“Người đua diều” được xuất bản năm 2003, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Khaled Hosseine. Đến năm 2007, bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết của ông được ra mắt với công chúng.
“Một tác phẩm phi thường về văn hóa” – Chúng ta chỉ có thể thốt lên vậy khi thưởng thức tác phẩm “Người đua diều” của tiểu thuyết gia người Mỹ, Khaled Hosseini.
Cuốn sách là lời tự thuật của Amir - nhà văn Mỹ gốc Afghanistan kể về những năm tháng tuổi thơ đầy niềm vui cũng như những lỗi lầm. Bối cảnh truyện đặt ở Afghanistan, người đọc như sống lại hai mươi năm về trước, khi Amir còn là một cậu bé mười hai tuổi sống trong vòng tay che chở của Baba giàu sang và thanh thế. Những năm tháng tuổi thơ của Amir không thể thiếu sự xuất hiện của Hassan, con trai của người quản gia Ali. Hassan là một cậu bé thông minh, lanh lợi, sẵn sàng xả thân để bảo vệ cho Amir.
Thế nhưng, lòng nhiệt thành của Hassan lại không được đền đáp, vào một ngày mùa đông năm 1975, vì ra sức bảo vệ chiếc diều xanh – chiến lợi phẩm của Amir nên Hassan đã bị bọn trẻ xấu xa hành hung và nhục mạ. Amir đã hèn nhát bỏ mặc người bạn của mình, thậm chí còn bịa chuyện để đuổi cha con Hassan ra khỏi nhà. Điều đó đã khiến Amir phải trả giá trong suốt quãng đời còn lại… Liệu nỗi ám ảnh ấy trong lòng Amir có được nguôi ngoai?
Cuộc hành trình Amir bù đắp lại những lỗi lầm đối với Hassan đã diễn ra như thế nào? Với cách dẫn dắt tài tình, Khaled Hosseini đã đưa người đọc đến những cung bậc cảm xúc khác nhau về tình yêu, tình bạn, sự chân thành giữa con người với con người, để đến khi gấp lại trang sách, câu nói của Hassan dành cho Amir vẫn đọng lại nhiều day dứt: “Vì cậu, cả ngàn lần rồi…”