Vụ Án Mạng Ở Vùng Mesopotamie

CHƯƠNG 26

Docsach24.com

i, cảnh tượng hãi hùng! Giáo sư Leidner như sắp ngất đi, còn tôi thì bàng hoàng.

Bác sĩ Reilly tò mò ngắm nghía vật chứng quan trọng.

- Không có dấu vân tay? - ông hỏi đại úy.

- Không một vết.

Bác sĩ Reilly cầm một cái kẹp, bắt đầu xem xét.

- Hừm... Đây là một mẩu thịt người... vài sợi tóc… vàng... Đó là nhận xét trông thấy rõ. Trước khi kết luận, còn cần nghiên cứu kỹ mẫu máu... Nhưng kết quả gần như đã rõ. Cái thớt này tìm thấy dưới giường cô Johnson? Thế là màn bí mật đã vén: Cô ta phạm tội, rồi - cầu Trời ban phước linh hồn cô - hối hận day dứt, đã tự kết liễu đời mình. Có lý lắm.

Giáo sư Leidner trĩu nặng đau thương, lắc đầu lẩm bẩm:

- Không! Không! Không phải Anne Johnson!

- Trước đó cô ta giấu cái gói này ở đâu? Sau cái chết của bà Leidner, ta đã lục soát tất cả các phòng rồi mà? - Đại úy Maitland hỏi.

Tôi nghĩ bụng: "Trong tử đựng giấy má!", nhưng không nói ra.

Đại úy tiếp:

- Tuy nhiên, cô Johnson thấy chỗ giấu trước không chắc chắn, nên đem cái thớt về phòng mình, vì phòng này đã được khám rồi. Hoặc có thể cô đặt nó dưới gầm giường sau khi quyết định sẽ tự vẫn.

- Tôi không tin! - tôi kêu lên.

Tôi không thể tưởng tượng cô Johnson hiền lành là thế lại đang tâm giáng cái thớt đá lên đầu bà Leidner. Toàn thể con người tôi phẫn nộ trước ý nghĩ đó. Tuy nhiên tôi cũng nhớ lại vài sự trùng hợp khó hiểu. Ví dụ, chuyện cô khóc lóc đêm hôm trước. Chính tôi cũng nghĩ cô khóc lóc là vì “hối hận", nhưng lúc đó chỉ nghĩ đến những chuyện ghen tức nhỏ nhặt giữa cô và người quá cố.

- Tôi chưa biết nên suy luận thế nào - đại úy Maitland nói - Còn phải làm rõ việc ông thầy tu người Pháp mất tích nữa. Người của tôi đang xục xạo trong vùng xem ông có gặp nạn ở đâu không?

- À! Bây giờ tôi mới nhớ... - tôi mấp máy nói.

Mọi con mắt đổ dồn vào tôi.

- Chuyện xảy ra chiều qua. Cha Lavigny hỏi tôi về người mắt lác đã nhòm vào cửa sổ bà Leidner. Ông muốn biết chúng tôi gặp hắn chính xác ở chỗ nào, rồi bảo sẽ đi một vòng về phía ấy, may hắn có đánh rơi vật gì chăng, như trong các tiểu thuyết trinh thám.

- Làm gì có chuyện ấy với những hung thủ mà tôi biết! - đại úy nói - Vậy là ông ta quan tâm việc đó? Nếu cùng một lúc mà cha Lavigny và cô Johnson đều tìm ra dấu vết của thủ phạm, thì là một sự trùng hợp kỳ lạ.

Rồi ông nói thêm, giọng bực tức:

- Người lác mắt? Người lác mắt? Chuyện anh chàng mắt lé này có khi cũng quan trọng hơn ta tưởng. Thế mà quân của tôi vẫn chưa tóm được hắn!

- Có khi tại vì hắn ta chẳng lác mắt tí nào - Poirot điềm nhiên đế vào một câu.

- Ông cho là hắn giả lác ư? Tôi không tin người ta có thể giả lác. Dù sao, tôi sẵn sàng trả giá đắt cho ai tóm được hắn, lác hay không lác cũng không sao!

- Tôi cuộc là hắn đã vượt biên giới Syria - Poirot lại nói.

- Chúng tôi đã báo động cho tất cả các đồn biên phòng.

- Hắn đi các đường mòn qua núi, hoặc theo các đường mà dân buôn lậu thường đi qua bằng xe tải nhỏ.

- Thế thì tôi phải điện báo ngay cho đồn Deir ez Zor.

- Tôi đã làm rồi - Poirot nói - Hôm qua tôi đã căn dặn đồn đó phải bắt giữ chiếc xe chở hai người, dù có hộ chiếu đàng hoàng.

Đại úy Maitland trố mắt nhìn thám tử.

- Ai ông đã làm rồi? Hai người... sao lại hai người?

Poirot gật đầu:

- Phải. Chúng có hai người.

- Ông Poirot. Ông làm cái gì cũng bí mật.

- Không, không phải thế. Tôi mới nhận ra sự thật sáng nay, lúc đứng ngắm mặt trời mọc. Rạng đông tuyệt đẹp!

Không ai để ý là bà Marcado đã có mặt trong phòng. Hẳn là bà đã vào lúc mọi người đang tập trung xem cái thớt có máu.

