Năm giờ sáng, bác Lê gái sực thức dậy, nhưng bác không đánh thức Út và tung chăn của Thêm với Nữa như mọi buổi sáng. Bác khẽ bước sang chỗ Tý nằm, cúi xuống cốc vào đầu Tý mà cốc rất nhẹ. Sau một đêm, cơn tức chồng của bác đã hết; bác lại hơi hối hận đã mắng chồng quá thậm tệ đêm qua. Chính bác đã mua những thức ăn ngon về như xui chồng nhớ đến rượu và chính bác cũng đã có lúc nghĩ đến mua một ít rượu cho chồng uống vì là ngày bán lợn lại có thức nhắm ngon. Bác cũng hối hận đã đánh Tý một trận đòn quá đau, còn về chỗ Tý không được ăn lòng, ăn thịt lợn thì không sao vì bác đã để phần riêng cho nó. Bác định đánh thức riêng Tý rồi dắt nó xuống bếp cho nó ăn trong khi cả nhà còn ngủ. Nồi cơm bác cũng đã để sẵn ở dưới bếp rồi. Bác không muốn một ai trong nhà biết là bác cho Tý ăn. Dưới ánh trăng mờ mờ, bác thấy Tý cựa quậy nhưng vẫn không dậy. Bác cho tay xuống lay vai và bác giật nẩy mình; vai Tý nóng như lửa. Bác vội cho tay lên trán sờ rồi kêu lên:
"Thằng Tý nó sốt, thầy nó ơi!"
Bác ra thắp đèn rồi quay về bế Tý vào lòng. Hai mắt Tý mở to nhìn bác. Bác gọi, nhưng Tý không trả lời, vẫn cứ nhìn trừng trừng vào bác.
"Thầy nó ơi, dậy mau, nó mê man không biết gì nữa. Cô Mùi ơi! Thằng Tý nó sốt mê không biết gì nữa. Mời cô sang ngay. Nhỡ ơi, Tý nó sốt. Út ơi, dậy. Bé ơi, Tý ơi, tỉnh đi con! Cô Mùi ơi, mời cô sang".
Bác lại lấy tay lay người Tý; nhưng Tý vẫn không tỉnh, mắt cứ nhìn ngược lên làm cả nhà càng sợ hơn. Mùi chạy sang. Mọi người đều giãn ra để Mùi xem bệnh. Tuy Mùi không biết một Tý gì về thuốc nhưng cả nhà cũng đổ dồn hy vọng vào Mùi vì nàng là con gái một ông Lang, lại đứng chủ một cửa hàng bán thuốc. Mùi đến sờ tay lên trán Tý, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
"Hoả nó bốc."
Câu nói ấy cũng không khác gì câu nói: "Tý nó sốt" (mà ai không biết là Tý sốt) nhưng nghe Mùi nói thế bác Lê gái nhìn chồng một cái và nhắc lại một cách đầy trịnh trọng:
"Hoả nó bốc thầy mày ạ."
Mùi lại nói tiếp:
"Bây giờ phải cho nó hạ hoả."
Mùi đứng lên chạy sang cửa hàng để lấy một liều thuốc sốt. Bác Lê gái lại lay đầu Tý:
"Tý ơi, tỉnh mau, uống thuốc hạ hoả thì khỏi ngay, cô Mùi đã bảo thế."
Nhưng Tý lúc đó đương nghĩ ngợi cố hiểu xem tại làm sao ruột gan phổi của nó lại chạy ra ngoài người nó, nhưng nó nghĩ không ra; người nó như chơi vơi trên quãng không một cách rất khó chịu và óc thì nhức như búa bổ. Tý nói với mẹ:
"Bu ơi, ruột con làm sao lại chạy ra ngoài bụng thế?"
Bác Lê gái nhìn chồng nói:
"Không khéo nó chết mất, thầy mày ạ. Đấy, đã đến lúc nó mê sảng rồi..."
