Trở về từ chuyến đi dạo phố đầy phiền muộn sau khi nhận được bức thư kiên quyết của McGregor, James và Hay, Hutstwood thấy thư của Carrie viết cho ông sáng nay. Ông run cả người khi nhận ra nét chữ, và vội vàng bóc thư.
“Có thế chứ, - ông nghĩ, - cô ấy yêu hay không yêu, rốt cuộc đã viết thư cho mình”.
Ngay từ giây phút đầu tiên, ông đã hơi thất vọng vì giọng điệu bức thư, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. “Cô ấy sẽ không viết lấy một chữ nếu không còn quan tâm đến mình”.
Ý nghĩ này là nguồn cơn chống lại sự phiền muộn choán giữ ông. Ông có thể chiết ra chút ít từ lời lẽ trong thư, nhưng ông cho rằng đã hiểu được tinh thần.
Trong bản chất của ông có thứ quá ư tính người - nếu không nói là thống thiết nên ông nhẹ người khi bị trách mắng ra lời. Từ lâu nay, ông vốn hoàn toàn tự mãn, giờ nhìn ra bên ngoài bản thân tìm sự an ủi và đó chính là nguồn cơn. Những sợi dây yêu thương thật huyền bí! Chúng trói buộc tất cả chúng ta.
Má ông hồng trở lại. Trong khoảnh khắc, ông quên bẵng lá thư của McGregor, James và Hay. Giá như ông chỉ có Carrie, có lẽ ông có thể thoát khỏi mớ rối rắm này, có lẽ nó chẳng có vấn đề gì. Vợ ông muốn làm gì cũng được, miễn là ông không mất Carrie. Ông đứng dậy và đi lại, mơ một giấc mơ thú vị, được sống tiếp với chủ nhân đáng yêu của trái tim ông.
Song chẳng mấy chốc, nỗi lo cũ trở lại với sự chán ngán biết chừng nào! Ông nghĩ đến ngày mai và lời thỉnh cầu. Ông chẳng làm được gì, và buổi chiều trôi qua. Lúc này là bốn giờ mười lăm. Đến năm giờ, các luật sư sẽ về nhà. Ông vẫn còn đến trưa mai. Ngay lúc ông nghĩ thế, đã năm giờ kém mười lăm. Rồi ông quyết hôm ấy không nghĩ đến họ nữa và chỉ nghĩ đến Carrie.
Người ta đã nhận xét rằng đàn ông không tự xét đoán được bản thân. Ông chẳng bận tâm về điều đó. Ông chỉ nghĩ đến khả năng thuyết phục Carrie. Chẳng có gì sai trái trong việc này hết. Ông yêu cô tha thiết. Hạnh phúc chung của họ tùy thuộc vào nó. Chỉ cần Drouet vắng mặt!
Trong lúc ông hân hoan nghĩ thế, ông nhớ ra sáng mai ông cần một bộ đồ lanh sạch sẽ.
Ông mua một bộ cùng nửa tá cà-vạt rồi đến Palmer House. Lúc bước vào, ông tưởng như nhìn thấy Drouet cầm chìa khóa đang trèo lên cầu thang. Chắc chắn không phải Drouet! Rồi ông nghĩ, có khi họ tạm thời thay đổi chỗ ở. Ông đến thẳng bàn lễ tân.
- Có phải ông Drouet nghỉ ở đây không? - Ông hỏi người trực.
- Tôi nghĩ là đúng, - người kia nói và tra cứu danh sách đăng ký. - Vâng.
- Thế ư? - Hurstwood kêu lên, che giấu sự sửng sốt. - Một mình sao? - Ông nói thêm.
- Vâng, - nhân viên trực nói.
Hurstwood quay đi, mím chặt môi cố nén và che giấu tình cảm. “Sao lại thế nhỉ?” - Ông nghĩ. - “Chắc họ cãi nhau”.
Ông vội vã về phòng, tinh thần phấn chấn và thay bộ đồ lanh. Thay đồ xong, ông đã quyết chí phải tìm cho ra Carrie ở một mình hay đã đi nơi khác. Ông quyết định ghé đến ngay lập tức.
