rên đường đến công viên tôi dừng lại tại một cửa hiệu tiện dụng và mua bia lon. Tôi hỏi cô thủ thư thích bia gì, và cô bảo loại gì cũng thế, cốt là có bọt và vị bia. Tôi cũng có quan điểm tương tự. Trên đầu chúng tôi là bầu trời mùa thu trong xanh không một gợn mây như vừa được bàn tay Chúa tạo ra, và tháng Mười mới bắt đầu – có cớ gì để câu nệ hỏi tìm loại bia cơ chứ, cốt là có bọt và vị bia.
Tiền thì tôi dư, nhưng họ chỉ có loại bia nhập khẩu duy nhất là Miller Hight Life. Tôi mua sáu lon. Chúng lấp lánh như được ánh nắng mạ vàng. Thời tiết lý tưởng để nghe Duke Ellington. Dĩ nhiên là nghe Duke Ellington trong buổi liên hoan giao thừa hay ở Nam Cực đều được.
Tôi đi tiếp và huýt sáo theo điệu kèn trombone của Lawrence Brown độc tấu bài Do Nothin’s Till You Hear From Me. Sau đó là Johnny Hodges độc tấu trong Sofisticated Lady.
Tôi đỗ xe cạnh công viên Hibiya. Chúng tôi nằm ra cỏ và uống bia. Công viên sáng sớm thứ Hai yên ắng và vắng người như một tàu khu trục sau khi phi cơ đã bay đi hết. Chỉ vài con bồ câu đi lại trên thảm cỏ như khởi động cho ấm.
“Không có mây”, tôi nói.
“Phía kia có mây”, cô chỉ tay về phía trên tòa nhà Hibiya. Một vệt mây, đúng thế. Nó treo trên đầu cành cây long não. Trắng như một nắm bông.
“Bé xíu”, tôi nói. “Không đáng kể.”
Cô che tay trên mắt để ngắm đám mây kỹ hơn.
“Ừ, kể cũng bé thật”, cô nói.
Chúng tôi im lặng ngắm vệt mây một lúc lâu, sau đó mở lon bia thứ hai.
“Vì sao anh ly hôn?”, cô hỏi.
“Vì khi đi tàu cô ấy không khi nào cho anh ngồi cạnh cửa sổ.”
Cô cười. “Thật thế sao?”
“Thật thế. Mùa hè cách đây năm, sáu năm, cô ta đi khỏi nhà. Và không quay về nữa. Thế thôi.”
“Anh không bao giờ gặp lại cô ấy?”
“Không”, tôi nói và đưa lon bia lên miệng uống một ngụm lớn. “Và cũng chẳng có lý do gì.”
“Anh và cô ấy không hợp nhau?”
“Có, thậm chí rất hợp nhau”, tôi vừa nói vừa ngắm lon bia. “Nhưng đó không phải là điểm cơ bản. Hai con người có thể ngủ cùng một giường, nhưng nhắm mắt lại là họ lại cô đơn. Em có hiểu ý anh không?”
“Em nghĩ là có.”
“Nói chung không thể phân loại con người thành loại này hay loại kia, nhưng anh tin là có thể phân loại tầm nhìn, mơ ước và tưởng tượng của họ. Về cơ bản có hai loại người với tầm nhìn toàn diện và có giới hạn. Anh thiên về loại người thứ hai. Vấn đề không phải là giới hạn đó ở đâu, mà người ta phải vẽ ra được đường giới hạn đó. Không phải ai cũng chia xẻ quan niệm của anh.”
“Ngay cả khi quan niệm như anh thì người ta vẫn có thể nỗ lực mở rộng giới hạn đó ra chứ?”
“Có thể. Anh thì không. Có nhất thiết phải nghe nhạc nổi không? Chẳng lẽ âm nhạc chỉ có thể là âm nhạc nếu nghe thấy tiếng vi ô lông bên trái và công tơ bát bên phải? Như thế chẳng khác gì phức tạp hóa phương tiện nhằm tạo ra một tưởng tượng nhàm chán.”
“Quan điểm của anh có hơi cực đoan quá không?”
“Cô ấy cũng hay nói thế.”
