au một thời gian có ve3 rất dài, một nhân viên bán vé tàu thả ông Peck và ba thám tử ra. Một người đi bộ ngang qua đã nghe thấy tiếng đập và tiếng la hét tử cái buồng nho3 và đã báo cho nhân viên bán vé. Anh nhân viên gọi một cảnh sát tuần tra đi cùng đến đó. Khi cảnh sát bắt đầu hỏi ông Peck, ông không thèm trả lời và bỏ đi.
Rồi ông đi lên cầu thang, trở về khách sạn, gọi điện thoại cho ông Anderson.
Ông Anderson đến ngay và có thái độ khá bình tĩnh.
Điều này khiến ông ngoại của Peter càng tức điên thêm nữa.
- Hóa ra chúng tôi nộp thuế để các anh làm việc như thế sao? - ông Peck quát - Chúng tôi đã mạo hiểm mạng sống của mình. Chúng tôi muốn giúp các anh tóm hai tên gián điệp nguy hiểm. Rồi khi chúng sập bẫy, thì các anh biến đi đâu hết? Các anh ngủ khì, vậy đó!
- Bác nói rất đúng, bác Peck à - ông Anderson nói.
Rồi ông Peck điểm lại các sự kiện trong ngày. Ông ngoại của Peter kể rất dài và tỉ mỉ về đoạn ông bị nhốt trong cái buồng hôi hám, kín mít, với một đống cây lau nhà ướt nhẹp.
- Thật là nhục nhã! - ông Peck kết thúc câu chuyện.
- Rất đồng ý với bác - ông Anderson đáp - Lẽ ra không nên để chuyện như thế xảy ra.
Đột nhiên ông Peck cảm thấy bình tĩnh hơn. Ông Anderson nói tiếp:
- Ngành của chúng tôi đang theo dõi mọi cửa thoát ra khỏi New York: sân bay, nhà ga, trạm xe buýt, đường hầm, cầu các công trình cầu cống. Chúng tôi rất có cơ may tóm được hai tên ấy, nếu bọn chúng toan rời khỏi thành phố.
- Còn nếu bọn chúng không có ý định đi khỏi đây? - ông Peck hỏi lại - Bộ ta cứ phải chầu chực như tấm bia, truy con mồi à?
- Dạ không có đâu - ông Anderson trả lời - Đối với bác và các cháu, thì vụ án chấm dứt tại đây. Hai tên kia sẽ không làm phiền gì bác nữa. Tên Snabel không còn liên quan đến vụ này nữa, vì cuộn phim đã giao xong. Rồi khi đối tác của hắn phát hiện ra rằng hình ảnh là giả, thì hắn sẽ hiểu ra rằng chúng tôi đang giữ mấy tấm ảnh hắn muốn lấy. Vậy hắn đã thua, còn chúng tôi đã thắng. Không có ai bị hại cả.
- Có hai tên gián điệp đang tự do tung hoành - ông Peck quát - Tôi nghĩ việc này là nguy hại.
Ông Anderson mỉm cười
- Ed Snabel sẽ không còn làm gián điệp nữa - ông Anderson nói - bởi vì hắn không còn cơ hội nữa. Bác đã vạch mặt được hắn, bác Peck à. Chuyện này là nhờ công lao của chính bác. Hắn sẽ không thể xin việc ở bất kỳ cơ quan quốc phòng nào mà không bị lộ mặt. Côn nếu hắn điên khùng dùng tên gỉa để liều mạng xin việc, thì ta sẽ tóm được hắn ngay. Nhưng có lẽ hắn sẽ không dám đâu. Hắn sẽ lặn mất, bởi vì hắn biết chúng tôi đang theo dõi hắn, và hắn sẽ cố gắng tạo dựng tên tuổi mới tại một tiểu bang khác.
- Nhưng còn tên bịp bợm đi cùng hắn? - ông Peck hỏi - Tên Barlett ấy? Lỡ hắn bày ra một vụ mới thì sao?
