Một người lao động có thể tạo ra bốn nguồn thu nhập cốt lõi. Thay vì giải thích dài dòng, rối rắm về cách phân biệt bốn nguồn thu nhập đó thì Robert Kiyosaki đã có một ý tưởng mới lạ: vẽ nên “Biểu đồ thu nhập 4 phần”. Chỉ mới thoạt nghe qua thì có vẻ hơi khó hiểu, nhưng qua cách giải thích của tác giả thì lại rất rành mạch, rõ ràng. Cụ thể, bốn phần của Kim Tứ Đồ đó bao gồm:
E (Employee ): Nhóm người làm công ăn lương
S (Self-Employed): Nhóm người tự làm chủ hoặc doanh nghiệp nhỏ
B (Business Owner): Nhóm người làm chủ doanh nghiệp ( Doanh nghiệp >500 nhân viên)
I (Investor): Nhóm người là nhà đầu tư
Nhìn vào Kim Tứ Đồ, ta có thể thấy nhóm những người làm công ăn lương (nhóm E) và nhóm người tự làm chủ (nhóm S) nằm ở phía bên trái bảng. Trong khi đó, nhóm người kiếm tiền từ doanh nghiệp kinh doanh hay hoạt động đầu tư (nhóm B và I) nằm bên phải bảng. Qua cách sắp xếp đó, Robert Kiyosaki đã khắc họa nên từng tính cách đặc thù riêng biệt cho từng nhóm người này.
Qua việc xây dựng Kim Tứ Đồ, độc giả sẽ nhận định được bản thân đang thuộc nhóm người nào, từ đó vạch cho mình một hướng đi phù hợp với mục tiêu trong tương lai. Cụ thể là phấn đấu để từ nhóm người ở bên trái bảng trở thành những người phía bên phải bảng.
Không có một lý thuyết chung nào để khuyên răn con người cách đạt được thành công cũng như tự do về tài chính, tùy thuộc tình trạng mỗi người mà áp dụng những chiến lược khác nhau. Đó là điểm đặc biệt mà chúng ta nhận thấy rõ nhất trong cuốn sách Cha Giàu, Cha Nghèo của Robert Kiyosaki.