Katya Hijazi đang bê chồng hồ sơ mới nhất xuống văn phòng của Thanh tra Zahrani thì một tràng cười giòn giã vang lên từ phía phòng họp khiến cô chú ý. Cô bước rón rén dọc theo hành lang, tò mò muốn biết có điều gì đáng cười đến vậy tại một cuộc họp của Đội Trọng án.
Đám đông đứng tản mác, và cô quan sát họ qua cửa ra vào, nhưng người đàn ông đang nói chuyện, các cuộc trao đổi ở chỗ này rồi chỗ kia, tiếng cười đùa, những cái gật đầu đồng ý. Không ai nhìn về phía cô cả, họ còn bận theo dõi Waseem Daher, một trong những thám tử trẻ mà Katya đã gặp hai lần và đã gộp vào trong số rất ít người mà cô sẽ lấy làm mừng khi đẩy được vào một cái cối xay thịt công nghiệp. Tuần trước, Daher đã buộc tội cô là một người khôn khéo tự cho mình là trung tâm chú ý của mỗi vụ, do cô trưởng thành cùng với việc quan sát Đội Điều tra hiện trường và cho rằng chính các nhân viên pháp y mới là người thực hiện tất cả việc điều tra. Nếu anh ta phát hiện cô đang thập thò ngoài cửa, hẳn anh ta sẽ chẳng để yên.
Hình ảnh về gương mặt của các nạn nhân đã choán gần hết chiếc bảng trắng ngay trước phòng. Katya quá bận bịu trong phòng thí nghiệm nên vẫn chưa nhìn thấy các thi thể đó. Mỗi khi cô xuống dưới gác là lại thấy phòng khám nghiệm tấp nập nhân viên gạo cội và đặc vụ của Bộ Nội vụ. Chưa bao giờ họ lại có một vụ án nhiều nạn nhân đến thế. Thực tế là họ còn không đủ chỗ trong nhà lạnh dành cho nữ giới, nên phải đưa số nạn nhân còn lại sang khu vực dành cho nam giới của tòa nhà và mong là sẽ không có thêm người nào ở Jeddah chết cho đến khi hoàn tất việc xử lý các bằng chứng.
Phải mất ba ngày để di dời các thi thể khỏi hiện trường. Họ thậm chí đã mời một nhà khảo cổ đến với hy vọng mong manh rằng đó sẽ là một sự việc mang tính lịch sử nào đấy. Nhưng từ những gì mà pháp y thu nhận được thì phần “mang tính lịch sử” nhất của những thi thể đó là họ đã chết từ mười năm trước.
Katya đã mất bốn ngày qua để đóng bao và ghi nhãn cá bộ trang phục của các nạn nhân rồi thử các mẫu máu và mô như một cái máy, hoàn toàn không biết bất cứ thông tin gì khác về việc cô đang làm. Tin tức về vụ sát hại được thu nhặt qua những cuộc hội thoại vội vàng với Majdi, một trong những nhân viên pháp y nam chuyên về nghiên cứu bệnh học, hoặc thông qua cách điều tra cũ rích của chính cô: nghe trộm và “mượn” những bản báo cáo vốn không bao giờ được chuyển đến bàn làm việc của cô. Lúc này cô đang có trong tay vài bản như vậy, nhưng té ra lại là những bản bỏ đi.
Cô không biết rằng các điều tra viên vẫn chưa nhận diện được bất cứ phụ nữ nào. Phần lớn những phụ nữ đó là người nhập cư: người Phillipines, người Sri Lanka, người Indonesia, hầu hết mới ngoài hai mươi tuổi. Khuôn mặt của họ đều bị tàn phá, và không có dấu vân tay nào sót lại. những chuyên gia tạo dựng lại khuôn mặt đã đưa ra vài phác họa, và đó chính là cái Katya không có.
