ừ cuối ống bê tông đến bến tàu điện ngầm Aoyama Itchome không xa lắm. Chúng tôi đi dọc đường ray; mỗi khi có tàu lại gần, chúng tôi nép vào sau các cột chống. Lần nào chúng tôi cũng nhìn vào các toa, nhưng không ai trong số các hành khách nhìn ra chỗ chúng tôi. Người đi tàu điện ngầm không nhìn ra cửa sổ. Một số đọc báo, số khác đứng hoặc ngồi vẩn vơ. Tàu điện ngầm đối với họ chỉ là một phương tiện giao thông đô thị dễ chịu và hiệu quả. Không ai vui mừng nhảy cẫng lên khi đi tàu cả.
Tàu không đông lắm. Ít ai đứng. Giờ cao điểm qua rồi, tuy nhiên tôi vẫn nhớ tuyến Ginza lúc mười giờ sáng tấp nập hơn nhiều.
“Hôm nay là thứ mấy?”, tôi hỏi cô gái.
“Tôi không rõ. Tôi không bao giờ chú ý chuyện đó”, cô nói.
“Nếu là ngày làm việc thì tàu khá vắng”, tôi ngờ vực. “Có thể hôm nay là Chủ nhật.”
“Nếu Chủ nhật thì sao?”
“Chẳng sao cả. Chủ nhật là Chủ nhật thôi”, tôi nói.
Đi trên đường ray dễ hơn tôi tưởng. Rộng rãi, chẳng có gì vướng chân, không có đèn giao thông lẫn ô tô. Không có trạm thu phí đường lẫn người say rượu. Hàng đèn nê ông trên tường chiếu đủ sáng, quạt gió làm thoáng khí. So với mùi ẩm mốc mà chúng tôi hít thở ban nãy thì không có gì đáng phàn nàn cả.
Trước tiên chúng tôi để chuyến Ginza đi qua, sau đó đến một chuyến đi Shibuya. Bây giờ đã tới gần bến Aoyama Itchome. Chúng tôi ngó ra bóng tối của một cột cống để đánh giá tình hình trên sân ga. Quan trọng nhất là không bị nhân viên đường sắt bắt gặp, vì tôi không biết phải giải trình ra sao. Cuối sân ga có một bậc tam cấp. Rào chắn bằng gỗ thì dễ nhảy qua, vấn đề duy nhất là tránh không để người của nhà ga nhìn thấy.
Từ chân cột chúng tôi quan sát một chuyến tàu từ Shibuya vào bến, dừng lại, mở một cửa nhả khách ra, để khách mới lên và đóng lại. Chúng tôi nhìn thấy người soát vé xuống tàu và quan sát mọi người lên xuống, sau đó đóng cửa và phát tín hiệu khởi hành. Tàu rời bến là các nhân viên nhà ga cũng biến đâu mất. Trên sân ga đối diện không thấy bóng ai cả.
“Đi nào!”, tôi nói. “Không chạy, đi bình thường như không có gì xảy ra kẻo người ta sinh nghi.”
“Rõ”, cô gái nói.
Chúng tôi rời bóng cột, rảo chân đi đến bậc tam cấp, trèo lên và thản nhiên leo qua bục gỗ một cách thành thạo như vẫn làm việc đó hàng ngày. Vài người ngạc nhiên nhìn chúng tôi; chắc họ tự hỏi bọn tôi là loại người nào. Chúng tôi trông không giống nhân viên đường sắt. Lem luốc. Quần tôi và váy cô ướt nhẹp. Tóc tai rối bù. Ánh đèn khiến nước mắt chảy ra. Trông không thể là nhân viên đường sắt rồi. Nhưng có ai chui vào hầm đường tàu điện ngầm cho vui không?
Trước khi mọi người nghĩ tiếp, chúng tôi cố đi nhanh đến rào chắn. Chợt tôi nghĩ ra là chúng tôi không có vé tàu.
“Cứ nói là mình bị mất vé và bây giờ muốn trả tiền”, cô gái nói.
Tôi nói với người đàn ông ở rào chắn là chúng tôi bị mất vé.
“Ông đã tìm kỹ lại chưa?”, anh ta hỏi. “Ông thử xem lại trong túi!”
Chúng tôi tìm hết các túi. Người đàn ông nhìn tôi đầy ngờ vực.”
