Tôi ngồi xuống chiếc bàn ở góc phòng cạnh mé trái của bàn làm thức ăn, goi món thịt gà tây hun khói ăn với salad bắp cải, và nước sốt CelRay.
Món ăn tuyệt ngon, nhưng những ý nghĩ về bệnh viện cứ chen vào bữa ăn của tôi.
Tới 9 giờ tối, tôi quyết định trở lại bệnh viện thăm con bé một cách bất chợt, để xem Cindy Jones phản ứng thế nào với chuyện này.
Buổi tối không trăng không sao, đèn không sáng; những cái bóng lập loè trên đường Sunset dường như di chuyển chậm chạp, đại lộ gợi nên vẻ đáng sợ, gần hơn với phần tốt đẹp của thành phố. Sau vài dặm hun hút đường, những quán thuốc Thorazine, và những khách sạn đáng sợ dành cho dân lái xe, logo hình trẻ con của Bệnh viện Nhi miền Tây và mũi tên phòng cấp cứu được chiếu sáng trưng...
Bãi đậu xe đã gần như trống không. Những bóng điện vàng nhỏ được để trong những hộp có lưới sắt treo lủng lẳng ở trần bê tông, chiếu sáng xuống tất cả các vùng của bãi đậu xe. Những khoảng trống còn lại gần như tối hoàn toàn, tạo ra một hiệu ứng như con ngựa vằn. Khi bước tới cầu thang, tôi cảm giác ai đó đang theo dõi mình. Tôi quay lại nhìn thì không thấy ai cả.
Hành lang bệnh viện cũng vắng tanh, sàn đá hoa cương không phản chiếu thứ gì cả. Một người phụ nữ ngồi phía sau cánh cửa sổ của phòng thông tin, đang đóng dấu một số giấy tờ. Người vận hành tin tức được trả tiền để làm khó người khác. Một chiếc đồng hồ kêu tích tắc rất to. Mùi băng dính và mùi mồ hôi của động vật vẫn phảng phất những kỷ niệm về sự căng thẳng đã qua.
Có một thứ gì đó tôi đã quên: các bệnh viện vẫn thường khác vào ban đêm. Nơi này cũng đáng sợ như bên ngoài đường phố.
Tôi đi cầu thang máy lên tầng sáu và tới phòng bệnh của con bé, không ai nhìn thấy. Hầu hết các căn phòng đều đóng cửa, những cái biển được viết tay thỉnh thoảng khiến tôi mất tập trung: nào là phòng cách ly, cẩn thận tránh lây nhiễm/không được tới thăm... Một vài cánh cửa vẫn còn mở phát ra tiếng tivi và tiếng lách tách của đồng hồ đo trên ống truyền nước. Tôi đi qua những đứa trẻ đang ngủ và những đứa trẻ khác bị mê hoặc bởi tia ca-tốt. Những ông bố bà mẹ ngồi cứng đơ như bê tông. Chờ đợi.
Cánh cửa gỗ tếch căn phòng của Cassie lôi kéo tôi vào sự im lặng tuyệt đối. Không còn ai ngồi ở bàn làm việc nữa.
Tôi bước tới phòng 505 và gõ cửa rất nhẹ. Không có tiếng trả lời. Tôi mở cửa và bước vào phòng.
Thanh chắn cạnh giường của Cassie đã được dựng lên. Con bé ngủ trong sự bảo vệ của những thanh thép không gỉ. Cindy cũng đang ngủ trên chiếc sô-pha, đầu đặt cạnh chân con bé. Một bàn tay chị còn chìa ra cả bên ngoài thanh chắn, chạm vào nệm của Cassie.
Tôi nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Bất chợt một giọng nói vang lên phía sau tôi:
- Họ đang ngủ.
Tôi quay người lại. Vicki Bottomley đang nhìn tôi chằm chằm, hai tay chống lên bộ hông đầy thịt.
- Bà lại trực ca kép à? - Tôi hỏi.
Bà ta trợn mắt và bước đi.
- Bà hãy dừng lại đã! - Tôi quát. Âm sắc của tôi khiến cả tôi và bà ta đều ngạc nhiên.
Bà ta dừng lại, chậm chạp quay người lại.
- Chuyện gì vậy?
- Chuyện gì đang xảy ra ở đây, hả bà Vicki?
- Chẳng có chuyện gì cả.
- Tôi nghĩ là có đấy.
- Anh có quyền nghĩ thế nào cũng được - Bà ta lại bắt đầu bỏ đi.
- Hãy dừng lại - Hành lang trống không làm cho tiếng của tôi vang to hơn. Cũng có thể tôi đã nổi nóng nên nói to như thế.
Bà ta nói:
- Tôi còn đang có việc cần phải làm.
- Tôi cũng vậy, thưa bà Vicki.
Bà ta đưa một tay về phía kệ để bệnh án.
- Anh cứ tự nhiên.
Tôi bước tới chỗ bà ta, thật gần khiến bà khó di chuyển. Bà ta liền lùi lại. Tôi dấn thêm bước nữa.
- Tôi không biết vấn đề của anh với tôi là gì, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên giải quyết với nhau ngay tại đây.
- Tôi không có vấn đề gì với bất cứ ai.
- Vậy sao? Vậy phải chăng tôi rất hấp dẫn đối với anh?
