Dừng, và nhận được kết quả là 61 từ/phút, độ chính xác là 100%, không có lỗi sai. Cũng không tệ, tốc độ đánh máy của tôi đạt đến đúng ngưỡng mà David Allen đưa ra. Tôi không phải là một con quỷ tốc độ, nhưng tôi có thể đánh máy khá tốt, đủ để hoàn thành công việc.
Vậy là tôi đã có mọi thứ tôi cần: Tôi biết mình đánh máy nhanh như thế nào, bàn phím của tôi đã ở định dạng Colemak, và tôi biết cách để kích hoạt cách bố trí đó trong hệ điều hành. Chẳng còn gì cần phải chuẩn bị nữa.
Thế đấy. Tôi đã sẵn sàng bỏ QWERTY lại phía sau chưa nhỉ?
Lướt trên bàn phím
Hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ. Tôi chuyển máy tính sang dạng Colemak, sau đó đóng bảng cài đặt lại. Kể từ giờ phút này, tôi không thể đánh máy bất cứ chữ nào bằng QWERTY cho tới khi tôi hoàn thành cuộc thử nghiệm của mình.
Trình duyệt web của tôi vẫn còn bài kiểm tra tốc độ đánh máy. Tôi bật đồng hồ đếm giờ và bắt đầu gõ.
Và đây là ấn tượng đầu tiên của tôi: #%&@.
Có vẻ hơi cường điệu quá, nhưng có cảm giác như tôi đã mất đi một phần não bộ.
Tôi đã quen với việc đánh máy trực tiếp các từ xuất hiện trong tâm trí mình (nghĩ từ nào đánh từ ấy). Bây giờ tôi không biết vị trí của bất cứ phím nào. Tôi phải “truy tìm” hầu hết các phím, kể cả những phím không thay đổi vị trí so với QWERTY. Thật nực cười!
Tôi nhìn thấy thứ gì đó trên màn hình, và các ngón tay của tôi di chuyển một cách vô thức, vì thế tôi đánh máy một cách vụng về, đồng nghĩa là sau đó tôi lại phải xóa đi. Phải mất tới vài giây tôi mới gõ được một từ đơn giản, và tôi lo là tôi đang làm mòn phím Delete.
Mỗi từ lại là một cuộc vật lộn mới. Tôi nhìn đồng hồ, và nhận ra mình đã mất tới vài phút chỉ để gõ được hai câu. Thậm chí, tôi còn chưa làm được một nửa. Tôi thực sự nghĩ tới việc bỏ cuộc, nhưng vẫn tiếp tục nhấn nút. Thời gian trôi qua, tôi gần như muốn bỏ cuộc ít nhất 10 lần.
Cuối cùng, mất khoảng 20 phút để tôi đánh được đoạn văn bản có 100 từ đó. Vậy thì tôi sẽ trả lời thư điện tử như thế nào đây? Tôi sẽ làm việc ra sao? Tôi có thể làm được gì hả trời?
Tôi là kẻ thù của chính mình
Đây là rào cản chính ngăn cản mọi người với việc học cách sử dụng một bàn phím được bố trí theo cách mới. Thay đổi về mặt kỹ thuật không là gì so với thay đổi về cảm xúc.
Khi bạn đã quen với một tốc độ cụ thể nào đó, hoặc khi dễ dàng hoàn thành một nhiệm vụ, thì bất cứ thứ gì cũng bớt đáng sợ hơn. Điều này đặc biệt đúng với đánh máy: Nếu bạn đã quen với việc đánh máy mà không phải tốn chút công sức nào, và đột nhiên lại phải tốn rất nhiều công sức, thì việc đánh máy sẽ trở thành một việc kinh khủng. Tệ hơn nữa là bạn sẽ có suy nghĩ nếu quay trở lại với cách bạn vẫn quen thì mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều.
Lúc này, bộ não chẳng giúp được gì cho chúng ta: Bộ não thường có xu hướng cho rằng những gì chúng ta đang phải trải qua cũng sẽ tiếp tục như thế trong tương lai. Lúc này, bộ não của chúng ta đang mê muội. Nếu tôi chỉ có thể gõ được năm từ trong một phút thì tôi không bao giờ có thể làm việc được nữa! Sự nghiệp của tôi sẽ tiêu tan! Gia đình tôi sẽ chết đói!
Tất nhiên là điều đó không đúng, nhưng nó lại có vẻ đúng ở hiện tại. Cảm giác đó mới chính là rào cản lớn nhất đối với việc học.