“Mình biết phải làm gì”, - ông nghĩ, - “Mình sẽ đến cửa và hỏi ông Drouet có nhà không. Như thế sẽ biết ngay anh ta còn ở đấy không và Carrie hiện ở đâu”.
Nghĩ đến đó, ông xúc động gần như đến từng thớ thịt. Ông quyết định sau bữa tối sẽ đi ngay.
Sáu giờ, ông rời phòng và nhìn ngó cẩn thận xem Drouet có mặt hay đã ra ngoài đi ăn. Tuy vậy, ông hầu như không ăn được gì vì quá lo lắng về mục đích của ông. Trước khi đi, ông nghĩ tốt hơn hết là biết Drouet ở phòng nào, và ông trở lại khách sạn.
- Ông Drouet ra ngoài rồi ư? - Ông hỏi người trực.
- Không ạ, - người kia trả lời. - Ông ấy đang trong phòng. Ông có muốn gửi danh thiếp lên không ạ?
- Không, tôi sẽ ghé đến sau, - Hurstwood trả lời và đi ra.
Ông lên xe và đến thẳng Ogden Place, lần này liều lĩnh đi bộ đến thẳng cửa. Cô hầu phòng trả lời tiếng gõ cửa của ông.
- Ông Drouet có nhà không? - Hurstwood nói, ôn tồn.
- Ông ấy ra khỏi thành phố rồi ạ, - cô gái đáp, cô ta đã nghe lỏm Carrie nói thế với bà Hale.
- Bà Drouet có nhà không?
- Không ạ, bà ấy đi xem hát.
- Vậy sao? - Hurstwood nói, rẫt sửng sốt, dường như có việc rất quan trọng, - cô có biết nhà hát nào không?
Thực ra, cô gái không biết Carrie đi đâu, nhưng cô ta không ưa Hurstwood nên muốn làm khó dễ cho ông, bèn trả lời:
- Có ạ, nhà hát Hooley’s.
- Cảm ơn cô, - viên quản lý đáp lại và hơi nhấc mũ chào, rồi đi.
- Mình sẽ tạt vào Hooley’s, - ông nghĩ, nhưng thực tế ông không đến đấy. Chưa đến trung tâm thành phố, ông đã nghĩ kỹ toàn bộ sự việc và cho rằng làm thế là vô ích. Tuy tha thiết muốn gặp Carrie, song ông hiểu rằng cô sẽ đi cùng ai đó và không muốn xông vào nài xin. Sau này, đến sáng chẳng hạn, ông có thể làm thế. Nhưng trong buổi sáng, việc gặp luật sư lại sờ sờ trước mắt ông.
Cuộc đi ngắn này khiến ông cụt hứng hẳn. Chẳng máy chốc ông lại rơi vào tình trạng lo lắng cũ, và ông về khách sạn, nóng lòng được thư giãn. Một nhóm các quý ông đang chuyện trò, làm nơi này sống đông hẳn lên. Một nhóm chính khách ở quận Cook đang hội ý quanh cái bàn tròn bàng gỗ anh đào tận cuối phòng. Vài thanh niên đến dự hội hè chuyện phiếm ở quầy trước khi đến nhà hát muộn. Một nhân vật quý phái rởm, có cái mũi đỏ và mũ cao cũ kỹ, lẻ loi ở một đầu quầy, lặng lẽ uống từng ngụm bia. Hurstwood gật đầu chào các chính khách rồi về phòng làm việc.
Khoảng mười giờ, một người bạn của ông là Frank L. Taintor, một nhà thể thao và tay đua của địa phương tạt vào thăm, thấy Hurstwood một mình trong phòng.
- Chào George! - Ông ta kêu to.
- Anh khỏe không, Frank? - Hurstwood nói, dù sao cũng nhẹ người khi nhìn thấy bạn. - Mời ngồi, - ông ra hiệu vào một trong những chiếc ghế trong căn phòng nhỏ.
- Có việc gì thế, George? - Taintor hỏi. - Trông anh hơi rầu rĩ. Sao lại mất hút thế?