Nói xong bác oà lên khóc, rối rít gọi tên thằng Tý. Mùi đi sang cầm gói thuốc, bảo Bé đi lấy chén nước. Nghe bác Lê gái khóc, Mùi vừa hoà thuốc, vừa rướm rướm nước mắt, đến lúc nàng nhấc đầu Tý và thấy hai con mắt của Tý nhìn ngược lên - một triệu chứng mà nàng tin là triệu chứng của những người sắp chết - Mùi lại khóc nhiều hơn nhưng lúc đó nàng khóc không phải vì nghe bác Lê gái khóc mà vì thương Tý sắp chết, thằng Tý mà nàng vẫn yêu nhất đám trẻ con ở xóm và nàng càng yêu hơn từ khi đã vụng trộm cho nó ăn bánh.
Bé biết tánh Mùi nên bảo mẹ:
"Bu có nín đi không để cô Mùi chữa..."
Nhưng cả nhà thì tưởng Bé bảo mẹ nín sợ làm rối trí Mùi. Mùi cho Tý uống xong, cất tiếng hỏi:
"Tý ơi, Tý có biết ai đây không?"
Mùi vừa hỏi vừa lấy ngón tay chỉ vào mình. Tý thấy cô Mùi vừa khóc vừa hỏi nó thế, nó chẳng hiểu vì sao nhưng cũng đáp:
"Cô Mùi."
Mùi tươi nét mặt nhìn bác Lê gái. Bác Lê gái cốc một cái lên đầu Thêm ngồi bên cạnh.
"Nó tỉnh rồi. Thuốc cô hiệu nghiệm thật."
Mùi muốn biết rõ hơn nên lại hỏi:
"Tại sao hôm nọ Tý lại được ăn bánh cuốn?"
Tý yên lặng một lúc lâu rồi nói:
"Cô cho ăn."
Mùi biết Tý không nhớ lại được duyên cớ nhưng nó cũng còn nhớ lại được là nàng cho nó ăn. Thế đã khá. Mùi bảo bác Lê cứ hai giờ cho Tý uống thuốc một lần, rồi đứng lên đi về hàng. Nhỡ xuống thổi cơm. Ăn xong bác Lê trai đi nhặt lờ thay vợ; Nhỡ kéo xe sang phố Phủ đón khách chuyến xe lửa sớm. Đã cho Tý uống thuốc rồi chỉ còn đợi thuốc ngấm và Tý đã tỉnh nên mọi người yên tâm đi làm công việc hàng ngày. Út cũng bế em ra chợ chơi với Thêm, Nữa. Chỉ còn một mình bác Lê gái ngồi bế Tý ở nhà.
Một lúc sau, bác Lê gái thấy Tý chỉ lên đầu:
"Bu ạ, con cứ nhức nhối ở đầu."
Bác lấy tay xoa nhẹ lên đầu Tý. Bỗng bác sực nghĩ đến có lẽ vì đêm qua cốc đầu mạnh quá nên nó long óc và đâm ra sốt. Nghĩ như vậy, bác ứa nước mắt, ôm Tý vào lòng chặt hơn:
"Con đừng chết. Từ rầy bu không bao giờ cốc đầu con nữa."
Tý nói:
"Bu cho con uống nước."
Nhìn thấy nét mặt Tý đã tỉnh táo, hai con mắt đã nhanh nhẹn không lờ đờ như trước nữa, bác Lê vui vẻ. Con bác lại thèm uống nước và uống ừng ực nghe ngon lành lắm. Nghĩ ra điều gì bác mỉm cười đặt Tý xuống ổ rơm.
"Con nằm đây một tí nhé. Bu đi lấy cái này cho con."
Bác chạy ra chỗ thờ ở gốc đa, vái lia lịa và lâm râm khấn rồi bác đi xuống bếp. Lúc lên, bác đặt trước mặt Tý một cái đĩa đầy thịt và lòng:
"Tao để phần cho mày đêm qua đấy".
