Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Chương 28

Docsach24.com

iên quản lý trẻ ở nhà máy điện mời chúng tôi về nhà. Đầu tiên anh ta xem lại lửa trong lò, sau đó lấy ấm nước sôi trên đó xuống, đem vào bếp và pha trà mời chúng tôi. Chúng tôi cứng cả người vì cái lạnh trong rừng, trà nóng quả là tuyệt diệu. Tiếng ồn của gió vẫn không lắng xuống.

“Trà này tôi hái trong rừng”, viên quản lý nói. “Suốt mùa hè tôi phơi trà trong bóng râm và đem ra uống trong mùa đông. Nó làm ta tỉnh táo và ấm lên.”

Trà có hương thơm và vị ngọt thanh.

“Anh lấy lá của cây gì?”, tôi hỏi.

“Ô, rất tiếc là tôi cũng không thạo lắm”, người đàn ông nói. “Một thứ cây nào đó trong rừng. Nó có mùi rất thơm, và tôi thử dùng để pha trà. Cây này màu xanh, mọc không cao lắm và nở hoa vào khoảng tháng Bảy. Lúc đó tôi hái những lá non và treo lên phơi cho khô. Những con thú rất thích ăn hoa.”

“Bọn thú một sừng mò đến tận đây?”, tôi hỏi.

“Vâng, nhưng chỉ đến đầu thu thôi. Bắt đầu trở lạnh là chúng tránh xa bìa rừng. Vào mùa ấm áp luôn có mấy nhóm nhỏ đến đây. Tôi chơi với chúng và chia sẻ đồ ăn với chúng. Nhưng mùa đông chúng không đến. Chúng không dám vào rừng nữa, mặc dù biết là ở chỗ tôi có thức ăn. Vì vậy cứ đến mùa đông là tôi hoàn toàn một mình.”

“Anh có muốn chúng ta cùng ăn trưa không?”, cô thủ thư đề nghị. “Chúng tôi có đem theo bánh mì kẹp và trái cây, quá nhiều cho hai người. Anh có muốn không?”

“Ôi thích quá, cảm ơn!”, viên quản lý nói. “Đã lâu lắm tôi không được ăn thứ gì do người khác làm. À, còn có nấm tươi tôi hái trong rừng, nếu anh chị muốn nếm thử.”

“Vâng, chúng tôi rất thích!”, tôi nói.

Chúng tôi cùng ăn bánh kẹp do cô thủ thư làm và nấm của người đàn ông, sau đó có trái cây và trà. Trong lúc ăn chúng tôi hầu như không nói gì. Tiếng gió hú tuôn ào ào vào phòng và choán đầy không khí im lặng.

“Anh không rời khỏi rừng bao giờ sao?”, tôi hỏi viên quản lý.

“Không”, anh ta khẽ nói và lắc đầu. “Quy định như thế. Tôi phải ở đây và trông coi nhà máy điện. Đó là nhiệm vụ của tôi. Có thể một ngày nào đó có người đến thay tôi. Tôi không biết lúc nào, nhưng sau đó nhất định tôi sẽ ra khỏi rừng và quay về thành phố. Trước đó thì không thể. Tôi không được phép ra khỏi rừng một bước. Tôi phải đợi gió, cứ ba ngày một lần có gió thổi lên.”

Tôi gật đầu và uống cạn tách trà. Tiếng gió hú bắt đầu chưa lâu, và nó sẽ còn tiếp tục hai đến hai tiếng rưỡi nữa. Một mình trong rừng và nghe tiếng ầm ào này qua suốt mùa đông thì chắc cô đơn lắm.

“Nhất định anh chị không chỉ đến đây để ngắm nhà máy điện, đúng không?”, người đàn ông hỏi. “Như tôi đã nói, bình thường thì người ngoài thành phố ít chú ý đến nó.”

“Chúng tôi tìm một nhạc cụ”, tôi nói. “Người ta nói với tôi là nên hỏi anh, anh biết chỗ nào có nhạc cụ.”

