Yamamoto - Con Rồng Thái Bình Dương

- 16 -

Ngày 1-12, khi nội các phê chuẩn quyết định khai chiến của thủ tướng Ðông Ðiều thì đô đốc Nagumo đã dẫn lực lượng xung kích tiến vào hải phận Hawaii được năm ngày rồi. Ngày hôm sau, tiếp theo Huấn Lệnh Khai Chiến bất đắc dĩ của Nhật Hoàng, bộ Tổng Tư Lệnh Hoàng gia ra một mật lệnh cho biết trận đánh đầu tiên mở màn cuộc chiến sẽ bắt đầu ngày 7-12 tại Hawaii.

Trên soái hạm Nagato trong biển Inland, Yamamoto cho phát thanh mật hiệu lịch sử: "Nagata Yama Nobore", có nghĩa là "Trèo Ngọn Núi Nagata". Ðây là tên ngọn núi cao tại Ðài Loan đang thuộc quyền cai trị của Nhật Bản. Khi nhận được mật hiệu này, các chiến hạm của Nagumo đã tới điểm hẹn và chiến tranh sắp xảy ra. Trong khi đó tình báo Mỹ vẫn tin tưởng sức mạnh hải quân của Nhật vẫn còn bỏ neo tại các quân cảng Nhật Bản. Một bản tin tình báo tóm tắt cho biết Nhật Bản đang chuẩn bị một cuộc hành quân rất lớn, nhưng không tin Hawaii sẽ là mục tiêu, và nhấn mạnh mục tiêu sẽ là Phi luật tân hoặc đảo Guam.

Người Mỹ đặt tin tưởng vào những tín hiệu giả của hải quân Nhật, nhất là các phi đội tuần thám của Mỹ không hề bắt gặp bất cứ một phi cơ hoặc một chiến hạm nào của Nhật tại đường tiến quân về phía bắc Thái Bình Dương. Không những thế, các khu trục hạm của Nhật đi tiên phong sẽ đánh chìm bất cứ một tàu chiến hoặc một thương thuyền nào bị bắt gặp.

Phó lãnh sự Nhật tại Hawaii vẫn chăm chỉ cung cấp những bản tin vào giờ chót về mẫu hạm Lexington của Mỹ. Tình báo Mỹ bắt được một số tín hiệu từ Honolulu của một người mang tên là Mori, gửi cho một người nào đó tại Nhật Bản, báo cáo về những chuyến bay hàng ngày của phi cơ Mỹ, đặc biệt là những phi cơ lớn xuất phát từ Honolulu, số lượng chiến hạm trong quân cảng và quân trú phòng Mỹ có dùng những đèn pha chiếu rọi không. Tuy nhiên trong những bản tin này, các danh từ quân sự được thay thế bằng tên các loài hoa. Nhân viên tình báo Mỹ cho rằng đây là những tin tức về một cuộc tấn công của hải quân Nhật, nhưng không cho là quá khẩn cấp. Tình báo Mỹ cũng tìm ra manh mối tới một gia đình họ Mori tại Hawaii. Gia đình này cũng đang bị FBI điều tra và họ phủ nhận không hề có liên lạc với Nhật Bản. Thực ra Mori có thể là tên phó lãnh sự Morimura viết ngắn lại.

Cho tới ngày thứ sáu, hai ngày trước cuộc tấn công, tòa lãnh sự tại Honolulu đã đánh điện thẳng về Ðông Kinh một tín hiệu: "Các chiến hạm không có màng lưới chống thủy lôi. Không có dấu hiệu đề cao cảnh giác tại hải phận." Ðến đây thì phó lãnh sự Morimura không cần phải dè dặt nữa, một phần vì cuộc chiến sắp xảy ra rồi, và một phần vì bị thúc bách phải nói rõ chi tiết.

