Vũ Khắc Khoan là ngòi bút đặc biệt giao hòa triết lý Đông Tây, cổ điển và hiện đại trong tác phẩm văn học một cách tài tình. Sáng tác ít, nhưng mỗi tác phẩm đều đạt tới mức cổ điển. Cổ điển trong cái nghĩa đẹp nhất: không theo thời thượng mà tìm đến những giá trị phi thời gian. Có thể nói ông là một trường hợp “văn dĩ tải đạo” độc đáo trong văn học Việt Nam.
“Người đẹp trong tranh” là một trong những tác phẩm tiêu biểu đặc sắc của Vũ Khắc Khoan, truyện kể câu chuyện tình giữa Tú Uyên và Giáng Kiều. Chàng là một anh học trò nghèo rất hay chữ tuy chưa đỗ đạt gì và rất say mê cái đẹp. Nàng là tiên trên trời vốn có duyên nợ kiếp trước với chàng nên hạ giới để kết tóc se tơ.
Hai người nhanh chóng yêu nhau và về tựu chung một nhà, những ngày tháng vui sướng như tiên của Tú Uyên bắt đầu. Chàng quên luôn việc đèn sách, ngày ngày chỉ ở nhà quanh quẩn bên cô vợ xinh đẹp của mình, lại còn thêm cả cái tật nghiện rượu. Qua ba năm, học hành chẳng mấy tiến triển, say rượu về còn hay mắng nhiếc vợ, Giáng Kiều buồn mà bay về trời,...
Nhưng cho đến khi chàng trai hối hận tìm đủ mọi cách gặp vợ mình, Giáng Kiều động lòng và hai vợ chồng lại vui vẻ như xưa...