Ralf xuất hiện với một cốc chocolate nóng.
“Tốt rồi”, chàng nói, “em đã đến được nơi em cần phải đến.”
“Em không muốn uống chocolate nóng, em muốn rượu vang. Và em muốn xuống tầng dưới, chỗ của chúng mình, bên cạnh lò sưởi, với thật nhiều sách xung quanh.”
Nàng đã nói “chỗ của chúng mình”. Đó không phải là chủ ý của nàng.
Nàng nhìn xuống đôi chân mình; ngoại trừ một vết cắt nhỏ, còn lại chỉ có vài vết sưng đỏ, chúng cũng sẽ nhanh chóng biến mất sau vài giờ nữa. Với đôi chút khó nhọc, cuối cùng nàng đã xuống được tầng dưới, mà không thật sự để ý tới những thứ xung quanh. Nàng đi đến và ngồi xuống tấm thảm trải cạnh lò sưởi – nàng đã phát hiện ra là nàng luôn cảm thấy an lành và thoải mái khi ngồi ở đó, như thể đó thật sự là “chỗ” của nàng trong ngôi nhà này.
“Người thợ khắc gỗ ấy nói với anh rằng mỗi khi em thực hiện một dạng vận động thể chất nào đấy, khi em đòi hỏi mức tối đa từ cơ thể mình, trí não sẽ đạt tới một sức mạnh tinh thần kỳ lạ, nó phải sáng tạo ra cái “ánh sáng” mà anh đã nhìn thấy trong em. Em đã cảm thấy gì?”
“Em thấy rằng sự đau đớn là người bạn của phụ nữ.”
“Điều đó nguy hiểm đấy.”
“Em cũng cảm thấy rằng nỗi đau có những giới hạn của nó.”
“Đó là sự cứu rỗi linh hồn. Đừng quên điều đó.”
Tâm trí Maria vẫn còn rối bời; nàng đã nến trải sự “yên bình” khi nàng đi xa hơn cả những giới hạn của bản thân mình. Chàng đã chỉ cho nàng một kiểu đau đớn khác cũng đem lại cho nàng khoái lạc kỳ lạ.
Ralf cầm một kẹp đựng giấy lớn và mở nó ra, đưa đến trước mặt nàng. Những bức vẽ.
“Lịch sử của việc làm điếm. Đó là điều mà em đã hỏi anh khi chúng ta gặp nhau.”
Phải, nàng đã hỏi, nhưng đó chỉ là một cách gợi chuyện, cố gắng làm câu chuyện thú vị hơn. Bây giờ nó không còn quan trọng nữa.
“Suốt thời gian này, anh vẫn đang ra khơi trên những vùng biển chưa được ai thăm dò. Anh không nghĩ rằng có một lịch sử nào cả, anh đã nghĩ nó chỉ là một nghề nghiệp cổ xưa nhất trên thế giới này mà thôi, như mọi người vẫn nói. Nhưng nó có một lịch sử, hoặc có thể còn hơn nữa, hai lịch sử.”
“Và những bức vẽ này là gì vậy?”
Ralf Hart nhìn vẻ thiếu quan tâm của nàng đối với điều chàng đã nói bằng một cái nhìn hơi thất vọng, nhưng chàng nhanh chóng gạt cảm giác đó qua một bên và tiếp tục.
“Chúng là những điều anh đã chắt lọc khi anh đọc sách, tra cứu, học tập.”
“Hôm khác hãy nói về nó. Em không muốn thay đổi chủ đề ngày hôm nay. Em cần phải hiểu về sự đau đớn và hình phạt.”
“Em đã nếm trải hình phạt và sự đau đớn ngày hôm qua và anh phát hiện ra là nó đã dẫn em tới khoái cảm. Em đã nếm trải nó ngày hôm nay và tìm thấy sự bình yên. Đó là lý do anh đang nói với em: đừng làm quen với nó, bởi vì nó rất dễ trở thành thói quen; nó là một chất gây nghiện mạnh. Nó có trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trong sự đau khổ mà chúng ta cố che giấu, trong những hy sinh mà chúng ta làm, đổ lỗi cho tình yêu vì sự tan vỡ của những giấc mơ. Đau đớn thật khủng khiếp khi nó phô bày bộ mặt thật sự của nó, nhưng nó cám dỗ, lôi cuốn khi nó được trá hình như là một sự hy sinh hay một sự tự phủ nhận. Hay tính hèn nhát. Thế nhưng càng chối bỏ, chúng ta lại càng tìm được cách tồn tại với nó, với sự ve vãn của nó và biến nó thành một phần trong cuộc sống của chúng ta.”
“Em không tin điều đó. Không một ai muốn đau khổ cả.”