- Nếu không bắt hắn, thì có lẽ hắn sẽ ra tay nữa - ông Anderson nói - nhưng hắn đang bị theo dõi rất sát. Bác Peck ơi và cả Hannibal, Bob và Peter nữa, FBI đánh giá rất cao những gì bác và các cháu đã làm và rất mang ơn bác. Phần đóng góp của bác là rất quan trọng.
Ông Anderson ra về. Có không khí hơi khó chịu sau khi cánh cửa đóng lại phía sau lưng ông.
Buổi sáng sau chuyến đi đến sân vận động Yankee, ông Peck bỏ đi suốt cả ngày. Khi trở về khách sạn đầu giờ tối, ông Peck ra vẻ bí mật thông báo rằng ông đã gặp được “mối" và mọi việc có vẻ "sẽ trôi chảy".
Rồi ông ngoại của Peter mang xe Ford đi kiểm tra, chuẩn bị cho chuyến hành trình dài trở về nhà.
Những ngày kế tiếp, ông Peck biến đi rất sớm và trở về khách sạn rất trễ, bỏ mặc ba thám tử tự do đi chơi. Ba thám tử đi xem một chiếc máy bay chở hàng neo tại sông Hudson, thám quan Cung Thiên Văn Hayden, ăn mì ống tại khu phố Little Italy, đi chuyến tàu điện chạy trên không ra đảo Roosevelt, đi một vòng tham quan Trung Tâm Rockfeller, mua quà lưu niệm. Đến ngày thứ tư sau cuộc chạm trán đầy thất vọng với Snabel, ba thám tử nhìn thấy người phụ nữ với hoa phong lan.
Bà đi ngang qua trước mặt ba thám tử ở góc Đại lộ Thứ Sáu Đường Số Ba. Bà cầm một chậu hoa phong lan tuyệt đẹp với ba nhánh xanh lục nhợt nhạt và hoa màu nâu.
- Ê! - Bob kêu lên
- Úi chà! - Peter thốt lên.
Còn Hannibal thì phản ứng theo một kiểu mà người phụ nữ không thể nào không để ý. Thám tử trưởng cúi chào nói:
- Lan Đoản Kiếm, đúng không ạ?
Người phụ nữ sửng sốt rồi vui vẻ lên
- Cậu sành về phong lan! Hay quá nhỉ? Cậu có trồng hoa lan không?
- Chú Egbert của cháu có trồng - Hannibal trả lời.
Thám tử trưởng nói láo với thái độ tự tin như thường lệ và người phụ nữ tin.
- Tôi mang chậu lan này đến gửi nhà con gái tôi - bà nói - để đi công chuyện. Tôi sẽ triển lãm nó tối nay. Thế nào tôi cũng sẽ dành được một giải.
- Ồ, vậy ở thành phố có triển lãm thi phong lan à? - Hannibal hỏi.
- Cũng không hẳn là triển lãm - người phụ nữ trả lời - thật ra chỉ là cuộc họp mặt hằng tháng của hội phong lan địa phương. Ngài Clive Stilton sẽ phát biểu. Ngài rất có uy tín. Sao cậu không đến? Lúc nào cũng có quầy bán cây giống và chúng tôi bán các chậu phong lan. Cậu có thể mang một cây phong lan về nhà cho ông chú của cậu. Cậu sống ở New York à?
- Dạ không - Hannibal đáp - nhà cháu ở California.
Người phụ nữ đưa cho Peter cầm dùm chậu lan để mở bóp ra.
Bà lấy tấm danh thiếp ra, viết địa chỉ lên đó.
- Tám giờ, ở Statler Royal - bà nói - Cứ ghé qua. Ông chú của cậu rất vui khi biết cậu đã thấy được ngài Clive. Một thành viên hội chúng tôi sẽ ghi băng lời phát biểu của ngài Clive, cậu có thể đặt mua một cuộn băng.
Bà lấy chậu lan lại, đi tiếp.