- Tôi nay tôi không được khỏe. Tôi bị nhiễm lạnh hôm qua.
- Uống whiskey vào, George, - Taintor nói. - Anh phải biết điều đó chứ.
Hurstwood mỉm cười.
Trong lúc họ trò chuyện, vài người bạn khác của Hurstwood vào, và quá mười một giờ một chút, các nhà hát giải tán, một số diễn viên ghé vào, trong đó có một vài người nổi tiếng.
Rồi bắt đầu một trong những câu chuyện thân hữu vu vơ, rất phổ biến ở các khách sạn Mỹ, nơi những người hy vọng trở nên giàu có có xóa sạch nước sơn hào nhoáng khỏi những người đã thừa mứa. Nếu Hurstwood có một xu hướng, thì đó là quan hệ với những người tai mắt. Ông cho rằng dù ở bất cứ nơi đâu, ông cũng thuộc trong số họ. Ông quá kiêu hãnh nên không bợ đỡ, quá sắc sảo để không tuân thủ nghiêm ngặt chỗ đứng của ông, khi những người có mặt không còn đánh giá ông cao, nhưng trong những tình huống như hiện nay, ông có thể tỏa sáng như một quý ông, được tiếp nhận như một người bạn và một người tài giỏi ngang hàng, không kèm theo những lời nước đôi, và ông rất mãn nguyện. Chắc chắn rằng, trong những dịp như thế, ông sẽ “lợi dụng được cái gì đó”. Khi quan hệ đủ thân hữu, ông còn xuề xòa đến mức chén chú chén anh với cả hội, rất chú ý đến lượt ông trả tiền như thể ông là một người ngoài như những người khác. Nếu gần say - hoặc khá sôi nổi và thoải mái đến nỗi sắp lâm vào cảnh bệ rạc - những người như thế này sẽ vây quanh ông, vì ông là một trong những người nổi danh là hay chuyện. Tối nay, đang lúc buồn phiền, ông nhẹ người thấy cả hội những người tiếng tăm đã tụ tập, và ông gạt mọi nỗi phiền muộn sang một bên, tham gia rất vui vẻ.
Chẳng mấy nỗi, cuộc nhậu nhẹt bắt đầu có tác dụng. Nhiều câu chuyện bung ra bất ngờ, những câu chuyện dai dẳng, khôi hài là phần chủ yếu của các cuộc trò chuyện giữa cánh mày râu Mỹ ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Đến mười hai giờ, giờ đóng cửa, cả hội mới ra về. Hurstwood bắt tay họ rất thân mật. Về mặt thể chất, ông rất lạc quan. Ông đã đạt tới tình trạng đầu óc ông hoàn toàn nồng nhiệt trong những tưởng tượng. Ông cảm thấy những phiền muộn trong lòng chẳng quá nghiêm trọng. Vào văn phòng, ông giở qua các bản kê khai, đợi các bồi rượu và thu ngân ra về.
Đây là nhiệm vụ của quản lý cũng như thói quen của ông, sau khi mọi việc đã hoàn tất, mọi sự khép lại một đêm an toàn. Theo quy định, số tiền mặt nhận vào sau giờ làm việc của ngân hàng được để tại chỗ, người thu ngân khóa két sắt cùng các chủ nhân biết mã số bí mật, nhưng dù thế nào đi nữa, để phòng xa, đêm nào Hurstwood cũng kiểm tra các ngăn kéo đựng tiền và xem két đã khóa chắc chắn chưa. Sau đó, ông khóa phòng làm việc nhỏ của mình và để một ngọn đèn sáng rất đúng cách thức gần két, rồi mới ra về.
Theo kinh nghiệm của ông, chưa bao giờ ông tìm ra điều gì không đúng thủ tục, nhưng tối nay, sau khi đóng cửa phòng làm việc, ông ra ngoài kiểm tra két. Tình cảnh của ông tạo nên một sức hút đột ngột. Lần này cánh cửa phản ứng lại. Ông hơi ngạc nhiên, và nhìn vào thấy các hộp tiền mặt vẫn để lại như lúc ban ngày, rành rành không được bảo vệ. Lẽ tất nhiên, ý nghĩ đầu tiên của ông là kiểm tra các ngăn kéo và đóng cửa két lại.