“Ai cơ? Vợ anh?”
“Ừ. Rành rẽ và cứng nhắc. Em uống bia không?”
“Cảm ơn”, cô nói.
Tôi giật nắp lon Miller thứ tư và đưa cô.
“Anh tự đánh giá mình thế nào?”, cô hỏi. Cô không uống, chỉ nhìn xoáy vào lỗ hổng trên nắp lon.
“Em đã đọc Anh em nhà Karamazov chưa?”
“Em đọc rồi, cách đây lâu lắm.”
“Em nên đọc lần nữa đi. Nhiều điều trong đó lắm. Ở đoạn gần cuối Alyosha nói với một sinh viên trẻ tên là Kolya Krasotkin: ‘Nghe này Kolya, tương lai của cậu rồi sẽ không ra gì đâu, nhưng nói chung cậu có một cuộc sống hạnh phúc.’” Tôi uống cạn lon bia thứ hai, lưỡng lự một chút trước khi mở lon thứ ba và nói tiếp: “Alyosha là người biết đủ thứ. Nhưng khi đọc câu đó lần đầu tiên, anh cứ ngờ ngợ làm sao có thể có cuộc sống hạnh phúc với một tương lai không ra gì?”
“Vì thế anh đã vẽ giới hạn hẹp cho cuộc đời mình?”
“Có thể”, tôi nói. “Lẽ ra người ta nên đập chết anh trên xe buýt bằng cái bình sắt, thay cho chồng em. Một cái chết hợp với anh. Trực tiếp, không dây dưa, ngắn gọn. Và không có thì giờ suy nghĩ.”
Tôi ngước nhìn về phía vệt mây ban nãy. Nó không còn đó. Lấp sau tán cây long não.
“Em có được vào thế giới hạn hẹp của anh không?”, cô hỏi.
“Ai cũng vào được, và ai cũng bỏ đi được”, tôi nói. “Đó là ưu điểm của những thế giới hạn hẹp. Nhưng khi bước vào nhớ bỏ giày, và khi ra nhớ đóng cửa. Ai cũng tuân thủ quy định đó.”
Cô cười, đứng dậy phủi cỏ dính trên quần. “Đi thôi. Sắp đến giờ rồi, đúng không?”
Tôi nhìn đồng hồ: 10 giờ 22.
“Anh đưa em về nhà”, tôi nói.
“Không, anh kệ em”, cô nói. “Em còn đi mua vài thứ rồi đi tàu điện ngầm về nhà thì hơn.”
“Được, vậy ta chia tay ở đây. Anh ở lại một lát nữa, anh thích ở đây.”
“Cảm ơn anh tặng bấm móng tay.”
“Không có gì”, tôi nói.
“Khi nào quay về, anh gọi điện cho em nhé?”
“Anh sẽ đến thư viện”, tôi nói. “Anh thích quan sát người ta làm việc.”
“Tạm biệt!”, cô nói.
Như Joseph Cotton trong The Third Man tôi ngắm theo khi cô bước trên lối đi thẳng tắp ra khỏi công viên. Khi cô khuất sau dãy cây, tôi quan sát lũ bồ câu. Mỗi con có một kiểu đi riêng đặc biệt. Một lát sau, một bà dẫn con gái nhỏ đến rắc bỏng ngô, tất cả bồ câu gần chỗ tôi nằm bay túa đến ăn. Đứa nhỏ chừng ba, bốn tuổi. Như mọi bé gái ở tuổi này, nó dang tay chạy đến với lũ bồ câu để ôm chúng. Tất nhiên, bồ câu không chịu bị bắt, chúng có một cuộc sống nho nhỏ riêng biệt. Bà mẹ ăn mặc sang trọng chỉ thoáng nhìn một lần về phía tôi rồi quay hẳn đi. Ai nằm ngoài bãi cỏ công viên vào sáng sớm thứ Hai bên cạnh năm lon bia rỗng ắt không phải người tử tế.
Tôi nhắm mắt, cố nhớ ra tế của anh em nhà Karamazov. Mitya, Ivan, Alyasha – và đứa con ngoại hôn Smerdyakov. Có bao nhiêu người ở Tokyo thuộc lòng cả bốn tên đó?
