- Ngoan nào, ông ấy là bạn của chúng ta!
Cassie ném con thú nhồi bông Luvbunny xuống sàn rồi khóc dỗi.
Tôi nhặt con thú lên và chìa ra cho nó. Con bé thu mình lại và bám chặt lấy mẹ. Tôi đưa con búp bê cho Cindy, với tay lấy một con thỏ nhồi màu vàng trên giá rồi ngồi trở lại.
Tôi bắt đầu đùa nghịch với con thú, dùng tay điều khiển chân tay nó, nói những câu vô nghĩa với nó. Cassie tiếp tục khóc còn Cindy vẫn không ngớt nựng nịu con, nhẹ nhàng, êm ái. Tôi tiếp tục đùa với con thỏ bông. Sau khoảng một phút, tiếng khóc của Cassie đã giảm đi một chút.
Cindy nói:
- Ngoan nào con yêu, con xem, bác sĩ Delaware cũng thích thỏ bông kìa.
Cassie nuốt mạnh, thở hổn hển và nấc thành tiếng khóc.
- Không, ông ấy không làm con đau đâu, con yêu. Ông ấy là bạn của chúng ta.
Tôi nhìn chằm chằm vào đám răng vẩu của con thú và nắm lấy một chân nó. Một hình trái tim màu trắng ở trên bụng nó mang dòng chữ vàng: SillyBunny và nhãn hiệu đăng ký. Một cái mác đính cạnh đó có ghi: Made in Taiwan.
Cassie dừng khóc để lấy hơi.
Cindy dỗ nó:
- Ngoan nào con, ổn rồi, ổn rồi.
Tiếng khóc, tiếng hít thở phát ra rất mạnh từ chiếc giường.
- Hay mẹ kể chuyện nhé, được rồi. Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa tên là Cassandra. Nàng sống trong một lâu đài lớn và có những giấc mơ tuyệt đẹp. Nàng thường mơ về kẹo và những đám mây mang đầy kem.
Cassie nhìn lên không chớp mắt. Bàn tay bầm tím của nó chạm vào đôi môi.
Tôi đặt con thỏ nhồi bông màu vàng xuống sàn nhà, mở cái ca táp lôi ra một cuốn sổ và cái bút chì. Cindy dừng kể một lát rồi lại tiếp tục câu chuyện. Cassie lúc này đã nín hẳn, đang chìm trong một thế giới khác.
Tôi bắt đầu vẽ một con thỏ. Tôi hy vọng sẽ thành công.
Một vài phút sau đó tôi đã vẽ xong. Nhìn vào đó những hoạ sĩ của Disney tất nhiên là không lo mất việc, nhưng tôi nghĩ tác phẩm của mình cần phải đẹp và sao cho thật giống thỏ. Tôi thêm vào đó cái mũ và chiếc nơ bướm. Tôi lại thò tay vào ca táp và lôi ra hộp bút đánh dấu để ở đó từ rất lâu cùng các công cụ hành nghề khác.
Tôi bắt đầu tô màu. Bút đánh dấu phát ra tiếng kêu ken két. Tiếng sột soạt phát ra từ phía giường. Cindy đã thôi kể chuyện.
- Kìa con yêu, bác sĩ Delaware đang vẽ kìa. Ông đang vẽ gì thế, bác sĩ Delaware?
Trước khi tôi kịp trả lời thì từ bác sĩ mà Cindy nói ra đã khiến con bé khóc như mưa như gió.
Lại một lần nữa, sự nựng nịu dỗ dành của người mẹ mới giúp được con bé thôi khóc.
Tôi giơ tác phẩm của mình lên.
- Kìa con, nhìn xem, là một anh chàng thỏ đấy. Chàng ta đang đội mũ kìa và còn đeo cả nơ nữa - có buồn cười không?
Căn phòng yên lặng.
- Đúng rồi, mẹ nghĩ là anh chàng thỏ ngốc nghếch đấy. Con xem có phải là một trong những chú thỏ LuvBunny không, Cass?
Lại im lặng.
- Có phải bác sĩ Delaware đã vẽ anh chàng thỏ không?
Con bé lại khóc.
- Thôi nào, Cass, đừng sợ con yêu. Bác sĩ Delaware sẽ không làm con đau đâu. Ông ấy là bác sĩ không dùng kim tiêm mà.
Lần này tiếng khóc be be khiến Cindy phải mất một lúc mới dỗ nó nín được. Cuối cùng chị ta cũng có thể tiếp tục câu chuyện dở dang của mình: Công chúa Cassandra cưỡi con ngựa trắng...
Tôi vẽ thêm một người bạn của chú thỏ đội mũ. Vẫn là khuôn mặt của loài thỏ nhưng có tai ngắn, mặc áo hoa. Tôi thêm vào đó một quả sồi to có hình thù bất định, xé trang đó ra và đặt lên giường ngay cạnh chân Cassie.
Con bé vụt ngoảnh mặt lại khi tôi trở về chỗ ngồi.
Cindy nói:
- Xem này, ông ấy đã vẽ một... chị chó thảo nguyên. Cassie, con xem cái áo của chị chó này. Có đẹp không. Khắp người chị chó đều có chấm hoa to chưa kìa, Cass. Thật buồn cười chưa kìa - một chị chó thảo nguyên mặc áo.
Tiếng cười ấm áp và đầy nữ tính. Khi chị cười, con bé cũng cười khúc khích theo.
- Thật ngộ nghĩnh quá. Mẹ không biết có phải chị ta sắp đi dự tiệc với bộ áo đó không... hay chị chó định đi chợ hay đi đâu nhỉ? Con xem bộ áo ấy có buồn cười không kìa, một chị chó sắp đi chợ à? Mà chị ta còn đi chợ với anh bạn thỏ nữa kìa, anh chàng thỏ đội cái mũ buồn cười chưa kìa... Có lẽ bọn họ định tới chỗ đồ chơi của mẹ con mình đấy. Cả hai anh chị thật buồn cười quá. Này con, bác sĩ Delaware vẽ những bức tranh thật ngộ nghĩnh - đố con biết ông ấy sẽ làm gì nữa nào?
