- Nếu anh không phản đối, chúng ta có thể đi lên tầng luôn.
- Tập thể dục buổi sáng à? Được chứ.
- Anh đã ở cái tuổi băm nhăm rồi - Stephanie vừa nói vừa chỉnh sửa quần áo và đóng cúc cho chiếc áo khoác trắng của mình - và sự trao đổi chất cơ bản đã trở nên suy nhược rồi. Anh cần phải tập thật nhiều để không bị nổi u bướu quanh người. Ngoài ra, cầu thang máy vẫn chạy theo đồng hồ thời gian valium.
Chúng tôi đi bộ ra tới cửa chính của quán ăn tự phục vụ. Những bàn ăn hoàn toàn trống rỗng. Một công nhân vệ sinh trong bộ đồng phục xám đang lau sàn; chúng tôi phải bước thận trọng để không bị trượt chân.
Tôi nói:
- Thang máy tôi đi để tới phòng làm việc của cô bây giờ đã chuyển sang sử dụng chìa khoá rồi. Tại sao lại cần đến các biện pháp an ninh như thế?
- Cái chính là phòng ngừa tội phạm chứ - Stephanie đáp - Chúng tôi là thế để tránh những bọn điên rồ ngoài đường phố xâm phạm vào nơi này. Trong chừng mực nào đó thì biện pháp này là hữu ích - thực tế đã có khá nhiều chuyện xảy ra, chủ yếu trong cá ca đêm.Mà anh cũng biết rồi đấy, cứ tối đến Đông Hollywood bao giờ chẳng nhiều chuyện.
Chúng tôi đi tới cửa. Lại một công nhân vệ sinh nữa xuất hiện, đang khoá cửa. Mặt anh ta lộ vẻ chán nản khi nhìn thấy chúng tôi rồi kéo cánh cửa cho chúng tôi qua.
Stephanie nói:
- Còn giảm cả giờ làm việc đấy - một sự cắt giảm ngân sách mới.
Khi ra tới ngoài hành lang, mọi thứ có vẻ như điên loạn. Các bác sĩ qua lại thành từng nhóm huyên náo, không khí tràn ngập những cuộc nói chuyện nhanh. Các gia đình lững thững đi không mục đích, đẩy những chiếc nôi có những đứa con thường xuyên phải vào bệnh viện.
Tại cửa thang máy đã hình thành một đám đông yên lặng, xếp thành vòng tròn như những khối người kết chặt, chờ đợi những cái thang máy hiện đã cùng dừng lại ở tầng thứ tư. Chờ đợi, luôn luôn là sự chờ đợi...
Khi chúng tôi bước vào cầu thang của tầng một, tôi nói:
- Vậy ở đây đã xảy ra vấn đề gì?
- Đó là những chuyện vẫn thường xảy ra ấy mà, nhưng giờ thì có tăng lên một chút - Cô đáp - Nào là ăn cắp xe hơi, phá hoại tài sản hay cướp giật. Trên đại lộ Sunset còn có cả chuyện chặn cướp nữa. Mấy tháng trước, có hay y tá đã bị tấn công trong bãi đậu xe ở bên kia đường.
- Tấn công tình dục ư? - Tôi hỏi, đồng thời dấn lên liền hai bước để theo kịp cô.
- Chuyện đó không được làm sáng tỏ. Cả hai người bọn họ đều không trở lại đây kể cụ thể câu chuyện thế nào. Họ là những y tá làm ca đêm không trong biên chế. Tôi chỉ nghe người ta nói lại rằng hai y tá ấy bị đánh khá nặng và bị cướp mất ví tiền. Cảnh sát đã cử một sỹ quan tới giảng bài an toàn cá nhân quen thuộc và thừa nhận rằng nếu bệnh viện không trở thành trại vũ trang thì không ai có thể làm gì để đảm bảo sự an toàn cả. Những nhân viên nữ kêu gào nhiều lần nên chính quyền mới hứa sẽ cho nhân viên an ninh tuần tra khu vực này nhiều hơn.
- Thế họ có làm như đã hứa không?