Tôi nói là mất thật rồi.
“Ông lên tàu ở bến nào?”
Tôi nói ở Shibuya.
“Ông đã trả bao nhiêu tiền vé từ Shibuya đến đây?”
Tôi bảo không nhớ. “120 hay 140 Yên, đại khái chừng ấy.”
“Ông không nhớ rõ à?”
“Tôi mải suy nghĩ chuyện khác”, tôi nói.
“Ông lên tàu ở Shibuya thật không?”
“Đây là sân ga cho các chuyến tàu từ Shibuya mà! Chúng tôi còn đến từ đâu nữa?”, tôi vặc lại.
“Người ta cũng có thể đi từ sân ga khác qua đây. Và tuyến Ginza rất dài, đúng không ạ? Ví dụ người ta có thể đi tuyến Tozai từ Tsudanuma đến Nihombashi rồi chuyển tàu về đây!”
“Tsudanuma?”
“Ví dụ thôi”, người đàn ông ở rào chắn nói.
“Đi từ Tsudanuma thì giá vé bao nhiêu? Tôi trả hết. Được chưa?”
“Ông lên tàu ở Tsudanuma à?”
“Không”, tôi nói. “Tôi chưa đến Tsudanuma bao giờ.”
“Tại sao ông định trả tiền vé từ Tsudanuma đi Aoyama Itchome?”
“Vì anh nói thế.”
“Tôi chỉ nói là ví dụ thôi, đúng không?”
Chuyến tàu tiếp theo vào bến, chừng hai chục khách xuống tàu và đi qua rào chắn ra ngoài. Tôi nhìn theo họ. Không ai đi ra mà không có vé cả. Chúng tôi lại thương lượng từ đầu.
“Vậy tôi phải trả tiền vé từ đâu? Anh tính bao nhiêu là đủ?”, tôi hỏi.
“Tính từ bến mà ông lên tàu”, nhân viên nhà ga nói.
“Shibuya, tôi đã nói rồi!”, tôi nói.
“Nhưng ông không nhớ đã trả bao nhiêu tiền!”
“Ai đi nhớ tiền vé làm gì”, tôi nói. “Hay anh còn nhớ một tách cà phê ở tiệm McDonald’s giá bao nhiêu?”
“Tôi không uống cà phê của McDonald’s”, người đàn ông nói. “Chỉ tổ phí tiền.”
“Ví dụ thôi”, tôi nói. “Những chuyện vặt vãnh ai nhớ làm gì!”
“Ai đánh mất vé cũng muốn trả càng ít càng tốt. Ai cũng đến chỗ rào chắn từ phía này. Ai cũng lên tàu ở Shibuya. Ai cũng thế!”
“Tôi đã nói là anh tính bao nhiêu cũng được cơ mà. Anh nghĩ là tôi lên tàu ở đâu?”
“Làm sao tôi biết được?”
Để chấm dứt vụ tranh cãi vô vọng này, tôi đưa tờ 1.000 yên và cứ thế đi ra. Chúng tôi nghe anh ta gọi với theo sau lưng nhưng không bận tâm. Thế giới sắp lụi tàn, việc gì tôi phải quan tâm đến một hay hai vé tàu. Đằng nào thì tôi cũng chẳng mấy khi đi tàu điện ngầm.
Bên ngoài mưa. Mưa phùn. Đất và cây cối ướt đẫm. Hình như trời mưa cả đêm. Mưa làm tôi hơi buồn. Hôm nay là ngày cuối cùng, ngày vàng bạc của tôi. Tôi không thích mưa. Tôi thích một, hai ngày nắng. Sau đó cứ việc mua cả tháng, mưa như trong tiểu thuyết của J.G.Ballard cũng được. Tôi muốn nằm lăn ra cỏ trong nắng ấm, nghe nhạc và uống một lon bia lạnh. Tôi có đòi hỏi gì quá đáng đâu?
Trông không có vẻ sắp ngớt mưa. Bầu trời giăng kín những đám mây xám đục như quấn nhiều lớp nylon giữ tươi thực phẩm, mưa phùn vẫn không ngừng rơi. Tôi tính mua một tờ báo để xem thời tiết, nhưng muốn thế thì phải đi cả quãng đường ngược về ki ốt trong ga tàu điện ngầm và biết đâu lại phải cãi vô vọng với tay nhân viên ở rào chắn. Vậy thì không cần báo nữa. Ngày hôm nay bắt đầu không suôn sẻ lắm. Và tôi vẫn chưa biết hôm nay là thứ mấy.