Đôi mắt màu xanh lấp lánh. Mặc dù chúng không ướt, bà ta vẫn lấy tay lau.
- Nghe này - Tôi nói, đồng thời rút lui một bước - Tôi không muốn vướng vào bất cứ chuyện gì riêng tư với bà cả. Nhưng ngay từ lúc tôi tới đây, bà đã tỏ ra thù ghét tôi và tôi muốn biết lý do.
Bà ta nhìn tôi chằm chằm, miệng mở ra rồi lại ngậm lại.
- Chẳng sao cả - Bà ta đáp - Tôi sẽ khác, tôi hứa đấy, được chưa?
Bà chìa một tay ra.
Tôi cũng chìa tay ra bắt.
Những đầu ngón tay bà ta chạm vào tay tôi. Một cái bắt tay nhanh rồi bà quay lưng và bước đi.
Tôi nói:
- Tôi sắp xuống dưới uống cà phê. Tôi mời bà được không?
Bà ta dừng lại nhưng không quay mặt về phía tôi.
- Tôi không thể. Hiện tôi đang phải trực.
- Vậy tôi mang một cốc lên cho bà nhé?
Lúc này bà ta mới quay nhanh lại:
- Anh muốn gì vậy, hả?
- Chẳng gì cả - Tôi đáp - Vì bà phải làm việc liền hai ca nên tôi nghĩ bà cần một chút cà phê, thế thôi.
- Tôi không sao cả.
- Tôi từng nghe mọi người nói bà rất tuyệt.
- Anh ám chỉ điều gì vậy?
- Bác sĩ Eves đánh giá bà rất cao trong vai trò một y tá. Cả Cindy cũng vậy.
Hai cánh tay khoanh trước ngực, như thể bà ta đang ôm lấy chính bản thân mình.
- Tôi chỉ làm đúng trách nhiệm của mình thôi.
- Bà có thấy tôi cản trở công việc của bà không?
Đôi vai bà ta nhô lên một chút dường như bà ta đang tìm cách đưa ra câu trả lời. Nhưng cuối cùng bà ta chỉ nói:
- Không hề. Mọi sự vẫn ổn. Được chứ?
- Bà Vicki...
Tôi hứa rồi mà - Bà ta đáp - Xin anh đấy. Tôi có thể đi được chưa?
- Được chứ - Tôi đáp - Xin lỗi nếu tôi ép bà quá mức.
Bà ta mím chặt môi, đứng trụ, xoay người đi về trạm của mình.
Tôi đi tới cầu thang máy Five East. Một chiếc đã bị mắc ở tầng sáu. Hai cái khác thì tới cùng một lúc. Chip Jones bước ra khỏi cửa giữa, mỗi tay cầm một cốc cà phê. Ông ta mặc chiếc quần jeans đã bạc màu, chiếc áo sơ mi trắng cổ đứng, áo măng tô vải bò rất hợp với quần.
- Chào bác sĩ Delaware.
- Chào giáo sư.
Ông ta cười và nói:
- Xin mời bác sĩ.
Nói rồi ông bước vào hành lang.
- Các quý bà của tôi thế nào rồi?
- Cả hai đang ngủ.
- Ơn Chúa. Khi tôi nói chuyện với Cindy chiều nay, cô ấy có vẻ rất mệt mỏi. Tôi đem mấy cốc cà phê này từ tầng dưới lên đây - Ông giơ một cốc cà phê lên - để tiếp thêm nhiên liệu cho cô ấy. Nhưng giấc ngủ mới chính là điều mà cô ấy cần thực sự.
Ông ta bắt đầu bước tới cánh cửa gỗ tếch. Tôi đi theo.
- Chúng tôi đã làm ông phải xa tổ ấm gia đình nhiều quá, thưa bác sĩ.
Tôi lắc đầu:
- Tôi chỉ đến đây một lúc rồi quay về thôi.
- Tôi không biết các bác sĩ tâm thần lại làm việc theo một lịch trình như thế đấy.
- Nếu tránh được thì chúng tôi không làm thế đâu.
Ông ta cười.
- Mà nếu Cindy ngủ sớm thế này nghĩa là con Cassie nhà tôi đã đủ khoẻ để cô ấy có thể thoải mái được rồi. Vậy là tốt.
- Cindy bảo với tôi rằng chị ấy không bao giờ rời khỏi Cassie.
- Đúng đấy.
- Chắc chị ấy phải vất vả lắm.
- Cực kỳ vất vả. Lúc đầu, tôi có đỡ đần cô ấy đôi chút, nhưng sau khi ở đây vài tuần và chứng kiến các bà mẹ khác nữa, tôi nhận ra rằng chuyện này là bình thường. Thực sự là bình thường đấy. Đó là một sự tự vệ thôi.
- Tự vệ lại cái gì mới được chứ?
- Những rắc rối.
- Cindy cũng đã nói với tôi về điều đó - Tôi nói - Ông đã thấy xung quanh xảy ra nhiều sai lầm trong điều trị y tế phải không?
- Với tư cách là một người cha, người mẹ hay với tư cách là con trai của ông Chuck Jones đây?
- Có gì khác chăng?
Ông ta khẽ cười, nụ cười khô khan.
