ô gái đưa tôi vào một căn phòng rộng rãi và trống trơn. Tường và trần đều trắng, nền thảm màu cà phê, mọi màu sắc đều tinh tế và quý phái. Người ta vẫn nói chung là màu “trắng”, nhưng có trắng quý phái và trắng dung tục. Màu cũng có dòng dõi của nó. Kính mờ trên cửa sổ cần ánh nhìn dò xét ra ngoài, nhưng ánh sáng lờ mờ chiếu từ bên ngoài vào thì rõ ràng là ánh nắng. Có nghĩa là tôi không ở trong một tầng hầm, thang máy nhất định đã đi lên phía trên. Tôi yên tâm được một chút vì không bị cảm giác đánh lừa. Cô gái ra hiệu mời tôi ngồi xuống. Tôi ra chiếc sofa bọc da ở giữa phòng và ngồi vắt chân chữ ngũ. Tôi vừa ngồi thì cô gái ra khỏi phòng, qua một cửa sổ khác với cửa chúng tôi đi vào.
Trong phòng hầu như chẳng có gì đáng gọi là đồ nội thất. Trên bàn nước có bật lửa, gạt tàn và một hộp thuốc lá, tất cả đều bằng gốm. Tôi mở nắp hộp thuốc lá ra, nhưng trong hộp không có gì. Trên tường không treo tranh vẽ hay ảnh, không một tờ lịch. Không có gì thừa.
Một bàn giấy lớn kê cạnh cửa sổ. Tôi đứng dậy đi tới cửa sổ, trên đường đi tôi ngó lên bàn giấy. Mặt bàn là một tấm nặng, nhiều ngăn kéo lớn ở hai bên. Trên bàn có một chiếc đèn bàn, ba cây bút bi hiệu Bic và một quyển lịch để bàn, cạnh đó là một nắm kẹp ghim giấy vương vãi. Tôi kiểm tra lịch: ngày tháng chính xác. Lịch chỉ ngày hôm nay.
Ba tủ két loại thường dễ thấy ở khắp nơi đứng trong một góc phòng. Chúng không hợp với căn phòng. Trông có vẻ nặng nề công việc, quá thô. Phải tay tôi thì tôi sẽ kê vài cái tủ gỗ lịch sự vào phòng, nhưng đây không phải phòng tôi. Tôi đến đây vì công việc. Ở đây có kê mấy cái tủ sắt màu lông chuột hay đặt máy nghe nhạc màu trái đào thì cũng chẳng dính gì đến tôi cả.
Bức tường bên trái gắn một tủ âm với những cánh cửa gấp cao và hẹp. Đó là toàn bộ đồ nội thất trong căn phòng này. Không đồng hồ, không điện thoại, không máy gọt bút chì, không ấm nước. Không tủ sách, không kệ tài liệu. Tôi không đoán nổi công năng và mục đích căn phòng này. Tôi quay lại sofa, ngồi vắt chân chữ ngũ và ngáp.
Chừng mười phút sau cô gái quay lại. Không nhìn tôi, cô mở một tủ két, lấy ra một vật màu đen bóng ôm trên ngực rồi đem ra bàn. Đó là chiếc áo mưa gấp ngay ngắn và một đôi ủng. Trên cùng là một cặp kính bảo hộ giông giống như loại phi công trong Thế chiến I vẫn đeo. Tôi không hề đoán được việc gì đang diễn ra.
Cô gái nói với tôi gì đó, nhưng môi cô mấp máy quá nhanh, tôi không đọc nổi.
“Phiền chị nói chậm hơn một chút được không? Tôi không giỏi đọc theo môi lắm.”
‘Ông mặc đồ này vào đi.’ Giờ thì cô nói chậm và mở miệng to hơn. Thực tình tôi chẳng thích thú khi mặc đồ đi mưa này vào, nhưng tranh cãi với cô bé có lẽ còn khó nhọc hơn, vì vậy tôi lặng lẽ làm theo lệnh cô. Tôi cởi giày thể thao và xỏ chân vào ủng, khoác áo mưa ra ngoài áo thể thao. Nó nặng như chì, và giày to hơn chân tôi chừng một, hai số. Song tôi không nói gì.
Cô gái bước ra trước mặt tôi, giúp tôi cài khuy áo mưa xuống đến tận mắt cá và kéo mũ đội lên đầu. Trong lúc làm việc đó, chóp mũi tôi chạm vào vầng trán nhẵn nhụi của cô. “Thơm quá!”, tôi nói. Một câu khen cho nước hoa Eau de Cologne của cô.
‘Cảm ơn’, cô nói và kéo móc cài mũ kín đến mũi tôi. Rồi cô chỉnh kính bảo hộ vòng ra ngoài áo mưa cho đúng chỗ. Trông tôi như một xác ướp được bọc lại để tránh nước mưa.
Sau đó cô mở tủ tường, một tay lôi tôi vào đó, bật đèn và lấy tay kia đóng tủ. Chúng tôi đang ở trong một tủ đựng quần áo. Nhưng không có quần áo treo bên trong, chỉ có vài mắc áo và băng phiến. Tôi tưởng tượng ra, đây chắc phải là một lối thông bí mật được ngụy trang thành tủ hay gì đó tương tự. Chả có lý gì để cuốn tôi vào cái áo mưa rồi đẩy vào một tủ quần áo bình thường.
Cô gái lần mò tới một cần kéo kim loại trong góc, lập tức, đúng như mong đợi, vách tủ mở ra – có một cái hang to bằng cốp xe ô tô loại nhỏ. Hang đen thui, có thể nhận thấy hơi lạnh ẩm ướt phả ra. Một làn gió không dễ chịu mấy. Ngoài ra có gì đó liên tục réo như tiếng nước sông chảy.
“Trong đó là một con suối”, cô gái nói. Tôi có cảm giác tiếng nước réo đưa lại cho ngôn ngữ không tiếng động của cô thêm chút thực tế. Dường như cô có phát âm thực sự nhưng đã bị tiếng suối reo át đi. Ấn tượng của tôi là bây giờ tôi hiểu cô dễ hơn. Thật kỳ lạ, nhưng đúng thế.