Tôi tắt máy tính và lấy ra một cuốn sổ ghi chép cùng cây bút. Tôi cần một kế hoạch để tăng tốc độ đánh máy khi sử dụng Colemak, và tôi cần nó ngay lập tức.
Vẽ lại bản đồ tư duy
Yêu cầu đầu tiên và cấp bách nhất của việc này là tôi không biết các phím mới được đặt ở đâu. Đúng là tôi có bảng tham khảo vị trí các phím đã được in ra, và các phím trên bàn phím được bố trí theo dạng bàn phím Colemak, nhưng bộ não của tôi lúc này lại không thể khớp được khao khát gõ chữ với chuyển động của ngón tay.
Giúp não vẽ bản đồ cách bố trí mới dưới dạng các chuyển động của ngón tay là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tôi cần phải càng thiết thực càng tốt.
May mắn là mọi người đã học cách gõ 10 ngón từ hàng thập kỷ nay, nên có rất nhiều công cụ hỗ trợ. Hướng dẫn cách đánh máy, như Mavis Beacon và Typing Trainer, đã có từ nhiều năm nay và cũng không đắt lắm.
Nhưng đáng tiếc là những chương trình này đều cho rằng bạn muốn học cách gõ 10 ngón bằng cách sử dụng bàn phím QWERTY, vì đó là lựa chọn an toàn nhất khi cho rằng những người sử dụng chương trình này muốn học cách sử dụng bàn phím tiêu chuẩn. Những chương trình này đều bắt đầu với các phím ở hàng phím cơ sở. Mà hàng phím cơ sở ở bàn phím QWERTY và Colemak hoàn toàn khác nhau, vì thế những tài liệu hướng dẫn về QWERTY chẳng giúp ích gì cho tôi.
May mắn là tôi có một “người dẫn đường”. Khi truy cập Hacker News trong lúc nghiên cứu chương trình, tôi đã tìm thấy một bài được đăng trên Keyzen, trang web huấn luyện đánh máy mã nguồn mở do Rye Terrell tạo ra. Terrell đã phát triển Keyzen để giúp những người lập trình học cách đánh máy nhanh hơn. Chương trình được chạy trong trình duyệt web tiêu chuẩn, và có những dấu câu không phổ biến như ngoặc đơn, ngoặc kép hay dấu gạch ngang: Những dấu người lập trình thường xuyên sử dụng nhưng hầu hết những người dạy cách đánh máy lại bỏ qua. Terrell đã tải lên trọn bộ mã nguồn của Keyzen trên GitHub, và kêu gọi những người lập trình khác sử dụng hoặc thay đổi bộ mã nguồn đó.
Chương trình đó rất đơn giản: Nó hiển thị bộ 17 ký tự, bắt đầu bằng các chữ cái trong hàng phím cơ sở. Nhiệm vụ của bạn là gõ các ký tự đó theo đúng thứ tự.
Khi bạn gõ, chương trình sẽ phát ra hiệu ứng âm thanh. Ký tự đúng sẽ phát ra tiếng tạch tạch như máy đánh chữ cổ điển, còn ký tự sai sẽ phát ra tiếng xoạch xoạch và biến ký tự đó thành màu đỏ.
Khi bạn hoàn thành một tập hợp (từ hoặc ký tự), chương trình sẽ cung cấp thêm một tập hợp mới. Nếu bạn gõ sai, chương trình sẽ tự động đưa ký tự đó vào tập hợp tiếp theo mà bạn cần gõ. Còn nếu bạn gõ đúng tất cả các ký tự của ba tập hợp trong một hàng, bạn sẽ nghe thấy một tiếng “ding!” khiến bạn thấy thỏa mãn, và điều đó có nghĩa là bạn đã nâng trình độ của mình lên một bậc. Khi đó, Keyzen sẽ giới thiệu tiếp một ký tự mới, và quá trình huấn luyện lại tiếp tục.
Thay đổi Keyzen
Theo mặc định, Keyzen, cũng như hầu hết các chương trình dạy đánh máy, đều hỗ trợ QWERTY. Tuy nhiên, vì chương trình là nguồn mở, nên tôi có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với việc học Colemak.
Quá trình học lập trình của tôi có đất phát huy tác dụng rồi đây.
Tôi sao chép đoạn mã nguồn của Keyzen, sau đó mở các tập tin của chương trình trên máy tính cá nhân. Bản thân chương trình rất đơn giản, nên rất dễ tìm ra phần chương trình kiểm soát ký tự nào sẽ được hiển thị, và cũng rất dễ để sắp xếp lại chúng theo bất cứ cách nào mà tôi muốn.