Khi mọi người đi qua cửa, Katya né mình sang bên. Cô không muốn lên phòng thí nghiệm và ngồi trước một cái máy suốt quãng thời gian còn lại trong ngày. Cô muốn được phỏng vấn mọi người, sục sạo khắp các hang cùng ngõ hẻm để tìm ai đó có khả năng là nhân chứng, làm tất cả những việc có thể đóng góp cho cuộc điều tra và cũng là những việc mà những người đàn ông này sắp thực hiện, hoặc thực hiện một cách dễ dàng, mà không phải lo lắng điều đó sẽ ảnh hưởng đến phẩm hạnh. Tuy nhiên, cô không thể phỏng vấn mọi người được. Có thể người ta sẽ thấy việc nói chuyện với một phụ nữ là điều không đứng đắn. Cô phải có một người nam giới tháp tùng. Cô sẽ phải có một quyền hạn nào đó để buộc họ phải nói chuyện. Cô có thể luôn đẩy bật những cánh cửa để đi qua, nhưng còn những trở ngại khó nói hơn một cánh cửa rất nhiều. Đó là những lối vào tâm tưởng, những ngõ ngách tăm tối và những lối đi nhỏ hẹp, những mê cung đã dựng lên toàn bộ thành phố tư duy, toàn bộ cái thế giới mà ở đó người ta không bao giờ tìm thấy lối ra, khi bao quanh họ là những bức tường bằng đá tảng từ thời Rashidun Caliphate (1).
(1) Rashidun Caliphate là hoàng đế Hồi giáo, trị vì khoảng năm 632 - 661
Katya đi về phía cuối hành lang, bỏ tập hồ sơ vào hộp thư của Zahrani rồi đi thẳng xuống tầng dưới vào phòng khám nghiệm y tế. Có hai lối vào tầng dưới tòa nhà, một dành cho nam giới, một dành cho nữ giới. Cô bước qua cánh cửa dành cho mình và đi vòng ra phía trước tòa nhà thì thấy Adara đang ở phòng khám nghiệm tử thi của nữ giới.
“Ồ! Hay quá, cậu đây rồi.” Adara nói. “ Đeo găng vào và lại đây đi.”
Katya làm theo và lấy hết dũng khí để nhìn năm thi thể xếp hàng trên những chiếc cáng cạnh tường.
“Ban đầu họ đánh số các nạn nhân theo thứ tự tìm thấy nhưng hóa ra cách đánh số đó lại rất lộn xộn. Giờ thì họ muốn đánh số các thi thể theo trình tự thời gian bị sát hại, thế nên cái xác này trở thành cái mới nhất.” Adara ra hiệu bằng cái kim đang khâu đóng ngực tử thi đó lại. “Người ta mới đưa cô ta đến sáng nay.”
“Cô ta chết lâu chưa?”
“Rất khó nói, nhưng không quá sáu tháng.”
“Mình không biết gì về chuyện này cả.” Katya nói. “Mình mới chỉ thử máu và xem ảnh chụp gương mặt họ.”
“Thực ra, gương mặt họ đã nói lên toàn bộ sự việc rồi. Người nào cũng bị bắn thủng đầu từ phía sau ở tầm gần và bắn thẳng. Vết thương do đạn nổ đã phá hủy hầu hết khuôn mặt, nhưng vẫn có thể nhìn ra được một số đặc điểm.” Adara ra hiệu về phía người phụ nữ đang nằm trên bàn. “Một điều nữa mà mình có thể nói là cô ta ở độ tuổi từ hai mươi đến hai mươi lăm. Xương ống chân và xương đùi bị vỡ, không thấy dấu hiệu bị hãm hiếp. Và, dĩ nhiên, cả bàn tay cô ta nữa.”
Katya nhìn hai cánh tay của người phụ nữ đó và chút nữa thì ngã quỵ. Bàn tay đã biến mất - cả hai. Điều đó giải thích tại sao không có dấu vân tay nào.
“Tất cả bọn họ đều vậy.” Adara nói.
“Tất cả ư?”
“Ừ. Mỗi bàn tay đều bị chặt bởi một nhát chém sau khi nạn nhân bị giết.” Đôi tay Adara đang thực hiện công đoạn khó khăn của việc khâu tử thi. Cô đặt kim xuống, đi ra bồn rửa, để nôn.
“Xin lỗi nhé.” Cô thì thầm. “Mình mang thai.”
“Ồ. Chúc mừng cậu nhé.”
Adara lau miệng rồi súc bằng ít nước trước khi quay lại bàn mổ.
“Bọn họ có còn bàn chân không” Katya hỏi.
“Vẫn còn.”