Anh ta gật đầu và chăm chú nhìn xuống bộ dao đĩa xếp đẹp mắt cạnh cửa. “Nếu anh tìm nhạc cụ thì đến chỗ tôi là đúng. Tôi có rất nhiều, nhưng chúng cũ lắm, và không rõ có còn tốt không. Anh cứ lấy đi những gì còn tốt. Đằng nào thì tôi cũng không biết sử dụng chúng, chỉ bày ra đó thôi. Anh có muốn xem không?”

“Vâng, nếu anh cho phép”, tôi nói.

Anh kéo ghế đứng dậy, tôi cũng làm theo.

“Anh đi với tôi. Nhạc cụ để trong phòng ngủ.”

“Tôi ở lại đây dọn bát đĩa và pha cà phê”, cô thủ thư nói.

Viên quản lý mở cửa phòng ngủ, bật đèn và mời tôi vào.

“Kia kìa”, anh ta nói.

Trên tường có đủ loại nhạc cụ cũ kỹ đến nỗi chỉ có thể gọi là đồ cổ, chủ yếu là đàn dây. Măng đô lin, ghi ta, vi ô lông xen, một cây thụ cầm nhỏ và nhiều nữa. Dây đàn gỉ sét, đứt hay mất hẳn. Tìm phụ tùng thay thế ngoài thành phố chắc là chuyện không tưởng.

Có một số nhạc cụ tôi chưa từng thấy bao giờ. Ví dụ như một cái đàn bằng gỗ có hộp cộng hưởng trông như ván giặt quần áo gắn một loạt lẫy hình ngón tay. Tôi cầm lên thử chơi – vô ích, không thể tạo ra âm thanh nào. Một nhạc cụ khác gồm một hàng trống nhỏ và mấy cái dùi trống đặc biệt nhưng tôi cũng không thể đánh ra một giai điệu nào hết. Có cả một chiếc kèn hơi rất to, giống như kèn pha gốt, nhưng tôi nghĩ là mình không biết sử dụng.

Viên quản lý ngồi xuống chiếc giường gỗ nhỏ của mình và quan sát tôi thử lần lượt từng nhạc cụ một. Giường dọn ngăn nắp, vải trải và gối sạch sẽ.

“Có gì dùng được không?”, anh ta chợt hỏi.

“Tôi cũng không chắc lắm”, tôi đáp. “Tất cả khá cũ, tôi sẽ cố gắng thử xem.”

Anh đứng dậy ra đóng cửa rồi quay trở lại. Phòng ngủ không cửa sổ, tiếng gió giờ đây đã bớt ồn.

“Anh có ngạc nhiên khi thấy tôi sưu tập nhạc cụ?”, anh hỏi tôi. “Ngoài tôi ra không ai ở thành phố có hứng thú ấy. Những người ở đây cũng không có lấy một chút xíu hứng thú về bất cứ thứ gì. Tất nhiên, họ có mọi thứ cần thiết cho cuộc sống: soong nồi, dao, khăn trải giường, quần áo và các đồ khác. Nhưng chỉ thế là hết. Đối với họ mọi đồ vật phải có một công dụng nào đó, không hơn không kém. Không ai có nhu cầu cao hơn. Nhưng tôi khác. Tôi yêu quý chính những đồ vật này. Tự tôi cũng không rõ lý do, nhưng chúng hấp dẫn tôi với một ma lực, những hình dáng phức tạp – những đồ vật đẹp.” Anh ta đặt một tay lên bàn, tay kia đút túi quần. “Thú thực là vì vậy mà tôi yêu nhà máy điện đến thế”, anh nói tiếp. “Tôi thích cái quạt gió, các dụng cụ đo lường khác nhau, máy biến áp. Có thể tôi đã luôn có xu hướng đó và do vậy được cử đến đây. Lâu lắm rồi – những gì trước đó tôi đã quên hết. Do vậy đôi khi tôi có cảm giác không bao giờ quay về thành phố được nữa. Thành phố này không bao giờ mời đón một người với tâm tính như thế quay lại!”

