Vụ Án Trường Oxford

Chương 13

Một nữ cảnh sát viên gầy gò đến độ gần như cô ta biến mất trong bộ đồng phục, dẫn chúng tôi lên lầu đến văn phòng thanh tra Petersen. Chúng tôi vào một phòng lớn, tường màu hồng cá hồi rất đậm, giữ được sự khắc khổ kiêu hãnh của nước Anh sau thế chiến, hoàn toàn không có màu sắc xa xỉ. Trong phòng có vài tủ hồ sơ cao bằng kim loại, và một cái bàn gỗ giản dị đáng kinh ngạc. Từ cửa sổ, ta thấy một khúc quanh của dòng sông, và dưới ánh sáng kéo dài của mùa hạ, mấy sinh viên nằm trên bờ sông, hứng lấy ánh nắng cuối cùng. Mặt nước tĩnh lặng, chói ánh vàng làm tôi nghĩ đến nhũng bức tranh của Roderic O’Connor đã thấy ở London, tại phòng triển lãm Barbican.

Trong văn phòng của mình, ngả lưng vào ghế, Petersen có vẻ thoải mái hơn, đỡ ngờ vực. Hay có lẽ ông ta đơn giản không còn coi chúng tôi là nghi can, và muốn cho chúng tôi thấy ông ta cũng có thể, nếu muốn, đánh đổi cái mặt nạ cảnh sát lấy bộ mặt lịch thiệp thường thấy của người Anh. Ông ta đứng dậy và mang cho chúng tôi mấy chiếc ghế có lưng dựa giản dị, vải bọc đệm sờn đến sáng bóng lên, và các góc đã bung chỉ. Khi ông ta đã ngồi lại xuống, tôi nhận thấy một khung ảnh bạc trên một góc bàn: bên trong là tấm hình Petersen lúc trẻ đỡ một cô bé lên lưng ngựa. Từ những điều Seldom nói với tôi về ông ta, tôi đã đoán sẽ thấy hàng đống văn kiện, mảnh báo cắt, vài bức hình treo tường về những vụ án ông ta đã phá. Nhưng trong căn phòng hoàn toàn vô danh tính này, không thể nào nói được Petersen có phải một khuôn mẫu của sự khiêm tốn, hay đơn giản là loại người không thích lộ ra quá nhiều về mình, để có thể phát hiện mọi thứ về người khác. Ông ta mở ngăn kéo bàn và lôi ra một cặp ly, rồi chậm rãi lau bằng một mẩu vải. Đoạn ông liếc vào vài trang giấy trên bàn.

“Ừ phải,” ông ta nói, “tôi sẽ đọc các ông nghe những điểm chính của báo cáo. Chuyên gia tâm lý của chúng tôi nghĩ rằng hung thủ là một người đàn ông, trạc ba mươi lăm tuổi. Trong báo cáo, bà ấy gọi hắn là ông H, hẳn là từ chữ “hung thủ”. H, bà ta cho biết, có lẽ xuất thân từ một gia đình tiểu trung lưu, ở một ngôi làng hay một khu ngoại ô. Hắn có thể là con một, nhưng dù thế nào thì hắn cũng là một đứa trẻ xuất sắc rất sớm trong một theo đuổi trí thức, tỉ như cờ, toán, hay đọc sách, một điều bất thường trong gia đình hắn. Cha mẹ hắn lầm tưởng sự phát triển sớm của hắn là thiên tài; và điều ấy làm cho hắn không tham gia vào những trò chơi và thông lệ của bọn trẻ con khác. Hắn có lẽ đã là mục tiêu cho sự trêu chọc và mọi sự còn xấu đi hơn vì một dấu hiệu nào đó của thể chất yếu đuối, như là giọng eo éo, hay đeo kính, hay cân nặng quá khổ. Sự trêu chọc làm hắn co lại dữ hơn, và làm hắn nuôi những ước mộng trả thù đầu tiên. Trong những mộng tưởng này, điển hình thì H tưởng tượng mình chiến thắng vẻ vang kẻ thù và bằng tài năng, đè bẹp những ai đã hạ nhục hắn.”