- Chắc chắn là có đấy. Với tư cách là con trai của ông Chuck Jones, tôi nghĩ rằng nơi này là một thiên đường bệnh nhi và tôi cũng sẽ nói vậy trong buổi họp báo chiêu đãi sắp tới của bệnh viện nếu người ta hỏi tôi. Còn với tư cách làmột bậc cha mẹ, thì tôi đã chứng kiến nhiều thứ - đó là sai lầm không thể tránh khỏi của con người. Tôi sẽ đưa ra ví dụ - một ví dụ thực sự làm cho tôi thấy sợ hãi. Một, hai tháng trước đây, toàn bộ tầng sáu này kêu lên inh ỏi. Hình như có dứa bé nào đó đang được điều trị bệnh ung thư - được tiêm một thứ thuốc thử nghiệm, có thể là vào lúc đó thằng bé không còn hy vọng gì nữa rồi. Nhưng đó không phải là điều đáng nói. Có ai đó đã đọc nhầm một điểm thập phân, và thế là thằng bé đó phải nhận liều thuốc rất cao. Não nó bị phá huỷ, rơi vào tình trạng bất tỉnh nhân sự, toàn thân tê cứng. Toàn bộ các bậc cha mẹ trên tầng này đều nghe thấy tiếng loa kêu cấp cứu và thấy đội cấp cứu lao vào phòng. Họ cũng đã nghe thấy tiếng của bà mẹ thằng bé kêu cứu thất thanh, cả chúng tôi cũng nghe thấy. Lúc đó tôi đang đứng ở hành lang, và đúng là đã nghe thấy tiếng kêu thất thanh của bà mẹ ấy.
Ông ta nháy mắt:
- Thưa bác sĩ, một vài ngày sau, tôi đã gặp lại bà mẹ ấy. Khi đó, thằng bé vẫn còn thở. Nhìn chị ta như một nạn nhân trong trại tập trung. Vẻ mặt của người đã thất vọng hoàn toàn và bị phản bội? Tất cả chỉ vì một dấu chấm thập phân. Ngày nay chuyện đó có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Nếu đó là diện nhỏ thì mọi chuyện có thể được che đậy, hoặc không ai biết cả. Vì vậy, ông không thể kết tội các bậc cha mẹ khi họ tỏ ra cảnh giác, phải vậy không?
- Vâng - Tôi đáp - Có vẻ như ông không tin tưởng nhiều lắm vào nơi này.
- Ngược lại ấy chứ - Chip nói một cách sốt sắng - Trước khi quyết định để Cassie được điều trị tại đây, chúng tôi đã làm một cuộc nghiên cứu - kể cả nơi này là của bố đẻ tôi. Vì vậy, tôi biết đây là nơi tốt nhất trong thành phố này cho những đứa trẻ bị ốm. Nhưng khi có chuyện xảy ra với con cái của ông thì những số liệu thống kê chẳng còn ý nghĩa gì nữa, phải vậy không? Và nên nhớ, sai lầm của con người là không thể tránh khỏi.
Tôi kéo cánh cửa phòng của Cassie cho ông ta vào cùng với hai cốc cà phê.
Hình dáng kềnh càng của Vicki có thể được nhìn thấy qua cánh cửa kính của phòng tiếp tế phía sau trạm y tá trực của bà ta. Bà ta đang đặt thứ gì đó lên trên cái giá cao. Chúng tôi đi qua và tới phòng của Cassie.
Chip thò đầu vào trong, rồi rụt lại và nói:
- Vẫn còn ngủ.
Nhìn xuống hai cốc cà phê, ông ta đưa cho tôi một cốc.
- Không nên bỏ phí cốc cà phê chết tiệt này.
- Không, cảm ơn ông - Tôi đáp.
Ông ta khẽ cười:
- Ông không thích đúng không? Phải chăng cà phê thế này là luôn luôn tồi tệ?
- Luôn luôn đấy.
- Nhìn đây - tôi có loại Exxon Valdez - Một cái váng hình cầu vồng nổi lên trên bề mặt màu đen của cốc cà phê. Liếc nhìn, ông ta đưa một cốc khác lên môi - ừm - tệ quá. Nhưng tôi cần có nó mới có thể tỉnh táo được.
- Một ngày dài hay sao?
- Trái lại - quá ngắn. Dường như chúng ta càng già đi thì ngày càng ngắn lại, phải vậy không? Ngày ngắn đi đầy những công việc bận bịu. Rồi lại còn phải lái xe đi lại giữa nhà và nơi làm việc và tới đây nữa. Đường cao tốc hào nhoáng của chúng ta - tính nhân đạo ở điểm thấp nhất.
- Valley Hills luôn đồng nghĩa với đường cao tốc Ventura - Tôi nói - Thật tệ.
- Kinh khủng. Khi đi tìm mua nhà, chúng tôi đã có kiếm một chỗ gần nơi làm việc để tránh phải đi lại nhiều - Ông ta nhún vai - Những kế hoạch đã được vạch ra một cách tốt nhất. Đôi lúc tôi ngồi trên xe và tưởng tượng cuộc sống đúng như địa ngục trần gian.
Ông ta lại cười rồi uống ngụm cà phê.
Tôi nói:
- Tôi sẽ tự mình trải nghiệm cái địa ngục trần gian này trong vài ngày nữa - sẽ tới nhà ông để thăm bệnh cho con bé.
