Kẻ Trộm Sách: Cùng nghe Thần Chết kể chuyện!

925 lượt xem | thứ hai, 26/10/2020 - 13:05

Tiêu đề trên ắt hẳn sẽ khiến không ít người phải tò mò. Trong tâm tưởng của nhiều người, Thần Chết là hiện thân của chết chóc. Hắn là một kẻ không có trái tim và chỉ xuất hiện khi một sinh vật nào đó trên thế giới vừa mất đi sự sống. Một kẻ như Thần Chết thì có thể kể được câu chuyện gì? Về việc hắn ta đã chứng kiến cái chết của người khác như thế nào ư? Tiểu thuyết “Kẻ Trộm Sách” sẽ bác bỏ hoàn toàn mọi suy nghĩ đó của bạn!

“Kẻ Trộm Sách” – một tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak – ngay sau khi xuất bản vào năm 2005 đã làm nên một cơn chấn động lớn trên khắp các diễn đàn văn học thế giới.

Kẻ Trộm Sách

Không những thế, cuốn sách còn vinh dự lọt vào bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất do thời báo New York Times bình chọn. Vậy điều gì đã làm nên sức hút của tác phẩm này?

Ấn tượng đầu tiên của tôi về tác phẩm “Kẻ Trộm Sách” chính là ở bìa sách. Bìa sách được thiết kế khá đơn giản, gam màu chủ yếu là màu trắng của tuyết trộn lẫn với màu trắng của mây và thấp thoáng màu xanh của nền trời. Nổi bật ngay chính giữa cuốn sách là cảnh một cô bé đang đối mặt với Thần Chết, trên tay vẫn giữ khư khư một cuốn sách. Thế nhưng, khoảnh khắc nhìn nhau của họ không hề đáng sợ mà ngược lại có chút gì đó thân thuộc, sâu lắng.

Kẻ Trộm Sách

Đã có nhiều tác phẩm tái hiện lại sự khốc liệt của cuộc chiến tranh thế giới thứ II, nhưng qua ngòi bút của Markus Zusak, “Kẻ Trộm Sách” lại trở nên đặc biệt đến mức không thể trộn lẫn. Thay vì hóa thân vào một con người trực tiếp tham gia cuộc chiến, Markus Zusak lại chọn cách tái hiện cuộc chiến tranh tàn khốc đó thông qua lời kể của một Thần Chết. Trong chiến tranh, người ta thường nhắc nhiều về hai chữ Thần Chết, bởi lẽ nó để lại quá nhiều thương đau, mất mát và chết chóc. Mỗi nạn nhân ngã xuống, Thần Chết lại xuất hiện và mang họ đi. Tuy nhiên, Thần Chết trong tác phẩm “Kẻ Trộm Sách” đã phải rùng mình trước những tội ác mà con người để lại.

Tôi cứ nghĩ rằng tác giả sẽ đi sâu vào lột tả những tổn thất của chiến tranh, nhưng không, Markus Zusak đã bắt đầu câu chuyện một cách khá nhẹ nhàng khi kể về cô bé mồ côi Liesel. Cô lớn lên trong một thị trấn nhỏ nghèo nàn, nơi trẻ con vẫn thường tụ tập nô đùa vào mỗi buổi chiều và người dân vẫn hăng say lao động. Đâu ai biết rằng mảnh đất thanh bình đó chẳng mấy chốc chỉ còn lại một vẻ hoang tàn khi nước Đức lâm vào tình cảnh hỗn loạn…

Từ một cô bé hồn nhiên vô tư, Liesel phải đón nhận liên tiếp những cú sốc kinh hoàng. Em trai cô chết trên tay mẹ, cô buộc phải làm con nuôi của một đôi vợ chồng xa lạ. Mọi chuyện trở nên căng thẳng khi Hans – cha nuôi của Liesel – chấp nhận cho một thanh niên Do Thái trốn trong nhà mình. Đức quốc xã vẫn ngày đêm lùng sục, điều đó khiến gia đình cô trở nên vô cùng sợ hãi, hoang mang tột độ. Những nỗi bất hạnh bắt đầu ập xuống ngôi làng của cô, những đứa trẻ thường ngày nô đùa nay phải nhận những cái kết bi thảm…

