20 Giờ Đầu Tiên

CỜ VÂY

 CỜ VÂY

 

BÀI HỌC: HÃY KHÁM PHÁ, SAU ĐÓ QUYẾT ĐỊNH

Cờ vây sử dụng những nguyên liệu và khái niệm cơ bản như: đường thẳng và đường tròn, gỗ và đá, trắng và đen, kết hợp những điều đó bằng các nguyên tắc đơn giản để tạo ra những chiến lược tinh tế và chiến thuật phức tạp kích thích trí tưởng tượng.

−IWAMOTO KAORU, kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp 9 đẳng

▪ ▪ ▪

Tôi là một thanh gươm trong bóng tối, là một anh lính gác thành.

Ban đêm trời lạnh, tuyết đang rơi. Phía sau tôi, ánh đuốc bập bùng soi rọi đồng bào tôi. Chúng tôi đứng trên chiến lũy của lâu đài, quan sát. Chờ đợi.

Ở đầu kia của cây cầu dẫn vào lâu đài, người chỉ huy của quân thù đang tức giận hô hào chuẩn bị máy bắn đá để tấn công. Binh lính, trộm cướp và cả những người lang thang đều đang chuẩn bị vũ khí giết người. Thầy đồng đang triệu hồn những sinh vật quái dị. Súng cối và máy bắn lửa – những vũ khí được thiết kế để đập tan cánh cổng của chúng tôi – đã được chuẩn bị.

Lũ người này định cướp tài sản quý giá nhất trong vương quốc của tôi: Quả cầu phát sáng đầy sức mạnh. Họ sẽ không lấy được nó. Không phải trong phiên gác của tôi.

Tất cả chúng tôi đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Cả hai bên chỗ tôi đang đứng, binh lính đều đang bố trí máy bắn đá và bắn tên, sẵn sàng trút cơn mưa đá, mưa tên xuống đội quân xâm lược. Giữa những tuyến phòng ngự là máy bắn lửa đã sẵn sàng nhằm thẳng quân thù. Đội quân bảo vệ và các thầy pháp đã làm phép và khiên phản chiếu quanh vành đai, giúp bảo vệ chúng tôi khỏi tên bay và bùa chú, ít nhất cũng được một thời gian.

Chúng tôi chờ. Tuyết rơi và ánh lửa từ ngọn đuốc bập bùng, nhảy múa trên bộ áo giáp sắt sáng bóng của tôi.

Chúng tôi sẽ không gục ngã. Chúng tôi sẽ không chùn bước. Chúng tôi sẽ chiến đấu. Và chúng tôi sẽ chiến thắng.

Ngoài kia, trong bóng đêm, một tảng đá khổng lồ xuất hiện, bay trên đầu kẻ thù. Tảng đá lao thẳng vào cánh cổng tòa lâu đài, và phá hủy hoàn toàn, làm vỡ vụn lớp gỗ gia cố.

Kẻ thù kêu la, sau đó tràn qua cầu.

Ngay lập tức, gươm và khiên của tôi vung lên. Đá bay tới tấp, mang theo sức mạnh và cơn thịnh nộ của tất cả các chiến binh.

“VÌ CÔNG LÝ!”

Hạ vũ khí xuống, tôi không có ý định làm hại bạn

Chỉ huy một đội quân tiến hành một cuộc vây hãm quy mô lớn là một cách tiêu khiển thú vị vào tối thứ Bảy.

Tôi không phải người thích xem tivi, phim ảnh hay thể thao. Thay vào đó, bạn sẽ thấy tôi chơi những trò chơi video như World of Warcraft hay Guild Wars 2 một tiếng, thậm chí hai tiếng đồng hồ.

Tôi thích trò chơi, đặc biệt là những thử thách liên quan tới việc giải lời nguyền, chiến đấu với quái vật và đánh lừa đối phương.

Thế hệ của tôi là thế hệ đầu tiên lớn lên với những trò chơi trên máy tính và video. Bắt đầu với những trò như Atari hay Nintento, trò chơi càng lúc càng trở nên chi tiết và phức tạp hơn. Hiện nay, thật khó có thể đánh rồng trên internet và chiến đấu với những người chơi khác khi họ có đồng minh ở khắp nơi trên thế giới.

Một trong những lý do khiến tôi thấy hứng thú với trò chơi là vì cần phải có một số kỹ năng để có thể chơi giỏi được. Bất kỳ ai cũng có thể tạo ra một nhân vật, nhưng để có thể tham gia chiến đấu và giành được chiến thắng thì bạn cần phải biết bạn đang làm gì.

Có rất nhiều thứ cần phải học. Khả năng nào có thể gây sát thương cao nhất, hoặc có thể bảo vệ bạn khỏi nguy hiểm? Quái thú của kẻ thù có thể làm gì? Chiến lược nào là tốt nhất khi chiến đấu với những người chơi thực khác?

Càng chơi nhiều, tôi càng chơi tốt hơn. Đó chính là lý do tại sao trò chơi lại thú vị.

Xét về lịch sử, trò chơi video rất mới. Tuy nhiên, những trò chơi về kỹ năng và may rủi lại là một phần trải nghiệm của con người từ hàng nghìn năm nay.

Trò chơi bàn cờ chiến thuật cổ nhất thế giới

Cách đây một thời gian, tôi tình cờ biết tới một trò chơi thú vị. So với những trò tôi vẫn đang chơi, trò chơi này rất tĩnh lặng, trầm mặc. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ ngoài đó là cả một sự kịch tính. Bàn cờ là bản đồ của một cuộc chiến vĩ đại, và người chơi là những vị tướng, đánh nhau để giành quyền tối cao.

Cờ vây là trò chơi cổ nhất trên thế giới, vẫn được chơi theo dạng thức nguyên thủy. Dựa trên những ghi chép lịch sử, cờ vây bắt nguồn từ thời Trung Quốc cổ đại, và đã tồn tại theo nguyên tắc chơi hiện nay ít nhất là 3.000 năm. Thậm chí, có một số nhà sử học còn ước tính con số đó là 4.000 năm. Nếu số năm được coi là một chỉ số đánh giá chất lượng thì cờ vây rất có chất lượng.

Tên tiếng Trung của cờ vây là weiqi. Wei có nghĩa là “bao vây”, và qi có nghĩa là “trò chơi bàn cờ”. Ghép lại, hai chữ này trở thành weiqi có nghĩa là “trò chơi bao vây”. Đó là cách miêu tả thú vị và đơn giản về điều kiện để giành được phần thắng trong trò chơi: bao vây đối thủ.

Chiến thuật

Ở phương Tây, cờ vua là một trò chơi chiến thuật trên bàn cờ phổ biến nhất, do đó, chúng ta có thể sử dụng cờ vua để so sánh. Nhìn qua, hai trò chơi này có nhiều điểm tương đồng.

Mỗi trò chơi đều có hai người chơi, một chơi quân đen và một chơi quân trắng. Trò chơi diễn ra trên một bàn cờ. Quân đen đi trước. Hai người chơi lần lượt di chuyển cho tới khi trò chơi kết thúc. Bạn có thể coi trò chơi như một cuộc đấu quân sự, hai người chơi là hai vị tướng ở hai chiến tuyến.

Đó là điểm giống nhau cuối cùng.

Cờ vua được chơi trên bàn cờ có 64 ô, mỗi cạnh 8 ô. Mỗi quân cờ đứng ở một ô. Bàn cờ mô phỏng một chiến trường và các quân cờ là những người lính.