“Nếu em nghĩ em có thể sống mà không đau khổ, đó sẽ là một bước tiến lớn, nhưng đừng tưởng tượng rằng những người khác sẽ hiểu em. Đúng, sự thật là không ai muốn đau khổ, ngay cả những người vẫn tìm kiếm đau đớn và sự hy sinh kia, nhưng rồi họ cảm thấy sự hợp lý, rõ ràng ở đó, và họ đang được nhận sự tôn trọng của con cái, những người chồng, hàng xóm láng giềng, và cả Chúa Trời. Bây giờ chúng ta đừng nghĩ về điều đó nữa; tất cả những gì em cần biết là cách điều khiển cho thế giới này quay tròn, không phải là hành trình kiếm tìm khoái cảm, mà là sự hy sinh quên mình vì tất cả, đó mới là điều quan trọng.
Có phải một người lính tham gia các cuộc chiến tranh là để giết quân thù hay không? Không, anh ta ra đi để hi sinh vì Tổ Quốc. Có phải một người vợ muốn chồng thấy mình đang hạnh phúc như thế nào không? Không, cô ấy muốn chồng thấy cô ấy chân tình như thế nào, cô ấy chịu đựng như thế nào để khiến anh ta hạnh phúc. Có phải một người chồng đi làm vì nghĩ rằng anh ta sẽ tìm được sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu cá nhân ở nơi làm việc không? Không, anh ta đang đem những giọt mồ hôi và những giọt nước mắt đổi lấy sự tốt đẹp, an lành cho gia đình. Và vì vậy cuộc sống vẫn có: những đứa con trai từ bỏ những giấc mơ của chúng để làm vui lòng cha mẹ, cha mẹ từ bỏ cuộc sống của họ vì con cái; đau đớn và khổ sở được dùng để bào chữa cho một thứ duy nhất đem lại niềm vui sướng: tình yêu.”
“Dừng lại.”
Ralf dừng lại. Đó là lúc thích hợp để thay đổi chủ đề, và chàng bắt đầu chỉ cho nàng cách vẽ tranh. Đầu tiên có vẻ khá khó hiểu: một vài nét phác thảo chân dung, nhưng khá là nghuệch ngoạc, vội vàng, những hình dạng và mầu sắc. Dần dần, nàng bắt đầu hiểu những gì chàng nói, bởi vì câu nói của chàng đi kèm với những diễn tả bằng tay, và mỗi cách diễn đạt lại đưa nàng vào một thế giới mà, cho đến khi đó, nàng đã luôn phủ nhận việc nàng là một phần của nó – nàng tự nhủ với bản thân rằng đó chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời nàng thôi, chỉ là một cách để kiếm tiền, không hơn.
“Phải, anh đã khám phá ra không chỉ có một lịch sử về nghề làm điếm, mà có đến hai. Câu chuyện đầu tiên thì em cũng biết khá rõ rồi, bởi vì nó đồng thời là câu chuyện của chính em; một cô gái xinh đẹp, vì một vài lý do mà lựa chọn hoặc chính những lý do đó đã chọn cô ấy, quyết định chỉ có cách duy nhất để có thể tiếp tục sống là bán mình. Một số cô gái kết thúc công việc do luật lệ cai trị của các quốc gia, như Messalina (Valeria Messalina (17/20 – 48 sau công nguyên) là nữ hoàng La Mã, vợ thứ ba cảu Hoàng đế Claudius. Bà là một người phụ nữ quyền lực và có ảnh hưởng, cùng với sự tai tiếng. Bà ta đã âm mưu chống lại chồng mình và đã bị tử hình khi âm mưu này bại lộ)” đã làm ở Rome, một số khác trở thành những hình tượng huyền thoại, như Madam Du Barry (Marie- Jeanne(tte) Bécu, Comtesse du Barry (1743-1793):một gái điếm cao cấp người Pháp, sau này trở thành tình nhân cuối cùng của vua Louis XV), những người khác vẫn tiếp tục theo đuổi những cuộc phiêu lưu và bất hạnh, giống như điệp viên Mata Hari (có nghệ danh là Margaretha Geertruida (1876-1917): một vũ nữ lai người Hà Lan và là gái điếm hạng sang, cô đã bị xử bắn vì tội làm gián điệp trong Thế chiến thứ Nhất.). Nhưng đa số họ đều không bao giờ có được giây phút huy hoàng, không bao giờ phải đối mặt với thử thách lớn: họ sẽ luôn luôn là những cô gái trẻ đến từ những vùng đất hẻo lánh tìm kiếm sự nổi tiếng, một ông chồng, một cuộc phiêu lưu, nhưng họ kết thúc hành trình tìm kiếm với thực tế khá khác nhau, họ lao vào công việc một thời gian, và họ bắt đầu quen với nó, luôn luôn tin rằng họ đang nắm quyền kiểm soát và rốt cuộc thì không thể làm được bất cứ điều gì khác nữa.
