Nếu như trong cuộc sống, mỗi chúng ta luôn tìm cách khiến cho bản thân mình thật khác biệt thì trong kinh doanh cũng vậy. Một chiến thuật thành công trong kinh doanh là tạo sự khác biệt cho thương hiệu của mình. Thế nhưng, làm thế nào để tạo nên sự khác biệt? Điều đó sẽ được giải mã trong cuốn sách “Khác Biệt Hay Là Chết” của Jack Trout và Steve Rivkin.
Tôi đã không hề lưỡng lự mà mua ngay cuốn sách, và còn bất ngờ hơn khi biết tác phẩm này chính là khơi nguồn cho sự xuất hiện của thuật ngữ “khác biệt hóa” trong thời đại ngày nay.
Trước tiên, các bạn hiểu như thế nào là “khác biệt hóa”? Bạn bước vào một cửa hàng và nhận thấy dịch vụ của nó rất tốt, nhân viên tư vấn tận tình, chính sách bảo hành cũng nhiều ưu đãi, thậm chí khi bạn dắt xe cũng có bảo vệ giúp,… Điều này khiến bạn nghĩ rằng cửa hàng đó thật sự là “khác biệt”, cho đến khi bạn đi đến một cửa hàng khác và nhận ra dịch vụ ở đây cũng hoàn toàn y hệt, như vậy có còn được gọi là “khác biệt” nữa không?
Những sai lầm về “khác biệt hóa”
Như tôi đã minh họa ở trên, trong trường hợp này không thể áp dụng thuật ngữ “khác biệt” như nhiều người lầm tưởng. Doanh nghiệp cũng không thể xem đây là một chiến lược “khác biệt hóa” của mình. Bởi lẽ, khách hàng có thể tìm thấy chúng ở bất cứ đâu, bất cứ cửa hàng nào khi việc chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp là điều không thể thiếu.
Một ví dụ khác, chất lượng sản phẩm cũng không phải là minh chứng cho sự khác biệt. Mỗi doanh nghiệp hiện nay đều cố gắng khiến cho sản phẩm của mình tốt nhất có thể. Đây sẽ là một bước đi sai lầm của bạn nếu đem chất lượng hay sự phong phú để đi cạnh tranh với những doanh nghiệp khác, trừ khi bạn sở hữu những công nghệ hay phương pháp độc quyền.
Vậy còn việc giảm giá sản phẩm thì sao? Với cương vị là một người tiêu dùng, tôi có xu hướng sẽ mua sắm nhiều hơn vào những đợt giảm giá. Không chỉ riêng tôi mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng sẽ có suy nghĩ như vậy, nếu thế thì chỉ người mua hàng được lợi còn về phía doanh nghiệp thì lại không hề ổn. Điển hình là hãng máy tính Dell đã từng áp dụng chiến lược giảm giá thành sản phẩm, điều này khiến doanh thu của hãng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, khi những hãng khác bắt đầu nhảy vào cạnh tranh, họ không dùng chính sách khuyến mãi mà thay vào đó, họ tăng giá thành sản phẩm đi đôi với việc tặng kèm ưu đãi, điều này khiến sự cạnh tranh của Dell giảm thiểu rõ rệt.
Bốn bước để “khác biệt hóa”
Đây chính là trọng tâm mà cuốn sách muốn hướng đến. Để vạch ra một chiến lược khác biệt hóa không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi người lãnh đạo phải nắm bắt được sự biến động của thị trường cũng như xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn nắm rõ bốn bước đã được Jack Trout và Steve Rivkin đề cập dưới đây
Bước 1: Tạo thông điệp có ý nghĩa
Đã bao giờ bạn lẩm nhẩm theo một slogan nào đó mà bạn thường xuyên nghe thấy chưa? Chúng ta thường có xu hướng nhớ đến những câu slogan hài hước, ý nghĩa, từ đó mỗi khi nhắc đến thương hiệu là chúng ta nhớ ngay đến những thông điệp đó. Sẽ thật tuyệt vời nếu doanh nghiệp chọn được một thông điệp có thể đại diện cho thương hiệu của mình cũng như truyền tải được những giá trị tích cực mà sản phẩm của mình mang lại.
Bước 2: Tìm kiếm những ý tưởng khác biệt
Để thực hiện khác biệt hóa đòi hỏi bạn phải vẽ ra những ý tưởng cụ thể và lên kế hoạch cho chúng. Đã là khác biệt thì ý tưởng đó phải là duy nhất, là độc quyền. Một số ý tưởng đó có thể là:
• Lần đầu tiên: Phải nghĩ ra một cái gì đó lần đầu tiên có mặt trên thị trường, khi đã đạt được ấn tượng đầu tiên trong mắt người tiêu dùng, sự cạnh tranh của những doanh nghiệp đến sau chỉ quảng bá thêm cho hình ảnh thương hiệu của bạn. Tuy vậy, nếu giữ vị thế độc tôn mà bạn không biết cách gìn giữ và phát huy nó, doanh nghiệp của bạn sẽ dễ dàng bị nhấn chìm bởi làn sóng ồ ạt phía sau.