- Tôi cho là có - anh cũng thấy có thêm nhiều cảnh sát ở các bãi đậu xe và kể từ đó thì không xảy ra vụ tấn công nào nữa. Nhưng sự bảo vệ đến cùng với hàng đống các thứ khác mà không ai đề nghị cả. Nào là đặt camera tại khuôn viên, làm thẻ ra vào mới, thương xuyên nhũng nhiễu chẳng hạn như chuyện anh đã phải trải qua ấy. Riêng tôi nghĩ chúng tôi đã tự đặt mình vào tay của chính quyền, để cho họ có cơ hội kiểm soát chúng tôi. Mà một khi họ đã có cơ hội làm việc đó thì còn lâu mới từ bỏ.
- Những sinh viên loại C trả thù chăng?
Cô dừng bước và quay mặt nhìn tôi, cười bẽn lẽn:
- Anh vẫn còn nhớ chuyện đó à?
- Nhớ rất rõ ấy chứ.
- Hồi đó tôi hơi lắm mồm phải vậy không?
- Nhiệt huyết của tuổi trẻ mà - Tôi đáp - Vả lại, bọn họ đáng bị thế - dám lên giọng kẻ cả với cô trước bất kỳ ai, cái gã bác sĩ...
- Đúng, bọn họ đúng là một lũ mặt dạn mày dày - Cô tiếp tục bước, nhưng chậm hơn - Làm việc mỗi ngày chỉ có vài giờ, ăn trưa dùng toàn rượu Mác-tin, xuống quán cà phê phì phèo thuốc lá xịn và gửi đến chúng tôi những bản ghi nhớ về tăng hiệu suất làm việc và giảm chi phí.
Một vài bước nữa, Stephanie dừng lại.
- Sinh viên loại C à. Tôi không thể nhớ được rằng tôi đã nói câu đó đấy - Đôi má cô ửng đỏ - Tôi đáng ghét lắm phải không?
- Phải nói là đầy cảm hứng chứ, Stephanie.
- Đúng hơn là toát mồ hôi. Những ngày ấy thật điên rồ quá, anh Alex ạ. Hoàn toàn điên rồ.
- Vậy đấy - Tôi nói - nhưng đừng quên những gì chúng ta đã làm được: đòi được tiền lương công bằng cho các đồng nghiệp nữ này, cha mẹ bệnh nhân có được phòng ngủ tại bệnh viện này và còn có cả phòng giải trí nữa.
- Và tất nhiên là cả cà phê miễn phí dành cho nhân viên của bệnh viện.
Cô bước đi thêm vài bước nữa rồi nói:
- Tuy nhiên, anh Alex ạ, phần lớn những gì chúng ta tập trung vào dường như lại bị chệch hướng. Chúng ta tập trung vào từng cá nhân nhưng vấn đề lại ở bộ máy. Một đám sinh viên loại C đi rồi thì có đám khác tới, và vấn đề vẫn cứ tồn tại, không bao giờ được giải quyết cả. Đôi khi tôi tự hỏi phải chăng tôi đã ở nơi này quá lâu rồi. Nhìn anh bây giờ tôi thấy anh hạnh phúc hơn những ngày ấy quá nhiều.
- Cô cũng vậy đấy - Tôi đáp và nghĩ tới điều cô vừa nói về việc sẽ cố ngoi lên chức trưởng khoa.
- Tôi á? - Cô cười - Anh tế nhị nên mới nói thế thôi, chứ trường hợp của tôi hoàn toàn không có chút hạnh phúc cá nhân nào. Chỉ có một cuộc sống thanh liêm, trong sạch thôi.
Tầng sáu là nơi dành cho trẻ nhỏ từ một đến mười một tuổi không cần sự điều trị bằng công nghệ cao. Hàng trăm giường bệnh ở phòng phía Đông chiếm mất hai phần ba không gian tầng này, một phần ba không gian còn lại dành cho một phòng bệnh tư 20 giường ở phía Tây, cách ly với phòng phía Đông bằng mấy cánh cửa gỗ tếch, có ghi dòng chữ bằng đồng: Phòng đặc biệt của Hannah Chapell.
Phòng của Chapell à. Nơi này không dành cho dân thường và thực tập sinh, được chăm sóc bởi những người có tài, những người vào đây thường có bảo hiểm và séc cá nhân, không chịu sự chi phối của Medi-Cal.
Có nghĩa là nơi đây có loa nghe nhạc giấu ở trên trần, sàn phòng được trải thảm chứ không phải trải vải sơn lót nhà, một phòng thường dành cho trên 3 người, có ti vi bật cả ngày, mặc dù vẫn là những cái máy đen trắng.