Tôi cười và nhấc bút chì lên. Tôi vẽ cái gì đó thật dễ nhìn: một con hà mã... đúng hơn là chiếc bồn tắm có chân...
- Tên của anh chàng thỏ ông vẽ là gì vậy, bác sĩ Delaware?
- Anh chàng thỏ đó tên là Benny.
- Thỏ Benny - tên ngộ quá.
Tôi cười, cố che giấu băn khoăn nghệ thuật của mình. Chiếc bồn tắm có chân có vẻ quá hung tợn... vấn đề là điệu cười của nó... quá dữ dằn - giống con tê giác mất sừng hơn... liệu Freud sẽ bình luận thế nào về cái đó nhỉ?
Tôi bắt đầu sửa lại mồm chú hà mã.
- Benny, chàng thỏ đội mũ - con đã bao giờ nghe thấy chưa, Cass?
Con bé cười khanh khách, điệu cười sung sướng của một nhóc con.
- Thế còn chị chó thảo nguyên thì sao, bác sĩ Delaware? Tên chị ta là gì?
- Là Priscilla.
Tôi tiếp tục hối hả vẽ. Con hà mã cuối cùng đã có vẻ giống hình dáng hà mã, nhưng vẫn có cái gì đó không ổn... điệu cười mua chuộc của nó - là điệu cười của con chó đang mừng chủ... có lẽ vẽ con chó sẽ dễ dàng hơn nhiều....
- A, chị chó Priscilla! Con có tin không kìa!
- Pilla!
- Đúng rồi, chị Priscilla.
- Pilla!
- Rất giỏi, Cass! Tuyệt lắm! Chị Priscilla ơi. Con có thể gọi lại không?
Con bé không nói gì nữa.
- Chị Priscilla - Pri-sci-la. Con đã gọi được rồi mà. Nào, con nhìn miệng mẹ nhé, Cass.
Yên lặng.
- Thôi được rồi, con không phải gọi chị ta nếu con không muốn. Hãy trở lại với nàng công chúa Cassandra Silverparkle, nàng đang cưỡi bông tuyết vao đất nước ánh sáng...
Cuối cùng, tôi cũng đã hoàn thành tác phẩm con hà mã. Dù có những vết bẩn, vết tẩy xoá nhưng ít nhất thì nó cũng không còn dáng vẻ hung hãn nữa. Tôi đặt nó lên trên tấm phủ giường.
- Ôi nhìn này, Cass. Chúng ta có biết đây là anh chàng nào không nhỉ? Một anh chàng hà mã - anh ta đang cầm...
- Một con yoyo(1) - Tôi đáp.
- Một con yoyo kìa. Một chàng hà mã cầm một con yoyo - thật ngộ quá. Con có biết mẹ đang nghĩ gì không Cass? Mẹ nghĩ bác sĩ Delaware có thể rất ngộ nghĩnh nếu ông ấy muốn đấy cho dù ông ấy là bác sĩ. Con nghĩ sao?
Tôi quay mặt lại cho con bé nhìn. Mắt tôi và mắt nó lai chạm nhau. Đôi mắt nó đảo qua đảo lại. Cái miệng màu hồng bắt đầu trề ra, môi dưới cong lên. Thật khó mà tưởng tượng có ai đó lại lỡ làm tổn thương con bé đáng yêu thế này.
Tôi nói:
- Cháu có muốn bác vẽ nữa không?
Con bé nhìn mẹ và túm lấy ống tay áo chị ta.
- Có - Cindy nói - Nào, xem bác sĩ Delaware vẽ được thêm những con gì ngộ nghĩnh nào.
Cassie gật đầu rất nhẹ. Nó vùi đầu vào áo Cindy.
Tôi lại tiếp tục vẽ.
Một con chó ghẻ, một con vịt có đôi mắt xếch và con ngựa cà nhắc đã làm con bé chịu để tôi có mặt ở trong phòng.
Tôi dần kéo cái ghế lại gần giường nó, nói chuyện với Cindy về những trò chơi, đồ chơi và những thức ăn được ưa thích. Khi Cassie dường như chấp nhận tôi, tôi liền đẩy đẩy cái ghế sát sạt vào tấm nệm và dạy Cindy trò vẽ hình - hai người chúng tôi thay phiên nhau vẽ thêm những đường nét vào các hình vẽ. Đó là một kỹ thuật của nhà phân tích tâm lý trẻ thơ nhằm xây dựng mối quan hệ và đi vào tiềm thức của trẻ mà không làm nó sợ hãi.
Tôi sử dụng Cindy như người trung gian trong khi vẫn thầm theo dõi, nghiên cứu tâm lý chị ta.
Tôi vẽ một nét gấp và đưa cho Cindy. Chị ta và Cassie châu đầu vào nhau để vẽ; họ giống như một bức tranh áp phích cho tờ National Bonding Week (2). Từ một nét gấp ấy, Cindy phát triển thành một căn nhà. Chị ta đưa lại cho tôi tờ giấy và nói:
- Không tốt lắm, nhưng...
Môi Cassie hơi cong lên một chút, rồi lại xịu xuống. Đôi mắt con bé nhắm lại và áp chặt mặt vào áo Cindy. Nó túm chặt một bên vú mẹ, bóp mạnh. Cindy nhẹ nhàng gỡ tay con bé ra và đặt vào lòng mình. Tôi thấy những vết đâm trên da thịt Cassie. Những dấu chấm nhỏ đen, giống như vết rắn cắn.
Cindy thầm thì nựng nịu con bé. Nó sục sạo, xoay tư thế và túm lấy một nắm áo của mẹ.
Nó lại ngủ. Cindy hôn lên đỉnh đầu con bé.
Tôi đã được dạy để biết cách hàn gắn những vết thương, biết cách tin vào mối quan hệ cởi mở, thành thật giữa bác sĩ và bệnh nhân. Trong căn phòng này, tôi có cảm giác mình là một kẻ bịp bợm.
Rồi tôi nghĩ về những cơn sốt cao và đi ngoài ra máu, những cơn co giật mạnh tới mức làm cho chiếc giường phát ra tiếng kêu ầm ĩ. Tôi nhớ đứa bé trai đã chết trong cũi của nó khiến sự thiếu tự tin của tôi đổ vỡ và biến mất.
