Sang đầu tuần kế tiếp, tôi gặp Emily Bronson lần đầu, một người phụ nữ nhỏ nhắn với mái tóc dài đã bạc, kẹp lại phía sau như một nữ sinh. Bà đến viện trên chiếc xe đạp quá lớn so với khổ người, với một chiếc giỏ đựng sách và bữa trưa gói ghém theo. Nhìn bà hơi giống một nữ tu và có vẻ nhút nhát, nhưng quen lâu mới biết, bà có đầu óc khôi hài rất sắc bén. Mặc dù vẻ khiêm tốn của bà, tôi cảm thấy bà rất vui lòng vì tôi đã đặt tên luận án của mình là “Các không gian Bronson”. Lần gặp gỡ này, bà đưa cho tôi bản sao hai bài nghiên cứu gần nhất của mình, và một mớ tờ hướng dẫn kèm theo bản đồ những nơi nên đi thăm ở Oxford trước khi, như bà nói, mùa học mới bắt đầu và tôi có ít thời gian hơn. Bà còn hỏi tôi có gì tôi cảm thấy thiếu vắng ở đây so với Buenos Aires, và khi tôi ngỏ ý mình muốn chơi quần vợt trở lại, bà đảm bảo với tôi chuyện ấy thu xếp cũng dễ thôi, với nụ cười ngụ ý là mình đã quen với những yêu cầu lập dị hơn nhiều.
Hai ngày sau, tôi tìm thấy trong hộp thư của mình bức thư mời chơi quần vợt cặp đôi tại một câu lạc bộ trên đường Marston Ferry, đi bộ từ ngõ Cunliffe mất vài phút. Nhóm tôi gồm có John, một nhiếp ảnh gia Mỹ với đôi tay dài, chơi rất giỏi ở vị trí gần lưới; Sammy, một nhà sinh vật học Canada gần như bạch tạng, đầy hoạt bát và không biết mệt cùng Lorna, y tá ở bệnh viện Radcliffe, người gốc Ailen, với mái tóc đỏ rực và đôi mắt long lanh quyến rũ màu xanh lục.
Cộng vào niềm vui được trở lại sân quần vợt là niềm vui thứ hai không mong đợi, được gặp ở đầu kia sân trong buổi dợt thử đầu tiên, một phụ nữ không những khơi gợi sự chú ý mà còn có những cú đánh bổng tự tin, duyên dáng, và tạt trả thật thấp những phát giao bóng của tôi, ngay sát trên lưới. Chúng tôi chơi ba hiệp, đổi cặp. Lorna và tôi tạo thành một đôi tươi cười lợi hại, và thế là cả tuần sau đó, tôi đếm từng ngày đợi đến lúc được trở lại sân chơi, rồi từng hiệp cho đến lúc Lorna trở lại phía bên tôi.
Tôi gặp mặt bà Eagleton gần như mỗi ngày. Có hôm tôi gặp bà đang làm vườn, khi hãy còn rất sớm, lúc tôi rời nhà đến Viện Toán học, và chúng tôi trao đổi vài câu chuyện. Cũng có khi tôi gặp bà trên đường Banbury, đi mua sắm trên chiếc xe lăn điện, khi tôi đang nghỉ ăn trưa. Bà lướt đi êm ái như trên một chiếc thuyền dọc theo vệ đường, cúi chào rất nhã nhặn các sinh viên khi họ dạt ra tránh lối cho bà, Ngược lại, tôi rất hiếm khi gặp Beth. Tôi chỉ nói chuyện thêm với cô được một lần, vào buổi chiều khi tôi đi về từ sân quần vợt. Lorna chở tôi về ngõ Cunliffe bằng xe của nàng, và trong khi đang tạm biệt, tôi thấy Beth xuống xe bus với chiếc cello. Tôi bèn đến giúp cô mang nó vào nhà. Hôm đó là một trong những ngày đầu tiên trời thực sự âm, và hẳn là tôi nhìn thật rám nắng sau cả buổi chiều nắng. Cô cười với tôi, vẻ kết tội:
“À, tôi thấy anh đã quen đường quen lối rồi nhỉ. Đáng ra giờ này anh phải ngồi học toán chứ, sao lại đi chơi quần vợt và ngồi chung xe với các cô gái thế?”
“Tôi đã được phép của phụ trách nghiên cứu,” tôi đáp, cười to, và làm dấu giải tội.
“Ồ, tôi đùa đấy mà. Thực sự thì tôi ghen tị với anh.”
“Ghen tị à? Sao thế?”
“Ồ, tôi không biết nữa. Có vẻ anh được quá tự do. Anh xa lìa quê hương, cuộc đời bên kia, bỏ mọi thứ lại sau lưng. Thế mà nửa tháng sau anh đã thế này, vui vẻ, rám nắng và chơi quần vợt.”
“Cô cũng nên thử sống như thế. Chỉ cần nộp đơn xin một học bổng.”
Cô buồn bã lắc đầu.
