- Ây dà, con quên chưa kể - Thúc ngựa đi lên ngang tầm ngựa Lồ, gã vệ sĩ quay mặt lại chủ tướng.
- Tôi đến Lò Sử Thàng, úi, cả làng đến hỏi chuyện tôi về na nủ Lồ (Quan lớn Lồ). Họ kể: Cái thằng seo phải ở đây nó nhát quá. Có một người Hmông ta ăn cắp ngựa bị bọn họ Nông người Nùng Mường Cang bắt, đánh, nó không dám bênh. Na nủ nghe chuyện, tức tốc đến Lò Sử Thàng nọc thằng seo phải đó ra, đánh liền năm mươi roi: “Mày là con chó con khô à! Sao mày không thương người Hmông ta?". Na nủ nói thế. Họ bảo chính na nủ sai trói sảo quán Phà rồi cho bêu ở chợ Pha Linh vì sảo quán tuy là chỗ thân cận với na nủ nhưng lại cho lính đi cướp trâu ở Pao Mao Chải.
- Hừ…
- Họ còn bảo…
- Bảo cái gì?
- Họ bảo… Na nủ thật là quan to nhất của xứ Hmông ta rồi. Na nủ ác đấy, nhưng thẳng như cây vầu.
Giật cương, kéo hếch đầu con ngựa lên, Lồ quay lại, mặt nhăn nhăn:
- Thôi, Phừ. Kể chuyện khác đi.
- Vậy tôi ra câu đố đố na nủ nhé.
- Câu đố thế nào?
- Thế này…
Hích gót chân vào bụng con ngựa, Phừ như nổi cơn hứng. Thế đấy, bọn trai trẻ trong làng Lao Pao Chải, có đứa nào mà chẳng ước ao được theo na nủ. Nó, mười sáu tuổi, cũng nhận súng theo Lồ. Lồ khiến ngựa giỏi, thổi khèn tài, hát hay, rượu uống ba chục chén chưa mùi gì, đã dương súng bắn phát nào là trúng phát ấy. Cương trực mà thương người Hmông. Làm châu đoàn cho tri châu La Văn Đờ, gây dựng cả cơ nghiệp họ La. Lại làm sĩ quan y dũng đoàn với người Nhật. Năm 1946, Việt Minh mời vào làm Uỷ viên quân sự tỉnh, làm được ít lâu bỏ về Pha Linh cùng ông La Văn Đờ chỉ huy mấy trăm lính Hmông. Con gái, đàn bà mê đắm Lồ. Cả bà ba ông châu cũng si mê Lồ. Tất nhiên mọi người đều biết chuyện lúc bé Lồ ngỗ ngược lắm, chửi ông nội, bị ông nội rủa, quả nhiên, một hôm bắn quạ, súng vỡ, nổ mất một con mắt. Nhưng thôi, đó là chuyện của những ngày thơ dại. Còn bây giờ chỉ cần biết, Lồ cho nó theo làm vệ sĩ, bố nó mổ con gà sống thiến ăn mừng: “Phừ à, đó là vì mộ ông mày được ta khéo tìm đất đấy”.
- Đố đi nào.
- Ừ, đố nhé. Không đục mà thủng. Đố là cái gì?
- Cái gì nhỉ?
- Cây vầu chứ cái gì!
- Không mài mà sắc, đố là cái gì?
- Con dao à?
- Húi, không chịu nghĩ gì cả. Dao thì phải mài mới sắc. Cỏ gianh mới không mài mà sắc chứ.
- Ừ nhỉ.
- Thế: không nướng mà hồng là gì?
- Chịu.
- Na nủ chẳng chịu nghĩ ngợi gì cả - Chõ sang Lồ, gã vệ sĩ quát to - Là quả ớt chứ là cái gì!
- Ừ nhỉ.
Mặt ưng ửng như có hơi men, Lồ bẽn lẽn. Nhưng Lồ chẳng phật ý. Lồ có thói quen nghĩ ngợi đâu. Từ nhỏ đến lớn là vậy. Ba năm qua, từ năm 1947 đến năm 1950 này, chiến tranh đã thành nếp sống, thường xuyên, đòi hỏi những phản ứng tức thì, Lồ càng như vậy.
- Thôi, không đố nữa, Phừ. Mày kể chuyện đi.
- Chuyện gì?
- Chuyện… gì nhỉ? Chuyện gì mà có lần ông tư Phơ-rô-pông hỏi tao. À chuyện gì mà làm ra trời làm ra đất ấy.