Chương trình gốc giới thiệu các ký tự trên hàng phím cơ sở của QWERTY trước tiên, bắt đầu với ngón trỏ, sau đó thêm các ký tự cho tới khi hàng phím cơ sở hết chỗ. Tiếp đến là hàng trên cùng, bắt đầu từ giữa bàn phím tới vùng ngoại biên, sau đó là hàng dưới cùng, cũng theo nguyên tắc như vậy.
Sử dụng Keyzen như một mô hình đào tạo, tôi đã chỉnh sửa chương trình để dùng bộ ký tự của Colemak. Kiểu phím vật lý vẫn giữ nguyên, nhưng tuần tự lúc này lại là dưới dạng Colemak chứ không phải QWERTY.
Khi tôi đóng chương trình, tôi đã có tài liệu hướng dẫn đánh máy bằng Colemak của riêng mình. Thành công rồi!
Kỹ năng vận động tinh
Tôi đã có tài liệu hướng dẫn đánh máy đầu tiên của mình, và mục tiêu đầu tiên của tôi rất đơn giản, chỉ là: Nhận biết vị trí của các phím trên bàn phím.
Tôi mở Keyzen và bắt đầu đánh máy (có nghĩa là chỗ trống)
nn_nn_n
n_nn_n_
nnn_nn_
tntt_tn
t_tntt_
tttttnt
Cách luyện tập này chẳng có gì thú vị, nhưng lại cần thiết. Bằng cách rèn luyện cách xác định vị trí của mỗi ký tự theo trật tự nửa-ngẫu nhiên, tôi đã giúp cho não bộ của mình biến việc nhìn thấy (hoặc nghĩ tới) một ký tự thành chuyển động tinh của các ngón tay.
Ngoài ra, Keyzen còn giúp tôi học rất hiệu quả theo một số cách. Trước tiên, Colemak được thiết kế để đặt những chữ cái thường được sử dụng nhiều nhất vào hàng phím cơ sở dưới các ngón tay khỏe nhất. Keyzen giới thiệu những chữ cái này trước tiên, nên tôi có thể thành thạo ARSTDHNEIO trước QWZXYM.
Khi tôi mắc bất cứ lỗi sai nào, Keyzen lại đưa ra đúng ký tự đó trong dãy ký tự luyện tập. Kết quả là tôi đã dành hầu hết thời gian luyện tập những ký tự mà tôi thấy khó. Đây là học theo kiểu lặp lại cách quãng. Cách học này khi kết hợp với những phản hồi ngay lập tức có thể giúp cho việc luyện tập trở nên cực kỳ hiệu quả.
Tôi đã xây dựng lịch trình làm việc: Ít nhất là hai phiên, mỗi phiên 20 phút, giữa hai phiên có thời gian nghỉ giải lao ngắn vào cuối ngày, trước khi đi ngủ.
Bỏ thói quen nhìn bàn phím
Lúc này tôi đã có bảy tiếng luyện tập làm vốn giắt lưng, tương đương với 45 phút mỗi tối. Tôi sẽ hoàn thành được toàn bộ bài luyện tập Keyzen không mấy khó khăn. Tôi vẫn gõ sai, nhưng những lỗi sai này càng lúc càng ít xuất hiện. Khi tôi làm lại bài kiểm tra tốc độ đánh máy, kết quả của tôi đã tốt hơn rất nhiều: 20 từ/phút.
Trong ngày, tôi còn nhận được thêm các bài tập bổ sung dưới dạng các bức thư điện tử quan trọng cần phải trả lời gấp. Khi ngồi xuống đánh máy, tôi không còn thấy kinh khủng nữa. Tôi gõ chậm, nhưng có thể từ từ tiến bộ. Thế là tốt lắm rồi!
Tuy nhiên, tôi nhận thấy mình rất hay nhìn bàn phím. Nhớ vị trí chính xác của các phím trên bàn phím rất hữu ích cho việc gõ những chuỗi ký tự kỳ quặc, ví dụ như mật khẩu, nhưng đó cũng là một bất lợi: Bất cứ khi nào tôi cảm thấy không chắc chắn, tôi lại nhìn xuống. Nếu tôi muốn gõ nhanh bằng 10 ngón, tôi cần phải bỏ thói quen đó càng nhanh càng tốt, nhưng việc đó thật khó thực hiện, vì nhìn xuống bàn phím là việc tốn rất ít công sức.
Bàn phím Das
Để bỏ thói quen xấu là cứ nhìn chăm chăm vào bàn phím, tôi đã quyết định sử dụng một công cụ mới: bàn phím hoàn toàn trống không.