Nhìn trời, tôi thấy mình như một con thuyền nhỏ lênh đênh trên đại dương có gì đó đặc biệt, Joseph Conrad từng nói ở đoạn tả đắm tàu trong cuốn Lord Jim. Trời cao trong xanh như một ý tưởng vượt lên mọi ngờ vực của nhân gian. Từ mặt đất nơi tôi nằm, bầu trời hiện lên như tinh hoa của mọi sự sống. Biển cũng vậy. Khi ngắm biển mấy ngày liền, người ta tin rằng thế giới không có gì ngoài biển. Có lẽ Conrad cũng nghĩ hệt như tôi. Một chiếc thuyền bé nhỏ bị ném vào mênh mông biển cả và tách khỏi con tàu hư cấu có gì đó đặc biệt, không ai tránh được.
Tôi nằm trên thảm cỏ uống nốt lon bia cuối cùng, hút một điếu thuốc và chấm dứt các suy tưởng văn học. Đã đến lúc nghĩ đến những điều thực tế hơn. Còn một giờ và vài phút nữa thôi.
Tôi đứng dậy, đem mấy lon bia rỗng ra thùng rác. Rồi tôi lấy thẻ tín dụng từ ví ra đốt trong gạt tàn. Bà mẹ sang trọng và con gái lại thoáng nhìn về phía tôi. Một người tử tế không đốt thẻ tín dụng của mình ở công viên vào sáng thứ Hai. Đầu tiên tôi đốt thẻ American Express, sau đó đến thẻ Visa. Lửa bập bùng nhảy nhót. Tôi nghĩ có nên đốt luôn chiếc cà vạt Paul Stuart nhưng lại từ bỏ ý định đó. Gây chú ý quá mức, mà cũng chẳng cần thiết phải đốt cà vạt.
Xong việc, tôi ra ki ốt mua mười túi bỏng ngô. Tôi rắc chín túi xuống đất cho bồ câu, túi còn lại tôi đem ra ghế băng ngồi ăn. Lũ bồ công xúm đen xúm đỏ quanh đống bỏng ngô như diễn viên quần chúng trong phim kỷ niệm Cách mạng tháng Mười. Tôi ăn cùng chúng. Lâu ngày không ăn bỏng ngô, ngon thật.
Bà mẹ sang trọng và con gái xem giếng phun. Chắc bà trạc tuổi tôi. Bà làm tôi nhớ đến cô bạn cùng lớp đã lấy ông chồng cách mạng, đẻ hai đứa con rồi biến mất tăm. Cô ta không còn dịp vào công viên chơi với con nữa. Tất nhiên tôi không rõ cảm xúc của cô ta, nhưng có lẽ tối thiểu tôi giống cô đôi chút ở điểm sắp chấm dứt cuộc đời. Chắc cô ta sẽ phủ nhận bất kỳ sự trùng hợp nào đó với tôi. Hai chúng tôi không gặp nhau đã hai chục năm, hai chục năm là khoảng thời gian đủ để xảy ra khối chuyện. Môi trường của chúng tôi khác nhau, và chúng tôi tư duy khác nhau. Cả hai chúng tôi chia tay với cuộc sống của mình, nhưng khác tôi lúc này, cô ta làm việc đó một cách tự nguyện. Còn tôi thì bị người ta giật mất tấm trải giường trong lúc ngủ.
Nhất định cô ta sẽ phê phán tôi vì chuyện đó. Cậu có được chọn gì đâu cơ chứ - cô sẽ hỏi. Và thế là đúng. Tôi đã không được chọn. Tôi đã không được quyết định làm gì một cách tự nguyện. Cùng lắm là tôi được chọn một điều duy nhất, đó là tha lỗi cho ông giáo sư và không ngủ với cô cháu gái của ông. Nhưng nào có ích gì cho tôi? Liệu cô ta có vì thế mà thừa nhận tôi đã hoàn tất vai trò của mình trong việc xóa sổ của đời?