Mọi người đều che ô. Tôi và cô gái là hai người duy nhất không có. Chúng tôi trú vào một mái hiên và nhìn đăm đăm ra ngoài, tựa như trước mắt chúng tôi là tàn tích của ngôi đền cổ Akropolis. Từng đoàn ô tô đủ màu sắc chạy ngang qua ngã tư ướt át. Khó có thể tưởng tượng ra ở dưới chân chúng tôi lại là thế giới ma đen khủng khiếp.
“May mà mưa”, cô nói.
“Tại sao?”
“Có mặt trời sẽ quá chói và mình không ra ngoài được ngay. Thế này hơn, đúng không?”
“Tùy cách nhìn của từng người”, tôi nói.
“Mình làm gì bây giờ?”
“Kiếm thứ gì nóng để uống đã. Sau đó về nhà và tắm.”
Chúng tôi vào cửa hàng bách hóa gần nhất và gọi ở quầy bánh mì sát cửa ra vào hai chén xúp kem ngô và một bánh kẹp trứng giăm bông. Cô bán hàng sau quầy thoáng giật mình khi thấy bộ dạng lem luốc của chúng tôi, nhưng sau đó lại nghiêm chỉnh như không có gì xảy ra: “Hai chén xúp kem ngô và một bánh kem trứng giăm bông phải không ạ?”
“Đúng thế”, tôi nói và hỏi thêm: “Hôm nay là thứ mấy?”
“Chủ nhật”, cô phục vụ nói.
“Thấy chưa, tôi đã nói mà!”, tôi quay sang cô gái mũm mĩm.
Trong khi đợi họ đi lấy xúp và bánh, tôi giết thì giờ bằng tờ Sports Nippon của ai đó vứt lại ở bàn bên cạnh. Tôi không tin là đọc báo thể thao có ý nghĩa, nhưng còn hơn là không đọc gì. Báo đề ngày Chủ nhật, ngày 2/10. Trong đó không có mục thời tiết, nhưng nói chi tiết về tình hình mưa trong mục đua ngựa. Tối nay dự tính sẽ đỡ mưa, nhưng cũng chẳng ích gì cho những trận đua cuối cùng. Nền đất ở các bãi đua lớn rất tồi. Ở sân bóng chày Jingu đội Yakult thua đội Chunichi 2:6. Không thấy đả động đến ổ ma đen ngay dưới sân vận động.
Cô bạn đồng hành mập của tôi muốn xem mấy trang cuối. Tôi gỡ ra đưa cô. Thì ra cô quan tâm đến bài báo “Uống tinh trùng có làm đẹp da?” Bài báo là chuyện thật kể lại của một phụ nữ: “Bị nhốt vào cũi và hãm hiếp!”. Làm thế nào để hãm hiếp một phụ nữ bị nhốt trong cũi được nhỉ? Tôi không rõ. Có lẽ phải vận dụng một phương pháp đặc biệt, nhưng nhất định rất vất vả. Tôi xin hàng.
“Ông có thích người ta uống tinh trùng của ông không?”, cô hỏi tôi.
“Thế nào cũng được”, tôi đáp.
“Ông xem người ta viết đây này: ‘Đa số đàn ông thích phụ nữ uống tinh trùng của mình khi được kích thích bằng miệng. Họ coi đó là sự khẳng định rằng người phụ nữ đó đã hoàn toàn chấp nhận mình. Vừa là một dạng nghi thức, vừa là một minh chứng.”
“Tôi không hiểu”, tôi nói.
“Đã có ai uống của ông chưa?”
“Tôi không nhớ. Hình như không.”
“Hừm”, cô nói và đọc tiếp.
Tôi đọc bảng xếp hạng cầu thủ bóng chày của các giải Central và Pacific.
Thức ăn được đưa đến. Ngon, nhưng không rõ thứ gì ngon. Tôi thở dài một hơi não nuột, đại diện cho tất cả những hơi thở dài quây tụ trong người. Không phải ngày nào trong đời cũng thở dài được não nuột như vậy.