Những tin tức như thế phải được coi là sinh tử, nhưng hầu như các tư lệnh Mỹ đều bị các tín hiệu từ biển Inland ru ngủ và tin tưởng vào một cuộc hành quân quy mô của Nhật vào Ðông nam á. Người Mỹ tin rằng đây sẽ là một cuộc hành quân rất lớn và quan trọng của Nhật Bản, nhưng tin rằng cuộc hành quân này cách xa hàng ngàn dặm tại Ðông nam á, và không một ai nghi ngờ hải quân Nhật dám táo bạo tới tận Hawaii tấn công hạm đội Mỹ.

Trong lúc giới quân sự tại Trân châu cảng sống trong trạng thái bình thản thì các mẫu hạm của đô đốc Nagumo vẫn tiến song song hàng sáu, nhắm hướng Hawaii. Các chiến hạm lớn Kirishima và Hiei cũng chạy song song với các mẫu hạm, và tất cả được hai tuần dương hạm lớn Tone và Chikuma hộ tống hai bên, cách khoảng vài dặm. Khi hạm đội Nhật tới gần Hawaii thì biển động và gây rất nhiều khó khăn. Những cờ tín hiệu bị gió mạnh phá rách bươm. Nhiều thủy thủ bị gió và sóng cuốn xuống biển, nhưng hạm đội không thể nào dừng lại để tìm vớt những thủy thủ không may này. Tất cả phải tiến tới điểm hẹn đúng thời hạn.

Rồi sương mù buông xuống bao trùm tất cả vùng biển, nhưng các mẫu hạm vẫn không giảm tốc độ. Trong tình trạng ấy, các sĩ quan chỉ huy rất lo sợ các mẫu hạm và chiến hạm có thể đụng nhau, vì họ không thể trông thấy gì xa quá vài chục thước. Nhưng sương mù cũng có lợi điểm là bảo vệ cho hạm đội không bị phi cơ thám thính Mỹ khám phá. Trong khi đó, bên dưới khoang tàu, các phi công cố ôn lại các đồ hình về địa thế Trân châu cảng và đảo Oahu. Các phi công này thông thuộc đường lối tại Hawaii hơn chính người dân bản xứ. Tòa lãnh sự Nhật tại Honolulu báo cáo hàng giờ về tình hình tại Trân châu cảng. Các sĩ quan Nhật chuyên về thông tin luôn luôn theo dõi các đài phát thanh tại Hawaii xem cuộc hành quân có bị bại lộ không.

Càng gần tới Hawaii, các mẫu hạm bắt đầu nhận được các tín hiệu của các phi cơ thám thính Mỹ. Các chuyên viên về tín hiệu của Nhật Bản đã biết được con số phi cơ tuần tiễu của Mỹ từng lúc một. Nhưng những phi cơ thám thính Mỹ chỉ bay tại phía tây nam đảo Oahu, trong khi lực lượng Nhật tiến tới từ phía bắc, do đó phi cơ Mỹ không thể khám phá được hạm đội Nhật đang tiến tới. Ðô đốc Nagumo không dám cho phi cơ thám thính của Nhật bay lên. Trong khi các mẫu hạm của Nagumo tiến tới cuộc tấn công lịch sử này thì các tiềm thủy đỉnh Nhật đã bố trí tại phía nam Hawaii từ trước. Chính vì thế lực lượng tiềm thủy đỉnh của Nhật được gọi là Lực Lượng Tiền Phương.

Ðô đốc Nagumo và các đô đốc thuộc bộ tư lệnh hải quân Nhật vẫn hoài nghi về sự thành công của kế hoạch Yamamoto tấn công Trân châu cảng bất ngờ. Họ vẫn tin rằng các phi công của Nagumo chỉ có hy vọng thành công năm mươi phần trăm. Chính vì thế bộ tư lệnh hải quân Nhật cho rằng việc tấn công của các tiềm thủy đỉnh cùng một lúc với các phi cơ cũng rất cần thiết. Khi tới gần Hawaii, các tiềm thủy đỉnh trồi lên mặt nước về ban đêm. Ban ngày các tiềm thủy đỉnh lại lặn xuống nước và dùng kính tiềm vọng để quan sát. Khi năm tiềm thủy đỉnh cuối cùng đem theo mười tiểu tiềm thủy đỉnh Target-A tới nơi thì lệnh cuối cùng của họ là:

1. Phải canh chừng mọi hoạt động của hạm đội Mỹ quanh Trân châu cảng.

2. Phải thả các tiểu tiềm thủy đỉnh xuống và quan sát kết quả.

3. Nếu gặp chiến hạm Mỹ phải tấn công ngay.

4. Phải cứu vớt các tiềm thủy đỉnh và các phi công Nhật bị bắn rơi.

Ngay tối thứ sáu, các tiềm thủy đỉnh đã chiếm các vị trí thám thính quanh Trân châu cảng. Vị trí gần nhất là tám dặm và vị trí xa nhất là 100 dặm cách Trân châu cảng. Ba tiềm thủy đỉnh làm thành một hàng trước các mẫu hạm của Nagumo một trăm dặm. Nếu thấy bóng dáng phi cơ hoặc chiến hạm Mỹ, các tiềm thủy đỉnh phải lặn ngay, và khi đã an toàn để trồi lên thì họ phải báo tin về cho Nagumo biết ngay.

Trong cuộc hành quân tấn công Trân châu cảng, lực lượng Nhật may mắn không gặp một trở ngại nào. Ngay cả thời tiết cuối cùng cũng trở nên thuận lợi. Một điều bận tâm duy nhất của các tư lệnh Nhật Bản là không biết các mẫu hạm Mỹ có mặt tại Trân châu cảng hay không. Người Nhật tin rằng ít nhất có bốn mẫu hạm Mỹ tại Trân châu cảng là những chiếc Yorktown, Hornet, Lexington và Enterprise. Thực ra hai chiếc Yorktown và Hornet đã được chuyển sang Ðại Tây Dương, còn hai chiếc Lexington và Enterprise thì rời Trân châu cảng khi hạm đội của Nagumo tới nơi. Ðó là sự không may cho hải quân Nhật, vì mục đích chính của Yamamoto là tiêu diệt cho bằng được các mẫu hạm Mỹ.

Tuy nhiên tại Trân châu cảng vẫn còn những mục tiêu khá hấp dẫn cho các oanh tạc cơ của Nagumo. Tại Trân châu cảng lúc đó có Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ gồm có 8 chiến hạm, 2 tuần dương hạm lớn, 6 tuần dương hạm nhẹ, 29 khu trục hạm, 5 tiềm thủy đỉnh, 1 thuyền máy, 8 khu trục giải mìn, 1 tàu thả mìn, 4 khu trục hạm vớt mìn, 6 tàu vớt mìn và 24 tàu đủ loại khác.

Ngày Yamamoto gửi tín hiệu "Trèo Núi Nagata" thì biển Hawaii bình lặng trở lại và hạm đội của Nagumo dùng cả ngày để tiếp tế nhiên liệu. Khi tất cả mọi chiến hạm được tiếp tế nhiên liệu xong, các mẫu hạm gia tăng tốc lực lên 26 hải lý một giờ, và lướt trên một vùng biển bình lặng tới Trân châu cảng. Nhưng cũng đúng lúc đó, mẫu hạm Mỹ Enterprise cũng rời đảo Wake để trở về Trân châu cảng.

Ngày thứ bảy, một ngày trước cuộc tấn công, là một ngày gay cấn nhất cho đô đốc Nagumo. Trên sàn các mẫu hạm, các phi cơ đậu sát cánh nhau, và các nhân viên bảo trì tận lực kiểm soát các phi cơ để bảo đảm mọi sự được tốt đẹp. Sáng sớm hôm đó, bộ Tổng tư lệnh Hoàng gia tại Ðông Kinh loan báo những tin tức cuối cùng từ Trân châu cảng cho các mẫu hạm của Nagumo. Tin cuối cùng khá chính xác. Thiếu úy Yoshikawa đã làm nhiệm vụ do thám Trân châu cảng cho tới phút cuối cùng. Bản tin cuối cùng xác nhận có 7 chiến hạm và 7 tuần dương hạm Mỹ trong quân cảng, nhưng không có một mẫu hạm nào. Các phi công Nhật lập tức thay đổi chi tiết tấn công cho phù hợp với bản tin cuối. Tuy thế họ vẫn hy vọng trong 24 giờ nữa có thể có mẫu hạm Mỹ vào bến. Tối thứ bảy, Nagumo nhận được bản tin nữa của bộ Tổng tư lệnh Hoàng gia cho biết Trân châu cảng có 8 chiến hạm và 15 tuần dương hạm địch.