Dưới đây là hình bàn cờ vua khi mới bắt đầu trò chơi:

 

Ngược lại, cờ vây được chơi trên bàn cờ có 19 ô theo chiều ngang và 19 ô theo chiều dọc. Các quân cờ (các viên đá đen và trắng) được đặt trên giao điểm của các đường thẳng, không phải được đặt trong các ô. Chính vì thế, có 360 giao điểm trên bàn cờ vây, gấp 5.625 lần so với bàn cờ vua.

Dưới đây là hình bàn cờ vây khi mới bắt đầu trò chơi:

Bạn có nhận thấy sự khác biệt không? Bàn cờ vây không chỉ lớn hơn, mà còn không có quân cờ nào trên bàn cờ khi mới bắt đầu. Trong cờ vây, quân cờ thường được thêm vào trong quá trình chơi. Còn trong cờ vua, các quân cờ bị nhấc ra khi chúng bị ăn.

 

Hãy chú ý là bàn cờ có hình vuông. Những chấm nhỏ trên bàn cờ (được gọi là “điểm sao”) là những điểm đối xứng. Những điểm này rất quan trọng, và chúng ta sẽ nói về chúng sau.

Trong cờ vua, có sáu loại quân khác nhau, mỗi loại lại có quy tắc và khả năng riêng. Tốt chỉ đi thẳng, trừ khi di chuyển để bắt quân cờ khác. Tượng có thể đi chéo, nhưng không thể đi ngang hoặc dọc. Xe có thể đi ngang hoặc dọc, nhưng không đi chéo. Mã có thể nhảy qua quân cờ khác, nhưng chỉ có thể di chuyển hai ô theo chiều ngang và một ô theo chiều dọc, hoặc hai ô theo chiều dọc và một ô theo chiều ngang. Hậu có thể đi dọc, ngang, chéo, nhưng không thể nhảy qua quân cờ khác. Vua có thể di chuyển theo bất cứ hướng nào, nhưng chỉ có thể di chuyển một ô mỗi lần, trừ khi nó nhảy qua quân xe bằng cách sử dụng một nước cờ đặc biệt gọi là “nhập thành”. Có rất nhiều thứ cần phải nhớ.

So sánh có thể thấy, mỗi thế cờ vây cũng như vậy: quân cờ được đặt vào một giao điểm. Trừ khi quân cờ bị “ăn” sau đó trong lúc chơi, quân cờ còn nằm trên bàn cờ là quân cờ còn được đi.

Các quân cờ trong cờ vua bị các quân cờ của đối phương “ăn”, giống như một cuộc đấu tay đôi trên chiến trường vậy. Quân xe dùng một cây gậy lớn đập vào đầu quân tượng, và tượng phải rời cuộc chơi.

Quân cờ trong cờ vây bị “ăn” khi bao xung quanh nó là các quân cờ của đối thủ. Khi quân cờ màu Đen bị bao vây mọi phía bởi các quân cờ màu Trắng, thì quân cờ màu Đen phải đầu hàng và bị bắt làm con tin.

Các ván cờ vua chuyên nghiệp thường phải di chuyển từ 30 đến 40 bước. Còn trong cờ vây, 30 nước đầu mới chỉ được coi là mở đầu, ván cờ kết thúc sau khoảng 100 nước đi. Một ván cờ vây thường kết thúc thực sự sau 250 nước đi.

Nói tóm lại, quy mô cờ vây lớn hơn của cờ vua rất nhiều. Nếu mỗi ván cờ là một cuộc chiến, thì bàn cờ chính là bản đồ chiến sự.

Vậy chính xác thì chơi cờ vây như thế nào? Chúng ta hãy cùng đào sâu tìm hiểu.

Nguyên tắc chơi

Dù bạn tin hay không thì cờ vây cũng chỉ có bảy nguyên tắc lớn, và chúng ta vừa mới đề cập tới hai trong số bảy nguyên tắc đó:

1. Các quân cờ được đặt trên các giao điểm.

2. Người chơi quân Đen và quân Trắng lần lượt đặt quân cờ trên bàn cờ.

Năm nguyên tắc xác định diễn biến của trận đấu và điều kiện thắng là:

3. Quân cờ bị “ăn” khi bị quân cờ của địch thủ bao vây mọi phía.

4. Không được phép chơi một quân cờ vừa mới bị bắt (“tự tử”).

5. Không được phép lặp đi lặp lại lượt đi trong một vòng vô tận trên bàn cờ.

6. Trò chơi kết thúc khi người chơi hết quân cờ, một người thua hoặc cả hai người cùng bỏ lượt (pass).

7. Người chiếm nhiều ô trên bàn cờ nhất vào cuối ván cờ là người thắng.

Trong khi thi đấu, sẽ có thêm một số nguyên tắc được đưa thêm vào để loại bỏ những điều còn mơ hồ (ví dụ như “điều gì tạo thành một vòng lặp?”), xác định phương pháp tính điểm và tránh trường hợp hòa điểm. Còn không, đó là toàn bộ nguyên tắc.

Khá đơn giản, đúng không?

Học nguyên tắc của cờ vây rất đơn giản, chỉ mất vài phút. Bản thân các nguyên tắc không phức tạp chút nào.

Tuy nhiên, có một câu ngạn ngữ cổ nói về cờ vây là “vi kỳ dị học nan tinh” (học chỉ mất một khắc, nhưng để giỏi được phải mất cả đời, hay cờ vây dễ học khó giỏi). Kết hợp các nguyên tắc đơn giản này với bàn cờ đơn giản và các quân cờ đơn giản, bạn lại nhận được một sự phức tạp đến mức muốn nổ tung đầu.

Quy mô của vũ trụ

Cờ vua chỉ hạn chế cho nhân loại sống trên trái đất, trong khi cờ vây vượt khỏi thế giới này. Nếu một hành tinh nào có những sinh vật biết lý luận thì ở đó họ phải biết đánh cờ vây.

―EDWARD LASKER, kiện tướng cờ vua và tác giả của cuốn Goand Go-Moku

Giả sử chúng ta muốn tạo ra một chương trình máy tính chơi cờ vây rất giỏi, kiểu như Deep Blue, chương trình trí tuệ nhân tạo nổi tiếng đã đánh bại Garry Kasparov, kỳ thủ đoạt chức vô địch thế giới năm 1996.

Thông thường, máy tính đánh lừa người chơi thông qua sức mạnh tính toán siêu việt: Chúng có thể tính toán được tất cả các khả năng di chuyển hợp lý có thể xảy ra trên bàn cờ, sau đó chọn nước cờ có khả năng thành công cao nhất theo tính toán, dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ về những ván cờ trước đó.

Trên bàn cờ vua, kiểu tính toán này không phải là dễ, nhưng cũng không phải là không thể. Có 64 ô, và sự di chuyển của mỗi quân cờ bị ràng buộc bởi những nguyên tắc nhất định. Vì mỗi quân cờ chỉ có thể di chuyển theo những cách nhất định, nên chương trình chỉ cần xem xét một nhóm lựa chọn nho nhỏ.

Trong cờ vây, người chơi có thể đặt quân cờ vào bất kỳ giao điểm nào trên bàn cờ. Ván cờ bắt đầu với 360 khả năng lựa chọn, vì thế ngay từ ban đầu, chương trình trí thông minh nhân tạo còn non nớt của chúng ta đã có rất nhiều thứ để phân tích rồi.

Dưới đây là kết quả:

360 ∗ 359 ∗ 358 ∗ 357 ∗ 356 = 5.880.282.488.640

Vậy là có tới hơn 5 nghìn tỉ khả năng có thể xảy ra, và đó mới chỉ là 5 nước đi đầu tiên.