- Vâng, Cindy đã nói với tôi rồi. A đây rồi, bà y tá chuyên làm ca đêm... Xin chào bà Vicki. Bà lại làm ca đêm nữa à?
Tôi quay lại và nhìn thấy bà y tá đang tiến lại chỗ chúng tôi, miệng tươi cười, cái mũ nhấp nhô.
- Chào giáo sư Jones - Bà hít một hơi dài và sâu, như thể chuẩn bị thi cử tạ, rồi gật đầu chào tôi.
Chip đưa cho bà cốc cà phê còn nguyên.
- Mời bà, nếu bà không thích thì cứ việc quẳng đi hộ.
- Cảm ơn giáo sư.
Ông ta lại ngó đầu vào phòng Cassie.
- Những quý bà của tôi đã ngáy được bao lâu rồi?
- Cassie ngủ lúc 8 giờ. Cô Jones thì khoảng 9 giờ kém 15.
Ông ta nhìn đồng hồ:
- Bà có thể giúp tôi một việc được chăng, bà Vicki? Tôi muốn đi dạo với bác sĩ Delaware một chút, có thể chúng tôi sẽ kiếm thứ gì đó để ăn ở dưới đó. Xin bà hãy nhắn tin cho tôi khi mẹ con họ tỉnh giấc nhé?
- Nếu ông muốn, tôi sẽ xuống dưới lấy giúp ông thứ gì đó để ăn, thưa giáo sư.
- Không, xin cảm ơn. Tôi cần được vận động một chút - để giảm bớt căng thẳng ấy mà.
Vicki cười tỏ vẻ đồng cảm.
- Tất nhiên, vậy thì tôi sẽ cho ông biết ngay khi có ai đó tỉnh dậy.
Khi chúng tôi đi tới phía bên kia của những cánh cửa gỗ tếch, ông ta dừng lại và nói:
- Ông nghĩ gì về cách chúng ta đang bị đối đãi?
- Bị đối đãi theo nghĩa nào?
Ông ta tiếp tục bước đi:
- Theo nghĩa y học ấy, ở cái bệnh viện này. Không hề có sự đánh giá thực sự nào diễn ra cả, theo những gì tôi biết. Không ai thực sự kiểm tra xem tình trạng thể chất của Cassie ra sao. Không hẳn đây là những thứ mà tôi không ưa - nhưng ơn Chúa con bé không phải chịu đựng những cái mũi kim tiêm kinh khủng nữa rồi. Nhưng điều mà tôi đang nhận được chỉ là sự trấn an. Họ tay bắt mặt mừng với chúng tôi rồi cử bác sĩ tâm lý tới - không có gì mang tính chất cá nhân cả - và cứ để mặc cho những gì đang diễn ra với Cassie tự giảm xuống.
- Ông có thấy gì đó xúc phạm không?
- Không phải xúc phạm - mà hơi quá đấy. Như thể đó là tất cả những gì trong đầu của chúng ta. Ông tin tôi rồi phải không? Các bác sĩ ở đây chưa từng nhìn thấy những gì chúng tôi đã chứng kiến - đó là máu và những cơn co giật.
- Chính mắt ông đã nhìn thấy hết rồi phải không?
- Không hẳn là thấy hết. Cindy là người thức khuya. Tôi thường ngủ say lắm. Nhưng tôi cũng đã chứng kiến đủ rồi. Ông không thể tranh cãi gì với máu đâu. Vậy thì tại sao họ không làm gì đó tích cực hơn nữa đi nhỉ?
- Tôi không thể thay mặt bất kỳ ai để trả lời chất vấn này của ông - Tôi đáp - Nhưng tôi suy đoán rằng không ai thực sự biết phải làm cái gì và họ không muốn can thiệp quá mức cần thiết.
- Tôi cũng nghĩ vậy - Ông ta nói - Và theo những gì tôi được biết thì đó chính là cách tiếp cận đúng đắn. Bác sĩ Eves dường như rất thông minh. Có thể các triệu chứng của Cassie là - gọi là gì nhỉ - tự hạn chế bản thân.
- Tự hạn chế à.
- Tự hạn chế - Ông ta cười - Các bác sĩ tuyên truyền nhiều những lời hay ho hơn bất kỳ ai khác... Tôi cầu Chúa đó đúng là sự tự hạn chế. Nếu Cassie vẫn cứ khoẻ mạnh thì có thể đây sẽ là một bí ẩn không lời giải.
- Ông Chip này - Tôi lên tiếng - Tôi được bệnh viện triệu đến đây bởi vì ai cũng cho rằng vấn đề của Cassie thuộc về tâm lý. Công việc của tôi là giúp con bé chống lại sự sợ hãi và đau đớn. Lý do tôi muốn tới nhà thăm bệnh cho cháu là để xây dựng lòng tin giữa tôi và con bé để có thể giúp được nó khi cần thiết.
- Vâng, tôi hiểu - Ông ta đáp.
Ông ta nhìn trần nhà và gõ gõ bàn chân xuống sàn. Hai cô y tá đi qua. Mắt ông ta nhìn theo họ một đoạn xa, một cách bí mật.