Ðêm thứ bảy, những tiềm thủy đỉnh Nhật nằm ở những vị trí gần nhất đã có thể trông thấy các đèn nê-ông sáng trưng trên bãi biển Waikiki, và nghe thấy các đài phát thanh tại Hawaii chơi các điệu nhạc khiêu vũ. Một pháo thủ trên chiếc I-24 đã từng đến Hawaii trước kia, đứng trên boong chỉ trỏ cho đại tá Sasaki biết những lối đi vào Trân châu cảng. Tối hôm đó tất cả 27 tiềm thủy đỉnh Nhật đã bao vây Trân châu cảng. Trung tá Ono phụ trách tình báo cho Nagumo thu thập các báo cáo cuối cùng thì vẫn không thấy có mẫu hạm nào của địch, trừ chiếc Enterprise rời Trân châu cảng tuần trước, và hy vọng sẽ trở về khi cuộc tấn công bắt đầu.

Cũng trong đêm đó, Hoa Thịnh Ðốn nhận được một bản tin đặc biệt. Ðó là bản trả lời của người Nhật cho người Mỹ. Tổng thống Roosevelt tha thiết kêu gọi Nhật Hoàng cố gắng giữ hòa bình cho thế giới. Lời kêu gọi này của Roosevelt không được người Nhật đáp ứng lại. Ðêm đó Nagumo nhận được tin của Bộ Tư lệnh Hoàng Gia bày tỏ lòng tin tưởng cuộc tấn công sẽ chiến thắng, nhưng Nagumo thì lại không tin như vậy. Chỉ có một điều được chính thức xác nhận là đô đốc Kimmel đem tất cả hạm đội Thái Bình dương vào trong quân cảng như thường lệ, ngoại trừ các mẫu hạm. Không may cho Nagumo là bản tin này không cho biết chiếc mẫu hạm lớn của Mỹ là Lexington đang ở gần vùng chiến trường. Ngay sáng sớm ngày thứ bảy, chiếc Lexington chỉ cách bờ biển Oahu về phía tây có 200 dặm.

Nagumo triệu tập các sĩ quan vào phòng hành quân và cho họ biết tình hình chiến trường như sau:

1. Sức mạnh của địch trong khu vực Hawaii gồm có 9 chiến hạm, 2 mẫu hạm, khoảng 10 tuần dương hạm nặng và nhẹ. Các mẫu hạm và tuần dương hạm hạng nặng có lẽ ở ngoài khơi, nhưng các chiến hạm khác đều ở trong quân cảng.

2. Không có dấu hiệu địch quân cảnh giác đề phòng, nhưng không phải vì thế mà chểnh mảng việc an ninh.

3. Trừ phi có những biến chuyển bất ngờ, cuộc tấn công của Nhật sẽ nhắm vào Trân châu cảng.

Ngay sau đó, thiếu tá Shibuya, sĩ quan tham mưu về cuộc hành quân tiềm thủy đỉnh, giải thích cho các sĩ quan trên soái hạm Akagi về kế hoạch hành quân của tiềm thủy đỉnh. Shibuya ra lệnh cho các tiềm thủy đỉnh loại chữ I phải đưa các tiểu tiềm thủy đỉnh Target-A vào trong quân cảng nhờ đêm tối. Shibuya còn nhấn mạnh rằng dù cơ hội tấn công thuận lợi thế nào mặc lòng, các tiềm thủy đỉnh sẽ không được phép tấn công trước các phi cơ. Chính lệnh này đã cứu chiếc mẫu hạm Lexington của Mỹ. Chiếc tiềm thủy đỉnh I-74 của Nhật bắt gặp mẫu hạm Lexington, nhưng đã tuân lệnh cấp trên nên không tấn công ngay. Suốt đêm thứ bảy, chiếc tiềm thủy đỉnh I-74 của Nhật chỉ hết sức theo dõi chiếc mẫu hạm Lexington để chờ tấn công, sau khi phi cơ Nhật đã bắt đầu cuộc tấn công. Nhưng đến sáng sớm ngày hôm sau, đúng lúc Nagumo ra lệnh cho các phi công xuất quân thì chiếc I-74 lạc mất chiếc mẫu hạm Lexington vì đêm tối.