“Thử rồi, tôi đã thử rồi chứ, nhưng có vẻ đã quá muộn. Người ta không khi nào thú nhận đâu, dĩ nhiên, nhưng họ muốn trao học bổng cho những cô gái trẻ hơn. Tôi đã gần hai mươi chín rồi,” cô nói, tưởng như đó là bắt đầu tuổi về già. Cô nói thêm, vẻ cay đắng: “Nhiều lúc tôi sẵn sàng mất bất cứ cái gì để đi khỏi nơi đây.”
Tôi đảo mắt qua những ngôi nhà phủ dây trường xuân, những hình chóp vươn trên những mái vòm Trung cổ, những ngôi tháp có lỗ châu mai từ xa xa.
“Đi khỏi Oxford à? Tôi không hình dung nổi nơi nào đẹp hơn thế này.”
Một vẻ tuyệt vọng làm mờ ánh mắt cô: “Phải, có lẽ thế… nếu anh không phải trông nom một người tàn phế suốt đời và bỏ hết ngày này qua ngày khác làm một việc đã mất ý nghĩa từ lâu.”
“Cô không thích chơi cello ư?” Tôi thấy điều này thật kinh ngạc và lý thú. Tôi nhìn cô, cố khám phá điều gì ẩn dưới vẻ bên ngoài.
“Tôi thù ghét chuyện đó,” cô đáp, mắt tối sầm lại. “Mỗi ngày tôi lại thù ghét thêm, và càng lúc che giấu điều này càng khó khăn. Nhiều lúc tôi lo sợ khi mình chơi nó sẽ lộ ra, và nhạc trưởng hay một đồng nghiệp nhận ra tôi thù ghét từng nốt nhạc thế nào. Nhưng cuối mỗi buổi trình diễn, khán giả vẫn vỗ tay và có vẻ chẳng ai thấy có chuyện gì lạ. Buồn cười lắm phải không?”
“Tôi thì cho rằng cô an toàn lắm. Tôi không nghĩ sự thù ghét đem lại rung động đặc biệt gì. Về mặt này thì âm nhạc cũng giống như toán học: nó không phân biệt luân lý gì cả. Chỉ cần cô cứ tiếp tục theo đúng bản nhạc, tôi không tưởng tượng được có cách gì nhận ra điều đó.”
“Theo đúng bản nhạc... cả đời tôi đã làm điều đó.” Cô thở dài. Chúng tôi đến cửa trước và cô đặt tay lên nắm cửa. “Đừng bận tâm về tôi,” cô nói, “hôm nay vốn là một ngày khó chịu của tôi.”
“Nhưng đã hết ngày đâu,” tôi đáp. “Tôi có cách nào làm cho nó vui vẻ hơn được không?”
Cô cười buồn và cầm cây đàn cello từ tay tôi.
“Ôi, anh thật đúng là một người Mỹ Latin,” cô thì thầm, làm như đó là một điều khiến cô phải thận trọng. Tuy vậy, trước khi đóng cửa, cô còn cho tôi nhìn được nhìn vào đôi mắt xanh của cô lần nữa.
Hai tuần trôi qua. Mùa hè chậm chạp bắt đầu, với những buổi sáng dịu và hoàng hôn thật dài. Vào ngày thứ Tư đầu tiên của tháng Năm, tôi dừng chân rút tiền ở máy tự động để trả tiền trọ. Sau đó tôi bấm chuông cửa nhà bà Eagleton, và trong khi tôi đang đứng đợi thì một người đàn ông tiến theo lối mòn ngoằn ngoèo đi tới trước ngôi nhà. Ông ta khá cao và rảo những bước dài, bộ dạng có vẻ lo lắng. Tôi dõi theo ông ta qua khóe mắt đến khi ông dừng lại bên cạnh tôi. Ông có vầng trán cao, rộng, đôi mắt hẹp với cái nhìn xoáy sâu, và một vết sẹo rõ nét trên cằm. Ông chừng khoảng trên dưới năm mươi lăm tuổi, nhưng trong cử chỉ của ông chứa đựng một sự hoạt bát làm cho ông trông như vẫn còn trẻ. Sau một thoáng lỡ cỡ không biết phải làm gì khi hai chúng tôi cùng đợi trước cửa, ông hỏi tôi, bằng một giọng Scotland trầm đầy âm điệu, xem tôi đã bấm chuông cửa chưa. Tôi trả lời mình đã bấm, và bấm thêm một lần nữa, nói thêm là có lẽ hồi chuông đầu quá ngắn. Khi tôi đang nói, người đàn ông mỉm cười thân thiện và hỏi tôi có phải là người Argentina.
“Vậy ra anh là nghiên cứu sinh của Emily đấy,” ông nói, chuyển sang dùng thứ tiếng Tây Ban Nha hoàn hảo với ngữ âm - kỳ diệu thật - của Buenos Aires.
Kinh ngạc, tôi nói là đúng vậy và hỏi xem ông đã học tiếng Tây Ban Nha ở đâu. Ông nhướng mày, như đang nhìn vào quá khứ xa xôi, và trả lời đã học từ nhiều năm trước.
“Bà vợ đầu của tôi là người Buenos Aires.” Ông chìa tay ra. “Tên tôi là Arthur Seldom.”