Chúng tôi ra khỏi cửa hàng và tìm taxi. Lâu lắm mới có một chiếc chịu dừng lại – trông chúng tôi quá bẩn thỉu. Lái xe là một thanh niên tóc dài, bên ghế lái phụ một chiếc đài cát xét to đùng đang phát ầm ầm nhạc của Police. Tôi phải hét lên để anh ta nghe được điểm đến và thả mình xuống ghế sau.
“Sao hai người bẩn thế?”, người lái xe nhìn vào gương chiếu hậu.
“Chúng tôi vừa ẩu đả một trận kinh hồn trong mưa”, cô gái đáp.
“A, hơi bị hoành tráng đấy!”, người lái nói. “Trông hai người gớm ghiếc quá. Anh có một vết bầm ở cổ nữa kìa!”
“Biết rồi”, tôi nói.
“Nhưng không sao, tôi chơi tất.”
“Tại sao?”, cô gái mũm mĩm hỏi.
“Tôi chỉ cho khách trẻ thích nhạc Rock lên xe. Họ sạch hay bẩn cũng được. Tôi chỉ cần nhạc thôi. Hai người thích Police chứ?”
“Thích”, tôi trả lời như anh ta muốn nghe.
“Trung tâm điều hành không muốn tôi chơi thứ nhạc quỷ quái này. Họ bảo tôi vặn radio, chương trình nhạc trẻ. Rõ là một lũ ấm đầu! Matchi? Seiko Matsuda? Quên khẩn trương! Police mới là đỉnh. Tôi nghe cả ngày không chán. Nhạc Reggae[3] cũng ổn. Hai người thấy Reggae thế nào?”
“Không dở”, tôi nói.
Hết băng Police người lái xe đút băng của Bob Marley vào, thu từ một live show. Trên xe đầy cát xét. Tôi kiệt quệ, mệt mỏi, rét run, chân tay rã rời – không phải tâm trạng lý tưởng để tận hưởng nhạc. Nhưng chúng tôi còn gặp may được anh ta cho lên xe. Từ ghế sau, tôi quan sát anh ta vừa lái xe vừa lắc lư theo nhịp Reggae.
Khi xe đỗ trước cửa nhà, tôi trả tiền, xuống xe và bo thêm một nghìn: “Để mua băng cát xét mới!”
“Tuyệt quá, rất cảm ơn!”, anh ta nói. “Hai người muốn đi lúc nào với tôi cũng được!”
“Ừ, có thể”, tôi nói.
“Mười, mười lăm năm nữa biết đâu đa số taxi đều vặn nhạc Rock. Thế mới gọi là khủng!”
“Chính thế”, tôi nói.
Nhưng tôi không tin lắm, Jim Morrison đã chết được mười lăm năm, và chưa bao giờ tôi được nghe The Doors trong taxi. Có thứ thay đổi trong thế giới này, có thứ không. Nhưng những thứ gì không thay đổi thì sẽ chẳng bao giờ thay đổi nữa. Trong đó có nhạc trên taxi. Siêu thị không bao giờ ngừng phát nhạc của Raimond Lefebve Orchestra, quán bia chơi Polka, từ giữa tháng Mười một trở đi vào các cửa hàng bách hóa chỉ nghe thấy nhạc mừng Giáng sinh.
Chúng tôi đi thang máy lên tầng. Cửa vào căn hộ của tôi vẫn tung khỏi bản lề, nhưng ai đó đã bỏ công đẩy nó áp vào khung, thọat nhìn cứ tưởng như cửa đang đóng. Tôi không biết ai làm, nhưng chắc chắn đây là một việc tốn công sức và thời gian. Như một người tiền sử đẩy tảng đá khỏi cửa hang, tôi đẩy tấm cửa sắt từng phân một ra để cô gái vào nhà. Từ bên trong tôi đẩy kín lại để không ai nhìn được vào phòng và cẩn thận chốt dây xích bảo hiểm.
Phòng tôi được dọn dẹp ngăn nắp, khiến tôi trong một thoáng tưởng là cảnh tàn phá chỉ do mình tưởng tượng ra. Bàn ghế bị lật đổ, nay lại trở về vị trí cũ. Thức ăn vung vãi trên sàn nhà đã được dọn đi sạch sẽ. Mảnh thủy tinh và chén bát bị đập vỡ giờ biến mất. Sách vở đứng trên giá, đĩa hát xếp ngay ngắn, quần áo treo trong tủ. Bếp, nhà tắm và phòng ngủ sạch long lanh, không có gì lộn xộn cả.