Đúng lúc đó, Thần Chết xuất hiện. Ông ta như mọi khi, vẫn lạnh lùng đi thâu tóm những linh hồn vừa rời xa cõi đời. Ấy vậy mà chỉ trong một lần vô tình liếc mắt, ông đã bất chợt khựng lại với những chuyện đang xảy ra trước mắt mình. Có thể bạn không tin, nhưng Thần Chết đang bật khóc. Giọt nước mắt từ một kẻ tưởng chừng như không có trái tim! Tại sao con người với nhau lại có thể đối xử một cách tàn nhẫn đến như vậy, vốn dĩ hắn ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự ra đi, nhưng tại sao bây giờ trái tim ông ta lại giày xéo đến tận tâm can…

Không chỉ riêng Thần Chết, mà những độc giả như tôi đều cảm thấy bất ngờ khi trong hoàn cảnh khốn cùng như thế, cô bé Liesel vẫn không ngừng từ bỏ đam mê đọc sách. Cô ăn cắp những cuốn sách khi có thể và ngấu nghiến chúng từ ngày này sang ngày khác. Liesel chưa từng đi học, cô đã tự mày mò từng con chữ và xây dựng nên một thế giới của riêng mình. Nhờ thế giới ấy, cô bắt đầu tìm lại những giây phút bình yên mặc cho chiến tranh đẫm máu. Thần Chết đã luôn dõi theo cô suốt quá trình đó, từ khi cô ăn trộm những cuốn sách đầu tiên cho đến khi cô nhận ra được những chân lý để cứu vớt thế giới này.

Kẻ Trộm Sách

“Kẻ Trộm Sách” đã để lại cho tôi những dư âm đặc biệt, đầu tiên là “rùng mình” trước những tội ác chiến tranh. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể biết được mục đích thật sự của mỗi cuộc chiến tranh là gì. Đối với dân tộc Đức, để no ấm, hạnh phúc và xem những người Do Thái như một thú vui? Hẳn Quốc Trưởng đã nhầm, hắn ta hứa hẹn với dân tộc Đức nhiều thứ, nhưng hắn ta chưa bao giờ để tâm đến bên cạnh viễn cảnh tươi đẹp do hắn vẽ ra là một phố Thiên Đàng khổ cực, đói rét không khác gì những “tội đồ” Do Thái. Trong những kẻ đứng lên chiến đấu phục vụ lý tưởng cao đẹp của hắn, mấy ai đã đứng ra tự nguyện?

Tôi không thể quên về nhân vật Thần Chết trong tác phẩm “Kẻ Trộm Sách”.

Từ khi nào Thần Chết trở nên gần gũi, ấm áp đến vậy? Phải chăng ông ta cũng phải kinh hãi trước những tội ác mà con người gây ra? Nó quả thật vô cùng đáng sợ, vô cùng thương tâm đến nỗi ông ta phải thốt lên:

“Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này.”

Cuối cùng, tôi không thể không ngạc nhiên trước sức mạnh mà ngôn từ mang lại. Nhờ có nó, tâm hồn của cô bé Liesel luôn ngập tràn màu sắc của tình yêu thương. Bom đạn khiến con người chai sạn đi, nhưng đối với Liesel, nó khiến cho cô bé càng thêm trân quý cuộc sống này. Bầu trời của nước Đức có thể xám xịt âm u vì khói súng, thế nhưng bầu trời trong những trang sách đánh cắp của Liesel vẫn luôn trong vắt như chính khát khao của cô bé về một thế giới không còn chiến tranh.

Khép lại trang sách, tôi không chỉ day dứt về những mất mát của chiến tranh mà còn xúc động trước những khát vọng sống cao cả của con người.

“Kẻ Trộm Sách” – một cuốn sách khiến tôi không thể nào quên...!