Tôi đã dành một phần tư cuộc đời sống ở đó, học cách đối phó với sự đơn điệu, điên rồ.
Năm năm không tới đã biến tôi thành một kẻ lạ mặt, và khi bước vào hành lang của khu nhà, lòng tôi thấy bồn chồn khó tả.
Những cánh cửa kính, sàn nhà lát đá granit đen bóng, những bức tường hình lòng chảo có tên của các Mạnh Thường Quân đã qua đời.
Đây đúng là cái trạm hào nhoáng cho một chuyến du hành bất tận không người hướng dẫn.
Bên ngoài là mùa xuân nhưng ở đây thời gian có một ý nghĩa khác.
Có một nhóm các phẫu thuật sinh thực tập rất trẻ đang lững thững đi qua tôi trên những đôi dép đế dày của các bác sĩ phụ mổ, trông họ mệt mỏi vì phải làm ca kép. Đôi giày đế da của tôi kêu lộp cộp khi bước đi trên nền đá hành lang.
Sàn hành lang trơn và lạnh như sân băng. Hồi tôi bắt đầu làm bác sĩ thực tập ở đây thì nó mới được lát đá. Tôi nhớ lại những vụ phản đối. Nhiều lá đơn phản ánh sự bất hợp lý của sàn đá, ở nơi mà trẻ con thường chạy nhảy, nô đùa và đẩy xe lăn. Nhưng một số nhà nhân chủng học lại thích kiểu dáng của sàn đá. Thời đó, nhân chủng học là lĩnh vực đang được ưa chuộng.
Sáng nay, diện tích mặt sàn đá không còn trống nhiều, một đám đông đang chen lấn khắp hành lang, phần lớn có nước da đen, mặc quần áo rẻ tiền, xếp thành hàng dài tại những chiếc quầy có thành làm bằng kính và chờ đợi ân huệ của mấy thư ký mặt lạnh như tiền. Mấy thư ký luôn tránh nhìn vào mắt các bệnh nhân và tôn thờ đám giấy msa. Dòng người dường như không hề di chuyển.
Trẻ con đứa gào khóc, đứa bú mẹ; những phụ nữ trông tiều tuỵ; mấy người đàn ông cố nuốt trôi những câu chửi rủa định phát ra khỏi miệng và nhìn không chớp mắt xuống sàn. Những người lạ mặt va vào nhau liên tục và cùng cười cầu hoà với nhau.
Một vài đứa trẻ vặn người, và vùng vằng để thoát ra khỏi cánh tay ôm của người lớn. Bọn chúng thoát ra được khoảng một hay hai giây rồi lại bị kéo trở lại. Những đứa trẻ khác xanh xao, gầy gò, hốc hác, đầu rụng hết tóc được phết lên những loai màu kỳ lạ thì đứng yên, tuân lời cha mẹ một cách đau đớn. Giọng nói lanh lảnh phát ra nghe như tiếng của một cái máy. Thỉnh thoảng có những nụ cười hay một chút vui vẻ làm sáng lên căn phòng đầy ảm đạm âm u này.
Khi tới gần hơn, một thứ mùi đặc trưng đập vào mũi tôi.
Mùi nồng của cồn rửa, vị đắng của thuốc kháng sinh, cái nhớp nháp của cồn ngọt và sự đau đớn của người bệnh.
Đó là những thứ của bệnh viện. Có nhiều thứ không hề thay đổi theo thời gian. Nhưng tôi thì đã thay đổi, đôi tay tôi lạnh toát.
Tôi vừa chen vừa đẩy mới đi qua được đám đông. Vừa khi tôi bước tới thang máy thì một người đàn ông to, khoẻ trong bộ đồng phục xanh dương của cảnh sát từ đâu đó bước ra chặn lối. Anh ta có cái đầu cắt cua quá trọc tới mức lộ cả lớp da đầu bóng láng. Khuôn mặt lưỡi cày của anh ta được trang trí bởi bộ kính gọng đen.
- Thưa, ông cần gì?