Nhưng nhìn kỹ thì vẫn thấy khắp nơi dấu vết của sự tàn phá. Màn hình vô tuyến bị đập vỡ để lại một lỗ đen toang hoác. Tủ lạnh trống trơn và không chạy. Những quần áo bị cắt nát không còn đấy nữa, phần còn lại trong trong tủ thì chỉ cần một túi du lịch nhỏ là chứa đủ. Trong tủ bếp còn sót vài cái ly và đĩa. Đồng hồ treo tường đứng im. Không dụng cụ điện nào hoạt động nữa. Ai đó đã dọn đi tất cả những gì không dùng được nữa. Nhà tôi như được vứt bớt đồ thừa và rộng rãi hẳn ra. Có thể thiếu vài thứ cần thiết song đối với tôi bây giờ có gì thực sự cần thiết nữa đâu?
Tôi kiểm tra máy nước nóng trong buồng tắm. Máy còn tốt. Tôi xả nước vào bồn. Xà phòng, dao cạo râu, bàn chải răng, khăn tắm, tất cả còn nguyên và vòi sen cũng hoạt động. Thậm chí áo choàng tắm của tôi cũng sống sót sau trận công kích. Nhất định trong bồn tắm cũng mất đi thứ gì đó, tôi chỉ không biết rõ thiếu gì.
Trong khi tôi cho nước vào bồn và nhìn ngó quanh trong phòng, cô gái ngồi trong một góc và đọc Les Chouans của Balzac. “A, ở Pháp ngày xưa cũng có rái cá đấy”, cô reo lên.
“Có gì lạ đâu?”, tôi nói.
“Bây giờ có không?”
“Ai biết được.”
Tôi ngồi xuống ghế trong bếp và đoán xem ai đã dọn núi rác trong nhà. Người ấy đã tốn công sức dọn dẹp kỹ lưỡng, bất kể có chủ ý gì. Có thể hai tên của Nhà máy, hoặc người của Hệ thống. Tôi không biết bọn chúng suy nghĩ gì và làm việc theo tiêu chí nào. Nhưng tôi vô cùng hàm ơn lực lượng vệ sinh bí ẩn ấy. Thấy nhà cửa ngăn nắp khi trở về là một cảm giác tuyệt vời.
Khi nước tắm đã xong, tôi vào phòng ngủ gọi cô gái đi tắm trước. Cô gập góc trang đang đọc để đánh dấu, ra bếp và thoăn thoắt cởi đồ. Nhanh và tự nhiên đến nỗi tôi chỉ còn biết ngồi dính ở mép giường và quan sát cô. Cô có một thân hình lạ, không như trẻ con mà cũng chẳng hẳn người lớn. Người cô mập mạp, trắng như phủ đều một lớp dầu lấp lánh. Vẻ mũm mĩm của cơ thể cô cân đối đến nỗi khiến ta quên đi một giây rằng cô là người béo. Tay, đùi, gáy và bụng cô là những đường cong tuyệt mỹ và lấp lánh như da cá voi. Vú cô tương đối nhỏ nhưng cực kỳ xinh xắn, mông cô chắc lẳn.
“Tôi không xấu lắm nhỉ?”, cô nói với từ trong bếp ra.
“Hoàn toàn không”, tôi trả lời.
“Đắp lên người chừng ấy thịt không phải đơn giản. Tôi phải ăn rất nhiều cơm lẫn đồ ăn béo và bánh ngọt đấy”, cô nói.
Tôi chỉ gật đầu.
Trong khi cô tắm, tôi thay sơ mi và cái quần ướt bằng mấy đồ còn sót lại rồi nằm trên giường nghĩ nên làm gì. Gần mười một rưỡi. Tôi còn khoảng 24 tiếng nữa. Phải lập một kế hoạch chính xác. Ngày cuối cùng của đời tôi không thể muốn ra sao thì ra.
Bên ngoài vẫn mưa. Mưa phùn nhẹ và mỏng như bụi, mắt thường khó thấy, chỉ nhận ra qua những giọt nước rỏ từ ô văng trên cửa sổ xuống. Đôi lúc có tiếng ô tô vút qua trên nền nhựa đường ướt át. Giọng trẻ con gọi í ới. Cô gái trong bồn tắm hát bài gì đó tôi không biết. Chắc tự nghĩ ra.
