Sau khi ngồi xuống giường, nàng mỉm cười và nói:
- Của anh đây.
Chúng tôi hôn nhau một lúc lâu rôồ quay sang ngắm cá. Sau đó chúng tôi cùng ăn tối ở một nhà hàng tại Brentwood. Khách hàng ở đây toàn người cao tuổi và có lẽ chúng tôi là những thực khách trẻ tuổi nhất. Ăn xong, chúng tôi nhanh chóng trở về nhà và dành toàn bộ phần còn lại của buổi tối để nghe nhạc, đọc sách và đánh bài rummi. Buổi tối ấy thật lãng mạn, có chút gì đó mặc cảm về tuổi tác nhưng dù sao tôi cũng vẫn hài lòng. Sáng hôm sau, Robin và tôi đi dạo trong thung lũng, đóng vai những người đi ngắm chim muông, cây cảnh và tự đặt tên cho những con vật biết bay mình nhìn thấy.
Ngày Chủ nhật, chúng tôi ăn trưa thật đơn giản, chỉ có bánh hamburger và trà đá. Sau bữa ăn, Robin chăm chú vào trò ô chữ của Ngày Chủ nhật. Tôi nằm thư giãn ngay trên ghế dưới hàng hiên nơi chúng tôi vừa ăn trưa. Khoảng hơn hai giờ chiều một chút, nàng có vẻ thất vọng vì không hoàn thành trò chơi. Đặt ô chữ xuống, nàng nói:
- Chán quá, có quá nhiều từ Pháp.
Robin nằm bên cạnh tôi. Chúng tôi cùng thư giãn, cảm nhận cái ấm áp của ánh nắng nhưng rồi chẳng bao lâu đã thấy nàng cứ trở mình không yên.
Tôi nhỏm dậy hôn lên trán nàng.
- Có việc gì đấy anh?
- Không, cảm ơn.
- Thật chứ?
- Ừ thật... - Tôi ậm ờ cho qua chuyện.
Robin cố ngủ nhưng không được.
Tôi nói:
- Hôm nay anh muốn tới bệnh viện một lát.
- Ồ, thế hả... Vậy thì trong lúc anh đi, em có thể sẽ tới cửa hàng nào đó để mua mấy thứ lặt vặt.
Phòng của Cassie trống rỗng, ga và đệm giường đã được lột bỏ. Trên thảm nền nhà vẫn còn vết máy hút bụi. Phòng tắm sạch bóng tiệt trùng.
Tôi bước ra khỏi phòng thì nghe thấy một giọng nói:
- Xin dừng bước!
Đối mặt với tôi là một nhân viên bảo vệ, đeo kính râm, khuôn mặt nhọn sạch bóng, môi thâm nghiêm. Đó chính là nhân viên an ninh mà ngày đầu tiên vào đây tôi đã gặp, người bắt tôi phải làm phù hiệu mới.
Anh ta đứng chắn giữa cửa ra vào, tư thế sẵn sàng lao vào cuộc chiến.
Tôi hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Anh ta không hề cử động. Khoảng cách giữa tôi và anh ta đủ để tôi có thể nhận thấy tấm phù hiệu trên cánh tay của anh ta ghi dòng chữ: Sylvester A.D.
Anh ta cũng nhìn vào phù hiệu của tôi và lùi lại một bước nhưng vẫn không đủ khoảng trống để tôi bước ra.
- Anh thấy không, tôi đã có phù hiệu mới rồi đây này - Tôi nói - Rất long lanh và có ảnh màu hẳn hoi đây này. Bây giờ thì xin nhường lối để tôi còn đi làm việc.
Anh ta nhìn lên nhìn xuống một vài lần, so sánh khuôn mặt tôi với tấm hình trên phù hiệu rồi bước sang một bên và nói:
- Phòng này đã đóng cửa rồi.
- Tôi thấy rồi. Nhưng đóng cửa bao lâu rồi?
- Cho tới khi nào được mở.
Tôi rảo bước qua ta về phía cánh cửa làm bằng gỗ tếch.
Anh ta hỏi tôi:
- Ông tìm gì phải không?
Tôi dừng lại và quay mặt về phía anh ta. Một tay anh ta đặt lên bao súng ngắn và tay kia giữ chiếc gậy baton.
Cố kiềm chế cơn giận đến phát điên lên, tôi nói:
- Đúng rồi, anh bạn. Tôi tới thăm một bệnh nhân, họ vẫn thường điều trị ở đây.
Tôi sử dụng điện thoại công cộng gọi cho bộ phận làm thủ tục ra vào viện và được biết Cassie đã được ra viện một giờ trước đó. Tôi đi cầu thang bộ xuống tầng một và mua một ly nước ở máy bán tự động. Cầm trên tay ly nước, tôi ra ngoài, bắt gặp George Plumb và Charles Jones đi ngang qua hành lang ra vào của bệnh viện. Họ vừa bước nhanh cùng với nhau vừa cười nói gì đó khiến đôi chân ngắn của Jones phải vất vả mới theo kịp.