- Tôi nghĩ điều khiến tôi khó chịu trong vịêc này là sự vô lý - Ông ta nói - Như thể chúng tôi đang trôi nổi lang thang trong biển cả mênh mông những sự kiện ngẫu nhiên. Cái gì làm con bé ốm mới được chứ?
Ông đấm tay vào tường.
Tôi cảm thấy bất kỳ điều gì mình nói ra đều làm cho tình hình trở nên tệ hơn, nhưng im lặng cũng không có gì tốt đẹp cả.
Cánh cửa cầu thang mở ra và cả hai chúng tôi cùng bước vào.
- Những bậc cha mẹ khốn nạn - Ông ta nói, tay nhấn mạnh nút "Xuống" - Ông có cách chấm dứt một ngày của mình thật dễ chịu.
- Đó là công việc của tôi mà.
- Thì đâu chỉ của riêng ông.
- Nhưng đó là lao động thực sự đấy.
Ông ta cười.
Tôi chỉ tay vào cốc cà phê trong tay ông ta:
- Chắc cốc đó đã nguội rồi. Chúng ta cùng xuống làm một cốc mới nhé?
Ông ta nghĩ trong giây lát:
- Vâng, tại sao lại không chứ?
Quán ăn tự phục vụ đã đóng cửa, vì vậy chúng tôi phải đi dọc hành lang qua khi Resident''s Lounge, ở đó có một dãy máy bán hàng cạnh phòng thay đồ. Một người phụ nữ trẻ nhỏ nhắn trong bộ quần áo phẫu thuật đang bước đi cùng với hai nắm kẹo cứng. Chip và tôi mỗi người mua một cốc cà phê đen. Ông ta mua thêm một gói bánh sôcôla, bên trong lại có những gói nhỏ chứa hai thanh sôcôla.
Cách đó không xa là khu ngồi nghỉ: có những chiếc ghế nhựa màu cam được xếp đặt theo hình chữ L, cái bàn trắng thấp chất đầy giấy gói thức ăn và mấy tờ tạp chí cũ. Phòng thí nghiệm bệnh học cách đó không xa. Tôi nghĩ tới đứa con trai của ông giáo sư và tự hỏi liệu ông ấy có chạnh lòng khi ngồi ở đây. Nhưng ông ta lững thững đi tới ghế và ngồi xuống, miệng ngáp dài.
Mở cái gói ra, ông ta nhúng một thanh sôcôla vào cốc cà phê và nói:
- Đây là thức ăn bổ dưỡng đấy - Nói rồi ông ta liền ăn phần được nhúng ướt ấy.
Tôi ngồi vuông góc với ông ta và uống cà phê. Cà phê thật kinh khủng nhưng lại tạo được cảm giác dễ chịu một cách kỳ lạ - giống như phép màu.
- Vậy là - Ông ta nói và lại nhúng tiếp thanh nữa vào cà phê - tôi sẽ nói cho ông nghe về con gái tôi. Tâm trạng của nó tốt lắm, ăn khoẻ, ngủ khoẻ - con bé ngủ ngon trong vòng năm tuần. Đối với bất cứ người nào khác thì đây là một tin vui, phải không? Sau chuyện xảy ra với Chad, việc con bé ngủ say như thế luôn làm chúng tôi sợ hãi. Chúng tôi muốn nó thức dậy, thật khổ thân con bé. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là sức bền bỉ của nó. Ông không thể tìm ra được thứ gì bé nhỏ như nó mà lại cứng cỏi đến vậy. Tôi cảm thấy thật vô lý, ngay cả việc bàn với bác sĩ tâm lý chuyện này. Nó là một đứa bé, vì Chúa, con bé có những loại nơ ron thần kinh nào chứ? Mặc dù vậy, tôi nghĩ con bé chắc phải căng thẳng thần kinh lắm sau tất cả những chuyện này. Phải chăng con bé sẽ phải điều trị về tâm lý suốt cả cuộc đời?
- Không đâu!
- Đã có người nào từng nghiên cứu về căn bệnh này chưa?
- Đã có rất nhiều nghiên cứu - Tôi đáp - những trẻ ốm kinh niên thường có xu hướng khoẻ mạnh hơn mong đợi của các nhà trị liệu tâm lý - nói chung là mọi người đều như thế.
- Có xu hướng ư?
- Phần lớn đều như thế.
Ông ta cười:
- Tôi biết. Đây không phải là chuyện thể chất. Thôi được, tôi cũng nên để cho bản thân mình được lạc quan một chút.
Ông ta căng thẳng, rồi lại thoải mái - một cách chủ tâm như thể ông từng theo học trường phái thiền nào đó. Ông ta để cho hai cánh tay buông thõng và duỗi dài hai chân, đầu ngửa ra sau và lấy hai tay xoa thái dương.
- Không biết ông có thấy đau đầu khi cả ngày cứ phải nghe, gật đầu, tỏ vẻ thông cảm và bảo cho người khác biết họ không có vấn đề gì?
- Đôi khi có đấy - Tôi đáp - Nhưng thường thì khi đã hiểu người khác rồi ông lại nhìn ra được cái rất con người trong họ.