Những nghệ sĩ vẫn luôn tạo ra những tác phẩm điêu khắc, các bức tranh và viết sách từ hơn ba nghìn năm nay. Cùng một phương thức, xuyên suốt khoảng thời gian đó, những cô gái điếm cũng nối tiếp công việc của họ như thể không có gì thay đổi cả. Em có muốn biết chi tiết không?”
Maria gật đầu. Nàng cần có thời gian để hiểu về sự đau đớn và hình phạt, dù nàng đang bắt đầu cảm thấy dường như cái xấu xa đã rời khỏi thân thể nàng sau cuộc đi dạo ở công viên hồi ban tối.
“Những cô gái điếm xuất hiện trong những văn bản ghi chép kinh điển, trong những bản chữ tượng hình của Ai Cập, trong những bản viết bằng tiếng Sumer (một nền văn minh cổ ở phía nam Iraq- thuộc vùng Mesopotamia), trong Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước. Nhưng nghề nghiệp này chỉ bắt đầu có tổ chức vào thế kỷ VI trước Công nguyên, khi một nhà lập pháp người Hy Lạp, Solon (‘638-558’ trước công nguyên: Chính khách, nhà lập pháp và nhà thơ của Athens), đưa ra tuyên bố kiểm soát những nhà chứa, nhà thổ và bắt đầu đánh thuế “việc buôn bán thân xác”. Những thương nhân Athens thì hài lòng bởi vì điều vốn từng bị ngăn cấm này giờ đã trở thành luật. Mặt khác, những cô gái điếm bắt đầu được phân loại theo số tiền mà họ được trả.
“Loại rẻ nhất là những pornai, những nô lệ, họ thuộc về các người chủ của giới quyền uy. Tiếp đến là những peripatetica, những người này đón khách làng chơi trên đường phố. Cuối cùng là loại đắt nhất và chất lượng cao nhất, những hetaera, những người phụ nữ bầu bạn, họ đồng hành cùng các thương nhân trong các cuộc hành trình, ăn tối trong những nhà hàng sang trọng, thanh lịch, tự quản lý tiền bạc của họ, đưa ra những lời khuyên và can thiệp vào đời sống chính trị của một thành phố. Em thấy đấy, điều đó đã diễn ra và rồi tiếp tục cho đến bây giờ.
Vào thời kỳ Trung Cổ, do các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục…
Im lặng, nỗi lo sợ bị cảm lạnh, hơi nóng của lò sưởi – giờ là điều cần thiết để làm ấm cơ thể và làm tâm hồn nàng… Maria không muốn nghe bất cứ câu chuyện nào nữa, nàng có cảm giác như thế giới đã ngừng lại, mọi thứ đang lặp đi lặp lại không ngừng, và nhân loại này sẽ không bao giờ cho tình dục một sự tôn trọng mà nó đáng được nhận.
“Em có vẻ không quan tâm lắm.”
Nàng co mình lại. Rốt cuộc thì chàng chính là người đàn ông mà nàng quyết định trao gửi trái tim mình, mặc dù bây giờ đây nàng không còn chắc chắn nữa.
“Em không thấy hứng thú với những gì mà em đã biết, nó chỉ làm em buồn thôi. Anh đã nói là có một lịch sử khác nữa.”
“Cái lịch sử kia chính xác là hoàn toàn ngược lại: công việc bán mình thiêng liêng, thần thánh.”
Nàng đột ngột tỉnh táo lại từ trạng thái ngủ gà ngủ gật và lắng nghe chàng nói một cách chăm chú. Công việc bán thân thiêng liêng thần thánh ư? Kiếm tiền từ tình dục và vẫn có thể tiếp cận Chúa Trời ư?
“Sử gia Hy Lạp, Herodotus (484-425 trước Công nguyên: Sử gia người Hy Lạp, được coi là “cha đẻ của lịch sử” trong nền văn hóa phương Tây.), đã viết về những người Babylon như sau: “Ở nơi đây họ có một phong tục kỳ lạ, đó là mỗi người phụ nữ được sinh ra ở Sumeria đều bị bắt buộc, ít nhất là một lần trong đời, đến thàn điện của nữ thần Ishtar (nữ thần sinh sản, tình yêu và chiến tranh) và hiến thân cho một người xa lạ, như là biểu tượng của lòng hiếu khách và nhận một ít tiền mang tính tượng trưng.”
Nàng sẽ hỏi chàng về nữ thần đó sau; có thể vị nữ thần này sẽ giúp cho nàng lấy lại được điều mà nàng đã đánh mất, mặc dù chỉ là một điều mà nàng chẳng biết rõ.