Họ đi đến cánh cửa đúng lúc tôi xuất hiện. Jones nhìn thấy tôi trước, miệng và toàn thân ông ta cứng đơ lại có vẻ như ngạc nhiên lắm. Plumb cũng dừng lại ngay sau lưng ông chủ của mình. Da dẻ của ông ta trở nên hồng hào, sống động hơn bao giờ hết.
- Bác sĩ Delaware, chào anh - Jones nói, giọng khàn khàn khiến tôi có cảm giác như lời càu nhàu giận dữ.
- Vâng, xin chào ông Jones.
- Anh có rảnh không, thưa bác sĩ?
Trước câu hỏi bất ngờ, tôi trả lời:
- Có, thưa ông.
Liếc qua Plumb, ông ta nói:
- Tôi sẽ gặp lại anh sau, George.
George gật đầu và vẫy tay tạm biệt rồi bước đi.
Khi chỉ còn lại chúng tôi, Jones hỏi:
- Cháu gái tôi thế nào rồi?
- Lần cuối cùng tôi gặp thì tình trạng sức khoẻ của con bé có vẻ tốt lên.
- Vậy thì tốt rồi, tôi cũng đang trên đường đến thăm nó đây.
- Nó đã ra viện rồi.
Cặp lông mày của ông ta nhướng lên không đều nhau, búi tóc cứng như thép dường như dựng ngược. Bên dưới lông mày ông ta là những vết sẹo nhỏ. Đôi mắt trở nên nhỏ đi một cách bất thường. Đó là lần đầu tiên tôi nhận thấy mắt ông ta có màu nâu ướt.
- Vậy sao? Từ khi nào? - Ông ta thốt lên kinh ngạc.
- Một giờ trước.
- Chết tiệt - Ông ta nhăn mũi và đưa đẩy cặp môi - Tôi đến thăm nó vì hôm qua tôi không ghé qua được, họp hành suốt ngày. Nó là đứa cháu gái đáng yêu duy nhất của tôi.
- Vâng, thưa ông. Con bé rất dễ thương nếu nó khoẻ mạnh.
Ông ta nhìn tôi trừng trừng, hai tay lặng lẽ đút vào trong túi áo, chân dậm lên sàn nhà. Hành lang không còn ai và tôi nghe rõ tiếng bước chân của ông ta vọng lên. Ông ta cứ lặp đi lặp lại hành động như vậy. Cử chỉ của ông ta không có vẻ gì là gượng gạo cứng nhắc nhưng đột nhiên ông ta đứng thẳng lên rất nhanh. Cặp mắt ướt của ông ta chùng xuống:
- Chúng ta đi chỗ khác nói chuyện.
Ông ta bước đi trước dọc hành lang một cách tự tin có chút gì đó nóng nảy của một người tự thấy có trách nhiệm đối với người khác mặc dù bản chất của ông ta không phải như vậy. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện:
- Tôi không đặt văn phòng ở đây. Trong vấn đề làm ăn kiếm tiền tôi thường bị coi là người nhanh ẩu đoảng.
Đúng lúc chúng tôi đến chỗ thang máy thì có một chiếc đến nơi. Thật may. Chúng tôi bước vào và bấm nút tầng trệt như thể đã đặt trước thang máy vậy.
Ông ta hỏi tôi khi thang máy đang đi xuống:
- Thế phòng ăn thì sao?
- Cũng đóng cửa rồi.
- Tôi biết mà - Ông ta nói - Tôi là người hay lãng phí thời gian.
Thang máy mở cửa, ông ta bước ra và đi về phía quán tự phục vụ đã đóng cửa. Rút chùm chìa khoá ra khỏi túi quần, ông ta chọn một chiếc và vừa mở cửa vừa nói:
- Nếu chúng ta để ý thì sẽ thấy vào giờ này trong ngày không có nhiều người sử dụng căn phòng đó. Đặc quyền đặc lợi của những người cầm quyền mà. Không phải là quá dân chủ nhưng dân chủ không hề có giá trị ở những nơi như thế này.
Tôi bước vào. Căn phòng tối om. Tôi lần theo tường tìm công tắc bật đèn nhưng ông ta đã kịp bước đến bật đèn trước tôi.
Ông ta chỉ vào chiếc ghế dài để giữa phòng mời tôi ngồi rồi đi ra phía sau quầy lấy ly nước lạnh và thả vào đó một lát chanh. Tôi nhận thấy ông ta lấy thứ gì đó bên dưới quầy và bỏ lên một cái đĩa. Đó là miếng phomát Đan Mạch. Ông ta đi lại và hành động tự nhiên như ở trong bếp nhà mình vậy. Jones vừa ăn uống có vẻ rất hài lòng vừa tiếp tục câu chuyện:
- Lẽ ra nó phải khoẻ mạnh. Tôi thực sự không hiểu tại sao số phận nó lại hẩm hiu đến thế. Tôi cũng chưa hiểu câu chuyện thực sự như thế nào.