Sáng nay, hầu như tất cả 20 phòng dều không có bệnh nhân. Ba y tá có vẻ mặt chán chường đứng phía sau một chiếc bàn thuốc tại phòng y tá. Cách đó vài mét, một y tá phụ trách buồng đang ngồi đánh móng tay.
- Chào bác sĩ Eves - Một y tá lên tiếng. Miệng chào Stephanie nhưng người này lại nhìn tôi không mấy thân thiện. Tôi phân vân không rõ lý do nhưng vẫn cứ nở nụ cười. Bà ta quay mặt chỗ khác. Bà ta khoảng 50 tuổi, béo, lùn, da sần sùi, cằm dài, tóc nhuộm vàng. Chiếc áo màu xanh lơ của bà ta có diềm màu trắng. Bên trên mái tóc cứng đơ là chiếc mũ y tá chiếu lệ. Đã lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy loại trang phục này.
Hai y tá khác, đều là người Philipines ở độ tuổi 20, nhìn nhau chằm chằm rồi vụt đi như thể bị thúc bởi một cái đinh ba bí ẩn nào đó.
Stephanie nói:
- Chào chị Vicki. Con bé ấy hiện ra sao rồi?
- Đến nay vẫn ổn.
Với tay qua, bà y tá tóc vàng rút một bệnh án ra khỏi cái khe có đánh dấu phòng 505 và đưa cho Stephanie. Móng tay bà ta cụt lủn và bị cắn lởm chởm. Bà lại nhìn tôi. Sức thôi miên bằng mắt ấy không có tác dụng với tôi.
- Đây là bác sĩ Delaware - Stephanie giới thiệu, tay tiếp tục lật giở các trang bệnh án - chuyên gia tư vấn tâm lý của chúng ta. Thưa bác sĩ Delaware, đây là chị Vicki Bottomley, y tá chăm sóc chính của Cassie.
- Cindy có nói cho tôi biết là anh sẽ tới đây - Bà ta nói nghe cứ như đang ca thán một tin xấu. Stephanie tiếp tục đọc bệnh án.
- Rất vui được gặp bà - Tôi nói.
- Gớm, tôi cũng rất vui được gặp anh - Giọng điệu sưng sỉa vẻ đầy thách đó của bà ta khiến Stephanie phải ngửng mặt nhìn lên.
- Mọi thứ ổn cả đấy chứ, chị Vicki?
- Vẫn cứ mơn mởn đào tơ - Bà đáp, miệng cười đánh toe một cái như tát vào mặt người khác - Mọi thứ đều ổn. Con bé ăn gần hết chỗ cháo buổi sáng và uống thuốc theo đơn.
- Thuốc gì?
- Chỉ là thuốc Tylenol ấy mà. Nó uống khoảng một giờ trước. Cindy nói rằng con bé bị đau đầu...
- Tylenol số một à?
- Vâng, thưa bác sĩ Eves, chỉ là loại thuốc dành cho trẻ con, loại thuốc nước, uống một thìa cà phê thôi, đã được ghi rõ trong đó rồi - Bà ta chỉ tay vào cuốn bệnh án.
- Vâng, tôi thấy rồi - Stephanie đáp, và lại tiếp tục đọc - À, hôm nay thế là ổn, chị Vicki ạ, nhưng lần sau thì không được cho uống thuốc - kể cả thuốc bán không cần đơn - khi chưa được tôi đồng ý đấy nhé. Tôi cần phải kiểm sát mọi thứ được đưa vào miệng con bé, ngoài đồ ăn và thức uống. Chị đã rõ chưa?
- Rõ - Bottomley đáp, rồi lại cười - Không hề xảy ra vấn đề gì cả. Tôi chỉ nghĩ rằng...
- Không có hại gì cả đâu, Vicki ạ - Stephanie cướp lời. Cô với tay qua và vỗ vào vai người y tá - Tôi dám chắc rằng nếu trình với tôi thì tôi cũng đã cho phép dùng Tylenol. Vấn đề chỉ là vì đứa bé nà có một bệnh sử đặc biệt nên chúng ta cần phải tuyệt đối cẩn thận để xác định các phản ứng thuốc mà thôi.
- Vâng, thưa bác sĩ Eves. Vậy còn điều gì nữa không?