Tôi không biết. Giữa hai chúng tôi là cái hố hai chục năm. Cô ta sẽ thừa nhận hay không thừa nhận gì vì lý do gì, điều đó vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi. Còn trong sức tưởng tượng của tôi hầu như không còn gì nữa, chỉ có chim câu, giếng phun, thảm cỏ, một bà mẹ cùng con gái. Tuy nhiên, khi nhìn hình ảnh ấy, lần đầu tiên trong những ngày vừa qua tôi thấy không muốn từ biệt thế giới này. Tôi nhổ toẹt vào bất cứ thế giới nào tôi sắp đến. Cứ cho là trong ba mươi lăm năm qua tôi đã dùng hết chín mươi ba phần trăm quãng đời đẹp nhất của mình, được thôi, cớ gì tôi không muốn bám lấy bảy phần trăm còn lại và theo dõi tiến trình của thế giới này? Tại sao, tôi không biết, tôi chỉ cảm thấy đó là nghĩa vụ của mình. Ở thời điểm nào đó tôi đã bắt đầu làm hỏng cuộc đời mình, công nhận thế, nhưng lần nào cũng có lý do nào đó. Tôi đã hành động như không thể khác, kể cả khi không ai hiểu nổi.
Nhưng tôi đâu muốn từ bỏ cuộc đời bị làm hỏng này, đâu muốn vứt bỏ nó vào đống rác? Tôi có nghĩa vụ sống đến hết đời. Nếu nói khác thì nghĩa là tôi không chân thật với chính mình. Không, tôi không được phép vứt cuộc đời này đi.
Nếu việc xóa sổ cuộc đời tôi không làm ai buồn, nếu không khoảng trống nào xuất hiện trong tim ai, nếu chẳng người nào để ý thấy thiếu tôi trên thế giới này – mặc xác tôi. Đúng, tôi đã mất mát nhiều, quá nhiều. Chắc rằng giờ đây tôi chả còn gì nữa để mất – ngoài chính tôi. Nhưng hào quang sót lại cũng những gì tôi đã đánh mất vẫn nóng đỏ trong tôi, nó là lý do khiến tôi sống tiếp cuộc đời của mình.
Không, tôi không muốn đi khỏi thế giới này. Nhắm mắt lại là tôi cảm nhận rõ rệt sự dao động và bấp bênh của tâm hồn. Không buồn bã, không cô đơn, mà là những chuyển động sóng mạnh mẽ đã thúc cuộc sống của tôi chuyển động. Từng đợt sóng nối nhau tràn đến. Tôi dựa vào lưng ghế băng, chống cùi tay cưỡng lại. Không ai đến hỗ trợ tôi. Không ai cứu nổi tôi. Hệt như tôi chưa khi nào cứu được ai.
Tôi chỉ muốn khóc nức thật to lên, nhưng tôi không được phép khóc. Để chảy nước mắt thì tôi đã quá già và đã quá từng trải. Có một nỗi buồn mà không ai khóc được. Nỗi buồn ấy không giải thích được cho ai, và nếu biết cách giải thích cũng không ai hiểu nổi. Một nỗi buồn không thể chuyển qua dạng khác, nó chỉ nhẹ nhàng phủ lên tâm hồn như tuyết rơi trong một đêm lặng gió.
Hồi còn trẻ tôi đã cố diễn tả nỗi buồn ấy bằng lời. Nhưng dù có tìm ra bao nhiêu câu chữ thì tôi cũng không chia sẻ được với ai, ngay cả với chính mình. Cuối cùng tôi bỏ cuộc. Tôi đóng ngôn ngữ của mình lại. Tôi đóng tim mình lại. Nỗi buồn sâu thẳm thậm chí không tìm được cả nước mắt.
Tôi định hút một điếu thuốc, nhưng bao thuốc đâu mất. Trong túi chỉ còn bao diêm với ba que diêm. Tôi đánh từng que một và vứt xuống đất.
Khi tôi nhắm mắt lần nữa, các đợt sóng biến mất. Chỉ có im lặng dịu dàng lơ lửng như bụi trong đầu tôi. Tôi giữ làn bụi ấy một lúc lâu. Nó không bay lên, cũng không chìm xuống. Nó chỉ lơ lửng. Tôi chúm môi hít hơi vào, nhưng bụi không lay động. Không gió bão nào của thế giới này cuốn được nó lên cả.
