Ấn Độ là một đất nước rộng lớn và chỉ những ai phải đi lại giữa các vùng miền của Ấn Độ mới cảm nhận rõ mức độ rộng lớn của đất nước này. Phương tiện đi lại trong nước có xe bus, tàu hỏa và máy bay. Máy bay thì đắt. Xe bus thì không khác gì hành xác vì đường Ấn Độ rất xấu, mọi người khuyên tôi đi tàu hỏa. Lúc bấy giờ tôi vẫn còn chưa biết hitchhiking (đi nhờ xe) là gì, cộng với việc vẫn còn là dân gà ba lô thấy người ta dọa một tí là sợ, nên tôi quyết định nghe theo lời khuyên của mọi người. Tàu ở Ấn Độ có rất nhiều hạng vé. Tôi chọn hạng vé rẻ nhất, Sleeper 2. Khoang này có sáu giường nằm, mỗi bên ba giường tầng. Giường tầng dưới thường bị sử dụng để ngồi, giường ở giữa chỉ được kéo xuống lúc ban đêm, tôi chọn cho mình giường trên cùng vì nó an toàn nhất.
Ấn Độ có hệ thống đặt vé tàu online tuyệt vời, nhưng vì lúc đấy trong tài khoản của tôi không có một xu nào nên tôi đành mua vé ngoài đại lý du lịch, chấp nhận trả thêm 50R. Chuyến tàu của tôi rời ga lúc sáng sớm. Không muốn lặn lội ra ga lúc bốn giờ sáng (sớm như thế thì chỉ có cách đi taxi, mà taxi sớm như thế cũng không an toàn), tôi đành đi xe bus ra ga từ đêm hôm trước. Trước khi đi, tôi mua tặng dì Ramita một chiếc khăn quàng làm quà cảm ơn, dì tặng tôi một chiếc khăn tay dì tự thêu. Tôi trân trọng chiếc khăn đấy lắm. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn ghét bản thân mình vì làm mất nó ở đâu cũng không biết.
Tới ga rồi mới thấy kế sách ngủ vật vờ ở ga của tôi chẳng có gì là đặc biệt. Thiên hạ ngủ la liệt ngoài ga tàu. Ai may mắn thì kiếm được một chiếc ghế dài, ai muốn thoải mái thì nằm bừa ra đất, đầu gác lên ba lô, kéo chăn che mặt. Người ngủ đã nhiều nhưng người thức còn nhiều hơn. Mật độ đàn ông lấn áp cùng với những ánh mắt soi mói của mọi người (tôi nhận ra mình là người nước ngoài duy nhất ở ngoài ga lúc đấy), tôi tự nhiên thấy chột dạ không dám ngủ. Chọn cho mình một góc yên tĩnh xa thật xa nhà vệ sinh công cộng bốc mùi nồng nặc, tôi quyết tâm thức đọc sách cả đêm, nhưng rồi lại ngủ gục từ lúc nào.
Kolkata là bến đầu tiên nên tàu khởi hành khá đúng giờ (ngạc nhiên chưa!!?). Tàu dài, số toa được đánh một cách hết sức ngẫu nhiên nên đứa lần đầu tiên đi tàu như tôi phải vất vả chạy lên chạy xuống mới tìm được toa của mình. Tôi ngồi cùng với năm người phụ nữ khác: một người phụ nữ trung niên đi cùng cháu gái lên Mumbai, một cô bạn sinh viên về thăm nhà ở ngôi làng nằm giữa Mumbai và Kolkata, hai người còn lại tôi lờ mờ không nhớ rõ. Cô bạn này nói tiếng Anh khá tốt. Cô mời tôi ghé thăm gia đình cô, nhưng vì lúc đấy tôi hồi hộp muốn xem ánh sáng Bollywood lắm rồi nên hẹn cô dịp khác. Thật đáng tiếc, cuốn sổ ghi thông tin liên lạc của cô và rất nhiều người khác tôi gặp trên đường đi tôi đã để quên trên một chiếc xe tôi đi nhờ ở Tanzania.