- Ôi, đây đúng là nơi làm ông nhớ tới những chuyện đó đấy - "một tinh thần hiếm có không bao giờ định hướng nhân cách con người; nhưng anh, ơn Chúa, đúng là sẽ cho chúng tôi những lỗi lầm để biến chúng tôi thành con người đấy". Tôi biết câu này nghe có vẻ ngông cuồng nhưng thấy thật dễ chịu - một điều gì đó đúng cho mọi tình huống. Shakespeare có bao giờ phải nằm viện không nhỉ?
- Rất có thể. Ông ấy đã sống ở bệnh viện trong thời kỳ cao trào của bệnh dịch hạch, phải vậy không?
- Đúng, đúng - Ông ta đứng dậy và mở gói bánh thứ hai - Ông thật tài tình, tôi không thể nào nhớ nổi. Vậy ông hãy cho tôi thứ gì đó thật trong sạch, gọn ghẽ và thật lý thuyết bất cứ lúc nào nhé.
- Tôi chưa bao giờ nghĩ xã hội học là một ngành khoa học khó.
- Nói chung là không khó đâu. Toàn là những khuôn mẫu chuẩn mực và những giả thiết đo đạc được. Đó là những giấc mơ về sự chính xác,tôi luôn phải tự lừa dối mình đấy.
- Thế ông nghiên cứu về lĩnh vực gì? Quản trị công nghiệp hay phân tích hệ thống?
Ông ta lắc đầu.
- Không, đó là các lĩnh vực ứng dụng rồi. Tôi chỉ nghiên cứu về lý thuyết thôi, đặt ra mô hình hoạt động của các tổ chức và thể chế theo cấp độ tổ chức, những liên kết của các thành tố, các hiện tượng học. Đó là những thứ tách biệt với cuộc sống thực, nhưng tôi lại thấy rất thú vị, vì tôi đã được học ở một ngôi trường tách biệt.
- Đó là đâu vậy?
- Yale, khi còn là sinh viên đại học; đại học Connecticut khi học cao học. Tôi chưa bao giờ hoàn thành được luận án sau khi phát hiện ra việc dạy học thú vị hơn nhiều so với làm nghiên cứu.
Ông ta nhìn chằm chằm dọc theo hành lang tầng hầm vắng lặng, thỉnh thoảng mới có những bóng áo trắng lướt qua như đàn châu chấu ở xa xa.
- Đáng sợ thật - Ông ta nói.
- Sợ gì cơ?
- Nơi này ấy - Ông ta ngáp, mắt liếc đồng hồ - Tôi nghĩ sẽ lên để xem tình hình hai quý bà của tôi thế nào rồi. Cảm ơn ông đã dành thời gian nhé.
Cả hai chúng tôi cùng đứng dậy.
- Nếu ông muốn nói chuyện với tôi, đây là số điện thoại văn phòng tôi làm việc - Ông ta nói.
Chip đặt cốc cà phê xuống, thò tay vào túi quần sau và lôi ra cái ví màu bạc của Ấn Độ có nạm ngọc xanh. Tờ 20 đôla nằm bên ngoài, tiếp đến là thẻ tín dụng và giấy tờ các loại. Bỏ cả nắm thẻ ra, Chip đảo một lượt và tìm thấy tấm danh thiếp màu trắng. Đặt tấm danh thiếp lên bàn, ông lấy chiếc bút Mic màu xanh ra từ túi khác và viết mấy chữ rồi đưa cho tôi. Tấm danh thiếp có biểu tượng con hổ đang nhe nanh, xung quanh là chữ WVCC Tygers. Bên dưới là hàng chữ:
Cao đẳng cộng đồng Tây Valley
Khoa học xã hội
(818) 509 - 3476
Hai dòng kẻ được in ở cuối tấm danh thiếp. Ông ta điền vào đó những chữ đen đậm:
Chip Jones
Số máy lẻ: 2359
- Nếu tôi đang giảng bài, số máy lẻ này sẽ nối tới trung tâm nhắn tin. Nếu ông muốn tôi có mặt ở nhà khi ông tới thăm bệnh cho con bé, hãy thông báo cho tôi trước một ngày nhé - Ông ta dặn.
Tôi chưa kịp đáp thì những bước chân nhanh và nặng nề từ phía cuối hành lang vọng đến làm cả hai chúng tôi cùng quay lại. Một bóng người đang đi tới, dáng thể thao, áo măng tô đen bóng.
Cái bóng đó mặc áo măng tô da màu đen, quần màu xanh và có đội mũ. Phải chăng đó là một trong những tay cớm được thuê đang đi tuần các hành lang của bệnh viện?
Cái bóng tiến lại gần hơn. Một người đàn ông da đen có ria mép, khuôn mặt chữ điền và đôi mắt nhanh nhẹn. Tôi nhận ra phù hiệu của anh ta và biết ngay đó không phải là cớm đánh thuê của bệnh viện. Đó là một trung sỹ của Sở cảnh sát Los Angeles.
- Xin lỗi các quý ông - Anh ta nói rất nhẹ nhàng nhưng đủ để chúng tôi nghe thấy. Tấm phù hiệu anh ta đeo có ghi: Perkins.
Chip đáp:
- Có chuyện gì vậy?
Anh cảnh sát đọc tấm phù hiệu của tôi. Dường như tấm phù hiệu đã làm anh bối rối:
- Ông là bác sĩ sao?