“Cuối cùng, ngày trắc nghiệm đã đến, giây phút hắn chờ đợi bao nhiêu năm - một cuộc thi có tính cách quan trọng riêng trong lĩnh vực nào đó mà hắn xuất sắc. Đây là cơ hội lớn của hắn, dịp cho hắn thoát khỏi hoàn cảnh của mình và bắt đầu cuộc đời khác mà từ lâu hắn chuẩn bị trong im lặng, như một nỗi ám ảnh suốt thời mới lớn. Nhưng một sai lầm khủng khiếp nào đã xảy ra, nhưng người trắc nghiệm bất công theo cách nào đó, và H trở về, thua cuộc. Đó chính là tổn thương đầu tiên. Cái đó gọi là hội chứng Ambère, theo tên nhà văn mà lần đầu tiên người ta quan sát thấy mang chứng ám ảnh này.

Peterson mở ngăn kéo, lôi ra một tập sách dày về tâm lý học. Một mẩu giấy mỏng đánh dấu vài trang sách. “Tôi nghĩ xem lại trường hợp đầu tiên này có thể cũng thú vị. Xem nào: Jules Ambère là một nhà văn bần cùng, không tiếng tăm người Pháp. Năm 1927, anh ta gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình đến nhà xuất bản G…, lúc ấy là nhà xuất bản hàng đầu của nước Pháp. Anh ta đã bỏ bao năm cho cuốn tiểu thuyết, viết đi viết lại như bị ám ảnh. Sáu tháng trôi qua trước khi anh ta nhận được một bức thư lịch sự không thể nghi ngờ từ một trong các biên tập viên, bức thư anh ta giữ đến tận cuối đời. Trong thư, biên tập viên bày tỏ sự ngưỡng mộ cuốn tiểu thuyết, và đề nghị anh ta đến Paris để thảo luận điều kiện hợp đồng. Ambère cầm cố những tài sản ít ỏi có giá trị còn lại để trả tiền cho chuyến đi nhưng tại buổi gặp mặt, một chuyện không hay đã xảy ra. Họ đưa anh ta đi ăn trưa ở một nhà hàng sang trọng, nơi mà y phục của anh ta quá lạc lõng, cách hành xử ở bàn ăn thì kém cỏi, lại còn hóc xương cá. Không có gì quá nghiêm trọng cả, nhưng hợp đồng cuối cùng không ký được, và Ambère trở lại làng mình, vô cùng nhục nhã. Anh ta bắt đầu mang theo lá thư trong túi, và suốt mấy tháng liền, không ngừng kể lại câu chuyện với bạn bè. Đặc tính tái diễn thứ hai của hội chứng này chính là thời gian ủ bệnh và đeo đẳng với ký ức đó, có khi phải đến hàng năm trời. Một vài nhà tâm lý học gọi đấy là hội chứng “cơ hội bỏ lỡ”, để nhấn mạnh đặc tính này, sự bất công xảy ra trong giây phút quyết định, điểm chuyển tiếp có thể xoay vần mạnh mẽ cuộc đời một con người. Trong thời gian ủ bệnh, người này luẩn quẩn quay lại giây phút ấy, mất khả năng tiếp tục cuộc sống trước đó của mình, hoặc hắn thích nghi dần, nhưng chỉ ở bề ngoài, và bắt đầu nuôi những mộng tưởng sát nhân.”

