Bộ Luật Lao Động sửa đổi 2019 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 20/11/2019 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 để thay thế Bộ Luật Lao Động 2012.
Theo đó, Bộ Luật Lao Động mới năm 2019 gồm 17 Chương và 220 Điều được bổ sung nhiều khái niệm, thuật ngữ mới và nhiều điểm sửa đổi đáng chú ý như:
- Đối với người lao động: mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ Luật, tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, quy định riêng với lao động nữ, tăng nghỉ lễ Quốc Khánh lên 2, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng,...
- Đối với người sử dụng lao động: luật hóa vai trò của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động, mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động, Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp,...
Bộ Luật Lao Động 2019 được sửa đổi cơ bản, toàn diện sẽ góp phần giải quyết các hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành Bộ Luật Lao Động 2012, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp và cả người lao động, đảm bảo những quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển bền vững nền kinh tế thị trường đinh hướng XHCN ở Việt Nam.