“Ông cứ việc đi ngược con suối, sẽ đến một thác nước lớn, ông phải đi xuyên qua đó. Đằng sau là phòng thí nghiệm của ông tôi. Ông sẽ nhìn thấy ngay.”
“Ông cô đợi tôi ở đó à?”
“Vâng”, cô nói và trao cho tôi một cây đèn pin chống nước có dây đeo. Thực ra tôi không hứng thú chui vào cái hang đen thui này, nhưng bây giờ thì bàn cãi nữa cũng chẳng đem lại gì. Tôi trấn tĩnh và cho một chân vào bóng tối đang ngoác mõm ra. Rồi khom người xuống, luồn đầu và vai vào, kéo chân kia theo. Áo mưa cứng quèo khiến mọi việc khá khó khăn, song tôi cũng chui được từ tủ quần áo ra sau bức tường. Tôi ngắm cô gái mũm mĩm trong tủ quần áo. Nhìn qua kính bảo hộ và từ trong hang tối, trông cô cực kỳ đáng yêu.
“Ông hãy cẩn thận! Không được rời xa con suối, và tuyệt đối không rẽ. Cứ thế đi thẳng!”, cô nói. Cô khom lưng vươn tới phía trước và nhìn thẳng vào mặt tôi.
“Đi thẳng, thác nước”, tôi kêu to.
“Đi thẳng, thác nước”, cô nhắc lại.
Tôi thử uốn môi làm điệu bộ chữ ‘Sela’. Cô mỉm cười chào lại: ‘Sela’. Rồi cửa đóng sập lại.
Sau khi cửa đóng, tôi đứng trong bóng tối mịt mù. Tối mù theo đúng nghĩa đen của từ này, không một chút ánh sáng bằng đầu kim lọt vào đây. Tôi không nhìn thấy gì, tuyệt đối không thấy gì. Thậm chí không thấy cả bàn tay đưa lên trước mắt. Bàng hoàng như vừa bị quật ngã, tôi đứng im một lúc. Tràn ngập cảm giác bất lực lạnh giá, tôi thấy mình như con cá được gói cẩn thận trong nylon rồi quẳng vào tủ lạnh. Cửa sập đánh rầm! Đột ngột bị ném vào bóng tối mù mịt, trong một thoáng toàn bộ sức lực rời khỏi cơ thể. Ít nhất thì trước khi đóng cửa lại cô gái cũng nên cảnh báo tôi một câu chứ?
Khi tôi mò mẫm bật được đèn pin, ánh sáng vàng thân thuộc chọc thủng màn đêm. Thoạt tiên tôi chiếu xuống chân, rồi mới dần dần soi nền đất xung quanh. Tôi đang đứng trên một bệ bê tông vuông mỗi chiều dài ba thước. Từ mép bệ, vách đá đổ dốc thăm thẳm, không nhìn thấy đáy. Và không có cả tay vịn lẫn rào chắn. Tôi khá bực mình: cô ta cũng phải nhắc tôi đề phòng cả chuyện này mới đúng.
Bên mép bệ có một chiếc thang nhôm để trèo xuống. Tôi quàng đèn pin chéo ngang ngực và thận trọng leo xuống từng bậc trơn nhẫy. Càng xuống sâu tiếng nước réo càng to và rõ hơn. Đằng sau tủ tường trong phòng của một cao ốc có vực sâu, dưới đáy là dòng suối chảy: có nên tin là thật không! Lại còn ở giữa Tokyo nữa chứ! Càng nghĩ về chuyện này tôi càng điên đầu hơn. Trước tiên là cái thang máy kỳ quái, sau đó đến con bé béo quay nói không ra tiếng, còn bây giờ lại còn cảnh tượng này. Có lẽ tôi nên đơn giản từ chối công việc này và quay về nhà. Tất cả quá nguy hiểm và điên rồ từ đầu đến đuôi. Mặc dù vậy tôi vẫn trèo tiếp xuống dọc vách đá tối om. Một phần vì danh dự nghề nghiệp, phần khác vì cô gái mũm mĩm vận đồ hồng. Chẳng hiểu sao tôi thấy lo lắng cho cô ta, tôi không thể đơn giản từ chối và rút lui được.
Được hai chục bậc tôi nghỉ lấy hơi, thêm mười tám bậc nữa thì chạm đáy. Tôi cẩn thận chiếu đèn từ chân thang ra xung quanh. Tôi đang đứng trên một phiến đá cứng và phẳng, cách một đoạn nữa là một dòng suối rộng chừng hai thước. Trong ánh đèn pin, mặt nước cuồn cuộn như cờ trong gió. Có vẻ như nước suối chảy khá xiết, nhưng sâu chừng nào và nước màu gì thì tôi không nhận ra. Tôi chỉ thấy nó chảy từ trái qua phải. Thế thôi.
Tôi chiếu đèn xuống đất và đi tiếp ngược dòng. Thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy có gì đó lấp ló quanh mình, và hất ngược ánh đèn lên, nhưng chẳng thấy gì. Chỉ thấy dòng suối và vách đá dựng đứng ở hai bên. Có lẽ hệ thần kinh đã chơi khăm tôi trong bóng tối.
Đi được năm, sáu phút, qua tiếng vọng của nước tôi nhận ra là trần ngày càng hạ thấp. Tôi chiếu đèn lên trên nhưng không nhìn thấy gì vì ánh sáng không chọc qua nổi bóng tối. Sau đó, như lời cô gái, có vài lối rẽ ở hai bên vách đá, hay gọi là khe đá thì đúng hơn. Phía dưới có nước ri rỉ chảy ra và tạo thành những dòng nhỏ ngoằn ngoèo nhập vào suối. Tôi tiến lại gần một trong những khe đá ấy và thử chiếu đèn vào, nhưng không phát hiện được gì. Chỉ nhận ra nó nở rộng đáng kể về phía sau. Tôi không có chút hứng thú nào để bước vào đó.