Mắt tôi như ríu lại trên giường nhưng tôi không được thiếp đi. Nếu tôi ngủ thì sẽ mất đi mấy tiếng đồng hồ mà không làm được việc gì. Nhưng không ngủ thì làm gì? Tôi không biết. Tôi gỡ vòng cao su trên chụp đèn cây cạnh giường, nghịch chơi một lúc rồi gắn lại chỗ cũ. Dù thế nào cũng không ở lại trong nhà. Khoanh tay ngồi đây chẳng đem lại gì cả. Phải ra ngoài đã, rồi sẽ nghĩ làm tiếp việc gì.
Người nào chỉ còn được sống 24 giờ nữa sẽ có vô số việc phải làm, nhưng tôi không nghĩ được lấy một. Tôi lại gỡ vòng cao su ở đèn cây ra và ngoáy tròn trên ngón tay. Tôi nhớ đến tấm áp phích Frankfurt dán ở siêu thị. Trên đó thấy một dòng sông, cây cầu và mấy con thiên nga. Được đấy chứ. Chấm dứt cuộc đời ở đó không phải là một ý tưởng tồi. Nhưng thứ nhất là khó đến được Frankfurt trong vòng 24 tiếng, sau nữa, nếu có thể được thì tôi cũng không thích ngồi hơn 10 tiếng trên một chiếc ghế máy bay chật cứng và nuốt thứ đồ ăn tởm lợm trên đó. Thêm nữa là khó loại trừ khả năng Frankfurt trên ảnh đẹp hơn thành phố ngoài đời. Cuộc đời tôi không được chấm dứt với một thất vọng. Vậy thì bỏ mọi kế hoạch du lịch. Du lịch đòi hỏi thì giờ, và hầu hết luôn luôn không thú vị như người ta hình dung trước đó.
Rốt cuộc tôi chỉ nghĩ ra một việc: đưa một cô gái đi chơi, ăn một bữa ngon, uống chút gì. Tôi giở sổ tay tìm số điện thoại của thư viện thành phố, bấm số gọi và nhờ nối máy với cô gái ở quầy thông tin.
“A lô?”, cô cầm máy.
“Rất cảm ơn em đã kiếm cho anh mấy cuốn sách về thú một sừng hôm trước”, tôi nói.
“Em cảm ơn mới đúng, bữa ăn tuyệt vời!”, cô nói.
“Tối nay em có thích đi ăn cùng anh không?”, tôi mời cô.
“Đi ăn…”, cô ngần ngừ nhắc lại. “Hôm nay em có thảo luận nhóm.”
“Nhóm gì?”
“Nhóm nghiên cứu vấn đề ô nhiễm sông ngòi. Vấn đề cá chết vì xả hóa chất ra sông hay các nguyên nhân tương tự. Bọn em nghiên cứu đề tài đó. Hôm nay đến lượt em trình bày báo cáo.”
“Trách nhiệm công dân mà, anh hiểu.”
“Đúng thế. Mình có thể lui bữa ăn vào tối mai không? Mai là thứ Hai, ngày thư viện đóng cửa, mình sẽ dư dả thì giờ.”
“Chiều mai anh không ở đây nữa. Anh không thể giải thích dài dòng qua điện thoại cho em hiểu, nhưng anh phải đi xa một thời gian, rất xa.”
“Đi xa? Anh đi du lịch à?”, cô hỏi.
“Đại khái thế”, tôi nói.
“Xin lỗi, anh giữ máy một chút”, cô nói. Chắc hẳn là cô phải thông tin cho một người đọc. Qua ống nghe tôi hình dung ra buổi chiều Chủ nhật ở thư viện ra sao. Một đứa bé khóc vì bị bố mắng. Có tiếng gõ bàn phím máy tính. Thế giới bình yên, tất cả êm đẹp. Mọi người mượn sách của thư viện, nhân viên đường sắt quát hành khách không có vé hoặc mua nhầm vé, ở trường đua vẫn tổ chức đua ngựa khi có mưa.
“Sách thông tin về nâng cấp nhà riêng”, tôi nghe tiếng cô gái giải thích, “bác tìm ở giá sách F5, có ba quyển.”