Rồi bác nhìn Tý một cái như để bảo cho Tý biết là tuy hay đánh mắng Tý luôn nhưng bác vẫn thương Tý trong lòng. Rồi bác bế Tý lên, cầm đũa gắp miếng thịt lợn xào đút vào mồm Tý:
"Ăn đi, ăn được thì chóng khỏi. Còn lòng lợn thì độc không ăn được, hôm nào khỏi tao mua riêng cho mà ăn."
Tý nhai miếng thịt nhưng không thấy ngon gì. Nó cũng cứ cố nhai và nhắm mắt nuốt cho được miếng thịt vì Tý thấy mẹ bảo cố ăn cho chóng khỏi. Nuốt hết bốn miếng thịt, Tý lắc đầu:
"Con không ăn được nữa, bu cho con uống nước."
Vừa lúc ấy Mùi chạy sang để nhắc bác Lê cho Tý uống thuốc vì đã được hai giờ rồi. Mùi giật mình nhìn thấy đĩa thịt đặt ở trước hai người và tay bác Lê còn cầm đũa:
"Chết, bác cho nó ăn lòng lợn đấy à?"
"Không, tôi cho nó ăn thịt thôi, thịt xào lành mà."
"Thịt gì ăn vào thì cũng nguy."
"Thế à cô?"
Bác lại lo sợ nói với Mùi:
"Nhưng nó có ăn được đâu. Đây là hôm qua nó đi cả ngày sang câu tôm bên bến Trò giờ ăn cơm cũng không về, tôi để phần cho nó."
"Thế nó có bị ướt mưa không? Chiều hôm qua mưa to."
"Tôi không để ý nhưng chắc là ướt."
"Thôi thế nó bị cảm rồi. Cảm thì không sao."
Bác Lê nhẹ hẳn người, một là vì Mùi nói cảm không sao, hai là vì không phải nó sốt vì bác cốc đầu long óc. Mùi về rồi, bác vừa bế Tý vừa thong thả gắp các miếng lòng, miếng giả cầy ăn vã. Bác thấy ăn ngon và ăn hết cả đĩa lúc nào không biết. Nhưng đến hai giờ chiều, Tý lại sốt nặng hơn, nó nằm thiêm thiếp, thở nhanh và nói lảm nhảm luôn mồm.
Nghe bác Lê gái gọi, Mùi lại phải sang, rất bực mình vì thuốc của mình không công hiệu. Vừa sang đến nơi thì Tý cũng vừa nôn ra đầy chiếu nào cơm nào thịt. Mùi nhìn vào những miếng thịt, lấy làm mừng rằng không phải thuốc không công hiệu nhưng vì tại bác Lê gái đã cho nó ăn thịt và vì thế nó bị sốt nặng lên. Nhưng Mùi không nói cho bác Lê biết sợ bác Lê áy náy. Bác Lê cũng nhìn vào chỗ cơm nôn ra và lấy làm ngạc nhiên cả ngày hôm qua Tý nhịn đói, cơm ở đâu mà nôn ra nhiều thế kia. Bác Lê trai hỏi vợ:
"Tối hôm qua cho nó ăn lòng vào thảo nào nó sốt."
"Rõ thật ngủ mê. Ai cho nó ăn lòng. Tại hôm qua thầy mày say rượu đánh nó nên nó sốt. Từ rầy còn uống rượu vào thì cả lũ con cũng chết dần chết mòn hết mà cả tôi cũng chết quách đi cho xong chuyện! Tý ơi, tỉnh đi con."
Nhưng Tý vẫn nói mê sảng: "... con tôm... lăng cụ Quận..."
Bác Lê gái nói với Mùi:
"Cô Mùi, nó nói lảm nhảm như bị ma làm."
Nói đến đây bác Lê gái sực nghĩ ra:
"Phải rồi, cả ngày hôm qua nó đi câu tôm, chắc lúc qua lăng cụ Quận bị ma làm. Thầy mày trông nó, để tôi chạy đi lễ tạ."