Người phụ nữ đi cùng cháu gái mặc sà–ri đen, tay vẽ Henna(20), luôn miệng nhai trầu. Một người đàn ông khoảng trên dưới sáu mươi, lưng còng đến xin ngồi nhờ, lập tức bị bà cô này đuổi đi thẳng. “Ghế mình đâu mà không ngồi?” bà hỏi. Ông đi rồi, bà quay sang tôi giải thích: “Dân trốn vé đấy. Nhiều lắm. Mình cho một người ngồi những người khác sẽ đổ xô đến”. Lúc đấy tôi nghĩ là bà gay gắt quá, nhưng sau này đi tàu nhiều hơn tôi hiểu bà cảnh giác như vậy không phải là không có lý do. Bà chỉ vào cô cháu gái: “Bố mẹ nó nghèo. Tao đưa nó lên thành phố để chăm sóc”. Cái kiểu vừa nói vừa nhóp nhép nhai trầu của bà tự nhiên khiến tôi liên tưởng đến Tú Bà. Từ “chăm sóc” được nói một cách nhẹ bẫng khiến tôi băn khoăn tự hỏi không biết bà cô này “chăm sóc” kiểu gì? Liệu cô bé có được đi học không hay phải ở nhà làm ô–sin, hay tệ hơn là bị gửi sang nhà khác làm ô–sin? Việc các bé gái bị gửi đi làm con ở ở Ấn Độ không phải là hiếm. Tôi nhìn sang cô bé tội nghiệp đang ngồi nép mình vào trong góc, tay ôm khư khư cái túi vải màu đen mà tôi đoán là bọc quần áo, mắt lấm lét nhìn tôi. Cô bé chỉ mới mười tui, chưa lên Mumbai bao giờ.
Tàu chạy mải miết, mải miết, qua biết bao nhiêu là ngôi làng, bao nhiêu là cánh đồng, bao nhiêu là ngọn núi. Tôi dí mắt nhìn qua cửa sổ mãi cũng chán. Phần lớn thời gian, tôi ngồi trên giường của mình ở tầng trên cùng, lý do là để đọc sách nhưng thực chất là để tránh đụng độ về quyền sử dụng ghế với bà cô đanh đá. Lúc đấy tôi đang đọc cuốn Holy Cow của nhà văn người Úc Sarah McDonald. Đây là cuốn sách tôi mua trên vỉa hè chỉ vì cái tên thôi đã đủ khiến tôi bò lăn ra cười. Thành thật mà nói, cuốn sách với tôi chẳng có tí giá trị văn học nào, nhưng Sarah có cách viết vô cùng hài hước, với đầy nhưng thông tin hay ho về Ấn Độ. Sarah đến Ấn Độ lần đầu tiên khi bố mẹ mua vé máy bay ép cô phải “đi ba lô”, kiểu “đi để trải nghiệm”. Lúc bấy giờ, cô ghét Ấn Độ vô cùng và thề sẽ không bao giờ quay trở lại cái đất nước bẩn thỉu, hỗn loạn, đầy thủ đoạn này nữa. Ấy vậy mà chục năm sau, cô phá bỏ lời thề để đi theo vị hôn phu của mình sang Ấn Độ công tác. Cuốn sách này là về những điều cô gặp ở Ấn Độ. Tuy không hoàn toàn đồng ý với cách nhìn nhận sự việc của Sarah (cô tiếp cận sự việc từ góc nhìn của một người nước ngoài điển hình, nhìn xuống những người dân khốn khổ ở một đất nước nghèo nàn, kém phát triển), tôi vẫn nghĩ đây là một cuốn sách rất dễ đọc, văn phong hài hước, không quá nặng nề. Tôi rất thích phần cô nói về Đền vàng Amristar – trung tâm thiêng liêng của đạo Sikh và thiên đường trần gian Kashmir. Tôi nhất định sẽ đến thăm hai nơi này.
