Sống trong một gia đình bạo hành, người cha nghiện rượu sẵn sàng đánh đập con bất cứ lúc nào, hai chị em Viji và Rukku đã không thể chịu đựng hoàn cảnh như vậy mãi được nữa, để cuối cùng phải cùng nhau bỏ trốn lên thành phố. Tại nơi thành phố tập nập, đông đúc này, hai chị em đã gặp được hai cậu bé vô gia cư khác. Một Arul mất đi gia đình khi biển khơi đã cuốn trôi tất cả. Một Muthu luôn khao khát tự do khi bị cô bảo mẫu hành hạ. Trên một “cây cầu đổ nát” với xung quanh là những bãi rác bốc mùi, đám trẻ đồng cảnh đã sống với nhau, cùng nhau kiếm sống trong những ngày khó khăn, nghèo khổ. Cũng có thể nói rằng, cây cầu chính là khởi nguồn cho một cuộc sống khác biệt của những đứa trẻ, là hình ảnh gắn liền chúng lại với nhau.
Tình bạn giữa đám trẻ là một tình bạn đẹp, trong sáng và để lại rất nhiều ấn tượng đối với chúng ta. Tình bạn đó hình thành theo từng ngày theo chân gã thu mua ve chai, kết từng chuỗi hạt cườm để đổi lấy miếng bánh. Tình bạn của chúng là những nụ cười ngây thơ khi nhặt được một ít thức ăn thừa. Chúng không có một cuộc sống hoàn hảo nhưng chúng lại có một tâm hồn vô tư thật sự đáng sống. Ngay khi những biến cố xảy ra quá sớm, quá bất ngờ, chúng vẫn luôn nuôi những hạnh phúc, ấm no trong hy vọng tích cực.
“Em chỉ muốn gào thét và bỏ trốn. Nhưng điều duy nhất giúp em tiếp tục công việc chính là vẻ mặt bình yên của chị khi em ngoái đầu nhìn lại. Nó tựa như một mảnh ước mơ mà em có thể níu giữ”.
Động lực của chúng chính là những con người thân quen hiện hữu ngay trước mặt. Nương tựa vào nhau và đốt lên một ngọn lửa yêu thương ấm áp, những đứa trẻ đã làm như vậy.
Sau tất cả, cuốn sách thực sự là một tác phẩm đáng để chúng ta chiêm nghiệm và suy ngẫm. Câu chuyện về những đứa trẻ để lại nhiều giá trị nhân văn cho con người chúng ta. Một câu chuyện chân thực, gần gũi và sâu sắc.