Thế rồi bác chạy ra cây đa lễ chỗ thờ thần đa, lễ cái bình vôi rồi bác đi thật nhanh ra bến đò Trò. Dọc đường thấy bụi cây nào bác cũng đứng lại lễ và khấn; đến lăng cụ Quận, bác lễ m cụ Quận, lễ hai con chó đá ở cạnh lăng và lễ đủ cả năm cây thông. Ra bến đò Trò thấy không có gì để ma ẩn nấp, bác lễ đất, lễ trời, lễ sông, vái huyên thuyên. Đỗi ngồi ở thuyền nhìn lên thấy bác Lê đương thì thụp lễ mình, lâm râm khấn làm như mình là một ông thần sống, chàng tưởng bác Lê vừa phát dại, vội đứng lên hỏi:
"Làm sao thế bác Lê?"
Bác Lê nhìn thấy Đỗi:
"Anh Đỗi ơi, Tý nó bị ma làm sốt nói mê nói sảng."
Thật ra lúc đó, thấy nét mặt hốt hoảng của bác Lê miệng vẫn lẩm bẩm khấn, tay vái trên trời dưới đất, Đỗi cho là chính bác Lê bị ma làm. Đỗi nói:
"Tý nó ốm à, để tôi chạy lại thăm nó một tí."
Đỗi vừa mới sực nhớ đã lâu Bé không đến và Tý ốm là một cớ chàng đến thăm Bé rất tự nhiên.
Bác Lê thấy lễ đã đủ khắp nơi, quay trở về. Lúc đến phố, bác rẽ sang tay trái, đi về phía nhà ông Năm Bụng. Lúc đó thì bác không nghĩ đến ma quỷ nữa, bác cho mọi sự đều do ông Năm Bụng gây nên. Vì ông Năm Bụng bán rượu nên chồng bác mới đánh con đến phát sốt, bác mới đánh Tý đến long óc, Tý mới chết mà không được ăn lòng, ăn thịt giả cầy. Lúc thường bác sợ ông Năm Bụng lắm, sợ và trọng nữa, vì có người nói với bác rằng ông Năm Bụng là con một ông Bố ở Sơn Tây. Nhưng cơn tức bác lên thì ai bác cũng không sợ. Thấy ông Năm Bụng đứng ở trong nhà bác tiến thẳng vào, lấy tay dí vào trán ông Năm Bụng.
"Làm sao cái nhà ông lại bán rượu cho chồng tôi. Con tôi chết, thì tôi cho ông tù mọt gông."
Ông Năm Bụng thấy bác Lê gái vào, không lấy làm lạ; ông vẫn đợi bác đến, nhưng nghe bác Lê nói thế ông biết là bác Lê trai say rượu đánh con gần chết. Ông hối hận và sợ hãi. Bác Lê gái thấy thế càng làm già:
"Ông cậy ông con ông Bố à?"
Rồi bác ấn mạnh ngón tay vào trán ông Năm Bụng làm ông Năm phải lùi lại một bước và cho hai tay ôm bụng sợ rơi năm chai rượu giắt ở trong.
"Con ông Bố, con ông mẹ gì thì cũng kệ bố, kệ mẹ ông."
Bà Năm Bụng ở trong nhà chạy ra, nhưng bà không nhìn bác Lê gái, giơ tay chỉ vào mặt chồng:
"Nhục nhã chưa? Mấy năm rồi khổ thân này lắm rồi. Đã bảo về, không về, ở đây để bất cứ một con đĩ dại nào nó cũng mắng được vào mặt mình."
Bác Lê gái chạy lại gần bà Năm:
"Ai bảo ai là đĩ dại. Chồng bà bán rượu cho chồng tôi uống đánh con tôi sắp chết mà lại còn mắng tôi là đĩ dại à? Bà cậy thế à?"
Bà Năm Bụng làm như không nghe thấy bác Lê gái nói và bà cũng không quay nhìn bác Lê, tiếp lời nói với chồng:
"Ê chưa, không về thì mai tôi về một mình, tha hồ ở đây mà nghe người ta chửi bố chửi mẹ cho."