“Ngày mai, mình phải bảo Mayhew sự cố này”, ông nghĩ.
Chắc chắn Mayhew đã ra ngoài từ nửa giờ trước, lúc ông xoay quả đấm cửa để bật khóa. Trước kia, ông ta chưa bao giờ quên làm thế. Nhưng tối nay chắc Mayhevv còn mãi nghĩ nhiều việc khác. Ông ta còn bận bịu với việc riêng.
“Mình thử nhìn qua xem”, - viên quản lý nghĩ và kéo các ngăn đựng tiền. Ông không biết vì sao ông lại muốn nhìn vào đó. Đây là một hành động hoàn toàn không cần thiết, vào lúc khác có lẽ đã không xảy ra.
Lúc nhìn vào, mắt ông bắt gặp một tập tiền mặt trong từng gói một ngàn một như các ngân hàng phát hành. Ông không thể nói là bao nhiêu, nhưng ông dừng lại để nhìn. Rồi ông kéo ngăn thứ hai. Ngăn đựng các hóa đơn trong ngày.
“Mình không biết Fitzferald & Moy lại để tiền kiểu này”, - ông tự nhủ. - “Chắc họ quên”.
Ông nhìn ngăn kia và lại ngập ngừng.
“Đếm đi", một tiếng nói thẻ thọt vào tai ông.
Ông đặt tay lên hộp đầu tiên và nhấc cả chồng, để các gói rời rơi xuống. Những tờ bạc năm chục và một trăm đôla đóng thành từng gói một ngàn. Ông cho là đếm được mười gói như thế.
“Sao mình không đóng két lại?” - Ông tự nhủ, chần chừ. - “Cái gì khiến mình cứ nấn ná ở đây vậy?”.
Những lời xa lạ nhất đáp lại:
- Đã bao giờ ông có sẵn mười ngàn đôla như thế này chưa?
Trời ạ, viên quản lý nhớ ra rằng ông chưa bao giờ có nhiều tiền như thế. Tất cả tài sàn của ông được tích cóp dần dấn, và giờ đây vợ ông sở hữu tất. Ông có cả thảy hơn bốn chục ngàn, nhưng vợ ông sẽ chiếm hết.
Ông bối rối lúc nghĩ đến những việc này, rồi ông đẩy các ngăn vào và đóng cửa, bàn tay ông ngập ngừng trên quả đấm, có thể khóa lại dễ dàng, vượt qua mọi cám dỗ. Ông vẫn lưỡng lự. Cuối cùng, ông đến bên cửa sổ và vén rèm. Rồi thử cửa ra vào ông đã khóa từ trước. Việc này là gì đây, biến ông thành kẻ ám muội ư? Tại sao ông lại cứ loanh quanh, lặng lẽ như vậy? Ông trở lại đầu quầy, làm như để chống tay mà nghĩ. Rồi ông đi, mở khóa phòng làm việc nhỏ của ông và bật đèn. Ông cũng mở bàn làm việc và ngồi trước bàn, chỉ nghĩ đến những ý tưởng lạ lùng.
“Két đang mở đấy, - giọng đó nói. - Chí ít cũng có một kẽ nứt nho nhỏ trong đó. Khóa đã không bật lên”.
Người quản lý chao đảo giữa một nùi những ý nghĩ rối như mớ bòng bong. Lúc này, mọi sự rối rắm ban ngày trở lại. Một ý nghĩ chợt đến, đây chính là một giải pháp. Số tiền đó sẽ được việc. Giá ông có nó và Carrie. Ông bật dậy và đứng không nhúc nhích, nhìn trân trân xuống sàn.
“Sao thế?” lương tâm ông căn vặn, và ông từ từ đưa bàn tay lên gãi đầu.