Rồi tôi nhớ đến cô thủ thư vừa chia tay ban nãy. Nhớ chiếc áo dài nhung trơn, đôi tất và quần lót của cô nằm trên thảm. Chúng còn nằm đó nữa không, nằm trông như chính chủ nhân của chúng? Tôi có thành thật với cô không? Không, không hẳn. Nhưng ai cần sự thành thật? Không ai! Không ai ngoài tôi! Nhưng cuộc sống còn ý nghĩa gì nếu thiếu thành thật? Tôi yêu cô như yêu quần áo cô bị vứt xuống sàn nhà. Hay đó là kiểu thành thật của tôi?
Thành thật là một trong những khái niệm chỉ được hiểu trong một thế giới hạn hẹp. Tuy vậy nó bao trùm tất thảy. Bao trùm lên những con sên, cửa hàng kim khí, đời sống vợ chồng. Không ai cần nó, nhưng với tôi, nó là cái duy nhất mà tôi cho được. Xét về mặt này, sự thành thật giống như tình yêu. Cái ta cho đi không giống cái người khác cần.
Biết đâu tôi đã nên ăn năn cuộc đời mình. Cũng là một dạng thành thật. Nhưng tôi không có gì để ăn năn. Nếu có gì bay sượt qua tôi như làn gió thì chỉ vì tôi muốn thế. Sót lại chỉ còn là những bụi trắng trong đầu tôi.
Tôi mua thuốc lá và diêm ở ki ốt và thử gọi điện lần nữa về nhà. Tôi không tính đến chuyện có người nhấc máy, mà chỉ thấy gọi về nhà mình như hành vi cuối cùng là một ý tưởng thú vị. Trước mắt tôi hiện rõ chiếc điện thoại đổ chuông. Không ngờ, sau hồi chuông thứ ba có người nhấc máy. Và nói: “A lô?” Cô gái mũm mĩm màu hồng.
“Cô vẫn ở đó à?”, tôi giật mình hỏi.
“Chứ sao nữa?”, cô béo nói. “Tôi lại quay về rồi. Tôi không muốn mất nhiều thì giờ. Tôi định đọc hết cuốn sách.”
“Cuốn của Balzac?”
“Vâng. Tiểu thuyết này thực sự thú vị. Người ta cảm thấy có gì như quyền lực của số phận.”
“Sao nữa?”, tôi hỏi. “Cô đã đưa được ông ra chưa?”
“Tất nhiên. Rất đơn giản. Nước rút xuống rồi, còn tôi quá thuộc đường. Ngoài ra tôi còn cẩn thận mua vé tàu điện ngầm nữa. Ông tôi khỏe và gửi lời chào ông.”
“Cảm ơn”, tôi nói. “Bây giờ ông có kế hoạch gì?”
“Ông tôi đi Phần Lan rồi. Ở Nhật Bản ông tôi không có điều kiện tập trung nghiên cứu, nhiều rắc rối quá. Ông tôi xây phòng thí nghiệm ở Turku, một vị trí đẹp và dễ chịu, có nhiều tuần lộc.”
“Còn cô? Sao cô không đi cùng?”
“Tôi đã quyết định ở lại đây, ở nhà ông.”
“Ở nhà tôi?”
“Vâng, tại sao không? Tôi thích ở đây lắm. Tôi sẽ cho sửa cửa, mua tủ lạnh, đầu video và các thứ khác. Hỏng hết cả. Ông có đồng ý tôi mua chăn gối hồng và lắp rèm cửa hồng không?”
“Xin mời.”
“Ngoài ra tôi sẽ đặt mua báo dài hạn. Để xem lịch truyền ti vi.”
“Cứ việc”, tôi nói. “Nhưng ở căn hộ này nguy hiểm đấy. Có thể người của Hệ thống mò đến. Hoặc tụi ký hiệu sư.”