Hannibal nhìn tấm danh thiếp. Bà ấy tên là Helen Innes Mc.Auliffe, địa chỉ ở Riverdal, New York. Statler Royal nằm ở Đại lộ Thứ Bảy.
- Các cậu có nghĩ rằng nếu cuộc gặp mặt của hội phong lan kia có được thông báo trên báo chí, thì Snabel có thể đã đọc thấy không? - Hannibal hỏi.
- Mình nghĩ ra khi thấy cậu bắt đầu nói chuyện với bà kia - Bob trả lời - Cậu cho rằng Snabel vẫn có thể còn ở New York hả? Và hắn sẽ thêm đi đến một cuộc gặp mặt của một hội chợ phong lan hả? Hắn đang cố trốn tránh mà, nhớ không?
- Ai biết được - Hannibal trả lời - Nếu vẫn còn đây, thì hắn phải làm một cái gì đó cho hết thời gian chứ. Mà ông ngoại đã nói là hắn chỉ quan tâm đến phong lan thôi.
- Cũng có thể - Peter nói - hắn có thể đi đấy. Mà bọn mình có gì để mất đâu nào?
Ba thám tử thảo luận về khả năng có nên gọi ông Peck đi cùng đến cuộc họp về phong lan hay không. Peter chống đối việc này.
- Một cơn nổi giận tam bành không tốt cho huyết áp của ông ngoại - Peter nói - Mà nếu Snabel có mặt ở buổi thuyết trình về phong lan, thì ông ngoại sẽ có cơn giận dữ dội nhất trong đời.
- Còn nếu bọn mình tự đi, mà sau này ông ngoại biết được thì sao? - Bob nói.
Peter nhăn mặt.
Vẫn chưa quyết định phải làm gì, ba thám tử quay trở về khách sạn. Có lời nhắn dành cho ba thám tử tại quầy tiếp tân. Ông Peck sẽ bận và về rất trễ. Ba thám tử cứ đi ăn tối một mình, không phải chờ ông, rồi đi xem phim nếu thích.
Tối hôm đó, ba thám tử ăn tối vui vẻ tại một nhà hàng nhỏ gần khách sạn, nhà hàng có tiếng là làm bánh mì kẹp thịt thập cẩm to nhất và ngon nhất New York. Cả Hannibal cũng cảm thấy no nê khi ăn xong. Ba thám tử đi chuyến xe buýt đến Statler Royal, rồi vào thang máy lên phòng họp ở lầu mười hai.
Phòng họp thật ra cũng không lớn lắm. Khách sạn đã cũ và có chỗ sờn trên thảm đỏ, còn đế nến pha lê thì đầy bụi. Khi ra khỏi thang máy, có một người đàn ông mập mặc áo sơ mi trắng kiểu hơi giống Ấn Độ tiếp đón ba thám tử. Ông đeo bảng tên trên áo, nên ba thám tử biết rằng ông tên là Walter Bradford, ở Syosset. Ông rất vui mừng khi biết ba cậu bé quan tâm đến phong lan, và ông bảo đảm Hannibal sẽ có được một cuộn băng ghi âm bài phát biểu của Ngài Clive để mang về cho chú Egbert tưởng tượng.
- Ngài Clive sẽ nói về phối giống - ông Bradford cho biết - Tầm quan trọng trong việc lựa chọn cây gốc sao cho phù hợp. Đề tài này hấp dẫn lắm.
Peter và Bob đa nghi nhìn nhau.
Ông Bradford xin lỗi rồi vội vã bỏ đi đón tiếp người mới đến. Ba thám tử đi thám hiểm tầng 12.