“Thời kỳ ủ bệnh chấm dứt khi cái mà sách vở tâm lý học gọi là “cơ hội thứ hai” xuất hiện, một sự kiện liên kết phần nào đó tái tạo lại biến cố đầu tiên, hay có vẻ tương đối giống với nó. Nhiều nhà tâm lý coi nó giống như câu chuyện thần đèn trong Nghìn lẻ một đêm vậy. Trong trường hợp Ambère, cơ hội thứ hai rõ rệt một cách đặc biệt, nhưng thường thì mô thức của nó mơ hồ hơn. Mười ba năm sau khi anh ta bị từ chối, một chuyên gia thẩm định mới vừa vào làm cho nhà xuất bản G... tình cờ tìm thấy bản thảo khi họ di chuyển văn phòng, và tác giả lại được mời đến Paris lần thứ hai. Lần này Ambère tề chỉnh không chê vào đâu được, cẩn trọng tác phong suốt bữa ăn, giữ cho cuộc trò chuyện được tự nhiên và xã giao chung chung, rồi, đến lúc bánh pudding được đem lên, bóp cổ người phụ nữ kia chết tươi trước khi những người hầu bàn kịp can thiệp.”

Petersen nhướng một bên mày và đóng sách lại. Ông ta liếc qua bản báo cáo tâm lý trước khi đặt nó sang bên, rồi lướt nhanh qua mấy đoạn đầu của trang thứ ba.

“Báo cáo tiếp tục đến chỗ này có thể làm chúng ta phải để ý. Nhà tâm lý học khẳng định rằng chúng ta không phải đang đối phó với một tên rối loạn nhân cách. Loại người ấy thường tỏ ra thiếu ăn năn, và có tính tàn bạo ngày một gia tăng, kết hợp với sự hồi tưởng quá khích - hắn đi tìm cái gì đó có thể kích thích hắn. Còn trong trường hợp này cho đến giờ, hắn đã giữ một cung cách tinh tế, một sự chú tâm gây hại càng ít càng tốt. Cũng như ông,” ông ta quay sang Seldom, “vị tiến sĩ này có vẻ cũng thấy điều đó rất lý thú. Theo ý bà ta, chính chương sách của ông về giết người hàng loạt đã cung cấp cho hắn “cơ hội thứ hai”. Con người của chúng ta thấy mình đã được hồi sinh. Hắn đang tìm kiếm cả lòng ngưỡng mộ lẫn sự báo thù: ngưỡng mộ từ nhóm người hắn luôn muốn được lọt vào, nhưng đã bị loại trừ một cách bất công. Và sau cùng, nhà tâm lý học thử nêu một cách có thể diễn dịch được các ký hiệu. Trong những cơn hoang tưởng, H cảm giác như mình là một đấng sáng tạo, hắn muốn đặt lại tên mọi sự. Hắn hoàn chỉnh không ngừng nghỉ những sáng tạo của mình; giống như trong sách Giảng Viên của Cựu ước, các ký hiệu làm chứng cho những giai đoạn trong sự phát triển của hắn. Ký hiệu kế tiếp, bà ấy gợi ý, có thể là một con chim.”

Petersen gom giấy tờ lại và ngước nhìn Seldom:

“Những điều này có gì trùng hợp với ý nghĩ của ông không?”

“Về các ký hiệu thì không. Tôi vẫn tin là nếu những lời nhắn nhắm tới các nhà toán học, chìa khóa cũng phải nằm trong toán học theo cách nào đấy. Có giải thích gì cho tính cách ‘nhẹ nhàng’ của những vụ án mạng không?”