Bác Lê gái thấy ông Năm Bụng rút cả năm chai rượu giắt ở bụng ra đặt xuống phản rồi lừ lừ đi đến phía bà Năm và bà Năm thì cứ lùi lùi dần vào cửa buồng. Ông Năm vẫn không nói gì giơ tay ấn mạnh vào má vợ một cái. Bà Năm khóc oà lên.
"Cứ đánh chết người ta đi, đồ vũ phu."
Ông Năm Bụng vẫn không nói gì, đẩy mạnh vợ vào trong buồng rồi khép cửa buồng lại. Ông thong thả cầm năm chai rượu đút vào trong bụng; mắt ông lúc đó, bác Lê gái thấy đỏ thắm hơn cả chỗ tiết lợn mua hôm qua. Bác Lê vội quay trở ra và hối hận. Bác tưởng ông Năm đánh vợ vì vợ mắng mình là con đĩ dại và bác phục ông Năm là người lớn biết điều.
"Con ông Bố có khác."
Và sự tức mình của bác lại dồn cả vào bà Năm mà bác cho là khinh người và hợm mình.
Lúc bác về tới nhà thì Tý đã tỉnh và sốt nhẹ hẳn người đi. Mùi nói:
"Tại nó nôn ra được."
Bác Lê gái thì cho là vì bác đi lễ và đã lễ đúng vào cái bụi cây hay đống đất mà Tý đã nghịch. Bác bế Tý vào lòng, nói lẩm bẩm một mình:
"Ông Năm Bụng thật là người tốt, biết điều."
Bác Lê trai nhìn vợ một cái. Bác biết là vợ mình vừa rẽ qua nhà ông Năm để mắng ông ta bán rượu cho mình, nhưng còn tại sao lại biết là ông Năm bụng bán rượu cho mình và tại sao khi về lại khen ông Năm là người tốt thì bác không hiểu. Bác thấy ngầm sung sướng vì bác vừa chợt nghĩ ra là lần sau có thèm rượu thì có thể lại đến ông Năm mua được.
Đỗi bước vào nhà bác Lê ngạc nhiên thấy nét mặt mọi người đều vui vẻ; tự nhiên Đỗi cũng vui vẻ đoán Tý đã khỏi và nhất là thấy Bé cũng ngồi đấy đương nhấc một bên khăn trắng lên nhìn mình. Đỗi lại hồi hộp vì lần đầu tiên vào nhà bác Lê mà chàng coi như là nhà vợ mình. Chàng nhìn vào mặt mọi người cất tiếng chào, chỉ trừ riêng Bé là chàng làm như không nhìn thấy.
Đỗi hất hàm hỏi Tý:
"Khỏi rồi à?"
Rồi Đỗi nhe răng cười với Tý. Bác Lê gái nói:
"Sao anh lại không bảo nó về để nó câu cả ngày quên cả ăn cơm?"
"Thì nó bảo tôi là chính bác cho nó đi chơi."
Bác Lê gái lúc đó mới sực nhớ ra:
"Thật là mình lú gan lú ruột, đánh oan con một trận."
Bác mủi lòng ứa nước mắt.
Tý hỏi:
"Chỗ tôm của con hôm qua đâu?"
"Ăn rồi, sáng ngày anh Nhỡ đem rang."
Bác Lê gái nói thế rồi quay nhìn Đỗi hỏi:
"Tự nó câu được nhiều thế hay là anh cho thêm?"
"Một mình nó câu được. Trước cháu chỉ dậy nó cách thức câu có một hai lần, nó tinh ý và học chóng lắm".
Bác Lê gái nghĩ chỗ tôm ấy cũng bán được đến bốn năm xu và định bụng để nó đi câu tôm lại có lợi hơn là ở nhà làm việc khác. Bác cúi xuống bảo Tý:
"Cố chóng khỏi đi, thầy mày vót cho ít cần đi câu tôm cả ngày cũng được."
Tý mỉm cười nhìn lại mẹ.