“Mình biết các điều tra viên đang có một số phác họa về gương mặt được tạo dựng lại của các nạn nhân này.” Katya nói. “Họ sẽ trình các phác họa đó lên các lãnh sự quán.”
“Và cậu cho rằng…?”
“Rằng việc này sẽ mất vài năm. Các lãnh sự quán sẽ chẳng biết gì đâu. Cứ nhìn bọn họ tệ bạc thế nào với người sống thì biết.”
“Đúng vậy.” Adara nói. “Mình nghĩ họ đã đúng khi cho rằng hầu hết những phụ nữ này là lao động nước ngoài, có lẽ là người giúp việc.”
Chi tiết gây sốc nhất với Sở là có khả năng chỉ một người thực hiện vụ sát hại này, một người duy nhất, trong khoảng thời gian từng ấy năm, đã âm thầm giết những phụ nữ này mà không một ai để ý. Katya đã bắt đầu tập hợp hồ sơ về người mất tích, nhưng có khả năng những phụ nữ này chưa từng được khai báo là mất tích. Chủ của họ có lẽ cho rằng người giúp việc của mình bỏ trốn, giống như rất nhiều người khác đã làm vậy, để tìm một công việc tốt hơn hoặc thoát khỏi cảnh bị ngược đãi. Người giúp việc đó sẽ không muốn bị phát hiện, bởi cô ta có thể bị đi tù.
Cũng có khả năng kẻ giết những phụ nữ này đã thuê họ làm người giúp việc. Có thể hắn đã giữ họ ở một nơi biệt lập, từ từ tra tấn họ, từng người một, trước khi giết họ. Có thể ngay từ khi những phụ nữ này đến đây đã, không ai biết về sự tồn tại của họ ngoại trừ kẻ giết người.
“Cậu có biết gì về những kẻ giết người hàng loạt?” Adara hỏi.
Katya lắc đầu. “Không nhiều lắm.”
“Mình mới nghe họ sẽ mời một người từ FBI Mỹ sang, một chuyên gia về những tên giết người hàng loạt.”
“Nghe có vẻ hơi quá.” Katya nói. “Ý mình là, chúng ta từng mời họ rồi.”
Adara nhìn những thi thể nằm xếp hàng cạnh tường. “Mình đoán là bọn họ thấy vụ án này là một vụ khác thường. Một dạng mới, có lẽ vậy. Hắn ta đã ra tay trong vòng ít nhất mười năm rồi. Chánh Thanh tra Riyadh thấy xấu hổ. Mọi người đều thấy bị sỉ nhục. Họ không hề biết sự việc này diễn ra. Họ chậm mất mười năm. Cảnh sát đã phải mất bốn năm trời để lần theo tên giết người hàng loạt ở Yanbu. Riyadh sẽ không để vụ án này phải kéo dài lâu đến thế.”
Trên đường quay lại phòng thí nghiệm, Katya ghé vào văn phòng của Majdi, nhưng anh ta đang nghe điện thoại, mà các đặc vụ cũng đang quanh quẩn ở đó. Cô cúi đầu rảo bước về phía hành lang rồi rẽ sang đại sảnh. Mới trong tuần này các cơ quan tôn giáo đã đưa ra một sắc lệnh nhằm chống lại các nữ thu ngân, nói rằng những phụ nữ làm việc ở các khu vực công cộng, nơi có thể tiếp xúc vời nam giới, là tội lỗi. Có thể đây lại là một sắc lệnh nữa mà người Ả Rập Xê-út sẽ tự cảm thấy là sai trái nhưng sẽ hoàn toàn lờ nó đi, ngoại trừ ngài đại trưởng giáo chịu trách nhiệm thông qua sắc lệnh đó trên thực tế sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó, bằng cách cấm đoán những phụ nữ không chỉ ở vị trí thu ngân mà còn ở tất cả các vị trí có liên quan đến việc tiếp xúc với nam giới. Các vị trí bị cấm hàng đầu sẽ là thực những cơ quan của chính phủ, nhất là khi sắc lệnh này được thi hành. Katya mong rằng các hoàng thân quốc thích hoặc chính nhà vua sẽ làm gì đó để xoay chuyển tình hình, nhưng cho đến khi đó thì tất cả những phụ nữ đang làm ở phòng thí nghiệm chỉ còn biết nín thở chờ đợi.