Tới 10 giờ 45 thì tôi đã ở trong phòng đó được hơn nửa tiếng, phần lớn là để quan sát con bé Cassie nằm trong vòng tay mẹ. Con bé có vẻ hoàn toàn thoải mái với tôi, thậm chí còn mỉm cười một đôi lần. Đã đến lúc kết thúc và tuyên bố thành công.
Tôi đứng dậy. Con bé Cassie bắt đầu quấy.
Cindy khịt khịt ngửi rồi nhăn mũi lại và kêu lên:
- Ôi trời!
Chị ta nhẹ nhàng xoay cho Cassie ngửa ra và thay cái tã nhỏ của con bé.
Chị xịt phấn chống hăm, vỗ nhẹ và cuốn tã lại cho nó. Cassie tiếp tục quấy. Nó chỉ tay xuống sàn nhà và kêu rống lên:
- A, a, a...
- Con muốn ra ngoài phải không?
- A - Con bé gật đầu dứt khoát.
Con bé quỳ gối và cố đứng lên trên giường, nhưng lảo đảo vì cái nệm mềm, Cindy luồn tay vào nách con bé nhấc lên và đặt xuống sàn nhà.
- Con muốn đi phải không? Hãy đi dép vào đã.
Hai mẹ con họ đi tới cái tủ nhỏ. Cái tã của Cassie quá dài nên con bé kéo lê dưới sàn nhà. Khi đứng, con bé trông còn nhỏ nhắn hơn khi nằm trên giường, nhưng cũng cứng cáp hơn. Nó đi rất vững chãi và giữ được thăng bằng rất tốt.
Tôi nhặt cái ca táp lên.
Cindy quỳ xuống lồng chiếc thép hình con thỏ đầy lông vào chân Cassie. Những con thỏ này có đôi mắt bằng nhựa rất trong, lòng đen của mắt di động được và mỗi lần Cassie bước đi lại phát ra tiếng kêu chít chít.
Con bé cố nhảy lên, nhưng không nhấc được chân lên khỏi mặt sàn nhiều lắm.
Cindy khen:
- Con gái mẹ nhảy giỏi quá.
Cánh cửa chợt mở, một người đàn ông bước vào.
Ông ta cỡ tuổi gần bốn mươi, cao chừng 1 mét 8 và rất gầy.
Tóc ông ta màu đen, lượn sóng và dày, được chải thẳng ra đằng sau và dài tới tận cổ áo. Ông ta có khuôn mặt đầy đặn rất không hợp với thân hình lêu nghêu. Khuôn mặt ấy đầy đặn và tròn hơn bởi bộ râu màu đen, rậm được cắt tỉa có điểm mấy sợi bạc. Vẻ mặt ông ta dễ chịu và ôn hoà. Bên dái tai trái ông ta có đeo một cái khuyên bằng vàng. Bộ quần áo ông ta mặc hơi rộng nhưng được may đo rất đẹp: áo sơ mi sọc trắng - xanh cài cúc, bên ngoài là chiếc áo khoác thể thao vải tuýt; chiếc quần đen rộng thẳng li; đôi giày chạy thể thao đen có vẻ mới tinh.
Một tay ông ta cầm cốc cà phê.
- Bố kìa - Cindy nói.
Cassie chìa cánh tay ra.
Người đàn ông lêu nghêu liền đặt cốc cà phê xuống rồi nói:
- Chào các quý bà.
Rồi ông ta hôn vào má Cassie và bế nó lên.
Con bé kêu ré lên vui sướng khi được bố bế bổng lên cao. Ông ta đưa con bé lại gần bằng động tác hạ rất mạnh.
- Con gái bố có khoẻ không? - Ông ta vừa nói vừa áp con bé vào bộ râu của mình. Mũi ông ta biến mất dưới mái tóc của con bé. Con bé cười khúc khích.
- Quý bà mặc tã của bố có khoẻ không hả?
Cassie đưa cả hai tay lên tóc bố nó và kéo mạnh.
- Ái chà.
Con bé cười và lại giật.
- Úi chà ơi.
Con bé lại cười lên ha hả.
- Ái ôi.
Hai bố con họ chơi với nhau một lúc lâu rồi ông ta nhãng ra và nói:
- Ôi, con bố khoẻ quá.
Cindy giới thiệu:
- Đây là bác sĩ Delaware, anh yêu. Bác sĩ tâm lý. Thưa bác sĩ, đây là bố của Cassie.
Người dàn ông quay lại phía tôi, một tay ôm Cassie tay kia chìa ra.
- Tôi là Chip Jones. Rất vui được gặp ông.
Cái bắt tay của ông ta rất mạnh. Cassie vẫn đang kéo tóc ông ta làm cho nó rối bù lên. Ông ta dường như đã quen bị nó hành hạ như thế rồi đâm trơ.
- Chuyên ngành hai của tôi cũng về tâm lý - Ông ta vừa nói vừa cười - Nhưng nay tôi quên gần hết rồi.
Quay sang Cindy, ông ta nói:
- Tình hình ra sao rồi?
- Vẫn thế thôi.
Ông ta cau mày đoạn nhìn đồng hồ ở cổ tay. Lại một chiếc đồng hồ của Swatch.
Cindy hỏi:
- Anh đang có việc à?
- Thật không may em ạ. Anh tới là để được trông thấy mẹ con em trong chốc lát thôi.
Ông ta cầm lấy cốc cà phê chìa ra cho vợ.
- Không, cảm ơn anh.
- Em ổn chứ?
- Vâng, em ổn.
- Bụng em sao rồi?
Cindy sờ tay vào bụng, đáp:
- Chỉ hơi cảm thấy buồn nôn thôi. Anh có thể nán lại được bao lâu.
- Chỉ thoáng tí thôi - Chip đáp - Anh có một lớp vào lúc 12 giờ, rồi sau đó là họp hành - có lẽ từ đó lái xe đến đây rồi lại đi ngay là hơi điên rồ, nhưng anh nhớ mẹ con em quá.
Cindy cười.
Chip hôn chị ta và Cassie.