- Tôi là bác sĩ Delaware. Tôi có một cuộc hẹn với bác sĩ Eves.
- Xin ông cho xem giấy tờ.
Trong vẻ lạ lùng, tôi lôi cho anh ta xem cái phù hiệu có kẹp cài đã được làm cách đây năm năm. Anh ta cầm và xem xét rất kỹ càng như thể nó là một đầu mối để tìm ra điều gì đó. Thỉnh thoảng, anh ta ngước nhìn tôi rồi lại nhìn vào bức ảnh đen trắng chụp cách đây đã mười năm. Tay anh ta cầm chiếc máy bộ đàm. Khẩu súng ngắn nằm trong cái bao đeo ở hông.
Tôi nói:
- Hình như ở đây kiểm tra nghiêm ngặt hơn nhiều từ khi tôi rời khỏi.
- Cái này đã quá hạn rồi - Anh ta đáp - Ông vẫn còn trong danh sách nhân viên ở đây, phải vậy không?
- Đúng thế.
Anh ta cau mày và bỏ cái phù hiệu vào túi áo mình.
Tôi nói:
- Vậy là có gì đó không ổn sao?
- Thưa ông, ông cần phải có phù hiệu mới. Ông hãy đi qua cái am thờ kia tới chỗ Ban An ninh, họ sẽ chụp ảnh và cấp cho ông một cái phù hiệu mới. - Anh ta đưa tay chạm vào chiếc phù hiệu trên ve áo. Nó có một bức ảnh màu, số chứng minh bao gồm 10 con số.
- Phải mất khoảng bao lâu mới xong? - Tôi hỏi.
- Cái đó còn tuỳ thuộc, thưa ông - Anh ta đưa mắt nhìn ra chỗ khác như thể đột nhiên cảm thấy nhàm chán.
- Tuỳ thuộc vào cái gì?
- Vào có bao nhiêu người đến trước ông và liệu những giấy tờ của ông có còn hiện hành không nữa.
Tôi nói:
- Này anh, cuộc hẹn của tôi với bác sĩ Eves chỉ vài phút nữa là tới rồi. Tôi sẽ làm phù hiệu trên đường ra vậy nhé.
- Thưa ông, có lẽ không được đâu - Anh ta đáp, mắt vẫn nhìn đi đâu đó. Đôi cánh tay anh ta khoanh tròn trước ngực - Đó là quy định ở đây.
- Có phải đây là quy định mới không?
- Đã có công văn gửi theo đường thư tới đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện từ mùa hè trước cơ, thưa ông.
- Chắc là tôi không được đọc công văn đó mất rồi.
Nói toẹt ra là có lẽ tôi đã không mở ra xem mà lập tức ném vào sọt rác giống như hầu hết các thư từ bệnh viện gửi tới cho tôi.
Anh ta không đáp lời.
- Tôi đang rất gấp rồi anh ạ - Tôi nói - Thế nếu tôi lấy thẻ khách thăm để cho qua chuyện này thì sao?
- Thẻ khách thăm chỉ dành cho khách, thưa ông.
- Thì tôi đang đến thăm bác sĩ Eves chứ sao.
Anh ta ném ánh mắt về phía tôi. Lại một cái cau mày - lần này thì có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Anh ta nhìn chằm chằm vào cà-vạt của tôi,một tay đưa ra chạm vào cái bao da ở hông.
- Thẻ khách thăm thì ông tới Ban Đăng ký - Anh ta nói đồng thời ngoắc ngón tay cái về phía một trong những hàng người dày đặc.
Anh ta lại khoanh tay trước ngực.
Tôi cười:
- Vậy là không có cách nào để cho qua chuyện này sao?
- Không, thưa ông.
- Thế có đúng là qua cái am thờ kia thì tới không?
- Qua đó và rẽ phải.
- Phải chăng ở đây vừa mới xảy ra chuyện gì nghiêm trọng? - Tôi hỏi.
- Tôi không đưa ra quy định, thưa ông. Tôi chỉ là người thực thi các quy định ấy.