Tai trái nắm chắc đèn pin, tôi tiếp tục lần mò ngược dòng trong bóng tối; tôi cảm thấy mình giống như một con cá trên đường hóa rồng. Nước suối khiến đá trong lòng suối trơn tuột, tôi phải căng thẳng chú ý từng bước một. Nếu tôi trượt chân trong cái hũ nút tối om này và ngã xuống nước hay đánh vỡ đèn pin thì chắc chỉ còn nước cầu trời mà thôi.
Tôi tuyệt đối tập trung tinh thần vào mỗi bước chân nên thoạt tiên không nhận thấy một ánh sáng yếu ớt đang vung vẩy đằng trước. Khi tôi ngẩng lên nhìn thì nó đã tiến sát khoảng bảy, tám thước. Tôi bất giác tắt đèn pin, thọc tay qua vạt áo mưa và rút con dao trong túi quần sau ra. Tôi mò mẫm sờ đến lưỡi dao và bật nó ra. Xung quanh tôi chỉ còn đêm đen và tiếng suối reo.
Khi đèn pin của tôi vừa tắt thì ánh sáng yếu ớt kia lập tức cũng dừng chuyển động. Nó vẽ trong không khí hai vòng tròn lớn. Nhất định có ý là ‘Không có vấn đề gì, mọi việc ổn cả’. Nhưng tôi vẫn đứng im, căng thẳng chú ý và đợi xem người đằng trước sẽ làm gì. Cuối cùng thì ánh sáng lại vung vẩy, xoay tròn và tiến về phía tôi như một con đom đóm khổng lồ có trí khôn. Như bị thôi miên, tôi nhìn chằm chằm vào đốm sáng, tay phải cầm dao, tay trái cầm chiếc đèn pin đã tắt.
Cách tôi khoảng ba thước thì ánh sáng dừng lại, dịch lên trên và khựng lại. Nó quá yếu, khiến tôi thoạt tiên không rõ nó chiếu vào đâu, nhưng cố giương mắt lên thì tôi nhận ra một cái đầu trùm mũ chụp. Trên sống mũi là cặp kính bảo hộ giống của tôi. Người đàn ông này cầm trong tay một chiếc đèn hộp loại vẫn bày bán trong cửa hiệu đồ cắm trại. Ông ta soi nó lên mặt mình. Ông ta hét lên với tôi qua tiếng nước réo, nhưng tôi không nghe thấy gì, và trời quá tối để có thể nhìn môi đoán miệng.
“… lý do vì… đoán ra thế. Hoặc anh… tiếc rằng, để mà…”, dường như ông ta muốn nói thế, nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Song ít nhất nó cũng không có vẻ nguy hiểm gì, vì vậy tôi bật đèn pin lên, rọi từ bên cạnh lên mặt mình, và bằng cách gõ gõ vào tai, tôi ra hiệu để ông biết tôi gần như chẳng nghe được gì cả.
Ông ta gật đầu mấy lần liền cho thấy đã hiểu, hạ đèn xuống, thọc tay vào túi áo đi mưa của mình và lần mò dưới áo; ngay sau đó tiếng ào ào xung quanh chúng tôi khẽ dần, tựa như tiếng nước triều đột ngột hạ xuống. Tôi nghĩ là mình sắp bất tỉnh và cho rằng tiếng động biến khỏi đầu vì mình đang kém tỉnh táo. Tôi gồng hết mình để đợi ngã lăn ra – dù chẳng rõ làm sao lại có thể ngất đi được.
Mấy giây trôi qua, tôi không ngã lăn ra, mà cũng chẳng thấy xỉu xuống. Duy chỉ tiếng ồn xung quanh là giảm đi rõ rệt.
“Tôi ra đón anh”, người đàn ông nói. Lần này thì tôi nghe rất rõ.
Tôi lắc lắc đầu, kẹp đèn pin dưới nách, gập lưỡi dao và cất vào túi quần. Hôm nay quả là một ngày lắm chuyện!
“Chuyện gì xảy ra với tiếng ồn vậy?”, tôi hỏi.
“À, tiếng ồn. Ầm quá phải không? Tôi chỉnh khẽ đi đấy. Xin lỗi ông. Giờ thì mọi chuyện ổn rồi”, ông nói, đầu gật liên tục. Tiếng suối réo ào ào bây giờ chỉ còn như ai nói thì thầm.
“Nào, ta đi thôi.”
Người đàn ông quay lưng lại phía tôi và vững bước lội ngược suối. Tôi đi theo sau, rọi đèn pin xuống đất.
“Chỉnh khẽ đi – có nghĩa đây là tiếng động nhân tạo?”, tôi nói về hướng mà tôi đoán là lưng ông.
“Không”, người đàn ông nói. “Đó là tiếng động thiên nhiên.”
“Và ông có thể chỉnh cho âm thanh của thiên nhiên khẽ đi?”
“Nói cho đúng thì tôi không chỉnh cho chúng khẽ đi”, ông trả lời. “Tôi rút âm thanh đi.”
Tôi hơi băn khoăn, nhưng thôi không hỏi thêm nữa thì hơn. Tôi không có quyền tra hỏi người ta lắm thế. Tôi tới đây để hoàn tất nhiệm vụ của mình, và người giao nhiệm vụ cho tôi muốn chỉnh âm thanh khẽ xuống hay tắt nó đi hay trộn với vodka chanh thì cũng chẳng liên quan gì đến nhiệm vụ đó cả. Vậy nên tôi ngậm miệng lại và im lặng đi theo ông.
Sau khi người đàn ông tắt tiếng nước réo đi, xung quanh trở nên im ắng. Thậm chí nghe rõ được cả tiếng nhóc nhách của ủng cao su. Mấy lần có tiếng ken két trên đầu, tựa như có người miết hai viên sỏi vào nhau, rồi im lặng trở lại.
“Có dấu hiệu của ma đen lẩn quất đâu đây, vì vậy tôi đi đón anh cho chắc. Thường thì chúng không dám mò đến tận đây, nhưng cũng có khi xảy ra rồi, lũ khốn khiếp”, người đàn ông nói.
“Ma đen…”, tôi nói.