Phòng họp chiếm gần hết tầng khách sạn. Hành lang bên ngoài có hai thang máy dành cho khách. Gần thang máy có cửa thoát hiểm dẫn ra một cầu thang. Phòng vệ sinh nằm trong một hành lang nhỏ, phía bên phải, còn thang máy dành cho nhân viên phục vụ khách sạn nằm trong một hành lang nhỏ bên trái. Phía sau thang máy nhân viên có một phòng nhỏ để thức ăn. Có một cửa từ phòng thức ăn đi thẳng vào phòng họp. Còn ở cuối phòng thức ăn có một cánh cửa nặng nề có vẻ như cửa thoát hiểm thứ nhì dẫn ra cầu thang. Tuy nhiên đó không phải là cửa thoát hiểm. Khi mở ra nhìn vào, Peter chỉ thấy một gờ tường rất hẹp có lan can bảo vệ, còn phía sau là trời. Không có lối thoát khỏi gờ tường nào khác ngoài cánh cửa mà Peter đang cầm mở.
Peter hài lòng với những gì đã thấy, rút trở vào nhà. Cánh cửa nặng nề tự đóng lại, khóa chốt bật về chỗ.
Nếu có đến và toan bỏ chạy khi thấy ba thám tử, thì Snabel sẽ dùng thang máy hoặc cầu thang. Biết chắc như vậy rồi, ba thám tử bước vào phòng họp.
Ông Bradford nói vài lời chào mừng, rồi nhanh chóng đi thẳng vào vấn đề, giới thiệu vị khách danh dự là Ngài Clive Stilton.
- Ngài Clive sẽ chiếu cho ta xem hình vài cây phong lan của ngài - ông Bradford nói - rồi ngài sẽ thảo luận về tầm quan trọng phải phối giống từ cây gốc khoẻ mạnh để có cây lai thật tốt.
- Úi chà - Peter càu nhàu - mình sẽ phải cố gắng rất nhiều mới không bị ngủ gật!
Người phụ nữ ngồi hàng trước Peter quay lại lườm Peter.
Peter ngồi thấp xuống ghế và nhìn mặt người đàn ông rất gầy, sắc mặt hồng hào bước lên bàn phát biểu. Ông xoa hai bàn tay xương xẩu rồi nói:
- Xin chào!
Rồi ông không nói gì suốt một hai phút mà chỉ nhìn những người yêu thích phong lan. Sau đó ông nói tiếp:
- Cách đây vài phút, anh Bradford có nói với tôi rằng anh ấy rất vui khi có một người trồng phong lan ướt như ta đến đây nói chuyện tối hôm nay. Người phát biểu lần trước là một người trồng khô. Thật ra tôi cũng chưa chắc mình là người ướt hẳn.
Peter bắt đầu rung lên vì cười thầm.
Bob thúc cùi chỏ vào Peter.
Hannibal nhìn thẳng phía trước, cố giữ nét mặt nghiêm trang.
Phía sau lưng ba thám tử có tiếng cửa cọt kẹt. Hannibal quay lại.
- Tôi có thể nhờ ai đó vui lòng tắt đèn giúp được không? - Người đang thuyết trình nói.
Ông Bradford chạy đi tắt đèn, phòng họp tối thui một hồi. Rồi máy đèn chiếu ù ù chạy. Trên màn hình là ảnh ngài Clive trong nhà kính, đang loay hoay bên một bàn đầy chậu lan.
- Làm thế nào để chọn cây giống tốt nhất ở phong lan? Thì cũng có thể chọn qua hoa, nếu ta trồng lan để lấy hoa. Mà đó là mối quan tâm của phần lớn mọi người đúng không? - Ngài Clive hỏi.
Một cánh cửa hành lang mở ra. Trong khoảng sáng hiện ra một hình bóng mập của một người có lẽ đang chờ cho mắt quen với bóng tối. Lát sau, có tiếng cửa đóng lại.
Hannibal khều Peter, rồi đứng dậy mò mẫm đi xuo61nf cuối phòng. Peter và Bob đi theo thám tử trưởng.
- Mình nghĩ chính Snabel vừa mới vào - Hannibal thì thầm - Mình sẽ thử đi gọi chú Anderson.
Hannibal lẻn ra ngoài, cố không mở cánh cửa quá nhiều. Bob và Peter cũng ra theo. Cả ba im lặng đứng dò một hồi, tìm buồng điện thoại trong hành lang.