Tôi gật đầu:
- Các quý ông đã ở ngoài hành lang này bao lâu rồi:
Chip đáp:
- Khoảng 5,10 phút. Có chuyện gì bất ổn chăng?
Cái nhìn của Perkins chuyển sang ngực Chip, để ý tới bộ râu quai nón, rồi chiếc hoa tai của ông ta.
- Ông cũng là bác sĩ sao?
- Ông ấy tới thăm con đang nằm ở đây - Tôi đáp.
- Ông có thẻ thăm thân nhân không, thưa ông?
Chip lôi một chiếc thẻ ra và giơ trước mặt Perkins.
Perkins nhai nhai hai bên má và nhìn trở lại tôi. Người anh ta toả ra thứ mùi của tiệm cắt tóc.
- Hai ông có nhìn thấy điều gì bất thường không?
- Là chuyện gì thế? - Chip hỏi.
- Là chuyện gì đó không bình thường ấy, thưa ông, hoặc người nào đó không thuộc bệnh viện này.
- Không thuộc bệnh viện này à - Chip đáp - chẳng hạn như ai đó khoẻ mạnh phải không?
Đôi mắt của Perkins nheo lại.
Tôi nói:
- Chúng tôi không thấy gì cả, thưa trung sỹ. Nơi đây rất yên tĩnh. Mà đã xảy ra chuyện gì vậy?
Perkins đáp:
- Cảm ơn.
Nói xong, anh ta bỏ đi. Tôi thấy anh ta đi chầm chậm lại một lát khi qua phòng thí nghiệm bệnh học.
Tôi và Chip đi cầu thang bộ tới đại sảnh. Một đám đông bác sĩ, y tá làm ca đêm tụ tập kín đầu phía Đông đang chen nhau tới những cánh cửa kính dẫn ra bên ngoài. Bên kia cánh cửa kính, bóng tối được cắt chéo nhau bởi những ánh đèn màu đỏ của cảnh sát. Có cả những ánh đèn trắng, bung ra như những ngôi sao nổ.
Chip nói:
- Có chuyện gì thế nhỉ?
Một y tá đứng cạnh đó không thèm quay đầu lại trả lời:
- Có ai đó đã bị tấn công trong bãi đậu xe.
- Bị tấn công ư? Ai tấn công mới được chứ?
Cô y tá quay đầu lại nhìn Chip. Khi nhận ra ông chỉ là một người dân bình thường, cô ta liền bỏ đi.
Tôi nhìn quanh xem có khuôn mặt nào quen không. Không hề có. Đã bao nhiêu năm tôi không qua lại nơi này rồi.
Một người gầy có mái tóc bạch kim cắt ngắn và bộ ria quăn màu trắng nói:
- Thế này là đủ rồi, tôi muốn về nhà ngay bây giờ.
Giọng ai đó như rên xiết.
Những tiếng thì thầm bay vọt qua đại sảnh. Tôi thấy một người mặc đồng phục ở phía bên kia cửa kính chặn cửa ra vào. Những tiếng nói chuyện bằng radio léo nhéo lọt vào trong. Bên ngoài người ta đi lại tấp nập. Một chiếc ôtô quét ánh đèn về phía cửa kính rồi quét đi chỗ khác và biến mất. Tôi đọc được dòng chữ "cấp cứu" trong ánh sáng lập loè. Nhưng không thấy xe cứu thương có đèn nháy và hú còi.
- Tại sao họi lại không đưa luôn cô ta vào bệnh viện nhỉ? - Người nào đó hỏi.
- Ai dám nói rằng đó là một phụ nữ chứ?
Giọng một phụ nữ lên tiếng:
- Thì vẫn luôn là các cô gái mà.
- Các cô có nghe thấy tiếng còi hú không? - Người khác đáp - Có lẽ đó không phải là một ca cấp cứu.
- Hoặc có thể - Người đàn ông tóc vàng nói thêm - đã quá muộn rồi.
Đám đông nhốn nháo như mặt hồ.
Có người nói:
- Tôi cố ra theo cửa sau nhưng họ đã chặn lại rồi. Thật chẳng khác nào đồ chết tiệt.
- Tôi nghe thấy người ta bảo nạn nhân là một bác sĩ.
- Là ai thế?
- Tôi chỉ nghe được thế thôi.
Tiếng rì rầm bàn tán, tiếng thì thầm nói chuyện lại tiếp tục rộ lên.
Chip nói:
- Hay thật.
Ông ta đột ngột quay lưng và đi về phía sau đám đông, trở lại bệnh viện. Trước khi tôi có thể nói điều gì đó, bóng ông ta đã biến mất.
5 phút sau, cánh cửa kính mở, đám đông nhào lên. Trung sỹ Perkins lách qua dòng người và giơ một bàn tay màu nâu lên. Anh ta trông giống như giáo viên trợ giảng trước một lớp học lộn xộn.
- Đề nghị mọi người trật tự một lát - Anh ta chờ đợi cho mọi người im lặng hết, cuối cùng căn phòng cũng tạm yên - một vụ tấn công đã xảy ra trong bãi đậu xe. Chúng tôi cần quý vị đi ra từng người một và trả lời một số câu hỏi:
- Tấn công như thế nào?
- Liệu anh ta có bị sao không?
- Ai bị tấn công?
- Phải chăng đó đúng là một bác sĩ?