“Chắc anh không muốn bị chúng quấy nhiễu chứ?”, người đàn ông nói và cười phá lên.
“Không bị thì hơn”, tôi đáp. Ma đen hay của nợ nào cũng thế - trong cái chốn đen như mực này thì tôi không muốn gặp ai hoặc cái gì bất thường cả.
“Vì thế mà tôi ra đón anh”, người đàn ông nhắc lại. “Bọn ma đen không phải chuyện đùa đâu.”
“Cảm ơn ông”, tôi nói. Một lát sau có tiếng ào ào ở phía trước, giống như có người quên khóa máy nước. Thác nước. Tôi chỉ rọi đèn lướt qua nên không thấy rõ lắm, song có vẻ là một thác nước khá lớn. Giả sử không tắt tiếng ồn đi thì có lẽ ở đây ầm ĩ kinh khủng. Bọt nước bắn lên tận kính bảo hộ.
“Ta phải đi qua đó, đúng không?”, tôi hỏi.
“Vâng”, người đàn ông nói. Rồi ông đi về phía thác nước mà không giải thích một lời – và biến mất. Tôi hấp tấp chạy theo – còn biết làm gì khác?
May mà chúng tôi đi xuyên qua đoạn thác “khô” nhất, mặc dù vậy sức nước vẫn ấn tôi muốn khuỵu xuống. Để đi vào và ra khỏi một phòng thí nghiệm mà lần nào cũng bị thác nước hành hạ - kể cả khi có áo mưa hay không – thì quả là ngu xuẩn. Ngay cả khi phải cân nhắc vấn đề bảo mật chăng nữa thì nhất định phải có giải pháp thông minh hơn. Đúng giữa thác nước thì tôi trượt chân và ngã dập đầu gối lên đá. Mất âm thanh, sự cân bằng giữa tiếng động và thực trạng do tiếng động gây ra bị nhiễu loạn đáng kể, khiến tôi rối cả lên. Thác nước phải ầm ào thích hợp với lượng nước của nó chứ.
Đằng sau thác nước hiện ra một miệng hang đủ rộng cho một người lọt qua, dẫn đến một cửa sắt. Người đàn ông rút trong túi áo mưa ra một vật gì đó trông như máy tính bỏ túi, đút nó vào một rãnh cạnh cửa và bấm bấm một hồi, đến khi cánh cửa im lìm trượt vào bên trong.
“Ta đến rồi. Mời anh vào”, người đàn ông nói và nhường tôi đi trước để cài chốt cửa từ bên trong. “Vất vả quá phải không?”
“Không, ờ… không đến nỗi…”, tôi nhũn nhặn đáp.
Người đàn ông cười, kính vẫn thượng trên mũi, mũi chụp đầu và dây đèn hộp đeo vòng trên cổ. Một kiểu cười hô hố khá kỳ quái.
Chúng tôi ở trong một căn phòng lớn nhưng lạnh và kém thân thiện, trông như phòng thay đồ của nhà tắm công cộng. Trên và cạnh các giá xếp là nửa tá áo mưa đen, ủng cao su và kính bảo hộ sắp thành hàng lối. Tôi lột kính, treo áo choàng lên mắc áo và đặt ủng vào giá. Đèn pin thì tôi treo lên cái móc trên tường.
“Rất xin lỗi vì đã bắt anh phải vất vả đến thế”, người đàn ông nói, “song ta phải cẩn trọng. Không được phép sao nhãng vì bên ngoài có khối kẻ rình rập.”
“Bọn ma đen?”, tôi bắt nọn.
“Đúng vậy. Và không chỉ riêng bọn ma đen, nói thêm để anh khỏi ngạc nhiên,” người đàn ông nói và gật đầu tư lự. Rồi ông dẫn tôi vào phòng tiếp khách nằm sau phòng thay đồ. Lúc này khi bỏ cái áo mưa đen ra, người đưa đường của tôi hóa ra là một ông già trông thâm thấp và trang nhã. Không béo bệu, nhưng to ngang. Da dẻ hồng hào tráng kiện, sau khi ông rút trong túi ra một cặp kính không gọng đeo lên trông ông như các chính khách tiền chiến cao cấp thời kì trước chiến tranh vậy.
Ông bảo tôi ngồi xuống sofa bằng da còn mình ra bàn giấy ngồi. Căn phòng giống hệt căn phòng mà tôi được dẫn vào ban đầu. Màu thảm, ánh sáng, giấy dán tường, sofa, mọi thứ giống hệt. Trên bàn vẫn có những vật dụng cho người hút thuốc. Một cuốn lịch bàn trên bàn giấy và một nhúm ghim giấy, cũng nằm lộn xộn tương tự. Tôi có cảm tưởng rằng mình vừa lượn ra ngoài một vòng rồi quay lại chính căn phòng cũ. Chả gì thì tôi vẫn còn nhớ như in vị trí của từng cái ghim giấy một.
Ông già quan sát tôi một hồi. Rồi ông cầm lên một cái ghim giấy lên, bẻ duỗi ra và nghí ngoáy đẩy ngược lớp da viền trên móng ngón trỏ bàn tay trái một lúc lâu. Xong rồi, ông ném cái ghim giấy đã duỗi thẳng ra vào gạt tàn. Tôi ngẫm nghĩ, giả sử kiếp sau có được đầu thai thành một vật thì tôi nhất quyết sẽ không làm ghim giấy. Đẩy lớp da viền móng tay của một ông già lẩm cẩm rồi sau đó bị vứt vào gạt tàn, quả là viễn cảnh kém hấp dẫn.
“Theo thông tin của tôi, hiện nay bọn ma đen và ký hiệu sư đang cộng tác với nhau”, ông già nói. “Tất nhiên không nên hiểu rằng bọn chúng là đồng minh thật sự. Vì bọn ma đen quá thận trọng, còn ký hiệu sư thì dã tâm quá lớn. Nghĩa là quan hệ này chỉ hạn chế ở mấy nhóm rất nhỏ. Song đó là một dấu hiệu không lành. Hiện nay đã có vài tên ma đen lẩn quất đâu đây, dù không phải là lãnh địa của chúng. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì chẳng mấy chốc sẽ nhung nhúc toàn ma đen ở đây, và tôi sẽ gặp phải vấn đề nghiêm trọng.”
