Antoreep hơn tôi bốn tuổi, đang học thạc sĩ ngành văn học Anh. Văn học Anh là một ngành học cực kì phổ biến ở đây. Hầu hết những người tôi gặp ở đây đều đã và đang học ngành này. Có lẽ vì thế mà người Bengal(18) nói tiếng Anh rất chuẩn, không bị giọng khó nghe như người các vùng khác của Ấn Độ. Mặc dù nghèo đến thế, bang Tây Bengal lại có quá nhiều trí thức. Bang Tây Bengal có tới bốn người từng đoạt giải Nobel. Trong số đó, nhà thơ Tangore được coi như một vị thánh mà tất cả người dân Bengal đều yêu mến. Đường phố tràn ngập băng rôn quảng cáo các buổi đọc thơ Tangore. Nhà nào cũng có ít nhất một bức ảnh của Tangore treo trên tường.
Gia đình Antoreep sống trong một căn hộ nhỏ ở tầng hai khu chung cư kiểu cũ từ thời thực dân. Antoreep sống với mẹ, dì Ramita, em trai Dep năm nay mới mười lăm tuổi và ông nội ốm nằm
liệt giường. Bố Antoreep qua đời năm ngoái. Ban ngày, ở nhà còn có chị giúp việc. Căn hộ có một phòng khách nhỏ xíu, một nhà bếp với bếp ga để nấu các món ăn nhanh cùng bếp củi để nấu các món ăn truyền thống khi cần và ba phòng ngủ. Phòng ngủ của Antoreep có hai giường đơn, tôi đoán bình thường chắc để cho hai anh em Antoreep ngủ, nhưng khi tôi đến, một giường để dành cho tôi. Dep ra ngủ ngoài phòng khách.
Thời gian ở cùng gia đình Antoreep, tôi đặc biệt thân với dì Ramita. Nhờ dì mà tôi có cơ hội khám phá nền ẩm thực vô cùng phong phú và tinh tế của người Bengal. Tôi chưa bao giờ thấy căn bếp nào có nhiều loại gia vị đến thế. Ngoài những gia vị như hành, tỏi, hạt tiêu thấy ở Việt Nam, dì Ramita còn có đến mấy chục hộp đủ các loại hạt, các loại lá mà tôi chịu không nhớ được tên. Mỗi loại gia vị lại có một hương vị riêng, hầu hết trong số đó tôi chưa từng được nếm.
Dì Ramita tận tình giải thích cho tôi về ẩm thực Bengal. Dì cho một bữa ăn Belgal chuẩn phải có sáu bước. Bước một là cái gì đó hơi cay hoặc hơi đắng để khai vị. Bước hai là đậu hay đỗ dạng súp, ăn với đồ rán để cung cấp chất đạm. Bước ba là rau quả theo mùa để bổ sung vitamin và khoáng chất. Bước bốn bao gồm thịt cá dành cho trẻ em đang trong độ tuổi phát triển và người già, có thể bỏ qua. Bước năm là cái gì đó chua chua (như sữa chua) để giúp tiêu hóa. Bước sáu là các món ngọt để tráng miệng.
Thông thường chị giúp việc sẽ nấu ăn. Nhưng khi tôi tới đây, dì Ramita đích thân nấu cho tôi. Có những món ăn đặc biệt chỉ được nấu trong dịp lễ tết, nhưng vì tôi không đợi được tới lúc đó, dì cũng nấu cho tôi ăn. Món Payesh là món dành cho những dịp vui: khi một em bé sinh ra, bà mẹ sẽ ăn Payesh và không một bữa tiệc sinh nhật nào có thể thiếu Payesh. Dì bảo, nếu trong khi chuẩn bị Payesh mà có chuyện xui xảy ra như sữa bị đổ hay cháy thì đó là một điềm rất xấu, không bà mẹ nào có thể chấp nhận được. Tôi thích nhất món Amsatta làm từ xoài. Tôi cũng chẳng biết làm sao họ làm cho xoài trở nên trong suốt, ngọt mịn như vậy được. Đặc sản của Bengal là cá. Dì Ramita bảo rằng muốn mua cá phải ra chợ từ rất sớm, bởi hàng cá luôn là hàng hết trước tiên. Khi tôi ở đấy dì nấu cho tôi món cá. Người Bengal có thói quen ăn sáng khá lạ. Họ ăn cơm nóng trộn Ghee (bơ sữa bò lỏng) và muối đá. Muối đá là những viên muối nhỏ lấy từ trong tự nhiên, rât giàu khoáng chất, ăn có vị như lòng đỏ trứng luộc.
Một buổi sáng khi chỉ có tôi với dì Ramita ở nhà, tôi đã hiểu tại sao dì lại quý tôi đến thế. Dì mang ra cho xem hai cuốn sách ảnh: một cuốn sách nói về các điểm du lịch trên thế giới. Ramita nói rằng dì và chồng đã từng có rất nhiều mơ ước, một trong số đó là xây một ngôi nhà thật đẹp, một mơ ước khác là sau khi nghỉ hưu sẽ cùng nhau đi du lịch. Nhưng rồi cuộc sống với những lo toan bộn bề, hai người không bao giờ có đủ tiền để xây cho mình một ngôi nhà xinh xắn. ước mơ du lịch cũng chưa kịp thực hiện thì chồng dì lại qua đời. Bây giờ nhìn thấy tôi đi như thế này, dì như được sống lại những mơ ước thời còn trẻ. Vậy nên, dì muốn làm hết sức mình để giúp tôi thực hiện ước mơ của mình. Tôi ngồi nghe dì kể mà mắt ngân ngấn nước, tự nhủ rằng nếu sau này nếu có điều kiện, nhất định tôi sẽ quay trở lại đưa dì đi du lịch.