Bàn phím Das là bàn phím “bá đạo” nhất mà bạn có thể tìm thấy. “Model S bản cuối” không có bất cứ ký hiệu gì trên bàn phím. Nếu bạn không thể gõ mà không nhìn bàn phím thì bạn không thể sử dụng được bàn phím Das. Thật thú vị khi nhìn thấy phản ứng của mọi người khi trông thấy bàn phím này: Ngay cả những người đánh máy lão luyện cũng thấy hốt hoảng.
Tôi cắm bàn phím Das vào, và dùng một tờ giấy để che bàn phím máy tính xách tay của tôi lại, để tôi không thể nhìn thấy bất cứ phím nào. Cảm giác tương tự như khi tôi chuyển sang Colemak lần đầu tiên: Tôi thấy bối rối và hốt hoảng, nhưng chỉ trong một lúc thôi. Những kỹ năng chuyển động mà tôi đã học được trong bảy tiếng luyện tập đã phát huy tác dụng, và tôi nhận thấy mình có thể gõ khá tốt. Bất cứ khi nào tôi quên một chữ cái nào đó, tôi lại mất vài giây để tìm nó bằng cách thử và sai, nhưng cuối cùng tôi cũng gõ được.
Khi không thể nhìn vào bàn phím, tôi chỉ còn biết tập trung vào màn hình. Bàn phím Das đã hoàn thành trọng trách của nó. Bằng cách đổi bàn phím, tôi đã tự động thay đổi được hành vi của mình.
Cùng với bàn phím Das, tôi đã đổi cả phương pháp tập luyện của mình. Gõ phím bất kỳ đã trở nên lỗi thời, vì thế tôi chuyển sang một chương trình có tên là Type Fu. Ngoài các ký hiệu và các từ ngẫu nhiên, Type Fu còn có một kho những câu thành ngữ và các trích dẫn, giúp cho việc luyện tập trở nên thú vị hơn. Chương trình cũng ghi lại những ký tự mà bạn bỏ lỡ nhiều nhất. Việc này rất có ích. Lúc này, tôi thấy J, U, V và B là khó gõ nhất.
Mỗi tối, tôi lại luyện tập khoảng 45 phút. Sau khoảng 14 tiếng luyện tập cẩn thận, lúc này tôi đã có thể đánh máy với tốc độ 40 từ/phút.
Với tốc độ này, tôi đã có thể sử dụng thư điện tử và lướt web gần như bình thường. Thậm chí tôi còn có thể đánh máy một đề án dài năm trang giấy mà không quá khó khăn. Việc đó khiến tôi mất nhiều thời gian hơn bình thường, nhưng hoàn toàn không phải việc khó chịu nhất mà tôi từng làm.
Chú tâm luyện tập và luyện tập thêm
Vì tôi có thể làm việc được, nên tôi muốn kiểm tra giả thuyết: Chú tâm luyện tập quan trọng như thế nào?
Hiện tại, tôi đang chuyên tâm luyện tập, vì tôi tập trung vào nhiệm vụ và làm việc tích cực để tiến bộ. Còn những lần đánh máy trong ngày là luyện tập thêm: Bất cứ khi nào tôi viết một bức thư hay một bài luận, tôi lại đánh máy bằng Colemak, dù tôi tập trung tới nội dung của đoạn văn bản hơn là kỹ thuật đánh máy.
Tôi tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu không chuyên tâm luyện tập một thời gian, mà chỉ soạn thảo thư điện tử hoặc lướt web thôi? Tôi đã đi được 2/3 quãng đường để đạt tới mức độ thành thạo mục tiêu (60 từ/phút) chỉ sau 14 tiếng chuyên tâm luyện tập. Liệu luyện tập thêm có thể giúp tôi đi hết đoạn đường còn lại mà không cần phải nỗ lực tập trung không?
Tôi đã quyết định làm một thí nghiệm: Tôi sẽ tạm thời dừng việc luyện tập chuyên tâm trong 30 ngày, và xem chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi sẽ tiếp tục đánh máy một cách bình thường với Colemak mà không chuyển về QWERTY. Với khoảng thời gian đó tôi có thể luyện tập thêm để đạt được tốc độ 60 từ/phút, đúng không?
Sau 30 ngày, tôi lại làm bài kiểm tra tốc độ. Bạn có muốn đoán tốc độ đánh máy của tôi không?
40 từ/phút. Không có một chút tiến bộ nào.
Dù tôi cũng hay đánh máy, nhưng tôi lại không chủ động tập trung vào việc cải thiện kỹ năng của mình. Như vậy là luyện tập thêm không đủ để tiến bộ.