Tôi cầm một cây vi ô lông còn mỗi hai dây lên và gảy vào dây. Kết quả chỉ là mấy âm thanh nảy lên khô lạnh.

“Anh lấy đâu ra những nhạc cụ này?”, tôi hỏi.

“Từ đủ nguồn”, anh ta nói. “Tôi nhờ người chở lương thực đến đây sưu tập hộ. Chúng nằm vạ vật trong tủ hay nhà kho của nhiều gia đình. Vì không ai biết sử dụng nên nhiều khi chúng bị đem làm củi đốt lò, chỉ một số còn được giữ gìn. Ông ta tìm cho tôi và đưa về đây. Nhạc cụ nào cũng có hình dáng đẹp. Tôi không biết sử dụng và cũng chẳng có ý thích ấy, nhưng chỉ cần nhìn chúng là tôi cảm nhận được cái đẹp. Trông chúng rất phức tạp, nhưng không có chi tiết nào thừa. Tôi hay ngồi đây và thanh thản ngắm nhìn. Thế là đủ. Anh có thấy kỳ dị không?”

“Nhạc cụ rất đẹp”, tôi trả lời. “Không có gì kỳ dị cả.”

Ánh mắt tôi dừng lại ở một chiếc phong cầm nhỏ có hộp gió bằng da nằm giữa một chiếc vi ô lông xen và một chiếc trống. Tôi lấy ra. Thay vì các phím là một loạt nút bấm kiểu ngày xưa. Hộp gió cứng quèo và có đôi vết rạn nứt nhưng có vẻ vẫn kín hơi. Tôi lồng tay vào quai da bên sườn đàn và kéo ra đẩy vào vài lần. Khó nhọc hơn tôi tưởng, nhưng nếu các thứ nút bấm nguyên vẹn thì chắc đàn còn dùng được. Phong cầm là một loại đàn khó hỏng, trừ phi hộp gió không kín – và ngay khi nó bị hở thì cũng tương đối dễ sửa.

“Anh cho phép tôi thử nhé?”, tôi hỏi.

“Anh cứ việc, nhạc cụ để chơi mà”, người đàn ông nói.

Tôi kéo hộp gió dãn rộng ra, đẩy vào và bấm lên các nút lần lượt từ dưới lên trên. Một số nút chỉ cho ra tiếng nhỏ, nhưng đủ cả quãng tám, đó là điểm cốt yếu nhất. Tôi bấm lại tất cả các nút lần nữa, lần này từ trên xuống dưới.

“Nghe lạ quá”, người đàn ông thích thú nói. “Tựa như âm thanh thay đổi màu sắc vậy.”

“Tùy theo nút nào được bấm, âm thanh thay đổi độ dài của bước sóng”, tôi nói. “Mỗi âm một khác, và tùy theo độ dài của bước sóng mà sinh ra các âm thanh hài hòa với nhau hoặc không.”

“Tôi không hiểu lắm. ‘Hài hòa với nhau’ nghĩa là gì – là chúng cần nhau à?”

“Đúng”, tôi nói và bấm một lúc mấy nút liền. Các quãng cách không chính xác lắm song nhìn chung thì không đến nỗi khó nghe. Nhưng tôi không nhớ ra bài hát nào, chỉ bấm được vài hợp âm.

“Anh vừa chơi mấy âm hài hòa phải không?”

“Đúng thế”, tôi nói.