Ðêm thứ bảy là một đêm dài cho đô đốc Nagumo. Ông ngồi chăm chú nhìn những bản tin cuối cùng để quyết định tấn công hay lui quân. Bây giờ ông là người cô đơn tại chiến trường, phải dùng sự phán đoán riêng của mình để quyết định. Yamamoto hoặc bộ tư lệnh tại Ðông Kinh không thể giúp gì cho ông được nữa. Khi không thấy có mẫu hạm Mỹ, ông có quyền lui quân, nhưng một số lớn chiến hạm Mỹ tại Trân châu cảng cũng là miếng mồi ngon, một cái giá đáng mở cuộc tấn công. Cuối cùng ông quyết định thi hành cuộc tấn công, với hy vọng mong manh các mẫu hạm Mỹ sẽ xuất hiện vào lúc các phi công của ông đang oanh tạc Trân châu cảng.

Vào khoảng 9 giờ tối thứ bảy thì hạm đội của Nagumo chỉ còn cách Hawaii 400 dặm thôi. Nagumo triệu tập tất cả binh sĩ lên boong mẫu hạm. Hàng ngàn sĩ quan và binh sĩ đứng nghiêm để nghe đọc huấn lệnh của Yamamoto: "Sự hưng vong của đế quốc Nhật tùy thuộc vào trận đánh này. Mọi người phải tận tụy gắng sức chu toàn sứ mạng." Toàn thể binh sĩ trên boong mẫu hạm Akagi đều òa khóc và reo hò khi một lá cờ trận vĩ đại được kéo lên và bay tung trên soái hạm Akagi. Chiếc cờ cũ đó chính là lá cờ của đô đốc Togo treo trên soái hạm Mikasa của Togo 26 năm trước, khi ông chiến thắng hạm đội Nga tại Ðối Mã. Ý kiến kéo lá cờ này lên trước khi ra quân là của một cựu thiếu úy hải quân đã từng chiến đấu bên cạnh đô đốc Togo, và bị cụt mất hai ngón tay trong trận hải chiến Ðối Mã. Người thiếu úy ấy bây giờ là đại đô đốc Yamamoto.

Các tư lệnh đọc những bài diễn văn ái quốc và người ta nghe thấy những tiếng tung hô "Banzai" nghẹn ngào trong nước mắt cảm động. Tất cả đều tin tưởng rằng cuộc tấn công sắp tới là giây phút lịch sử quan trọng cho lịch sử hải quân Nhật hơn là cuộc chiến của Togo tại eo biển Ðối Mã trước kia. Rồi soái hạm Akagi ra lệnh tất cả chiến hạm và mẫu hạm phải mở hết tốc lực tiến về phía nam. Trong lúc các thủy thủ reo hò, và các mẫu hạm mở hết tốc lực tới 27 hải lý một giờ thì các phi công xuống phòng hành quân để nghe thuyết trình lần cuối cùng. Mỗi phi công mang theo một tấm hình của Trân châu cảng có đánh dấu vị trí mới nhất của các chiến hạm Mỹ.