“Có,” Petersen đáp, lật lại các trang giấy. “Tôi e nhà tâm lý học tin là những vụ án mạng chính là một cách để lấy cảm tình của ông. Trong con người của H, ý muốn thường trực đòi báo thù được kết hợp với một ước muốn sâu đậm hơn, được lọt vào thế giới mà ông đại biểu, được nhận sự ngưỡng mộ - thậm chí sự ngưỡng mộ trong kinh sợ - của những người đã đẩy hắn ra. Chính vì vậy mà giờ phút này, hắn chọn một cách giết người hắn cho là các nhà toán học sẽ chấp thuận - có cấu thành tối thiểu, sạch sẽ không vung vãi gì, không có tính tàn bạo, gần như là trừu tượng. Giống như trong những giai đoạn đầu của sự say đắm, H đang cố làm vừa lòng ông: những vụ giết người chính là lễ vật. Nhà tâm lý nghĩ hắn có thể là một tay đồng tính bị dồn nén đang sống một mình, nhưng bà ấy cũng không loại trừ khả năng hắn có kết hôn, và hiện giờ đang có một cuộc sống gia đình bình thường để ngụy trang sinh hoạt bí mật của hắn. Bà ấy nói thêm là nếu không thấy bóng dáng gì của sự đáp ứng, giai đoạn quyến rũ ban đầu này sẽ kéo theo đến giai đoạn thứ hai, giận dữ, khi đó những vụ giết người sẽ thêm phần ác độc, hay nhắm vào những người gần với ông.”

“Ái chà, nghe thật cứ như vị tâm lý học này có quen biết với hắn ta vậy. Chỉ thiếu mỗi điều bà ta cho biết hắn có một mụn cóc trên cánh tay trái!” Seldom thốt lên. Tôi không biết chắc trong giọng nói của ông chỉ chứa đựng sự mỉa mai, hay còn có một thoáng bực dọc được. Tôi tự hỏi có phải ông đã bị động lòng vì chuyện đồng tính được nêu ra. “Tôi e rằng giới toán học chúng tôi khi ước đoán thường nhát tay hơn nhiều. Tuy nhiên, tôi đã suy nghĩ nhiều về điều ông nói và quyết định rằng có lẽ tôi nên cho ông biết ý nghĩ của mình.” Ông lấy ra một cuốn sổ nhỏ trong túi, và bằng một cây bút máy trên bàn của Petersen, vẽ nhanh vài nét mà tôi không nhìn được. Vẽ xong, ông xé tờ giấy ra, gập làm đôi rồi đưa cho Petersen:

“Đây, ông có hai cách dùng được để tiếp tục liên chuỗi.”

Trong cách Seldom gấp tờ giấy có cái gì đó bí mật mà Petersen hình như đã nắm bắt được. Ông ta im lặng nhìn vào tờ giấy một lúc trước khi gập nó lại rồi đút vào ngăn kéo bàn làm việc. Ông ta không hỏi lại Seldom câu nào. Có lẽ trong cuộc song đấu nho nhỏ giữa hai người, tạm thời lúc này Petersen đã được thỏa mãn - ông ta đã bắt được Seldom tiết lộ ký hiệu đó và không muốn làm phiền ông thêm với những câu hỏi. Hay có lẽ đơn thuần là ông ta muốn bàn bạc riêng chuyện này với Seldom. Tôi đã thấy mình nên đứng dậy và cáo từ, nhưng chính Petersen lại là người đứng dậy và tiễn chúng tôi ra với một nụ cười thân thiện không ngờ trước.

“Ông đã có kết quả cuộc khám nghiệm tử thi thứ hai chưa?” Seldom hỏi khi chúng tôi đang ra tới cửa.

“Đó lại là một bí ẩn lý thú khác,” Petersen đáp. “Ban đầu thì các nhà xét nghiệm pháp y đều bị rối trí: họ không thấy dấu vết loại thuốc độc nào đã từng được biết, trong thi thể. Họ nghĩ không chừng họ đang phải đối phó với một thứ chất độc không có dấu vết, chuyện mà tôi chưa nghe nói bao giờ. Nhưng tôi nghĩ cuối cùng tôi đã giải đáp được việc này,” ông ta nói, và lần đầu tiên tôi thấy cái gì như sự kiêu hãnh ánh trong mắt ông. “Hung thủ có thể cho là hắn khôn khéo lắm, nhưng cảnh sát chúng tôi đôi khi cũng biết động não chút đỉnh chứ.”