- Cindy nói:
- Bố không thể ở đây lâu với mẹ con mình rồi, Cass. Chán thật nhỉ?
- Bố ơi..
Chip véo nhẹ vào cằm Cassie. Con bé đưa tay xoa râu bố nó.
- Khoảng muồn muộn anh sẽ cố tạt qua đây. Hãy thức chừng nào em cần đến anh nhé.
- Thật tuyệt - Cindy đáp.
- Bố ơi bố...
- Bố - Chip nói với Cassie - Bố yêu con. Con ngoan của bố.
Quay sang Cindy, Chip nói:
- Đến thăm mẹ con em hai phút thật là một ý kiến tồi. Bây giờ, anh sẽ lại nhớ mẹ con em lắm đây.
- Mẹ con em cũng sẽ nhớ anh, bố nó ạ.
- Anh sẽ ở cạnh đây thôi - Ông ta nói - Tức là ở ngay bên sườn đồi, ít nhất là như vậy.
- Tại trường đại học ư?
- Vâng. Trực tại thư viện ấy mà.
Quay sang tôi, ông ta nói:
- Tôi dạy học tại phân khu mới của Đại học Tây Valley City, không có nhiều nguồn thông tin tham khảo. Vì vậy, khi có những dự án nghiên cứu nghiêm túc, tôi thường tới trường Đại học để tìm kiếm dữ liệu.
- Đó là trường tôi từng học đấy - Tôi nói.
- Thế ư? Tôi học ở tận miền Đông cơ - Ông ta cù bụng Cassie - Em đã ngủ tí nào chưa, Cindy?
- Nhiều rồi.
- Thật không?
- Thật chứ.
- Em có muốn uống trà thuốc không? Anh nghĩ là anh có mấy gói trà thanh nhiệt ở dưới xe đấy.
- Không, anh yêu. Bác sĩ Delaware có một số kỹ thuật giúp Cassie chống lại cảm giác đau đớn anh ạ.
Chip nhìn tôi trong khi vẫn xoa tay con bé.
- Thế thì hay quá. Đây đúng là một khó khăn quá mức tưởng tượng.
Đôi mắt ông ta xanh như đá phiến, mi trên hơi cụp xuống và rất sâu.
- Tôi biết - Tôi đáp.
Chip và Cindy nhìn nhau, rồi nhìn tôi.
- À, mà tôi sẽ đi ngay đây. Sáng mai tôi sẽ tạt qua để gặp lại gia đình ta.
Tôi cúi xuống và thầm chào tạm biệt Cassie. Con bé chớp mắt và quay đi.
Chip cười:
- Bác sĩ tán khéo nhỉ. Con bé mới bé tẹo thế này, phải vậy không?
Cindy nói:
- Thế thì khi nào chúng ta có thể bàn về các kỹ thuật của ông?
- Sớm thôi - Tôi đáp - Trước hết, tôi cần phải làm quen với Cassie đã. Tôi nghĩ, hôm nay chúng ta đã làm được rất khá.
- Ôi, đúng thế. Chúng ta đã làm rất tốt. Phải vậy không, bé con của mẹ?
- Chị thấy 10 giờ sáng có tiện cho chị không?
- Vâng - Cindy đáp - Chúng tôi sẽ không đi đâu cả.
Chip nhìn vợ và nói:
- Bác sĩ Eves vẫn chưa nói gì về chuyện cho ra viện à?
- Chưa. Bà ấy muốn theo dõi thêm.
Ông chồng thở dài:
- Thôi được rồi.
Tôi bước ra cửa.
Chip nói theo:
- Tôi cũng phải đi ngay, thưa bác sĩ. Nếu ông có thể chờ thêm một giây nữa, tôi sẽ cùng ra với ông.
- Được thôi.
Ông ta cầm tay vợ.
Tôi đóng cửa lại, rảo bước tới phòng y tá và lại ngồi phía sau cái bàn làm việc. Vicki Bottomley đang từ cửa hàng đồ chơi trở lại, ngồi xuống chiếc ghế của thư ký và đọc cuốn RN (3). Không có ai khác xung quanh. Trên mặt bàn là một hộp nhỏ được bọc bằng giấy gói quà của cửa hàng đồ chơi tại bệnh viện Nhi đồng miền Tây cạnh cuộn ống thông đường tiểu và chồng mẫu bảo hiểm.
Bà ta không ngửng mặt nhìn lên kh tôi nhấc bệnh án của Cassie ra khỏi chồng và lật qua các trang. Tôi đảo mắt nhanh qua quá trình điều trị của nó và tìm thấy bản ghi lại quá trình điều trị tâm lý của Stephanie. Với nghi hoặc về sự chênh lệch tuổi tác giữa Cindy và Chip, tôi tìm đến dữ liệu về lý lịch của ông ta.
Chales L.Jones Đệ tam. Tuổi 38. Trình độ học vấn: Thạc sỹ. Nghề nghiệp: giáo sư đại học.
Cảm thấy có ai đó đang nhìn mình, tôi hạ thấp cuốn bệnh án xuống và thấy Vicki quay nhanh đầu trở lại cuốn tạp chí.
Tôi lên tiếng hỏi trước:
- Tình hình dưới cửa hàng đồ chơi thế nào, thưa bà Vicki?
Bà ta hạ cuốn tạp chí xuống và đáp:
- Cụ thể anh muốn gì ở tôi?
- Bất kể thứ gì có thể giúp tôi giải quyết được sự sợ hãi của con bé Cassie.
Đôi mắt của bà y tá nheo lại:
- Bác sĩ Eves đã yêu cầu tôi làm thế rồi. Anh cứ việc hỏi đi.
- Tôi chỉ muốn biết trong thời gian qua đã có những chuyện gì xảy ra với bà?
- Không có chuyện gì xảy ra cả - Bà ta đáp - Tôi không biết gì hết. Tôi chỉ là một y tá.
- Y tá thường biết nhiều hơn bất kỳ ai khác đấy.
- Anh hãy nói điều đó với uỷ ban định tiền lương ấy. - Bà ta giơ tờ tạp chí lên cao, che khuất bộ mặt của mình.
Tôi đang định trả lời thì nghe thấy tiếng gọi. Chip Jones đang sải bước về phía tôi.