Đột nhiên không ai ngờ tới, bà kêu thét lên như tiếng lợn bị chọc tiết:

- Trời ơi! Tôi đoán ra rồi. Bây giờ mọi việc đã rõ! Chính là lão cha Lavigny. Lão là một thằng điên... điên vì sùng tín thần bí. Lão cho tất cả phụ nữ đều đáng xuống hỏa ngục, muốn giết hết. Bắt đầu bằng bà Leidner, rồi đến cô Johnson... lần sau đến lượt tôi.

Bà lao đến bám chặt bác sĩ Reilly:

- Tôi không muốn ở đây nữa! Không ở một ngày nào. Nguy hiểm... nguy hiểm lắm. Tên điên ấy trốn ở đâu đây... nó vồ tôi bây giờ...

Vừa nói bà vừa kêu khóc.

Tôi chạy lại bác sĩ Reilly đang giữ lấy cổ tay bà ta. Tôi tát hai cái vào má bà, ấn bà ngồi xuống nói:

- Không ai giết bà cả. Chúng tôi sẽ bảo vệ bà.

Bà không kêu nữa, nhìn tôi bằng đôi mắt nhớn nhác.

Đến đây lại xảy ra tiết mục mới. Cửa mở, Sheila Reilly vào. Vẻ nghiêm trang, cô lại gần Poirot:

- Sáng sớm nay, tôi qua bưu điện. Ở đó có một điện tín gửi ông, nên tôi mang tới.

- Cảm ơn cô lắm.

Poirot cầm điện, mở ra trước con mắt tò mò của cô gái. Poirot bình thản đọc, gấp lại cẩn thận, bỏ vào túi.

Bà Mercado nhìn theo. Bà hỏi thều thào:

- Điện từ đâu?... Từ Mỹ?

- Không... Từ Tunis.

Bà ta ngơ ngác một lúc như không hiểu, rồi thở dài, ngả người xuống ghế:

- Lão Lavigny! Biết ngay mà. Tôi vẫn thấy lão ta hơi kỳ cục. Một hôm, lão ta nói lăng nhăng... đúng là điên.

Ngừng một chút, bà lại tiếp:

- Tôi nhất định phải rời cái nhà này... Tôi và Joseph ra ngủ ở quán trọ.

- Bà hãy yên tâm. Lát nữa tôi sẽ giải thích tất cả - Poirot nói.

Đại úy Maitland nhìn ông bằng con mắt ngờ vực:

- Vậy là ông cho rằng đã nắm được cái nút của vấn đề?

Poirot cúi gập người như diễn viên trên sân khấu, làm cho đại úy càng tức:

- Vậy thì ông nói đi!

Nhưng Hercule Poirot không làm như thế. Tôi cảm thấy ông thích làm cho người khác hoang mang. Ông đã biết sự thật chưa, hay chỉ là lòe bịp?

Ông quay sang bác sĩ Reilly:

- Xin bác sĩ vui lòng mời tất cả lại đây.

Ông bác sĩ vội vàng làm theo lời thám tử. Một phút sau, tất cả những người còn lại đều đã vào phòng. Đầu tiên là Reiter và Emmott, rồi Bill Coleman, Richard Carey, cuối cùng là ông Mercado, ông này mặt mày tái nhợt, chắc đang lo bị kết tội giết người do bất cẩn, không bảo quản nghiêm túc các chất độc hóa học.

Ai nấy ngồi vào bàn, giống như hôm Poirot đến. Bill Coleman và David Emmott rụt rè ngồi xuống ghế, mắt liếc nhìn sang Sheila Reilly. Cô này đứng quay lưng lại họ, trước cửa sổ.

- Cô Sheila, cô cần ngồi không? - Bill Coleman hỏi.

Còn David Emmott ngọt ngào mời:

- Một cô ngồi.

Cô quay lại, nhìn hai chàng trai. Người nào cũng đưa ghế mời, không biết cô sẽ chọn cái nào. Cuối cùng, cô chẳng ngồi ghế nào, cộc lốc:

- Cảm ơn. Tôi đứng cũng được.

Cô tựa vào một góc bàn, gần cửa sổ, nói thêm:

Nếu đại úy cho phép, không thấy gì bất tiện…

Tôi không rõ đại úy sẽ trả lời ra sao, thì Poirot đã nói thay:

- Xin mời cô cứ ở lại. Cần có cô ở đây là đằng khác.

Cô nhướn đôi lông mày:

- Cần có tôi?

- Tôi đã nói rồi. Tôi có một số câu hỏi cần cô trả lời.

Cô lại nhướn mày, nhưng không nói gì. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, như muốn tỏ ra dửng dưng với những gì diễn ra trong phòng.

Đại úy đằng hắng:

- Nào, bây giờ ta sẽ biết sự thật!

Vốn là người của hành động, ông có vẻ sốt ruột. Hình như trong bụng ông đang sôi sục ý nghĩ: "Nếu lão này biết thì nói ra đi, chờ gì nữa!?

Poirot lần lượt nhìn mọi người, và đứng lên. Tôi chờ ở cái ông người Bỉ nhỏ bé này một bài diễn thuyết lâm li, không ngờ ông lại xổ ra một câu tiếng Ả rập.

Vâng, ông nói tiếng Ả rập. Giọng thong thả, long trọng như trong nhà thờ, ông đọc.

- Bismillahi ar rahman ar rahim.

Rồi dịch nghĩa:

"Nhân danh thánh Ala, người đầy Tình thương và Nhân từ!"