Trời sáng bừng. Can Chư Sủ náo động. Người túa ra đường. Trẻ con lẵng nhẵng bám theo mấy anh dân quân.
Người đứng đầy đường, khi Lử bị giải đến, lại né vào nhường lối cho hắn đi. Mặt ai cũng ngơ ngác, lo âu. Trời! Rồi còn những việc gì khủng khiếp xảy ra nữa! Đôi ba gương mặt lộ rõ vẻ tức giận thì cũng có mấy khuôn mặt tỏ ra bán tín bán nghi và thương hại Lử. Cả làng không chung một gương mặt, một thái độ.
Trước cửa trụ sở Uỷ ban, một căn nhà cỏ ba gian, có gác rộng, mới dựng tháng nay, người xúm xít vong trong vòng ngoài. Đứng gác ở cửa là anh bộ đội tên Na đã một lần về Can Chư Sủ. Cạnh anh trẻ con cãi nhau chí choé:
- Úi, con chó xồm nhảy lên cắn vào cổ họng ông một nhé.
- Ứ ừ, anh A Sinh ném dao thì có.
- Anh Pao mới khoẻ. Đấm một phát, ông Lử vẹo mặt ngay.
Người đến càng lúc càng đông. Ai cũng biết Lử sẽ bị giải về đây và Pao sẽ phải đứng ra giải quyết việc này. Giải quyết ra sao đây? Thêm nữa, lại có tin cán bộ Việt Minh trên châu mới về, về đêm qua, lúc Pao đi tuần. Bấy giờ, trong trụ sở, Pao đang ngồi với anh quyền trưởng ban cán sự mới từ châu về đêm qua. Anh này vóc cao to, vai u, cổ lớn, ngực rộng, chân dài, có dáng một võ sĩ quyền anh. Anh đội cái mũ cát-két da nâu, mặc áo blu-dông Mỹ, sườn đeo súng côn bat, chân bó ghệt lửng. Cả con người anh toát ra cái vẻ quyền uy một cách cố tình. Khuôn mặt anh có cặp mày rậm rì, cái mũi khoằm và cái môi hay bìu bĩu khinh người.
Lẽ ra thì không nên bàn bạc gì nữa khi mọi người đã xúm đông xúm đỏ trước cửa. Nhưng, anh quyền trưởng ban đã phô trương sự oai vệ bằng anh lính gác cổng rồi, giờ vẫn còn muốn khẳng định quyền hành, chức tước của mình, nên tay cứ đấm xuống bàn và giọng cứ oang oang.
- Đồng chí Pao, đồng chí hoàn toàn lơ mơ với tình hình! Thanh bình chỉ là tạm thời thôi, hiểu chưa? Mưu thằng đế quốc là nó ghê lắm. Kia kìa, thằng Châu Quán Lồ bị đòn, chạy về nằm ở Lao Pao Chải, nhưng quân báo của tôi cho biết nó đang tính kế đấy. Mà đồng chí có hiểu không? Bọn sảo quán Pha Linh sang chơi Phéc Bủng của đồng chí như đi chợ. Phéc Bủng của đồng chí vẫn là của seo phải Seo Cấu đấy. Hừ. Đồng chí không biết mà tôi biết đấy!
Đứng vụt dậy một cách vô cớ, đi quanh cái bàn một vòng, trở lại đúng chỗ lúc nãy, anh quyền trưởng ban lại hành hạ cái bàn bằng một quả đấm rồi lại toang toang đầy vẻ hách dịch:
- Tôi đã chỉ thị bao nhiêu vấn đề mà đồng chí vẫn chẳng chấp hành là thế nào? Đồng chí có muốn ra toà án binh không? Hừ, thế này thì mất chính quyền như chơi ấy, đồng chí Pao ạ - Ghé mặt xuống bàn, giọng rin rít, bàn tay anh xoè ra rồi bóp chặt lại - Phải chuyên chính! Tập trung tất cả bọn nguỵ, tề, dõng lại! Hả, hả, sao? Không có gạo! Ôi trời ôi! Anh ngửa cổ, bật cười khằng khặc, rồi gieo cả hai nắm tay xuống mặt bàn:
- Ở trong tay mình mà kêu không có gạo. Sao ông ngu ngơ thế, ông chủ tịch ơi! Bổ từng nhà mà đóng chứ! Đói hả? Mặc! Chính quyền vô sản mà để địch thao túng, là thế nào!? Hừ, còn thuế má, còn dân công, còn lớp bình dân học vụ, còn tăng gia cứu đói, còn trừ bỏ cúng bái, thuốc phiện, chưa làm được gì cả. Trời! Mấy tháng trời vừa rồi đồng chí làm gì? Quay cối chè hả? Hay là bận kiếm gái?
Có lời sỉ nhục nào nặng nề hơn thế với Pao không? Pao im lặng suốt từ đầu. Phần vì mệt.