“Đúng thế”, tôi nói, “đúng thế đấy”. Tôi chẳng rõ ma đen là ai hay cái gì. Song nếu thực sự bọn ký hiệu sư liên minh với một thế lực nào đó thì hậu quả đối với tôi cũng cực kỳ khó chịu. Chưa có chuyện đó thì giữa chúng tôi và bọn ký hiệu sư đã có một tương quan cạnh tranh không mấy cân bằng, khẽ lay động một chút là đủ làm tất cả sụp đổ tan tành. Có thể nhận ra cán cân bấp bênh đó chỉ riêng qua việc chúng tôi không biết gì về các ma đen, còn phe kia thì biết rõ. Cũng có thể chỉ mình tôi, một toán sư quèn công tác độc lập tại hiện trường, là không biết gì về các ma đen, còn ban chỉ huy đã nắm tình hình từ lâu.
“Thôi được, chuyện đã thế rồi”, ông già nói. “Nếu anh đồng ý thì tôi muốn bắt tay vào việc ngay.”
“Bất cứ lúc nào”, tôi nói.
“Tôi đã nhờ người đại diện giới thiệu toán sư giỏi nhất, và người ta đã chọn anh. Ai cũng khen ngợi anh là người xuất sắc về kỹ thuật, có bản lĩnh và làm việc tận tình. Ngoài chuyện anh thiếu tinh thần đồng đội thì không có gì đáng chê cả.”
“Tôi nghĩ là người ta hơi quá lời”, tôi khiêm tốn nói.
Ông già lại bật cười hô hố. “Nhưng tinh thần đồng đội là chuyện vặt. Bản lĩnh mới quan trọng. Thiếu bản lĩnh thì không thành toán sư hạng nhất được. Bù lại thì anh cũng được trả lương hậu hĩnh.”
Biết trả lời gì đây. Tôi im lặng. Ông già lại cười hô hố và đưa tôi qua phòng làm việc bên cạnh.
“Tôi nghiên cứu sinh học”, ông nói. “Nhưng lĩnh vực công tác của tôi rộng hơn nhiều, chỉ riêng chữ sinh học thì không bao hàm hết được. Lĩnh vực của tôi dàn trải từ chức năng sinh lý của não, âm thanh học và ngôn ngữ học cho đến nghiên cứu tôn giáo. Tôi xin được phép gọi công việc của mình là độc đáo và có ý nghĩa cực kỳ trọng đại. Hiện tại tôi chủ yếu nghiên cứu khẩu cái của động vật có vú.”
“Khẩu cái?”
“Cái miệng ấy, anh bạn trẻ ạ. Cấu trúc của miệng. Nó cử động ra sao, phát âm ra sao, vân vân. Tôi nghiên cứu các vấn đề đó. Anh hãy nhìn xem.” Ông bật một công tắc trên tường, phòng làm việc sáng bừng lên. Cả bức tường đầu hồi là một cái giá nhiều ngăn, xếp chật ních đầu lâu của đủ loại động vật có vú. Từ hươu cao cổ đến ngựa, gấu trúc và chuột, các loài thú có vú mà tôi biết đều có mặt, phải đến ba, bốn trăm cái. Tất nhiên có cả sọ người. Sọ người da trắng và da đen, người châu Á và châu Mỹ, từng cặp giới tính một.
“Xương sọ của cá voi và voi tôi để dưới tầng hầm. Chúng chiếm tương đối nhiều chỗ, chắc anh cũng hiểu”, ông già nói.
“Vâng, dĩ nhiên”, tôi nói. Hai hộp sọ cá voi là chật phòng rồi.
Như hẹn nhau, tất cả các đầu lâu đều há hốc miệng ra, và đều chăm chăm nhìn từ hai trố mắt trống rỗng sang bức tường đối diện. Đó là những tiêu bản để nghiên cứu, đương nhiên, nhưng đứng giữa một núi đầu lâu như thế này cũng không được dễ chịu cho lắm. Trên một giá khác là một hàng dài toàn lưỡi, tai, môi và thanh quản ngâm phoóc môn, nhưng không nhiều như số xương sọ.
“Một bộ sưu tập khá đấy chứ?”, ông già hài lòng nói. “Có người sưu tập tem, có người sưu tập đĩa hát, một số khác có hầm rượu vang, có ông triệu phú thì đặt xe tăng ngoài vườn. Tôi sưu tập đầu lâu. Thế giới muôn màu. Chính vì thế mà nó thú vị, đúng không anh bạn?”
“Vâng, đúng thế”, tôi nói.
“Từ hồi còn khá trẻ tôi đã quan tâm nhiều tới xương sọ động vật có vú và rất để tâm sưu tầm. Bao nhiêu nhỉ, ờ, gần bốn chục năm rồi. Để hiểu rõ một cái đầu lâu, cần có nhiều thời gian hơn người ta vẫn tưởng. So với việc ấy thì hiểu một con người bằng xương bằng thịt chỉ là trò trẻ con. Tôi nói hoàn toàn nghiêm túc đấy. Nhưng người còn trẻ như anh thì người ta quan tâm đến xác thịt hơn, đúng không?”, ông già nói và lại cười hô hố. “Tôi đã mất trọn ba chục năm cho đến khi nghe được những âm thanh phát ra từ xương sọ. Ba chục năm, bạn trẻ ạ, không phải là chuyện đùa đâu!”
“Âm thanh?”, tôi nói. “Đầu lâu phát ra âm thanh?”
“Phải”, ông già nói. “Mỗi cái đầu lâu có âm thanh riêng. Có thể gọi chúng là một dạng tín hiệu mật. Đầu lâu biết nói, tôi nói thế là theo nghĩa đen chứ không phải dùng ẩn dụ. Hiện tại tôi đang phân tích các tín hiệu này. Khi việc hoàn thành thì ta sẽ có khả năng chế ngự và sử dụng chúng.”