Tính toán phải nhanh kinh khủng. Bạn có nhớ tôi đã từng nói, thường thì một ván cờ vây sẽ kéo dài trong khoảng 250 nước cờ không? Tùy thuộc vào nhận định của bạn, có khoảng 2,08 lần 10170 cách di chuyển quân cờ hợp lý trên bàn cờ vây có kích thước 19 x 19 ô.

Nếu phép toán đó là đúng thì có nhiều ván cờ vây hơn cả hạt nguyên tử trong vũ trụ.

Theo tính toán về mặt toán học, mỗi một ván cờ vây từng được chơi là một ván cờ vây chưa từng được chơi trước đó trong lịch sử, ngay cả khi bạn sẵn sàng tin vào khả năng có hàng tỉ nền văn minh tiên tiến ngoài vũ trụ cũng biết chơi cờ vây.

Trong thời đại công nghệ hiện nay, ngay cả một chiếc máy tính hiện đại nhất với những thuật toán tốt nhất cũng phải mất khoảng 400 năm để tính toán được một nước đi tối ưu, đấy là với giả định máy tính hoàn thành một phép tính chỉ trong vài phần nghìn giây.

Não = nổ tung. Trò chơi này lớn quá.

Vậy thì kỳ thủ (và máy tính) chơi cờ vây như thế nào?

Nếu người chơi phụ thuộc vào phân tích giải toán để chơi cờ vây, họ sẽ phát điên lên. Nhưng những kỳ thủ có kinh nghiệm lại không hề hóa điên, vì họ có thể xác định được những nước cờ tốt nhất trên bàn cờ chỉ trong vòng vài giây. Làm sao họ làm được điều đó?

Người chơi cờ vây căn cứ vào việc nhận dạng kiểu để xác định các nước cờ có giá trị cao. Người chơi sử dụng rất nhiều từ kích thích trực giác như “hướng” và sáng kiến. Những kỳ thủ cờ vây giỏi nhất có vẻ phụ thuộc nhiều vào hình học, thẩm mỹ và cảm xúc khi tiến hành phân tích và suy luận logic.

Điều đó có nghĩa: Não người không phải được sinh ra để ngấu nghiến những con số trong giải thuật, nhưng lại rất giỏi trong việc nhận dạng kiểu. Bằng cách nhận dạng các kiểu đi của các quân cờ trên bàn cờ, cũng như kiểu mà các quân cờ thể hiện, những người chơi cờ vây kỳ cựu có thể đọc vị được tình huống hiện tại, sau đó tìm ra nước đi tốt nhất. Tất cả những việc đó không mất đến 400 năm.

Thậm chí, ấn tượng hơn, những người chơi cờ vây giỏi nhất còn có thể đoán trước được các quân cờ sẽ được sắp xếp như thế nào trong tương lai, thường là trong khoảng 30 đến 40 nước đi. Nếu bạn chơi cờ với một người chuyên nghiệp, có thể bạn sẽ cảm thấy anh ta/cô ta đang đọc được tâm trí của bạn vậy.

Sử dụng cảm giác của bạn...

Cờ vây đòi hỏi phải có chiến thuật của người lính, có sự chính xác của nhà toán học, có trí tưởng tượng của người họa sĩ, có cảm hứng của nhà thơ, có sự trầm tĩnh của triết gia và có trí thông minh tuyệt đỉnh.

―ZHANG YUNQI, trích từ một tài liệu nội bộ của Học viện cờ vây Trung Quốc, 1991

Một trong những bài báo đầu tiên tôi đọc về cờ vây đã đưa ra một lập luận khá thú vị: chơi cờ thực ra không phải là tranh đấu hoặc chế ngự đối thủ. Chơi cờ là làm chủ bản thân.

Trò chơi may rủi đã có từ những buổi đầu của nền văn minh nhân loại. Khi bạn đổ xúc xắc, thần may mắn sẽ quyết định ai là người thắng. Kỹ năng không phải là yếu tố quyết định.

Ngược lại, những trò chơi kỹ năng thường tập trung vào việc đánh lừa hoặc chơi tốt hơn người kia. Ai bộc lộ năng khiếu và kiểm soát tốt nhất? Ai có thể tìm thấy những cơ hội lớn trước tiên? Ai giỏi phát hiện điểm yếu của đối phương hơn? Cờ vua thuộc nhóm này: Giỏi đồng nghĩa với việc phải thành thạo các thủ thuật và đọc vị được đối thủ.

Xét về khía cạnh này, cờ vây là một trò chơi độc nhất vô nhị: Chấp quân là một cách được lập sẵn với chủ ý làm yếu những kỳ thủ mạnh. Nếu đối thủ của bạn bắt đầu ván cờ với một vài quân trên bàn cờ ở những vị trí chiến lược chính, thì điều đó có ảnh hưởng nghiêm trọng tới cách bạn chơi. Dưới đây là vị trí có thể được đặt của những quân cờ chấp:

 

Trong một ván cờ vây được chấp quân theo đúng chuẩn giữa hai người chơi ngang sức ngang tài, mỗi người chơi có thể giành chiến thắng sau khoảng nửa ván đấu. Nếu một người lấn át người kia, thì trong ván cờ tiếp theo, người thua sẽ bắt đầu với một hoặc hai quân cờ bổ sung trên bàn cờ.

Chính vì đặc điểm chấp quân này mà bạn có thể nghĩ cờ vây là trò chơi bạn đấu lại chính mình. Chính xác, bạn đưa ra lựa chọn dựa trên những bước đi của đối thủ, nhưng thắng trận đấu không phải là mục tiêu duy nhất.

Khi kỹ năng của bạn phát triển hơn, số lượng quân cờ chấp mà bạn cần sẽ giảm đi. Khi bạn chơi với những đối thủ mạnh, bạn có thể đấu ngang ngửa với họ. Và cuối cùng, bạn thậm chí còn có thể chấp quân cho những đối thủ yếu hơn.

Lịch sử cờ vây đã chứng minh vai trò làm chủ bản thân đối với trò chơi này: Muốn chơi giỏi phải làm chủ được suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Những người giỏi có thể học cách nhìn các dấu hiệu của quân cờ để biết được trạng thái tinh thần và tình cảm của đối thủ.

Theo truyện được kể lại, những cao cờ thời xưa có thể đọc kỳ phổ và nhận ra khi nào người chơi tức giận, bối rối, ghen tị hay tham lam, cũng như xác định được chính xác thời điểm “người hầu bước vào để rót trà”.

Quân cờ Ninja

Qua nhiều thế kỷ, hệ thống chấp quân của cờ vây đã phát triển thành hệ thống xếp loại: Sự khác biệt về thứ hạng được quyết định bởi số lượng quân cờ mà người chơi được đánh giá là kém hơn có thể đặt trên bàn cờ khi bắt đầu ván cờ.

Tin hay không tùy bạn, nhưng hệ thống đánh giá bằng “đai” trong võ thuật bắt nguồn từ cách xếp hạng của cờ vây. Khi kỹ năng của kỳ thủ phát triển hơn, anh ta sẽ tăng được thứ hạng của mình.

Những người mới bắt đầu thường được xếp ở cấp 35 (tương tự như đai trắng). Khi người chơi mạnh hơn, thứ hạng của anh ta sẽ giảm dần cho tới khi đạt cấp 1 (cấp 1 là cấp cao nhất).