Mùi đứng lên đi về nhà, nàng mừng rằng Tý đã đỡ, khỏi phải mời làm phiền cha mình ra. Bé cũng đứng lên sang bên cửa hàng. Đỗi cũng muốn đứng lên đi về nhưng không dám vì sợ cùng đi một lúc với Bé; trừ khi mới vào còn thì không một lần nào Đỗi được nhìn mặt Bé cả. Chàng định gợi chuyện nói với hai bác Lê để làm thân nhưng không biết nói về chuyện gì. Chàng nghĩ mãi không ra câu bắt đầu. Thấy tay Đỗi cứ vặt mãi những cái đầu cói làm chỗ rách ở chiếu to dần ra, bác Lê gái nói:
"Rứt mãi làm chiếu rách to ra bây giờ".
Đỗi giật mình ngửng nhìn bác Lê gái và đứng lên:
"Thôi, cháu về đây."
Lúc đi qua cửa hàng bánh cuốn, Đỗi đánh liều nhìn vào và thấy Bé lật khăn lên để hở cả hai mắt cho chàng nhìn và mỉm cười nhìn lại chàng. Lần đầu tiên Đỗi thấy Bé lật khăn cho mình nhìn mà chàng không cần bảo mà lại lật những hai lần và lại mỉm cười cả với chàng nữa. Đỗi sung sướng bàng hoàng và đi chập choạng như người say rượu.
Ngày hôm sau Tý không sốt nữa và cách ba hôm sau Tý khỏi hẳn và khoẻ khoắn như thường. Bác Lê gái mua lòng và dồi về cho Tý ăn và bữa cơm nào cũng có nồi trứng để riêng cho Tý. Buổi sáng nào Mùi cũng gọi Tý sang cho ăn hai chiếc bánh cuốn nóng, nhưng không cho Tý ăn ớt và cà cuống.
Bác Lê trai lại ngồi vót cho Tý đến chục cái cần câu... Tý mới ốm khỏi trong người dễ chịu, khoan khoái lạ thấy cái gì cũng khác hẳn trước, nó như sống một đời đổi mới. Mẹ nó lại không cốc đầu nó nữa và cũng không cốc đầu các em nó.
Hôm đầu tiên đi câu tôm, Tý trở nên nghiêm trang. Nó thấy không phải là đi chơi nữa mà là đi câu để được nhiều tôm đem về bán lấy tiền; nó nghĩ nó cũng sắp được như anh Nhỡ nó, mỗi buổi chiều kéo xe về đưa cho mẹ bao nhiêu là tiền. Nó cũng có thể để dành riêng một ít tiền, thỉnh thoảng ra chợ ăn bánh đúc riêu của bác Mành.
Ăn cơm sáng xong, bác Lê gái đập nhẹ một cái lên vai Tý nói:
"Chiều về cố đem thật nhiều tôm về. Đừng đi chơi lăng quăng và thấy có cái đống hay bụi cây thì đừng có nghịch, đừng có đái vào mà lại sốt như hôm nọ."
Mùi thấy Tý đi qua, vai vác cần câu tay xách giỏ, vội gọi vào và cho ăn hai chiếc bánh.
"Bây giờ khỏi rồi thì mai không có bánh ăn nữa đâu."
Bé hỏi Tý đi câu ở đâu. Tý đáp:
"Em sang bến đò Trò, ở chỗ ấy nhiều tôm lắm."
"Ngày nào mày cũng đi câu ở bến Trò?"
"Vâng ngày nào cũng thế. Chị hỏi làm gì cơ?"
Bé giật mình nhưng cũng tìm ngay được câu ứng phó:
"Như thế tao không phải thỉnh thoảng sang bến Trò mua tôm nữa."
Tý đi khỏi, Bé chạy ngay xuống bếp vò đầu vò tai, miệng lẩm bẩm:
"Đã bảo đừng cho nó câu lại cho nó câu để bây giờ thế này? Còn mình nữa, tự nhiên lại nói câu ấy ra với Tý để bây giờ không còn cớ gì sang bến Trò nữa."
Bé tức Đỗi và tức cả chính mình. Nàng rứt mạnh cái khăn che xuống, ngồi thừ người ra một lúc:
"Thì cần gì sang bến Trò! Đáng ghét cái mặt."