Đêm qua vật lộn mãi mới bắt được Lử. Chân tay Pao giờ vẫn bải hoải, như không phải của mình. Mệt và đau lòng vì chuyện Lử phạm tội ác, vì phải đích thân đứng ra sử lý vụ này, nên Pao không muốn đối đáp. Nhưng, không đối đáp còn vì từ lâu rồi, Pao luôn ở trong khuôn khổ của sự phục tùng. Thượng cấp với Pao, bao giờ cũng đúng. Nghĩ đến thượng cấp, Pao nghĩ đến những người như anh Chính bí thư tỉnh uỷ, anh Kiến, bí thư châu uỷ đã hy sinh, những người đáng kính trọng mà Pao đã gần gũi từ năm 1946. Tuy vậy, mọi cái đều có giới hạn. Khi anh quyền trưởng ban cứ liên tục xổ ra những lời sỉ vả gay gắt và đầy vẻ miệt thị Pao thì mặc dù chưa phân tích được rõ rành, Pao đã nổi cơn bực. Pao cũng đấm tay xuống bàn. Mặt Pao đỏ ứ vì bị xúc phạm.
- Đồng chí không được nói tôi như thế!
Anh quyền trưởng ban cán sự hiểu ngay là mình đã quá đà. Rất may, vừa lúc đó ngoài cửa, vòng người vừa giãn ra, anh bộ đội Na dẹp lối, Lử đã lững thững bước vào. Dừng lại, ở giữa nhà, hai chân Lử doãng rộng. Hai tay quặt phía sau, bộ ngực lép và cục yết hàu của hắn nhô ra phía trước, Lử vẫn điềm nhiên, thậm chí còn có vẻ nghênh ngang. Vừa muốn ra oai, lại vẻ như hốt hoảng, anh quyền trưởng ban cán sự lập tức rút khẩu súng ngắn, chỉ thẳng vào mặt Lử, hét:
- Lử! Đại gian đại ác là mày. Vào đây mà còn thế, hả! - Thấy Lử nhếch mép, anh quay lại Pao, dộng báng súng xuống bàn, quát - Đồng chí đã thấy chưa? Hữu khuynh đến thế này thì mất chính quyền, mất nước! Hiểu chưa?
Pao cắn môi, khó chịu. Người cách mạng xử sự thế này ư? Vừa lúc, Lử buột hai tay chắp ở sau lưng. Và Pao thật không ngờ, anh quyền trưởng ban sao lại có thể là con người nhát gan đến thế. Phát hiện ra hai tay Lử không bị trói, anh vừa giật lùi vừa chĩa ngọn súng vào hắn, miệng kêu khào khào:
- Trói nó lại! Ơ kìa, tại sao lại không trói nó lại! Đồng chí Pao, trói ngay nó lại cho tôi!
Pao đưa mắt. A Sinh từ phía sau, theo hiệu mắt của Pao cầm sợi thừng tiến lên. Hình như là Sinh ngần ngừ, Sinh nhìn Pao nuốt nước bọt ngập ngừng. Và Pao hiểu. Chính Pao cũng thấy khó xử. Tội Lử rõ ràng là nặng lắm. Nhưng, từ đêm qua, nhiều người họ Giàng đã khuyên Pao: Đừng trói nó. Giờ cũng thế. Kìa, lại bà cô Doa đang rẽ lối vào. Bà cô dòng họ, người đứng vị trí thứ hai sau hố pẩu trong dòng họ, nhẹ nhàng bước tới, vỗ vai A Sinh, nhỏ nhẻ:
- Cháu à, cháu còn ít năm ít tháng, chưa hiểu. Cái lý người Hmông ta là: Cái dây không được chạm vào người. Có dây buộc vào người, không còn là người, không thành người Hmông nữa đâu…
Anh quyền trưởng ban từ nãy đã giật lui ra sau cái bàn, giờ đây bỗng đập tay xuống bàn, mặt tái mét, nhìn Pao quát thật to:
- Không lôi thôi gì cả! Trói nó vào! Đồng chí Pao, thi hành mệnh lệnh của tôi ngay!
Pao nhăn trán. Nhưng chỉ vài giây thôi, Pao bước lên, nắm hai tay Lử, xoay lưng hắn lại rồi vỗ nhẹ vào hai bả vai hắn, giọng như đọc thần chú:
- Bây giờ mày không còn là người Hmông nữa nhé!
Rồi Pao nhấc sợi dây trong tay A Sinh quấn thít vào hai cổ tay Lử. Căn nhà im phăng phắc. Anh quyền trưởng ban thở phào, tra súng vào bao. Trong cái dáng cúi khom khom, hai tay bị trói quặt về phía sau, Lử bị đẩy ra cửa. Nhưng, bước tới ngưỡng cửa, hắn bỗng ngoặt đầu lại, liếc anh quyền trưởng ban và Pao, nhổ toẹt một bãi nước bọt, gằn:
- Tao nhớ mặt chúng mày rồi! Chờ đấy!
Anh quyền trưởng ban vỗ đánh bộp vào bao súng, cười ha ha:
- Mày doạ tao đấy, hả, thằng giặc. Này, tráng sĩ không có kẻ thù sao gọi là tráng sĩ, mày có biết câu ấy không?