Tàu đến Mumbai khoảng mười giờ sáng. Tôi cần tìm đường đến nhà Arfi ở Andhri West. Arfi là CouchSurfing host của tôi ở Mumbai. Anh bảo có tàu đi từ bến tàu tôi đang ở đến bến tàu Andheri, rồi sau đó tôi phải đi rickshaw từ đó đến nhà anh. Ở Ấn Độ có hệ thống đường ray nối các thành phố và trong thành phố lại có một hệ thống tàu khác. Hệ thống tàu của Mumbai phủ khá rộng, thành phố được chia khu vực theo bến tàu chạy qua đó. Andheri là một bến tàu, phía tây bến tàu này là khu vực Andheri West, phía đông của bến tàu này là khu vực Andheri East. Vé tàu đi là rẻ nhất, nhưng lúc bấy giờ quầy bán vé có hàng trăm người đang chen chúc nhau chờ mua vé. Sau gần ba mươi tiếng ngồi trên tàu, không còn sức đâu mà cạnh tranh với thiên hạ nữa nên đành cắn răng đi rickshaw thẳng đến nhà Arfi. Nhưng trước đó, tôi phải mua cho mình một SIM điện thoại cho Mumbai đã. Người ta nói Ấn Độ là một tiểu lục địa và mỗi bang như một quốc gia vậy. SIM mua ở bang nào thì chỉ rẻ trong bang đấy thôi, dùng ở bang khác sẽ bị tính cước rất đắt.
Arfi sống một mình trong một căn hộ nhỏ ở một khu chung cư khá đẹp. Sau này tôi mới biết, khu vực này là nơi tập trung những studio, công ty sản xuất phim của Mumbai. Từng là người mẫu, vận may mang đến cho anh một vai phụ trong bộ phim “Triệu phú khu ổ chuột” và anh đã sử dụng vận may đó để tìm kiếm cho mình những cơ hội khác trong ngành sản xuất phim đang phát triển hết sức mạnh mẽ của đất nước này. Khi tôi gặp Arfi, anh đang cùng bạn mở một công ty sản xuất phim. Lúc tôi ở đấy, anh khá bận nên phần lớn thời gian tôi đi lang thang một mình. Tôi liên hệ thêm một số CouchSurfer nữa hẹn gặp mặt, nhưng chỉ có Nitesh trả lời.
Tôi hẹn gặp Nitesh ở Infiniti mall, một trung tâm mua sắm cách chỗ tôi ở khoảng bốn lăm phút đi bộ. Khi đang trên đường đến đây, một anh chàng dừng lại hỏi tôi cái gì đó. Không hiểu anh ta nói gì, tôi lắc đầu: “Xin lỗi, tôi không nói tiếng Hindi”. Anh ta tức giận hét lên: “Cái gì? Cô không nói tiếng Anh à?” rồi giậm chân bỏ đi. Hóa ra anh chàng nói tiếng Anh. Người Ấn Độ nói tiếng Anh rất khó nghe. Sau hai tuần ở Ấn Độ, người khác vẫn không hiểu tôi nói gì và tôi cũng không hiểu họ nói gì.
Không có việc gì làm, tôi đến điểm hẹn sớm hơn cả tiếng đồng hồ. Nhìn vào những trung tâm mua sắm lung linh rực rỡ ở Mumbai, khó ai có thể đoán được rằng Ấn Độ vẫn là một quốc gia đang phát triển. Ngay sảnh trung tâm là một chiếc bàn với tấm biển “Astrology and hand–reading” (Chiêm tinh và xem bói). Đúng là chỉ ở Ấn Độ mới có thầy bói ở một trung tâm mua sắm hiện đại thế này.
Lang thang nhìn ngắm các cửa hàng mãi cũng chán, tôi ngồi bệt xuống một góc, khoanh chân đọc sách. Nhưng rồi đúng lúc đấy, tim tôi đập loạn nhịp.
Đàn ông Ấn Độ đẹp trai quá!!!
Ba anh chàng đẹp trai lung linh đi ngang qua trước mặt tôi. Đẹp trai nhất là anh chàng đứng giữa: cao ráo, da nâu sạm nắng, đầu đinh, lông mày đen rậm, mắt đen láy, cười tươi tít mắt khoe má lúm đồng tiền. Trong giây phút thẫn thờ, tôi mơ hồ nghĩ rằng anh chàng này cũng đang nhìn tôi. Nhưng chớp mắt một phát, anh ta đã mất hút trong dòng người qua lại. Tự nhiên tôi thấy như bị điện xẹt vậy, trong đầu tôi xuất hiện cả nghìn kịch bản trong đó tôi “tình cờ” làm quen với anh chàng này. Nhưng kế sách nào ích lợi gì nữa, người ta đi mất rồi. Tôi tiu nghỉu cúi xuống đọc sách tiếp. Đời còn dài, zai còn đầy, hơ hơ.
