Đồi gió hú là một tác phẩm văn học kinh điển của Emily Brontë – là niềm tự hào của nền văn học nước Anh cống hiến cho văn học thế giới. Bất cứ ai đã cầm lên Đồi gió hú đều không thể buông sách xuống.
Nội dung cuốn Đồi gió hú kể về mối tình dữ dội, cực đoan của một đứa trẻ bị bỏ rơi có tên Heathcliff với con gái người cha nuôi của mình – Catherine Earnshaw. Hai nhân vật chính mang trong mình sự phức tạp, ngang tàng và nổi loạn khủng khiếp. Những yêu thương, hận thù từ thuở nhỏ của hai người cứ thế lớn dần theo năm tháng. Sự mâu thuẫn dằng xé trong nội tâm và sự non dại bồng bột của tuổi trẻ nên hai người họ đã phải chia lìa nhau trong sự đột ngột và đau đớn.
Đồi gió hú khắc họa một nỗi đau dai dẳng như cực hình với cả hai. Cả cuốn sách là tất cả những lời lẽ day dứt, u uất, phẫn nộ, điên khùng nhất, bằng cả những hành động cực đoan đáng sợ nhất. Cả cuốn sách là những nỗi thống khổ và bất an cao trào khiến cho người con gái lâm vào cảnh rối loạn tâm thần, còn người con trai thì trở thành một kẻ thù hận dày đặc. Thay vì bày tỏ yêu thương bằng sự ngọt ngào thì Heathcliff dồn nén hết chúng vào sự căm phẫn và chối ghét cuộc đời lẫn con người, thậm chí oán hận ngay chính bản thân mình.
Cuốn sách có gần 500 trang nhưng phải đến 400 trang là những câu chuyện bi kịch, những lời lẽ căng thẳng, dữ dội – chửi bới, nguyền rủa, hăm dọa, than khóc, van lạy, dày xéo. Nói chung, tất cả những gì tồi tệ nhất của một cuộc trò chuyện có thể xảy ra, bị kịch nhất của một tình huống có thể xảy ra thì tác phẩm Đồi gió hú này có hết. Nếu một người bình thường vốn dĩ tích cực lạc quan chẳng may lạc vào câu chuyện tình của Heathcliff và Catherine thì chắc hẳn họ sẽ bị dội ngược ra ngoài vì không tài nào hiểu nổi tại sao mọi diễn biến truyện hay suy nghĩ của các nhân vật lại có thể trầm trọng, nghiêm túc và cực đoan đến thế.
Đồi gió hú đã miêu tả thế giới nội tâm của những kẻ điên yêu một cách trần trụi, nếu như không nói là phi thực. Chính những sức mạnh khủng khiếp của tình yêu và sự khao khát hòa quyện đã làm trỗi dậy trước hết những phần bóng tối trong những kẻ tham gia – sự ích kỷ, thù hận, ghen tuông và sợ hãi. Và trong sự non dại thơ trẻ của mình, các nhân vật không đủ sức để chuyển hóa những phần gai góc đớn đau đó để có thể chạm tới được tình yêu thanh khiết nhất còn lại sau cùng.
Hiếm có một cuốn sách nào mà các nhân vật nói trực diện vào cõi linh hồn mình, nơi nằm sâu hơn cả những ý tưởng hay những cảm xúc yêu ghét thông thường. Có một cái gì đó xuyên thấu vào tận tâm can, những lời thoại như thể được hút ra hết từ trong bản thể, bất chấp mọi hình hài mà nó có.
Đồi gió hú là một đỉnh cao của nghệ thuật văn chương với ngôn từ biến đổi linh hoạt và đa dạng. Những màn miêu tả nội tâm phức tạp và phũ phàng, những nhân vật đặc sệt sự cực đoan và tiêu cực đòi hỏi người đọc phải sẵn sàng một tinh thần thép để thưởng thức. Các tình huống được dẫn dắt khéo léo để khơi gợi trí tò mò của độc giả và để đẩy câu truyện lên đến những điểm cao trào, hệt như những cơn sóng xúc cảm điên rồ của các nhân vật.