“Tôi không biết nên nói gì”, anh ta nói. “Chỉ biết đó là những âm thanh lạ. Tôi nghe chúng lần đầu tiên. Nó khác tiếng gió, nhưng cũng khác cả tiếng chim hót”, anh nói, đặt tay lên đầu gối và hết nhìn tôi lại nhìn sang cây đàn. “Bây giờ thì nhạc cụ này thuộc về anh. Anh cầm hết những gì anh thích đi. Chúng có ích hơn khi nằm trong tay người nào biết sử dụng. Đằng nào tôi cũng không biết phải làm gì với chúng.” Anh lắng nghe gió một lúc. “Tôi phải ra trông máy, cứ ba mươi phút phải kiểm tra xem quạt có chạy tốt không, biến áp có ổn định không, vân vân. Trong lúc đó anh đợi ở phòng bên nhé?”

Người đàn ông bước vội ra ngoài. Tôi về phòng khách kiêm phòng ăn và uống cà phê do cô thủ thư pha.

“Vậy đây là một nhạc cụ?”, cô hỏi.

“Một trong nhiều loại nhạc cụ khác nhau”, tôi nói. “Có rất nhiều loại, mỗi loại có một âm thanh khác.”

“Trông như cái bễ thổi lửa!”

“Ừ, nguyên tắc hoạt động của nó cũng thế.”

“Cho em chạm vào được không?”

“Ừ, tất nhiên”, tôi nói và trao nó cho cô. Cô rón rén chạm vào như thể đó là một con vật mới đẻ - rất thận trọng và bằng cả hai tay – sửng sốt ngắm nó.

“Trông buồn cười thật”, cô nói và mỉm cười lúng túng. “Nhưng anh có vui khi có nó không?”

“Bõ công đi đến đây.”

“Viên quản lý này là một người không tách hẳn được bóng mình. Một mảnh bé xíu còn dính lại, anh ta vẫn còn chút ít của bóng”, cô khẽ nói. “Do đó anh ta sống trong rừng. Tâm hồn anh ta không đủ mạnh để kéo anh ta vào sâu trong rừng, nhưng quay về thành phố cũng không xong. Một con người đáng thương.”

“Em nghĩ là mẹ em cũng sống trong rừng?”

“Vâng, có thể - hoặc có thể không”, cô nói. “Em không biết. Em chỉ chợt có ý nghĩ như thế thôi.”

Bảy, tám phút sau người đàn ông quay về nhà. Tôi cảm ơn về chiếc phong cầm, mở hộp lấy quà tặng ra đặt lên bàn: một chiếc đồng hồ báo thức du lịch, bộ chơi cờ và bật lửa xăng. Những thứ đó tôi lấy từ nhà kho.

“Xin anh nhận cho. Một lời đáp lễ cho cây đàn”, tôi nói.

Người đàn ông thoạt tiên chối, nhưng rốt cuộc anh cũng nhận quà. Anh ngắm chiếc đồng hồ, sau đó chiếc bật lửa và từng quân cờ.

“Anh biết sử dụng những đồ này không?”, tôi hỏi.

“Không, nhưng anh không cần giải thích”, anh ta nói. “Chỉ ngắm chúng là đủ thấy thích rồi, dần dần tôi sẽ tìm ra cách thức hoạt động của chúng và biết dùng chúng làm gì. Nói cho cùng thì tôi có nhiều thì giờ, quá nhiều là đằng khác!”

Tôi xin phép ra về.

“Ôi, anh chị bận thế à?”, giọng anh buồn rầu.

“Tôi muốn trở lại thành phố trước khi tắt nắng để ngủ một lát trước khi đi làm”, tôi giải thích.

“Tôi hiểu”, người đàn ông nói. “Công việc là công việc. Tôi rất muốn tiễn anh chị đến cửa rừng, nhưng tôi không được rời nhà máy điện trong giờ làm việc.”

Chúng tôi chia tay trước ngôi nhà nhỏ của anh.

“Anh chị cứ đến chơi. Và anh sẽ chơi cho tôi nghe nhạc cụ này nhé?”, người đàn ông nói. “Lúc nào anh chị cũng được chào đón.”

“Rất cảm ơn”, tôi nói.

Càng đi xa nhà máy điện, tiếng gió càng yếu đi. Đến sát bìa rừng thì không nghe gì nữa.