Ấy vậy mà khoảng năm phút sau, lại cũng mấy anh chàng ấy đi qua. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ CÓ nhìn tôi. Lúng túng không biết làm gì, tự nhiên tôi toét miệng ra cười. Anh chàng đẹp trai cũng cười đáp lại! Anh tiến đến gần:
“Hi”.
“Hi”.
“Em đang đọc sách gì đấy?”. Giọng anh trầm và ấm. Anh lại nói tiếng Anh rất chuẩn, tôi có cảm tình ngay.
“Pinocchio”. Tôi đỏ mặt. Trời ạ, sao tôi không đọc cuốc sách gì đó có vẻ thông minh một chút mà lại đọc cuốn sách trẻ con thế này chứ? Mấy anh chàng kia cùng phá lên cười.
“Hồi nhỏ anh cũng thích những truyện thế này lắm”.
“Hồi nhỏ ở Việt Nam em có nghe nói đến thôi chứ chưa đọc bao giờ”.
“Việt Nam!!! Em đến từ Việt Nam à? Em đến Mumbai lâu chưa?”.
“Hôm nay mới là ngày thứ hai”.
Đúng lúc ấy thì điện thoại tôi rung. Nitesh đang ở đây rồi.
“Em phải đi đây”. Tôi đứng dậy, thật chậm, phân vân không biết có nên xin số điện thoại của anh không.
“Ừm, thật
“Dạ, thật ạ”.
“Ừm, tạm biệt em”.
Đau!
…
Tôi gặp Nitesh ở quán café trên tầng hai. Nitesh cao, đen, gầy, đeo kính cận. Nhìn thoáng qua anh không khác gì dân lang thang không nhà không cửa. “Anh là nhiếp ảnh gia”, anh bảo “chuyên chụp ảnh cho giới nghệ sĩ Bollywood”. Giới nghệ sĩ đây mà, thảo nào. Tôi hỏi công việc có nhiều không, anh nhún vai: “Cố gắng được chừng nào hay chừng đấy”. “Cho em xem ảnh anh chụp được không?”. Anh gửi tôi link đến trang Facebook của “Nitesh Square” – tên anh muốn đặt cho studio trong tương lai của mình. Nói thật là tôi bị sốc. Ảnh anh chụp cực kỳ đẹp. Trong danh mục của anh có khá nhiều nghệ sĩ mà người ngoại đạo như tôi cũng biết là nổi tiếng. Thảo nào “Nitesh Square” có tới hơn sáu ngàn fan!!! Gần đây khi nói chuyện với anh, tôi được biết Nitesh Square đã trở thành một studio thực sự. Không chỉ chụp ảnh, giờ studio còn nhăm nhe sang làm phim. Bộ phim ngắn đầu tay “The Dark Queen” của anh đã đoạt giải nhất cuộc thi làm phim bốn mươi tám giờ.
Ai mà ngờ được phía sau vẻ cà bông như anh lại là một tài năng nổi bật như thế. Vì cả hai chúng tôi đều đang là dân lông bông nên nói chuyện khá hợp. Anh cho hay sắp tới sẽ có buổi gặp mặt các Blogger Mumbai ở khách sạn Princess Hotel, bãi biển Zuhu. Gul Panag, cựu hoa hậu Ấn Độ và là một trong những khách hàng của anh, cũng sẽ có mặt. Tôi cũng đăng ký tham gia.
Buổi họp mặt hôm đấy được tổ chức khá hoành tráng tại phòng hội nghị của khách sạn với sự góp mặt của hơn ba trăm Blogger đến từ không chỉ Mumbai mà còn nhiều thành phố khác của Ấn Độ như Delhi, Kolkata, Chennai… Nhiều công ty công nghệ của Ấn Độ cũng có mặt với banner quảng cáo và quà tặng cho Blogger tham dự. Tôi cực kỳ ấn tượng về sự năng động, nhiệt tình của Blogger nơi đây.