Hurstwood không phải là kẻ ngốc, bị ý kiến sai lầm ấy dẫn dắt một cách mù quáng, nhưng hoàn cảnh của ông thật đặc biệt. Rượu vang chảy rần rật trong mạch máu ông. Nó len lỏi lên đầu ông và đem lại cho ông cách nhìn dễ chịu về hoàn cảnh. Nó cũng tô đậm thêm những khả năng của mười ngàn đôla cho ông. Ông nhìn thấy những cơ hội to lớn với số tiền ấy. Ông có thể giành được Carrie. Ôi, phải rồi, ông có thể! Ông có thể tống khứ vợ. Cả bức thư dang đợi bàn bạc vào sáng ngày mai. Ông sẽ không cần trả lời nó nữa. Ông trở lại két và đặt bàn tay lên quả đấm. Rồi ông kéo cánh cửa và lấy ngăn đựng tiền ra.
Lúc số tiền đã nằm yên trước mặt ông, hình như việc trả nó lại là ngu ngốc. Chắc chắn là thế. Ông có thể sống êm đềm với Carrie trong nhiều năm.
Chúa ơi! Cái gì thế này? Lần đầu tiên ông căng thẳng, dường như có một bàn tay cứng rắn đặt lên vai ông. Ông sợ hãi nhìn quanh. Lúc này không có ai ở đây. Không một tiếng động. Có người nào đó đang lê bước trên hè. Ông cầm cái hộp cùng số tiền và đặt trở lại két. Rồi ông lại khép hờ cánh cửa.
Với những người lương tâm chưa bao giờ dao động, tình thế khó xử của một người tâm trí đang không được khỏe khoắn, đang run rẩy trên cán cân giữa bổn phận và thèm muốn hầu như không đáng kể, trừ khi vẽ bằng biểu đồ. Những người đó chưa bao giờ nghe thấy tiếng nói trang nghiêm của chiếc đồng hồ ma quái đang tích tắc từng tiếng rành rọt đến khủng khiếp: “mi sẽ làm”, “mi sẽ không làm”, “mi sẽ làm”, “mi sẽ không làm”, không có vị trí xét đoán. Không chỉ ở những người bản chất nhạy cảm, có tính tổ chức cao mới có mâu thuẫn tinh thần như thế. Những người thuộc loại trì độn nhất, khi bị dục vọng cuốn đến tội ác, cũng được ý thức đúng đắn nhắc nhở, nó cân xứng trong nội lực và sức mạnh với xu hướng xấu xa. Chúng ta phải nhớ rằng người ta có thể không am hiểu về thiện, ác, vì không kiến thức nào về điều thiện khẳng định sự lùi lại bản năng của con người trước cái ác. Con người vẫn bị bản năng dẫn dắt trước khi họ được tri thức điều chỉnh. Đây là bản năng gợi nhớ đến tội phạm, đây là bản năng (nơi thiếu hẳn hành động có ý thức tổ chức cao) đem lại cho kẻ phạm tội cảm giác nguy hiểm, sợ hãi vì sai trái.
Ở mỗi cuộc mạo hiểm đầu tiên vào một sai phạm chưa được thử thách, ý định rất dao động. Chiếc đổng hồ suy nghĩ phát ra sự mong muốn và phủ nhận. Với những người chưa bao giờ trải qua tình thế tinh thần khó xử như thế, việc tiếp theo là bị cuốn đến lý do đơn giản đã để lộ.
Khi Hurstwood trả lại số tiền, bản tính của ông hồi phục lại sự dễ dàng và táo bạo. Không ai theo dõi ông. Ông chỉ có một mình. Không ai có thể nói ông muốn làm gì. Ông có thể làm việc này cho mình.
Lượng rượu ông uống lúc tối vẫn chưa tan. Trán ông ẩm mồ hôi, bàn tay ông run rẩy tuân theo nỗi sợ không tên, sắc mặt ông vẫn ửng đỏ vì hơi men. Ông không chú ý đến thời gian đang trôi. Ông xem xét kỹ lưỡng tình hình của ông lần nữa, mắt ông luôn nhìn thấy cả mớ tiền, tâm trí ông luôn thấy việc phải làm. Ông vào văn phòng nhỏ của mình, rồi ra cửa và lại đến chỗ két lần nữa. Ông đặt bàn tay lên quả nắm cửa két và mở ra. Bao nhiêu là tiền! Chắc chắn là nhìn thì chẳng hại gì!