Cấp cao hơn cấp 1 là 1 đẳng, tương đương với đai đen. Từ đây, thứ hạng tăng dần cho tới khi kỳ thủ đạt 9 đẳng, thứ hạng chính thức cao nhất, còn 10 đẳng chỉ là danh hiệu vinh danh người giành chiến thắng trong giải đấu quốc tế.

Có nhiều cách để xác định được thứ hạng của kỳ thủ cờ vây. Cách đầu tiên là thông qua thi đấu: Nếu một người có thể thắng hầu hết các trận đấu với những kỳ thủ cấp 12, nhưng lại thua hầu hết các trận đấu với các kỳ thủ cấp 8 thì người đó có lẽ chỉ đạt cấp 10. Kỳ thủ càng tham gia nhiều trận đấu xếp hạng thì thứ hạng của kỳ thủ đó càng chính xác.

Còn một cách khác để đánh giá, xếp hạng kỳ thủ, đó là hoàn thiện thế cờ vây: Sắp xếp bàn cờ thể hiện một tình huống nào đó, và yêu cầu kỳ thủ quyết định nước cờ tiếp theo để đạt được một kết quả cụ thể ví dụ như “bắt nhóm quân đen” hay “cứu quân trắng”. Khi kỳ thủ tăng thứ hạng, khả năng giải quyết vấn đề một cách chính xác của kỳ thủ đó cũng được nâng lên.

Vì cờ vây đã có từ rất lâu, nên có cả một kho tàng đồ sộ về các thế cờ vây để nghiên cứu. Những thế cờ này được sắp xếp theo độ khó: Kỳ thủ cấp 20 sẽ phải vật lộn với những thế cờ cấp 10, trong khi kỳ thủ 1 đẳng lại thấy những thế cờ cấp 10 thật đơn giản và dễ dàng. Chính vì có những thế cờ xếp hạng này mà cờ vây trở thành trò chơi bạn có thể học trong lúc chơi. Hoàn thiện các thế cờ trong những cuốn sách này là cách hay để tự mình luyện tập kỹ năng chơi cờ vây, cũng như ước lượng được khả năng của bạn.

Tôi đã sẵn sàng để bắt đầu. Tôi cần phải luyện tập gì đây?

Khởi động

Thật khó để chơi cờ vây nếu không có bàn cờ và quân cờ, vì thế tôi đã mua một bộ cờ vây của Yellow Mountain Imports, công ty phân phối sản phẩm cờ vây nhập từ các nước trên thế giới tại Mỹ.

Bàn cờ và quân cờ vây khác nhau rất nhiều về giá cả và chất lượng. Bạn có thể mua được một bàn cờ với các quân cờ bằng nhựa đơn giản với giá vài đô la, vì thế có thể dễ dàng chuẩn bị được một bộ “trang thiết bị cơ bản” để bắt tay vào thực hành.

Ngược lại, những bàn cờ chất lượng cao cấp được làm bằng gỗ gụ, loại vật liệu truyền thống vẫn được sử dụng ở Nhật Bản, được bán với giá hàng chục nghìn đô la. Cũng như vậy, bạn có thể mua những quân cờ được làm bằng đá và vỏ trai thật, nhưng sẽ phải tốn kha khá đấy.

Sau khi nghiên cứu, tôi đã chọn bàn cờ bằng gỗ vân sam (thường có màu trắng) và bộ quân cờ Yunzi, do công ty cùng tên ở Trung Quốc sản xuất. Công ty xem thành phần của các quân cờ như một bí mật kinh doanh: Quân cờ có cảm giác cứng và mịn, tạo ra âm thanh dễ nghe khi bạn đặt chúng lên bàn cờ, và giá cả lại phải chăng. Đi kèm với các quân cờ là những chiếc bát gỗ truyền thống. Những chiếc bát này được đặt bên cạnh bàn cờ trong suốt quá trình chơi.

Ngoài việc mua bàn cờ và quân cờ, tôi còn chọn thêm một số cuốn sách về cờ vây dành cho người mới bắt đầu, trong đó có:

Cờ vây: Giới thiệu về trò chơi, tác giả Cho Chikun (2010)

Cuốn sách thứ hai về cờ vây: Điều bạn cần biết sau khi đã học được các nguyên tắc chơi, tác giả Richard Bozulich (1998)

Làm cách nào để không chơi cờ vây, tác giả Yuan Zhou (2009)

Những bài học cơ bản về cờ vây, tác giả Toshiro Kageyama (1996)

Nguyên lý khai cuộc trong cờ vây, tác giả Otake Hideo (1992)

Tôi tìm thấy những cuốn sách này qua một trang web có tên là Sensei’s Library – trang web có hàng trăm trang thông tin và bình luận về lịch sử cùng thủ thuật chơi cờ vây. Có trang là một danh sách rất dài những ý kiến về những cuốn sách hay nhất liên quan tới cờ vây, do những cao cờ tổng hợp. Đây có thể xem là tài sản quý giá trong giai đoạn đầu của quá trình học hỏi này. Tôi đọc hết cả trang liệt kê gần 100 cuốn sách đó.

Và đây là cách tôi đã chọn xem nên đọc cuốn sách nào trước: Cuốn Cờ vây: Giới thiệu về trò chơi có lẽ nằm trong tốp những cuốn đầu tiên nên đọc dành cho người mới bắt đầu, thế nên không cần phải lăn tăn. Tương tự như vậy, Cuốn sách thứ hai về cờ vây cũng là cuốn sách rất đáng đọc vì đó là tài liệu mở đầu về chiến lược. Với giả định là bạn đã biết các nguyên tắc cơ bản, cuốn sách tập trung nhiều hơn vào những thủ thuật cơ bản.

Cuốn Làm nào để không chơi cờ vây là một ví dụ về điều ngược lại, và tôi rất thích đọc cuốn sách này. Bạn có thể học được rất nhiều về việc làm tốt một điều gì đó bằng cách học từ các lỗi sai. Với hầu hết các kỹ năng, bạn cần phải tự mình nghiên cứu điều ngược lại, nhưng trong trường hợp này, có cả một cuốn sách được viết bởi một chuyên gia cho bạn. Thật tuyệt, đúng không?

Cuốn Những bài học cơ bản về cờ vây, thường được gọi là “cuốn sách vàng”, là cuốn sách mà hầu hết những kỳ thủ cao tay đều giới thiệu như cuốn khoa giáo giúp họ tiến bộ nhanh nhất. Có vẻ như đó là cuốn sách nâng cao, không phù hợp với người mới bắt đầu, nên tôi sẽ để nó lại và đọc sau khi tôi đã học được những điều cơ bản.

Cuối cùng, tôi chọn cuốn Nguyên lý khai cuộc trong cờ vây, vì dù là từ phân tích của tôi thì rõ ràng khai cuộc là một điều cực kỳ quan trọng. Vì bàn cờ vây hoàn toàn trống trơn khi bắt đầu ván cờ, ngoại trừ những quân cờ được chấp, vì thế 30 – 40 nước cờ đầu tiên sẽ hình thành một cấu trúc có ảnh hưởng quan trọng tới toàn bộ ván cờ còn lại. Nếu bạn không biết cách khai cuộc chính xác, trong khi đối thủ của bạn lại biết, thì bạn chắc chắn sẽ thua. Chính vì vậy, khai cuộc là một chủ đề rất đáng để học ngay từ đầu.

Theo chân Thỏ trắng

Công nghệ hiện đại giúp cho việc luyện tập cờ vây trở nên đơn giản hơn một chút. SmartGo (Cờ vây thông minh), một chương trình có sẵn trên iPhone và iPad, bao gồm một chương trình AI được tích hợp sẵn, một cơ sở dữ liệu về các thế cờ vây dùng để đánh giá thứ hạng, và các ván cờ đi vào lịch sử để bạn nghiên cứu.