- Chuyện Tố nđồ tố tề- Dệt trời- Dệt đất.
- Ừ, đúng rồi đấy.
- Na nủ chưa biết chuyện ấy à?
- Chưa thật mà.
- Xì… Thế này nhé - Ngày xửa ngày xưa…
Ngày xửa ngày xưa. Ô! Ngày xửa ngày xưa, là lúc nào nhỉ? Ngày xửa ngày xưa là cái thời chưa có trời, chưa có đất, chưa có loài vật ấy. Là cái thời mới chỉ có hai người là nàng Gầu A và chàng Đrầu ống. Nàng dệt hoa. Chàng dệt gấm. Tấm vải hoa của nàng là đất. Mảnh gấm của chàng là trời. Nàng khéo tay, dệt nhanh. Chàng vụng tay, dệt chậm. Thế là đất của nàng rộng hơn trời của chàng. Nàng mới ra chân trời ngó xem, rồi bảo chàng: để em dồn đất của em cho khớp với bầu trời của chàng. Bảy ngày mới xong việc. Nhưng đất dồn lại nên sinh ra núi ra khe. Bây giờ họ lại phải đo trời đo đất. Họ mới tìm nhái bén.
- Húi!
- Nhái bén vỗ ngực: "Tôi khỏe nhất thiên hạ. Chỉ tôi mới có sức đo được mặt đất”. Rồi nhái bén đi đo. Nó nhảy tọt xuống hõm chân trâu, rồi ngẩng lên, kều: "Úi, trời bé quá! Đất hẹp quá!”.
- Há há há…
- Nàng Gầu A tức quá. Nàng liền đi nhờ diều hâu. Diều hâu nhận lời, bay lên trời. Diều hâu liệng. A, trời của chàng đã cao! Đất của nàng đã rộng!
Trời của chàng đã cao! Ngửa mặt lên trời, Lồ bỗng nhận ra bầu trời xanh màu nước chàm trên đầu Lồ thân thiết, quyến luyến quá.
Ngửa mặt nhìn trời, lâng lâng trong cảm xúc hồn nhiên thơ trẻ, giây phút hiếm hoi nọ với Lồ, tiếc thay, chấm dứt quá nhanh. Rộ lên tiếng quạ kêu tao tác ở khoang rừng già trước mặt. Từ cánh rừng già vừa nghe thấy một hơi gió phất, Lồ đã thấy ở trên đầu mình hai con chim lớn, một con có cái đuôi dài lướt thướt, vẫy cánh bay qua.
"Chim công!"
Nghe tiếng Lồ thét giật, con ngựa đen liền quay đầu kêu, brừ brừ. Lồ chồm lên bờm ngựa quát giật:
- Phừ, theo tao.
Cắp khẩu súng vào nách, Lồ quặp chân vào bụng ngựa. Mặt Lồ căng ứ. Con mắt lành của Lồ long lanh. Những bắp thịt sau lần vỉa chàm đen rừng rực dòng máu trai trẻ hiếu thắng, bị kích động giật giật liên hồi. Gã vệ sĩ quen tính chủ, biết rõ đã nổi máu hiếu sát, lại hiểu rắng: rừng có chim công tất có hổ, nên lập tức rạp mình, thúc ngựa đuổi theo Lồ.
- Theo tao, Phừ!
Đó là một khu rừng lim xanh rợp sườn núi bên này, tiếp giáp với khu rừng chè nguyên thuỷ của họ Giàng làng Can chư Sủ châu Pa Kha bên kia núi. Chớm vào cửa rừng, Lồ phắt ngay xuống đất. Buổi trưa rừng thật tĩnh lặng. Lọc qua các vòm lá dày, ánh sáng toả xuống tầng lâm hạ mờ mờ như có hơi gió. Lẫn với mùi tanh ngái của nấm độc và rêu mốc, Lồ nhận ra ngay mùi con thú quanh quất đâu đây. Lăm lăm khẩu tiểu liên trong tay, Lồ lách qua các bụi cây rậm rạp, mũi liên hồi đánh hơi.
Gã vệ sĩ đã theo kịp Lồ. Không ai bảo ai, cả hai lập tức nằm rạp xuống và lặng lẽ trườn như hai con thằn lằn dưới đám dây rợ nhằng nhịt. Vắng lặng. Vọng từ bìa rừng vào, tiếng chim hót thánh thót, đơn lẻ. Đôi lúc nổi lên tiếng mõ trâu thả rông toọc toọc đều đều lẫn trong tiếng chim.