“Không vấn đề gì”, cô nói. “Bọn chúng săn đuổi ông tôi và ông, tôi không dính dáng gì. Vừa rồi có một bọn ngớ ngẩn ló đầu vào đây. Một thằng hộ pháp và một thằng còi cọc. Tôi tống chúng nó đi rồi.”
“Cô làm thế nào?”
“Tôi bắn thằng lớn bay một tai, chắc nó sẽ rách cả màng nhĩ.”
“Không có ai chạy đến vì có tiếng súng à?”
“Không”, cô nói. “Một tiếng súng thì nghe như tiếng động cơ ô tô nổ hụt. Nếu bắn nhiều thì dĩ nhiên không ổn, nhưng tôi biết trình độ mình, một phát là đủ.”
“Chịu thật.”
“À, tôi dự định sẽ ướp lạnh sâu người ông khi ông bị mất ý thức hệ. Ông nghĩ sao?”
“Tùy cô muốn làm gì thì làm. Đằng nào tôi cũng có biết gì nữa đâu”, tôi nói. “Tôi sẽ đi ra cảng, bến Harumi, cô có thể đến nhặt tôi ở đó về. Tôi đi một chiếc Carina 1800 GT Twin-Cam Turbo trắng. Tôi không rõ đời xe nào, nhưng trong xe chạy cát xét của Bob Dylan.”
“Bob Dylan là ai?”
“Là một người hát như đứa trẻ đứng bên cửa sổ xem mưa…”, tôi định miêu tả cho cô nghe nhưng lại thôi. “Một ca sĩ giọng khàn.”
“Nếu tôi ướp lạnh sâu người ông, có thể rồi ông tôi sẽ phát minh ra phương pháp đánh thức ông dậy. Ông không nên hy vọng quá nhiều, nhưng khả năng này không phải không tưởng.”
“Ai không có ý thức, người ấy cũng không hy vọng”, tôi khẳng định. “Ai ướp lạnh tôi? Chẳng lẽ cô?”
“Đừng sợ. Ướp lạnh sâu là chuyên môn của tôi. Tôi đã thí nghiệm ướp chó và mèo sống. Tôi ướp lạnh ông và giấu vào một nơi không ai tìm được”, cô nói. “Nếu mọi chuyện suôn sẻ và ông có lại ý thức hệ, ông sẽ ngủ với tôi nhé?”
“Nhất định”, tôi nói. “Nếu lúc đó cô còn muốn ngủ với tôi.”
“Ông sẽ làm thật?”
“Với mọi trò cần thiết”, tôi nói. “Nhưng ai biết còn bao nhiêu năm nữa mới xảy ra.”
“Muốn gì thì tôi cũng sẽ không còn mười bảy tuổi nữa”, cô nói.
“Ai chẳng già đi”, tôi nói, “kể cả những người ướp lạnh sâu.”
“Ông cẩn trọng nhé!”, cô nói.
“Cô cũng thế!”, tôi nói. “Nói chuyện lần nữa với cô khiến tôi rất hài lòng.”
“Vì khả năng quay lại thế giới này à? Không chắc lắm đâu, người ta phải…”
“Không, không vì thế. Tất nhiên nếu được thì tốt. Nhưng ý tôi không thế. Tôi chỉ rất hạnh phúc khi được nói chuyện với cô lần nữa. Nghe giọng cô nói. Và biết cô làm gì.”
“Ông muốn nói nữa không?”
“Không, đủ rồi. Tôi cũng không còn nhiều thì giờ lắm.”
“Ông đừng sợ”, cô gái mũm mĩm nói. “Nếu ông vĩnh viễn mất đi, tôi sẽ nhớ ông suốt đời. Trong tim tôi ông không mất đi. Xin ông đừng quên điều đó!”
“Tôi không quên đâu”, tôi nói và cúp máy.
Mười một giờ. Tôi tìm nhà vệ sinh gần đó để đái rồi rời khỏi công viên. Tôi nổ máy đi về hướng cảng, đầu vẩn vơ toàn chuyện ướp lạnh sâu. Trên đường Ginza đông đặc đàn ông thắt cà vạt. Khi đỗ ở đèn hiệu giao thông, tôi ngó nghiêng tìm cô thủ thư đang mua hàng ở đâu đây, nhưng tiếc thay, không thấy cô đâu cả. Chỉ toàn những khuôn mặt lạ.