“Một công trình hoành tráng”, tôi nói. Tôi không hiểu từng chi tiết, nhưng nếu sự việc diễn ra như ông già nói thì rõ ràng đây là một công việc cực kỳ có ý nghĩa. “Quả là công trình có ý nghĩa trọng đại”, tôi nói.
“Thực vậy”, ông già gật đầu nói. “Chẳng trách bọn chúng cứ hau háu tìm hiểu. Chúng nó vểnh hết tai lên, chỉ chực lợi dụng kết quả nghiên cứu của tôi cho mục đích xấu. Nếu lọc được những ý nghĩ khỏi xương sọ thì chẳng việc gì phải tra tấn nữa. Người ta chỉ việc giết chết nạn nhân, lóc thịt ra và làm sạch đầu lâu là xong.”
“Khủng khiếp quá”, tôi nói.
“Không rõ là may hay không may mà tôi chưa tiến xa đến thế. Hiện giờ người ta mới lấy được những ký ức chính xác khi lọc trực tiếp từ não được khuấy tan ra thôi.”
“Nhân đạo nhỉ”, tôi nói. Chặt đầu hay bổ não ra thì có khác gì nhau lắm đâu?
“Vì vậy tôi mới nhờ đến anh: không được để bọn ký hiệu sư ăn cắp các thông tin từ phòng thí nghiệm”, ông già nghiêm mặt nói. “Cuộc khủng hoảng văn minh mà chúng ta đang trải qua vốn sinh ra từ tình trạng lợi dụng và ứng dụng khoa học, xét về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tôi tin tưởng sắt đá rằng khoa học chỉ tồn tại vì khoa học mà thôi.”
“Tôi kính trọng niềm tin của ông”, tôi nói. “Nhưng có một chuyện tôi muốn biết rõ. Chuyện công việc. Nhiệm vụ lần này không đến từ Hệ thống hay từ một đại diện chính thức, mà do ông giao trực tiếp. Một việc ngoài luồng. Nói trắng ra là có thể vi phạm quy định nghề nghiệp. Nếu đúng thế thì có thể người ta sẽ kỷ luật tôi và tước giấy phép hành nghề. Ông biết điều đó chứ?”
“Tôi biết rất rõ”, ông già nói. “Tôi hiểu là anh đang lo ngại. Nhưng công việc này được giao qua Hệ thống, hoàn toàn đúng quy định. Tôi bỏ qua thủ tục văn phòng và liên lạc thẳng với anh cũng chỉ vì lý do bảo mật. Anh sẽ không bao giờ bị kỷ luật.”
“Ông có bảo đảm được không?”
Ông già lôi một tập tài liệu trong ngăn kéo ra và đưa cho tôi. Tôi lật xem. Quả thật, có một văn bản giao việc chính thức của Hệ thống. Mẫu công văn chính xác. Các chữ ký chính xác.
“Rất tốt”, tôi nói và trả lại cặp tài liệu. “Theo thứ hạng của mình, tôi làm việc theo hệ số hai. Được chứ ạ? Hệ số hai nghĩa là…”
“Nghĩa là anh tính gấp hai mức thù lao cơ bản. Tôi đồng ý. Thậm chí tôi còn thưởng thêm nữa: hệ số ba!”
“Ông hào phóng quá.”
“Tính toán là chuyện quan trọng. Vả lại anh còn phải đi xuyên thác nước nữa!” Ông lại cười phá lên.
“Tôi xin được xem các số liệu đã”, tôi nói. “Sau đó tôi sẽ quyết định sử dụng phương pháp nào. Ai là người tính toán trên máy tính?”
“Tôi làm trên computer của tôi. Trước đó và sau đó, nếu anh đồng ý, là việc của anh.”
“Càng tốt. Sẽ đỡ cho tôi rất nhiều.”
Ông già đứng dậy và mó máy một hồi lâu trên tường. Một khoảng tường đột ngột mở ra. Người ta hẳn đã tốn khá nhiều công sức cho phòng thí nghiệm này. Ông già rút ra một cặp tài liệu thứ hai và đóng lại. Bức tường biến trở lại thành một mặt phẳng trắng tinh như ban nãy. Tôi đón lấy cặp tài liệu và đọc: bảy trang giấy, in toàn những số nhỏ li ti.
“Rửa mấy số này không quá mười phút”, tôi nói. “Ít có sự lặp lại dãy số tương tự như thế này thì hầu như không lo bị tạm thời bắc cầu tắt qua. Dĩ nhiên về mặt lý thuyết thì vẫn luôn xảy ra khả năng ấy, song sẽ không chứng minh được cầu nào đúng, mà không chứng minh được thì nó không loại trừ được một chuỗi lỗi tiếp theo. Giống như băng qua sa mạc mà không có la bàn vậy. Tuy nhiên, nhà tiên tri Moses đã từng làm được.”
“Moses thậm chí còn vượt biển.”
“Đó là chuyện cổ tích rồi. Ít nhất tôi cũng chưa nghe nói đến trường hợp ký hiệu sư nào phá được mật mã ở cấp độ này.”
“Vậy anh cho rằng chỉ một lần mã hóa? Một lần chuyển dạng là đủ?”
“Chuyển dạng hai lần thì quá nhiều rủi ro. Nó sẽ triệt tiêu hoàn toàn khả năng xâm nhập bằng phương pháp bắc cầu tạm thời, nhưng phương pháp này hiện tại vẫn là một phép màu khó thực thi. Quá trình chuyển dạng chưa hoàn hảo. Phương pháp chuyển dạng hai lần vẫn còn trong giai đoạn thiết kế.”
“Tôi không nói tới chuyển dạng hai lần”, ông già nói và lại lấy ghim giấy gẩy gẩy da móng tay: lần này ở ngón giữa của bàn tay trái.
“Mà là…?”
“Chuỗi ngẫu nhiên, anh bạn trẻ ạ. Tôi nói đến chuỗi ngẫu nhiên. Tôi muốn anh rửa số và sắp xếp lại theo dạng tình cờ. Vì vậy tôi mới gọi anh. Chỉ rửa số thôi thì gọi người khác cũng được.”