Anh ta nán lại một phút rồi đứng tránh sang bên, nhìn theo tôi ra khỏi hành lang. Tôi ngoặt ở góc, trong lòng vẫn nghĩ rằng anh nhân viên an ninh ấy sẽ bám theo tôi nhưng hành lang hoàn toàn trống rỗng và yên lặng.
Cánh cửa có ghi chữ Ban An ninh cách đó hai mươi bước. Một cái biển treo lủng lẳng trên núm cửa sổ có ghi Sẽ trở lại bên trên là hình đồng hồ kim chỉ vào 9 giờ 30. Theo đồng hồ của tôi lúc này mới là 9 giờ 10. Tôi cứ gõ cửa; không có ai trả lời. Tôi nhìn quay lại; không có nhân viên an ninh nào. Nhớ mang máng rằng cái thang máy dành cho nhân viên y tế của bệnh viện nằm ngay cạnh phòng Điều trị bằng phóng xạ vì thế tôi tiếp tục đi dọc theo hành lang về phía đó.
Phòng Điều trị bằng phóng xạ bây giờ đã bị đổi thành phòng Nguồn phục vụ cộng đồng. Cái cửa này cũng đóng. Thang máy vẫn còn đó nhưng những cái nút bấm thì đã biến mất. Nó đã được chuyển từ vận hành bằng nút sang vận hành bằng chìa khóa. Tôi liền tìm kiếm xem có cầu thang bộ nào gần nhất không thì một cặp hộ lý xuất hiện, tay đang đẩy cái xe trống. Cả hai hộ lý đều còn trẻ, cao lớn, da đen, tóc kiểu hip-hop rất sành điệu. Họ đang nói chuyện với nhau rất say sưa về trò chơi Raiders. Một trong số họ rút ra chiếc chìa khoá, nhét vào ổ và xoay. Cánh cửa thang máy mở ra, thành của nó được phủ một lớp bông đệm. Những giấy gói đồ ăn vặt và một mẩu bông băng bẩn vương vãi khắp sàn thang máy. Hai hộ lý đẩy cái xe vào trong. Tôi nhảy vào theo họ.
Khu Bệnh nhi tổng hợp nằm ở đầu phía Đông của tầng 5 toà nhà bệnh viện được ngăn cách với phòng Sơ sinh bởi một cánh cửa gỗ xoay. Tôi biết phòng khám ngoại trú này mới được mở cách đây 15 phút nhưng phòng đợi đã đông kín người. Người hắt hơi, người ho, những vẻ mặt đờ đẫn và sự bồn chồn lo lắng. Các bà mẹ người nắm, người ôm lấy những đứa con đủ lứa tuổi. Tay họ nắm khư khư mớ giấy ờ và những cái thẻ Medi-Cal (1) nhựa có phép màu. Bên phải cửa sổ tiếp tân là cánh cửa đôi có ghi Bệnh nhân đến đăng ký và bên dưới là một dòng chữ được viết lại với nội dung tương tự bằng tiếng Tây Ban Nha.
Tôi đẩy cửa đi vào và sải bước qua một hành lang dài màu trắng dán đầy các tấm áp phích về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, dọc đó là những báo chí y tế của quận và những lời hô hào viết bằng hai thứ tiếng về việc nuôi dưỡng, tiêm phòng, cai rượu và tránh xa ma tuý. Khoảng hơn chục phòng khám đang được sử dụng. Giá để bệnh án đã đầy tràn. Phía xa của hành lang là những thùng đựng hồ sơ, tủ đựng đồ tiếp tế và cái tủ lạnh được đánh dấu chữ thập đỏ. Người thư ký đang gõ vào bàn phím máy tính. Những y tá hớt hải đi lại giữa những chiếc tủ đựng đồ tiếp tế và những phòng khám. Các bác sĩ nội trú nói vào máy nói đặt cạnh cằm và đi theo những bác sĩ chính đang sải bước rất nhanh.
Bức tường nằm vuông góc với một hành lang ngắn hơn toàn là phòng của các bác sĩ. Cánh cửa phòng của Stephanie Eves vẫn mở, nó là cửa thứ ba trong số bảy cửa.
