“Thế Giới Phẳng” – một cuốn sách của tác giả Thomas L. Friedman được nhận định là một tác phẩm kinh điển của thế kỷ 21. Tác phẩm cho đến nay đã thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả và nằm trong top bán chạy của nhiều nước trên thế giới. Điều gì đã làm nên sức hút của tác phẩm này? Bài viết sau đây sẽ giải mã cho bạn.
Nằm ngay giữa bìa sách là tiêu đề được in to rõ ràng với hai màu đen trắng trông rất nổi bật. Nhìn qua, cuốn sách không quá cầu kỳ đề có thể thu hút độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng lượng kiến thức được đề cập bên trong nó quả thật là một điều tuyệt vời dành cho những ai thưởng thức.
Ngay từ tiêu đề, tác phẩm đã để lại cho tôi nhiều sự tò mò. Cụm từ “thế giới phẳng” có lẽ còn quá xa lạ với tôi. Liệu Thomas L. Friedman đang ngầm ám chỉ điều gì? Thế giới phẳng mà ông đang nói đến khác gì với hiện thực thế giới mà chúng ta đang sống. Điều này đã thôi thúc tôi phải lật ra ngay những trang sách đầu tiên để khám phá những điều đang ẩn chứa sau cuốn sách.
Điều khiến tôi bất ngờ đó chính là đây không phải là một cuốn sách lịch sử, cũng không phải là một cuốn sách tâm lý. “Thế Giới Phẳng” dành cho những ai đam mê tìm hiểu về kinh tế, chính trị và sự vận động của thế giới. Hay nói đúng hơn, cuốn sách viết về thế kỷ 21 với nhiều sự bùng nổ về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập giữa nhiều quốc gia. Với sự phát triển một cách chóng mặt như vậy, thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề như sự bùng nổ công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa. Đó có thể là những vấn nạn về môi trường, giáo dục, kinh tế, chính trị,… hay rất nhiều thực trạng khác đang bất đầu xuất hiện trong thời kỳ hiện đại này. Có lẽ mỗi chúng ta vẫn chưa hề nhận thức được hết sự phức tạp của nó, nhưng tác giả Thomas L. Friedman đã chiêm nghiệm và đúc kết rất rõ từ những bài báo phân tích kinh tế nổi tiếng của những tác giả hàng đầu thế giới.
Chính điều đó, Thomas L. Friedman đã đề cập đến khái niệm “thế giới phẳng”. Vậy thế giới phẳng ở đây là gì? Thomas L. Friedman đã giải thích đó là một cách gọi ám chỉ một thời kỳ toàn cầu hóa, nơi mà những rào cản địa lý, văn hóa, tôn giáo,… không còn là những vấn đề quá lớn lao mà thay vào đó, sự bùng nổ của thời đại công nghê số đã khiến thế giới ngày một “phẳng” hơn. Khi đã bỏ qua được những rào cản quốc gia đó, chúng ta sẽ có cái nhìn khái quát hơn về những thực trang chung của thế giới cũng như cơ hội và thách thức của những quốc gia. Trong thế giới phẳng đó, ta có thể làm bất cứ điều gì, thậm chí thay đổi thế giới chỉ bằng cách mở máy tính và kết nối internet. Từ đó, con người có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng hơn, tự tin và linh hoạt hơn trong cách làm việc thông qua một thế giới mở. Những quốc gia, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng chúng để khai thác những thế mạnh cũng như hạn chế những điểm yếu của mình.
Vậy thế giới phẳng là tốt hay xấu? Tất nhiên, toàn cầu hòa là một xu hướng đầy thú vị và mới mẻ khi thúc đẩy các quốc gia cùng phát triển cũng như hội nhập những nền văn hóa, ẩm thực,… Tuy nhiên, nó cũng đem đến những mặt khá tiêu cực. Cụ thể, trong thời kỳ toàn cầu hóa, con người phải đối mặt với những vấn đề khá nan giải như sự khác biệt giàu nghèo, sự căng thẳng chính trị giữa các cường quốc và cũng là nguyên nhân phát sinh những mầm bệnh phức tạp. Có thể thấy, toàn cầu quá đem lại những điều tích cực cho nhiều quốc gia nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho nhân loại.
Bên cạnh đó, Thomas L. Friedman còn đề cập đến chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Theo ông, để bắt kịp những xu hướng chung của toàn cầu thì bất cứ quốc gia nào cũng nên chú trọng vào ba yếu tố: Một là, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật như Internet, điện thoại di động và đường xá, sân bay. Hai là, thiết lập một hệ thống giáo dục tiên tiến với chất lượng giảng dạy có chuyên môn để khuyến khích và phát huy những cá nhân có tư duy và sáng tạo tốt. Ba là, tăng cường công tác điều tiết chính sách quản lý cũng như hệ thống pháp luật sao cho phù hợp với chuẩn mực thế giới. Nếu áp dụng tốt ba yếu tố đó, quốc gia sẽ có nhiều cơ hội để sánh vai với nhiều nước phát triển khác.
Nhìn chung, “Thế Giới Phẳng” là một cuốn sách cực kỳ hữu ích cho những ai đam mê học hỏi, đặc biệt là những bạn trẻ học kinh tế. Bởi lẽ, cuốn sách đứng trên góc độ khách quan, nhiều chiều để nói về những mặt tốt cũng như những bất cập trong thế giới hiện tại. Qua đó, Thomas L. Friedman thể hiện được vốn kiến thức sâu rộng và quá trình đúc kết của mình về những kiến thức lịch sử, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Những bằng chứng xã hội được ông đưa ra vô cùng thuyết phục, đáng suy ngẫm. Ông không thiên quá nhiều về lý thuyết hay đào sâu vào những quan niệm khác nhau. Viết về xu hướng toàn cầu hóa nhưng ông không quá tiêu cực, chủ yếu ông khiến độc giả tin tưởng vào những điều tốt đẹp mà toàn cầu hóa mang lại, xem những thử thách như muôn màu của cuộc sống để biết cách giải quyết nó một cách bình tĩnh và tự tin nhất.
Có lẽ ban đầu ai cũng khá ngại khi cầm trên tay cuốn sách “Thế Giới Phẳng, bởi lẽ nó có độ dày hơn 700 trang – tương đối dài so với một cuốn sách thông thường. Tuy nhiên khi đọc hết cuốn sách, tôi chỉ có cảm giác tựa như vừa lướt qua một dòng chảy câu chữ hết sức nhẹ nhàng. Không chán nản, không nặng nề, những việc tôi làm chỉ là dán mắt vào trang sách mà quên mất những gì đang xảy ra xung quanh. Thomas L. Friedman như vẽ ra một thế giới phẳng ngay trước mắt tôi, khiến những dư âm vẫn đọng lại ngay cả khi tôi khép lại trang sách cuối cùng.
Thật khó để diễn tả hết những kiến thức cũng như cảm xúc mà cuốn sách “Thế Giới Phẳng” của Thomas L. Friedman mang lại. Qua đó, không chỉ những ai đam mê học hỏi mà cả những bạn trẻ đang chuẩn bị khởi nghiệp sẽ có cho mình cái nhìn đúng đắn và khách quan về sự vận động của thế giới sau này!