- Cảm ơn ông vì đã chờ đợi.
Tiếng ông ta làm Vicki ngừng đọc. Bà ta chỉnh sửa lại cái mũ và nói:
- Chào tiến sỹ Jones.
Một nụ cười ngọt ngào nở trên mặt bà ta, chẳng khác gì mật ong được phết lên bánh mỳ ôi.
Chip chống tay lên mặt bàn, miệng cười toe toét và lác đầu:
- Lại gặp bà ở đây, bà Vicki, bà đang thăng học vị cho tôi đấy.
Quay sang phía tôi, ông ta nói:
- Tôi mới sắp là tiến sỹ thôi, nghĩa là đã hoàn thành tất cả rồi, ngoại trừ luận án. Bà Vicki - hay bà Bottomley hào phóng đây đang muốn thăng cấp cho tôi trước khi tôi được phong chính thức đấy.
Vicki lại nở nụ cười nịnh hót khác:
- Có được phong hay không thì có khác gì chứ?
- Ôi - Chip đáp - với những người như bác sĩ Delaware đây, người đã nhận được học vị này thực sự, thì rất khác đấy.
- Tôi không dám.
Ông ta nghe thấy sự chao chát trong giọng Vicki nên ném cho bà ta cái nhìn khó chịu. Bà ta bối rối quá đành nhìn ra chỗ khác.
Ông ta nhìn thấy hộp quà đồ chơi nên nói:
- Bà Vicki, bà lại chiều con bé rồi phải không?
- Đó chỉ là món đồ chơi nhỏ thôi mà.
- Bà thật là tốt bụng, bà Vicki ạ, nhưng không nhất thiết phải thế.
- Tôi muốn thế mà, anh Jones. Con bé xinh như một thiên thần ấy.
- Đúng thế, thưa bà Vicki - Ông ta cười - Bà lại mua thỏ nhồi bông cho nó à?
- Ôi, con bé thích những thứ này, tiến sỹ Jones ạ.
- Bà cứ gọi tôi là anh Jones được rồi. Nếu bà thực sự muốn gọi bằng chức danh thì xin gọi tôi là ông giáo cũng được. Gọi như thế dễ nghe hơn, phải vậy không thưa bác sĩ Delaware?
- Vâng, anh dạy phải lắm.
Ông ta nói:
- Nãy giờ tôi toàn nói chuyện tầm phào thôi - nơi này làm tôi quẫn trí quá. Xin cảm ơn bà một lần nữa, bà Vicki. Bà thật tốt bụng.
Bottomley đỏ bừng mặt.
Chip quay sang tôi:
- Sẵn sàng đi chưa, thưa bác sĩ?
Chúng tôi rảo bước qua mấy cánh cửa gỗ tếch vào dòng người hối hả của tầng sáu phía Đông. Một đứa bé được đẩy trên xe đang gào khóc ở đâu đó, một bé trai đang được truyền nước và đầu quấn đầy băng. Chip nhìn, nhăn trán nhưng không nói gì.
Khi chúng tôi tới gần thang máy, ông ta lắc đầu và nói:
- Vicki thật là tốt bụng. Bà ấy là y tá không biết quản ngại khó khăn. Nhưng hình như bà ấy có vẻ gì đó xấc xược với ông phải không?
- Tôi không phải là kiểu người mà bà ấy ưa thích.
- Tại sao?
- Tôi chịu thôi.
- Trước kia ông có cãi lộn với bà ấy bao giờ chưa?
- Chưa. Trước kia tôi cũng chưa từng gặp bà ấy.
Ông ta lắc đầu:
- Ôi, thật xin lỗi ông, nhưng bà ấy dường như quan tâm săn sóc hết lòng với con Cassie nhà tôi. Cindy cũng rất mến bà ấy. Tôi nghĩ rằng bà ấy làm Cindy nhớ tới bà dì của cô ấy - người đã nuôi cô ấy khôn lớn. Bà ấy cũng là y tá, một người rất chịu khó.
Sau khi chúng tôi vượt qua một nhóm sinh viên trường y có vẻ mặt như mê ngủ, ông ta nói:
- Có lẽ chính yếu tố địa bàn đã khiến bà Vicki có phản ứng với ông. Nó giống như là cuộc chiến tranh giành địa bàn ấy, phải vậy không?
- Có thể.
- Tôi để ý thấy ở đây thường xảy ra chuyện đó lắm. Tôi tạm gọi đó là sự sở hữu bệnh nhân. Cứ như thể bệnh nhân trở thành những món hàng quý hoá vậy.
- Bản thân ông có trải qua chuyện này bao giờ chưa?
- Ô, có chứ. Hoàn cảnh của chúng tôi còn làm cho căng thẳng tăng lên. Mọi người thường nghĩ rằng chúng tôi là những người đáng được nịnh nọt bởi vì chúng tôi có những con đường dẫn thẳng tới cơ cấu quyền lực. Tôi nghĩ ông biết cha tôi là ai rồi chứ?
Tôi gật đầu.
Ông ta nói tiếp:
- Chuyện bị đối xử khác biệt làm tôi cảm thấy không ổn. Tôi lo rằng chuyện đó sẽ khiến Cassie nhận được sự chăm sóc không tốt.
- Nghĩa là sao?
- Tôi không biết, chẳng có thứ gì cụ thể cả. - tôi chỉ không muốn trở thành một cái gì đó đặc biệt. Tôi không muốn ai đó bỏ qua điều quan trọng bởi vì họ đã chần chừ hay phá vỡ tính thường xuyên vì sợ sẽ gây tổn thương tới gia đình chúng tôi. Không phải là bác sĩ Eves không tốt đâu - tôi rất kính trọng bà ấy. Vấn đề là ở toàn bộ hệ thống cơ - đó là cảm giác của tôi khi tới đây.
Ông ta đi chậm lại.