Khách nói gì đó, rồi cô gái quay lại: “Xin lỗi đã bắt anh đợi. Được, anh ạ. Em sẽ trốn thảo luận nhóm. Nhất định họ sẽ ầm ĩ lên đấy.”
“Cứ đổ lỗi cho anh!”
“Không sao đâu. Đằng nào thì sông ở vùng này đã hết cá từ lâu rồi. Em hoãn báo cáo một tuần thì cũng chẳng có hại cho ai cả.”
“Nghe cũng có lý”, tôi nói.
“Mình đi ăn ở đâu? Ở nhà anh?”
“Không, ở nhà anh không được. Tủ lạnh hỏng, bát đĩa cũng chẳng còn mấy. Không nấu được.”
“Em biết”, cô nói.
“Em biết?”
“Vâng. Em dọn dẹp không sạch lắm à?”
“Thì ra em đã dọn dẹp ở đây!”
“Vâng. Em hy vọng không làm trái ý anh. Sáng nay em định đưa qua cho anh một cuốn sách, thấy cửa mở, và em đã dọn những thứ vương vãi ở đó. Do đó em đi làm hơi trễ giờ, nhưng bù lại thì hôm nọ anh đã mời em ăn. Anh không trách em chứ?”
“Không, không bao giờ”, tôi nói. “Cảm ơn em!”
“Được, sáu giờ mười anh đón em ở thư viện nhé? Chủ nhật ở đây mở đến sáu giờ.”
“Anh sẽ đến”, tôi nói. “Và cảm ơn em lần nữa!”
“Không có gì”, cô nói và đặt máy.
Cô gái béo từ buồng tắm đi ra khi tôi đang tìm trong tủ mấy thứ đồ để mặc tối nay. Tôi đưa cô khăn tắm và áo khoác ở nhà. Cô đứng trần truồng một lúc trước mắt tôi, tay cầm khăn và áo. Cô vừa gội đầu, tóc dính ướt trên trán và má, vành tai nhọn ló ra, toòng teng đôi bông tai vàng.
“Cô không tháo bông tai khi tắm à?”, tôi hỏi.
“Không bao giờ. Tôi kể với ông rồi đấy. Không tháo ra được, đỡ bị mất. Đẹp không?”
“Rất đẹp”, tôi nói.
Đồ lót, váy và sơ mi của cô treo trong buồng tắm cho kho. Nịt vú hồng, quần lót hồng, sơ mi hồng phấn. Ngày cuối cùng trong đời, tôi ngồi trong bồn và không biết làm gì hơn là ngắm mấy đồ đó. Tôi rất ghét nhìn thấy đồ lót treo trong buồng tắm. Đừng ai hỏi tôi vì sao. Không ưu là không ưu.
Tôi xoa xà phòng, gội đầu thật nhanh, đánh răng và cạo râu. Sau đó tôi lau người và mặc quần lót và quần dài. Từ hôm qua, vết thương đã đỡ đau hẳn mặc cho mọi chuyện điên rồ mà tôi phải trải qua. Cô gái mũm mĩm ngồi trên giường, vừa sấy tóc vừa đọc Balzac. Cơn mưa ngoài kia dường như không muốn ngớt đi. Đồ lót treo trong buồng tắm, một cô gái ngả ngốn trên giường với máy sấy tóc và quyển sách, ngoài trời đang mưa – toàn những hình ảnh gợi lại ngày tôi còn có gia đình.
“Ông cần máy sấy tóc không?”, cô bé hỏi.
“Không”, tôi nói. Vợ tôi để nó lại đây khi bỏ tôi đi. Tôi để tóc ngắn, không cần máy sấy.
Tôi ngồi xuống giường cạnh cô, dựa đầu vào tường và nhắm mắt. Trong bóng tối sau mi mắt vô số màu sắc hiện lên rồi biến đi. Không lạ, từ mấy hôm nay tôi không được ngủ đủ giấc. Mỗi lần nằm xuống lại có người đến thức dậy. Nhắm mắt lại là có cảm giác giấc ngủ muốn kéo tôi vào vương quốc của bóng tối. Giống như những con ma đen, nó vươn tay từ bóng tối sâu thẳm ra để bám lấy tôi.
Tôi mở mắt và vuốt tay lên mặt. Tắm và cạo râu xong tôi không làm gì, bây giờ da mặt khô và căng như mặt trống. Tựa như đó không phải là khuôn mặt của mình. Vết vắt cắn xót như bỏng. Chắc hai con vắt ấy đã hút của tôi cả lít máu.
