“Biểu tượng thất truyền” là một tác phẩm khác của Dan Brown. Đây là cuốn sách nổi tiếng tuy vậy lại có cùng mô típ với các cuốn khác của Dan Brown.
Những ai đã đọc “Biểu tượng thất truyền” và các tác phẩm khác của Dan Brown sẽ thấy lại sự xuất hiện của nhân vật quen thuộc– Robert Langdon. Trong Biểu tượng thất truyền, Robert Langdon bị cuốn vào một cuộc hành trình mới, đi tìm nơi cất giữ những bí ẩn cổ xưa theo những truyền thuyết kỳ lạ. Truyền thuyết mà nhân vật chính theo dấu tin rằng: Một nơi nào đó tại Washington, D.C đang chôn giấu kho tàng tri thức khổng lồ mà người xưa để lại. Kho báu này có sức mạnh vô song, nếu tìm được sẽ đem đến sức mạnh khủng khiếp và làm thay đổi cả thế giới. Từ những lời truyền miệng, nhiều người nhận định rằng Hội Tam Điểm có liên quan mật thiết đến kho báu này.
Hội Tam Điểm biết rất rõ về nơi này nhưng luôn cố che giấu và giữ nó trong bí mật. Một nhân vật bí ẩn có tham vọng muốn độc chiếm kho báu đó, và hắn muốn sử dụng Robert Langdon để thực hiện mưu đồ. Nhân vật chính đã mắc bẫy, bay từ Anh đến Mỹ để giải mã các biểu tượng, tìm kiếm kim tự tháp để lùng cho ra bản đồ kho báu kỳ bí. Và như tất cả những kẻ xấu khác, hắn đưa ra điều kiện bằng chính tính mạng của bạn thân Langdon - Peter Solomon – Tổng thư ký Viện Smithsonian.
Kịch tính được đẩy lên cao khi Langdon buộc phải cho hắn ta câu trả lời trong vỏn vẹn 1 ngày. Nhưng các mâu thuẫn truyện không đơn thuần như vậy, thời gian tuy gấp, nhưng Langdon phải giải quyết hàng loạt vấn đề khi bị CIA cản trở khi cho rằng anh liên quan đến an ninh quốc gia. Cuối cùng, Robert Langdon nhờ tới sự giúp đỡ của Katherine Solomon (em gái của Peter Solomon) và sự giúp đỡ của một vài người khác là thành viên của Hội Tam Điểm đã dần dần giải mã các ký tự, biểu tượng, địa điểm chỉ dẫn và những bí mật cũng từ từ được hé mở.
“Biểu tượng thất truyền” được viết theo mô tip cũ của Dan Brown nên trở nên khá dễ đoán. Bình thường các twist sẽ khiến độc giả không đoán nổi ai là kẻ xấu, ai là người tốt, luôn nghĩ rằng người tốt là kẻ xấu và kẻ xấu là người tốt. Nhưng với “Biểu tượng thất truyền”, cho dù tác giả đã cố gắng lật twist nhiều lần, nhưng bạn đọc lại đoán được kết cục khá dễ dàng. Đến hồi kết không còn ai ngạc nhiên và bất ngờ về kẻ đứng sau nữa. Chính vì vậy dù rất nổi tiếng, nhưng cuốn sách lại không được bạn đọc am hiểu và giới chuyên môn đánh giá cao
Chuyến phiêu lưu này của Robert Langdon đưa độc giả tới hàng loạt biểu tượng, hình ảnh và những ý nghĩa thực sự ẩn đằng sau nó. Biểu tượng đơn giản nhất mà ai cũng đã từng thấy qua nhưng hầu hết không một ai hiểu được ý nghĩa của nó: Tờ một Đô la Mỹ. Trên tờ bạc này đầy ắp những biểu trưng và ám thị của số bí thuật, chẳng hạn Kim tự tháp Dang dở, con mắt Thông huyền, số 13 xuất hiện dày đặc: 13 ngôi sao trên đầu đại bàng, 13 tầng kim tự tháp, 13 vạch ngang trên tấm khiên, 13 nhành và 13 quả trên khóm ô liu, 13 mũi tên trong một bó, rồi cả hai dòng chữ La tinh Annuit Coeptis và E Pluribus Unum đều gồm 13 ký tự. Số 13 cùng con mắt Thông huyền là những hình ảnh gây liên tưởng đến hội Tam điểm.