- Có lẽ tôi đã đánh giá quá chủ quan. Nhưng đó là sự thất vọng bởi lẽ con Cassie đã mắc hết bệnh này đến tật khác mà chẳng có ai biết con bé bị làm sao. Chúng tôi cũng... ý tôi muốn nói rằng bệnh viện này là một cơ cấu hình thức hoá cao và khi quy tắc thay đổi tại một cơ cấu nào đó thì sẽ dễ xảy ra sự đổ vỡ cả cơ cấu. Đó là lĩnh vực quan tâm của tôi: Các tổ chức hình thức. Theo tôi, đây chính là một dạng tổ chức như thế đấy.
Chúng tôi tới cầu thang máy. Ông ta nhấn nút và nói:
- Tôi hy vọng ông có thể giúp được Cassie chịu đựng những mũi tiêm chọc. Hiện con bé đang phải trải qua cơn ác mộng thực sự. Cả Cindy cũng vậy. Cô ấy là người mẹ tuyệt vời nhưng với chuyện này thì sự thiếu tự tin là điều tất yếu.
- Vậy vợ ông đang tự trách mình à? - Tôi hỏi.
- Có, đôi khi. Mặc dù chuyện này là hoàn toàn phi lý. Tôi đã cố khuyên giải cô ấy, nhưng...
Ông ta lắc đầu và chắp hai tay lại với nhau. Các ngón tay trắng trẻo. Đoạn ông ta đưa tay lên xoay xoay cái khuyên tai.
- Những căng thẳng với cô ấy thật quá mức chịu đựng.
- Chắc ông cũng thấy rất căng thẳng phải không? - Tôi hỏi.
- Tất nhiên chuyện này đâu có vui vẻ được. Nhưng tồi tệ nhất vẫn là về phía Cindy. Nói thật thì chúng tôi có cuộc hôn nhân căn bản truyền thống, tôi đi làm, cô ấy ở nhà đảm nhiệm tất cả. Đó là sự lựa chọn được cả hai bên đồng ý - chính Cindy cũng muốn như thế. Tôi cũng có tham gia việc nhà đôi chút - có lẽ là hơi ít - nhưng việc nuôi con thực sự là lĩnh vực của Cindy. Chỉ có trời mới hiểu cô ấy giỏi hơn tôi rất nhiều trong công việc ấy. Vì vậy, khi có vấn đề gì đó không ổn liên quan tới con cái gì cô ấy gánh hết trách nhiệm lên vai.
Ông ta đưa tay xoa cằm và lắc đầu:
- Phải chăng ông thấy những gì tôi nói giống lời phát biểu mô phạm ấn tượng tự bào chữa cho mình? Thật ra, tôi cũng rất đau đớn. Phải chứng kiến người mình yêu thương... Tôi nghĩ chắc ông đã biết về Chad - thằng con trai đầu lòng của chúng tôi?
Tôi gật đầu.
- Khi chuyện đó xảy ra, chúng tôi đã đau đớn hết mực, bác sĩ Delaware ạ. Thật chẳng còn gì để... - Ông ta nhắm mắt lại, lắc đầu thật mạnh như thể đang trục xuất ra khỏi đầu con đỉa vô hình nào đó - Thực sự, ngay cả đối với kẻ thù cay cú nhất thì tôi cũng không mong chuyện đó xảy ra với họ.
Ông ta lại nhấn nút cầu thang và liếc nhìn chiếc đồng hồ.
- Có vẻ như chúng ta đã làm mọi người xung quanh khó chịu, thưa bác sĩ. Nhưng dù sao, chúng tôi cũng đã vượt qua - cả Cindy và tôi. Hai chúng tôi đã gắn bó với nhau và cùng chia sẻ niềm vui khi có Cassie thì chuyện khốn này lại xảy ra. Thật không thể tin được.
Thang máy tới. Hai nhân viên tình nguyện trẻ và một bác sĩ bước ra. Chúng tôi cùng vào. Chip nhấn nút xuống tầng một và đứng tựa lưng vào thành thang máy.
- Ông không biết được cuộc sống sắp tới sẽ tồi tệ với ông thế nào đâu - Ông ta nói tiếp - Tôi từng là người rất cứng đầu. Có thể nói là quá cứng đầu ấy chứ - một con người cá nhân chủ nghĩa đến kinh tởm. Có lẽ bởi vì thời trẻ tôi đã phải nuốt trôi nhiều sự giáo huấn. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng tôi là một người khá bảo thủ, sống theo các giá trị căn bản: tuân thủ các quy tắc, luật lệ chắc chắn cuối cùng mọi thứ sẽ ổn. Thật là sự ngây thơ vô vọng. Nhưng khi ta rơi vào một mô thức tư duy nhất định thì luôn cảm thấy mô thức đó là hoàn hảo, vì thế ta sẽ tiếp tục làm theo nó. Tôi nghĩ nói như thế là đủ để ông hiểu định nghĩa đức tin của tôi như thế nào. Nhưng rồi tôi nhanh chóng mất hết đức tin.
Chiếc thang máy dừng lại ở tầng bốn. Một phụ nữ người Tây Ban Nha khoảng năm mươi tuổi bước ra cùng đứa bé trai chừng mười tuổi. Thằng bé thấp, đậm và đeo kính. Vẻ mặt đần độn của nó thể hiện không lẫn vào đâu người bị bệnh đao. Chip nở nụ cười với hai người bọn họ. Thằng bé con dường như không nhận ra ông ta còn người phụ nữ có vẻ rất mệt nhọc. Không ai nói chuyện với ai. Hai người bọn họ xuống tầng ba.
Khi cánh cửa đóng lại, Chip không ngớt nhìn chằm chằm vào nó. Khi thang máy bắt đầu đi xuống, ông ta nói:
- Ông cứ nhìn người phụ nữ đó thì biết. Bà ta không hề mong đợi điều đó, tức là có con ở tuổi ấy để rồi phải nuôi báo cô nó suốt đời. Những chuyện như thế sẽ làm đảo lộn hoàn toàn thế giới quan của ông. Đó chính là điều đã xảy ra với tôi - chuyện nuôi con ấy. Trong tôi chẳng còn chút hy vọng nào về một kết thúc tốt đẹp.
Ông ta quay sang tôi. Đôi mắt màu xanh tỏ vẻ cầu khẩn:
- Tôi thực sự hy vọng ông có thể giúp được Cassandra. Trong lúc con bé tiếp tục phải điều trị ở đây, hãy giúp nó bớt đi một phần đau đớn.