Bỗng nhiên, như bị kích động, Lồ bỗng phắt dậy và dún chân băng lên phía trước. Lồ vừa ngửi thấy mùi con thú và nhìn thấy cái gì đó động đậy trong một bụi rậm trước mặt.
"Con thú kia rồi! Đàn chim đến ăn thịt con mồi thừa. Con thú nọ tìm chỗ nằm". Nén cơn hồi hộp dâng lên đầy ngực, Lồ nâng khẩu tiểu liên Mát lên tầm bắn.
Tằng tằng tằng…
Giữa tiếng chim kêu vỡ trời, vỗ cánh hoảng loạn bay lên, sau loạt súng của Lồ, nghe trong thanh vắng đến rợn người, thấy một tiếng kêu thét rất non tơ dội lên rồi tắt ngấm, cùng với tiếng lao mình vụt chạy của một con thú lớn ở bên trái Lồ.
Điều gì bất thường đã xẩy ra vậy?
Phừ dò dẫm đi lên. Cúi xuống, gã nhận ra dấu chân một con lợn rừng và một con hổ. Đi thêm vài bước nữa, tới cái bụi cây Lồ vừa xả đạn, gã bỗng ngoắt người quay trở lại, mặt thất sắc, hét kinh hoàng:
- Na nủ bắn chết một đứa bé rồi!
- Cái gì?
Thót người kêu một tiếng kinh hoảng, Lồ chạy vọt lên. Chuyện khủng khiếp gì đã xẩy ra vậy? Trời! Một thằng bé trạc mười ba tuổi! Một đứa trẻ Hmông ngực vỡ toang, mắt trợn ngược, tay còn cầm cái bẫy chim công, ở ngay trước mặt Lồ.
"Sao lại thế nhỉ? Rõ ràng là mắt ta nhìn thấy hai chứ không phải một con thú". Bàng hoàng, Lồ ôm đầu khe khẽ. Đầu hắn lúc này như cái hũ rượu.
Mắt Lồ nhìn không sai. Lúc ấy có một con hổ và một con lợn rừng đang ở trong khoang rừng này. Cả hai cùng rình rập một chú bé đang đặt bẫy chim công. Nghe súng Lồ nổ, con hổ giật mình đã chạy bạt đi. Và bây giờ, con lợn rừng còn lại theo bản năng, đang hướng đầu về phía súng vừa nổ.
"Cẩn thận, na nủ Lồ!".
Vừa nghe tiếng gã vệ sĩ thét, Lồ đã phắt người lại. Không thể đặt kịp đứa bé xuống được nữa rồi, vì con lợn rừng to lừng lững, xám như một tảng đá, mép thòi ra hai cái răng nanh trắng ởn, đang hồng hộc lao thẳng về phía Lồ, nơi khói đạn đang còn nồng khét, xanh mờ. Tình thế thật là nguy hiểm! Làm sao có thể thoát được đòn trả thù của con thú rừng dữ tợn này?
Gã vệ sĩ nhận ra điều đó. Nhưng lạ thay, từ trạng thái thất đảm kinh hồn, gã bỗng há hốc miệng, kinh ngạc, kêu to.
"Ối, na nủ Lồ!". Trời!
Điều vô cùng kỳ diệu đã xẩy ra trong chớp mắt. Tình huống cực kỳ nguy biến trong tích tắc đã lật ngược hoàn toàn, Lồ đã kịp trấn tĩnh, trở lại với bản tính lì lợm và năng lực ứng xử vô cùng sắc sảo của mình. Né sang một bên, một tay vẫn quặp chặt xác đứa nhỏ còn nóng hổi để bảo vệ nó, tay kia Lồ hất khẩu Mát lên và hết sức bình tĩnh, Lồ xiết cò, xả một băng đạn dài vào con vật hung hãn. Không một viên đạn nào trệch ra ngoài. Con lợn bị găm chục viên đạn vào đầu, vào ngực, vào bụng, đâm sầm vào một gốc lim, phọt óc, chết ngay tại chỗ. Đặt xác đứa bé xuống đất, thở dốc, rồi ngẩng dậy đưa tay quệt mồ hôi trán, Lồ quay ngang quay ngửa như bâng quơ:
- Hừ, thằng bé này không chết vì súng của mình thì cũng chết vì con lợn độc, con hổ dữ thôi, Phừ à
Rồi lướt qua gương mặt trắng bệch của gã vệ sĩ, Lồ khoác khẩu súng lên vai và cúi xuống như tìm cái gì ở dưới đất, đoạn ngẩng lên, giọng ráo hoảnh:
- Phừ, chôn thằng bé đi! Chôn đi, rồi đuổi theo con hổ. Mẹ mày! Tao không bắn chết mày, tao không còn là người nữa, hổ ạ!