Ông lại rút ngăn kéo ra và nhấc từng tệp tiền. Chúng trơn mịn, chắc nịch, có thể mang theo. Vả lại, chúng thật gọn gàng. Ông quyết định lấy chúng. Phải, ông sẽ lấy. Ông sẽ đút vào túi ông. Rồi ông xem xét cái túi và thấy cho tiền vào đó không ổn. Cái cặp xách tay của ông! Chắc rồi, cặp xách tay của ông. Có thể nhét tất cả sổ tiền vào trong đó, tất cả. Sẽ không ai nghĩ đến nó. Ông vào văn phòng nhỏ và lấy cái cặp trên giá ở góc phòng. Giờ ông để cặp lên bàn và đến thẳng két. Không hiểu sao, ông không muốn nhét đầy tiền trong căn phòng rộng lớn.
Ông mang tiền trước rồi tháo bỏ hóa đơn trong ngày. Ông sẽ mang đi tất. Ông đặt cái ngăn rỗng lại và đẩy cánh cửa sắt gần nhất, rồi đứng cạnh, trù tính.
Tâm tư xao động ở bất cứ hoàn cảnh nào là thứ gần như không giải thích được, và nó hoàn toàn là thực. Hurstwood không thể buộc mình hành động dứt khoát. Ông muốn suy nghĩ, cân nhắc và quyết định xem thế nào là tốt nhất. Ông đã bị lôi cuốn vì thèm muốn Carrie mãnh liệt, bị sự rối loạn của cuộc tình chèo lái đến mức ông không ngừng suy nghĩ đến khả năng tốt đẹp nhất, và ông nao núng. Ông không biết hành động sai trái này sẽ đem lại kết quả gì cho ông, bao lâu nữa ông sẽ gặp tai họa. Những nguyên tắc xử thế đúng đắn trong một hoàn cảnh chưa từng xảy ra với ông, trước kia và sẽ không bao giờ, dù ở bất cứ tình huống nào.
Sau khi nhét tất cả số tiền vào túi xách, cảm giác khiếp sợ choán lấy ông. Ông sẽ không làm việc này đâu, không! Nghĩ đến nó sẽ gây ra chuyện bê bối biết chừng nào. Cảnh sát! Họ sẽ tìm ông. Ông sẽ phải trốn chạy, nhưng trốn đi đâu? Chao ôi, là kẻ trốn tránh công lý thật kinh hoàng! Ông rút hai cái hộp ra và trả lại tất cả số tiền. Trong tình trạng kích động, ông quên bẵng mình đang làm gì, và đặt tiền vào sai hộp. Lúc khép cửa két, ông nhớ ra mình đã làm sai và lại mở ra. Hai cái hộp lẫn lộn.
Ông rút chúng ra và sắp xếp lại cho ngăn nắp, lúc này nỗi kinh hoàng đã tiêu tan. Tại sao lại sợ kia chứ?
Lúc tiền vẫn trong tay ông, ổ khóa kêu cách. Lò xo đã bật! Ông làm gì đây? Ông vồ lấy quả đấm cửa và kéo hết sức. Cửa đã đóng chặt. Trời ơi! Giờ thì ông chết chắc.
Lúc nhận ra két đã khóa chắc, mồ hôi túa ra trên trán ông và ông run bần bật. Ông nhìn quanh và quyết định ngay lập tức. Lúc này không thể trì hoãn được nữa.
- Nếu mình để tiền trên nóc két, - ông nói, - và bỏ đi, họ sẽ biết ai lấy. Mình là người cuối cùng ở gần. Hơn nữa, nhiều việc khác sẽ xảy ra.
Ngay tức khắc, ông trở thành con người hành động.
“Mình phải ra khỏi nơi này”, - ông nghĩ.