Thang máy xuống tới tầng một. Khi cánh cửa mình, ông ta lập tức ra ngoài và biến mất.
Khi tôi trở lại phòng khám đa khoa nhi, Stephanie đã có mặt ở một trong những phòng khám. Tôi đợi bên ngoài và vài phút sau thì cô ra, đi theo là một phụ nữ da đen to lớn và bé gái khoảng năm tuổi. Đứa bé mặc chiếc áo hoa nước da màu đen như than, tóc tết thành nhiều bím nhỏ và có khuôn mặt đẹp đặc châu Phi. Một tay con bé nắm lấy tay Stephanie, tay còn lại cầm cây kẹo mút. Dòng nước mắt chảy dọc theo má nó giống như một vệt sơn trên gỗ mun. Một miếng cao dán ở khuỷu tay nó.
Stephanie nói:
- Cháu làm giỏi lắm, Tonya.
Nhìn thấy tôi, cô nói:
- Vào văn phòng của tôi đi.
Sau đó cô lại để ý tới con bé ngay.
Tôi tới phòng khám của cô. Cuốn sách của Byron đã nằm trở lại giá, cái gáy sách mạ vàng của nó không lẫn vào đâu trong cả chồng sách vở.
Tôi lật qua vài trang của tờ tạp chí Nhi khoa. Không bao lâu sau, Stephanie đã trở lại. Cô đóng cửa và ngồi vào chiếc ghế ở bàn làm việc.
- Tình hình thế nào? - Cô hỏi.
- Tốt đẹp, không có sự phản kháng của bà Bottomley.
- Bà ta cản trở anh sao?
- Không, chỉ tỏ thái độ giống như cô đã thấy rồi đấy - Tôi kể cho Stephanie về cảnh tượng tôi chứng kiến giữa bà y tá và Chip - Bà ta đã cố gắng để lấy lòng Chip nhưng lại nhận kết quả ngược lại. Ông ta xem bà ấy là kẻ nịnh bợ không biết ngượng, mặc dù ông ta cho rằng quả thật bà ấy đã chăm sóc rất tốt cho Cassie. Hơn nữa, có thể ông ta đã phân tích đúng lý do tại sao bà ấy lại hằn học với tôi: đó là sự ganh đua để nhận được sự chú ý của bệnh nhân quan trọng (VIP).
- Biểu hiện tìm kiếm sự chú ý hay sao? Đó là biểu hiện của hội chứng Munchausen rồi đấy.
- Đúng thế, ngoài ra bà ấy đúng là đã tới nhà thăm bọn họ. Nhưng chỉ vài lần, cách đây một thời gian. Vì thế, dường như bà ấy không có khả năng là người đã gây ra chuyện. Nhưng chúng ta cần phải để mắt tới bà ấy.
- Tôi cũng đã thấy ngờ ngợ rồi, anh Alex ạ. Tôi hỏi những người xung quanh về bà ấy. Văn phòng y tá nói rằng bà ấy cái gì cũng nhất. Bà ấy liên tục được đánh giá là giỏi nhất, không hề có lời ra tiếng vào. Và theo những gì tôi được biết thì các bệnh nhân bà ấy chăm sóc không hề có các khuôn mẫu bệnh lạ nào. Nhưng đề nghị của tôi vẫn để ngỏ - nếu bà ta gây phiền nhiễu, tôi sẽ chuyển bà ta đi chỗ khác.
- Hãy để xem tôi có thể tìm cách hợp tác được với bà ấy không. Cindy và Chip có vẻ quý bà ấy.
- Ngay cả khi bà ấy là một kẻ nịnh bợ ư?
- Kể cả như thế. Mà ông ta cũng tiện thể nghĩ luôn cả bệnh viện này đều như thế. Ông ta không muốn nhận được sự đối xử đặc biệt nào.
- Nghĩa là sao?
- Ông ta chẳng nói rõ là thế nào nhưng có nói rất cụ thể rằng ông ta thích cô đấy. Ông ta có một mối lo chung chung rằng có thể bệnh viện sẽ bỏ qua điều gì đó bởi vì vai vế của bố ông ta. Hơn nữa, ông ta có vẻ rất chán ngán. Cả hai vợ chồng họ đều thế.
- Chúng ta thì không à? - Stephanie đáp - Thế suy nghĩ ban đầu của anh về bà mẹ thế nào?
- Chị ta không hẳn như những gì tôi đã nghĩ - cả hai vợ chồng họ. Họ dường như là những người có lối sống lành mạnh và cũng khá khác nhau. Chị ta rất... tôi nghĩ từ hợp nhất là "căn bản". Đơn giản. Nhất là khi chị ta lại là con dâu của một người có tiền chứ... Còn Chip thì lớn lên trong nhung lụa, nhưng ông ta có vẻ gì đó không phải là con trai của một ông chủ.
- Anh muốn nói tới khuyên tai?
- Cái khuyên tai, nghề nghiệp ông ta chọn, cách ông ta xử sự nói chung. Ông ta nói việc tuân thủ các quy tắc đã khiến ông ta đau khổ và phải nổi loạn. Có lẽ, cưới Cindy là một phần của hành động nổi loạn ấy. Hai người có tuổi tác hơn kém nhau tới mười hai năm. Phải chăng chị ta là học trò của Chip?
- Có thể lắm, tôi không biết chắc. Điều này có liên quan gì tới hội chứng Munchausen không?
- Không hẳn. Tôi lại đi lạc đề một chút rồi. Nói về hồ sơ Munchausen, bây giờ vẫn còn quá sớm, không thể nói được gì nhiều về chị ta. Đúng là trong lúc nói chuyện chị ta đã sử dụng một số biệt ngữ và có sự đồng cảm rất cao với Cassie - Tôi có cảm giác hai mẹ con họ có một mối thần giao cách cảm. Vẻ bề ngoài của mẹ con họ rất giống nhau - con Cassie đúng là mô hình thu nhỏ của mẹ nó. Tôi nghĩ, điều này càng làm cho mối đồng cảm của họ tăng lên.