Vào lúc ấy, hiếm có cái tên nào có thể khơi gợi nhiều lòng ngưỡng mộ của tôi hơn thế. Người đàn ông với đôi mắt nhỏ, nhạt màu đang đưa tay ra đã trở thành một huyền thoại trong giới toán học. Tôi đã bỏ ra hàng tháng trời nghiên cứu công trình nổi danh nhất của ông, sự mở rộng trên phương diện triết học định lý Gödel từ những năm ba mươi, cho một buổi thuyết giảng. Ông được coi như một trong bốn bộ óc hàng đầu của khoa logic, và chỉ cần liếc qua các nhan đề công trình khác nhau của ông, ta thấy ngay ông là một kiểu thiên tài toán học hiếm hoi. Bên dưới vầng trán cao bình lặng ấy, nhiều ý tưởng thuộc loại sâu sắc nhất của thế kỷ này đã hình thành. Trong lần đi rảo các hiệu sách của thành phố, tôi đã cố ý tìm mua cuốn sách mới nhất của ông, một tác phẩm đại chúng giải thích các liên chuỗi logic, và được biết, với sự ngạc nhiên, rằng nó bán rất chạy và đã hết từ mấy tháng nay rồi. Có người cho biết, sau khi sách được xuất bản, Seldom đã mất dạng khỏi giới hội thảo, và trước mắt không ai dám thử phỏng đoán xem ông đang bắt tay vào việc gì. Dù sao chăng nữa thì tôi còn không biết là ông đang sống ở Oxford, và dĩ nhiên không bao giờ trông mong sẽ chạm mặt ông trên ngưỡng cửa nhà bà Eagleton. Tôi cho ông biết mình đã từng giải thích định lý của ông tại một buổi thuyết giảng, và ông có vẻ vui lòng vì sự nồng nhiệt của tôi. Nhưng rõ ràng ông đang bận tâm về chuyện gì đó vì ông không ngừng nhìn vào cánh cửa.
“Đáng lẽ bà Eagleton phải ở trong nhà, đúng không?” Ông hỏi.
“Tôi cũng cho là như vậy,” tôi đáp. “Xe lăn điện của bà ấy còn kia. Trừ khi có ai đó đã chở bà đi bằng xe hơi.”
Seldom nhấn chuông lần nữa và lắng nghe tiếng động đằng sau cửa. Ông tới chỗ cửa sổ nhìn ra hàng hiên và ngó vào trong.
“Nhà có cửa sau không?” Và bằng tiếng Anh, ông tiếp, “tôi lo bà ấy gặp chuyện gì rồi.”
Tôi có thể thấy qua nét mặt là ông đang rất lo sợ, giống như ông biết điều gì đó làm cho ông không còn có thể tập trung vào chuyện khác.
“Mình có thể thử mở cửa xem,” tôi nói. “Tôi không nghĩ ban ngày họ khóa cửa đâu.”
Seldom vặn nắm đấm cửa và nó lặng lẽ mở ra. Chúng tôi đi vào không nói một lời, những tấm ván sàn kẽo kẹt dưới chân. Trong nhà chúng tôi nghe thấy, hệt như tiếng nhịp tim bị bóp nghẹt, con lắc giấu mặt của chiếc đồng hồ di chuyển qua lại. Chúng tôi đi thẳng vào phòng khách nhỏ và dừng lại cạnh chiếc bàn giữa phòng. Tôi trở vào chiếc tràng kỷ bên cạnh cửa sổ trông ra vườn. Bà Eagleton nằm đó, vẻ như đang ngủ say, mặt quay vào lưng ghế. Một trong mấy chiếc gối của bà rơi trên sàn, có vẻ như nó đã trượt xuống khi bà đang ngủ. Búi tóc bạc của bà được bao bọc cẩn thận trong một tấm lưới, và cặp kính đặt trên chiếc bàn nhỏ, cạnh tấm bảng chơi Scrabble. Chắc hẳn bà đã chơi một mình, vì cả hai khay chữ đều nằm bên cạnh bà.
Seldom lại bên bà. Ông vừa chạm nhẹ vào vai thì đầu bà rủ oặt sang một bên. Ngay lúc ấy, chúng tôi nhìn thấy đôi mắt mở to kinh hoàng của bà và hai vệt máu chạy song song từ mũi xuống cằm, nhập lại ở cổ bà. Không tự chủ được, tôi lùi lại một bước và phải cố nén để khỏi thét lên. Seldom, lúc bấy giờ đang đưa tay đỡ đầu bà, làm hết cách sắp xếp lại thi thể bà cho gọn, và lầm bầm cái gì tôi nghe không rõ một cách bồn chồn. Ông nhặt chiếc gối lên, để lộ ra một vết bẩn lớn màu đỏ trên mặt thảm, gần như đã khô ở chính giữa. Ông đứng một lúc, hai tay buông thõng cầm chiếc gối, trầm tư suy nghĩ như đang nghiền ngẫm những ngả rẽ của một phép tính toán phức tạp. Nhìn ông quả tình âu lo ra mặt. Tôi nói theo ý mình nên gọi báo cảnh sát, và ông đồng ý một cách máy móc.