SmartGo được thiết kế để tận dụng lợi thế màn hình cảm ứng của thiết bị, vì thế bạn có thể đặt quân cờ lên “bàn cờ” bằng cách chạm vào giao điểm thích hợp. Điều này giúp cho việc hoàn thiện thế cờ vây trở nên đơn giản hơn nhiều. Thay vì tưởng tượng về giải pháp, chương trình sẽ cho bạn phản hồi ngay lập tức. Vòng phản hồi nhanh này giúp cho việc luyện tập các thế cờ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, đặc biệt là các thế cờ cần phải di chuyển nhiều hơn một lần để giải được.

Tôi đã sẵn sàng. Tôi đã có mọi thứ tôi cần để học cách chơi. Chỉ còn một việc nữa mà tôi cần làm… đó là đảm bảo rằng tôi sẽ dành thời gian để chơi cờ vây chứ không phải chơi một trò gì khác.

Loại bỏ điều gây xao lãng

Cờ vây không hấp dẫn, cuốn hút như trò chơi hành động cảm giác mạnh. Học chơi cờ vây cần phải có thời gian và sự tập trung. Tôi sẵn sàng chơi các trò chơi khác, nhưng tôi lại có rất ít thời gian rảnh rỗi. Nếu tôi muốn tiến bộ trong trò cờ vây nhanh nhất có thể, tôi cần phải tập trung.

Điều đó có nghĩa là tôi cần phải loại bỏ những điều có khả năng khiến tôi xao lãng. Mối đe dọa lớn nhất chính là những trò chơi khác: Thời gian dành cho việc đánh quái thú không phải là thời gian dành cho việc học cờ vây. Nếu tôi còn tiếp tục chơi trò chơi video, tôi sẽ không còn chút thời gian nào để học.

Hãy nhớ, thời gian là thứ không bao giờ có thể tìm thấy được, mà phải tạo ra.

Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm sẽ không chơi bất kỳ trò chơi nào khác cho tới khi tôi đã dành ra ít nhất 20 tiếng cho cờ vây. Tôi không được phép xao lãng nếu muốn học một cách nhanh chóng.

Tạm biệt nhé, World of Warcraft… thật tuyệt khi biết bạn.

Trước khi bước vào cuộc phiêu lưu mang tên cờ vây, tôi đã phải hủy tài khoản World of Warcraft và xóa trò chơi này trong máy tính của tôi. Nếu trò chơi không được cài đặt thì dù có muốn tôi cũng không thể chơi được. Tôi sẽ không chơi trò chơi video trong bất cứ hoàn cảnh nào cho tới khi thí nghiệm với cờ vây của tôi chính thức hoàn thành.

Nguyên tắc của trò chơi, kiểm tra lại

Cách tốt nhất để bắt đầu là kiểm tra lại các nguyên tắc. Tôi đã đọc tất cả các nguyên tắc đó, nhưng tôi cần phải xem chúng như thế nào trên bàn cờ.

Có một đặc điểm thú vị của cờ vây khiến cho việc học trở nên dễ dàng hơn, đó là: Bạn có thể thay đổi kích thước bàn cờ. Vì bàn cờ đối xứng, nên bạn có thể mở rộng hoặc thu hẹp nó, miễn sao bạn chọn số dòng lẻ. Nguyên tắc và thủ thuật thì vẫn vậy.

Bàn cờ thi đấu có kích thước 19 x 19, nhưng để học, tốt nhất là bắt đầu với bàn cờ 7 x 7. Cỡ đó là đủ không gian để có thể học những ý tưởng chính, và cũng nhỏ vừa đủ để không bị loạn.

Giờ hãy cùng xem các nguyên tắc sẽ như thế nào trên một bàn cờ thực sự.

Cho tôi khí hay cho tôi chết

Hãy bắt đầu với nguyên tắc thứ ba của cờ vây: Quân cờ sẽ “bị bắt” khi chúng bị các quân cờ của đối thủ bao vây xung quanh.

Khi bạn đặt một quân cờ vào một giao điểm, những giao điểm liền kề với quân cờ đó được gọi là khí. Hãy nghĩ đến người lính trên chiến trường: Nếu có một nơi an toàn để rút lui, người lính sẽ không bị bắt.

Một quân cờ có thể có tối đa bốn khí:

 

Khí sẽ giảm khi đối thủ tấn công bằng cách đặt một quân cờ vào ngay sát quân cờ của bạn. Cuộc tấn công này giảm số lượng khí của quân cờ trắng xuống còn ba:

 

Cuộc tấn công khác lại giảm lượng khí của quân cờ trắng xuống còn hai:

 

Chú ý nào quân trắng! Chỉ còn một khí thôi:

 

Tình huống này được gọi là atari (chét khí). Nếu quân đen loại bỏ nốt khí còn lại của quân trắng, quân trắng sẽ bị bắt làm tù binh, và bị nhấc ra khỏi bàn cờ:

 

Tính đến lúc này thì vẫn còn khá đơn giản. Nếu bạn không muốn quân cờ của bạn bị bắt, bạn cần phải đảm bảo chúng có càng nhiều khí càng tốt. Nếu bạn muốn bắt quân cờ của đối thủ, hãy loại khí của chúng.

Làm ơn đừng tự tử

Đây là cơ hội tốt để tìm hiểu nguyên tắc thứ tư: Không được phép chơi quân cờ vừa mới bắt quân (“tự tử”).

Hãy cùng xem lại tình huống cuối cùng:

 

Hình này được gọi là “hình cờ hoa”, và nó rất phổ biến trong cờ vây. Khoảng trống giữa các quân đen không còn khí, vì thế nếu bên trắng đặt một quân (trắng) vào đó, nó chắc chắn sẽ bị bắt ngay lập tức. Nguyên tắc thứ tư cấm nước cờ “tự tử” kiểu này. Nguyên tắc này sẽ trở nên vô cùng quan trọng khi chúng ta bắt đầu nhìn vào một nhóm các quân cờ lớn hơn, vì thế, chúng ta sẽ quay trở lại với nó sau.

Trở lại góc

Ở giữa bàn cờ vây, các quân cờ thường có nhiều khí cho tới khi chúng bị tấn công. Ở các góc và các cạnh bên của bàn cờ, có ít khí hơn, vì không có nhiều giao điểm ở vùng lân cận.

Trong hình dưới, quân đen chỉ còn lại một khí duy nhất, chính là giao điểm được đánh dấu là “a”:

 

Quân đen đang ở trong tình huống atari. Nếu bên trắng đặt một quân vào vị trí “a”, quân đen sẽ bị bắt làm tù binh.

 

Ví dụ này minh họa sự khác biệt giữa các góc và ở giữa bàn cờ. Ở các góc, chỉ cần hai quân để bắt được quân của đối phương. Ở giữa thì cần có ít nhất bốn quân. Còn ở các cạnh, cần ba quân để bắt được quân của đối thủ.

Kết quả là, thường thì thiết lập và bảo vệ vùng lãnh thổ ở các góc của bàn cờ là dễ dàng nhất. Ở các cạnh bên khó hơn một chút, và ở giữa là khó hơn cả, vì cần quá nhiều quân để bẫy được đối phương.

Đó chính là lý do tại sao nếu bạn xem phần mở đầu của một ván cờ vây, bạn sẽ thấy những kỳ thủ giỏi luôn tuân theo một kiểu chung. Trước tiên, họ sẽ hình thành các vị trí ở góc của bàn cờ. Một khi vùng lãnh thổ ban đầu đó được an toàn, họ sẽ mở rộng sang các bên. Giữa bàn cờ là vùng lãnh thổ cuối cùng, và được để dành cho phần cuối ván.