Với Lồ, chẳng còn núi nào là cao, chẳng có rừng nào là rậm. Lồ khoẻ hơn ngựa hoang. Mắt Lồ tinh hơn mắt cú ban đêm. Việc gì đã định làm, Lồ theo đến cùng. Theo vết chân hổ, hai ngày sau, Lồ đã tìm thấy và bắn chết con hổ. Con hổ vàng sọc đen, nặng gần hai tạ. Lúc ấy trời đã về chiều. Nhìn xuống cái thung lũng chân núi, Lồ mới biết rằng hắn và Phừ đã sang bên này núi thuộc châu Pa Kha. Và chúng đang ở trên đỉnh núi làng Can Chư Sủ họ Giàng.
- Tao vác con hổ đi sau - Lồ bảo gã vệ sĩ - Mày đi trước, tìm nhà nghỉ nhờ qua đêm đi, Phừ.
Gã vệ sĩ gật đầu, dắt hai con ngựa, xuống núi.
Hai ngày qua, đã vất vả theo Lồ, lại thêm cái chết bất đắc kỳ tử của thằng bé vô tội nọ gây kinh động, gã vệ sĩ mệt bải hoải. Thấy một căn nhà lợp ván dưới chân đồi gianh, gã vừa bước lên bậc thềm chưa kịp đánh tiếng đã nghe từ trong nhà hắt ra một giọng nói nhả nhớt của một người đàn ông.
- Hế hế… Nếu cô mình bằng lòng, ta cùng cô mình dọn nhà đến Mèo Vạc. Cô mình à, Mèo Vạc đỉnh núi có giếng thần, có đôi chim chuyên nhặt lá cây để giếng nước quanh năm trong sạch. Đôi ta uống nước giếng thần thì khi ốm chóng khỏi, bao nhiêu tuổi cũng không biết già… Hứ… Ta già nhưng còn khoẻ lắm, hơn cái thằng con trai nhà cô mình nhiều, không tin cứ thử xem!
Giữa nhà, cạnh bếp lửa đang ăn củi rừng rực, một cô gái trẻ đang cắm cúi tước lanh. Bên cô, một lão già gầy đét, da bạc, búi tóc sau gáy đốm tiêu, to bằng nắm tay. Nghe thấy tiếng chân Phừ ở ngoài thềm, lão già đang tán tỉnh cô gái, giật mình, quay lại:
- Hứ, vắt thấy hơi người à! Ở đâu đến?
- Tôi là người trời, người ma đi lang thang đây.
- Ố hồ!
Phừ bước qua ngưỡng cửa, vào nhà:
- Lợn trong nhà nuôi lớn coi được. Gái xinh, gái đẹp trong nhà khó canh giữ đấy, bố ơi.
- Ố hô hô. Nó đi giữ nhà cho nhà người ta rồi. Hết phần rồi, con ạ.
- Hết phần, sao ông còn đến?
- Hế hế… Thế còn mày?
- Tôi đi săn con hổ dữ.
- Mày mà săn được con hổ dữ!
- Tôi là người trời, người ma. Con hổ vằn trên rừng chè kia kìa, nó bị tôi bắn chết rồi đấy.
- Thật à!
Lão già chống tay đứng dậy. Búi tóc to tuột gút, thả xuống tận kheo chân. Chà! Lão đã biến hình thành con yêu quái chuyên đi ghẹo gái trong các câu chuyện cổ. Cả giọng nói cũng eo éo như giọng yêu quái:
- Hổ vằn à? Hổ vằn là thằng chồng con vợ của tôi đấy.
- Ông nói gì thế?
- Con vợ tôi xinh, xinh bằng cô Seo Say đây. Hổ vằn mê vợ tôi. Hổ mới rình. Vợ tôi xuống khe vác nước. Hổ vằn mới để một quả dưa trên lối về. Vợ tôi vác nước về, thấy quả dưa, bê lên ăn hết. Ăn xong, úi dà, bụng bỗng to phình, nặng quá không đi được nữa. Thế là hổ vằn từ bụi rậm nhảy ra, cõng đi mất.