“Ông đánh đố tôi”, tôi nói và vắt chân chữ ngũ. “Ông lấy thông tin này từ đâu ra? Chuỗi số ngẫu nhiên là chuyện tối mật, người ngoài không ai biết cả.”
“Nhưng tôi biết. Tôi có quan hệ với các nhân vật cấp cao trong hệ thống.”
“Thế thì ông hãy dùng đường dây ấy để hỏi lại xem: phương pháp chuỗi số ngẫu nhiên đã bị đình chỉ. Tôi không biết tại sao. Chỉ biết là cấm không được sử dụng nữa. Nếu lộ ra người nào sử dụng thì rút giấy phép là nhẹ nhất.”
Ông già lại chìa cặp tài liệu đựng giấy ủy thác ra. “Anh đọc trang cuối đi. Trong đó nhất định có cả giấy phép sử dụng phương pháp chuỗi số ngẫu nhiên đấy.”
Theo lời ông, tôi lật trang cuối ra đọc kỹ. Được phép sử dụng hệ thống chuỗi số ngẫu nhiên, không nghi ngờ gì cả. Tôi đọc đi đọc lại. Chính xác. Năm chữ ký. Có trời mà biết mấy vị trên kia có những trò ngấm ngầm gì. Bảo người ta đào hố rồi lại lấp đi. Lấp xong rồi lại đào lại. Chỉ khổ mấy quân tốt đen.
“Ông cho tôi tất cả các giấy tờ giao nhiệm vụ một bản màu. Nếu xảy ra truyện gì mà không giải trình được thì tôi sẽ bị rắc rối to.”
“Không thành vấn đề”, ông già nói. Anh sẽ được nhận bản sao. Anh không phải lo lắng gì cả. Giấy tờ nghiêm chỉnh và chặt chẽ đến từng dấu phẩy. Thù lao của anh hôm nay tôi trả một nửa, nửa kia trả khi nộp dữ liệu. Được chứ?”
“Rất tốt. Rửa số thì tôi làm ngay ở đây. Số đã rửa rồi thì tôi sẽ đem về để sắp xếp theo dạng ngẫu nhiên ở nhà. Việc này cần mấy bước chuẩn bị. Sau khi hoàn thành các dữ liệu thì tôi lại đem qua đây.”
“Nhưng chậm nhất là ba ngày nữa, vào giữa trưa tôi cần chúng…”
“Đủ thời gian”, tôi nói.
“Nhưng anh không được phép trễ vì bất cứ lý do gì”, ông già nhấn mạnh. “Nếu anh đến chậm thì hậu quả sẽ rất kinh khủng.”
“Gì cơ? Thế giới sẽ sụp đổ hay sao?”, tôi hỏi đùa.
“Xét về mặt nào đó thì đúng đấy”, ông già nói đầy ẩn ý.
“Ông đừng sợ. Tôi chưa trễ hẹn một lần nào hết”, tôi nói. “Nếu được thì cho xin một phích cà phê đen nóng, và nước đá. Và một bữa ăn tối nhẹ để vừa làm vừa ăn. Tôi có cảm giác là sẽ lâu đây.”
Quả thật công việc kéo dài khá lâu. Sắp xếp con số theo thứ tự là một việc tương đối đơn giản, nhưng có nhiều giá trị bậc gắn liền với trường hợp cụ thể, khiến việc tính toán trở nên mệt nhọc hơn tôi nghĩ khi mới ngó qua. Trong khi tính toán, tôi đưa các số vào bán cầu não phải, sau khi chuyển chúng thành ký hiệu khác hẳn thì lại đưa sang bán cầu não trái là nơi tôi biến các ký hiệu nhận được của bán cầu não phải một lần nữa thành các số khác hẳn, trước khi tôi đánh máy viết chúng ra giấy. Việc này gọi là rửa số - cách miêu tả ở trên đã được đơn giản hóa nhiều. Mỗi toán sư có một mật mã riêng. Nó khác dãy số tự nhiên hỗn loạn ở tính chất biểu đồ. Bí quyết nằm trong đường biên hình răng cưa giữa nửa phải và nửa trái của não (tất nhiên đây chỉ là cách phân chia cho dễ giải thích, chứ thực tế không có phân chia phải trái). Vẽ ra biểu đồ trông như sau:
Nói cách khác, nếu hai mảnh răng cưa không khớp nhau hoàn toàn thì không thể biến những con số đã biến chuyển trở lại thành dữ kiện nguyên thủy được. Tuy nhiên giới ký hiệu sư vẫn cố nhận dạng các dữ liệu đánh cắp được bằng cách bắc cầu tạm: chúng tái tạo các giá trị số đã được phân tích thành dạng biểu đồ răng cưa ba chiều. Lúc được, lúc không. Chúng tôi cải tiến kỹ thuật của mình tinh vi hơn thì chúng cũng chế vũ khí chống lại tinh vi hơn. Chúng tôi bảo vệ dữ liệu, bọn chúng đánh cắp dữ liệu. Trò cảnh sát và kẻ cướp kinh điển.
Bọn ký hiệu sư chủ yếu tung các dữ liệu đánh cắp được ra chợ đen và đạt lợi nhuận khổng lồ. Trường hợp tệ nhất là chúng giữ lại các dữ liệu quan trọng nhất, đem sử dụng trong tổ chức riêng của mình để sinh lợi.
Tổ chức chúng tôi được gọi là Hệ thống, tổ chức của ký hiệu sư là Nhà máy. Ban đầu, Hệ thống là tổ hợp của vô số hãng tư nhân, dần dần họ phát triển về tầm cỡ và mang bản chất nửa nhà nước. Về cơ cấu, không khác mấy so với công ty điện thoại Bell Company của Mỹ. Các toán sư hoạt động độc lập trên cơ sở tự quản, giống như cố vấn tài chính hay luật sư. Nhưng họ phải có giấy phép hành nghề do nhà nước cấp và chỉ được nhận đặt hàng của Hệ thống hay các đại lý có chứng chỉ. Đó là một biện pháp bảo vệ để chống bị Nhà máy lạm dụng, ai vi phạm sẽ bị kỷ luật hay rút giấy phép hành nghề. Tôi e là không phải trong trường hợp nào biện pháp này cũng thích hợp. Các toán sư mất giấy phép thường được Nhà máy chiêu mộ, nghĩa là họ biến thành ký hiệu sư hoạt động bí mật.