Stephanie tiếp tục đọc cuốn bệnh án, rồi gấp nó lại và đưa trả cho bà y tá.
- Không, hiện tại đã xong trừ phi chị muốn báo cáo điều gì.
Bottomley lắc đầu.
- Vậy thì xong rồi. Bây giờ tôi sẽ vào và giới thiệu bệnh nhân với bác sĩ Delaware. Có còn điều gì về Cassie mà chị muốn chia sẻ với chúng tôi không?
Bottomley nhìn chằm chằm vào Stephanie một giây rồi quay sang phía tôi, mắt gườm gườm.
- Bọn họ chẳng có bệnh tật gì ca,rất họ hoàn toàn bình thường.
Tôi nói:
- Tôi nghe nói Cassie thường rất sợ hãi khi các bác sĩ khám bệnh và cho uống thuốc.
Bottomley chống tay ngang hông:
- Đến anh cũng sợ bị tiêm chọc nhiều như thế chứ nói gì đến con bé ấy.
Stephanie nói:
- Kìa chị Vick...
- Tất nhiên rồi - Tôi vừa cười vừa đáp - Đó là phản ứng hoàn toàn bình thường, nhưng đôi khi sự hoảng sợ bình thường co thể được giảm đi nhờ vào sự trợ giúp của biện pháp điều trị hành vi.
Bottomley khẽ cười trong họng:
- Biết đâu đấy lại được. Tôi chúc anh may mắn.
Stephanie định nói điều gì đó. Tôi liền cầm lấy cánh tay cô và nói:
- Tại sao chúng ta không tiến hành ngay nhỉ?
- Vâng - Cô quay sang nói với Bottomley - Hãy nhớ nhé, không được cho uống thuốc gì ngoài thức ăn và thức uống đấy.
Bottomley vẫn không ngớt cười:
- Vâng, thưa bác sĩ. Nếu bây giờ đã xong, tôi xin rời khỏi đây trong vài phút.
Stephanie nhìn đồng hồ:
- Nghỉ giải lao rồi sao?
- Không. Tôi chỉ muốn xuống cửa hàng đồ lưu niệm mua cho Cassie một con LuvBunny - con thỏ nhồi bông ấy mà. Cô có xem những bộ phim hoạt hình trên ti vi không? Con bé ấy thích thứ đó lắm. Tôi nghĩ, có hai người ở đó rồi thì con bé chắc cũng sẽ chịu yên một lát.
Stephanie nhìn tôi. Bottomley nhìn theo tỏ vẻ hài lòng. Bà ta lại cười khùng khục trong họng và bỏ đi. Điệu đi uốn éo khá nhanh. Cái mũ trắng nhấp nhô dọc theo hành lang vắng giống như con diều trong gió.
Stephanie nắm lấy cánh tay tôi và đẩy ra khỏi phòng y tá.
- Xin lỗi anh Alex. Tôi chưa từng thấy bà ta như thế bao giờ.
- Có phải trước kia bà ta cũng từng là y tá của Cassie không?
- Nhiều lần rồi - có lẽ là ngay từ lần đầu con bé vào viện. Bà ta và Cindy có cảm tình đặc biệt với nhau và chính Cassie cũng thích bà ấy. Khi Cassie vào viện, bố mẹ nó liền yêu cầu bà ấy làm y tá chăm sóc riêng cho nó.
- Bà ta có vẻ khá ích kỷ nhỉ.
- Bà ấy đúng là có xu hướng muốn nhúng tay vào mọi việc, nhưng tôi nghĩ đó là chuyện tích cực. Các gia đình đều quý bà ấy - Bà là một trong những y tá tận tuỵ nhất mà tôi từng cộng tác. Với tình hình tinh thần hiện nay, thật khó mà tìm được sự tận tuỵ.
- Bà ta có tận tuỵ tới mức đến tận nhà bệnh nhân trợ giúp không?
- Theo tôi biết thì không. Chỉ có vài lần tôi làm việc đó thôi, với một bệnh nhân nội trú ngay từ ngày đầu. Mục đích chuyến viếng thăm ấy là để đặt máy theo dõi giấc ngủ - Stephanie lấy tay che miệng - Không lẽ anh nghĩ bà ấy có điều gì đó liên quan tới...