Ngồi xuống cạnh bếp lửa sưởi, Phừ đưa tay vỗ bộp vai lão già, cười cười:
- Mê ngủ đấy à ông già? Tán gái sao lại mê thế?
- Đừng có hỗn! Ông không mê!
Rút mấy thanh gỗ thông đang cháy từ trong bếp ra, cô gái bỗng đứng dậy.
- Ông Sếnh với anh người trời, người ma ở nhà nhé. Tôi đi tìm em Chia, tôi đây. Nó đi thả trâu hai hôm nay rồi vẫn chưa thấy về!
Ngoài sân, vừa lúc có tiếng chân người bước và tiếng một vật to, mềm ném huỵch xuống rung mặt đất.
- Na nủ Lồ! Na nủ Lồ đến rồi!
Phừ đâm bổ ra cửa. Lồ đã đến. Hai ngày trời, chỉ có nước lã và quả rừng mà Lồ vẫn vác nổi con hổ to. Giờ, vừa ném con hổ xuống đất, Lồ đang móc túi tìm cái bật lửa. Cái bật lửa hết dầu, bấc đỏ loè, cháy lại lụi. Ngẩng lên, thấy một người phụ nữ cầm đóm thông, hắn liền hỏi mượn rồi cầm đóm quẹt đi quẹt lại thật kỹ càng quanh mồm con hổ. Mùi râu hổ cháy khét, hôi sì. Mải mê, Lồ không biết rằng cả cô gái, lão già và gã vệ sĩ thân tín đang chắm chú ngắm mình. Độc nhất là râu hổ. Người này, đã tài giỏi, lại biết đốt râu hổ để người khác không bị vạ lây.
Lồ chằng để ý đến ai. Cũng chẳng nghe thấy tiếng chân người từ các nơi rình rịch chạy tới vì nghe thấy tiếng hú gọi của lão già. Tới khi, mọi việc đã xong, con hổ nhe răng nằm chềnh ềnh trước cửa, Lồ mới bẻ lưng, lững thững bước lên thềm, vào nhà.
- Cái gì thế này! - Thấy bóng đen phủ phục ở dưới chân, Lồ ngạc nhiên kêu to và vội cúi xuống.
- Ối, quan lớn Lồ! Bấy lâu dân Can Chư Sủ tôi nghe oai vũ người mà giờ mới tường diện mạo. Ối, na nủ Lồ! Tôi là Giàng A Sếnh, bấy lâu hằng ao ước…
- Ồ, đừng nên thế.
Đưa tay đỡ lão già tên Sếnh dậy, Lồ bật cười thật to:
- Pê tu Hmông trang! Anh em người Hmông ta! Đừng thế! Tôi là quan to thật đấy. Nhưng tôi cũng là người Hmông mà.
- Na nủ ơi!- Lão Sếnh ngửa mặt - Con hổ vằn này thành tinh rồi đấy. Tháng trước nó bắt lợn nhà bà Doa, tháng rồi nó ăn thịt hai đứa mới đẻ. Hôm rồi, nó rình con gái đẹp cả tuần ở ngoài nương đấy.
- Nó rình gái đẹp làm gì, ông Sếnh?
- Nó lấy làm vợ.
- Chà!
- Thật mà. Thành ra cô Seo Say gái xinh gái đẹp này có dám đi nương đâu, na nủ!
- Thôi, giờ gái đẹp không lo, không sợ nữa nhé. Con hổ nằm kia rồi. Cho bà con Can Chư Sủ bộ da, xả thịt ăn, lọc xương nấu cao nhé.
- Ố hô!
Đầy nhà là những tiếng cười reo. Tình cảm này không mang tính vụ lợi. Cũng chẳng phải là lòng khâm phục trước một cử chỉ hảo hiệp. Niềm vui này xem ra còn lớn hơn, vì đã ngộ ra một điều bấy lâu còn mờ tỏ như lời hoang truyền. Ôi! Châu Quan Lồ! Na nủ Lồ! Lồ thật xứng là quan lớn người Hmông ta! Người như dân Hmông ta. Mình mặc áo chàm đen, chân đi hải xảo, dị hình dị tướng, hai con mắt là đèn thần, nay bớt đi một để ánh sáng tụ lại một con mắt cho thật sáng láng. Chắc nịch như cây gỗ lim. Danh vang núi rừng, oai vũ, kiêu hùng vô kể. Một mình xông pha bắt chết hổ dữ, trừ hiểm hoạ cho dân. Na nủ Lồ, người trời, người thần thật rồi!
