Vụ Án Mạng Ở Vùng Mesopotamie

CHƯƠNG 17

Docsach24.com

ể mổ xét nghiệm, tử thi bà Leidner đã được chuyển đi Hassanich, song căn phòng được giữ nguyên. Đồ đạc sơ sài nên cảnh sát lục lọi không tốn bao thời gian.

Thoạt đi vào, nhìn bên phải, có chiếc giường. Đối diện với cửa ra vào, có hai cửa sổ chấn song sắt nhìn ra ngoài đồng. Kê giữa hai cửa sổ, là một bàn gỗ sồi dùng làm bàn trang điểm của bà Leidner. Áp sát tường về phía đông, là một tủ gỗ trắng và một hàng mắc áo, quần áo treo được bọc vào túi vải. Ngay bên trái cửa ra vào là chiếc bàn rửa mặt. Giữa phòng kê một bàn to, bên trên có lọ mực, bàn thấm và một cặp nhỏ bằng da, trong đó bà Leidner cất các thư nặc danh.

Các cửa sổ có rèm trắng xọc da cam. Bốn tấm da dê trải trên sàn: ba chiếc nhỏ màu nâu đặt trước hai cửa sổ và bàn rửa mặt, một chiếc màu trắng to hơn và tốt hơn, có sọc màu nâu, đặt giữa giường và bàn to.

Căn phòng không có tủ, không có chỗ nào kín đáo, cũng không có vải ngăn để mà ẩn náu. Chiếc giường sắt, rất đơn giản, phủ khăn trải trắng. Ba chiếc gối lông rất nhẹ là vật xa xỉ nhất trong phòng, không người nào khác có.

Bác sĩ Reilly tường trình vắn tắt vị trí, tư thế của bà Leidner nằm phục trên tấm da dê cạnh giường.

Để minh họa, ông ra hiệu cho tôi lại gần:

- Mời cô lại đây.

Tôi rất bình tĩnh, nằm xoài xuống đất, cố gắng giữ đúng tư thế khi tìm thấy xác chết.

- Khi vào và phát hiện ra, Leidner có hơi nhấc đầu người chết - bác sĩ nói - Nhưng tôi đã hỏi kỹ, ông ấy không xê dịch thi thể.

- Đến giờ mọi việc có vẻ là rõ - Poirot nói - Bà Leidner nằm trên giường, hoặc ngủ, hoặc nghỉ... thì có người mở cửa, bà nhìn ra và nhổm dậy...

- Và hung thủ đánh vào đầu bà - bác sĩ nói tiếp - Bà ngất đi và chết ngay lập tức. Ông hiểu không....

Bác sĩ giải thích tác động của vết thương bằng từ chuyên môn.

- Như vậy, không có máu chảy? - Poirot hỏi.

- Không, chảy máu não bên trong.

- Giải thích thế cũng được, trừ một điểm. Nếu kẻ đột nhập là người lạ, sao bà Leidner không kêu cứu? Nếu kêu, sẽ có người nghe thấy, như là cô Leatheran, Emmott và thằng bồi.

- Giải đáp không khó - bác sĩ Reilly nói khô khốc - Hung thử không phải người lạ.

Poirot gật đầu:

- Đúng. Có thể bà ngạc nhiên khi thấy hắn vào, nhưng không sợ. Lúc nó giáng vào đầu, bà có thể kêu khẽ... nhưng muộn rồi.

- Tiếng kêu mà cô Johnson nghe thấy?

- Phải, nếu đúng là cô ấy có nghe. Nhưng không chắc. Tường bằng đất rất đày, cửa sổ lại đóng.

Poirot lại gần giường hỏi tôi:

- Lúc cô ở đây đi ra, bà đã lên giường chưa?

Tôi nói lại những gì đã làm.

- Bà ấy định ngủ hay nằm đọc sách?

- Tôi đưa bà hai quyển, một tiểu thuyết, một hồi ký. Thường bà đọc một lát rồi ngủ.

- Lúc đó, tinh thần bà có bình thường không?

Tôi suy nghĩ một lúc.

- Bình thường. Bà còn có vẻ vui nữa. Tôi cho đó là do hôm trước bà đã trút bầu tâm sự với tôi.

Poirot nhìn quanh phòng.

- Khi cô vào đây lúc án mạng đã xảy ra, mọi thứ trong phòng vẫn trật tự như cũ?

Tôi cũng đưa mắt nhìn quanh:

- Dường như vẫn nguyên.

- Không có dấu vết gì để ta đoán được viên sát nhân đã dùng hung khí gì?

- Không.

Poirot quay lại bác sĩ Reilly:

- Theo ông, hắn dùng vũ khí gì?