Đến cảng, tôi đỗ xe cạnh một nhà kho bỏ hoang, châm một điếu thuốc và đút cát xét Bob Dylan vào. Tôi ngả lưng ghế xuống, gác chân lên vô lăng và hít thở nhẹ. Tôi cũng muốn uống một ngụm bia nhưng không còn, ở công viên tôi và cô thủ thư đã uống hết cả sáu lon. Mặt trời chiếu qua kính chắn gió và bọc tôi vào quầng sáng. Tôi nhắm mắt lại, cảm thấy nắng ấm trên mi mắt. Nghĩ đến quãng đường dài mà tia nắng đi qua để xuống đến hành tinh nhỏ bé này rồi mất một ít sức lực nằm dưới mi mắt tôi, tôi thấy xúc động kỳ lạ. Trong vũ trụ, cái gì cũng được nhớ đến, cả những chi tiết nhỏ xíu như mi mắt tôi. Tôi đã hiểu được Alyosha Karamazov hơn một chút chăng? Cuộc sống hạn hẹp được chia cho một hạnh phúc hạn hẹp.
Tôi ban phước lành cho ông giáo sư, đứa cháu gái mũm mĩm của ông và cô thủ thư. Tôi không rõ mình có quyền ấy không, nhưng nói cho cùng chẳng việc gì phải sợ bị chịu trách nhiệm: đời tôi sắp bị xóa sổ. Anh lái taxi mê Police và nhạc Reggae cũng được tôi cho vào danh sách ban phước lành: anh đã cho chúng tôi, hai hình nhân bẩn thỉu, lên xe. Không có lý gì không ban phước lành cho anh. Có lẽ anh đang vòng vèo đâu đó, vừa lái xe vừa nghe nhạc Rock và ngó nghiêng tìm khách trẻ tuổi.
Trước mặt tôi là biển. Tôi thấy một tàu chở hàng cũ kỹ đã dỡ hàng, vạch ngấn nước nổi cao hẳn. Đây đó những con hải âu trông như mấy chấm trắng. Bob Dylan hát Blowing in the Wind. Tôi nghe Bob và nghĩ đến sên, bấm móng tay, cá trứng, nước xốt bơ, bọt cạo râu. Thế giới đầy những phát giác màu nhiệm.
Mặt trời đầu thu lóng lánh đung đưa trên mặt biển, tựa như ai đó đập tan một tấm gương khổng lồ thành vô vàn mảnh tí xíu khiến không người nào chắp lại được nữa.
Giọng hát Bob Dylan nhắc tôi nhớ đến cô gái ở trạm thuê xe. Phải rồi, cô cũng là người được tôi đưa vào danh sách ban phước lành. Cô đã gây một ấn tượng rất dễ mến. Tôi đâu có thể bỏ quên cô được.
Tôi nhớ lại diện mạo cô. Cô mặc áo vest xanh nhạt như màu cỏ sân bóng chày vào đầu mùa bóng, sơ mi trắng và khăn cổ đen. Hình như đó là đồng phục của công ty cho thuê ô tô. Vì hiếm ai kết hợp áo vest xanh nhạt với khăn quàng đen. Cô nghe các bài hát xưa của Bob Dylan và nghĩ đến mưa.
Tôi cũng tưởng tượng ra trời mưa. Mưa bụi, khó biết còn đang mưa hay không. Nhưng đúng là mưa. Mưa rơi xuống sên, hàng rào, đàn bò. Không ai chặn được mưa. Không ai trốn nổi mưa. Mưa luôn rơi một cách công bằng.
Cuối cùng, mưa trùm lên ý thức tôi như một tấm rèm trắng đục, mờ ảo.
Giấc ngủ đến.
Đó là lúc tôi nhận lại những gì bị mất, tôi nghĩ bụng. Tôi đánh mất chúng, nhưng chúng không mất đi đâu cả. Tôi nhắm mắt và thả mình đắm vào giấc ngủ sâu. Bob Dylan hát đi hát lại A Hard Rain’s A-Gonna Fall.