Tới vô cực, nhưng không xa hơn

Như vậy là chúng ta đã vừa được học nguyên tắc về bắt quân, giờ hãy cùng kiểm tra nguyên tắc thứ 5: Không được lặp đi lặp lại một lượt đi trong một vòng vô tận.

Tình huống này được gọi là ko – từ tiếng Nhật có nghĩa là “vô tận”. Trong cờ vây, vòng vô tận là điều có thể xảy ra, và nếu được chấp thuận, nó có thể làm hỏng hầu hết các ván cờ.

Dưới đây là hình ảnh của vòng vô tận. Quân đen có thể bắt quân trắng (được đánh dấu bằng một hình tam giác), nếu bên đen đặt một quân cờ vào vị trí “a”:

 

Bạn có để ý chuyện gì đã diễn ra không? Chúng ta có cùng một kiểu, chỉ là đảo ngược lại mà thôi. Giờ thì nếu bên trắng đặt một quân vào vị trí a, thì bên trắng có thể bắt lại được một quân của bên đen:

 

Nếu không có quy tắc ko, quân đen và quân trắng có thể bắt qua bắt lại cho tới khi hết giờ. Đó chính là lý do quy tắc này tồn tại: Trong tình huống này, bên mất quân trước không được quay lại tình huống ko cho tới khi đã qua ít nhất một lượt, để tránh vòng lặp vô tận.

Điều kiện thắng

Giờ hãy cùng xem làm cách nào để kết thúc ván cờ. Dưới đây là quy tắc số 6: Ván cờ kết thúc khi người chơi hết quân, một người thua hoặc cả hai cùng không muốn đi tiếp.

Đơn giản thế thôi. Vậy làm cách nào chúng ta xác định được ai thắng?

Đó là quy tắc số 7: Người chiếm được nhiều đất trên bàn cờ nhất vào cuối ván cờ là người giành chiến thắng.

 

Hãy cùng xem ví dụ. Trên bàn cờ 7 x 7, có 49 giao điểm. Giả sử bàn cờ được chia ra như sau:

Quân đen kiểm soát phía bên trái của bàn cờ, với tổng cộng 28 giao điểm. Quân trắng chiếm giữ bên phải bàn cờ, với 21 giao điểm. Quân đen thắng.

Và đây là một biến thể: Quân đen đã chiếm được một chỗ trong vùng lãnh thổ của quân trắng. Giờ đất của quân đen là 29 và đất của quân trắng là 20:

 

Việc đếm đất này sẽ dễ nhầm hơn khi bàn cờ lớn hơn với các nhóm quân rải rác ở khắp mọi nơi, ví dụ như ván cờ dưới đây:

 

Nguyên tắc chung để đếm đất là: nếu vùng đất nào bị tranh chấp, thì cả hai bên đều không được tính điểm ở vùng đất đó. Đôi khi những người chơi giỏi sẽ nhường đất cho đối thủ, vì thế vùng đất đó sẽ được tính là chiếm được. Nếu có bất đồng về việc ai kiểm soát vùng lãnh thổ nào vào cuối ván cờ, người chơi sẽ tiếp tục chơi cho tới khi tranh cãi được giải quyết.

Tính điểm là một kỹ năng, đòi hỏi phải luyện tập.

Tấn công!

Đó là những quy tắc cơ bản. Vậy còn những thủ thuật thông thường thì sao?

Điều đầu tiên cần biết là thế nào là một cuộc tấn công. Tấn công trực tiếp loại khí của quân cờ của đối thủ. Dưới đây là ví dụ cho thấy quân đen đang tấn công quân trắng bằng quân cờ được đánh dấu bằng hình tam giác:

 

Bạn cũng có thể tấn công gián tiếp, bằng cách đặt một quân cờ gần quân cờ của đối thủ. Tấn công gián tiếp là cách để củng cố vị thế của bạn trong một khu vực trước khi cuộc công kích trực diện của bạn bắt đầu. Hình bên dưới cho thấy quân đen đang đe dọa quân trắng được đánh dấu bằng hình tam giác.

 

Mã công

Tấn công là yếu tố cơ bản của công. Yếu tố cơ bản của thủ được gọi là kết nối và mối nối. Những nước cờ cân bằng công và thủ được gọi là tiếp cận.

Có một cách tiếp cận phổ biến được gọi là “mã đi tuần” (được đặt tên theo cách di chuyển của quân mã trong cờ vua):

 

Mã đi tuần là nước cờ cân bằng giữa công và thủ: Nó ở gần các quân cờ khác nên có thể dễ dàng kết nối khi cần thiết, nhưng nó có thể mở rộng ảnh hưởng hơn nước cờ một-bước.

“Mã đi tuần” lớn thậm chí còn hiếu chiến hơn:

 

Nước cờ này đổi thủ lấy sức ảnh hưởng: Nó mở rộng phạm vi của người chơi, nhưng quân cờ đó lại khó có thể được bảo vệ nếu bị tấn công.

Tre mạnh hơn sắt thép

Về chiến lược phòng thủ, có một dạng (thủ) rất vững chắc được gọi là đốt tre (bamboo joint). Chiến lược đó như sau:

 

Dạng đốt tre rất mạnh vì dù đối thủ của bạn có cố gắng tấn công như thế nào thì bạn vẫn có thể dễ dàng kết nối với quân cờ của mình.

Trong trường hợp này, nếu quân trắng tấn công ở điểm “a”, quân đen có thể kết nối ở điểm“b”.

 

Tương tự như vậy, nêu quân trắng tấn công ở điểm “b”, quân đen có thể kết nối ở điểm “a”.

 

Một khi quân đen được kết nối theo kiểu đốt tre, quân trắng sẽ phải mất thêm 9 quân để bắt được cả nhóm. Khó có thể đánh bại được sự bảo vệ đó.

Đơn giản mà, đúng không? Tấn công, phòng thủ và bắt quân có vẻ rất dễ hiểu, và nước cờ mã đi tuần hay đốt tre là những thủ thuật đơn giản để hiểu và nhớ.

Tối đa hóa thời gian luyện tập

Các trang mạng về cờ vây không phải là nơi tốt nhất dành cho những người mới bắt đầu trên mạng. Từ lâu đã có rất nhiều trang web và chương trình như vậy, khoảng từ những năm 1990, nên phải mất một thời gian để tìm ra cách sử dụng chúng.

Có vẻ như không có mấy kỳ thủ thứ hạng thấp. Và nếu bạn không chơi giỏi, thì việc bị thua đi thua lại không phải là một trải nghiệm dễ chịu. Hầu hết những trận đấu mà tôi tìm thấy đều là các trận đấu giữa những kỳ thủ cấp tám hoặc hơn.

Tôi đã cố gắng để xem một số trận, nhưng tốc độ học của tôi rất chậm. Tôi có thể theo sát được các nước cờ, nhưng lại không hiểu tại sao các kỳ thủ đi nước cờ đó. Đôi khi diễn biến của các nước cờ quá nhanh, và tôi không thể phân tích kịp. Tôi chắc chắn ẩn sau mỗi quân cờ là một hàm ý nào đó, nhưng tôi còn quá non nớt để có thể hiểu được hàm ý đó là gì.