Căn phòng rộng chừng 3x3,6 mét vuông, những bức tường được sơn màu be tiêu chuẩn, cạnh đó là những giá để đầy sách vở và báo chí, h ai bức hoạ lớn sao chép của hoạ sỹ Miró và một cánh cửa sổ kính mờ nhìn ra hướng Đông. Bên ngoài đỉnh của những ngọn đồi Hollywood dường như đang tan biến trong một nồi nước xáo gồm có những tấm biển quảng cáo lớn và sương khói.
Cái bàn làm việc giả gỗ óc chó tiêu chuẩn của bệnh viện, khung mạ crôm, được đẩy sát vào tường. Chiếc ghế đẩu khung mạ crôm được bọc vải màu da cam có vẻ chắc chắn đang cố gắng chiếm lấy chút không gian với cái ghế ngả lưng màu nâu kiểu Naugahyde đã bị trầy xước nhiều chỗ. Giữa hai cái ghế này là một cái bàn để đèn nhỏ rẻ tiền, bên trên đặt cái máy pha cà phê và cây ráy thơm trong chiếc bình sành sứ màu xanh.
Stephanie ngồi tại bạn, mặc chiếc áo khoác dài trắng bên ngoài áo dài màu nâu và rượu vang đang cắm cúi viết trên mẫu nhận bệnh nhân ngoại trú. Chồng bệnh án cao tới cằm đổ bóng xuống cánh tay đang viết của cô. Khi tôi bước vào phòng, cô ngửng mặt lên nhìn rồi đặt bút xuống, miệng nở nụ cười và đứng dậy.
- Anh Alex.
Cô đã trở thành một phụ nữ khả ái. Mái tóc màu nâu xỉn một thời để dài quá vai, lúc nào cũng rối bời nay đã cắt ngắn gọn, được phủ một lớp óng ánh như sương sớm, và còn làm cho bồng bềnh như lông vũ. Cặp kính sát tròng đã thay thế cặp kính cũ, để lộ ra đôi mắt màu hổ phách mà tôi chưa từng nhìn thấy ở cô bao giờ. Thân hình của Stephanie dường như khoẻ khoắn hơn như được chạm khắc. Thời gian đx không bỏ qua cô khi cô bước sang phía tối của tuổi băm. Đôi mắt cô đã hằn những vết ch ân chim còn khoé miệng như có cái gì đó trở nên xơ cứng. Mỹ phẩm đã phần nào che được hết thảy những dấu vết của thời gian.
- Thật vui khi được gặp anh - Cô nói rồi cầm lấy tay tôi.
- Tôi cũng rất vui mừng được gặp lại cô, Steph.
Chúng tôi ôm lấy nhau trong giây lát.
- Để tôi lấy cho anh chút gì đó uống nhé? - Cô chỉ tay về phía cái máy pha cà phê, cánh tay phát ra những tiếng kêu lẻng xẻng. Mấy cái vòng mạ vàng quấn quanh cổ tay cô. Tay bên kia của Stephanie có đeo chiếc đồng hồ màu vàng. Cô không đeo nhẫn - Uống cà phê thường hay cà phê sữa nào? Cái máy này còn hâm nóng được cà phê đấy.
Tôi từ chối và nói lời cảm ơn trước khi nhìn vào chiếc máy. Đó là vật nho nhỏ đã xỉn đen, vỏ bằng thép mang biểu tượng của một nhà máy bên Đức. Bình đựng nước nhỏ nhắn chỉ chứa được hai cốc nước đầy. Cạnh bình là chiếc ấm đun bằng đồng nhỏ.
- Đẹp đấy chứ? - Stephanie nói - Đó là món quà do một người bạn tặng đấy. Chắc phải cố gắng lắm mới đưa được chút lối sống hiện đại vào nơi này.