- Tôi không nghĩ điều gì cả - Tôi đáp. Ngay lúc đó tôi cũng tự hỏi liệu mình có nghĩ thế không bởi vì Bottomley đã làm tôi hơi bực mình - Tôi chỉ buột miệng hỏi thế thôi.
- Hừm... thôi rồi, đó cũng là một ý kiến. Y tá mắc bệnh Munchausen à? Tôi nghĩ với kiến thức y học căn bản của bà ấy thì chuyện này có khả năng lắm.
- Thì đã có khá nhiều trường hợp xảy ra rồi - Tôi đáp - y tá và bác sĩ muốn được chú ý, và họ thường là những người rất ích kỷ. Nhưng vấn đề của Cassie luôn bắt đầu từ nhà và được giải quyết ở bệnh viện thì bà ta không nằm trong vòng nghi vấn, nếu như Vicki không phải là người thường trú tại nhà của Jones.
- Thế thì không. Chí ít thì đó cũng là những gì tôi được biết tới nay. Chắc chắn là như vậy. Nếu bà ấy như vậy thì tôi phải biết chứ.
Stephanie tỏ vẻ nghi hoặc. Một vẻ mặt bị khuất phục. Tôi nhận ra vụ này gây ra sức ép với cô thế nào.
- Tôi muốn biết tại sao bà ta lại thù hằn với tôi như thế - Tôi nói - Có lẽ không phải vì những lý do cá nhân mà có thể là điều gì đó liên quan tới gia đình này. Nếu Vicki và người mẹ kia thân thiết với nhau, trong khi Vicki lại không thích tôi thì có thể khiến việc khám chữa của tôi trở nên không thuận lợi.
- Lập luận của anh có lý... Tôi không hiểu điều gì đã ám ảnh bà ấy như vậy.
- Chắc là cô chưa nói gì với bà ta về chuyện cô nghi ngờ Cindy đấy chứ?
- Không. Anh là người đầu tiên tôi bàn về chuyện đó. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu bà ấy không cho uống thuốc nữa để tìm ra các phản ứng của thuốc. Tôi cũng đã yêu cầu Cindy không mang thức ăn từ nhà tới vì lý do tương tư. Vicki và những y tá làm ca khác được yêu cầu ghi chép lại tất cả những gì Cassie ăn - Stephanie chau mày - Tất nhiên, nếu Vicki cố tình bước qua giới hạn ấy thì bà ấy có thể không làm theo yêu cầu của tôi. Anh có muốn tôi chuyển bà ấy sang chỗ khác không? Tìm y tá mới là chuyện sẽ làm nhọc tôi một chút, nhưng tôi có thể làm được chuyện này nhanh thôi.
- Cô không phải vì tôi mà làm thế. Hiện tại, cứ để cho mọi sự diễn ra bình thường.
Chúng tôi đi tới phía sau phòng y tá. Stephanie lấy cuốn bệnh án và lại nghiền ngẫm. Một lúc sau cô mới nói:
- Mọi thứ có vẻ ổn cả. Nhưng dù sao tôi cũng phải nói chuyện với con bé một chút.
- Để tôi đọc qua một chút xem sao đã - Tôi đề nghị.
Cô đưa cho tôi cuốn bệnh án. Nét chữ ngay ngắn và ghi chép chi tiết thường thấy của cô. Bên trong còn có biểu đồ về cơ cấu gia đình và tôi đã bỏ chút thời gian ra xem xét.
- Không thấy có tên ông bà ngoại ở đây nhỉ.
Stephanie lắc đầu:
- Cindy mất cha mẹ khi cô ấy còn nhỏ tuổi. Chip cũng mất mẹ khi anh ấy ở tuổi niên thiếu. Ông Chuck là người ông duy nhất còn sống.
- Thế ông ấy có thường tới đây thăm cháu không?
- Thỉnh thoảng. Ông ta là người khá bận rộn.
Tôi tiếp tục đọc:
- Cindy mới chỉ 26 tuổi... Có thể bà Vicki là một hình tượng người mẹ đối với cô ấy.
- Có thể -Stephanie đáp - Dù gì, tôi cũng sẽ để mắt tới bà ấy mới được.
- Stephanie, tôi xin cô đừng làm gì mạnh tay lúc này. Tôi không muốn bà Vicki hay cô Cindy nghĩ tôi là người gây ra phiền toái cho họ. Hãy để tôi có cơ hội được hiểu bà ấy đã. Biết đâu bà ấy lại trở thành một đồng minh cũng nên.