Phải mất cả tiếng để chơi xong một ván cờ vây. Đây lại là một vấn đề nữa. Nhiều khi tôi bắt đầu theo dõi một trận đấu, nhưng chỉ được một lúc lại phải bỏ đấy để vật lộn với Lela hoặc giúp Kelsey làm việc nhà. Vì ván cờ đang diễn ra trực tiếp, nên điều đó có nghĩa là tôi không thể theo dõi trận đấu để phân tích được.

Tôi đã thử cách tiếp cận “trăm trận”, và dựa trên thử nghiệm trước đó của mình, tôi nhận thấy đó không phải là cách hiệu quả nhất để một người mới bắt đầu có thể tiến bộ được. Tôi đã quyết định đổi chiến lược, thay thế việc mò mẫm lúng túng bằng việc nghiên cứu có tổ chức.

Người đấu với máy

Tối nào tôi cũng dành ra 45 phút để nghiên cứu các thế cờ vây, trước tiên là bằng cách sử dụng chương trình SmartGo trong iPad của tôi, sau đó là nghiên cứu seri sách Thế cờ vây xếp hạng (Graded Go Problems) của Kiseido.

Sau khi nghiên cứu các thế cờ, tôi đã chơi một ván cờ với chương trình trí thông minh nhân tạo (AI), được tích hợp sẵn trong SmartGo trên bàn cờ nhỏ với kích thước 9 x 9. Lúc đầu, SmartGo quật tôi tơi tả, dù đã chấp tôi tới tám quân. Thật là xấu hổ!

Tuy nhiên, khi tôi nghiên cứu, các trận đấu của tôi bắt đầu tiến bộ nhanh chóng. Tôi đã học được cách lợi dụng những quân cờ chấp của mình bằng cách kiên trì tấn công, tấn công quân trắng nhanh gọn và hình thành sợi dây liên kết vững chắc bất cứ khi nào có thể.

Không phải mất nhiều thời gian để giảm số quân cờ được chấp của tôi xuống còn sáu, rồi năm khi tôi thắng AI được vài ván. Sau khoảng 30 ván đấu, tôi chỉ cần chấp bốn quân.

Ước tính điểm số là một việc khó khăn: Đôi khi tôi nghĩ tôi sẽ làm tốt, nhưng khi tính điểm, tôi lại thấy điểm mình không cao. Vì thắng có nghĩa là phải tạo ra những nước cờ có lợi, giúp tăng vùng đất bạn kiểm soát, nên đó là cả một vấn đề. Thông thường, nước cờ mà tôi cho là có thể làm tăng lãnh thổ của mình thì lại không phải như vậy, lãng phí một nước cờ mà lại tạo cơ hội cho đối phương.

Các dạng thất bại

Cùng với việc nghiên cứu các thế cờ vây, tôi đã đọc những cuốn sách chọn từ danh sách sách hay nên đọc của Sensei’s Library. Những gì tôi học được đã giúp tôi đáng kể.

Nghiên cứu cuốn Làm cách nào để không chơi cờ vây thật không phí thời gian. Theo Yuan Zhou, tác giả cuốn sách, người mới bắt đầu thường mắc phải những sai lầm khiến họ phải trả giá đắt:

Người chơi chưa có kinh nghiệm thường mù quáng đi theo đối phương. Chẳng hạn, khi bị tấn công, người kém hơn sẽ thường phản ứng bằng cách phòng thủ, bỏ chạy hoặc phản công tại đúng khu vực đó, thay vì xem xét tất cả các khả năng có thể xảy ra.

Người chơi chưa có kinh nghiệm thường không chú ý đến toàn bộ bàn cờ. Đôi khi, nước cờ tốt nhất lại không nằm ở nơi xảy ra hành động, mà ở phía bên kia của bàn cờ, cách xa tất cả mọi thứ. Trận đấu thú vị, và người chơi kém thường không nhìn thấy cơ hội ẩn sau những khu vực tĩnh lặng hơn của bàn cờ.

Người chơi chưa có kinh nghiệm không đi nước cờ có lợi nhất. Cờ vây đòi hỏi phải suy nghĩ về lợi ích và chi phí: Mỗi nước cờ có thể phải trả giá bằng một quân cờ, và bạn luôn muốn được lợi nhiều nhất cho quân mình. Thường thì điều này có nghĩa là phải hi sinh một hoặc hai quân, để bạn có thể thu được lợi ích lớn hơn ở đâu đó.

Người chơi chưa có kinh nghiệm không coi trọng tiên thủ (sente). Trong cờ vây, “khởi đầu” rất quan trọng nếu bạn muốn đoán được càng nhiều càng tốt phản ứng của đối phương. Thay vì tập trung vào đường đi nước bước của họ, bạn muốn đối phương phải lo lắng về việc ngăn những mất mát có thể xảy ra, để lơ là phòng thủ. Người nào có thể tạo ra và duy trì tiên thủ, người đó sẽ luôn giành được phần thắng.

Người chơi chưa có kinh nghiệm không giỏi ước tính lãnh thổ. Kết quả là, họ sẽ mất rất nhiều thời gian để chiến đấu hoặc bảo vệ một góc nhỏ nào đó trên bàn cờ, trong khi đối phương đã chiếm được một vùng đất rộng lớn không được bảo vệ.

Người chơi chưa có kinh nghiệm thường ghen tị với vị trí của đối phương. Zhou gọi đây là “hiện tượng mắt đỏ” và thường khiến người chơi thực hiện những nước cờ bất lợi chỉ vì cảm thấy vùng đất của đối phương đang ngày càng rộng hơn.

Người chơi chưa có kinh nghiệm không chống đỡ được những mơ tưởng. Bạn rất dễ bị cám dỗ bởi một nhóm các quân cờ mà bạn có thể bắt được chỉ bằng một hoặc hai quân, mà không tính toán là bạn không thể đi hai nước cùng một lúc và đối phương sẽ phản ứng với điều bạn làm. Kết quả là bạn lãng phí quân cờ quý giá của mình, chỉ với mơ tưởng hão huyền là đối phương quá ngốc để biết bạn đang làm gì.

Những điều này đều đúng với tôi, đặc biệt là điều cuối cùng về mơ tưởng. Đã nhiều lần tôi tấn công một nhóm, với hi vọng đối phương không nhận ra kế hoạch của mình? Đã bao lần tôi “tham bát bỏ mâm”, lao vào một cuộc chiến nhỏ mà quên mất bức tranh lớn hơn?

Sau khi đọc cuốn Làm cách nào để không chơi cờ vây, ván cờ của tôi đã được cải thiện ngay lập tức. Một trong những điều lớn nhất mà tôi cần phải sửa là suy nghĩ cho rằng bắt quân của đối phương là cách ngắn nhất để giành chiến thắng. Trong cờ vua và cờ tướng, điều đó đúng, nhưng trong cờ vây, điều đó lại không đúng.

Bắt quân cũng có ích, nhưng đó không phải là điều kiện cần và đủ để thắng. Bảo đảm an toàn cho vùng lãnh thổ, vùng đất của mình mới là mục tiêu của cờ vây, và nhiều khi, bạn có thể hoàn thành được mục tiêu đó mà không cần phải bắt bất cứ quân nào của đối phương. Phải mất một lúc mới “tiêu hóa” nổi bài học đó: Bắt quân có vẻ tốt, nhưng thực ra nó có thể phản tác dụng.

Cách ngôn

Cách ngôn là công cụ dạy cờ vây hiệu quả. Vì ván cờ rất phức tạp nên các quy tắc giúp người chơi có thể nhớ được cách chơi trong những tình huống thông thường.

Một trong những ví dụ đầu tiên về cách dạy này là “Mười quy tắc vàng của cờ vây” của Wang Jixin – một kỳ thủ cờ vây đời Đường.