Sáng sớm ngày chủ nhật, Nagumo nhận được một bản tin ngắn cuối cùng của bộ Tư lệnh Hoàng Gia: "Không có mẫu hạm, nhắc lại, không có mẫu hạm tại Trân châu cảng." Lúc đó là một bầu trời tối thui, mây đen bao phủ khi các mẫu hạm chạy đua tới điểm xuất phát cuộc tấn công, 270 dặm cách bờ biển Hawaii. Cuồng phong dấy lên và sóng biển dữ dội đập vào thành tàu. Mọi người tưởng rằng hạm đội sẽ gặp điềm không may, vì trong tình trạng thời tiết như thế rất khó cho phi cơ cất cánh. Lúc đó hạm đội vẫn còn phải chạy 5 giờ nữa mới tới điểm xuất quân, trong khi các tiềm thủy đỉnh mẹ đã lặn xuống để phóng các tiểu tiềm thủy đỉnh Traget-A ra. Các tiểu tiềm thủy đỉnh tìm cách lẻn vào Trân châu cảng để chờ dịp tấn công địch. Các tiểu tiềm thủy đỉnh vẫn có cơ hội trở lại tiềm thủy đỉnh mẹ, nhưng tất cả các sĩ quan điều khiển tiểu tiềm thủy đỉnh biết rằng họ sẽ không bao giờ có dịp nhìn lại tổ quốc và gặp lại gia đình một lần nữa. Một sĩ quan cẩn thận để lại các vật tùy thân, tiền bạc và một lá thư tuyệt mạng gửi về cho cha mẹ. Các sửa soạn thận trọng của viên sĩ quan này không phải là vô ích, vì người ta không bao giờ gặp lại anh ta nữa.

Cửa dẫn vào Trân châu cảng rất hẹp và có màng lưới chống tiềm thủy đỉnh. Các tiểu tiềm thủy đỉnh phải nằm nấp bên ngoài, chờ khi nào cổng mở cho chiến hạm Mỹ ra vào thì sẽ lẻn vào. Ðúng 3:45, chiếc tàu vớt mìn Antares của Mỹ đang chờ đợi bên ngoài cửa vào Trân châu cảng thì trông thấy tiềm vọng kính của một tiểu tiềm thủy đỉnh Nhật nhô lên cách khoảng 140 thước. Có lẽ chiếc tiểu tiềm thủy đỉnh này đi theo chiếc Antares về hướng Trân châu cảng. Ngay gần lúc bình minh, chiếc tàu vớt mìn Condor cũng trông thấy một tiềm vọng kính của một tiểu tiềm thủy đỉnh khác. Vì biết rằng các tiềm thủy đỉnh Mỹ không hoạt động ngầm dưới nước trong khu vực này, các thủy thủ của chiếc Condor vội báo ngay cho khu trục hạm Ward đang đi tuần ngay ngoài cửa lối vào Trân châu cảng. Ngay lập tức phi cơ tuần thám Mỹ và chiếc khu trục hạm Ward mở cuộc tấn công ngay tại chỗ các tiềm thủy đỉnh Nhật bị khám phá. Ðây chính là những phát khai hỏa đầu tiên của cuộc chiến tại Thái Bình Dương.

Mặc dù khu trục hạm báo cáo về bộ chỉ huy về việc xuất hiện của tiềm thủy đỉnh Nhật, nhưng không ai quan tâm. Người ta chỉ bàn tán về sự việc này cho tới phi cơ Nhật nhào xuống tấn công. Cổng vào quân cảng được mở ra vào lúc 4:58 để cho chiếc tàu vớt mìn của Mỹ vào. Cửa cứ tiếp tục để ngỏ như vậy cho mãi tới 8:40. Ngay buổi sáng lịch sử đó, cổng vào quân cảng bỏ ngỏ tới gần 4 tiếng đồng hồ. Hải quân Nhật tin chắc rằng ít nhất ba tiểu tiềm thủy đỉnh Nhật đã vào được bên trong quân cảng một cách an toàn.

Khoảng 5 giờ sáng trong bầu trời tối đen như mực, trong khi các mẫu hạm tiếp tục nhào mình vào những đợt sóng lớn của một biển động để tiến tới điểm xuất quân, thì hai chiếc tuần dương hạm hạng nặng Chijuma và Tone mỗi chiếc phóng ra một phi cơ nổi để dò thám Trân châu cảng. Khi hai chiếc phi cơ nổi trôi đi thì trên các mẫu hạm, các phi cơ đã sẵn sàng vào hàng để cất cánh. Lúc đó sóng biển cao đến nỗi tràn qua cả boong mẫu hạm, khiến các phi công và nhân viên bảo trì phải ôm chặt cánh máy bay để khỏi bị cuốn trôi xuống biển.