- Sự việc xảy ra ở khu đậu xe nào?
Perkins lại liếc nhìn một lượt.
- Xin hãy tiến hành nhanh chóng, thưa các vị. Ai xong sẽ được về nhà.
Người đàn ông có bộ ria quăn màu trắng nói:
- Xin ngài sĩ quan nói cho chúng tôi biết chuyện gì đã xảy ra để chúng tôi còn tự bảo vệ mình?
Những tiếng xì xào ủng hộ.
Perkins nói:
- Xin mọi người hãy bình tĩnh.
- Không, anh hãy bình tĩnh mới phải - Người đàn ông tóc vàng nói - Các anh chỉ biết phạt người ta khi người ta đi đứng bất cẩn, còn khi có chuyện xảy ra, các ca chỉ biết hỏi và rồi lặn mất tăm, để mặc chúng tôi phải dọn tất cả những thứ đổ nát.
Perkins không cử động, cũng không nói gì.
- Nào, ngài sỹ quan - Một người đàn ông khác, da đen, lưng hơi gù trong bộ đồng phục y tá nói - Một số người ở đây đang có mạng sống đấy. Hãy nói cho chúng tôi biết chuyện gì đã xảy ra đi.
- Đúng đấy.
Lỗ mũi của Perkins phập phồng. Anh ta nhìn chằm chằm vào đám đông lúc lâu, rồi mở cửa và ra ngoài.
Đám đông trong đại sảnh gầm lên giận dữ.
- Đồ chết tiệt!
- Tổ cha mấy thằng chuyên phạt bậy!
- Tổ cha chúng nó! Bệnh viện bắt chúng tôi phải vượt đường để đi làm và chúng ta lại bị bọn này phạt chỉ vì muốn đến sở đúng giờ.
Những tiếng reo hò tung hô. Không còn thấy ai nói gì đến chuyện xảy ra trong bãi đậu xe.
Cánh cửa mở ra. Một sỹ quan cảnh sát đi vào, trẻ, da trắng, nghiêm nghị và là phụ nữ:
- Này, tất cả mọi người - Chị ta nói - nếu các vị đi ra từng người, từng người một, viên sỹ quan này sẽ kiểm tra thẻ chứng minh của các vị rồi để các vị đi ngay.
- Ô hô - Người đàn ông da đen hét lên - Chào mừng quý vị đến tới San Quentin. Chuyện tiếp theo sẽ là? Khám xét khắp người đấy.
Có thêm một vài tiếng nói nữa hùa theo anh ta, nhưng đám đông bắt đầu di chuyển rồi im lặng hẳn.
Tôi phải mất 20 phút mới tới được cánh cửa. Một viên sỹ quan cảnh sát với cái bảng có ghim ghi tên tôi từ tấm phù hiệu tôi đeo, hỏi vài câu và ghi số bằng lái xe của tôi. Sáu chiếc xe cảnh sát đậu lộn xộn bên ngoài lối vào, cùng với chiếc Sedan không đánh hiệu. Giữa con đường đi bộ hơi dốc xuống tới nhà đậu xe có một đám đàn ông đang dừng lố nhố.
Tôi hỏi viên cảnh sát:
- Sự việc xảy ra tại đâu thế?
Anh ta ngoắc một ngón tay về phía nhà để xe.
- Tôi đậu xe tại đó.
Anh ta nhướng đôi lông mày lên.
- Ông tới nơi này lúc mấy giờ?
- Khoảng 9 giờ 30.
- Tối hả?
- Vâng.
- Ông đậu ở tầng mấy?
- Tầng hai.
Câu nói cuối cùng làm mắt anh ta sáng lên.
- Ông có nhìn thấy điều gì bất thường vào lúc đó không - có ai đi lang thang hay làm gì đó đáng ngờ không?
Nhớ lại cảm giác bị theo dõi khi rời khỏi xe, tôi nói:
- Không, nhưng tôi thấy ánh đèn không được đều đặn.
- Ông bảo không đều đặn là sao, thưa ông?
- Tức là chỗ tối, chỗ sáng. Một nửa không gian ở đây được chiếu sáng, còn nửa khác thì tối. Vậy thì nếu ai đó muốn trốn trong bóng tối thì đâu phải là chuyện khó.
Anh ta nhìn tôi, răng gõ canh cách. Nhìn lại phù hiệu của tôi lần nữa, anh ta nói:
- Ông có thể đi được rồi, thưa ông.
Tôi đi theo hành lang. Khi đi qua đám người lố nhố, tôi nhận ra một trong số những người đàn ông ở đây. Đó là Presley Huenengarth. Vị trưởng Ban an ninh bệnh viện đang hút thuốc và nhìn lên bầu trời như thể ngắm sao, mặc dù trời không có lấy ngôi sao nào. Một trong những người mặc đồng phục khác có đeo phù hiệu hình cái khiên trên ve áo đang nói chuyện. Huenengarth dường như không để ý tới xung quanh.
Mắt chúng tôi gặp nhau nhưng cái nhìn của anh ta không dừng lại lâu. Anh ta đang nhả khói thuốc lá qua lỗ mũi và nhìn ngó xung quanh. Với người mà hệ thống an ninh do mình phụ trách vừa mới thất bại một cách thảm hại, anh ta có vẻ còn đầy bình tĩnh.