Bác sĩ đáp ngay:

- Một vật không sắc, nhưng to và rất nặng, ví dụ như cái đáy tròn cửa một pho tượng nhỏ chẳng hạn. A! Tôi không nói là đúng thứ ấy, nhưng một cái gì tương tự. Giáng xuống rất mạnh.

- Giáng bởi một cánh tay lực lưỡng... Cánh tay đàn ông?

- Đúng.. trừ khi...

- Trừ khi... gì?

Bác sĩ Reilly thong thả:

- Có thể lúc đó bà Leidner ở tư thế quỳ... Trường hợp ấy, cú đánh từ trên cao bằng vật nặng, thì sức lực giáng xuống không cần nhiều.

- Đang quỳ... - Poirot lẩm bẩm - Cũng là một ý kiến!

- Hãy cẩn thận! - bác sĩ vội nói - Chỉ là một ý tôi đưa ra thế thôi. Hoàn toàn không có chứng minh.

- Nhưng cũng là trong phạm vi có thể?

- Phải. Vả lại, xét hoàn cảnh, tôi thấy cũng không lạ... Có thể bà sợ quá nên quỳ xuống chân tên đao phủ xin tha chết. Bà không kêu vì linh tính thấy rằng kêu không kịp nữa.

- Đúng - Poirot trầm ngâm - đó là một ý hay...

Ý vớ vẩn, tôi nghĩ bụng. Tôi không thể tưởng tượng bà Leidner chịu quỳ xuống van xin bất kỳ ai.

Poirot đi một vòng quanh phòng, ông mở các cửa sổ, thử xem chấn song có chắc không, thò đầu ra ngoài để thấy rằng không có cách nào lách cả vai vào. Ông nói:

- Cửa sổ đóng lúc cô vào và thấy xác chết. Vậy lúc một giờ kém mười lăm cô đi ra, để bà Leidner lại, thì chúng có đóng không?

- Có. Cửa sổ buổi chiều bao giờ cũng đóng. Cửa này không che vải xô như cửa sổ phòng chung và phòng ăn, nên phải đóng kín cho muỗi khỏi vào.

- Và không ai có thể vào qua cửa sổ - Poirot nhận xét - Tường tuy bằng đất nhưng chắc như gạch. Không có khe hở nào khác. Muốn vào phòng, chỉ có cách đi qua cửa chính, muốn qua cửa chính phải qua sân. Sân chỉ có một lối vào, là cổng vòm. Trước cổng vòm có năm người, họ đều khai giống nhau, và tôi cho là họ nói sự thật. Không, họ không nói dối. Được gì mà họ nói dối. Hung thủ là người trong nhà...

Tôi không nói gì. Lúc nãy, khi họp chung, tôi chẳng cũng có cảm giác như vậy sao?

Poirot đi thong thả trong phòng. Ông cầm một tấm ảnh trên tủ, ảnh một ông già. Ông đưa mắt hỏi tôi.

- Cụ thân sinh bà Leidner - tôi nói - Chính bà nói với tôi.

Ông đặt ảnh vào chỗ cũ, liếc nhìn các đồ vật để trên bàn rửa mặt... đều bằng đồi mồi, giản dị nhưng đẹp. Ông nhìn lên giá để sách, đọc to vài đầu đề:

- Người Hy Lạp là ai? Sơ luận về thuyết tương đối. Cuộc đời phu nhân Hester Stanhope. Chuyến tàu Crewe, Trở về Mathusalem, Linda Condon. Bà Leidner là người có học thức đây.

- Ồ! Bà ấy rất thông minh - tôi nói - Bà đọc rất nhiều, biết nhiều chuyện. Bà Leidner đúng là một phụ nữ khác người.

Ông mỉm cười nhìn tôi:

- Phải. Tôi đã đoán ra ngay.

Ông tiếp tục xem xét, dừng một lúc trước bàn rửa mặt, trên đó đặt rất nhiều lọ nước hoa và kem mỹ phẩm.

Bỗng ông quỳ xuống, xem kỹ tấm da dê.

Bác sĩ Reilly và tôi cũng theo ông đến xem. Ông chăm chú nhìn một vết sẫm nhỏ, gần như khó nhìn thấy trên nền lông màu nâu. Sự thực là chỉ nhìn thấy vết sẫm đó khi nó chờm lên một cái sọc mầu trắng.

- Bác sĩ xem nó là cái gì? Có phải là máu?

Bác sĩ Reilly cũng đã quỳ xuống.

- Có thể. Tôi sẽ kiểm tra, nếu ông muốn.

- Thế thì hay quá.