Cô cười. Thứ hiện đại là điều mà cô không bao giờ quan tâm tới. Một cuốn sách bìa bọc da nằm trên mặt bàn cạnh đó. Tôi cầm lấy cuốn sách lên xem. Đó là tuyển tập thơ của thi sĩ Byron. Trên cuốn sách có dán nhãn của cửa hàng mang tên Browers - địa chỉ ở đường Los Feliz, ngay phía trên Hollywood. Đó là một cửa hàng đầy bụi bặm và chật chội bán sách thơ là chủ yếu. Trong đó toàn là những thứ tạp nham nhưng cũng có một vài thứ đáng quý. Khi còn là bác sĩ thực tập, tôi đã từng tới đó một lần vào giờ ăn trưa.
Stephanie nói:
- Ông ấy là nhà thơ. Tôi đang cố mở rộng chút hứng thú của mình vào lĩnh vực này.
Tôi đặt cuốn sách xuống. Stephanie ngồi xuống chiếc ghế đẩu cạnh bàn làm việc của mình và xoay một vòng lại đối mặt với tôi, hai chân bắt chéo. Đôi tất màu nâu và giày da lộn rất hợp với bộ cánh của cô.
- Cô thật đẹp - Tôi khen.
Cô mỉm cười, bất chợt nhưng đầy đặn, như thể đã đoán trước rằng tôi sẽ khen mà vẫn cảm thấy thích thú với lời khen ấy.
- Anh thì có kém gì chứ, anh Alex. Cảm ơn anh vì đã đến ngay.
- Là vì cô đã khuấy đảo niềm hứng thú của tôi.
- Thật vậy sao?
- Đúng thế. Toàn bộ những điều cô nói đều gợi cho tôi những suy tưởng về một âm mưu cao siêu nào đó.
Stephanie quay nửa vòng về phía bàn, lấy một cái bệnh án ra khỏi chồng, đặt nó lên đùi nhưng không mở ra.
- Đúng vậy - Cô nói - Đó là một ca gai góc lắm, tôi nói thật đấy.
Đột nhiên, cô đứng bật dậy, ra đóng cửa và quay về ngồi xuống chỗ cũ.
- Anh cảm thấy thế nào khi trở lại đây? - Stephanie hỏi.
- Chút nữa là tôi đã bị tóm cổ trên đường vào đây đấy.
Tôi kể lại cho cô nghe về cuộc chạm trán với nhân viên an ninh nọ.
- Đó là những kẻ phát xít ấy mà - Cô nói một cách vui vẻ. Câu nói của cô khiến tôi nhớ ra rằng cái Uỷ ban khiếu nại do chính cô đứng đầu. Đội blu trắng, quần jeans, dép xăng đan đã bị đội áo khoác trắng tỏ vẻ khinh miệt. Họ gọi cô là Stephanie, chứ không kèm danh hiệu Bác sĩ. Danh hiệu vẫn luôn là công cụ phân biệt của giới có quyền...
Tôi nói:
- Đúng thế, đó là thái độ nửa quân phiệt chứ chẳng sai.
Cô nhìn vào cuốn bệnh án trên đùi mình và nói:
- Cái mà chúng ta đang có là một câu chuyện ly kỳ - một chuyện hy hữu trong lịch sử đấy. Chỉ có điều đây không phải là tác phẩm trinh thám của nhà văn Agathan Christie, anh Alex ạ. Đây thực sự là một mớ bòng bong ngoài đời đấy. Tôi không biết anh có giúp gì được không, nhưng tôi thì không còn biết phải làm gì nữa rồi.
Những giọng nói từ bên ngoài hành lang vọng qua khe cửa lọt vào trong, tiếng thét, tiếng chửi rủa và mắng nhiếc hoà lẫn với tiếng bước chân chạy trốn. Rồi tiếng khóc trong kinh hoàng của một đứa bé xuyên thủng bờ tường lọt vào phòng.
- Đây đúng là một vườn thú - Stephanie nói - Chúng ta hãy ra khỏi nơi này rồi bàn chuyện.
Chú thích
(1) Chương trình chăm sóc y tế cho phụ nữ nghèo ở nước Mỹ.