“Sự ảnh hưởng của nữ thần Ishtar lan rộng đến vùng Trung Đông, tới tận Sardinia (Hòn đảo lớn thứ hai ở Địa Trung Hải (đứng sau đảo Sicily), Sicily và các hải cảng Địa Trung Hải. Sau đó, trong suốt thời kỳ Đế Chế La Mã, một nữ thần khác, nữ thần Vesta (là vì nữ thần trong trắng chăm lo lò sưởi và mái ấm gia đình trong thần thoại La Mã. Mặc dù Vesta thường hay bị đồng nhất với nữ thần Hestia trong thần thoại Hy Lạp, nhưng nữ thần này lại có một vai trò lớn, huyền bí trong tôn giáo của La Mã cổ rất lâu trước khi nữ thần Hestia xuất hiện ở Hy Lạp.), lại đòi toàn bộ sự trinh trắng hoặc sự dâng hiến. Để giữ cho ngọn lửa linh thiêng chảy mãi, những người phụ nữ phục vụ trong thần điện của nữ thần phải có nghĩa vụ dẫn dắt khai mở cho những người đàn ông trẻ và những vị vua trên con đường thực hành bản năng giới tính của họ - họ đã hát vang những bài thánh ca khiêu dâm, gợi tình, đi vào những trạng thái thôi miên và dâng hiến sự sung sướng, hạnh phúc xuất thần của họ cho vũ trụ trong một dạng lễ ban thánh thể với thần thánh.”
Ralf Hart cho nàng xem một bản sao lời của vài bài hát cổ xưa, với một bản dịch tiếng Đức ở dưới chân trang. Chàng đọc chậm rãi, chuyển ngữ từng dòng khi đọc cho nàng:
“Khi ta đang ngồi ở cửa một quán trọ
Ta, Ishtar, nữ thần,
Là gái điếm, là mẹ, là vợ, là thánh thần.
Ta là cuộc sống
Cho dù ngươi gọi nó là cái chết.
Ta là luật lệ
Cho dù ngươi gọi nó là Tội Lỗi.
Ta là cái mà ngươi tìm kiếm
Và là cái mà ngươi tìm thấy.
Ta là cái ngươi đã rải rắc khắp nơi
Và những mẩu vụn mà ngươi giờ gom lại.”
Maria đang nhẹ nhàng thổn thức, và Ralf Hart cười; sinh lực đầy sức sống của chàng đang trở lại, “ánh sáng” của chàng bắt đầu chiếu sáng trở lại. Cách tốt nhất là tiếp tục câu chuyện, chỉ cho nàng thấy những bức vẽ, làm cho nàng cảm thấy được yên tâm, phải, đó là cách tốt nhất.
“Không ai biết tại sao việc làm điếm mang tính thần thánh lại biến mất, nhưng nó đã biến mất ít nhất là hai thiên niên kỷ. Có thể do dịch bệnh, hoặc xã hội đã thay đổi những luật lệ chỉ để tạo ra những vết nhơ mà thôi, bất cứ người phụ nữ nào bước qua lằn ranh ấy đều sẽ tự động bị gán là gái điếm.”
“Anh có thể đến Copacabana vào ngày mai được không?”
Ralf không hiểu vì sao nàng lại đề nghị chàng điều này, nhưng chàng đồng ý ngay lập tức.
Trích từ nhật ký của Maria, sau đêm nàng đi bộ bằng đôi chân trần ở jardin Anglais,Geneva:
Tôi không quan tâm liệu rằng nó có từng là điều gì đó thiêng liêng hay không,tôi ghét việc tôi làm đang hủy hoại tâm hồn tôi,khiến tôi đánh mất cảm giác của chính mình,dạy cho tôi rằng đau đớn là một phần thưởng,và tiền mua được mọi thứ và bào chữa cho mọi điều.
Không ai quanh tôi hạnh phúc cả; những khách hàng biết họ đang trả tiền cho một thứ mà đáng ra là được miễn phí, và đó là nỗi chán chường. Những phụ nữ biết rằng họ phải bán một thứ mà họ sẽ thích cho đi khoái lạc và cả bệnh tật, nó có tính hủy hoại. Tôi đã đấu tranh rất lâu và rất khó khăn trước khi viết điều này, trước khi thừa nhận việc mình bất hạnh và bất mãn đến thế nào – tôi đã cần và tôi vẫn cần chịu đựng thêm vài tuần nữa.
Nhưng tôi không thể đơn giản là không làm gì cả và giả vờ như tất cả đều bình thường, rằng nó chỉ là một thời kỳ, một giai đoạn trong cuộc đời tôi. Tôi muốn quên nó, tôi cần phải yêu – đó là tất cả, tôi cần phải yêu.
Cuộc đời quá ngắn ngủi, hay quá dài, để tôi cho phép bản thân mình được hưởng sự xa hoa của cuộc sống tồi tệ như thế này.