Nếu bạn muốn cải thiện một kỹ năng, bạn cần chuyên tâm luyện tập, ít nhất là trong giai đoạn đầu của quá trình học kỹ năng đó. Đó là bài học tôi đã rút ra được.
Cảm tưởng từ 60 từ/phút
Tôi rất thích đánh máy bằng Colemak. Tôi không còn thấy khó chịu nữa. Thay vào đó, tôi tự hỏi không hiểu làm thế nào tôi có thể xoay sở với QWERTY lâu như vậy được.
Gõ trên QWERTY có cảm giác như tay bạn phải bay khắp bàn phím: Rất nhiều chuyển động tay, theo mọi hướng. Cách bố trí không hề logic một chút nào: Các ký tự bạn thường xuyên sử dụng lại được đặt ở những chỗ khó với tới nhất trên bàn phím.
Ngược lại, Colemak cho bạn cảm giác bạn đang xoay nhẹ các ngón tay để các từ xuất hiện trên màn hình. Bàn tay của bạn rõ ràng là di chuyển ít hơn, và bạn tốn ít thời gian hơn để với tới các ký tự ở hàng trên cùng và dưới cùng. Đó là sự thay đổi tuyệt vời so với QWERTY, và tôi không thể tưởng tượng là có thể quay lại dùng QWERTY như thế nào.
Tóm lược lại phương pháp
Hãy cùng tóm lược lại những điểm cốt lõi của phương pháp mà tôi đã sử dụng để học cách gõ bằng 10 ngón:
Tôi đã học cách đổi bàn phím của mình sang định dạng Colemak.
Tôi đã tạo ra một vòng phản hồi nhanh bằng cách sắp xếp lại các phím thật trên bàn phím. Nếu tôi quên ký tự đó được xếp ở đâu, tôi có thể tìm thấy dễ dàng.
Tôi đã sử dụng chương trình dạy đánh máy Keyzen để học cách nhớ vị trí các ký tự, học những ký tự được sử dụng nhiều nhất trước. Keyzen đưa các ký tự mà tôi đánh sai vào bộ ký tự luyện tập tiếp theo, vì thế tôi đã dành hầu hết thời gian để luyện tập những ký tự khó cho tới khi độ chính xác của tôi được cải thiện.
Tôi đã luyện tập 45 phút mỗi tối, ngay trước lúc đi ngủ, để não của tôi có thể củng cố những kỹ năng chuyển động vào trí nhớ dài hạn một cách hiệu quả nhất.
Khi đã đạt được tốc độ đủ để làm việc (20 từ/phút), tôi chuyển sang chương trình Type Fu, tập trung vào gõ câu càng nhanh càng tốt, với độ chính xác là 99%.
Từ đây tôi sẽ đi đâu tiếp?
Giờ tôi đã có thể đánh được 60 từ/phút trên Colemak, tôi không cần phải tiếp tục luyện tập để tăng tốc độ nữa. Với vận tốc này, tôi có thể viết nhanh như tôi muốn. Vì tốc độ đánh máy không còn là yếu tố hạn chế trong công việc của tôi nữa, nên luyện tập để tăng tốc độ đánh máy không còn là ưu tiên lớn nhất của tôi.
Tốc độ đánh máy cũng chính là một kỹ năng. Một số người đánh máy nhanh nhất trên thế giới có thể đạt tốc độ trên 180 từ/ phút với bàn phím bình thường, nhưng tiến bộ trong tốc độ kiểm tra không nhất thiết phải đồng nghĩa với tốc độ viết hoặc mã hóa. Những bài kiểm tra tốc độ này thường yêu cầu bạn đánh máy những gì bạn nhìn thấy trên màn hình, vì thế kỹ năng quan trọng mà những người đánh máy nhanh phải luyện tập là phải đọc trước đoạn văn bản, và giữ nó trong trí nhớ ngắn hạn đủ lâu để các ngón tay có thể gõ lại được.
Tôi cũng thích có thể viết một bài văn hoàn thiện với tốc độ trên 180 từ/phút, nhưng như thế có nghĩa là còn hơn cả người đánh máy có tốc độ nhanh nhất. Đánh máy sẽ khó hơn và chậm hơn khi bạn phải tạo ra những thứ mà bạn sẽ đưa vào trang giấy.
Điều khiến tôi thấy ngạc nhiên nhất với việc học Colemak là thật dễ dàng khi tôi đã có 20 năm kinh nghiệm gõ 10 ngón bằng QWERTY. Tôi đã nghĩ rằng cần phải tốn hơn 20 tiếng để thay thế hai thập kỷ của ký ức cơ bắp(2). Tôi đã sai.
Não của chúng ta dễ thay đổi hơn chúng ta nghĩ.