- Được rồi - Cô đáp - Chuyện quan hệ với người này, người kia là đất của anh. Nhưng hãy báo ngay cho tôi hay nếu bà ấy tiếp tục gây khó chịu nhé. Tôi không muốn bất cứ thứ gì cản trở việc giải quyết vấn đề này.
Căn phòng tràn ngập những con thỏ nhồi bông LuvBunny - nào là trên bậu cửa sổ, trên bàn để đèn, trên cái khay đặt đầu giường, trên nóc tivi. Đây đúng là một buổi tiếp đón long trọng bằng toàn nhưng thứ đồ xanh đỏ nhe răng.
Thành giường đã được hạ thấp xuống. Một đứa bé xinh xắn đang nằm ngủ - một đống rất nhỏ gần như không làm phồng cái chăn đắp.
Khuôn mặt hình trái tim của con bé nghiêng về một phía; miệng nó hồng tươi, đang mở. Da màu nước sữa, đôi má mũm mĩm, mũi như mầm nhú. Mái tóc bóng mượt, thẳng và đen dài tới tận vai. Mớ tóc phía trước ươn ướt dính vào trán. Bên trên đường viền chăn là một vòng cổ. Một tay được giấu đi; tay còn lại như có gơn sóng đang nắm chặt lấy mấy sợi chăn. Ngón tay cái của nó to bằng trái đậu lima.
Chiếc ghế sô-pha đặt cạnh cửa sổ được mở ra thành giường đơn trông gọn ghẽ. Chăn gấp vuông thành phẳng cạnh như trong quân đội. Gối được vuốt phẳng như vỏ trứng. Cái túi đựng đồ tạm bằng nhựa vinyl nằm trên sàn nhà cạnh khay thức ăn đã hết.
Người phụ nữ trẻ ngồi vắt chân chữ ngũ rìa cái đệm, đang đọc tờ Chỉ dẫn ti vi. Ngay khi nhìn thấy chúng tôi, chị ta liền đặt tờ tạp chí xuống và đứng dậy.
Người phụ nữ trẻ cao khoảng 1 mét 62, thân hình chắc khoẻ, eo hơi to. Tóc chị ta cũng đen óng như của đứa con gái, rẽ đường ngôi giữa, buộc tạm ra phía sau và tết thành dải tóc dài gần chấm eo. Khuôn mặt như được đúc cùng một mẫu với Cassie, vì tuổi tác nên đã dài thêm ra một chút thành hình trái xoan hoàn hảo. Mũi chị ta rất đẹp; miệng thẳng, rộng không trang điểm với nước da thẫm tự nhiên. Đôi mắt to, đen giờ đã đỏ ngầu.
Chị ta không hề trang điểm, nước da có vẻ được chăm sóc cẩn thận. Đó là một phụ nữ còn mang dáng dấp thiếu nữ. Đã ở tuổi 26 nhưng nhìn qua dễ nhầm chị là nữ sinh đại học.
Một tiếng động nhẹ như tiếng thở phát ra từ chiếc giường. Đó là tiếng thở dài của Cassie. Tất cả chúng tôi đều chú mắt nhìn vào con bé. Mí mắt nó vẫn khép nhưng đang lay động. Những sợi ven xanh nổi rõ dưới da. Con bé trở mình xoay mặt khỏi phía chúng tôi.
Tôi nghĩ tới một con búp bê sứ chưa tráng men.
Xung quanh chúng tôi, những con thỏ nhồi bông LuvBunny đang liếc nhìn.
Cindy Jones nhìn xuống con gái, với tay qua gạt lọn tóc ra khỏi mắt con bé.
Quay lại nhìn chúng tôi, chị vội đưa tay sờ quần áo, như thể tìm xem có cái cúc nào đó chưa được đóng không. Quần áo chị mặc rất giản dị - cái áo sơ mi vải bông, chiếc quần jeans đã bạc và đôi dép quai hậu đế trung bình. Tay chị đeo chiếc đồng hồ nhựa màu tím hiệu Swatch. Không phải một người ăn mặc sang trọng giống như các con dâu của những yếu nhân mà tôi mong đợi.
- Ôi - Stephanie nói thầm - có vẻ như ai đó đang định ngủ một giấc ngắn ấy. Chị có ngủ được không, Cindy?