- Ông đã nói chuyện với bác sĩ Eves chưa?
- Rồi, tôi đã nói chuyện với tất cả bọn họ rồi nhưng cũng không ai biết gì cả. Anh có biết chuyện gì đã xảy ra không?
- Tôi e là không.
Ông ta dướn người về phía trước:
- Điều tôi không hiểu là tại sao họ lại gọi anh vào. Không liên quan gì đến cá nhân. Và tôi cũng không thấy cần thiết phải có sự hiện diện của một bác sĩ tâm lý ở đây.
- Thực sự là tôi không thể nói gì về điều đó, thưa ông Jones.
- Hãy gọi tôi là Chuck. Ông Jones là tên bài hát do gã tóc xoăn Bob Dylan biểu diễn đúng không? - Ông ta nhếch mép cười - Anh ngạc nhiên khi tôi biết điều đó phải không? Bài hát đó thuộc thé hệ của anh chứ đâu phải thế hệ của tôi đúng không. Thật ra đó là một câu chuyện gia đình thôi. Hồi còn đi học, Chip thườn hay đùa tôi, hay cãi lại tôi đủ thứ. Tất cả mọi thứ đều như thế này.
Ông ta vừa nói vừa khép hai bàn tay lại với nhau xiết chặt và kéo ra như thể chúng gắn liền với nhau vậy.
- Đó là những ngày đã qua - Ông nói và bất chợt mỉm cười - Nó là đứa con trai duy nhất của tôi nhưng cũng giống như bao đứa khác về tính nổi loạn. Bất kỳ khi nào tôi muốn Jones làm gì đó mà nó không thích, nó liền chạy trốn và nói rằng tôi hành động giống như trong bài hát của Dylan Thomas - cái gã chả biết điều gì đang xảy ra quanh mình cả - đó chính là ông Jones. Nó thường bật to bài hát này. Tôi không bao giờ nghe nhạc điệu bài hát đó nhưng tôi hiểu được nó muốn nói gì. Cho đến bây giờ thì nó và tôi đã là những người bạn tốt nhất. Chúng tôi thường cười với nhau mỗi khi nhắc lại kỷ niệm đó.
Tôi mỉm cười.
Ông ta chuyển chủ đề và nói:
- Thằng Jones nhà tôi là đứa cứng cỏi. Nhìn tóc tai nó là anh cũng đủ thấy rồi. Mà nó lại đang là giáo sư trường đại học đấy, anh biết không?
Tôi gật đầu.
- Bọn trẻ mà nó dạy cũng ảnh hưởng tính cách đó. Nó là giáo viên tốt và từng giành được nhiều giải thưởng trong nghề nghiệp.
- Thật sao?
- Rất nhiều. Anh sẽ không bao giờ nghe Jones tự nói về mình. Nó luôn như vậy. Rất khiêm tốn. Tôi buộc phải phô trương thay nó. Nó đã từng đoạt giải từ khi còn là sinh viên. Rồi nó vào trường đại học Yale làm giảng viên và chỉ có niềm đam mê duy nhất là dạy học, làm gia sư cho bọn trẻ chậm tiến bộ, giúp chúng lên lớp.
Bàn tay mập mạp của ông ta vẫn nắm chặt lấy nhau. Nhưng cuối cùng ông ta cũng thả tay ra đặt lên bàn và vô thức cào cào lớp phoóc-mi-ca.
Tôi nói:
- Có vẻ như ông khá tự hào về con trai mình.
- Có thể nói như vậy. Cả Cindy nữa. Con bé thật dễ thương, không hề tham vọng gì cả. Chúng nó đã cho tôi Cassie dễ thương. Tôi biết là tôi không được khách quan cho lắm nhưng phải khẳng định con bé thật đáng yêu, xinh xắn và duyên dáng.
Đôi mắt của ông lơ đãng chậm chạp.
- Anh biết không, trước đó chúng tôi đã mất một đứa. Đó là một câu bé cũng rất đáng yêu. Họ thực sự vẫn chưa biết điều gì đã xảy ra, có phải không?
Tôi lắc đầu.
- Khỉ thật. Thật bất ngờ. Mới ngày nào nó vẫn còn ở đây vậy mà bây giờ... Tôi thật sự không hiểu tại sao không ai có thể giải thích cho tôi về việc này.
- Thực sự thì không ai biết gì cả - Tôi cũng chép miệng tỏ vẻ chia sẻ với ông ta.