“Vẫn chuyện tinh trùng”, cô nói và đặt sách xuống. “Ông không thích tôi uống thật à?”
“Bây giờ thì không”, tôi nói.
“Ông không có hứng?”
“Không.”
“Ông cũng không thích ngủ với tôi?”
“Bây giờ không.”
“Vì tôi béo, phải không?”
“Không liên quan gì đến chuyện ấy”, tôi nói. “Cô xinh đẹp thực sự.”
“Vậy tại sao ông không ngủ với tôi?”
“Tôi không biết”, tôi nói. “Tôi không biết tại sao, nhưng tôi có cảm giác bây giờ không được phép ngủ với cô.”
“Vì lý do đạo đức? Vì ngược lại với quan điểm đạo đức của ông?”
“Đạo đức?”, tôi lặp lại. Một khái niệm lạ. Tôi nhìn lên trần nhà và nghĩ một hồi lâu về nó. “Không”, tôi nói, “không phải đạo đức, một chuyện khác. Có thể là linh tính, linh cảm, đại loại như vậy. Cũng có thể liên quan đến ký ức ngược chiều. Tôi không thể giải thích thấu đáo điều đó. Có lẽ không có gì thích hơn là bây giờ ngủ với cô, nhưng tôi bị cản lại bởi linh tính, linh cảm hay cái gì đó mà tôi không gọi được tên, nó nói với tôi rằng bây giờ không phải thời điểm thích hợp.”
Cô chống cùi tay lên gối bông và nhìn vào mắt tôi. “Ông không nói dối đấy chứ?”
“Trong chuyện này tôi không bao giờ nói dối.”
“Và đúng là ông đang nghĩ như vậy?”
“Không, tôi cảm nhận thấy vậy.”
“Ông có chứng minh được không?”
“Chứng minh gì?”, tôi sửng sốt.
“Chứng mình là ông thích ngủ với tôi.”
“Tôi đang cương lên”, tôi nói.
“Đưa xem!”, cô nói.
Thoạt tiên tôi lưỡng lự, nhưng rồi vẫn kéo quần xuống. Tôi quá mệt mỏi để cãi vã lâu nữa với cô, và đằng nào thì tôi cũng không còn ở lâu nữa trong thế giới này. Vả lại khó tin sẽ xảy ra một vụ bê bối nghiêm trọng khi tôi vạch cho một cô bé mười bảy tuổi xem dương vật khỏe mạnh cương cứng.”
“Đúng thật”, cô nói trong khi xem dương vật căng phồng của tôi. “Cho tôi sờ vào nhé?”
“Không!”, tôi nói. “Nhưng chứng minh thế đã đủ chưa?”
“Thôi được.”
Tôi kéo quần lên che dương vật. Bên ngoài có tiếng xe tải ầm ầm chạy qua.
“Bao giờ cô quay về chỗ ông?”, tôi hỏi.
“Sau khi ngủ một chút và đợi quần áo khô”, cô nói. “Gần tối nước sẽ rút hết, và tôi sẽ quay lại đường hầm tàu điện ngầm.”
“Trời này thì quần áo sáng mai mới khô nổi.”
“Ông nghĩ thế à?”, cô nói. “Vậy tôi phải làm gì?”
“Bên cạnh nhà có một hiệu giặt tự phục vụ, cô có thể mang đi sấy.”
“Làm sao tôi đến đó mà không mặc gì?”
Tôi nát óc không nghĩ ra giải pháp thông minh nào. Chẳng còn cách nào khác là tự tôi phải sang hiệu giặt. Tôi vào buồng tắm và nhét quần áo vào một túi nylon của Lufthansa. Sau đó tôi tìm ra trong những đồ sót lại một chiếc quần vải lanh màu ô liu, một sơ mi màu lam cổ đứng và xỏ đôi giày lười màu nâu. Và thế là tôi sẽ giết chết một phần trong quãng thời gian vàng bạc còn sót lại của mình một cách vô nghĩa trên chiếc ghế gấp của hiệu giặt.
Đồng hồ chỉ 12 giờ 17.
------------
[3]. Một loại nhạc Jamaica, với nhịp vừa. Nhạc rock, nhạc soul đều chịu ảnh hưởng của loại nhạc này.