- Được một ít - Giọng chị ta nghe nhẹ và dễ chịu. Chị không phải thì thầm như Stephanie.
- Đệm của chúng tôi chắc không được tốt lắm, phải vậy không?
- Tôi thấy ổn, thưa bác sĩ Eves - Nụ cười của chị ta mang đầy vẻ mệt nhọc - Thực ra, Cassie đã ngủ rất ngon. Nó tỉnh giấc một lần, khoảng vào lúc 5 giờ, và cần phải ru mới ngủ lại. Tôi đã bế và hát ru một lúc thì nó mới ngủ trở lại vào khoảng 7 giờ. Tôi nghĩ, có lẽ đó là lý do tại sao đến giờ nó vẫn còn ngủ được.
- Bà Vicki nói rằng con bé bị đau đầu.
- Đúng thế, vào lúc nó tỉnh giấc ấy. Bà Vicki đã cho nó uống dung dịch Tylenol và dường như có tác dụng.
- Cho con bé uống Tylenol là đúng, chị Cindy ạ. Nhưng sau này, tất cả thuốc thang - ngay cả những thứ thuốc bán không cần kê đơn - cũng sẽ phải được sự đồng ý của tôi mới cho con bé uống. Việc này chỉ là để cho nó được an toàn thôi.
Đôi mắt đen mở to:
- Ôi, vâng. Xin bác sĩ thứ lỗi.
Stephanie mỉm cười.
- Không có chuyện gì lớn đâu. Tôi chỉ muốn cẩn thận thôi. Chị Cindy này, đây là bác sĩ Delaware, chuyên gia tâm lý mà chúng ta đã từng bàn tới ấy.
- Xin chào bác sĩ Delaware.
- Xin chào chị Jones.
- Cứ gọi tôi là Cindy - Chị chìa bàn tay nhỏ nhắn ra phía tôi và cười bẽn lẽn. Tôi cũng đưa tay ra và biết rằng công việc của tôi sẽ không hề dễ dàng.
Stephanie nói:
- Như tôi đã giới thiệu với chị, bác sĩ Delaware là chuyên gia về sự sợ hãi ở trẻ em. Ông ấy chính là người có thể giúp Cassie vượt qua được nỗi sợ hãi ở đây. Ngay bây giờ, ông ấy muốn được nói chuyện với chị, nếu như chị không phiền gì.
- Ô, chắc chắn là được - Cindy sờ vào dải tóc và và tỏ vẻ lo lắng.
- Hay lắm - Stephanie đáp - Nếu chị không cần gì ở tôi nữa thì tôi xin đi đây.
- Hiện nay thì tôi chưa nghĩ ra điều gì, thưa bác sĩ Eves. Tôi cũng vừa mới định hỏi xem bác sĩ đã... có kết luận gì chưa thôi?
- Cho tới giờ thì chưa, chị Cindy ạ. Điện não đồ thấy hoàn toàn bình thường. Nưhng, như chúng ta đã thảo luận với nhau, với những trẻ ở tuổi này, cái đó không phải là kết luận. Các y tá chưa từng ghi lại bất cứ hành vi co giật nào. Chị có thấy gì không?
- Không... không hẳn.
- Không hẳn à? - Stephanie bước lại gần hơn. Cô chỉ cao hơn Cindy một chút nhưng dường như to ngang hơn khá nhiều.
Cindy Jones cắn môi trên rồi nhả nhanh ra:
- Không - có lẽ là không quan trọng.
- Được rồi chị Cindy. Xin chị hãy nói cho tôi biết tất cả mọi thứ, kể cả trường hợp chị cho rằng nó là không phù hợp.
- Tôi chắc chắn là không có gì cả, nhưng đôi khi tôi tự hỏi không biết có phải con bé đang để tâm đi đâu đó không - không hề lắng nghe khi tôi nói chuyện với nó? Hình như nó đang nhìn chằm chằm vào khoảng không - giống như chứng động kinh dạng nhẹ ấy.
- Chị bắt đầu nhìn thấy điều này từ khi nào?
- Hôm qua, sau khi chúng tôi được nhập viện.
- Chị không nhìn thấy hiện tượng này ở nhà bao giờ à?