- Nghĩa là nếu Cindy có điều gì đó bất mãn thì Cassie cũng sẽ cảm nhận được?
- Có thể lắm - Tôi đáp - Nhưng tôi vẫn chưa thể giải thích được thế nào. Thế Chad có giống con bé không?
- Tôi chứng kiến thằng bé đó mất mà, Alex - Stephanie lấy tay che mặt, dụi mắt rồi ngước lên trời - Tất cả những gì tôi còn nhớ là thằng bé khá xinh xắn. Nó màu xám giống như những tượng tiểu thiên sứ người ta vẫn thường đặt ở trong vườn. Nói thật, tôi đã cố không nhìn vào thằng bé.
Stephanie cầm cốc cà phê lên như sắp quẳng đi.
- Trời ơi, đúng là cơn ác mộng. Tôi đã phải đem thằng bé xuống nhà xác. Thang máy dành cho nhân viên bị kẹt nên tôi phải đứng chờ, tay ôm lấy cái gói xác. Những người khác đi qua, nói chuyện lung tung - lúc đó tôi đã muốn thét vào mặt họ. Cuối cùng, tôi phải đi bộ tới cầu thang máy công cộng, đi xuống cùng với vài người khác. Họ là những bệnh nhân và cha mẹ bệnh nhân. Tôi cố không để ý tới cái gói xác nên bọn họ cũng không biết đó là cái gì.
Chúng tôi ngồi im một lát rồi Stephanie lên tiếng:
- Làm tí cà phê nhé.
Nói rồi cô cúi người về phía cái máy màu đen nho nhỏ và bật nút. Một chiếc đèn màu đỏ sáng lên.
- Đã sẵn sàng rồi đấy. Hãy uống cà phê để xua tan đi những rắc rối. Còn đây là những tài liệu tham khảo tôi muốn đưa cho anh.
Cô lấy một mẩu giấy từ mặt bàn và đưa cho tôi. Đó là danh sách của khoảng 10 bài báo.
- Cảm ơn cô.
- Anh có còn để ý thấy gì khác ở Cindy không?
- Không thờ ơ lãnh đạm nhiều mà cũng không có biểu hiện tìm kiếm sự chú ý mạnh. Ngược lại, chị ta dường như rất bình tĩnh. Còn Chip thì khẳng định rằng người dì đã nuôi dưỡng chị ta lớn là một y tá, vì thế chúng ta có thể thấy được mối liên quan nào đó đến vấn đề y tế rồi, ngoài ra chị ta còn là kỹ thuật viên hô hấp nữa. Nhưng bản thân những điều này thôi thì hoàn toàn không phải là bằng chứng gì cả. Những kỹ năng nuôi con của chị ta dường như rất tốt - thậm chí phải gọi là tiêu biểu mới đúng.
- Thế còn mối quan hệ với chồng chị ta thì sao? Anh có thấy họ căng thẳng không?
- Không. Thế còn cô?
Stephanie lắc đầu rồi cười:
- Nhưng tôi nghĩ những gã đàn ông các anh thường lừa dối giỏi lắm.
- Sáng nay tôi lại không mang theo đồ nghề mới chết chứ. Thực ra, hai vợ chồng họ dường như khá hoà thuận với nhau.
- Vậy là một đại gia đình hạnh phúc - Cô đáp - Anh đã bao giờ gặp một vụ nào thế này chưa?
- Chưa bao giờ - Tôi đáp - Những người bị hội chứng Munchausen thường tránh các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần giống như tránh bệnh dịch vậy bởi vì chúng tôi là khắc tinh của những căn bệnh kiểu ấy. Trường hợp phổ biến nhất mà tôi đã chứng kiến là hiện tượng chạy khắp các bác sĩ. Họ là những bậc cha mẹ cứ nghĩ rằng con mình bị đau ốm nên đã chạy hết từ bác sĩ này tới chuyên gia nọ nhưng chẳng ai tìm ra triệu chứng thật sự nào. Khi còn đang hành nghề, tôi tôi hường nhận được nhiều lời giới thiệu từ các bác sĩ bị họ làm cho phát điên lên. Nhưng tôi không bao giờ điều trị cho họ lâu cả. Nếu bọn họ có đến thì ban đầu tỏ ra khá chống đối nhưng rồi hầu hết đã nhanh chóng bỏ cuộc.
- Những người chạy khắp bác sĩ à - Stephanie nói - Anh không bao giờ nghĩ họ là những người bị bệnh Munchausen dạng nhẹ hay sao?
- Có thể họ cùng một động lực nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Họ thường có những nỗi ám ảnh về sức khoẻ, muốn được mọi người chú ý tới trong khi nhảy nhót vui sướng.
- Đó là những vũ điệu quỷ quái - Cô nói - Thế còn Cassie thì sao? Con bé có phản ứng như thế nào?
- Đúng như cô mô tả - con bé ấy đã sợ phát khiếp khi nhìn thấy tôi, nhưng cuối cùng nó cũng bình tĩnh trở lại.
- Vậy là anh làm tốt hơn tôi rồi.
- Tôi đâu có dùng kim tiêm chọc nó, Stephanie.
Cô nở nụ cười chua chát.
- Có lẽ tôi đã chọn nhầm lĩnh vực hành nghề rồi. Vậy còn gì khác anh có thể nói cho tôi biết về con bé đó nữa không?
- Nó không có biểu hiện bệnh lý đặc biệt nào lớn cả, duy nhất bị chậm phát triển khả năng ngôn ngữ một chút thôi. Nếu khả năng ngôn ngữ của nó không tiến triển trong vòng sáu tháng tới, tôi sẽ kiểm tra một cách đầy đủ về mặt tâm lý, kể cả xét nghiệm thần kinh xem có rối loạn về tâm thần hay không.
Cindy bắt đầu sắp xếp đống hổ lốn trên mặt bàn rồi xoay người đối mặt với tôi:
- Sáu tháng à - Cô nói - Không biết liệu đến lúc đó con bé có còn sống không nữa.
Chú thích
(1) Một loại đồ chơi trẻ em gồm sợi dây cuộn vào trục và con lăn.
(2) Tuần báo tâm lý quốc gia.
(3) Tạp chí Y tá Đăng ký.