Như nổi cơn ngẫu hứng, một hũ rượu từ ngoài cửa vừa được một người trai trẻ bê vào. Một bát ô tô rượu được đặt trước mặt Lồ.
- Mời na nủ. Rượu này uống người chết phải tỉnh dậy - Lão Sếnh lé nhé. Na nủ ơi, tri châu Hoàng Văn Chao đào vàng bạc đem đi hết. Cả bọn họ Nông bên Mường Cang cũng đi Hà Nội rồi. Mình tính sao, na nủ?
Dốc tuột cả bát rượu lớn vào cổ, tới bát thứ năm, Lồ mới quệt mồm, vung tay, như sực nhớ tới lời câu hỏi của lão Sếnh.
- Cho chúng nó đi! Đất này là của người Hmông ta!
- Hoan hô na nủ Lồ!
Ngoài sân, đèn đuốc sáng trưng. Người ta bắt đầu lột da con hổ. Lồ đứng dậy, hắn mệt và muốn ngủ. Nhưng, vừa định ngáp và vươn vai, Lồ bỗng nhận ra vừa có một luồng mắt con gái dịu dàng và nồng nàn lướt qua mặt mình. Và như tâm linh ứng nghiệm, cạnh Lồ lửa bỗng rướn cao sáng rỡ.
"Hay là gái đẹp về đêm?" Mặt ngây đờ, ngực Lồ nặng trịch.
- Ông Sếnh, nhà này là nhà ông à?
- Thưa na nủ, không phải ạ. Tôi ở thôn chính, chỗ hố pẩu Giàng Lầu và ông lý trưởng Giàng Súng ở kia. Thôn này ở cao nhất. Ông lý trưởng Giàng Súng bảo tôi lên đây củ soát xem có kẻ xấu đến ở không. Tuần trước có một nhà từ Pha Linh dọn sang. Nó là hai anh em thằng Seng, Tếnh.
- Hừ!
- Hai anh em thằng này đã theo Việt Minh. Giống như thằng Pao ở Can Chư Sủ tôi đấy.
- Hừ.
Hậm hừ trong miệng, định cúi xuống, nghĩ thế nào Lồ lại thôi. Rượu vừa đốt người. Vậy mà sao Lồ bỗng thấy rét run. Trong buồng vẳng ra tiếng đàn môi thầm thì: "Trời ơi, trời hỡi, trời hết tận rồi…".
Vịn tay vào cây cột cái ở giữa nhà, Lồ ngây ngây nhìn vào căn buồng nọ, rồi thình lình quay cổ lại, nhìn lão Sếnh, gắt:
- Ông Sếnh! Nhà nào là thổ cộng, phải đuổi đi!
Lão Sếnh gật đầu:
- Vâng. Còn nhà này toàn là người tốt, na nủ ạ.
- Ừ.
- Cô Seo Say đây là con dâu. Tội quá. Năm ngoái, hổ bắt chồng nó. Cái thằng chân què, đi tập tễnh. Hổ rình, nhảy tới vồ gọn ngay ở giữa sân. Đầu năm thằng em chồng lấy chị dâu. Được ba tháng lại chết. Giờ, nó lại sửa soạn lấy thằng em thứ ba, thằng Chia, mười ba tuổi. Ờ, quái, cái thằng Chia đi chăn trâu trên núi Chè hai hôm rồi sao chưa về? Chắc là mải mê đi bẫy chim công rồi!
Tiếng đàn môi non nỉ, chập chờn, Lồ phẩy tay, người càng thấy lạnh run.
- Mời na nủ! - Lão Sếnh bưng một bát rượu, lập chập đứng dậy.
- Thôi, tôi phải đi đây - Lồ xốc khẩu côn, uể oải.
- Na nủ ở lại chơi đã?
Dừng lại ở cửa, để chống lại cơn rùng mình run rẩy khắp toàn thân, Lồ cố làm ra vẻ tự nhiên, nói thật to.
- Thôi chào cô Seo Say xinh đẹp nhé! Tôi vội lắm. Việt Minh nó đang đánh về đây đấy, ông Sếnh.