- Tôi... không. Nhưng có thể là chuyện đó đã từng xảy ra nhưng tôi không nhìn thấy. Hoặc có thể chẳng có gì cả. Có lẽ là thế - tôi không biết nữa.
Khuôn mặt xinh xắn bắt đầu nặng trĩu.
Stephanie vỗ vỗ vai chị ta. Cindy dần bình tĩnh lại như thể cảm nhận được nhiều an ủi từ cái vỗ vai ấy.
Stephanie bước lùi lại, ngừng vỗ vai người mẹ trẻ.
- Thế chuyện con bé nhìn chằm chằm vào khoảng không có thường xảy ra không?
- Khoảng một đến hai tuần mỗi ngày. Có thể chuyện đó không có gì đâu - chỉ là nó tập trung tinh thần thôi. Con bé luôn rất giỏi trong việc tập trung tinh thần - những lúc chơi ở nhà, nó tập trung tư tưởng rất tốt.
- Thế thì tốt - chuyện con bé có khả năng tập trung chú ý ấy.
Cindy gật đầu nhưng có vẻ vẫn chưa an tâm.
Stephanie lôi cuốn sổ hẹn gặp từ trong túi áo khoác ra và xé trang cuối ra rồi đưa cho Cindy.
- Đây, chị cầm lấy cái này. Lần sau nếu chị thấy con bé cứ nhìn chằm chằm, hãy ghi lại chính xác thời gian và gọi Vicki hay ai đó đang trực vào để quan sát, được chứ?
- Được rồi. Nhưng chuyện này không kéo dài đâu, thưa bác sĩ Eves. Nó chỉ xảy ra trong vài giây thôi.
- Hãy làm tất cả những gì chị có thể - Stephanie đáp - Còn bây giờ, tôi sẽ đi chỗ khác để chị và bác sĩ Delaware làm quen với nhau.
Dừng lại giây lát để nhìn con bé, Stephanie mỉm cười với cả hai chúng tôi rồi ra đi.
Khi cánh cửa khép lại, Cindy đưa mắt nhìn xuống giường.
- Để tôi gấp lại cái này cho ông lấy chỗ ngồi nhé.
Da chị ta cũng hiện lên những vằn ven xanh lờ mờ. Mạch máu nơi thái dương chị ta đang đập mạnh.
- Thế thì để tôi giúp chị một tay - Tôi đề nghị.
Câu đề nghị của tôi dường như làm chị ta giật mình.
- Không, mình tôi làm cũng được mà.
Cindy cúi xuống nắm lấy tấm đệm và nhấc lên. Tôi cũng làm thế. Hai chúng tôi cùng hợp sức chuyển chiếc giường đơn thành ghế sô pha.
Chị vuốt ve tấm nệm tựa lưng, đứng lui lại và nói:
- Xin ông để tôi tự làm được rồi.
Cảm thấy mình như đang ở trong nhà thổ, tôi đành làm theo.
Chị ta đi tới chiếc ghế màu xanh và nhặt những con thỏ nhồi bông LuvBunny đặt ngay ngắn lên chiếc bàn nhỏ để đèn. Chị kéo chiếc ghế đối diện với ghế sô-pha và ngồi xuống, chân đặt ngay ngắn xuống sàn, hai tay đặt lên đùi.
Tôi với tay qua chỗ bậu cửa sổ cầm một con thú nhồi bông lên xoa lông nó. Nhìn ra ngoài qua cửa sổ bằng kính, đỉnh những cây cối trong vườn Griffith có màu xanh đen và lờ mờ như trong mây.
- Đẹp quá - Tôi nói - Đây là quà tặng sao?
- Một vài con là quà tặng thôi. Một vài con chúng tôi mua từ nhà. Dù đến đây, chúng tôi vẫn muốn Cassie cảm thấy như ở nhà.
- Phải chăng bệnh viện đã trở thành ngôi nhà thứ hai của con bé?
Cindy nhìn tôi chằm chằm. Nước mắt đã tràn đầy đôi mắt đen làm cho nó to hơn, sáng hơn. Trên khuôn mặt Cindy thể hiện vẻ hổ thẹn.
Hổ thẹn hay cảm thấy tội lỗi?
Chị ta đưa nhanh tay lên để che nét mặt ấy.
Chị thầm khóc một lát.
Tôi lấy khăn giấy từ chiếc hộp trên bàn đặt ở đầu giường ra và chờ đợi.