Ông Poirot xem xét bình nước và các chậu. Bình nước đặt một bên bàn rửa mặt, chậu thì không có nước, nhưng cạnh bàn, có một can xăng cũ đựng nước thải.

Ông quay lại tôi:

- Lúc một giờ kém mười lăm ra khỏi phòng, cô có nhớ bình nước đặt bên ngoài chậu không?

- Không dám chắc - tôi suy nghĩ một lát - song hình như bình nước đặt trong chậu.

- A!

Tôi vội nói luôn:

- Ông hiểu cho, tôi nói thế vì nó thường vẫn đặt như thế. Bọn bồi thường dọn dẹp mọi thứ đâu vào đấy. Tôi có cảm tưởng nếu không thấy bình nước đặt đúng chỗ, thì tôi cũng đặt lại.

Ông gật đầu:

- Tôi hiểu. Cô làm việc ở bệnh viện nên quen trật tự. Vật gì không để đúng chỗ, là cô đặt lại ngay. Thế còn sau lúc xảy ra án mạng? Mọi thứ có giống như lúc này không?

- Tôi không chú ý đến các chi tiết này, lúc đó tôi chỉ để ý xem hung thủ ở chỗ nào, hoặc hắn có để quên vật gì không.

- Đúng là máu - bác sĩ Reilly đứng lên tuyên bố - Ông coi điều này có tầm quan trọng gì không?

Poirot chau mày, phân vân. Ông huơ hai tay lên:

- Tôi chưa biết. Vết máu này có thể chẳng có ý nghĩa gì. Song có thể từ đó suy luận rằng hung thủ bị tay vấy máu, phải đi rửa. Có thể thế lắm. Tuy nhiên ta chưa vội kết luận.

- Vết thương thỉ chảy máu rất ít - bác sĩ Reilly nhận xét - Máu không vọt, cùng lắm chỉ rỉ ra. Tất nhiên, nếu hung thủ sờ vào vết thương...

Tôi rùng mình. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trong ý nghĩ tôi: một kẻ đập chết người phụ nữ cao sang, rồi cúi xuống lấy ngón tay thọc vào vết thương, thích thú một cách điên loạn.

Bác sĩ Reilly nhận ra sự run rẩy của tôi:

- Cô y tá cô làm sao thế?

- Không... chỉ sởn gai ốc một chút - tôi đáp.

Porot quay lại nhìn tôi:

- Tôi thấy cô cần cái gì rồi. Lát nữa, nghiên cứu xong, tôi sẽ trở về Hassanich cùng với bác sĩ và sẽ mời cô đi theo. Bác sĩ, hãy rót một tách trà cho cô Leatheran.

- Cô hãy làm theo lời tôi - Poirot nói tiếp - Hơn nữa, cô sẽ giúp chúng tôi nhiều. Tôi muốn thảo luận với cô một vài vấn đề mà đề cập ở đây thì không tiện. Ông Leidner rất yêu vợ, và tin rằng ai cũng quý bà ấy như ông ấy quý. Theo tôi, như thế là không tự nhiên! Không, chúng ta còn phải bàn về bà Leidner... như thế nào nhỉ... phải nói thẳng nói thật. Thế nhé, quyết định nhé. Xong việc ở đây cô sẽ cùng chúng tôi về Hassanich.

- Dù thế nào, tôi cũng phải xin thôi việc ở đây. Vị trí của tôi lúc này thật khó xử.

- Cô chớ nên làm thế trong một hai ngày tới - bác sĩ Reilly khuyên - Cô không thể đi trước khi tang lễ cử hành xong.

- Được. Thế nhỡ đến lượt tôi cũng bị ám sát?

Tôi nói nửa đùa nửa thật.

Bác sĩ cũng biết tôi đùa, và tôi chờ một câu dí dỏm đáp lại. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy ông Poirot bỗng đứng khựng giữa phòng và đưa tay đập lên trán:

- A! Rất có thể lắm! - ông lẩm bẩm - Có sự nguy hiểm... phải, nguy hiểm to. Nhưng biết làm thế nào tránh được?

- Ô, ông Poirot, tôi chỉ nói vui thôi mà. Ai giết tôi làm gì, xin hỏi ông đấy?

- Cô… hoặc một người khác...

Giọng nói của ông khiến tôi lạnh xương sống.

- Tại sao? - Tôi gặng.

Ông nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Tôi cũng nói vui thôi mà! Song cô chớ quên rằng, trên đời, Không phải cái gì cũng đem ra đùa cợt được. Nghề nghiệp của tôi đã dạy tôi nhiều sự thật, mà sự thật ghê gớm nhất là thế này: kẻ đã giết người sẽ quen thói giết nữa!