1. “Tham lam không đem lại phần thắng”.

2. “Không được vội vã khi xâm nhập lãnh thổ của đối phương”.

3. “Để ý đến quân ta khi tấn công quân địch”.

4. “Hi sinh một quân cờ để nắm quy ền tiên thủ”.

5. “Bỏ nhỏ để cứu lớn”.

6. “Khi gặp nguy, hi sinh”.

7. “Tránh nước cờ nóng vội”.

8. “Nước cờ cần phải phản lại đối phương”.

9. “Chống những vị trí mạnh mẽ, chơi an toàn”.

10. “Tìm kiếm an toàn, tránh chiến đấu ở khu vực biệt lập hoặc trong tình huống yếu thế”.

Có rất nhiều câu châm ngôn giống như vậy về cờ vây:

Điểm trọng yếu của đối phương cũng là điểm trọng yếu của mình.

Khi nghi ngờ, hãy thoát tiên (tenuki – chơi ở chỗ khác).

Có khả năng chết trong nước đi chéo giữa hai quân mình sát với quân của đối phương.

Người bắt đầu chơi chẹt khí (atari).

Hình cờ hoa (ponnuki) đáng giá 30 điểm.

Hạ quyết tâm trước khi tấn công.

“Thả con săn sắt bắt con cá rô”.

Người giàu không cần tranh chấp vặt.

Đã cưỡi lên lưng hổ thì khó có thể xuống được. (Đừng bắt đầu việc gì mà bạn không sẵn sàng để kết thúc.)

Có rất nhiều thứ để học: Không những phải học các câu cách ngôn này và biết tại sao chúng tồn tại, mà bạn còn cần phải hiểu khi nào thì bỏ qua chúng. Vì suy cho cùng, chính cách ngôn cũng dạy chúng ta rằng: “Không được mù quáng nghe theo những câu cách ngôn”.

Còn có những câu cách ngôn dành riêng cho người mới bắt đầu. Câu cách ngôn yêu thích của tôi là “Chỉ sau cú đấm thứ 10 bạn mới nhìn thấy nắm đấm”, và sau đó là “chỉ sau cú đấm thứ 20 bạn mới có thể chặn được chúng”. Theo kinh nghiệm của tôi từ trước tới giờ, điều đó rất đúng: Những người kỳ cựu có thể tấn công tôi theo những cách mà tôi thậm chí còn không nhận ra.

Tôi còn phải học nhiều lắm.

Đạt mốc 20 giờ

Dựa trên ghi chú của tôi, sau khoảng một tháng nghiên cứu, tôi đã đạt mốc 20 giờ. Tôi đang ở đâu và tôi đã hoàn thành được gì?

Theo cơ sở dữ liệu trong SmartGo, tôi đã giải quyết được 150 thế cờ xếp hạng, và đã xử lý đến các thế cờ của cấp 18. Tôi đã chơi 33 ván cờ, và hiện tôi chỉ cần được chấp bốn quân khi chơi với chương trình trí thông minh nhân tạo.

Tôi cũng đã hoàn thành cuốn đầu tiên trong seri Thế cờ vây xếp hạng của Kseido, tương đương với cấp từ 30 đến 25. Tôi đang đọc cuốn sách thứ hai, tương đương với cấp từ 25 đến 15, vậy nên có thể ước lượng tôi đang ở khoảng cấp thứ 18 đến 20. Cũng không tệ.

Tóm lược lại phương pháp

Hãy cùng tóm lược lại phần cốt lõi của phương pháp mà tôi đã sử dụng để học cách chơi cờ vây:

Tôi đã học những quy tắc cơ bản của trò chơi.

Tôi đã mua bàn cờ, quân cờ và một số cuốn sách về chiến lược cờ vây dành cho người mới bắt đầu.

Tôi đã tìm ra vài cách để học những nguyên tắc chiến lược quan trọng nhất bằng cách giải quyết các thế cờ vây xếp hạng, cả trên máy tính và trong sách.

Tôi dành quãng thời gian luyện tập ban đầu để giải quyết các thế cờ vây xếp hạng, lặp lại những bài tập mà tôi không thể trả lời hoặc giải thích trong lần thử đầu tiên.

Tôi luyện tập các thế cờ và chơi cho tới khi đạt mốc 20 giờ. Lúc này, tôi đã có thể thoải mái giải quyết các thế cờ cấp 20, tăng 15 cấp từ cấp thứ 35 lúc mới đầu.

Từ đây tôi sẽ đi đâu tiếp?

Tôi có cảm giác lẫn lộn về cờ vây. Tôi đã học được tương đối về trò chơi này, đủ để hiểu được nó sâu xa thế nào, và đủ để biết tôi còn cách danh hiệu bậc thầy cờ vây xa như thế nào. Tôi đã tiến bộ đáng kể từ khi bắt đầu, nhưng thực sự để chơi giỏi trò này, tôi còn phải đi một chặng rất dài nữa.

Mặt khác, thời gian rảnh của tôi rất hạn chế, trong khi cờ vây có vẻ cần phải chuyên tâm, tập trung cao độ giống như viết mã và lập trình. Dù cờ vây cũng thú vị, nhưng sau một ngày dài, có cảm giác chơi cờ vây cũng giống như làm việc vậy.

Thêm nữa, thường phải mất cả tiếng đồng hồ mới hoàn thành được một ván cờ trên bàn cờ 19 x 19, và thật không lịch sự khi người chơi phải dừng cuộc chơi để hoàn thành một nghĩa vụ gia đình nào đó. Từ trước đến giờ, hầu hết các ván cờ của tôi đều là chơi với máy tính, vì máy tính lúc nào cũng sẵn sàng và không quan tâm tới chuyện tôi phải dừng lại để làm việc gì đó một lúc.

Tôi bắt đầu đánh giá cao đặc tính phức tạp đến đau đầu nhức óc của các thế cờ vây, vì thế tôi sẽ tiếp tục giải các thế cờ đó khi có cảm giác muốn giải các câu đố. Tôi thích luyện tập cờ vây hơn là giải ô chữ sudoku hay những trò chơi kiểu như vậy, vì vậy các chương trình cờ vây đã được cài vào điện thoại của tôi, luôn sẵn sàng cho tôi chơi bất cứ khi nào tôi có chút thời gian rảnh rỗi.

Tôi định dạy Lela cách chơi khi con bé lớn hơn một chút. Các quy tắc cũng đơn giản, một đứa trẻ bốn tuổi có thể hiểu được, và tôi cũng từng có những ký ức đẹp khi chơi cờ vua với bố tôi khi còn nhỏ. Cờ vây là cách tốt để dạy trẻ những kỹ năng quan trọng như phân tích, chiến lược hay trao đổi, và tôi nghĩ là bố con tôi sẽ có nhiều thời gian thú vị trong những năm sắp tới.

Hơn thế nữa, tôi không có khao khát cháy bỏng là phải dành thêm thời gian để học cờ vây. Tôi đã học về nó đủ để thỏa mãn trí tò mò của mình, và tiếp tục học không còn là ưu tiên lớn của tôi nữa.

Thế là đủ rồi. Chẳng có luật nào quy định bạn phải học tới khi giỏi mọi thứ mà bạn đã từng học. Cuộc sống phải đánh đổi, và chẳng có gì sai khi khám phá những điều mới mẻ, học một chút, sau đó quyết định khám phá điều gì đó khác.

Bạn không cần phải đạt đai đen trong mọi việc mới có thể sống cuộc đời thoải mái, thỏa mãn được.