Tôi không rõ cơ cấu của Nhà máy. Nó khởi nguồn từ một doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và bành trướng nhanh đến chóng mặt. Có người gọi Nhà máy là “mafia dữ liệu”, và quả thực cũng có sự tương đồng với mafia là Nhà máy chỉ duy nhất buôn bán dữ liệu. Nhà máy giám sát có chủ ý các máy tính để đột nhập vào.
Tôi rửa số; trong khi làm tôi uống hết ấm cà phê. Làm một tiếng, nghỉ nửa tiếng – đúng quy định. Làm khác đi thì nửa phải và nửa trái của óc không rập khớp nhau, và giá trị số sẽ bị nhiễu loạn.
Trong các lần nghỉ nửa tiếng tôi nói chuyện với ông già về đủ mọi chuyện trời đất. Nói chuyện, bất kể về đề tài gì, là phương pháp tốt nhất để bộ não mệt mỏi tái tạo sức lao động.
“Những số này là gì vậy?”, tôi hỏi.
“Số đo trong thí nghiệm”, ông già nói. “Kết quả của một năm nghiên cứu. Hình ba chiều thể hiện thể tích của xương sọ và khẩu cái được số hóa liên kết với phân tích ba nhân tố của các âm thanh phát ra. Tôi đã kể ban nãy là tôi mất ba chục năm để nghe được các âm thanh do xương sọ phát ra: nếu tính toán xong xuôi thì chúng ta sẽ đạt trình độ không chỉ thu được âm thanh một cách thụ động, mà còn biết được cơ sở lý thuyết của chúng nữa.”
“Và điều khiển được chúng?”
“Đúng thế”, ông già nói.
“Điều khiển chúng sẽ có ích lợi gì?”
Ông già liếm môi trên và im lặng hồi lâu. “Sẽ có đủ kiểu lợi ích trên đời. Tôi không thể cho anh biết được, nhưng đó là những khả năng mà anh nằm mơ cũng không thấy nổi.”
“Tắt âm thanh đi chẳng hạn?”, tôi hỏi.
“Trúng đích, chính xác, hô hô hô.” Ông già cười khoái trá. “Có thể kết hợp vào tín hiệu vốn có của xương sọ người và tắt âm thanh đi hay chỉnh to lên. Hình dáng hộp sọ mọi người rất khác nhau nên không thể tắt hẳn âm thanh được, nhưng có thể chỉnh cho khẽ hẳn đi. Nói đơn giản là làm cho các sóng âm thanh và sóng phản âm thanh cộng hưởng với nhau. Việc tắt âm thanh là một trong những kết quả nghiên cứu vô hại nhất của tôi.”
Nếu đó là chuyện vô hại thì tôi có thể mường tượng ra các kết quả còn lại sẽ kinh khủng đến chừng nào. Nghĩ đến việc ai cũng có thể tắt hoặc tăng âm thanh là tôi sởn hết cả gai ốc.
“Âm thanh có thể tắt theo hai chiều, chiều nói và chiều nghe”, ông già nói. “Chiều nghe là ví dụ như tiếng nước réo ban nãy, đồng thời ta cũng có thể tắt cả chiều nói. Nói thuộc về hành vi của cá nhân, có thể tắt đến một trăm phần trăm được.”
“Ông có muốn công khai các kết quả ấy không?”
“Có mà dở hơi mới làm thế. Không”, ông già phẩy tay. “Một chuyện thú vị như vậy không khi nào tôi lại đưa cho người lạ. Tôi chỉ làm để tự giải trí thôi.” Ông lại cười hô hố. Tôi cũng cười.
Tôi chỉ định đăng thành quả nghiên cứu của mình lên tạp chí chuyên ngành, mà chẳng có ai hứng thú với âm thanh học cả, ông nói. “Còn lũ học giả bình thường thì quá ngu để có thể hiểu luận thuyết của tôi. Thêm nữa là giới hàn lâm có thèm đếm xỉa đến tôi đâu.”
“Giới ký hiệu sư cũng không ngu đâu. Về mặt giải mã thì bọn họ là những thiên tài. Họ đọc các kết quả của ông như đọc một cuốn sách mở ấy chứ.”
“Tôi đã phòng xa rồi. Tôi đăng bài hoàn toàn ở dạng giả thuyết, không kèm dữ liệu, không mô tả tiến trình. Bọn nó sẽ không bao giờ hiểu nổi đâu. Giới khoa học không để ý đến tôi, nhưng có hề gì! Một trăm năm nữa luận thuyết của tôi sẽ được chứng tỏ là đúng, với tôi thế là đủ.”
“Hừm”, tôi thốt lên.
“Vì vậy anh hãy rửa và đảo số đi.”
“Vâng”, tôi nói, “thưa ông.”
Trong giờ tiếp theo tôi tập trung tinh thần tính toán. Rồi đến giờ nghỉ.
“Xin hỏi một câu nữa”, tôi nói.
“Anh hỏi đi”, ông già đáp.
“Về cô gái ở cửa. Đậm người, vận đồ màu hồng…”
“Đó là cháu tôi”, ông già nói. “Con bé rất có năng khiếu, tuy còn trẻ nhưng đã giúp tôi nhiều việc nghiên cứu.”
“Câu hỏi của tôi là: cô ấy bị câm, hay chỉ nói theo cách mà ông đã tắt tiếng đi?”
“Thôi chết”, ông già đập tay lên đầu gối. “Tôi quên béng đi mất! Xong thí nghiệm rồi mà không chỉnh lại bình thường… Chết chết, tôi phải ra làm ngay.”
“Vâng”, tôi nói.