Có một cánh cửa mở ra đâu đó. Không phải cánh cửa lớn giữa hành lang và phòng họp. Mà là một cánh cửa khác, cửa cuối hành lang, gần phòng chuẩn bị thức ăn.
Có phải Snabel không? Có phải hắn đã nhận ra Ba Thám Tử Trẻ khi ba bạn ra khỏi phòng họp? Chắc chắc hình bóng ba thám tử đã hiện rõ trong ánh sáng ngoài hành lang.
Ba thám tử lặng lẽ bước trong hành lang, nhìn về hướng thang máy nhân viên phục vụ. Cả ba nhìn thấy một người đàn ông mặc bộ complê màu sẫm đang đứng đó, quay lưng lại, tay cầm khay chất đầy tách, để ngang vai.
Bồi bàn! Chỉ là một bồi bàn mang một mâm tách dơ xuống.
- Ê! Hắn đi xăng-đan! - Bob kêu lên.
Bồi bàn giật mình. Đầu ông quay lại một chút và ba thám tử nhìn thấy được một bên mặt.
- Ông Snabel ơi! Ông đứng im một giây nhé? - Bob nói - Để tôi chụp cho ông một pô hình.
Bob có mang máy ảnh theo. Việc mang theo máy ảnh đã trở thành như phản xạ tất yếu đối với Bob. Bob đưa máy ảnh lên, nút bấm kêu tách, đèn flash chớp lên.
Snabel lao đến Bob, khay tách rơi xuống sàn. Đúng lúc đó cửa thang máy phục vụ mở ra. Hannibal và Peter lẻn vào thang máy hai bên hông Sanbel. Hannibal ấn vào nút khẩn cấp để giữ yên thang máy. Còn Peter bấm nút đỏ để chuông báo động reng lên.
- Cảnh sát! - Bob la lên trước cửa phòng họp - Cứu với! Giết người!
Cửa phòng họp mở ra đúng lúc Snabel đang loạng choạng bước đến, để bóp cổ Bob.
Bob chụp thêm một tấm hình nữa.
Ông Bradford lao ra khỏi phòng họp, mặt mày nhăn nhó vì giận dữ.
- Ngưng trò ồn ào kia ngay! - ông la lên.
Snabel đứng lại, lúng túng, bị chói mắt bởi đèn flash
- Cảnh sát! Bob hét lên. Cảnh sát! Gọi cảnh sát đi!
Đèn flash trên máy ảnh của Bob lại lóe lên, lần này chiếu thẳng vào mặt Snabel.
Snabel thụt lùi, lấy tay che mắt một hồi. Rồi hắn bỏ chạy trở về thang máy phục vụ.
Hannibal và Peter đang chờ trong thang máy. Snabel chạy đến chỗ hai thám tử, giẫm phải những mảnh tách cà phê vỡ rải đầy trên thảm.
Rồi hắn nhìn thấy cánh cửa ở cuối hành lang. Hắn bước đến đó, hai tay giang thẳng phía trước.
- Cẩn thận! - Peter bắt đầu la lên nhưng quá trễ.
Snabel mở chốt cánh cửa ra, chui vào bóng tối.
Cửa đóng lại, chốt sập xuống.
Bây giờ, người trong phòng họp đang chạy ra, hoảng sợ vì kích động hoặc chỉ vì tò mò.
Còn chuông báo động trong thang máy đã ngưng reng.
Im lặng như tờ ập xuống mọi người một hồi, rồi trong bầu im lặng đó, mọi người nghe thấy tiếng la hét. Tiếng la xuất phát từ sau cánh cửa cuối hành lang.
- Cứu với! - Đó là giọng của Snabel và hắn đang dộng đùng đùng vào cửa - Cho tôi ra. Mở cửa! Cứu!
Hannibal bình tĩnh quay sang ông Bradford.
- Thưa chú Bradford, chú có biết buồng điện thoại công cộng gần nhất ở đây không? - Hannibal hỏi - Cháu cần phải gọi điện thoại cho FBI.