• Sở hữu một thuộc tính: Thuộc tính là thứ để phân biệt giữa mặt hàng này với mặt hàng khác. Nếu mặt hàng của bạn sở hữu một thuộc tính riêng mà đối thủ không có, điều này giúp bạn hoàn toàn có thể cạnh tranh ngay cả với những doanh nghiệp đi trước.
• Tính dẫn đầu: Cái đầu tiên luôn là thứ khiến người tiêu dùng nhớ nhất. Không chỉ về thương hiệu hay hình thức dịch vụ, doanh nghiệp cũng có thể dẫn đầu trong bán hàng, dẫn đầu về công nghệ hay công dụng sản phẩm,…
• Kế thừa: Điều này ám chỉ doanh nghiệp của bạn nếu đang được vận hành rất tốt thì hãy cố gắng làm cho nó tốt hơn nữa, điều này sẽ làm tăng sự tin cậy của khách hàng. Việc liên hệ với giá trị thương hiệu trong quá khứ sẽ giúp những sản phẩm sau này của doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ cao hơn.
• Sản phẩm đặc biệt: Nếu doanh nghiệp của bạn sở hữu một vài sản phẩm đặc biệt, đây chính là nhân tố nâng cao sức cạnh tranh của bạn.
• Được ưa chuộng: Khi đã tạo dựng được sự ưa chuộng của khách hàng, việc ra mắt những sản phẩm mới thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng sẽ không bị đe dọa quá nhiều.
• Lần cuối cùng: Điều này có nghĩa là thay vì cứ duy trì những thứ đã cũ, đã lỗi thời, hãy luôn làm mới nó bằng những công nghệ tiên tiến để đáp ứng được nhu cầu của người dùng.
Bước 3: Có năng lực
Bạn phải chứng tỏ được sự khác biệt trong dịch vụ của doanh nghiệp trên báo chí hay các phương tiện truyền thông khác, điều này sẽ khiến người tiêu dùng biết đến bạn nhiều hơn. Khác biệt đó có thể là gì? Một vài thay đổi trong chính sách ưu đãi, hoặc cũng có thể là những combo đi kèm hấp dẫn khiến người mua cảm thấy tiết kiệm hơn,…
Bước 4: Quảng bá sự khác biệt của bạn
Sẽ ra sao nếu bạn có chiến lược khác biệt hóa khá hay nhưng lại ít người biết đến? Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm cách quảng bá cho sự khác biệt của mình trên những phương tiện truyền thông đại chúng. Nếu là một người tiêu dùng thông thái, họ sẽ nhanh chóng nhận ra sự khác biệt của bạn và không ngại dùng thử.
Cuốn sách là cái nhìn khái quát của Jack Trout và Steve Rivkin về vấn đề “khác biệt hóa” của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Qua đó, tôi đã rút ra nhiều bài học trong việc phát triển thương hiệu cũng như tìm ra sự độc đáo trong sản phẩm của mình. Không chỉ riêng tôi, những người làm Marketing mà bất cứ ai đang kinh doanh đều có thể xem đây là cuốn cẩm nang để vận hành doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.
Có thể thấy, cuốn sách đã được xuất bản từ năm 2000 nhưng đến nay đã được 20 năm mà vẫn phát huy được đầy đủ những giá trị mà nó đem lại. Những lời khuyên được trình bày một cách rành mạch, dễ hiểu, điển hình là việc tác giả đã đưa ra cụ thể bốn bước để chúng ta có thể áp dụng theo đó. Không chỉ nói suông, “Khác Biệt Hay Là Chết” còn đưa ra những ví dụ cụ thể về chính sách khác biệt của những doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu của mình. Bố cục cuốn sách được chia ra khá rõ ràng, một chương nói về việc nghiên cứu các dòng sản phẩm, một chương nói về sự khác biệt qua các tin đồn truyền miệng và chương còn lại nói về khả năng khác biệt hóa trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh.
“Khác Biệt Hay Là Chết” đã và đang được đánh giá cao trong diễn đàn sách kinh tế. Nếu bạn là một người trẻ đam mê khởi nghiệp, cuốn sách sẽ là “kim chỉ nam” đắc lực cho bạn trong việc xây dựng thương hiệu riêng của mình.