Một giờ sau đó, biển tối sầm lại và những làn sóng biển lớn dường như mỗi lúc một hung dữ hơn. Trong hoàn cảnh ấy phải mất nhiều thì giờ hơn phi cơ mới cất cánh được. Mặc dù không nhận được tin tức của phi cơ thám thính, Nagumo vẫn quyết định phải tung phi cơ lên ngay, nếu không yếu tố bất ngờ sẽ không còn nữa. Bằng quyết định này, Nagumo đã đạt được yếu tố bất ngờ hơn trước. Thay vì phải cho chính phủ Nhật 30 phút để tuyên chiến với Hoa Kỳ mà bộ Tư lệnh hải quân đã đồng ý. Nhưng quyết định mở cuộc tấn công ngay của Nagumo đã không có thì giờ cách biệt giữa lệnh tuyên chiến của chính phủ Nhật và cuộc tấn công nữa.

Nagumo triệu tập trung tá Fuchida vào phòng thuyết trình của soái hạm Akagi. Fuchida là một phi công nhiều kinh nghiệm, với 25 năm thâm niên trong hải quân, sẽ hướng dẫn cuộc tấn công. Khi Fuchida trình diện Nagumo và đại tá Hasegawa chỉ huy soái hạm Akagi, thì tất cả phi công trên các mẫu hạm tiến vào phòng hành quân để nghe lệnh cuối cùng. Trên một tấm bảng đen, vị trí của các chiến hạm Mỹ trong quân cảng được vẽ rõ ràng theo đúng tin tình báo cuối cùng nhận được vài giờ trước đó, từ những tiềm thủy đỉnh thám thính và các điệp viên tại Honolulu. Khi không còn tin tức nào nữa, và không còn gì để nói nữa, đô đốc Nagumo bắt tay trung tá Fuchida và nói, "Hãy cất cánh theo đúng kế hoạch."

Khi Fuchida bước lên chiếc oanh tạc cơ sơn màu vàng và đỏ cùng với áo giáp mặc bên trong, một sĩ quan bảo trì cao cấp trao cho Fuchida một mảnh vải trắng để quấn ngang đầu, một biểu tượng sẵn sàng chết cho tổ quốc. Trong lúc Fuchida buộc chặt chiếc nón sắt của phi công thì các mẫu hạm chạy vòng theo hướng gió bắc và lá cờ lệnh của Nagumo phất phới song song với lá cờ cũ của đô đốc Togo trên đỉnh cột cờ của soái hạm Akagi. Một ngọn đèn màu xanh nhạt làm thành một vòng tròn nhỏ trong bóng đêm, đánh dấu chiếc phi cơ đầu tiên sửa soạn cất cánh. Khi chiếc phi cơ đầu tiên bốc lên vào bầu trời đen thẫm, tất cả thủy thủ trên mẫu hạm nức lòng xúc động và cất tiếng reo hò vang dội, át cả những âm thanh cuồng nộ của biển động.

Các phi cơ dường như cũng nức lòng vì nhiệm vụ cao cả, cũng gào thét nối đuôi nhau chờ đến lượt tung cánh bay. Trông thấy cảnh tượng hào hùng phấn khởi đó, đô đốc Nagumo đứng trên cầu soái hạm quan sát cuộc xuất quân cũng không còn cảm thấy e ngại như trước nữa. Mặc dù đêm tối và biển động, trong vòng 15 phút, tất cả 183 chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và phi cơ phóng thủy lôi đã cất cánh hết từ sáu mẫu hạm. Các phi cơ bay vòng quanh các mẫu hạm, rồi bắt đầu nhắm hướng Trân châu cảng phóng tới. Lúc đó là 6:15 sáng ngày chủ nhật 7-12-1941.