Ông ta phẩy tay:
- Tôi vẫn không hiểu tại sao anh lại quan tâm đến việc này. Anh đừng có nghĩ gì nhé, nhưng chắc anh biết tại sao chúng tôi lại xoá bỏ bộ phận tâm lý trong bệnh viện này. Nhưng thực sự thì những lý do để xoá bỏ nó lại nằm ngoài chuyện ủng hộ hay không ủng hộ việc điều trị tâm lý. Bản thân tôi rất ủng hộ việc điều trị tâm lý - mà sa lại không ủng hộ chứ? Vẫn còn có nhiều người cần đến nó. Nhưng sự thực là những chị em làm việc tại khoa Tâm lý không biết thu xếp vấn đề chi tiêu của bộ phận mình như thế nào cho hợp lý chứ chưa nói gì tới chuyện có làm tốt được chuyên môn hay không. Theo các bác sĩ khác thì họ là những người thiếu khả năng làm việc. Còn tôi vẫn cho rằng họ là những thiên tài nhưng chúng tôi buộc phải chấm dứt hoạt động của trung tâm điều trị tâm lý đó.
Ông ta đảo mắt và nói tiếp:
- Không có vấn đề gì cả. Hy vọng là ngày nào đó chúng tôi lại có thể lập ra một khoa Tâm lý khác tốt và vững mạnh hơn, đưa vào đó những bác sĩ đầu ngành. Anh cũng từng là bác sĩ phải không? - Ông ta quay sang hỏi tôi.
- Nhiều năm trước rồi.
- Thế anh có bao giờ nghĩ là mình sẽ trở lại nghề xưa không?
Tôi lắc đầu.
- Tại sao anh lại bỏ nghề?
- Có rất nhiều lý do.
- Sự tự do, thích làm ông chủ của chính mình?
- Đó chỉ là một phần lý do.
- Vậy thì nếu quay trở lại anh sẽ khách quan mà hiểu được ý tôi muốn nói gì về tính hiệu quả, tính thực tế. Nói chung, tôi cho là bác sĩ làm việc cho khu vực tư nhân hiểu rõ hơn bởi vì làm một công việc gì đó thì luôn luôn phải mang lại lợi nhuận. Nhưng không sao. Quay trở lại chủ đề tại sao anh lại quan tâm đến cô cháu gái của tôi. Chắc là phải có lý do chứ?
- Tôi thực sự không thể nói chi tiết được.
- Giời ạ. Tại sao không?
- Đó là một bí mật.
- Nhưng Chip và Cindy không giấu tôi chuyện gì cả.
- Tôi cần phải nghe điều đó từ chính họ. Đó là quy định.
- Anh quả là người cứng rắn, phải không?
- Cũng không hoàn toàn như vậy - Tôi mỉm cười.
Ông ta cũng cười, lại đan tay vào nhau và uống nước.
- Được thôi, đó là công việc của anh và anh phải có những nguyên tắc riêng. Tôi đoán là tôi cần phải có văn bản từ vợ chồng Chip cho phép tôi được nghe anh nói chuyện về con bé?
- Tôi cũng cho là vậy.
Ông ta cười to hơn để lộ hàm răm thưa màu nâu không đều.
- Trong khi chờ đợi, tôi có được phép nói chuyện với anh không?
- Chắc chắn rồi.
Ông ta nhìn chăm chú vẻ mặt tôi với thái độ có chút gì đó tò mò, hoài nghi:
- Tôi nghĩ là không ai cho rằng các vấn đề của Cassie thuộc lĩnh vực tâm lý vì nếu thế thì quả là điều hết sức nực cười.
Ông ta dừng lại. Đánh giá phản ứng của tôi. Chắc ông ta hy vọng tôi sẽ để lộ ra phản ứng gì đó chăng?
Tôi cố gắng không có động tĩnh gì.
Ông ta lại nói:
- Vì vậy điều duy nhất có thể giải thích được về sự quan tâm của anh đó là người ta cho rằng Cindy hay Chip có gì đó không ổn. Nhưng tất cả điều này đều nực cười.
Ông ta lấy lại tư thế ngồi và tiếp tục dò xét. Vẻ tự đắc thoáng qua trên nét mặt ông ta. Tôi cố không chớp mắt và tự hỏi liệu ông ta có thực sự chứng kiến điều gì đó rồi hay đây chỉ là ông ta bắt nọn tôi.
Tôi nói:
- Ông Chuck ạ, các chuyên gia tâm lý được mời đến không chỉ để phân tích, mà chúng tôi còn giúp đỡ cả những người bị căng thẳng thần kinh nữa.
- Anh là người vợ chồng Chip thuê à? - Ông ta lại hếch mũi, đứng dậy và mỉm cười - Thế là xin anh hãy là bạn tốt. Chúng đều là những đứa con tốt. Cả ba bố mẹ con cái nhà chúng nó.