Ông vội vàng vào căn phòng nhỏ, lấy áo khoác nhẹ và mũ, khóa bàn làm việc rồi vồ lấy cái cặp. Rồi ông dốc hết mọi thứ ra trừ bao diêm và mở cửa. Ông cố lấy lại dáng điệu quả quyết cũ, nhưng nó hầu như đã mất hẳn. Ông nhanh chóng thấy ân hận.
- Ước gì mình chưa làm việc đó, - ông nói. - Đấy là một sai lầm.
Ông đều bước xuống phố, chào người gác đêm mà ông biết đang kiểm tra các cửa. Ông phải ra khỏi thành phố, và thật nhanh.
“Không biết các chuyến tàu chạy giờ nào?” - ông nghĩ.
Ngay lập tức, ông rút đổng hồ ra xem. Đã gần một rưỡi.
Ông dừng lại ở hiệu thuốc đầu tiên, xem bên trong có điện thoại đường dài không. Đây là hiệu thuốc nổi tiếng, và là nơi đặt một trong những trạm điện thoại tư nhân đầu tiên.
- Tôi muốn dùng điện thoại một chút, - ông nói với người trực đêm.
Người này gật đầu.
- Quay cho tôi số 1643, - ông gọi đến trung tâm, sau khi ngước nhìn số của ga xe lửa Trung tâm Michigan. Ông gọi được người bán vé.
- Các chuyến tàu đi Detroit từ đây chạy lúc nào? - Ông hỏi.
Người đó giải thích giờ giấc.
- Tối nay không còn chuyến nào sao?
- Không còn chuyến có toa giường ngủ. À, có đấy ạ, - người đó nói thêm. - Có một chuyến tàu thư chạy từ đây lúc ba giờ sáng.
- Tốt, - Hurstwood nói. - Khi nào đến Detroit?
Ông nghĩ chỉ cần đến được đó và băng qua sông vào Canada, ông có thể kịp đến Montreal. Ông yên lòng khi được biết tàu sẽ đến đó vào buổi trưa.
“Mayhew không mở két trước chín giờ, - ông nghĩ. - Họ không thể theo vết mình trước buổi trưa”.
Rồi ông nghĩ đến Carrie. Vội đến đâu ông cũng phải có cô, nếu như ông tìm được cô. Cô phải đi cùng ông. Ông nhảy lên chiếc xe đỗ gần nhất.
- Đến Ogden Place, - ông nói rành mạch. - Tôi sẽ thưởng thêm một đôla nếu anh đến kịp.
Xà ích vút roi, ra vẻ cho ngựa phi gắn như nước đại, tuy khá nhanh. Dọc đường, Hurstwood nghĩ đến việc phải làm. Đến số nhà, ông nhảy vội lên các bậc và không quên rung chuông đánh thức người hầu.
- Bà Drouet có nhà không? - Ông hỏi.
- Có ạ, - cô gái sửng sốt.
- Nói với bà ấy mặc quần áo và xuống cửa ngay lập tức. Chồng bà ấy đang trong bệnh viện, bị thương và muốn gặp bà ấy.
Cô hầu tất tả lên gác, bị thái độ căng thẳng và dứt khoát của người đàn ông thuyết phục.
- Gì thế? - Carrie nói, bật ngọn đèn khí và tìm quần áo.
- Ông Drouet bị thương và nằm viện. Ông ấy muốn gặp bà. Xe đang đợi dưới nhà.
Carrie ăn vận rất nhanh và sớm xuất hiện ở dưới, quên bẵng mọi thứ cần thiết.
- Drouet bị thương, - Hurstwood nói nhanh. - Cậu ấy muốn gặp cô. Nhanh lên.
Carrie hoang mang đến mức tin ngay câu chuyện.
- Vào đi, - Hurstwood nói, đỡ cô lên xe và nhảy vào theo.
Xà ích bắt đầu vòng xe lại.
- Đến ga Michigan, - ông nói, đứng dậy và nói khẽ đến mức Carrie không thể nghe thấy, - nhanh hết mức có thể nhé.