Họ viết Blog về đủ các loại chủ đề. Không chỉ giới trẻ mới viết Blog mà nhiều bậc làm làm mẹ cũng tham gia trào lưu này. Cô bạn Magi, mười sáu tuổi, viết Blog về thời trang đến tham gia cùng mẹ là Blogger ẩm thực. Ragat có một Blog chuyên viết về điện thoại di động, nhưng Blog của anh chuyên nghiệp không khác gì một tạp chí online. Anh cho biết một ngày anh ngủ không quá sáu tiếng và ngày nào cũng viết ít nhất mười bài. Đáp lại cho những nỗ lực ấy, Blog của anh khá nổi với lượt truy cập lên đến cả trăm ngàn. Bao giờ ở Việt Nam mới có được một lực lượng Blogger tâm huyết như thế.
Trong buổi gặp mặt, tôi để ý một anh chàng tóc dài, mắt to, dáng người gầy gò. Anh ngồi yên tĩnh trong một góc, không nói chuyện với ai. Anh làm tôi lên tưởng đến mấy anh chàng sinh viên dùng máy tính nhiều quá đâm tự kỷ, không hòa nhập được với cộng đồng. Tôi đi đến bắt chuyện. Anh tên là Swapnil, hơn tôi một tuổi. Anh viết bài cho một trang web đặt tại Israel để kiếm sống, và đang xây dựng một Blog tổng hợp tin tức công nghệ (https://gigjet.com) cùng với bạn. Sẵn có máy tính ban tổ chức đặt ở đấy, Swapnil khoe trang Blog của anh. Gigjet có giao diện nhìn rất chuyên nghiệp, nhưng tin tức viết còn khá non tay. Nhầm tưởng tôi là cây bút nhà nghề, Swapnil xin thông tin liên lạc với tôi hy vọng tôi có thể giúp được gì cho Gigjet. Tôi chẳng biết mình giúp được gì không nhưng có thêm một người bạn mới cũng chẳng đi đâu mà thiệt.
Buổi gặp mặt diễn ra khá suôn sẻ. Phần căng thẳng nhất có lẽ là phần tự giới thiệu bản thân của người tham gia. Năm lời giới thiệu thú vị nhất sẽ được nhận phần thưởng bí mật. Chỉ có ba mươi giây để giới thiệu bản thân, ai cũng phải vắt óc nghĩ ra cách để gây được ấn tượng nhất. Kết quả là có khá nhiều câu khá dí dỏm, như lời giới thiệu của Binoy: “Tôi viết Blog về những chủ đề nghiêm túc như: Mười lý do không nên hiếp chị giúp việc nhà bạn”, hay một lời giới thiệu khác của một ông bố viết Blog: “Tôi có hai con và một Blog”. Tôi thì chẳng cần phải suy nghĩ gì nhiều, chỉ cần đứng lên nói: “Hi, mình đến từ Việt Nam” là đã đủ khiến mọi người chú ý rồi. Tôi là người nước ngoài duy nhất ở đấy. Nitesh sau đó còn đứng lên nói thêm là tôi đã một mình đi đến mười một nước. Thế là tự nhiên tôi trở thành ngôi sao của buổi gặp mặt. Mỗi người được phát một tờ giấy khổ A0, đeo sau lưng để những người khác viết những gì họ nghĩ về người đó. Tôi được quá trời người viết. Sau đó tình cờ tôi đọc được bài viết của một Blogger có mặt hôm đó, trong bài viết có đoạn thế này:
“Nhưng điều thú vị nhất trong buổi gặp mặt là mình được xếp ngồi một cô bé Việt Nam cực kỳ dễ thương. Cô bé đang một mình đi vòng quanh thế giới. Có ai biết tên cô bé đấy là gì không?”.
Và trong comment trả lời thế này:
“Mình nhớ không nhầm thì cô bé Việt Nam đấy giới thiệu bản thân mình là Ching Chong Chang hay gì đó (tôi đọc đoạn này mà nghiến răng ken két). Mình cũng muốn đến nói chuyện với cô bé đấy nhưng không tìm thấy đâu”.
Và một comment khác như thế này:
“Cô bé dễ thương đó tên là Chip, Twitter là @chipro”.
Thảo nào sau buổi gặp mặt tôi có thêm gần năm mươi follower.